Thứ Sáu, 28 tháng 4, 2017

K7 về thăm quê Anh Trỗi


Trong dịp Hội khóa 7 toàn quốc tại TP Đà Nẵng 8-10/4/2017, toàn khoá đã về thăm gia đình và thắp hương AHLS Nguyễn Văn Trỗi (làng Thanh Quýt, xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, Quảng Nam).



Ảnh Phúc Học

Chủ Nhật, 16 tháng 4, 2017

Trích BÊN THẮNG CUỘC - Huy Đức

Trích BÊN THẮNG CUỘC
Huy Đức

[...]
Hai anh em Võ Dũng và Hiếu Dân nhận được tin mẹ và hai em ngay sau Tết năm ấy. Đây không phải là hoàn cảnh cá biệt ở trường học sinh miền Nam. Sau năm 1954 nhiều cán bộ miền Nam không đi tập kết. Với một số cán bộ cao cấp, Đảng đưa vợ con họ ra Bắc trước như bà Ngô Thị Huệ, vợ ông Nguyễn Văn Linh, bà Nguyễn Thuỵ Nga, vợ miền Nam của ông Lê Duẩn. Một số gia đình đã “chia sẻ rủi ro” bằng cách gửi một vài đứa con ra Bắc trong khi cha mẹ vẫn chiến đấu ở miền Nam.
Nhiều người không ngờ miền Bắc “thiên đường của các con tôi”(164) lại thiếu thốn khó khăn như vậy. Bà Bảy Huệ kể:
“Chúng tôi nghèo lắm, lương của tôi, vụ phó được chín mươi ba đồng, nuôi cả bầy con. Mấy đứa trẻ như thằng Dũng, con Hiếu Dân đều ở trong nhà tôi. Tiêu chuẩn mỗi đứa được bốn thước vải mỗi năm mà chúng lớn như thổi, lại nghịch phá, quần áo cứ chẳng mấy lúc mà rách, mà ngắn, chật. Thấy tôi khó khăn, anh Phạm Hùng kêu Ban Thường Vụ Quốc hội cho truy lĩnh tiền lương đại biểu Quốc hội khoá I từ 1946-1959 của tôi, được một khoản tiền lớn, tôi đem gởi Văn phòng Trung ương xài dần”.
Nhưng, thiếu thốn chưa phải là điều mà những đứa trẻ như Võ Dũng khó thích nghi với miền Bắc.
Chị Hiếu Dân kể:
“Trước khi chia tay, má tôi chuẩn bị cho một xấp váy áo, cái nào cũng đẹp. Ra Bắc, một hôm tôi mặc một cái váy ngắn một chút trên đầu gối. Anh Dũng liền kêu vào nhà đánh cho tôi mấy roi và bắt thay ngay. Anh tôi sau đó đã xé đi những bộ đồ đẹp nhất mà má tôi mua cho. Lúc đầu tôi rất ấm ức. Nhưng về sau, nhìn xung quay mới thấy không có đứa trẻ nào mặc váy, không ai mặc đồ màu mè sặc sỡ, tất cả chỉ có màu lính hoặc là màu sẫm. Tôi mới hiểu vì sao anh tôi làm vậy”.
Cả Hiếu Dân và Võ Dũng đều ra tới miền Bắc khi đã lên chín lên mười. Họ đã biết quan sát và so sánh giữa hai môi trường xã hội: miền Nam và miền Bắc. Bà Bảy Huệ kể:
“Võ Dũng là một đứa trẻ rất hiếu động. Giữa đám trẻ không mẹ không cha ấy, Dũng nổi lên như một ‘thủ lĩnh’. Nhiều khi ra đường quậy phá, bị công an giữ, nó lại tìm cách chạy về gặp tôi nói ‘có chuyện quan trọng, cô Bảy phải ra ngay’. Thế là tôi lại phải đi bảo lãnh cho chúng nó. Hồi bọn trẻ học ở Hưng Yên, có bữa Võ Dũng muốn đãi những bạn bè học sinh miền Nam - những đứa trẻ thiếu chất và ăn không bao giờ đủ no - một bữa tươi, nó báo với ông chánh Văn phòng Tỉnh uỷ là ‘ngày mai đám giỗ mẹ’. Thế là Văn phòng Tỉnh uỷ lại chuẩn bị mấy mâm cho nó mời bạn bè. Với bạn bè thì hết lòng, nhưng Võ Dũng không bao giờ chấp nhận sự áp đặt của người lớn. Hồi mới ra Bắc, bác Hồ có kêu mấy đứa trẻ con em miền Nam tới Phủ Chủ tịch. Dũng được bác Hồ gọi đến hỏi: ‘Cháu ngoan không?’. Nhìn đĩa kẹo bánh mà Bác sắp cho các cháu ngoan một cách thèm thuồng nhưng Dũng vẫn nói: ‘Cháu không ngoan’. Về nó bảo tôi: Cháu nói thật”. Theo bà Bảy Huệ: “Bình thường thì nó cũng ngoan như cháu ngoan bác Hồ, nhưng gặp chuyện ai ăn hiếp bạn bè là nó sống chết. Thông minh, gan dạ và hào hiệp lắm”.
Sau này khi gặp nhau trong chiến trường miền Nam, nghe Võ Dũng kể, ông Kiệt mới hiểu những đứa trẻ học sinh miền Nam như Dũng có mặc cảm, người lớn ở miền Bắc không bao giờ chịu nghe chúng nó. Ông Kiệt nói:
“Khi mới vào nó cũng thăm dò ngay cả mình. Nó nghĩ mình cũng giống như mấy ông bà ngoài Bắc quen áp đặt, có nói lại thì không nghe không hiểu ngôn ngữ của nhau. Ở chiến trường một thời gian, nó nói, mấy chú trong này mới lắm”.
Cái chết của mẹ và hai em trở thành một động lực trực tiếp để Võ Dũng kiên quyết vào Nam, phần để “trả thù cho mẹ”, phần để thoát khỏi không gian tù túng đang bó chân một chàng trai mười tám. Năm 1969, anh nhập ngũ sau đó đi thẳng vào Trung ương Cục. Lần đầu vào chiến trường nhưng khi phải di chuyển xuống Khu IX, Võ Dũng đã chọn con đường công khai. Trong vai một Khmer kiều, Võ Dũng được người giao liên của bố anh, bà Sáu Trung, đưa về từ Châu Đốc, theo xe đò xuống Rạch Giá.
Sau khi vợ và hai con mất, ông Võ Văn Kiệt vừa cần một người thân ở bên cạnh vừa, trong thâm tâm, muốn giữ an toàn cao nhất cho con mình. Võ Dũng được đưa về ở trong cơ quan Khu uỷ, cạnh cha. Bác sỹ riêng của ông Võ Văn Kiệt, ông Huỳnh Hoài Nam kể:
“Ổng dặn tôi kèm Dũng, ‘có khó khăn gì mày lo’. Nhưng Dũng rất ngang bướng, nó cứ đòi xuống đơn vị. Dũng kêu: Em về đây để chiến đấu chứ đâu phải để đào hầm cho ba em núp”.
Năm 1971, sau khi lãnh đạo Khu lấy lại được tư thế sau những tổn thất ghê gớm của Mậu Thân, ông Võ Văn Kiệt phát động đưa con em cán bộ ra mặt trận. Dũng nhân đấy nói, không lẽ kêu gọi con người ta ra trận mà con mình ngồi trong cứ, thế là đòi đi. Bác sỹ Nam kể:
“Ổng kêu tôi làm công tác tư tưởng. Tôi nói: ‘Dũng, em về miền Nam làm gì?’. Nó bảo: ‘Chiến đấu trả thù’. ‘Vậy em có thấy bọn anh chiến đấu không?’. Nó bảo: ‘Có, nhưng chiến đấu trong xó không hà’. Tôi lấy chuyện mẹ và các em đã mất ra khuyên can, Dũng vẫn dứt khoát. Ông Kiệt thấy thế đành bảo, thôi để nó đi”.
Dũng đòi bằng được ra một đại đội trinh sát. Ông Kiệt nhớ lại:
“Ông Lê Đức Anh biết chuyện định chuyển cháu về pháo binh, chưa kịp ra quyết định thì Dũng mất”.
Võ Dũng hy sinh ngày 29-4-1972 khi đang luồn qua những hàng rào dây thép gai trinh sát. Theo anh Hồ Văn Út, cận vệ của ông Kiệt:
“Hôm sau, mấy bà má phải vào đồn lính, xin xác Dũng về an táng bên kênh Tư Ký, Sóc Trăng”.
Ông Võ Văn Kiệt nhận được tin con trai hy sinh khi đang chủ trì cuộc họp Thường vụ Khu uỷ. Gương mặt người chính uỷ tái lại, nhưng ông chỉ mím môi để cho nước mắt chảy vào trong.
Những người cận vệ luôn sống cách ông vài bước chân cũng không khi nào nhìn thấy ông Kiệt khóc. Trước ba quân, vẫn là một ông Tám Thuận mạnh mẽ. Nhưng, khi trở về trong chòi riêng ông trở thành một con người khác, lặng câm, cô độc. Bác sĩ Huỳnh Hoài Nam kể:
“Ông thích uống cà phê sữa nhưng dạo ấy ông thường kêu tụi tôi làm ‘chà và đen’, cách ông gọi cà phê không. Đó là loại cà phê dành cho những đêm không ngủ. Kể từ khi bà Trần Kim Anh và hai đứa con thơ mất tích trên sông Sài Gòn, có hai kỷ vật lúc nào cũng được ông Kiệt giữ bất li thân đó là bức chân dung của bà và bộ đồ bà ba may bằng lụa tơ tằm. Bác sĩ Nam kể: “Mỗi khi dời cứ, thường chúng tôi giúp ông xếp đồ. Riêng tấm hình và bộ đồ của bà thì tự tay ông làm lấy”...

Trích "Tản mạn chuyện cũ" - Trần Phong K5

Trần Phong K5

… Hè năm 1963, Võ Dũng sang nhà tôi chơi. Anh em mến nhau, Võ Dũng xin phép cha tôi được ở cùng anh em chúng tôi. Võ Dũng gọi cha tôi bằng Ba. Hết mùa hè, chúng tôi vào học lớp 4 trường Phổ thông Nguyễn Trãi ở đầu phố Cửa Bắc. Tại đây, chúng tôi đã gặp các bạn: Phan Đức Dũng, Nguyễn Đôn Hoà, Huỳnh Kim Trung (anh hùng liệt sĩ). Tôi còn nhớ trường Nguyễn Trãi khá đẹp, kiến trúc kiểu thực dân Pháp. Tôi và Võ Dũng học chung một lớp. Cô giáo CN lớp chúng tôi có tên là Liên Hương. Cô trẻ và xinh nhất trường. Có lần, chúng tôi đang làm bài tập trong lớp, cả lớp im phăng phắc. Trần Lãnh thò đầu nhìn vào lớp học và bảo: "Cô giáo ngủ gật rồi!". Cô giáo đứng phắt dậy, Trần Lãnh bỏ chạy mất. ("Hay thật! Cái tay TP này chuyện gì cũng nhớ, nhất là những chuyện không đứng đắn lắm" - Trần Lãnh nói).

Hồi ấy, Võ Dũng có nhiều bạn bè. Nhóm của Võ Dũng làm cho cô giáo CN lo ngại. Cô sợ kết quả học tập của Võ Dũng không đạt. Cô giáo đã đến gặp cha tôi và bàn bạc một hồi. Vài ngày sau, có một bạn gái, học lớp khác, thật dễ thương đến gặp cha tôi và bảo đến kèm Võ Dũng học tập theo yêu cầu của cô giáo CN. Họ nhanh chóng trở thành đôi bạn học tập. Từ đó Võ Dũng học khá hẳn lên. Bọn con trai chúng tôi chọc ghẹo cô gái là nàng Châu Long vâng lệnh chồng là Dương Lễ đến nuôi chàng hàn sĩ Lưu Bình. Cô gái ngượng ngùng, một thời gian sau không đến nữa. Nhưng kể từ đó, sức học của Võ Dũng khá hơn nhiều. Chúng tôi cùng tốt nghiệp tiểu học. Sau đó, tôi theo gia đình đi sơ tán, còn bạn Võ Dũng về nhà cô Bảy Huệ (phu nhân cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh). Sau này, anh em tôi gặp nhau tại trường Thiếu sinh quân ở Việt Bắc.

(Trích „Tản mạn chuyện cũ” - Trần Phong, 03/06/2011, Blog Tran Phong http://vn.360plus.yahoo.com/tranvanphongk5/article?mid=66.)

Võ Văn Kiệt – Trong bóng dáng một người cha

Võ Văn Kiệt
Trong bóng dáng một người cha

Nguyễn Thành Phong

Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một nhà lãnh đạo xuất sắc của Việt Nam. Ông đã để lại dấu ấn quan trọng trong việc hoạch định và lãnh đạo đường lối Đổi mới đất nước từ năm 1986. Nhiều công trình lớn, có ý nghĩa đặc biệt với quốc kế dân sinh được khởi thảo và thực hiện từ vầng trán của ông. Trong cuộc sống riêng, ông là một người con, người chồng, người cha như bao con người chúng ta, nhiều đồng cảm với chúng ta. Nhân những ngày Xuân sống với không khí gia đình, xin cùng ôn lại một câu chuyện nhỏ về ông...


Chân dung cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt


Ngày 12/7/1995, buổi sáng, Thủ tướng Võ Văn Kiệt phát biểu trực tiếp trên Đài truyền hình Việt Nam để tuyên bố hoan nghênh Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton quyết định bình thường hoá quan hệ với Việt Nam. Buổi chiều hôm đó, ông cho gọi tôi lên để nói chuyện về người con trai đầu của ông, người lính Phan Chí Dũng - đã hy sinh anh dũng tại chiến trường Khu 9 thời chống Mỹ.
Cuối năm 1994, tuần báo Thanh Niên Thời Đại (khi đó tôi là thư ký toà soạn) có biên tập và in một bài báo nhỏ từ câu chuyện của một người bạn học với Phan Chí Dũng. Chuyện rằng: Dù bận trăm công ngàn việc trong cương vị Thủ tướng mà mới đó, chú Sáu Dân đã cho gọi những đứa bạn cùng học với con trai mình hồi tập kết ra Bắc tới và dành hẳn một buổi để trò chuyện, tâm tình. Ông ngồi lặng đi, mái tóc bạc rung khẽ, khi nghe các bạn của Dũng kể về những ngày sống và học tập cùng con trai ông, những phút giây Dũng buồn bã thẫn thờ khi nhớ tới ba, mẹ và các em cùng quê hương còn mịt mờ trong máu lửa. Ông chăm chú tới từng chi tiết nhỏ như cố tìm kiếm điều gì… Rồi ông hỏi:
- Khi đi học ngoài này, Dũng có thương một cháu gái nào không? Nếu có, các cháu cho chú biết để chú có thể tìm…
Tất cả lặng đi vì tấm lòng thăm thẳm của người cha này. Như bao nhiêu người cha khác, ông vẫn luôn tìm kiếm dấu vết còn lại của đứa con đã hy sinh.
Sau khi bài báo in ra, tôi có dịp gặp ông tại Lễ khánh thành Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình. Ông nói với tôi:
- Chú mới đọc bài báo và càng thêm nhớ Dũng nhiều… Chú không biết tụi bay đưa chuyện này lên báo. Nếu biết, chú đã có thể kể thêm nhiều chi tiết nữa về Dũng…

Sau đó, vào đầu tháng 7/1995, tôi có đề nghị được ông kể cho nghe thêm về Phan Chí Dũng. Chính vì thế mà chiều hôm đó, trước chuyến đi công tác dài ngày ở các tỉnh phía Nam, ông đã cho gọi tôi lên.
Ngồi với ông trên ghế đá dưới vòm cây xanh Phủ chủ tịch, tôi nghe ông kể:
- Dũng là con cả của chú. Năm 1951, khi chú lên đường từ trong Nam ra Việt Bắc dự Đại hội lần thứ II của Đảng thì mẹ Dũng có thai và cuối năm đó sanh Dũng. Dự Đại hội xong, chú quay lại chiến trường miền Nam. Rồi Dũng có thêm hai đứa em nữa. Em trai kế Dũng tên là Nam và cô em gái Hiếu Dân. Sau năm 1954, tình hình miền Nam dần dần ác liệt hơn. Ba anh em Dũng cùng nhiều thiếu nhi con em cán bộ miền Nam được lần lượt đón ra Bắc để ăn học. Chia tay, cô chú thương tụi nhỏ ghê gớm. Nhưng tình hình như vậy, còn biết làm sao? Chúng còn quá nhỏ và nhớ ba mẹ dữ lắm.
Đầu năm 1966, báo chí và Đài Tiếng nói Việt Nam ngoài miền Bắc đưa tin và cực lực phản đối việc giặc Mỹ bắn vào chiếc tàu đò Thuận Phong chở toàn dân thường gồm trẻ em, người già và phụ nữ đi trên sông Sài Gòn. Lúc đó, Mỹ tiến hành trận càn quy mô lớn đầu tiên đánh vào vùng “Tam giác sắt” Củ Chi - Bến Cát. Máy bay trực thăng Mỹ quần đảo trên bầu trời. Chiếc tàu Thuận Phong đã lọt vào những con mắt khát máu. Mặc dù biết đây là tàu đò chở dân thường qua lại trên sông Sài Gòn đoạn từ thị xã Tân An lên tới Dầu Tiếng, nhưng để đề phòng hậu hoạ, máy bay Mỹ đã xả súng bắn tới tấp. Chiếc tàu với hơn hai trăm dân thường đã bắt đầu chìm, máu dân thường đã loang đỏ mặt sông mà mấy chiếc trực thăng vẫn châu vào vãi đạn xuống cho tới khi chiếc tàu chìm hẳn mới thôi. Một đoạn sông bầm sẫm máu…
Khi sự kiện này xảy ra, chú Sáu Dân đang công tác ở cơ sở tại Nhà Bè, phía Nam khu Sài Gòn - Gia Định. Nghe tin, ông bồn chồn lo lắng không biết có đồng chí cán bộ hay giao liên nào của ta đi trên con tàu ấy và bị hy sinh? Ông không ngờ một đau thương mất mát rất lớn đã đến với ông: Người vợ thân yêu của ông cùng hai đứa con nhỏ xíu, sinh ra sau khi ba anh em Dũng đã được đón ra ngoài Bắc, trong đó đứa con trai út mới năm tháng tuổi ông còn chưa biết mặt, đã vĩnh viễn nằm lại dưới lòng sông Sài Gòn cùng chiếc tàu này. Bà mẹ cơ sở mà ông coi như mẹ đẻ, người đã về thành phố để đón vợ con ông lên căn cứ, cũng cùng nằm lại nơi đây. Cho tới khi từ cơ sở Nhà Bè về tới căn cứ Củ Chi, ông mới biết chuyện. Nỗi đau như cơn bão cuộn xoáy trong tâm can ông…
Tin mẹ và hai em bị giặc giết, không biết bằng cách nào đã đến trường học sinh miền Nam ở ngoài Bắc và Dũng đã biết được. Anh bắt đầu nung nấu ý định xin vào bộ đội chiến đấu trả thù cho mẹ và hai em. Dũng xin đi học lái máy bay chiến đấu. Anh to khoẻ, mọi tiêu chuẩn đều đạt, duy chỉ có một chiếc răng hỏng nên bị loại. Sau khi tốt nghiệp cấp III, trong khi nhiều bạn học đi vào đại học hoặc tới học viện quân sự ở nước ngoài thì Dũng nằng nặc đòi vào Nam. Các bác các chú có phân tích, khuyên nhủ thế nào Dũng cũng không nghe, cứ nhất quyết đòi vào Nam để được chiến đấu và gặp ba. Đòi riết rồi anh cũng được chấp nhận.
Sau rất nhiều ngày hành quân gian khổ, Dũng tới được vùng Củ Chi và gặp lại ba. Hai cha con ôm nhau sau bao ngày xa cách, sau mất mát đau thương. Dũng nói với ba:
- Con sẽ ở với ba một thời gian cho thoả bao lâu nay phải xa ba. Rồi ba cho con xuống đơn vị trực tiếp chiến đấu.
Thời gian đó (khoảng cuối năm 1970) tình hình chiến trường hết sức căng thẳng, nhất là ở Khu 9. Giặc Mỹ triển khai kế hoạch Việt Nam hoá chiến tranh, tiến công càn quét ghê gớm để chuẩn bị ngồi vào bàn Hội nghị Paris. Ba của Dũng khi đó là Bí thư khu uỷ Sài Gòn – Gia Định. Trên quyết định đưa ông xuống tăng cường cho Khu 9. Thấy ba chuẩn bị đi xuống chiến trường trực tiếp chiến đấu, Dũng nhất quyết đi theo. Nhận thấy quyết tâm của con trai, ông đã đồng ý cho Dũng đi. Dũng hăm hở lao vào cùng tổ bảo vệ chuẩn bị đi xuống Khu 9 trước để lo căn cứ, còn ông sẽ xuống sau. Từ Sài Gòn – Gia Định xuống tới Khu 9 xa tới mấy trăm cây số và có hai cách đi: Đi bí mật và đi công khai. Đi bí mật thì an toàn nhưng mất nhiều thời gian, còn đi công khai trên các tuyến xe đò thì nhanh hơn, mất chưa tới hai ngày nhưng rất mạo hiểm vì Dũng đang trẻ, ở độ tuổi quân dịch, dễ bị vây bắt đi lính như chơi.
Ông gọi Dũng tới và hỏi:
- Có hai cách đi đó. Con chọn cách đi nào?
- Con đi công khai! – Dũng đáp quả quyết.
- Nhưng như vậy nguy hiểm lắm. Con đã lường hết chưa?
- Con đã tính hết rồi. Ba cứ yên tâm.
Nói như vậy nhưng Dũng vẫn phải qua một cuộc “sát hạch” rất kỹ lưỡng. Người trực tiếp “sát hạch” Dũng là cô Sáu Trung. Cô là một cán bộ giao liên giàu kinh nghiệm, rất mưu trí và dũng cảm (Sau này cô Sáu Trung được phong danh hiệu Anh hùng và trở thành người thân thiết trong gia đình chú Sáu). Cô Sáu Trung đặt ra bao nhiêu câu hỏi về các tình huống có thể xảy ra và bắt Dũng phải trải lời về cách xử lý thật chi tiết. Dũng đã trả lời đạt yêu cầu cô Sáu Trung. Cô tới nói với ba của Dũng:
- Thằng Dũng được lắm. Anh cứ cho nó đi công khai. Xuống đó chắc nó còn làm nên chuyện nữa. Tôi đảm bảo với anh vậy mà.
Rất lo cho con, mặc dù đã đồng ý với cô Sáu Trung, trước khi Dũng đi, ông còn gọi Dũng tới dặn thêm:
- Nếu nhỡ con bị tụi nó bắt thì cứ nhận đại cái vụ mình làm giả giấy tờ để trốn lính thôi. Sau đó, thế nào nó cũng giam con một vài ngày rồi đưa tới Quang Trung để huấn luyện. Con cứ làm theo. Khi nào bị đưa ra trận thì cố chạy sang phía mình rồi xin gặp mấy chú, mấy bác ở trên. Ba biết, ba sẽ cho người đón con về.
Dũng trả lời làm cho ông nhớ mãi:
- Nếu rủi có thế thiệt, khi vô Quang Trung, con sẽ cố hết sức học và tìm hiểu tụi nó để sau này ra, con sẽ “oánh” lại chúng ngon hơn.
Chuyến đi công khai của Dũng xuống Khu 9 diễn ra hết sức “ngon lành”. Dũng dùng giấy tờ giả là thanh niên Việt kiều ở Campuchia mới về nước đang ở trong diện miễn quân dịch tám tháng. Trên đường đi, đôi ba lần Dũng tìm cách làm quen và sà vào chơi với tụi lính nguỵ, tranh thủ tìm hiểu cách bố phòng, hoạt động của tụi nó.
Xuống tới Khu 9, Dũng nhập vào đơn vị bảo vệ của Khu uỷ. Dũng giấu không cho ai biết mình là con trai ông Sáu Dân. Dũng sống phóng khoáng và hoà nhập với tất cả mọi người. Ai cũng quí mến Dũng vì Dũng vui, tốt bụng và đặc biệt là gan dạ và mưu trí. Có lần, một tổ cán bộ của ta trên đường tới Khu uỷ công tác thì bị giặc phục kích bắn và tổ cán bộ đã lạc mỗi người một nơi giữa vùng đất lạ lẫm. Dũng biết chuyện và dẫn anh em lặn lội đi tìm, bất chấp mọi nguy hiểm để gom lại đủ số cán bộ đó đưa về căn cứ. Đơn vị bảo vệ Khu uỷ sau đó được tuyên dương Đơn vị anh hùng. Trong thành tích chung, có đóng góp của Dũng. Là đơn vị bảo vệ nên mục tiêu chính là bảo vệ an toàn cán bộ. Mỗi khi địch đánh tới, đơn vị thường nhanh chóng đưa cán bộ rút đi chỗ khác, chỉ có một bộ phận nhỏ rút chậm để đánh địch nhằm mục đích bảo vệ. Bao giờ Dũng cũng ở trong bộ phận rút sau cùng này.
Ở đơn vị này chưa đầy năm thì Dũng không chịu nữa. Dũng nằng nặc đòi ba mình cho ra đơn vị chiến đấu trực tiếp. Dũng nói với ba:
- Ở bảo vệ, giặc tới thì rút hoài, chán lắm. Con hứa sẽ trả thù cho má và hai em. Không được đánh giặc thì trả thù làm sao? Đợt này dứt khoát ba phải cho con xuống đơn vị chiến đấu.
Đúng vào dịp này, trên có chỉ thị tăng cường cán bộ giỏi và mạnh cho các đơn vị chiến đấu trực tiếp, tập trung tấn công lại địch. Ông đã đồng ý và Dũng khoác ba lô lên vai, chia tay ông. Xuống tới đơn vị chiến đấu, Dũng xin vào đại đội trinh sát mũi nhọn. Dũng đã cùng anh em trinh sát nhiều đồn bốt và lập phương án tấn công. Vài tháng sau, ông nhận được tin Dũng hy sinh anh dũng khi cùng đơn vị đánh tan đồn Bàu Ráng của địch. Dũng ngã xuống trong tư thế hướng về phía địch. Máu từ vết thương đã thấm đỏ khắp thân hình anh và khẩu súng hết đạn vẫn đang ghì chắc trong tay…
Kể tới đây, giọng chú Sáu Dân như trầm hẳn xuống:
- Hồi đó, Tư lệnh Khu 9 là anh Sáu Nam (Chủ tịch nước Lê Đức Anh sau này). Anh Sáu Nam biết rõ những mất mát của chú. Khi Dũng xuống đơn vị chiến đấu một thời gian, anh Sáu Nam mới biết. Ảnh không đồng ý với chú. Ảnh đã lệnh cho tham mưu và viết thư xuống trung đoàn kêu Dũng về để học lớp pháo binh. Dẫu sao, lúc đó Dũng cũng là đứa học hành tới nơi, tới chốn, cần phải chú ý để đào tạo, bồi dưỡng nhằm xây dựng quân đội lâu dài. Thư anh Sáu Nam gửi tới trung đoàn đúng vào lúc Dũng vừa hy sinh – Ông ngừng lời, rồi nói chậm rãi – Nhưng… nếu như lá thư có đến sớm hơn, thì chắc Dũng cũng không chịu. Nó đang say chiến đấu đến thế cơ mà. Chú hiểu nó lắm. Chỉ tiếc là nó đã hy sinh sớm quá. Nếu không, chắc nó còn làm nên nhiều chuyện nữa…

Tôi ngồi yên lặng như cùng chia sẻ với ông hồi tưởng về đứa con yêu. Lúc sau, tôi rụt rè hỏi ông:
- Thưa chú, chú họ Võ, vậy sao Dũng lại mang họ Phan?
Ông đã dứt ra khỏi dòng hồi tưởng:
- Đâu có, chú họ Phan chớ. Vậy nên Dũng cũng họ Phan mà. Võ là họ của mẹ chú. Chú thương bả lắm. Vì vậy, khi hoạt động, chú lấy họ Võ là theo họ mẹ đó.
Tôi đưa hai bàn tay nắm lấy tay ông. Ngồi bên cạnh tôi không còn là khoảng cách với vị thủ tướng mà là một người con hiếu đễ với cha mẹ, quê hương, dòng tộc. Và trong bóng dáng một người cha, Võ Văn Kiệt cũng như bao nhiêu người cha trên đời này, cũng thường đau đáu về những đứa con của mình. Tôi khẽ hỏi:
- Chú ơi, vậy bây giờ anh Dũng nằm ở đâu?
- Sau khi Dũng hy sinh, anh em đưa Dũng về chôn cất ở nghĩa trang trong khu căn cứ. Sau giải phóng, chú cho đón Dũng về thành phố Hồ Chí Minh, hoả táng hài cốt Dũng. Bình tro hài cốt Dũng được đặt ở nghĩa tranh thành phố cùng mẹ và hai em của Dũng. Nhưng chỉ có tro hài cốt của Dũng là có thật. Còn mẹ và hai em của Dũng thì chỉ là nắm đất lấy từ lòng tàu Thuận Phong làm tượng trưng thôi.
Sau khi chiếc tàu đò Thuận Phong bị giặc Mỹ bắn chìm, các đồng chí của ông cùng bà con bên ngoại đã mò tìm bao nhiêu lâu, hết nước ròng lại nước lớn mà không sao tìm được thi hài của vợ và hai con của ông. Sau này, người ta đã trục vớt được xác chiếc tàu đó lên. Bao gia đình có người thân chết trong chiếc tàu đó, mỗi gia đình bốc lấy một nắm đất đưa về làm mộ tượng trưng cho họ mà thôi.
Vậy là nỗi đau và mất mát trong chiến tranh đã chạm đến hầu hết các gia đình Việt Nam. Và vấn đề hài cốt những người đã mất trong chiến tranh đã có ở ngay trong gia đình của một trong những người lãnh đạo cao nhất của đất nước ta. Thế mà nhiều năm qua, chúng ta chưa làm được bao nhiêu để giải quyết việc này, cũng có phần để tập trung lo tìm hài cốt của những người lính Mỹ. Chúng ta làm điều này vì nhân đạo, vì hoà hiếu, vì mong muốn khép lại quá khứ, hướng tới tương lai. Không biết những gia đình của những người lính Mỹ mất tích, chưa tìm thấy hài cốt trong chiến tranh ở Việt Nam có hiểu được điều này?
Tôi nói với ông điều này và đưa ra bình luận về phát biểu của ông trên truyền hình buổi sáng, tuyên bố sẵn sàng thiết lập ngoại giao bình thường với Hoa Kỳ nhân tuyên bố của Tổng thông Bill Clinton bình thường hoá quan hệ với Việt Nam..
Ông cười, kể:
- Khi chú nói xong trên tivi, có một ông già nông dân ở Đồng Nai gọi điện thoại ra Văn phòng Chính phủ nói muốn trực tiếp nói chuyện và chúc mừng Thủ tướng về thắng lợi này. Văn phòng ghi lại số điện thoại của ổng và đầu giờ chiều nay, chú đã gọi vào nói chuyện với ổng. Chú với ổng thống nhất là thật đáng vui mừng vì chuyện nầy và dù sao thì cũng cần nhanh chóng hướng tới tương lai để xây dựng đất nước, vì các thế hệ tương lai…

Nguyễn Thành Phong

Nguồn: Báo Điện tử Dân Sinh - 21/02/2015 11:49

Thứ Bảy, 15 tháng 4, 2017

Con trai chú Sáu Dân

Đà Nẵng cuối tuần Thứ Bảy, 29/12/2012, 07:10

Con trai chú Sáu Dân

THANH QUẾ

Tôi quen biết với Dũng - Con trai chú Sáu Dân - một cách bất ngờ

Anh Võ Dũng.
Vào tháng 9-1969, sau khi chạy gõ cửa chú Phan Triêm, Phó Ban Tổ chức Trung ương và các chú ở Vụ miền Nam để xin đi Nam, tôi được triệu tập đến Trường 105B, trường huấn luyện cán bộ đi B ở Hòa Bình. Chúng tôi được tập bắn súng, mang gạch, đi bộ để chuẩn bị đi B (về Nam). Tôi ở Chi (*) II đi Khu V. Hằng ngày, tôi vẫn được anh chị em chỉ cho một cậu thanh niên độ 18, 19 tuổi, người roi roi ở Chi I đi Nam Bộ: Con ông to đấy. Nghe nói hư lắm nên ông bố gọi về Nam để rèn luyện.
Nghe anh em nói vậy, tôi thấy có cảm tình với con ông “quan” này, nhưng cậu ta ở chi khác nên tôi không làm quen vì sợ “thấy người sang bắt quàng làm họ”. Dạo ấy, tôi học xong đại học đã 2 năm, đang làm ở Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương thì xin đi B.
Một hôm, vào tối thứ 7 Trường tổ chức liên hoan văn nghệ. Các bạn biết tôi võ vẽ làm thơ nên ép tôi lên đọc thơ. Tôi đọc bài “Ta sẽ trở về” nói lên nguyện vọng tha thiết về Nam của mình với lời dạo đầu là tôi viết để hưởng ứng bài thơ “Về đi em” của nhà thơ Lê Anh Xuân, một người anh tôi quen biết, kêu gọi các bạn học sinh miền Nam trở về quê hương chiến đấu. Xong cuộc liên hoan văn nghệ, trên đường về chi thì cậu ta níu tôi lại:
- Em là Dũng (tôi nhớ hình như cậu nói cậu là Phan Chí Dũng, bây giờ đi Nam cậu đổi là Võ Dũng cho giống họ ba cậu đang mang), em nghe anh đọc thơ tình cảm quá, lại có quen nhà thơ Lê Anh Xuân người Nam Bộ của em nên em muốn làm quen và từ nay anh em chơi với nhau.
Vậy là lúc rảnh, Dũng hay rủ tôi ra đồi nói chuyện chơi. Dũng bảo Dũng là con chú Sáu Dân (ngày ấy tôi cũng không tò mò hỏi chức vụ này nọ, tôi cứ chơi với Dũng như anh em thôi). Dũng ra Bắc có 2 anh em, Dũng và em gái nữa. Sau này tôi có gặp em lên trường thăm Dũng, em độ 12, 13 tuổi. Dũng bảo, ba Dũng có ra Bắc họp một vài lần. Ba gửi Dũng cho mấy chú chăm sóc. Mấy chú nói sẽ lo cho Dũng còn hơn con mình. Nhưng đôi lúc Dũng chơi với con họ, con họ sai mà họ đổ cho Dũng này nọ, Dũng chán, bắt đầu nghịch ngợm, đánh lộn. Đứa nào “chơi” Dũng là Dũng “chơi” lại liền. Đến năm 17, 18 tuổi, Dũng lại gặp chuyện buồn trong tình yêu đầu đời, vì thế Dũng bắt đầu “phản bội” luôn những cô gái khác. Dũng đưa cánh tay cho tôi xem dòng chữ màu xanh mà Dũng xăm: “Tôi là kẻ bất hạnh”. Tôi nói, cậu mà bất hạnh cái nỗi gì, tớ tới 24 tuổi mà chưa được cầm tay con gái. Dũng cười bảo, bất hạnh chớ, bất hạnh vì còn nhỏ mà đã hư thân mất nết, làm phiền lòng ông già.
Thế là Dũng bị các chú viết thư báo tin cho ba. Ba Dũng buồn lắm. Ông viết thư cho Dũng, Dũng lục dưới đáy ba-lô đưa cho tôi xem một lá thư. Bây giờ tôi nhớ đại ý: “Từ khi má con mất ba buồn lắm. Ba lại nghe các chú nói con rất hư, ba buồn hơn. Thôi, con hãy về đây, cha con mình có nhau, để ba có điều kiện giúp đỡ con tiến bộ, trưởng thành, để con sưởi ấm lòng ba…”. Nghe lời ông già, thế là Dũng tình nguyện về Nam. Các chú ở Ban Tổ chức Trung ương bảo:
- Các chú cho cháu đi máy bay qua Campuchia rồi giao liên đưa về chỗ ba cháu.
Dũng bảo:
- Thưa các chú. Con không đi máy bay đâu. Đã đi Nam là phải vượt Trường Sơn. Nhiều chú, bác, anh chị là cán bộ còn vượt Trường Sơn, con mới là học sinh lớp 9, làm sao con lại đi máy bay.
Dũng được phát võng ni-lông, bọc võng vải dù, nhưng lại từ chối, chỉ nhận như các anh chị là võng kaki và màn vải.
Những ngày hành quân, Dũng ở Chi I (đi Nam Bộ), tôi ở Chi II nhưng bao giờ Dũng cũng đi chậm lại để cùng đi với tôi. Dạo đó tôi được phân vào Khu V làm báo nên mang máy ảnh, thuốc rửa ảnh, giấy ảnh nhiều lại thêm tư trang nên rất nặng. Dũng nói, anh nhỏ con, lại yếu, mà mang nặng nên để em mang giúp gạo, ba-lô cho. Biết tôi nghiện thuốc lá nên Dũng mang thuốc lá theo (Dũng cũng hút ít) để thỉnh thoảng cho tôi một gói. Lạ nữa, là khi chúng tôi đến gần Khu V, tôi hết thuốc lá, xin Dũng, Dũng chỉ cho nhin nhín, bảo “Em hết rồi”.
Vào những ngày nghỉ dọc đường, Dũng thường đến chơi với tôi. Tôi quên nói, cùng đi với Dũng có một cậu lớn hơn Dũng mấy tuổi, tên là Quốc. Cậu ấy cũng rất mến tôi nên 3 anh em hay chơi với nhau. Chúng tôi thường tán gẫu, đánh tú lơ khơ là chính, ít nói chuyện gì khác. Một lần nghỉ, tôi tìm được một khóm lá lốt, đang hái thì Tuấn ở Chi III, đoàn đi Trị Thiên cũng xông vào hái. Chẳng rõ thế nào mà tôi và Tuấn to tiếng với nhau. Chợt Dũng từ đâu ùa tới, nạt nộ Tuấn:
- Mày “chơi” với anh hai tao hả mày, coi chừng tao “tẩn” đó.
Tôi biết Dũng thương tôi, nhưng bênh tôi không đúng, tôi nhớ cả tôi và Tuấn đều sai vì ăn nói hơi quá đà, tôi can Dũng:
- Thôi đi em, anh cũng sai mà.
Tôi dắt tay Dũng đi, Dũng càm ràm:
- Từ nay đứa nào “láo” anh cứ gọi em.
Càng đi vào phía Nam, sắp tới Khu V, Dũng càng chăm sóc, mang vác giúp tôi nhiều hơn. Một đêm, tôi nghe Chi trưởng báo ngày mai chúng tôi sẽ rẽ xuống Khu V. Tôi chạy sang Chi Nam Bộ chia tay Dũng và Quốc. Dũng cầm tay tôi rất lâu, không nói gì.
Sáng hôm sau, khi tôi đến đường rẽ về Khu V thì thấy Dũng và Quốc ngồi bên đường. Thấy tôi, hai cậu reo lên:
- Chi em đi trước rồi, bọn em xin phép ở lại để chia tay anh.
Dũng lấy từ trong ba lô ra 2 tút thuốc Tam Đảo bao bạc đưa tôi:
- Anh cầm đi mà hút, anh ghiền hơn em. Bữa trước em không cho anh biết em còn để dành thuốc, vì sợ anh “đục” mãi, hôm nay không còn để tặng anh lúc chia tay….
Ba anh em tôi ôm chặt nhau đứng rất lâu. Dũng rút từ trong túi áo ra một tờ giấy nho nhỏ đã ghi sẵn “Liên hệ em qua chú Sáu Dân, hòm thư…”
Sau đó Dũng cầm tay tôi bảo:
- Anh có làm thơ, viết báo thì cứ ghi tên Thanh Quế để người ta đọc trên đài, ghi trên báo, em sẽ nhận ra. (Khi đi Nam, tôi định sau này có viết gì sẽ lấy tên là Đông San Vĩ, cái tên tôi lấy bút danh để làm thơ từ hồi còn ở trường Học sinh miền Nam. Nhưng nghe Dũng dặn vậy nên sau này tôi lấy bút danh là Thanh Quế luôn).
Dũng lại ôm tôi, mắt rưng rưng:
- Thống nhất anh em mình nhớ tìm nhau nghe. Địa chỉ em đưa đó…
Suốt những năm tháng sau đó, chúng tôi không có dịp liên hệ nhau. Sau giải phóng Sài Gòn, tôi hỏi nhà thơ Diệp Minh Tuyền:
- Anh có biết chú Sáu Dân là ai không? Ổng bây giờ ở đâu?
Diệp Minh Tuyền hỏi lại tôi:
- Mày hỏi chú Sáu Dân làm gì?
- Tôi có quen với thằng Dũng con chú ấy, nó hẹn liên hệ gặp nó qua ổng.
Mắt Diệp Minh Tuyền sáng lên:
- Mày quen thằng Dũng à? Nó đi Nam một đợt với mày à?
- Đi một đợt.
- Tao báo mày một tin buồn: Thằng Dũng vào Nam, xin làm lính trinh sát ở Quân khu 9. Nó dũng cảm lắm, mọi người đều khen nó. Nó cứ bám đơn vị miết. Ông Lê Đức Anh, Tư lệnh Khu 9 được ai nói đó, biết thằng Dũng là con chú Sáu Dân (ông không biết chính chú Sáu Dân, Bí thư Khu 9 là người gửi Dũng vào lính trinh sát để rèn luyện phấn đấu) nên nhắn đơn vị đưa nó về Quân khu để đỡ tổn thất. Chưa kịp rút nó về thì nó hy sinh rồi. Tội nó quá. Tội chú Sáu nữa…
- Anh có biết thằng Quốc bạn thằng Dũng không?
- Thằng Quốc cũng hy sinh rồi.
Tôi đứng lặng hồi lâu ứa nước mắt rồi nói với anh Diệp Minh Tuyền:
- Chú Sáu Dân có ở Sài Gòn không? Tôi đến nhà thăm chú có được không?
Diệp Minh Tuyền cười có vẻ bí mật:
- Mày không biết chú Sáu Dân là ông Võ Văn Kiệt à (Lúc đó ông làm Chủ tịch Ban quân quản Sài Gòn-Gia Định).
Tôi sửng sốt:
- Thế à. Tôi đâu biết. Tôi chỉ nghĩ Dũng là con ông to to cỡ tá tiếc gì đó, chớ đâu có ngờ. Tôi chơi với nó vì tình anh em thôi. Bây giờ biết nó là con ông Kiệt… mà nó lại hy sinh rồi… thì thôi, tôi không đến tìm ông nữa… ngại quá…
Bây giờ, sau mấy chục năm đã trôi qua, ngồi viết lại những kỷ niệm này, tôi càng thương nhớ Dũng, một người em. Dũng, một con người nhìn bề ngoài cứ ngỡ là ngỗ ngược lắm nhưng đằm sâu bên trong là một con người giàu tình cảm, đầy ân tình ân nghĩa. Dũng ra chiến trường với tư cách một cậu bé “hư” bị cha mình kêu về rèn giũa và em đã rèn luyện hết mình, phấn đấu hết mình để làm nhiều việc có ích và đã hy sinh anh dũng. Tôi còn muốn nói thêm điều này nữa: Người cha ở đây có chức vụ cao có thể can thiệp cho con mình đi học ở nước ngoài để bảo toàn tính mạng giữa đất nước đầy bom rơi đạn nổ và sau này, có kiến thức để có địa vị cao, có tiếng tăm. Nhưng không, ông đã gọi con mình quay lại chiến trường để tham gia chiến đấu và chính ông đã gởi con mình xuống cơ sở, làm một chiến sĩ trinh sát, một nhiệm vụ rất cần lòng dũng cảm, rất dễ hy sinh để rèn luyện con trưởng thành…
Người cha đó, người con đó là ông Võ Văn Kiệt và Dũng, con trai ông…


Đà Nẵng 12-2012
THANH QUẾ

---------
(*) Chi là Đoàn
(Nguồn ảnh: Phuntutoday ngày 17-5-2011)

Báo Đà Nẵng

Báo liếp "BẠN TRỖI K5" giới thiệu 04/01/2013