Chủ Nhật, 29 tháng 6, 2008

25 - Vì chúng tôi là lính Trỗi - Phạm Việt Cường K3, SRTKL2: 107-109

 
Vì chúng tôi là lính Trỗi


PHẠM VIỆT CƯỜNG*
Học sinh khóa 3


Các bạn lính Trỗi thân mến!

Có ai qua Dung Quất, Quảng Ngãi thì nhớ đến thăm Ngô Ngời. Bạn đang yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Bình Đông. Cứ đến dốc Sỏi, đi theo hướng Dung Quất khoảng 4-5km, sẽ gặp chiếc cầu đầu tiên thì dừng lại, hỏi nhà chú Ngô Câu. Chỗ này ngày đưa hài cốt của Ngời về chưa có cầu, bọn mình phải vượt vịnh bằng hai chiếc mủng (loại thuyền nan hình tròn).

Mọi việc như Võ Quốc Tấn đã kể. Có điều, khi về nhà chú, mình thật xúc động. Cho dù đã được chuẩn bị tư tưởng từ trước nhưng khi mình và anh Ngô Sáng vào đến sân thì cả nhà đều khóc, khóc ầm lên, nhất là má Ngời. Không ai nghĩ mọi việc lại sờ sờ ra trước mắt như thế! Sau khi chuẩn bị xong xuôi, gia đình cho mở bọc hài cốt và xếp lại theo thứ tự để cho vào quách. Mà lạ nhất là lại thiếu mất một đốt ngón tay. Anh em mình vét đi vét lại bọc tăng đựng hài cốt mà không tìm thấy. Lo quá! Khi mọi người đang buồn rầu bởi dù chỉ có một đốt ngón tay vẫn làm trong lòng day dứt, niềm vui không trọn vẹn, thì ba Ngời nói: “Con nó hy sinh ở Campuchia, lại được đồng đội quy tập về biên giới Tây-Nam, nay hài cốt được bạn bè tìm kiếm đưa về quê hương. Thế là quý hóa lắm rồi! Mà cái phúc này không phải gia đình nào cũng có!”. Sau khi ông nói, ai nấy đều cảm thấy nhẹ nhàng và lo nốt phần việc còn lại.

Anh chị em khóa 3 trước ngày chia tay nhà trường trở về nước nhận nhiệm vụ mới, hè 1968

Anh chị em khóa 3 trước ngày chia tay nhà trường trở về nước
nhận nhiệm vụ mới, hè 1968

Sáng hôm sau, gia đình tổ chức tang lễ đúng theo truyền thống dân tộc. Có bàn thờ và di ảnh liệt sĩ đặt trang trọng ở giữa, hương khói nghi ngút, gia dình mời cả ban nhạc, kèn trống... Đại diện các cơ quan, đoàn thể của huyện, xã cùng bà con mang vòng hoa đến viếng. Sau lễ truy điệu, mọi người cùng tiễn đưa Ngô Ngời về nghĩa trang liệt sĩ.

Câu chuyện bạn bè, đồng đội trường Trỗi đã tìm kiếm và đưa hài cốt Ngô Ngời về với gia đình, với quê hương làm cho cán bộ, nhân dân ở địa phương hết sức cảm động. Ai cũng thắc mắc vì sao giữa giông tố thị trường này vẫn có những tình cảm đẹp như thế? Riêng mình, mình chỉ nói với họ ngắn gọn thế này: “Chúng tôi sống tình nghĩa như vậy vì chúng tôi là lính Trỗi!”

Ngày ở trường, mình không có năng khiếu về môn Văn nên có gì nhờ các bạn biên tập lại hộ!

Chúc các bạn khỏe và hạnh phúc! Nhớ nhau mãi nhé!

P.V.C



* Người bạn cuối cùng xách theo chiếc va-li đựng hài cốt của liệt sĩ Ngô Ngời đang đứng tần ngần ở bãi biển (xem “Sinh ra trong khói lửa” trang 65). Anh đã gửi cho Ban biên tập thư cảm ơn của chú Ngô Câu - cha liệt sĩ Ngô Ngời, kèm theo di ảnh của liệt sĩ. Hiện anh sống tại 261 Trần Phú, Đà Nẵng (Điện thoại: 0511-830055).


0 nhận xét:

Đăng nhận xét