BÀI ĐỒNG DAO "VỀ NGƯỜI ANH HÙNG BA LẦN ĐÍNH CHÍNH TÊN" CỦA PHÙNG QUÁN
Cách đây vài hôm, tôi đưa lên FB nhắc lại ký ức về cái chết anh hùng của liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi và nhắc đến "bài thơ" của Phùng Quán. Nhiều bạn fây trong bình luận đề nghị đăng bài thơ ấy. Nghĩ rằng bài ấy chắc đã nhiều nơi sử dụng, nhưng tìm đọc lại thấy có nhiều câu chữ không giống với bài Phùng Quán đăng trên tờ "Xưa&Nay" cách đây đúng 30 năm (1994) mà chúng tôi nhận trực tiếp từ trong tay tác giả. Nên xin được thuật và đăng lại.
Số là năm 1994, tờ "Xưa&Nay", cơ quan của Hội Sử học VN mà tôi là TBT được cấp phép xuất bản. Đến tháng 10 năm đó chuẩn bị ra số 7 nhằm kỷ niệm 40 năm ngày Tiếp quản Thủ đô (1954-1994) và 30 năm sự kiện Liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi hy sinh (1964-1994). Đang lo bài vở, thì một buổi trưa có một người đứng tuổi, ăn mặc xuyền xoàng đến tòa soạn gặp hỏi Đào Hùng. Anh Đào Hùng là Phó của tôi nhưng lại là nhà báo từng trải và quảng giao với nhiều văn nghệ sĩ, nhất là những người không trong chính giới. Vừa gặp nhau, anh Đào Hùng giới thiệu với tôi đây là Nhà thơ Phùng Quán đến đưa một "sản phẩm văn nghệ" (cách tự giới thiệu của tác giả) có liên quan đến đề tài Anh Trỗi và cho biết đây là lần đầu công bố sau 30 năm kể từ lúc sáng tác (!?)...
Không biết rõ thực hư thế nào, nhưng chỉ đọc lướt qua là chúng tôi vội giao ngay cho bộ phận biên tập và bổ sung vào số báo đã lên khuôn nên bài của Phùng Quán không dài mà phải đăng nối trang có phần "bất lễ" với tác giả. Nhưng khi báo ra rồi, nhận được tờ "Xưa& Nay" số 7 (10-1994), nhà thơ Phùng Quán rất hồ hởi cảm ơn trước cả khi tôi kịp ngỏ lời cám ơn nhà thơ đã cộng tác.
(Nhân đây cũng xin xác định chi tiết, trên bìa báo đề số 7 nhưng bên cạnh lại có thêm số (😎, bởi lẽ trước khi xin phép, "Xưa&Nay" tự ra số 0, phát hành xong cùng Anh Vương Hồng, TBT tờ "Huế Xưa&Nay" của Hội Sử học Thừa Thiên-Huế mang lên trình Thứ trưởng Bộ Văn hóa Nguyễn Khoa Điềm nói rằng làm vậy để lãnh đạo hình dung "Xưa&Nay" nếu được cấp phép sẽ như thế nào cả về hình thức, nội dung và dư luận đánh giá. Nếu Bộ trưởng không ưng thì xin rút đơn xin ra báo. Vậy mà chỉ tháng sau, Anh Điềm ký cấp phép liền !
Để hiểu hơn hoàn cảnh viết bài được tác giả xác định thể loại là "đồng dao mới", Phùng Quán có nhắc đến hiện tượng nhầm lẫn về tên của liệt sĩ do thông tin đến từ báo chí Phương Tây không phân biệt các dấu của chữ quốc ngữ Việt Nam… Và cũng chính điều đó mang lại cảm hứng cho nhà thơ chọn thể loại này… .
Xin đăng cả đề dẫn và "bài ca" của Phùng Quán… để các bạn hình dung về câu chuyện Anh Trỗi cũng như tâm cảm của thi sĩ trong thời điểm đang "cải tạo lao động" …QXN
Sự tích những cái tên
và Bài ca
Năm 1964. Nguyễn Văn Trôi. Hãy nhớ lấy lời tôi!... Có những lời hơn mọi bài ca (thơ Tố Hữu).
Tiếp liền thơ là những ca khúc, Nguyễn Văn Trôi, sớm chiều vang vọng trên hệ thống loa phóng thanh khắp các thành phố, đô thị miền Bắc. Nguyễn Văn Trôi chữ in đậm nét trên trang đầu báo hàng ngày, tuần báo… Tranh áp phích lớn, màu sắc chói chang, vẽ cảnh Nguyễn Văn Trôi trước giờ bị hành quyết dựng trên các quảng trường, các ngã tư đường phố… Nhưng thơ báo chưa kịp ráo mực in; tiếng hát còn vang vọng chưa kịp dứt trên loa phóng thanh; sơn màu chưa kịp khô trên tranh áp phích… tên anh bỗng được đính chính: Nguyễn Văn Trổi. Nhà thơ, nhạc sĩ đang còn đau đầu nghĩ cách sửa lại nhạc, thơ theo đúng tên anh sao cho hợp với vần, hòa với điệu… thì tên anh lại được đính chính lần nữa: Nguyễn Văn Trỗi.
Chỉ trong vòng chưa đầy một tuần, tên "con người như chân lý sinh ra" (thơ Tố Hữu) được đính chính ba lần đã đem lại cho tôi cảm hứng thi ca…
Một chiều cuối tuần năm đó, ngồi trên giàn giáo công trường trạm bơm điện Cốc Thành, ngắm cảnh mặt trời lặn trên dòng Sông Đáy, ngỡ mình là mục đồng ngồi trên lưng trâu, "gõ sừng mục tử lại cô thôn" (thơ Bà Huyện Thanh Quan) tôi gõ cây búa đanh vào cốp pha hát bài đồng dao mới về người anh hùng ba lần đính chính tên.
BÀI CA…
Ơi chị ơi anh
Ơi trái dừa xanh
Ơi con chim trắng
Ơi Ba Vì nắng
Ơi Cửu Long mưa
Ơi tím hoa cà
Ơi vàng nong kén
Ơi mù động biển
Ơi mây Trường Sa
Ơi Nhạc, ơi Thơ
Ơi… ơi… ơi… ơi
Ai muốn tìm chi
Thì tôi xin chỉ
Ai muốn tìm đất
Lên miền khai hoang
Tìm chí không sờn
Thì lên Việt Bắc
Tìm rừng chôn giặc
Thì vào Tây Nguyên
Tìm buồm tìm thuyền
Thì đi ra biển
Tìm trăng kháng chiến
Thì vào miền Nam
Tìm người kiên trung
Gan vàng dạ sắt
Mười họng súng giặc
Chĩa thẳng vào tim
Vẫn lấy niềm tin
Làm gươm chém trả
Lấy mắt làm lửa
Tiếng nói làm cờ
Tấn công kẻ thù
Thì tìm anh Trỗi
Ơi ai muốn tìm
Một người Việt Nam
Như muôn người khác
Nơi đâu cũng gặp
Như tre đầu ngõ
Như dừa cuối thôn
Như gậy tầm vông
Như chông chờ giặc
Vì yêu sâu sắc
Vì thù nấu nung
Đau nỗi nhân dân
Sống quỳ nhục nhã
Chiều thơm tóc vợ
Đêm ra chiến trường
Sống thì xả thân
Chết thì chiếu sáng
Thì tìm Anh Trổi!...
Ơi ai muốn tìm
Người thợ thanh niên
Mặt như gương mới
Hạnh phúc vừa hái
Cầm chưa ấm tay
Vợ yêu chăn gối
Tuần trăng chưa đầy
Kéo thành dây bom
Cứu nguy đồng đội
Cực hình nhận phần
Đánh cầu không thắng
Thì đánh pháp trường
Biến cọc xử bắn
Thành luỹ tấn công
Thì tìm anh Trôi!...
Anh Nguyễn Văn Trôi
Anh Nguyễn Văn Trổi
Anh Nguyễn Văn Trỗi
Cả ba tên gọi
Đều là gọi Anh
Như hoa như huê
Đều là thơm ngát
Như đàn như đờn
Đều ngân tiếng nhạc
Như hận như hờn
Đều là bất khuất
Như nỏ như ná
Đều là giết giặc
Như biển như bể
Đều là mêng mông
Như hường như hồng
Đều sắc cờ Đảng
Như đào như điều
Đều màu nhiễu thắm
Phủ lấy giá gương
Ơi cô ơi bác
Ơi chị ơi anh
Ơi ai muốn tìm
Anh Trôi, Anh Trổi
Ơi ai muốn gọi
Anh Trỗi Anh Trôi…
Đâu đang chiến đấu
Đâu đang hy sinh
Đâu đang chặt xiềng
Đâu đang phá ngục
Đâu đang bất khuất
Đâu đang tấn công
Đâu đang kiên trung
Đâu đang dũng khí
Đâu đang chung thủy
Đâu đang sắt son…
Đến đó tìm anh!
Đến đó tìm anh!
Anh Nguyễn Văn Trôi
Anh Nguyễn Văn Trổi
Anh Nguyễn Văn Trỗi
Cả ba tên gọi
Đều là gọi Anh
(1964
Công trường trạm bơm điện
Cốc Thành)
PS. Cảm ơn Bạn Ngô Thế Long cung cấp số XN 7-1994 vì tôi cũng không còn QXN
(Dương Trung Quốc 19 tháng 10 lúc 18:19 : Lúc mới đưa lên fây cách đây 1 tiếng và có đến hơn 140 bạn đã đọc, tôi in nhầm ảnh Trần Dần, một nhà thơ mà tôi cũng rất nể trọng, nay có người phát hiện, nhắc nhở, tôi xin thay đúng ảnh nhà thơ Phùng Quán. Xin lỗi fây hữu. Cũng là điều cho thấy chơi fây có cái rất hay, được khen, bị chê, nhưng sửa được cái sai).
Nguồn: FB Dương Trung Quốc - 19 tháng 10/2023 lúc 16:24