Chủ Nhật, 29 tháng 6, 2008

38 - Sẻ chia - Phạm Nhất Trung K5, SRTKL2: 165-169



Sẻ chia


PHẠM NHẤT TRUNG *
Học sinh khóa 5

Tháng 6. Chiều đang về trên Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Nắng đã sắp tắt. Gió lồng lộng từ phía biển thổi vào. Khói từ những nén nhang mới thắp trên những nấm mộ liệt sĩ xuôi theo chiều gió tạo nên làn sương mờ ảo. Một cô gái đang quỳ gối trước mộ liệt sĩ Nguyễn Mạnh Minh, mắt rưng lệ, hai tay chắp lại, miệng thầm khấn cho anh mãi yên nghỉ và phù hộ cho những người còn sống.

 Cô giáo Nguyễn Thị Bích Liên trước mộ liệt sĩ Nguyễn Mạnh MinhCô giáo Nguyễn Thị Bích Liên trước mộ liệt sĩ Nguyễn Mạnh Minh

Đó là Nguyễn Thị Bích Liên, cô giáo dạy Văn ở trường phổ thông cơ sở Lê Lợi thành phố Quy Nhơn. Là con nhà lính, năm 1954, gia đình tập kết ra Bắc. Đầu năm 1961, ba Liên quay về miền Nam chiến đấu, đến năm 1964 đã anh dũng hy sinh. Là giáo viên Văn, Liên rất yêu quý hình tượng anh bộ đội Cụ Hồ trên sách báo và trong những bài giảng. Đặc biệt năm rồi, cô thực sự xúc động khi được anh trai cho đọc cuốn “Sinh ra trong khói lửa”. Cô đồng cảm với những gì các anh trường Trỗi đã viết. Ngày nhà trường tổ chức du khảo thì Kim Loan, một đồng nghiệp, vì bận việc không tham gia được, đã từ Thành phố Hồ Chí Minh gửi ra lá thư kèm theo tờ Tuổi trẻ Chủ nhật có bài “Nhớ liệt sĩ Nguyễn Mạnh Minh”. Qua Loan, các anh trường Trỗi nhờ Liên khi ra Quảng Trị cố tìm cho được mộ anh Minh. Trước khi xe chạy, anh Cảnh dặn thêm: “Minh là bạn học cùng khóa, hy sinh đã hơn 30 năm. Tìm được mộ, nhớ thay anh thắp hương… Hình như vì còn khó khăn nên gia đình chưa có dịp vào thăm Minh.”

Trong chuyến du khảo, Liên cùng thầy cô sẽ qua thăm cố đô Huế, động Phong Nha và Nghĩa trang Trường Sơn. Nhận trách nhiệm lớn lao này, suốt dọc đường, lúc nào Liên cũng chăm chăm nghĩ về anh Minh. Thật là thương! Anh hy sinh khi vừa 19 tuổi. Ngày ấy còn trẻ quá, anh chưa vợ con, thậm chí chưa hề biết đến cảm giác rung động khi cầm tay người bạn gái!… Khi dừng chân ở Huế, cô đã xúc động đọc cho cả đoàn nghe những lá thư cuối cùng của anh đăng trên mục “Những bức thư thời cứu nước”.

Trên đường về, đã 3 rưỡi chiều, đoàn chỉ còn cách Nghĩa trang Trường Sơn 18km, thấy mây đen kéo đến đầy trời. Sợ mưa, một số có ý muốn đi thẳng nhưng ai đó đã nói: “Phải đến chứ, vì một đồng nghiệp đã nhờ chúng ta viếng giùm mộ người bạn”. Thế rồi xe thẳng tiến. Tới nơi, lần theo thông tin đã ghi trong sổ tay, cô tìm về khu các liệt sĩ thuộc quận Đống Đa (Hà Nội). Thật may, Liên gặp chị Hồng, một quản trang rất giàu tình cảm, nhờ tìm mộ. Mộ anh ở ngay trung tâm nên dễ tìm. Vừa đọc thấy tên anh trên tấm bia mộ, trong cô trào lên cảm xúc của người em gái tìm thấy anh trai sau bao nhiêu năm lưu lạc. Không cầm được nước mắt, cô gục đầu xuống mộ. Phải một lát mới tĩnh tâm lại được. Tay Liên run run quẹt diêm mãi mới thắp cho bó nhang bén lửa. Cô cắm ba nén lên bát nhang trên mộ anh, rồi cả đoàn lần lượt vào thắp nhang. Liên vừa lau nước mắt vừa len lỏi giữa các hàng mộ cắm cho các đồng đội quanh anh. Chị Hồng ngày nào cũng được chứng kiến những hình ảnh xúc động như vậy mà vẫn không cầm được nước mắt:

- Anh trai em đấy ư?

- Không, bạn học của anh em… Em thay mặt anh...

- Yên tâm đi, chúng tôi cũng là những cựu chiến binh sẽ thay gia đình hương khói cho các liệt sĩ.

- Gia đình anh Minh ở tận ngoài Hà Nội, bạn bè cũng ở xa… em xin gửi chị ít tiền để lo hương hoa cho anh vào ngày rằm, mùng một.

- Ấy chết, đấy là trách nhiệm và Nhà nước cũng đã có chính sách...

Nói mãi chị nhất quyết không nhận… Lúc xe chạy rồi, Liên vẫn giàn giụa nước mắt.

Sau chuyến du khảo trở về, cô giáo Liên lúc nào cũng tư lự. Một nỗi buồn man mác. Cô hình dung lại cảnh Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn bát ngát, có hàng vạn nấm mộ nằm bạt ngàn trên những quả đồi. Hàng vạn chiến sĩ đã nằm lại nơi chiến trường ác liệt, hàng nghìn liệt sĩ có danh nay lại thành khuyết danh và có lẽ cũng không ít mộ liệt sĩ chưa một lần được gia đình đến thăm. Mà cả đất nước này đâu chỉ có một Nghĩa trang Trường Sơn! 1

Ngày Kim Loan vừa từ Thành phố trở về, Liên đem ngay chuyện chuyến đi kể lại: “Trước khi đi nhận được thư bà, tôi thấy nặng nề quá. Mà lo nhất, lỡ mà… Ai mà biết trước. Có điều ai cũng ngạc nhiên, anh Minh đâu phải là anh ruột mà sao Liên khóc ghê quá…”. Vừa nghe, nước mắt đã lồng quanh, Loan nghẹn ngào: “Mình mà được đi chuyến ấy, chắc cũng vậy, vì Liên là em trường Trỗi thì mình cũng là dâu trường Trỗi đấy chứ!”

 

Quy Nhơn, hè 2003
P.N.T

 

Khi bài vừa lên trang, Ban biên tập đã nhận được thư của cô giáo Loan gửi về. Cuối thư có đoạn: “Đây là điện thoại của chị Hồng ở Nghĩa trang Trường Sơn, em ghi để thỉnh thoảng anh gọi ra cảm ơn chị ấy. Em định 27 tháng 7 này sẽ gọi ra thăm hỏi, chúc sức khỏe để động viên chị ấy ở nơi khó khăn của Tổ quốc. Chị Đoàn Thị Hồng, 053.883378...”. Chiều 19 tháng 7, chỉ còn hơn tuần lẽ nữa là đến Ngày thương binh, liệt sĩ, tôi đã bấm điện thoại theo số Loan dặn. Hai, ba lần chuông reo. Không ai nhấc máy... Chắc giờ này, tay cầm bó nhang đã bén lửa, chị đang len lỏi giữa những hàng mộ chí. Xin cảm ơn chị Hồng và những đồng nghiệp đã và đang thay mặt gia đình và chúng tôi chăm sóc, thăm nom mộ Mạnh Minh và đồng đội! 

Cuối năm 2003, Trần Chí Thọ trong chuyến đi dọc Trường Sơn đã tạt qua đây. Khi đứng trước mộ Mạnh Minh đã bấm máy gọi cho tôi. Lại có một bạn Trỗi đến thăm Minh.

Rồi một cô bạn, công tác ở Tổng cục Kỹ thuật, khi vào làm việc ở Quảng Trị, đã nhắn tin về: “Hôm qua, vào Nghĩa trang Trường Sơn, tìm được mộ anh Mạnh Minh (sinh năm 1953, nhà ở Khu tập thể Nam Đồng), em đã thắp hương cho bạn Trỗi các anh, có cả hoa huệ nữa...…”

Ngày 19 tháng 7 năm 2004, Hữu Thành email về cho Ban Biên tập: “Thứ Bảy, tôi đi thăm đường Hồ Chí Minh, đoạn A Lưới đến Đồng Hới. Có ghé qua Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn viếng các liệt sĩ và thắp hương cho Nguyễn Mạnh Minh. Lần sau ai qua nhớ mang theo hộp sơn đỏ để tô lại chữ trên bia mộ Minh và đồng đội!”.

Vậy là Mạnh Minh vẫn được sống trong tình anh em...

 


*   Trung tá, đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, thành phố Quy Nhơn.
1.  Theo thống kê đến ngày 27-7-2003: Cả nước có gần 3.000 nghĩa trang liệt sĩ và mới quy tập được 886.700 mộ liệt sĩ, trong đó 132.700 mộ do gia đình trực tiếp chăm sóc. Hiện còn trên 300.000 liệt sĩ chưa tìm được phần mộ hoặc có mộ nhưng còn khuyết danh.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét