Làng Cát quê tôi thuộc huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, nằm ở sườn đông dãy núi Tam Đảo – nơi được gán bởi câu ca dao: “Lử khử lừ khừ chẳng Đại Từ cũng Võ Nhai”.
Trong những năm chống Mỹ cứu nước, nhiều cơ quan đoàn thể sơ tán về Việt Bắc để tránh máy bay giặc Mỹ phá hoại. Làng Cát có tới hai đoàn địa chất (17 và 45). Nhà tôi may mắn có anh kỹ sư Nguyễn Thanh Tùng người Hà Nội đến ở. Từ ngày có địa chất về dân làng được mở mang đầu óc, biết tới quyển sách tờ báo, ông Tây, bà Tây. Lũ trẻ chăn trâu “chân đất mắt toét” vùng heo hút này cũng biết ti toe mấy tiếng ngoại quốc “xì xà xì xồ”…
Một hôm anh Tùng đem về cho tôi cuốn sách “Sống như Anh” bảo đọc đi! Thời đó ở xứ tôi sách báo là một điều hiếm hoi. Người nhà quê chỉ quen việc đồng áng cấy cày, vào rừng đốn củi, hái măng…
Hết giờ ở trường làng, về nhà là tôi vội giở “Sống như Anh” ra đọc. Đọc ngấu nghiến, đọc quên ăn, quên chơi, ngồi trên lưng trâu mà đọc, chui trong hầm tránh bom giặc cũng đọc. Đọc đi đọc lại. Đọc nhòa nước mắt. Đọc đến thuộc lòng, làm nhiều người không thể tin được một thằng bé chăn trâu lại có thể thuộc một cuốn sách dày như thế! Và họ đã bật khóc sau khi “kiểm tra” ra đúng sự thật!
Không biết bao nhiêu lần tôi say sưa kể trước mọi người về Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, rồi cùng nhau nghẹn ngào đẫm lệ. Cả nước đã phát động phong trào thi đua lao động sản xuất, lên đường đánh giặc để trả thù cho anh Trỗi…
Tôi còn nhớ như in cuốn “Sống như Anh” của Nhà xuất bản Văn học. Ngoài bìa có hình bán thân Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi. Nội dung cuốn sách được nhà văn Trần Đình Vân viết theo lời kể của chị Phan Thị Quyên.
Sau trang bìa còn có hình ảnh anh Trỗi bị trói chặt vào cây cọc trên pháp trường, mà vẫn hiên ngang ngẩng cao đầu, trước quân thù… Lề dưới bức hình là bút tích ký tên Bác Hồ: “Vì Tổ quốc, vì nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã anh dũng đấu tranh chống đế quốc Mỹ đến hơi thở cuối cùng. Chí khí lẫm liệt của anh hùng Trỗi là 1 tấm gương cách mạng sáng ngời cho mọi người yêu nước, nhất là cho các cháu thanh niên học tập!”.
“Sống như Anh” bỗng như một câu chuyện cổ tích đọng lại trong tôi, để tôi có thể kể lại bất kỳ lúc nào. Nói đúng hơn là tôi đọc thuộc lòng…
Ngày đó tôi say sưa “Sống như Anh” như trẻ con say mê trò chơi điện tử bây giờ. Tôi tưởng tượng trong đầu về thành phố Sài Gòn, cầu Công Lý, Nhà lao Chí Hòa, Nhà thương Chợ Rẫy. Những nhân vật như bé Dân, anh Lời, chị X, chị Y… Rồi tiếc thay quân du kích Cracas (Venezuela) đặt yêu cầu đổi tên đại tá Mỹ Smolen lấy mạng sống của anh Nguyễn Văn Trỗi đã không thành, do kẻ thù lật lọng. Nhà thơ Tố Hữu viết: “Du kích quân Ca-ra-cát đã vì Anh/ Bắt một tên giặc Mỹ giữa đô thành”. Khí phách hiên ngang chống kẻ thù của Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi đến hơi thở cuối cùng; sự đau khổ đến tột cùng của chị Phan Thị Quyên cũng như biết bao người khác cứ rưng rức trong trái tim nhỏ bé của tôi. Nỗi căm thù giặc đã thôi thúc tôi chăm chỉ học hành, sẵn sàng lên đường chiến đấu. Tôi ước mơ nhanh đến ngày hòa bình để vào Sài Gòn tới Chí Hòa, cầu Công Lý… tìm gặp chị Phan Thị Quyên…
Năm 1971, tôi rời ghế nhà trường xung phong lên đường nhập ngũ, vào Nam chiến đấu. Nơi chiến trường bom đạn ác liệt tôi đã đọc “Sống như Anh” trước sự xúc động và thán phục của biết bao đồng đội.
Trận tập kích địch lần ấy tôi bị thương nặng và phải chuyển ra Bắc. Điều trị vết thương xong tôi tiếp tục đi học văn hóa, rồi thi vào trường ĐH Sư phạm, ra làm thầy giáo. Trong những giờ sinh hoạt, tôi đã đọc “Sống như Anh” cho học trò của mình nghe. Tôi nung nấu trong đầu ước mơ phải tìm bằng được chị Phan Thị Quyên để đọc “Sống như Anh” cho chị nghe.
Năm 1985, tôi bị bệnh hẹp van tim, phải mổ tách van ở Bệnh viện Việt – Đức (Hà Nội). Khi bệnh ổn định tôi lại về dạy học. Năm 1993, tôi chuyển công tác vào huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai để có điều kiện chữa bệnh tim bị tái phát. Hình ảnh Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi lại lóe sáng trong tôi. Tôi liền ra kế hoạch tìm đến mộ anh Trỗi. Thời điểm đó mạng viễn thông, điện thoại di động còn chưa phổ biến, tìm thông tin khó lắm. Tôi nghĩ đơn giản muốn tìm mộ anh Trỗi thì cứ hỏi tới Nghĩa trang Thành phố Hồ Chí Minh là biết. Thế là một ngày chủ nhật năm 1995, tôi cùng một người cháu đi Sài Gòn hỏi đường đến Nghĩa trang Thành phố Hồ Chí Minh ở Thủ Đức. Nhưng chúng tôi đã nhầm, mộ anh Trỗi nằm ở Nghĩa trang Liệt sĩ thuộc quận 9, ngay bên quốc lộ 1. Trước mộ anh Trỗi, tôi đã thưa với anh rằng: “Em là người nơi núi rừng Việt Bắc xa xôi đi tìm anh…”. Lúc quay trở ra, gặp người quản trang, ông cho biết mộ thật của anh Trỗi nằm ở quận 2, làm tôi nặng trĩu nỗi buồn…
Chúng tôi tạm gác lại việc tìm mộ thật của anh Trỗi, hỏi thăm tới Nhà lao Chí Hòa thuộc quận 10 khi trời đã đổ về chiều. Tôi đã kể cho anh lính cảnh sát gác cổng nghe về chuyện mình muốn nhìn thấy nơi xưa kia kẻ thù giam cầm tra tấn anh Trỗi. Và, người lính cảnh sát ấy đã cho phép tôi chụp bức ảnh cánh cổng nhà giam làm kỷ niệm. Tôi lặng đi một hồi lâu, hình dung ra chị Phan Thị Quyên bám chặt đôi tay vào cánh cổng sắt nhà lao thét lên trong đớn đau: “Không được giết chồng tôi”…
Con xe honda 50 lại tiếp tục cõng hai chú cháu tôi tìm về cầu Công Lý, nơi mà xưa kia anh Nguyễn Văn Trỗi cùng anh Nguyễn Văn Lời đặt mìn mưu tính giết tên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara, nhưng đã bị bại lộ. Cầu Công Lý nay đổi thành cầu Nguyễn Văn Trỗi nối quận 3 với quận Phú Nhuận. Tôi đứng dưới chân cầu nhìn vào dòng kênh Nhiêu Lộc, đưa hồn về dĩ vãng. Tối ngày 9-5-1964, anh Trỗi đã đặt mìn nơi cây cầu này để thực hiện nhiệm vụ của mình. Nhưng thật không may, anh đã bị địch bắt. Anh đã nhận hết trách nhiệm thuộc về mình đã thực hiện quyết tâm giết tên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ! Tôi không thể kìm được nước mắt. Không thể ngờ, năm 11 tuổi đọc “Sống như Anh”, sau mấy chục năm tôi đã có mặt tại nơi anh Trỗi bị địch bắt và tra tấn dã man! Ngày còn chiến tranh, khoảng cách giữa hai miền Nam – Bắc xa xôi vời vợi. Tôi ngẩn ngơ, nuốt nước mắt vào trong đọc lên bài thơ “Hãy nhớ lấy lời tôi” của nhà thơ Tố Hữu:
“Có những phút làm nên lịch sử
Có cái chết hóa thành bất tử
Có những lời hơn mọi bài ca
Có con người như chân lí sinh ra
…”
Tôi thầm gọi tên anh, nước mắt rơi rơi bên chân cầu Công Lý…
Con xe honda lại cõng chúng tôi trở về, tiếng xe nghe sao nặng trĩu, nó như mệt mỏi chia buồn cùng chủ. Hoàng hôn buông xuống tự bao giờ, lòng tôi mang bao trắc ẩn. Tôi còn phải đi tìm chị Phan Thị Quyên nữa. Đó là một ước mong trong tầm tay. Tôi nghĩ thế.
…
Năm 1996, các bác sĩ Bệnh viện tim – Viện tim TP. Hồ Chí Minh đã quyết định mổ thay van tim hai lá cho tôi. Tôi được các nhà Mạnh thường quân tài trợ 100% viện phí, và may mắn thoát khỏi tay tử thần sau một ca phẫu thuật tưởng chừng không qua nổi. Bác sĩ Nguyễn Văn Phan phụ trách ca mổ đã nói như thế trong niềm xúc động. Sau 6 tháng điều trị tôi tiếp tục trở về dạy học. Tôi vẫn không quên đọc “Sống như Anh” trước bao ánh mắt học trò…
Trong một lần tái khám ở Viện tim năm 2011, tôi bắt chuyện với một bệnh nhân người cao tuổi. Không ngờ chính ông lại biết số điện thoại của chị Phan Thị Quyên, vợ anh Nguyễn Văn Trỗi. Thế là cơ hội gặp chị Quyên trong tôi chỉ còn là thời gian. Tôi sung sướng như đào được vàng…
Tôi điện cho chị Quyên, giới thiệu về mình.
Chị Quyên thật sự xúc động và cho tôi địa chỉ nhà ở thuộc quận 2. Tôi đã hẹn gặp chị vào một ngày chủ nhật.
Cháu tôi làm cho một công ty chế tạo máy của Đài Loan đã mượn được chiếc xe hơi tàng tàng chở hai chú cháu mang theo hương hoa, trái cây tới nhà chị Phan Thị Quyên giữa mùa hè nức tiếng ve kêu…
Chị Quyên đã đi bước nữa. Chị cùng chồng con ở nhà công vụ. Anh Dũng, chồng chị cùng con trai đi đảo Phú Quốc, mình chị ở nhà. Chị Quyên dẫn tôi lên lầu, nơi đặt bàn thờ anh Trỗi. Trước tấm di ảnh người Anh hùng, chị Quyên nghẹn ngào giới thiệu về “đứa em” nơi núi rừng Việt Bắc “đã đi tìm Anh 44 năm trời”. Phút giây này thật linh thiêng, tôi cảm thấy như vạn vật ngừng chuyển động. Tôi gọi “Anh Trỗi ơi!”. Tôi như một người em yêu quý nhất của anh!
Hình ảnh chị Phan Thị Quyên ôm bó hoa lay-ơn bên anh Trỗi trong ngày cưới vẫn hằn sâu, trong sáng trong trái tim tôi. Giờ chị đã lên “chức bà” không còn ở tuổi thanh xuân 20 ngày nào. Nét mặt chị khắc sâu bao nỗi niềm, chỉ có những ai hiểu nỗi đời mới cảm nhận được. “Thôi chị ơi, đừng khóc nữa” – Tôi động viên chị vậy.
Bên bàn trà, nhìn chị Quyên tôi nói lời xúc động:
- Chị ơi, em đã thuộc lòng “Sống như Anh” từ năm 1967. Giờ chị hãy ngồi để nghe em đọc lại nhé! Em coi đây như một món quà gửi tặng chị và anh Trỗi.
Chị Quyên nhìn tôi không chớp mắt, trong ánh mắt não nùng ấy có điều gì nghi ngại? Và tôi bắt đầu:
“Buổi sáng chủ nhật ngày 10 tháng 5 năm 1964, tôi đứng ngồi không yên, không rõ đêm qua anh Trỗi đi đâu. Tôi rất mong anh, mong anh hơn tất cả những ngày nghỉ khác. Vì từ hôm cưới nhau hai vợ chồng chưa đi thăm họ hàng cha mẹ tôi người Bắc và rất đông bà con anh em cùng làng Văn Giáp, huyện Thường Tín, Hà Đông lưu lạc vào Nam làm ăn đã mấy chục năm nay…
Vào khoảng 9 giờ sáng bỗng nhiên tôi thấy ập vào nhà bảy, tám thằng cảnh sát giải theo một người bị còng tay sau lưng. Thoạt đầu tôi vẫn chưa tin là anh Trỗi, nhưng vừa thoáng thấy tôi anh nói ngay, nói to: Quyên anh bị bắt….”.
Chị Quyên khóc. Cháu tôi khóc, nó đâu ngờ chú mình lại thuộc như thế. Và, tôi cũng khóc…
Tôi đã không dám đọc tiếp đoạn địch tra tấn anh Trỗi như thế nào… Không gian trong ngôi nhà bỗng lặng như tờ, chắc hồn anh Trỗi đang về ẩn hiện đâu đây? Và tôi như trong cơn mê…
Nhớ ngày bé đọc “Sống như Anh” tôi chỉ mong sao mình chóng lớn để tòng quân giết giặc trả thù cho anh Trỗi. Và, đúng như ý nguyện. Năm 17 tuổi tôi cùng biết bao bạn bè xung phong đi bộ đội, xông thẳng vào chiến trường đỏ lửa Quảng Trị 1972, chiến đấu không mệt mỏi…
Chị Quyên nói với tôi rằng, em là khách đặc biệt nhất, linh hồn anh Trỗi chắc chắn sẽ biết được tình cảm của em cũng như của mọi người đã dành cho anh ấy…
Tôi xin phép được tới mộ phần để thắp nén nhang cho anh Trỗi. Chị Quyên đã vẽ sơ đồ chỉ cho tôi tới Nghĩa trang Văn Giáp, thuộc phường Bình Trưng Đông, Q.2, TP. Hồ Chí Minh. Đây là nghĩa trang dành riêng cho người làng Văn Giáp, Thường Tín, Hà Đông, quê hương của chị Quyên. Chị Quyên kể, anh Trỗi tội lắm, vất vả lắm, mấy lần chôn cất, giờ mới đưa được anh về nghĩa trang làng quê yên nghỉ…
Chú cháu tôi tới nghĩa trang làng Văn Giáp vào đúng giờ Ngọ, nắng chói chang. Người quản trang là thương binh, một thời khoác áo lính Việt Nam Cộng hòa, nhanh nhảu dẫn chúng tôi tới mộ anh Trỗi:
- Dạ, mộ Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi đây ạ!
- Người quản trang nói mà như có gì mắc trong cổ họng.
Tôi hỏi:
- Anh làm việc ở đây lâu chưa, có biết gì về anh Nguyễn Văn Trỗi?
- Dạ, thưa lâu rồi. Anh Trỗi bị giết do mưu sát Bộ trưởng Quốc phòng MắcNa-ma-ra. Anh ấy là một anh hùng!
Tôi chiêm ngắm ngôi mộ, thấy ghi: Giáp Thìn 1964. Bốc mộ 7.5.1967. Tái thiết 23.11.1981. Đúng như chị Quyên nói, anh Trỗi mấy lần chôn cất…
Tôi bật khóc! Không hiểu sao lại yếu đuối như vậy. Nhìn tấm hình anh trên bia mộ, mà như nghe thấy tiếng người anh hùng hỏi: Sao giờ em mới tìm đến anh?
Tôi thắp lên nén tâm nhang, đứng chắp tay kể cho anh Trỗi nghe chuyện “Em đi tìm anh đã hơn 40 năm rồi”…
Tôi nhìn về hướng Bắc để nói với làng quê thân yêu của mình rằng, đã nối được sợi dây giữa hai miền Nam – Bắc. Ước mơ đi tìm anh Trỗi, chị Quyên của tôi đã trở thành sự thật…
Tôi hát lên lòng bài ca “Lời anh vọng mãi ngàn năm” của nhạc sĩ Vũ Thanh: “Sáng mãi tên anh người con của đất nước. Sông núi reo ca người anh hùng thành đồng bất khuất…”.
Chúng tôi trở về giữa rừng người và xe cộ lưu thông trên quốc lộ, lòng mang bao nỗi bâng khuâng. Hỏi, trong những con người đang sống, có những ai còn nhớ Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi? Tôi nói với người cháu của mình: “Việt à, ngày 15 tháng 10 là ngày giỗ Anh hùng Liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, con đừng quên nhé và đừng có sống hèn!”.
Biên Hòa, TP. Hồ Chí Minh,
1967 – 2017
Đào Sỹ Quang
Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 471 - 19/10/2017
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
Trả lờiXóaBài viết hay. Buồn nhất là câu "hỏi trong những người đang còn sống, có ai còn nhớ AHLS Nguyễn Văn Trỗi?". Xin thưa, 1200 học sinh TSQ của mái trường đầu tiên trên miền Bắc XHCN được mang tên Anh ngày 15/10/1965 vẫn nhớ tới Anh.
Trả lờiXóaChúng tôi có quan hệ thân thiết với chị Quyên và năm nào giỗ Anh, chúng tôi cũng đến gia đình thắp hương.