Liệt sĩ Ngô Tất Thắng - K7



Liệt sĩ, Nhà báo Ngô Tất Thắng
Học sinh khóa 7.
Sinh: 1956.
Phóng viên Báo Quân đội Nhân dân.
Hy sinh: 1/1/1979 (3/Tháng Chạp Mậu Ngọ), Mặt trận đồn điền cao su Chúp, Kongpong Cham, Campuchia.
Mộ: Nghĩa trang Từ Sơn, Bắc Ninh (quê cụ Ngô Từ Vân).
Liên hệ gia đình: Mẹ Toàn, số 14, Khu tập thể Cty Dịch vụ nông nghiệp Từ Liêm, Mỹ Đình (04-38374384).


 ❀ ❀ ❀ ❀


Mời xem bài viết:
  1. BLL phía Bắc cùng đại diện K7 thăm gia đình & thắp hương các Bạn LS của khóa - Hà Quang Vũ K7, 26/07/2020, Blog AHLS.
  2. K7HN thắp hương cho các Bạn LS - Hà Quang Vũ K7, 25/07/2019, Blog AHLS.
  3. K7 viếng mẹ liệt sỹ Ngô Tất Thắng - Tong Ngoc Trang K7, 21/03/2019, Blog AHLS.
  4. BLL K7 chúc Tết các gia đình Liệt sĩ - Hoàng Mạnh Thắng K7, 05/02/2019, Blog AHLS.
  5. Uống nước nhớ nguồn- Quangvu Ha, 24/7/2018, Blog AHLS.
  6. Sau Cành Violet - Truyện tình báo của Ngô Tất Thắng, Blog AHLS.
  7. Tưởng nhớ đến các bạn liệt sỹ K7 - Tổng hợp, 24/07/2017, Blog AHLS
  8. Tuổi trẻ Báo Quân đội nhân dân tri ân các anh hùng liệt sĩ - Minh Anh, 24/07/2017, Báo điện tử Quân đội nhân dân (Blog AHLS).
  9. 27/7 - Tổng hợp, 28/07/2016, Blog AHLS
  10. Tin muộn ngày thương binh liệt sĩ - Khắc Việt, Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2014 - Blog "Út Trỗi".
  11. Bên lề lễ hội - Đến thăm gia đình Ngô Tất Thắng - Khắc Việt, 17/10/2010 - Blog "Út Trỗi".
  12. Nói lại cho rõ. - dathb136, 6/8/2010 - Blog "Út Trỗi".
  13. Hành trình đi tìm một địa chỉ. - dathb136, 26/7/2010 - Blog "Út Trỗi".
  14. Con mẹ vẫn chưa về. - Khắc Việt, 25/7/2010 - Blog "Út Trỗi".
  15. Nhớ bạn- Đỗ Nghĩa, 21/7/2010 - Blog AnhDo.
  16. Nhà báo Ngô Tất Thắng (K7) đã chiến đấu như thế. - Khắc Việt, 12/7/2010 - Blog "Út Trỗi".
  17. Kỷ niệm về 2 Liệt sỹ Y Hòa K7 (Mlo dzuon dzu) và Ngô Tất Thắng K7 - Ngô Thái Hòa, 29/3/2010 - Blog "Út Trỗi"
  18. Ngày 6 tháng 1 năm 1972 - vygo, 7/1/2010 - Blog "Út Trỗi"
  19. Nhớ về một người bạn- Hồ Bá Đạt, 14/10/2009 - Blog "Út Trỗi"
  20. Câu chuyện về liệt sĩ Ngô Tất Thắng - Việt Hằng, 26/7/2008 - Blog "Út Trỗi"
  21. Nhớ Tất Thắng - Việt Hằng, 5/3/2008 - Blog "Út Trỗi"
  22. Liệt sĩ - Nhà báo Ngô Tất Thắng (Khóa 7) - Anh còn đó như một nhành Vi-ô-lét - Nguyễn Thắng, Phóng viên Báo QĐND, đồng nghiệp của liệt sĩ Ngô Tất Thắng, SRTKL 1.
  23. Nhà báo, liệt sĩ Ngô Tất Thắng - Hồ Bá Đạt K8, SRTKL 2, Tr.: 180-183
  24. DANH SÁCH ANH HÙNG, LIỆT SỸ - SRTKL3: 993-999
  25. 9 - Danh sách các Anh hùng, Liệt sĩ - Ban biên tập, SRTKL2: 45-51
  26. Tưởng nhớ 31 thầy, bạn của chúng ta đã hy sinh - FB Tran Kienquoc, 28 Tháng 7 2015.


Nhớ về một người bạn- Hồ Bá Đạt, 14/10/2009 - Blog "Út Trỗi"

Nhớ về một người bạn

Hồ Bá Đạt K8

"Khi nghĩ về một đời người, tôi thường nhớ về rừng cây.
Khi nghĩ về một rừng cây, tôi thường nhớ về nhiều người.
Trẻ trung như cụm hoa hồng, hồn nhiên như là ánh lửa ...".


Nghe bài hát "Một đời người, một rừng cây" của Trần Long Ẩn, tôi lại nghĩ về bạn. Một người bạn đối với tôi tuy không thân lắm nhưng cũng chơi chung đã từng gắn bó với nhau một thời tuổi trẻ.
Cậu cư ngụ cùng một khu TT 16A Lý nam Đế, Hà nội với tôi. Từ nhỏ cậu đã có dáng vẻ của người lớn, đi đứng chững chạc như một "ông cụ non". Cho nên các trò chơi của bọn trẻ con trong khu thường không có cậu, nói cách khác là cậu không thèm chơi? Cho đó là trò trẻ con, mặc dù cậu còn kém tôi 1 tuổi nhưng trông già dặn hơn nhiều. Cậu chũi mũi vào học, đọc sách và kéo đàn violon. Dưới ngọn roi của bố hàng đêm bắt cậu kéo đàn sau giờ ôn bài. Có lẽ ông hằng mong muốn con mình sẽ trở thành thần đồng âm nhạc? Hàng xóm khổ sở vì tối khuya vẫn phải nghe tiếng violon rít lên không cho ai ngủ sau một ngày làm việc. Bố cậu nổi tiếng là dữ đòn trong khu. Thế nhưng cách dạy con của ông không đạt hiệu quả mong muốn. Cậu chỉ kéo đàn trong các buổi biểu diễn văn nghệ của trường do thời ấy rất hiếm học sinh biết chơi đàn, lại là đàn violon, loại đàn được mệnh danh là nữ hoàng của các loại đàn dây. Chỉ dừng lại ở trình độ "ọ ọ,ẹ ẹ", càng về sau cậu càng ít chơi đàn, sau này bỏ hẳn không thấy chơi nữa? Bọn con gái trong khu ít ai để mắt tới cậu vì cho rằng cậu hay "tỏ vẻ ta đây, ra vẻ ra ve ". Riêng tôi, tôi biết cậu cũng để ý vài cô qua những lần nói chuyện với cậu. Cuối năm 1971, sau trận Khe sanh, đường 9 nam Lào, khí thế ra trận của thanh niên, học sinh Hà nội lúc bấy giờ rất sôi nổi. Nhất là câu nói của anh hùng Lê Mã Lương"Cuộc đời đẹp nhất là ở trận tuyến chống quân thù" càng làm cho không khí ra trận tưng bừng, sôi động hơn! Một buổi chiều, tôi đang lúi húi múc nước trong bể nước công cộng của khu TT. Cậu và Hùng Thắng đi tới gần tôi nói: "Kỳ này bọn tao đi bộ đội, mày có đi không? Thằng Vỹ "gỗ" cũng đi nữa". Không suy nghĩ tôi gật đầu liền. Đang chán không muốn học, vì gặp phải cô giáo dạy Hóa (hình như ghét tôi?), hay "đì "tôi lên trả bài. Sau này tôi mới biết cô ghét tôi thật bởi vì tôi dám phản ứng lại thầy giáo dạy thể dục khi bắt các học sinh phải bỏ áo trong quần khi có tiết của thầy mà thầy lại là người yêu của cô ấy. Tôi và cậu không đủ tuổi nên phải viết đơn tình nguyện, cái khó là phải có chữ kí của phụ huynh đồng ý cho đi. Cậu thì thể hiện quyết tâm bằng cắn ngón tay viết đơn bằng máu. Tôi giả chữ kí của ba tôi rồi cả hai mang lên khu đội Hoàn kiếm nộp. Sau hai vòng khám tuyển chúng tôi cũng đạt tiêu chuẩn đi bộ đội mặc dù khám lần 2, sau hơn 1 tháng tôi từ 41 kg chỉ còn có 39 kg. Ngày 22/12 năm ấy học sinh, sinh viên các trường ở HN tập trung về vườn Bách thảo, dưới chân núi Nùng mit tinh chào mừng chiến thắng Đường 9 Nam Lào, tiễn thanh niên lên đường nhập ngũ, có đại tướng Võ nguyên Giáp tham dự. Chúng tôi là lính tình nguyện đi đợt này nên được mời lên lễ đài, cậu vinh dự đại diện cho thanh niên HN đọc quyết tâm thư. Tháng 1/1972 chúng tôi gồm cả Lê Trường Vỹ , Hà Hùng Thắng , Hồ Phương Bình chính thức là người lính, huấn luyện trên Bãi Nai - Hòa bình. Lên đó chúng tôi cùng chung đại đội với nhiều lính Trỗi như Y Hòa, Vũ Trung, Nguyễn Lâm, Bạch Quốc Đoàn, Kim Cường...nên rất vui. Thế nhưng gần Tết bỗng dưng đại đội gọi chúng tôi lên, gồm 5 người, tôi, cậu và 3 người nữa là: Thịnh nhà ở Thụy Khuê học trường Nguyễn Trãi cùng lớp với vợ anh Đồng Hiền khóa 3, Cù Thắng nhà ở Phó đức Chính gần nhà Việt Hằng và Lộc nhà ở Đội Cấn. Nói lên tiểu đoàn có việc cần. Lúc đó chúng tôi mới biết bị trả về địa phương, lí do của 3 người kia là con một, tôi và cậu chưa đủ tuổi. Sau một hồi xin xỏ, năn nỉ không được vì đây là chính sách, chúng tôi đành trả lại quân trang, về đơn vị chia tay mọi người rồi kéo nhau ra đường 6 đón xe về HN. May chặn được một xe quân đội chở gạo cho đi nhờ về đến Xuân mai, đi bộ một đoạn đến Hà đông, đi tiếp xe điện về HN. Nói là "chặn" vì các xe đi qua chỗ huấn luyện chiến sĩ mới đều sợ không dám dừng lại, chúng tôi phải cử một người đứng ra giữa đường chặn xe lại cho mọi người lên xe hết rồi mới lên. Nhất là gần Tết, lính tự "cho phép" về nhà rất nhiều. Không chịu từ bỏ quyết tâm đi lính, sau Tết tôi xin ba tôi nhập ngũ vào quân chủng Hải quân cùng Khánh" chuột", Nam"béo". Cậu sau này không biết làm thế nào cũng xin trở lại được đơn vị cũ? Tháng 5/72 cậu và đồng đội tham gia chiến dịnh "mùa hè đỏ lửa" ở Quảng trị, nghe nói bị hy sinh rất nhiều, nhất là lính HN, do chưa có kinh nghiệm chiến đấu, phải vào trận ngay. Đến nỗi bọn thủy quân lục chiến ngụy còn hô hào: "bắt sống thiếu niên HN" vì đa phần mới bước qua tuổi 18, họ còn trẻ quá!
Khoảng giữa năm 1973 tôi lại gặp cậu, Vỹ "gỗ" và Hùng Thắng được cử đi học sỹ quan công binh. Trông cậu và Hùng Thắng mặc đồ học viên sỹ quan, dây lưng bắt chéo, quân hàm trên vai như đi duyệt binh thật oách và đúng với bản chất của cậu, ưa khác người. Bẵng đi một thời gian, tôi nghe nói cậu học tổng hợp văn. Thời gian này, đất nước đã thống nhất. Rồi tôi nghe nói cậu bỏ trường đưa người yêu vào tận Vũng tàu một thời gian, bị nhà trường kỉ luật nhưng vẫn tiếp tục học. Sau đó tôi có đọc một cuốn tiểu thuyết tình báo: "Đằng sau cành Violet" tác giả là tên cậu, có lẽ cậu viết trong thời gian bỏ học này? Rồi lại nghe nói cậu tốt nghiệp về làm phóng viên báo "Quân đội nhân dân". Chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra một thời gian, một hôm ba tôi từ mặt trận Campuchia về nói: "Thằng Thắng con bác Từ Vân, cô Toàn, cùng nhập ngũ với con hy sinh rồi". Thắng, vâng Ngô Tất Thắng học sinh trường Trỗi khóa 7. Tôi lặng người, lại một người bạn đã ra đi. Hỏi ba: "Thắng hy sinh trong trường hợp nào?" Ba tôi chỉ nói Thắng hy sinh vì một viên đạn của Khơme đỏ khi đang ngồi trên xe tăng trên đường tiến vào giải phóng Pnompenh. Sau này đọc bài viết về bạn trong: "Sinh ra trong khói lửa" tập 1 tôi mới được biết kỹ hơn về trường hợp bạn xung phong ra mặt trận làm phóng viên chiến trường, rồi hy sinh. Cuốn tiểu thuyết bạn viết đầu tay cũng là tác phẩm cuối cùng của bạn. Nhưng vẫn còn có nhiều người nhớ tới bạn. Cô Trâm giáo viên dạy văn trường Chu văn An vợ nhà văn Phùng Quán có bài viết trên báo "Văn nghệ" nói về bạn và cuốn tiểu thuyết của bạn. Chúng tôi mãi nhớ về bạn!
Thắng ơi! Cậu lúc nào cũng tỏ vẻ ta đây "người lớn" nhưng cậu "lớn" thật! Cậu toàn chọn chỗ dễ chết để "xông" vào. Văng vẳng bên tai:
"...Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng,
gian khổ biết dành phần ai...".
Bạn trẻ mãi tuổi 25...
TPHCM 14/10/2009

Trái qua: Ngô Tất Thắng, Khánh "chuột" và Hồ Bá Đạt (ảnh chụp trước khi đi bộ đội).





Liệt sĩ - Nhà báo Ngô Tất Thắng (Khóa 7) - Anh còn đó như một nhành Vi-ô-lét - Nguyễn Thắng, Phóng viên Báo QĐND, đồng nghiệp của liệt sĩ Ngô Tất Thắng, SRTKL 1.


Bạn đã chiến đấu…

Nguyễn Thắng, Phóng viên Báo QĐND,
đồng nghiệp của liệt sĩ Ngô Tất Thắng


Trung tuần tháng 12 năm 1978, bọn diệt chủng Pôn Pốt đã dàn 4 sư đoàn quân áp sát biên giới Tây Ninh. Thể theo nguyện vọng của nhân dân, Mặt trận dân tộc giải phóng Cămpuchia đã đề nghị Chính phủ ta cho đội quân tình nguyện sang đất nước Chùa Tháp tiêu diệt lũ Pôn Pốt, cứu nhân dân Cămpuchia khỏi họa diệt chủng.
Tổ phóng viên chiến tranh báo QĐND chuyến đi ấy gồm có 4 người: Kim Đồng, Nguyễn Thắng, Bá Thước và Ngô Tất Thắng. Chúng tôi đã được Bộ Tổng tham mưu ưu tiên dành cho một máy bay lên thẳng HU-1A (chiến lợi phẩm thu được của Mỹ-ngụy Sài Gòn 1975) bay từ sân bay Tân Sơn Nhất, vượt qua đầu bọn Pôn Pốt và đổ bộ xuống cánh rừng Mi-mốt (Công-pông-chàm) cách biên giới khoảng 30km. Từ đó, chúng tôi mở bản đồ ra xem, cắt góc phương vị tự tìm đường về sở chỉ huy đơn vị Quân đội ta.
Sau một tuần nghiên cứu hiệp đồng tác chiến giữa các quân chủng: hải - lục (gồm pháo binh, pháo cao xạ, tăng- thiết giáp và bộ binh cơ giới 100%) và không quân, đoàn phóng viên chúng tôi được chia làm 2 tổ. Một tổ gồm Kim Đồng và Bá Thước đi theo cánh quân hướng Tây Bắc qua Công-pông-thom, Xiêm Riệp, Xi Xô Phôn… (Kim Đồng do bị ốm nên phải ở lại hậu cứ). Một tổ gồm Nguyễn Thắng và Ngô Tất Thắng đi theo cánh quân hướng Đông qua thị xã Prây-veng và Công-pông-chàm để vào hội quân tại Phnôm-pênh.
Bốn giờ sáng ngày 31 tháng 12 năm 1978, cuộc hành quân bắt đầu. Ngô Tất Thắng đi trên chiếc xe M113 cùng Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 2 và đội hình tiểu đoàn tiến công bọn địch ở đồn điền Chúp, làm nhiệm vụ chốt chặn chiến dịch, không cho chúng vượt sông Mê-công co cụm về Công-pông-chàm. Tôi đi trên chiếc xe Jeep cùng Trung đoàn phó Quang Vinh và đội hình trung đoàn tiến công vào Sở chỉ huy Quân khu Miền Đông của địch ở Suông. Trong quá trình hành tiến, đội hình xe tăng và xe bọc thép đi trước hạ nòng pháo bắn chế áp các mô đất, bụi cây nghi có địch phục kích. Toàn bộ lực lượng bộ binh đều ngồi trên xe vận tải trong tư thế sẵn sàng nổ súng.
Mùa khô ở Cămpuchia đồng ruộng khô nẻ. Sau khi ra khỏi rừng, hàng ngàn xe các loại đều tràn xuống đồng, tăng tốc độ và tránh bom mìn địch cài trên mặt đường. Khi hành quân qua các phum (như làng, bản, sóc, buôn ở Việt Nam), nhân dân Cămpuchia kéo ra rất đông, reo vui đón chào người bạn láng giềng đến cứu mình thoát khỏi nạn diệt chủng. Họ hô đến khản giọng: “Việt Nam – Campuchia Xa-ma-khi!” (Việt Nam – Cămpuchia đoàn kết!).
Do bị tiến công bất ngờ với sức mạnh áp đảo, nên ngày đầu địch chống trả yếu ớt và sau đó nhanh chóng bị tiêu diệt.
Đêm 31 tháng 12 năm 1978, rạng sáng ngày mùng 1 tháng giêng năm 1979, địch tổ chức lại lực lượng và phản kích quyết liệt. Ở đồn điền cao su Chúp, địch dùng cả xe tăng tấn công và bắn pháo vào khu vực tạm trú quân của ta.

"... Nguyễn Bá Kiên, Phạm Hùng Chiến đưa xe K63 bám sát lề đường. Địch đã vào tầm súng. Bắn! Hai chiếc ôtô bốc cháy lập tức. Bị đánh phủ đầu, địch khựng lại. Cậy vỏ thép dày chiếc xe tăng T.58 lách sang, lồng lộn chống trả. Khẩu ĐKZ gắn trên xe chỉ huy bị hỏng. Xạ thủ B40 Luận Công Tiến trúng đạn hy sinh. Hướng xách súng của bạn bám theo vạt cỏ, bò lên, quả B40 nổ lóe trên tháp pháo. Chiếc T.58 lùi lại. Quả thứ hai, Hướng bắn cháy chiếc M.113. Bọn lính từ chiếc T.58 hoảng sợ lao ra, bị Ngô Tất Thắng(1) cản lại. Hướng nhảy lên chiếc xe tăng của địch. Quay nòng pháo, hối hả gọi: “Thắng ơi, tiếp đạn”. Địch vón lại. Chiếc xe số 206 của Phạm Hùng Chiến nhằm chiếc xe giải phóng mở hết tốc lực. Sau pha đụng đầu, chiếc ô tô bị hất xuống lòng mương. Lựu đạn, B40 nổ chồng lên nhau. Đại đội 7 bật dậy, lia đạn tới tấp vào quân địch. Xác địch vắt lên thành xe, cắm xuống ruộng. Lửa sáng rực một vùng. Địch tan. Số sống sót tháo chạy về phía sau.
Suốt đêm ngày 31 tháng 12 năm 1978, đại đội 7 liên tục chặn đánh hàng chục đợt phản kích của địch giữ vững trận địa, đường số 7 đoạn từ Suông đến Chúp, trở thành đoạn đường máu của quân khu 203....."

(Trích trong lịch sử sư đoàn đồng bằng (F320 quân đoàn 3) - Khắc Việt).

Qua điện đài, chúng tôi nhận được tin một chiếc xe M113 đã bị địch bắn cháy, nhà báo Ngô Tất Thắng và một số anh em trên xe đã hy sinh. Tôi bàng hoàng thương tiếc người bạn đồng nghiệp đã gắn bó với mình mấy tháng nay.
Phòng biên tập quân sự thuở ấy có khoảng 20 cán bộ, tất cả đều kinh qua kháng chiến chống thực dân Pháp, 100% là cán bộ trung cấp, cao cấp trong quân đội. Chức năng chủ yếu của phòng biên tập quân sự là thông tin về mặt tác chiến và huấn luyện của Quân đội ta. Chả thế mà trong kháng chiến chống Mỹ, Báo QĐND có 5 liệt sĩ - nhà báo, thì phòng biên tập quân sự đã có tới 4 người.
Cuối năm 1978, tôi được phân công làm thường trực biên tập (còn gọi là trực ban phòng) với nhiệm vụ chủ yếu là biên tập bài, tin của cộng tác viên và phóng viên, sắp xếp lên trang (trang 1, 2, 3 và 4) từng ngày, từng tuần, rồi nộp cho thư ký tòa soạn theo kế hoạch của Tổng biên tập. Chính vì nhiệm vụ được phân công, nên tôi thường xuyên phải gặp gỡ trao đổi, hướng dẫn cho các phóng viên mới và phóng viên thực tập. Ngô Tất Thắng là một trong những trường hợp đó.
Trung tuần tháng 12 năm 1978, tôi được cử sang mặt trận Cămpuchia. Biết tin này, Ngô Tất Thắng gặp riêng tôi để thuyết phục:
- Danh nghĩa em là phóng viên mới ra trường, nhưng trước khi vào Đại học Báo chí, em đã có mấy năm làm chiến sĩ công binh, ít nhiều đã được thử thách rèn luyện. Anh mà đồng ý, chắc chắn Tổng biên tập sẽ cho em đi Cămpuchia.
Tôi thật sự lúng túng và tìm kế hoãn binh:
- Thôi thế này nghé, để mình hỏi ý kiến bác Vân và cô Hà xem ý kiến của gia đình thế nào. Nếu được gia đình vui vẻ đồng tình, mình mới có cơ sở đề đạt nguyện vọng của cậu với thủ trưởng toà soạn.
Tối hôm sau, vừa cơm nước xong, tôi lên phòng nghỉ (tầng 2, nhà số 8 Lý Nam Đế) để chuẩn bị xe đạp sang thăm và hỏi ý kiến bác Ngô Tử Vân - bố đẻ của Thắng. Ngày đó, bác Vân là đại tá, Tổng biên tập Tạp chí Lý luận QĐND (nay là Tạp chí Quốc phòng toàn dân) – sống ở khu tập thể Ngọc Khánh. Đang chuẩn bị đi thì vợ chồng Thắng ập đến. Ngô Tất Thắng “đánh úp”, tấn công liên tục, rằng:
- Tối hôm qua, anh bảo là để anh hỏi ý kiến bố em và vợ em. Trở về gia đình, em đã xin ý kiến cả bố mẹ và vợ, mọi người nhất trí 100%.
Tôi quay sang cô Hà:
- Có đúng thế không ?
- Bố mẹ em đều đồng ý. Còn em, em rất tự hào về người chồng là nhà báo mặc áo lính có mặt ở chiến trường. Có thực tiễn chiến đấu sinh động với những tấm gương mưu trí dũng cảm của chiến sĩ ta, hy vọng anh ấy sẽ có những bài báo có giá trị thuyết phục bạn đọc.
Tôi rất mừng về ý chí quyết tâm của vợ chồng Ngô Tất Thắng và bảo:
- Mới tối hôm qua, chú ấy đến thuyết phục tôi đòi ra trận, hôm nay lại cô đến đòi cho chồng ra trận. Còn 3 - 4 hôm nữa mới hành quân cơ mà.
Để tăng độ tin cậy, cô Hà nói thêm:
- Anh Nguyễn Thắng cứ yên tâm ủng hộ chúng em đi. Về khoản viết lách, chồng em cũng không đến nỗi tồi. Ngay thời gian hơn 4 năm ở trường Báo chi, nhà em vừa học, vừa viết xong tập truyện “Sau cành vi-ô-lét”, khoảng 200 trang, đã nộp bản thảo cho Nhà xuất bản Hà Nội.
(Năm 1979, Nhà xuất bản Hà Nội đã xuất bản và phát hành tập sách “Sau cành vi-ô-lét” của Ngô Tất Thắng).
- Không phải là chưa tin tưởng ở trình độ viết lách – tôi trả lời - Qua thời gian thực tập, tôi thấy anh ấy viết được và có nhiều triển vọng. Sở dĩ thủ trưởng tòa soạn chưa “chấm tên”, có lẽ còn đắn đo về mặt xông pha trận mạc. Mấy anh em chúng tôi đều trải qua nhiều chiến dịch như: Đường 9 – Nam Lào, Khe Sanh, giải phóng Quảng Trị, chiến dịch Hồ Chí Minh, ra Trường Sa, lên Tây Nguyên diệt Fulro. Có anh vào tận đồng bằng sông Cửu Long trước năm 1975. Thôi, thế này nhé, bây giờ mới 8 giờ tối, tôi đưa cô chú đến tận nhà mấy thủ trưởng ở gần đây để trình bày nguyện vọng. “Bốn mặt một lời” cho ngã ngũ (chú và cô là hai, tôi là ba và thủ trưởng là bốn)! Đồng ý không nào?
Được lời ủng hộ như mở tấm lòng, vợ chồng Thắng gương mặt rạng rỡ, cười vang. Thế là ba chúng tôi cuốc bộ sang nhà đồng chí Phó trưởng phòng quân sự – Trần Văn Khôi, ở đầu phố Phan Huy Ích, chỉ cách tòa soạn có 200 mét. Ngoài nghệ thuật thuyết phục khéo của vợ, Ngô Tất Thắng còn dùng tình đồng hương để xin đồng chí Khôi (vì cả hai đều quê ở Từ Sơn, Bắc Ninh) đáp ứng nguyện vọng.
Thấy Ngô Tất Thắng thiết tha xin được đi chiến trường, anh Khôi bảo:
- Ý kiến của phòng cũng chưa phải là quyết định chính thức đâu nhé. Nếu là đoàn phóng viên của phòng quân sự cử đi thì tôi có quyền quyết định. Đây là đoàn do thủ trưởng tòa soạn cử đi, ý kíến của phòng chỉ là tham khảo, còn phải chờ ý kiến thủ trưởng tòa soạn mới được.
Thấy Phó trưởng phòng có vẻ dìu dịu, xuôi xuôi, tôi nháy cho vợ chồng Thắng đứng dậy xin phép thủ trưởng ra về. Vừa về đến đầu phố Lý Nam Đế, tôi động viên vợ chồng Ngô Tất Thắng:
- Thủ trưởng Khôi vốn là con người chặt chẽ, thận trọng, nghe cách nói biết là thủ trưởng đồng ý rồi đấy. Thế nào sáng mai thủ trưởng cũng sẽ trình bày với Tổng biên tập và Phó tổng biên tập. Thế là thắng lợi một nửa rồi. Nhà Phó tổng biên tập Trần Minh Bắc ở giữa phố Lý Nam Đế, gần cổng thành Cửa Đông, nếu không có gì trở ngại, anh em ta sang luôn bên đó. Được không nào?
Tất Thắng bảo tôi:
- Mưu của bác thì em chịu rồi. Thắng lợi mới một nửa, anh em ta phải thừa thắng xốc tới thôi. Đến nhà thủ trưởng Bắc, em đề nghị anh khẳng định là Phó phòng Khôi đã đồng ý cho tăng độ tin cậy, chỉ còn chờ ý kiến Phó tổng biên tập.
Đã 10 giờ khuya, tôi gõ cửa nhà đồng chí Minh Bắc. Nhìn thấy cả ba anh em, anh Bắc liền hỏi:
- Đã khuya rồi, có chuyện gì mà “quần tam, tụ ngũ” kéo đến đây?
Tôi trình bày nguyện vọng của Ngô Tất Thắng và ý kiến của bác Ngô Tử Vân. Ngô Tất Thắng cũng đã gặp đồng chí Trần Tiệu – Trưởng phòng và Trần Văn Khôi – Phó phòng biên tập quân sự. Các anh đều nhất trí cả, chỉ chờ ý kiến cuối cùng của thủ trưởng. Đồng chí Trần Minh Bắc cười:
- Gớm, các cậu đã bài binh, bố trận, gõ hết các cửa, bây giờ chỉ chờ pháo lệnh là xung phong, phải không nào? Thôi được, cá nhân tôi đồng ý cho đi, nhưng để mai tôi trao đổi với Tổng biên tập Trần Công Mân. Chỉ khi nào có quyết định chính thức mới được đi.
Tôi đọc thêm trên gương mặt vợ chồng Ngô Tất Thắng một niềm vui hứng khởi.

***

Trưa ngày mùng 1 tháng giêng năm 1979, tôi có mặt ở đồn điền Chúp. Việc đầu tiên là đến viếng – vĩnh biệt Ngô Tất Thắng và những đồng đội của mình. Thời tiết ở Cămpuchia rất khắc nghiệt. Ngày nắng nóng như đổ lửa, đêm lạnh buốt thấu xương. Giữa trưa nắng nóng mà tôi cảm thấy rùng mình. Hàng trăm đồng đội đang đứng bên mà tôi vẫn cảm thấy cô đơn, bởi người bạn đồng nghiệp không còn nữa. Gần nửa tháng nay, ăn chung mâm, nằm chung hầm. Biết bao chuyện vui buồn đều có thể dốc bầu tâm sự hết cho nhau nghe. Cân thuốc lá sợi đem theo cũng đã đốt gần hết, nhưng chuyện riêng tây, chuyện nghề nghiệp vẫn đầy ắp.
Trước khi đưa thi hài Ngô Tất Thắng và đồng đội là liệt sĩ về nước, đồng chí Tiểu đoàn phó tiểu đoàn 2 đã cho tôi xem danh sách những cán bộ, chiến sĩ chiến đấu dũng cảm, lập công xuất sắc trong trận đầu được đề nghị cấp trên tặng thưởng huân chương Chiến công. Trong danh sách đó có nhà báo – liệt sĩ Ngô Tất Thắng với ghi nhận: “Liệt sĩ Ngô Tất Thắng là một nhà báo dũng cảm. Vừa hành tiến, vừa tác chiến, bất chấp hỏa lực của địch, anh đã chụp được 2 cuốn phim ghi nhận hình ảnh chiến đấu mưu trí dũng cảm của Quân đội ta. Trong trận tao ngộ chiến, giáp lá cà ở Chúp, anh đã dùng súng ngắn đem theo bắn kẻ thù, như một chiến sĩ từng trải trận mạc…”.
Thực hiện phương châm tác chiến: “Đánh nhanh, giải quyết nhanh. Trọn vẹn về chính trị và quân sự, bộ đội đề cao kỷ luật, không được đụng đến cái kim, sợi chỉ của dân, chỉ được hưởng không khí và nước lã của nhân dân Cămpuchia”, tốc độ chiến dịch phát triển rất nhanh. Chỉ trong vòng 7 ngày, với chính diện mặt trận dài 700km, không gian chiến dịch là cả đất nước Cămpuchia với 7 triệu dân (số liệu 1979), Quân đội ta đã sát cánh cùng Quân đội giải phóng Cămpuchia cứu được nhân dân Khơ-me thoát khỏi họa diệt chủng. Nhân dân Cămpuchia cùng chính quyền cách mạng đã hoàn toàn làm chủ các thành phố, thị xã, tỉnh lỵ trên đất nưóc Chùa Tháp.
Trong niềm vui vô tận của nhân dân Thủ đô Phnôm-pênh cùng nhân dân cả nước Cămpuchia mừng chiến thắng, tôi vẫn cảm thấy lẻ loi – Ngô Tất Thắng không còn nữa! Anh bước vào cõi vĩnh hằng ở tuổi 25, còn quá trẻ về tuổi đời và sự nghiệp. Anh đã đi vào cõi vĩnh hằng trong niềm tiếc thương của gia đình, của đồng đội và đồng nghiệp!












Nhớ mãi ... Video HaMeoK6
Bắt đầu tại: 27:36





Nhớ về bạn

Đỗ Nghĩa K7
Chơi với nhau từ lúc bé tí, kỷ niệm giữa hai đứa luôn là những trò chuyện thủ thỉ, rồi tranh luận, lý sự từ lúc con trẻ cho tới lớn chứ không phải là những kỷ niệm phá đám, nghịch ngợm như những người bạn khác.

Hồi nhỏ tên bạn là Hùng Thắng. Lúc mới đi học, cô giáo nói Tất Thắng nghe hay hơn, ý nghĩa hơn. Thế là bạn về nhà đòi bằng được mẹ đổi tên, nên mới là Ngô Tất Thắng…
Lớn thêm một tý vào trường Trỗi, không cùng trung đội nhưng vẫn thân với nhau như thế, chia nhau quà bánh và tin nhà. Nhớ những lần hội diễn văn nghệ có Thắng với cây đàn Violon. Nhớ những ngày chủ nhật ở Trung Hà đứng trên lan can nhìn xuống sân bóng, cùng trông ngóng người nhà lên thăm. Hai đứa coi tay nhau, nghe người ta nói đứa nào có những vòng trắng trắng dưới móng tay là hay nhận được bánh kẹo gia đình gởi, tụi mình đều có cả, ráng chờ, vậy mà cũng tin…

Trích „Nhớ bạn”
Trong bức ảnh anh ấy đứng bên phải, ảnh chụp trước ngày nhập ngũ năm 72, năm đó anh ấy 16 tuổi.
Đỗ Nghĩa
Ngô Tất Thắng k7 sinh 1956, Thắng học sớm một năm, đi bộ đội đợt tháng 1/72 lúc Thắng chưa đầy 16 tuổi.Bạn cưới vợ cũng rất sớm, khoảng 77, sau khi tốt nghiệp ĐH Báo chí rồi vào ch.trường K và hy sinh. Tác phẩm đầu tay: "Sau cành violet". 21:44 5 tháng 3, 2008
tk8 (Minh Tuấn)
- Tất Thắng có 1 kỷ niệm kthể quên: chúng tôi chia 2 fe lên đồi Trung Hà đánh nhau, chẳng có thù oán gì, chỉ là "Gà mới lớn thích so cựa". Minh "đu" làm trọng tài, đấu thủ có Giang"còi", Bảo Sơn, Đoàn"điếu"...khoảng 20 người, tôi rút thăm trúng Tất Thắng. Ngay hiệp đầu Thắng bị trựot chân ngã, chống tay xuống đất-Stop trận đấu. Tay fải Thắng sưng fồng lên, tôi sợ quá. Nhưng Thắng về báo với thày: Tự trượt ngã ở giếng nước- đúng kiểu Trỗi. Thắng fải đeo băng tay choàng qua cổ khoảng 1tháng: rạn xương !..vậy mà những người tham gia trận tỷ võ hôm đó vài bạn đã kcòn nữa...
- Cô Trâm chính là cô Chủ nhiệm lớp 10 của tôi, đeo kính cận, vợ của nhà văn Phùng Quán, bị quy là "nhân văn giai phẩm" gì đó. nhà cô ở đầu fố Hàng Cân, trên gác 2. 22:11 5 tháng 3, 2008
dathb136
Tất Thắng bị đơn vị trả về với tôi. Nhưng TT xin lên lại như Hằng nói, còn tôi về Hai quân cùng Khánh chuột. Cô Trâm có bài viết về Thắng trên báo VNghệ. 10:06 6 tháng 3, 2008
Đỗ Nghĩa
Lúc Thắng cưới vợ cậu ấy chừng hơn 20 một ít. Sau đó tôi vào công tác miền Nam, ít lâu sau T. đi chiến trường K rồi hy sinh. Sau này về lại 16a L.N.Đế thì gia đình đã chuyển đi đâu mất. Trỗi mình có ai có địa chỉ gia đình T. thì hay quá. 20:22 28 tháng 7, 2008

Nhớ có một lần ra H.N công tác, khi đi ngang qua khu vực Kim Mã tình cờ gặp đám đánh lộn đang bị kéo về đồn công an, tôi nhìn thấy Ba - cậu em út của Thắng trong đám và bảo lãnh được ra (Chuyện khg lớn, cậu Ba bị câm điếc từ nhỏ và tôi cũng đang trong ngành), sau đó hỏi nhà cậu ấy chỉ theo hướng đi Cầu Giấy và nói bằng ngôn ngữ riêng rồi nhảy lên xe bạn phóng mất. Chẳng hiểu gì cả.
Nhờ Hằng hỏi thử đám bạn C.V.A coi. 20:59 28 tháng 7, 2008
K6LS
Đạt à. Tôi chính là kẻ vào khám mắt thay cho Thắng đấy. Hắn bị cận mà! Nếu tôi không đóng thế thì Thắng bị trượt tuyển quân. Khi nghe tin hắn hy sinh trong tôi rối bời (thương cảm, ân hận, tự hào ...). 07:58 14 tháng 10, 2009
quang trung
Thật là tiếc cho Thắng, nhưng chính sự hăng hái lao mình vào cuộc chiến mà không tiếc thân mình như cậu ấy đã để lại trong lòng người còn sống niềm tiếc thương vô hạn và cũng là bài học cho lớp trẻ. Trường hợp của Thắng cũng gần giống tôi, năm 1968 sau khi rời Trỗi tôi lập tức xung phong nhập ngũ và được điều vào chiến trường C. Địch đang giành lại thế chủ động sau Mậu thân nên cuộc chiến vô cùng ác liệt khó khăn, sở dĩ mình còn sống trở về là vì đã biết rút kinh nghiệm, dùng cả trí thông minh nữa để thoát hiểm và trở thành một cựu binh dày dạn, năm 1972 đơn vị cũng có nhận nhiều tân binh là SV các trường, bằng kinh nghiệm mình cũng giúp được nhiều anh em trẻ thoát khỏi những cái chết lãng nhách, thật tiếc là không gặp được nhiều bạn Trỗi (ngoài Đoàn nhật Cao hình như k8 hay 7 gì đó). 09:51 14 tháng 10, 2009
KV.K7
Vẫn nhớ ngày trước Thắng rất hiền và ngoan vậy mà trong cậu ấy là một tính cách mạnh mẽ. Chuyện với người yêu, chuyện đi bộ đội cũng phải " chạy chọt nhờ vả". Là lính thì phải ra tuyến đầu nhưng phong viên thì đâu cần phải vậy, ấy mà ngồi theo xe tăng vào trận không phải ai cũng dám. Cảm phục lắm. 11:57 14 tháng 10, 2009
Đỗ Nghĩa
Đính chính một tý với HBĐ:
-Thắng học cấp tóc trường báo chí TW hồi đó ở gần đâu trường Đảng dưới Cầu Giấy, khg phải TH Văn.
-Cuốn sách của Thắng viết là "Sau cành Violet". 07:17 15 tháng 10, 2009
HữuThành.Nguyễn
Cám ơn cái vô tình của KV.
Trước đây cũng biết đâu đó về việc NTT hi sinh khi đi cùng một đơn vị thiết giáp, nghĩ cậu hi sinh như một phóng viên. Bây giờ biết chắc cậu còn là một tay súng. 20:52 12 tháng 7, 2010
KV.K7 (Khắc Việt K7)
Đạt có thể xem chi tiết hơn trong quansuvn.net, phần Bô binh, lịch sử f320 tập 4. Thắng đã đi theo đơn vị xung kích luồn sâu (c7, d1, e48, f320) đánh vào sở chỉ huy QK 203 của địch. Cần tìm hiểu thêm có thể liên lạc với BBL CCB f320, tìm gặp những đồng đội có tên trong đó (nếu họ còn sống). Nhà báo như Thắng mà đi theo mũi thọc sâu này thất đáng khâm phục, ngay năm 1975 khi đánh SG tập kết đầy đủ các loại nhà báo nhưng không có ông nào dám đi với đội hình thọc sâu, nên vào dinh Độc Lập chỉ có ảnh của PV Tây, còn là phim ảnh của ta là đóng lại. 07:00 13 tháng 7, 2010

Con mẹ vẫn chưa về - Khắc Việt, 25/7/2010 - Blog "Út Trỗi".
Thắp hương tưởng nhớ Ngô Tất ThắngThăm hỏi và nói chuyện với mẹ Toàn, mẹ của Ls Ngô Tất Thắng.
Với mẹ Toàn của Ngô Tất Thắng mãi tới tuần rồi K7 chúng tôi mới biết được địa chỉ và số điện thoại qua Uttroi và Hồ Bá Đạt. Mấy năm nay chẳng làm sao biết được nên Mạnh Thắng và tôi tính đến nhà mẹ Toàn trước. Gọi điện đến nhà kiểm tra thông tin và cũng để hỏi thêm về địa chỉ và hướng đi. Cô em dâu Ngô Tất Thắng hướng dẫn khá kỹ càng mà vẫn cứ nhầm, phải gọi thêm 2,3 lần nữa vì khu này quá mới, tên phố xá, số nhà chưa rõ ràng được.
Rẽ vào con đường nhỏ, một bên vẫn còn là đất hoang không có nhà. Xa xa cuối con đường, dưới gốc cây bàng thấy có bóng người đứng ngóng... Trời lại bắt đầu đổ mưa, tôi tăng ga về phía cây bàng và hy vọng... Đến nơi thì đúng là mẹ Toàn.
Chúng tôi sững người khi biết mẹ Toàn đã đứng dưới gốc bàng suốt từ khi hay tin chúng tôi đến thăm nhà...

Bên lề lễ hội - Đến thăm gia đình Ngô Tất Thắng - Khắc Việt, 17/10/2010 - Blog "Út Trỗi".
Thầy Trọng ra Hà Nội ngoài việc dự hội trường, dự lễ đón nhận Anh Hùng của báo QĐND còn cánh cánh mong về thăm chị Toàn, mẹ của Ngô Tất Thắng, một trò cưng, một đồng nghiệp của thày đã đi xa.
Trùng phùng mấy mươi năm tình cảm chị em, tình cảm thầy trò, đồng nghiệp đan xen, cả chủ lẫn khách mừng vui khôn xiết.
Chú Quang em Thắng hay tin thày đến cũng chạy về, cả nhà đông đủ kể chuyện xưa. Chuyện bác Vân, chuyện về Thắng ngày đi học, đi lính, làm báo và ngày Thắng hy sinh ở chiến trường ra sao. Sống không nhiều nhưng Thắng đã để lại trong lòng bạn bè, thầy cô sự cảm mến quí phục. Bạn ra đi khi mới hoàn thành cuốn tiểu thuyết đầu tay “Sau cành vi ô lét“ và một số bài thơ.

Thầy Trọng thay mặt anh em trường đón nhận món quà mẹ Toàn tặng, cuốn sách duy nhất Thắng kịp để lại cho chúng ta. Mẹ còn tặng một bài thơ Thắng viết khi ở Quảng Trị 1972. Thầy Trọng đọc cho cả nhà nghe và sẽ đưa đăng báo QĐND ở thời điểm phù hợp.




27/7/2016 - K7 HN tới thăm & trao quà cho G/Đ thân nhân các bạn Ngô Tất Thắng, Nguyễn Đức Thảo & Đặng Đình Kỳ - Ha Quangvu, 28/07/2016, Blog AHLS
Nhân dịp ngày Thương binh - Liệt Sỹ 27/7, với tinh thần: "Ăn quả nhớ người trồng cây"; Theo truyền thống hàng năm, hôm nay 26/7, được sự ủy nhiệm của K7, Ban LL K7 đã cử một Đoàn do bạn Trần Thế Dân, Thường trực BLL (Kg phải Thường trực Ban BT đâu nhé) cùng các bạn: Chiêm Hải, Thanh Sơn, Quang Minh & Quang Vũ đã tới thăm & trao quà cho G/Đ thân nhân các bạn một thời cùng "Sinh ra trong khói lửa" & đã Anh dũng Hy sinh trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ Quốc: Ngô Tất Thắng, Ng Đức Thảo & Đặng Đình Kỳ. Riêng với bạn Trần Hữu Dân, Đoàn đã có lỗi kg liên lạc để có địa chỉ G/Đ, nên kg tới đc. Mong G/Đ & Anh linh bạn lượng thứ.





Tưởng nhớ đến các bạn liệt sỹ K7 - Tổng hợp, 24/07/20167, Blog AHLS







Tuổi trẻ Báo Quân đội nhân dân tri ân các anh hùng liệt sĩ - Minh Anh, 24/07/2017, Báo điện tử Quân đội nhân dân (Blog AHLS).

Thắp hương tri ân liệt sĩ Ngô Tất Thắng, nguyên phóng viên Báo Quân đội nhân dân hy sinh tại chiến trường Campuchia. Ảnh: Tuấn Huy

















0 nhận xét:

Đăng nhận xét