Liệt sĩ Vũ Kiên Cường - K5



Liệt sĩ Vũ Kiên Cường
Học sinh khóa 5.
Sinh 1953.
NR: Ngọc Hà, Ba Đình, HN.
Sinh viên năm thứ hai Đại học Thuỷ lợi.
Nhập ngũ: 6/9/1971.
Đơn vị: C15 E95 F325B.
Hy sinh: 27 hay 28/07/1972 (17 hay 18/6 Nhâm Tý) - trên bia mộ ghi ngày hy sinh: 28/08/1972
tại Thành cổ Quảng Trị.
Mộ ở NTLS Ái Tử, huyện Triệu Phong, Quảng Trị. (Nhờ nhà ngoại cảm).
Liên hệ gia đình: Mẹ Lê Thị Kim Liên, số nhà 48, ngõ 62 phố Ngọc Hà, Ba Đình, HN. (04.38435355).

Em trai Vũ Dũng FB Dũng Vũ, Vũ Nghị FB Vũ Nghị.

 ❀ ❀ ❀ ❀


Mời xem bài viết:
  1. Bạn Trỗi K5 HN thắp hương tri ân các LS nhân ngày TBLS 27/7 - Hùng Nguyễn, 18/7/2022, Blog AHLS.
  2. Lễ Tang Thân Mẫu Liệt sỹ Vũ Kiên Cường Khoá 5 - Ngô Thế Vinh, 31/03/2022, Blog AHLS.
  3. QUÀ LƯU NIỆM CỦA KHÓA TẶNG GIA ĐÌNH LIỆT SỸ K5 NHÂN 27/7 - The Thinh Nguyen, 09/07/2021, Blog AHLS.
  4. BLL K5 HN thăm gia đình và thắp hương tưởng nhớ bạn Liệt sĩ - Phạm Hồng Phương K5, 23/07/2020, Blog AHLS.
  5. Ngày Giỗ Liệt Sỹ Vũ Kiên Cường K5... - Ngô Thế Vinh, 19/08/2019, Blog AHLS.
  6. Quảng Trị ơi, đồng đội tôi còn nằm lại - Trần Kiến Quốc, 31/07/2019, Blog AHLS.
  7. Thắp hương các Liệt Sỹ K5 ở Hà Nội... - Ngô Thế Vinh, 24/07/2019, Blog AHLS.
  8. Thông tin mộ Liệt sĩ Trường Trỗi các khóa tại Quảng Bình, Quảng Trị - Tổng hợp, 04/04/2019, Blog AHLS.
  9. Ngày Giỗ Liệt Sỹ Vũ Kiên Cường... - Ngô Thế Vinh, 28/08/2018, Blog AHLS.
  10. Thông tin mộ Liệt sĩ Vũ Kiên Cường K5 - TTh, 15/08/2018, Blog AHLS.
  11. Câu chuyện từ một tấm ảnh- Sưu tầm, 27/7/2018, Blog AHLS.
  12. K5HN thăm gia đình liệt sĩ- Phạm Hồng Phương, 25/7/2018, Blog AHLS.
  13. Chùm thơ Tưởng nhớ các bạn liệt sĩ K5- Kiến Quốc, 22/7/2018, Blog AHLS.
  14. Ảnh LS Vũ Kiên Cường- Nguyễn Trọng Quang Vinh, 01/7/2018 - Blog AHLS.
  15. Giỗ bạn LS Vũ Kiên Cường- Trần Quốc Sủng, 11/08/2017 - Blog AHLS.
  16. Thắp hương bạn Vũ Kiên Cường tại NTLS huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị - Trần Quốc Sủng, 31/07/2017 - Blog AHLS.
  17. Lưu bút của Vũ Kiên Cường- Nguyễn Quang Vinh, 07/08/2017 - Blog AHLS.
  18. Thăm gia đình, thắp hương các Liệt sỹ BạnTrỗiK5 tại Hà Nội...- NgoTheVinh, 20/07/2017 - Blog K5.
  19. Bạn Trỗi K5 thăm gia đình, thắp hương các Liệt Sỹ...- NgoTheVinh, 22/07/2015 - Blog K5.
  20. Bạn Trỗi K5 thắp hương các Liệt Sỹ, gặp mặt các Thương Binh - NgoTheVinh, 24/07/2014 - Blog K5.
  21. Thắp hương các Liệt Sỹ và gặp mặt các Thương binh K5 - NgoTheVinh, 24/07/2013 - Blog K5.
  22. Thơ khóc bạn liệt sĩ Vũ Kiên Cường của Lê Bình - Ngô Thế Vinh, 27/07/2013 - Blog K6.
  23. Thăm "di tích" cuối cùng của chuyến đi - HữuThành.Nguyễn, 30/05/2012 - Blog K4.
  24. Nhớ Vũ Kiên Cường và tuổi thơ nghịch ngợm 4 - Lê Chí Hòa, 25/11/2011 - Blog K5.
  25. Nhớ Vũ Kiên Cường và tuổi thơ nghịch ngợm 3 - Lê Chí Hòa, 24/11/2011 - Blog K5.
  26. Nhớ Vũ Kiên Cường và tuổi thơ nghịch ngợm 2 - Lê Chí Hòa, 22/11/2011 - Blog K5.
  27. Nhớ Vũ Kiên Cường và tuổi thơ nghịch ngợm 1 - Lê Chí Hòa, 21/11/2011 - Blog K5.
  28. Tin thêm về LS Vũ Kiên Cường k5 - TranKienQuoc, 18/04/2011 - Blog Báo liếp: Bantroik5 (3).
  29. Lá thư cuối cùng của bạn - bantroik5sg, 4/8/2010 - Blog K5.
  30. Thông tin mới nhất về mộ phần LS Vũ Kiên Cường - Vũ Kiên Nghị k9, 4/8/2010 - Blog K5.
  31. LS Vũ Kiên Cường an táng ở NTLS huyện Triệu Phong, Quảng Trị - TKQ, 31/7/2010 - Blog K5.
  32. Thông tin mới về LS Vũ Kiên Cường - bantroik5sg, 30/7/2010 - Blog K5.
  33. Những bạn khóa 5 hy sinh tại Quảng Trị 1972  - Lê Hòa Bình k5, SRTKL 1, Tr.:
  34. Quảng Trị và những đồng đội còn nằm lại  - Lê Chí Hòa K5, SRTKL 2, Tr.: 204-208.
  35. DANH SÁCH ANH HÙNG, LIỆT SỸ - SRTKL3: 993-999
  36. 9 - Danh sách các Anh hùng, Liệt sĩ - Ban biên tập, SRTKL2: 45-51
  37. Tưởng nhớ 31 thầy, bạn của chúng ta đã hy sinh - FB Tran Kienquoc, 28 Tháng 7 2015.
Sưu tầm trên mạng:
  1. Quảng Trị - Mảnh đất bi hùng - Video Clip



Lá thư cuối cùng của bạn


BBT SRTKL tập III

Mẹ Lê Thị Kim Liên, mẹ liệt sĩ Vũ Kiên Cường (khóa 5), trong một lần lục lại đống giấy tờ cũ đã tìm thấy lá thư cuối cùng của Cường viết về từ mặt trận Quảng Bình. Chỉ hơn một tháng sau, bạn hy sinh... Biết tin chúng ta đang biên tập sách Tập III, mẹ đồng ý tặng lại kỉ vật yêu dấu này. Xin được trân trọng giới thiệu!

Ngày 23 tháng 6 năm 1972 - Đông Quảng Bình
Bà, mẹ kính yêu và các em thương nhớ!
Hôm nay là ngày nghỉ; (gọi là ngày nghỉ cũng không thật đúng bởi vì vẫn phải đi học chính trị) nhưng như vậy đối với bọn con là nhàn nhất đấy, mẹ ạ! Còn những ngày khác thì phải phơi ra giữa nắng, ba lô nặng trĩu, pháo đè rát vai, băng đèo lội suối... Nhân tiện ngày nghỉ, con viết thư gửi về cho mẹ, để thăm hỏi tình hình gia đình. Đây là lá thư thứ 2 con viết về cho mẹ từ miền đất Quảng Bình nắng cháy và căng thẳng. Con trong này rất khỏe, vui và vẫn tỉnh táo sẵn sàng chờ lệnh lên đường, mẹ ạ! Tuy có gầy đi, đen hơn nhưng cứng rắn và dạn dày hơn nhiều. Bọn con trong này nghe tin giặc Mỹ bắn phá Hà Nội rất sốt ruột. Không hiểu tình hình ra sao cả vì báo chí thì không có, còn đài thì chỉ được nghe loáng thoáng. Các bạn con có thư và trong thư có nói, máy bay Mỹ bắn rốc-két xuống quán bia đầu chợ Ngọc Hà. Con lo lắm, không biết tin gia đình mình ra sao. Nhận được thư này mẹ viết ngay thư trả lời con nhé!
Chắc bây giờ Hà Nội đang trong những ngày nóng nhất; người Hà Nội đang sẵn sàng đánh trả mọi âm mưu đen tối nhất, láo xược nhất của giặc Mỹ. Bọn con trong này lo cho Hà Nội lắm. Không hiểu người Hà Nội hào hoa có chịu đựng nổi sự căng thẳng như bây giờ không? Nhà ta có đi sơ tán không mẹ và đi thì ở đâu? Con thương bà và các em quá. Lại một lần nữa chịu cực khổ, chịu cảnh phân li. Mẹ ạ, có những gian khổ người ta có thể chịu đựng được, có những thiếu thốn người ta có thể khắc phục được nhưng không gian khổ nào bằng những người từ chỗ sung sướng, đầy đủ, tiện nghi lại phải sống thiếu thốn, vất vả. Và không có gì đáng buồn bằng thiếu thốn tình cảm, mẹ nhỉ! Lại một lần nữa mẹ phải xa những đứa con yêu dấu của mình - những đứa con mà mẹ đã hy sinh mọi cái để dạy dỗ, nuôi nấng. Chúng con biết mẹ sẽ lo lắng suy nghĩ nhiều. Con cũng vậy, nhiều khi vất vả và gian khổ quá, con cũng suy nghĩ, suy nghĩ về mọi cái. Những lúc nan giải quá, con thường hát một bài hát tự biên tự diễn mà có lẽ con nhớ, nhớ nó suốt đời, mẹ ạ! Không một bản xô-nát nào, không một nhạc phẩm nào để lại trong con nhiều âm thanh và cảm xúc bắng bài hát ấy.
Có một đoạn trong bài hát ấy thế này, mẹ ạ: "Người lính đêm nay dạt đến chốn nao? Ôi đất trời bao la, chưa biết đâu là nhà, chưa biết đâu là bờ... chỉ thấy một màu xanh. Cho dẫu thời gian trôi, cho những đêm mờ sương, người đi mọi chiến trường. Gian khổ rồi sẽ qua, hạnh phúc xây nên bởi đời... Hỡi chàng lính chiến kia ơi! ...". Đại khái là như vậy. Cứ mỗi khi mệt nhọc, vất vả quá, chúng con thường hát lên bài ca ấy là lại thấy nhẹ nhõm, thoải mái vô cùng. Thế đấy, sức mạnh của tinh thần vô biên nó giúp con vượt qua tất cả. Vượt qua những khó khăn về vật chất, vượt qua những thiếu thốn về tinh thần, để đi lên.
Mẹ kính yêu, bọn con trong này lại phải chờ đợi, chưa được nhận lệnh lên đường. măc dù quân trang quân dụng đã phát đầy đủ. Không những thế, quần áo mặc đã bạc màu rồi mà chưa có động tĩnh gì. Bọn con sốt ruột lắm. Các đơn vị bạn con đã lên đường, có đơn vị đã có mặt trong đó rồi và có đơn vị đã lập công. Điều đó khiến cho chúng con ngứa ngáy và mong chờ đến lựot mình ra đi. Bây giờ tinh thần mọi người rất phấn khởi và vui tươi.

Mẹ kính yêu, nếu như đất nước thanh bình, những ngày này, con và chị Lan, các em sẽ tụ tập về quây quần bên mẹ. Nhưng nước nhà còn chiến tranh, con phải ra đi làm nhiệm vụ tất yếu của thế hệ trẻ, chị con cũng không về được, các em con phải sơ tán xa gia đình. Mỗi người một ngả, điều này làm bà và mẹ phải lo lắng, suy ngĩ. Nhưng mẹ ạ, chả có điều gì đáng buồn cả, con nhớ ba đã nói: "Tất cả mọi hạnh phúc đều phải trải qua chiến đấu và hy sinh mà hạnh phúc hơn cả là được chiến đấu và hy sinh cho cách mạng". Rồi sau đây, đất nước được thanh bình, gia đình ta lại đoàn tụ, lúc ấy mới sung sướng; bởi vì mỗi người trong gia đình đều được trải qua thử thách và đều tỏ ra cứng rắn. Nhưng nếu lúc đó có thiếu đi mình con thì ba mẹ cũng đừng buồn, mẹ nhé! Cứ coi như con vắng nhà vậy và sự hy sinh của con, của... (mất)... cũng chỉ là nhỏ mọn so với sự hy sinh của cả dân tộc. Con như ba mẹ đã cống hiến cho cách mạng, cho Tổ quốc giọt máu thân yêu của mình.
Thôi, con tạm dừng bút ở đây. Chúc mẹ khỏe, công tác tốt, các em ngoan, bà vui!
Mẹ nói với bà là càng xa bà, con lại càng thấy đời con đã gắn chặt với người bà nội hiền hậu và chăm chút cho cháu từng li từng tí. Và mẹ nói với bà rằng, cháu nội của bà sẽ vượt qua mọi gian khỏ, mọi khó khăn và mọi cái chết để sau này được trở về bên bà nôi yêu thương của mình. Chúc bà sống lâu!
TB: Địa chỉ của con đã đổi để sẵn sàng lên đường... Hòm thư con bây giờ là 702185 JA 01.
Cháu của bà, con của mẹ, anh của các em -
Cường
"Chiều hè giữa rừng”



Những bạn khóa 5
hy sinh tại Quảng Trị 1972

Lê Hòa Bình K5

Sau khi khóa 5 thi tốt nghiệp, tháng 6 năm 1970, Vũ Kiên Cường (Cường “mèo”), Nguyễn Lâm (Lâm “tắc ly”) và tôi thi vào Đại học Thủy lợi. Tháng 10 năm đó, chúng tôi được gọi vào trường. Trường chúng tôi ngay gần gò Đống Đa và lăng Hoàng Cao Khải. Không như đa số các bạn trong lớp được nhập ngũ, họ được tiếp tục sống gần nhau 5 - 6 năm nữa, còn nhóm chúng tôi thì “ăn cơm nhà, vác tù và… thủy lợi” (!). Những hôm không có tiết học là ba đứa lại rủ nhau ra quán ở trước lăng ngồi “bệt” uống nước chè chén, “bập” chung điếu thuốc và nhớ tới những thằng bạn cùng khóa đang học ở Đại học Kỹ thuật Quân sự trên Vĩnh Yên và Đại học Quân y trong Hà Đông.

Cứ như thế, chúng tôi đã học xong năm thứ nhất. Sang năm 1971, chiến trường miền Nam ngày càng ác liệt. Hưởng ứng lệnh Tổng động viên, ba đứa chúng tôi cũng “xếp bút nghiên” lên đường tòng quân. Ngày 6 tháng 9 năm 1971, Cường và tôi nhập ngũ vào trung đoàn 95, sư đoàn 325 do chú Lê Kích làm Sư đoàn trưởng và chú Nguyễn Công Trang làm Chính ủy. Chúng tôi được đưa lên huấn luyện ở Việt Yên, Hà Bắc. Vì đã được huấn luyện từ khi còn học ở Trường Trỗi, nên chúng tôi nhanh chóng làm quen với cuộc sống đơn vị. Sau 8 tháng huấn luyện, tháng 3 năm 1972, đại đội C15, trung đoàn 95, sư 325 của chúng tôi lên đường hành quân vào Nam.
Sư đoàn 325 của chúng tôi đa số là học sinh, sinh viên, nên sư đoàn rất trẻ, khỏe và vô tư. Tháng 6 năm 1972, sư 325 vào đến Quảng Trị và bắt đầu chiến đấu. Anh em trong sinh hoạt rất vui nhộn, nhưng trong chiến đấu rất gan dạ, hăng hái và thông minh. Đến ngày 1 tháng 7 năm 1972, đơn vị chúng tôi vượt qua sông Thạch Hãn vào được Thành cổ. Đúng là chiến tranh thì ác liệt thật, nhưng cứ chiều ngớt tiếng súng là tôi và Cường lại gặp nhau, rít chung điếu thuốc rê và “bốc phét”. Chúng tôi hay kể cho nhau nghe về cha mẹ, gia đình, về Hà Nội, về những kỷ niệm với các bạn cùng lứa hồi ở Đại Từ, Quế Lâm, Hưng Hóa và về cả bọn con gái Thủ đô. Cường “mèo” kém tôi một tuổi, nhưng trông rất trẻ, mặt “măng tơ”, tính tình hiền lành nhưng pha chút nghịch ngợm. Cường gọi tôi là “anh Bình” và tôi cứ đùa: “Hết giặc rồi, tao sẽ gả em gái cho mày”.

Còn hai bạn Trịnh Thúc Doanh (Doanh “mán”) và Nguyễn Lâm do không cùng trung đoàn nên ít gặp nhau. Hồi tháng 6 năm 1972, tôi có gặp Doanh một lần ở Cam Lộ (Doanh ở đơn vị vệ binh bảo vệ sư bộ sư đoàn 325). Riêng với Nguyễn Lâm tôi còn gặp được hai lần khi đi lấy gạo ở Ái Tử. Lần gặp nào cũng chỉ vội vàng hỏi thăm nhau dăm ba câu rồi chia tay. Thời gian ở chiến trường mới hiếm làm sao!

“Mùa hè đỏ lửa 1972”, các đơn vị chủ lực của ta kiên quyết chiến đấu giữ bằng được Thành cổ, còn địch thì không tiếc bom đạn và sức lính, tìm mọi cách giành lại thị xã đã mất. Từng tấc đất bị giành giật và đổi bằng máu. Và bọn giặc cứ nghe đến tên sư đoàn sinh viên 325 hay sư Lê Kích là khiếp sợ!

Chiều 27 tháng 7, tại chốt cửa Tây - Nam của Thành cổ, Cường và đồng đội đã anh dũng chiến đấu, chặn đứng nhiều đợt tấn công của quân địch định vượt cổng vào thành. Không may, Cường đã bị thương vào đầu và bụng. Anh em cõng Cường vào trạm quân y tiền phương cấp cứu, trạm đặt ngay trong Dinh tỉnh trưởng. Do mất nhiều máu và vết thương quá nặng, Vũ Kiên Cường của chúng ta đã mất vào rạng sáng 28 tháng 7 năm 1972, khi vừa tròn 19 tuổi. Xác Cường được liệm bằng tăng bạt và đưa tạm vào hầm chứa xác tử sĩ trong Dinh.

Rạng sáng hôm đó, đơn vị được lệnh bí mật rút quân. Vì phải đi quá gấp để bảo toàn binh lực, đơn vị đành phải để lại các tử sĩ và thương binh nặng. Ở chiến trường thì lấy đâu ra hương nhang để thắp cho đồng đội, tôi chỉ kịp chạy vội ra cửa hầm tử sĩ và thầm khấn: “Mày tạm ở lại trong này, tụi tao còn quay lại. Tụi tao sẽ trả thù cho mày, Cường ạ!” Và đơn vị đã vượt sông Thạch Hãn sang Nhan Biều.

Sáng đó, địch vào được thành, nghe nói chúng đã hèn hạ thu gom xác tử sĩ và thương binh nặng của ta đem đi đốt để tẩy độc, sau đó bỏ xuống sông Thạch Hãn. Ngày ấy lại đang là mùa nước… Ít lâu sau, tôi nghe tin Nguyễn Lâm hy sinh ngày 5 tháng 9 và Trịnh Thúc Doanh hy sinh ngày 16 tháng 9 năm 1972 cũng tại mặt trận Quảng Trị.

… Hè 1972 đúng là “mùa hè đỏ lửa” và những sinh viên Hà Nội, những học sinh Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi đã hy sinh anh dũng cho Tổ quốc như thế đó!






Nhớ mãi ... Video HaMeoK6
Bắt đầu tại: 11:35



Nhớ về bạn


Vũ Kiên Nghị K9
… Các anh ạ, anh Cường nhà em đã mất nhưng những kỉ niệm của anh thì sống mãi trong các anh lính Trỗi. Chúng em có trách nhiệm duy trì sự liên lạc này.
Trích „Thông tin mới nhất về mộ phần LS Vũ Kiên Cường”
Hoàng Chương K5
Nếu thật sự tìm được mộ của Cường thì quá tốt, nhưng trong thâm tâm tôi không tin các nhà ngoại cảm cho lắm. Dù sao cũng mừng cho gia đình Cường và cho cả K5 ta nữa. Thế là chúng ta lại có thêm mộ phần của các bạn đã hy sinh. Tôi đã từng được ăn một bữa cơm ở nhà Cường ở phố Đội Cấn. Bữa cơm đạm bạc thời chiến tranh nhưng mẹ Cường nấu rât ngon. 40 năm qua rồi nhưng tôi vẫn còn nhớ bữa cơm ấy.
Nguyễn Quang Vinh K5
Đề nghị Quốc thông báo xớm thời gian và địa điểm gặp mặt. Minh rất muốn dự và muốn biết chính xác địa chỉ mộ của Cường. Mình mới chỉ một lần tới nhà Cường thắp hương nhân ngày 27/7, lúc nào nghĩ đến bạn Cường mèo mình vẫn thấy thương bạn vì chưa tìm thấy mộ…
TranKienQuoc
Bây giờ mới biết Cường "mèo" tài thật, dám "fan yi" (phiên dịch) giúp anh em. Còn nhớ bức thư cuối cùng Cường gửi về có cả 1 bài hát (Cường tự nghĩ ra). Đọc ca từ thấy rất hay. Bạn mất sớm khi trong người đầy tiềm năng.
12:28 22 tháng 11, 2011
Nặc danh
Vũ Kiên Cường là anh họ của Vũ Dương k2.
20:33 22 tháng 11, 2011
Lê Chí Hòa
Ngồi viết lại những dòng chữ này trước mắt tôi hiện lên hình ảnh Cường “mèo” - Vũ Kiên Cường, một thằng bạn hiền lành, hóm hỉnh, nghịch ngầm luôn có những ý kiến độc đáo chẳng giống ai nhưng được nhiều người yêu mến.
Trích "Nhớ Vũ Kiên Cường và tuổi thơ nghịch ngợm 4"
Duy Anh Trần
Nhà tôi ở Cát Linh gần nhà Cường mèo nên cứ dịp nghỉ hè đc về nhà là hay qua nhà Cường chơi. C rất vui tính và nhiều tài lẻ, đặc biệt bắn súng cao su rất chuẩn. Tôi hay cùng Cường đi bắn chim sẻ và đôi lần được chú chim sẻ. Cường nhổ lông, cho tí muối vào bụng và nướng " mọi". Được chia 1 miếng, đang đói khát, ăn thấy ngon thế. Nhớ đến tận bây giờ! Nhớ bạn như in, nhớ mãi người bạn đẹp trai, tài hoa thời trai trẻ.
27 Tháng 7/2017 lúc 14:39









Mẹ Mai (mẹ LS Trịnh Thúc Doanh) và mẹ Liên (mẹ LS Vũ Kiên Cường) tại hội trường 40 năm


Lưu bút của Vũ Kiên Cường- Nguyễn Quang Vinh, 07/08/2017 - Blog AHLS.




Thăm "di tích" cuối cùng của chuyến đi - HữuThành.Nguyễn, 30/05/2012 - Blog K4.
Nhờ thông tin KQ nói, lượt ra hôm nay chúng tôi ghé NTLS huyện Triệu Phong ở thị trấn Ái Tử. Anh quản trang thấy chúng tôi vào đã ra hỏi chuyện và chỉ ngay mộ của Vũ Kiên Cường ở chỗ rất dễ tìm: bên trái, dãy ngang với mặt trước đài tưởng niệm.


Mùa này những cây mẫu đơn được trồng rải rác xen lẫn những ngôi mộ nở đầy hoa trông thật đẹp.
Anh quản trang, ở ngôi nhà công vụ ngay bên cạnh nghĩa trang, cho biết gia đình K.Cường mấy năm nay năm nào cũng vào, lần gần nhất là trước 30/4 năm nay.

AKBangGap (Le Minh) 05-06-2012, 08:50 PM
Bác HuuThanh và các anh em KQH ! Sự thực là liệt sỹ Vũ Kiên Cường bị thương rất nặng ngày 27/7/1972. Cường được cáng về trạm phẫu của c24 quân y của trung đoàn 95 đặt tại hầm dinh tỉnh trưởng. Khi về đến nơi thì Cường đã hy sinh. Xác anh và nhiều đồng đội khác vẫn để trong hầm cho đến khi quá chật. Mọi người buộc phải đưa sác liệt sỹ ra ngoài để chôn cất rình những lúc trong đêm ngớt pháo bắn. Các liệt sỹ được đưa xuống các hố pháo và lấp đất lên. Những ngôi mộ như vậy không có bia hay tên tuổi gì. Mà, mức độ pháo quá dầy đặc, hầu hết các ngôi mộ lại bị pháo sới tung lên. Không ai có thể chôn lại ở thời điểm đó.

Mộ của Cường được tìm bằng "ngoại cảm" theo kiểu cúng bái gọi hồn về trên quả trứng và chiếc đũa. Vậy là có mộ Vũ Kiên Cường trong nghĩa trang xã Ái Tử. Sau này thị trấn Ái Tử là huyện lỵ của Triệu Phong và nghĩa trang này được nâng cấp thành nghĩa trang huyện Triệu Phong. Gia đình cũng không có lần nào xét nghiêm DNA. Theo cá nhân tôi, ở thời điểm hiện tại, việc xác nhận chính xác bằng DNA cho các liệt sỹ không phải lúc nào cũng là việc hay ?!





Bạn Trỗi K5 thắp hương các Liệt Sỹ, gặp mặt các Thương Binh - NgoTheVinh, 24/07/2014 - Blog K5.
Bạn Trỗi K5 thắp hương Liệt Sỹ Vũ Kiên Cường tại 48, ngõ 62, Ngọc Hà.

Liệt sỹ Vũ Kiên Cường hy sinh ngày 28/08/1972 tại Thành Cổ Quảng Trị. Cụ Lê Thị Kim Liên, năm nay 85 tuổi, Thân Mẫu và Vũ Kiên Dũng em trai Vũ Kiên Cường hôm qua đã đi Thành Cổ Quảng Trị để thắp hương, Cầu Siêu cho Vũ Kiên Cường và các đồng đội đã anh dũng hy sinh tại đây.




Thăm gia đình, thắp hương các Liệt sỹ BạnTrỗiK5 tại Hà Nội...- NgoTheVinh, 20/07/2017 - Blog K5.








Thắp hương bạn Vũ Kiên Cường tại NTLS huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị - Trần Quốc Sủng, 31/07/2017 - Blog AHLS.




Giỗ bạn LS Vũ Kiên Cường- Trần Quốc Sủng, 11/08/2017 - Blog AHLS.
Chiều đi giỗ bạn tôi LS Vũ Kiên Cường

Trần Quốc Việt: Từ phải qua trái MINH SƠN, Hoàng Việt MI NÔ, Hoàng Việt Dũng 3 loe, Phan Trường Sơn, MẠNH HÙNG, CÔNG CHÍNH , Ngô Cửu, QUỐC VIỆT.
Hàng ngồi SỦNG QUÝT. Có mẹ và các em của CƯỜNG ngồi và đứng cùng (Vũ Dũng và Vũ Nghị).
Dũng Vũ Mẹ ngồi cùng các anh nhưng lòng vẫn nhớ...
Trần Quốc Sủng: Mẹ ngồi với các anh như ngồi với CON MẸ
DungTuyet Hanoi: Họp lớp điểm danh vẫn xướng tên mày đấy Cường mèo ạ Mày đi xa nhưng mày mãi mãi trong trái tim bạn bè và Tổ quốc nhân dân biết ơn sự hy sinh của mày. Chúc mẹ mãi khỏe cùng con cháu.










0 nhận xét:

Đăng nhận xét