Thứ Ba, 31 tháng 7, 2018

Thư của Khắc Bình


Hồ Bàng>>BẠN NVT 01/8/2018 11:56

Xin gửi đến các anh chị Thiếu sinh quân và Ban biên tập tài liệu của trường một số thư mà gia đình liệt sĩ Khắc Bình gửi đến. Mong rằng những tài liệu này sẽ góp phần làm phong phú thêm các kỷ vật của trường ta. Tài liệu bao gồm:
a) Thư của Khắc Bình ngày học trường NVTrỗi (2 thư)
b) Thư của Khắc Bình những ngày quân ngũ (3 thư)


Để xem ở độ phóng đại lớn, xin nhấp chuột vào thư cần đọc.


Thư Quế Lâm 06/01/1967


Thông tin mộ Liệt sĩ Ngô Ngời K3

Đăng lại thông tin LS các khóa tại trang
NGÀNH CHÍNH SÁCH QUÂN ĐỘI -
Xem http://chinhsachquandoi.gov.vn/Home >> DỮ LIỆU CHÍNH SÁCH >> CSDL LIỆT SĨ - MỘ LIỆT SĨ

và tại
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VỀ LIỆT SĨ, MỘ LIỆT SĨ VÀ NGHĨA TRANG LIỆT SĨ
http://thongtinlietsi.gov.vn/

Liệt sĩ Ngô Ngời
1947 - 11/07/1979

Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2018

Đoàn đại biểu học sinh Trỗi vào VP Chính phủ thăm chú Sáu Dân nhân 27/7/1995

Tháng 7 với ngày 27 - Tri ân Thương binh Liệt sỹ

FB Dan TranThe 29/7/2018 lúc 10:04
Đọc lại chuyện TKQ viết về LS Võ Dũng, tôi lại nhớ tới bức ảnh nhân dịp 27.7.1995, đại biểu các khóa vào thăm TT Võ Văn Kiệt tại Văn phòng Chính phủ. Vào đến sân chú đã ra đón, rồi kéo tất cả vào phòng khách, trên bàn có cả bia, nho và bánh kẹo đầy đủ. Chú cháu nói chuyện như trong nhà với nhau. Sau khi Phan Nhân phát biểu TT đã ân cần hỏi thăm sức khỏe các học sinh trường Trỗi và kể lại những câu chuyện của gia đình và của Võ Dũng. Gần 1 giờ chú cháu tâm sự rất ấm cúng tình cảm gia đình. Chúng tôi coi đây là một kỷ niệm vô cùng quý báu mà TT dành cho học sinh trường NVT. Xin gửi cho a. TKQ để lưu vào với hoạt động đền ơn đáp nghĩa của Trường ta.
Trần Thế Dân.


Tran Kienquoc Từ trái: Phan Thanh Nhân k6, chú Sáu, Bùi Thanh Hùng k6, Hòa k6. Trần Thế Dân k7, Lữ Thái k3, Quang Trung k2, ?, ?.


Tâm sự về 1 bài báo đã viết

Tháng 7 với ngày 27 - Tri ân Thương binh Liệt sỹ


Thật ra Hiếu Dân, em gái Võ Dũng, có 1 mối thân tình với các anh k5. Lại nữa, là học sinh Trường Bé nhưng Hiếu Dân chả khác gì học sinh Trường Trỗi vì em quá thân tình với Hòa, Bình (con cô Bảy Huệ) và các bạn C11 trường ta.
Năm ngoái dịp 27/7, khi các bạn k5 có ý tưởng về miền Tây viếng thăm mộ phần Huỳnh Kim Trung và Võ Dũng, đã gọi điện cho em. Dân nói: "Em sẽ cho 1 xe và 1 tài phục vụ các anh". Bảo: "Phiền em quá, để các anh tự đi", "Có gì mà phiền, các anh về quê ngoại em mà. Mới lại, đường khó đi cho người đi lần đầu".
Quả thật, chiều hôm đó không có Quý, người dẫn đường thông thạo địa bàn của em, thì chắc chết. Quý rất hiểu biết vì được đi khắp các nẻo cùng chị Dân. Được mời cơm chiều, khi ra xuồng về bến xe đã bảo Quý cho trả tiền thì Quý nói, chị Dân lo hết rồi.
Sau chuyến đi đó, Hạnh - chị họ Võ Dũng, Hiếu Dân - gặp và kể cho tôi nhiều chuyện chưa biết về họ ngoại, gia đình và cả Võ Dũng sinh ra, lớn lên và gắn liền với gia đình của má. Có bài viết khá dài, gửi cho Dân. Hai anh em thống nhất: chưa đăng tải mà chỉ giữ làm tư liệu.
Nhân 27/7 năm nay, có cái gì đó thôi thúc, tôi bảo Dân gửi bài cho báo. Em đồng ý. Bàn đi bàn lại, sửa, rút gọn được 1 bài hơn 4000 chữ.
Là 1 "cộng tác viên dọc đường" của báo TT (ý: gặp cái gì hay thì viết và được đăng), đã gửi đi và nhận được hồi âm: bài không dùng được. Lúc đầu hơi chạnh lòng, sau nghĩ bụng, chắc do TT vừa có scandal nên bài này sợ nhạy cảm(!)...
Nhớ ngay đến TBT Báo Đại Đoàn Kết - 1 cựu học viên Học viện KTQS k14. Cùng là lính Quân sự, từng giao du khi dự Họp mặt Đập Neo, Đoàn Đào và từng có bài cho báo nên khi gửi cho chú, chú nhận lời ngay.
Vì chỉ còn chưa đầy 2 tuần, thời gian quá ngắn, sợ việc dàn trang cho báo ngày 27/7 đã xong, đã nhắn: đăng kịp 27/7 thì tốt, nếu không tùy em sắp xếp. Chú trả lời: "OK a" (đúng như tin nhắn).
Và chiều qua, chú đã nhắn tin: "Bài viết đã đăng trên Tinh hoa Việt số 80 ngày 25/7, anh ạ" và gửi kèm bản chụp tờ báo. Hỏi: "Không có đường link à?" thì được trả lời: "Để còn bán báo đã anh".
Nhắn tin vui cho Hạnh thì được trả lời, bài viết cảm động đến chảy nước mắt nhưng sao vẫn viết "dượng Sáu đưa Võ Dũng về Vĩnh Long?". Quái lạ, xem lại bản chụp thì rõ ràng là "Năm 2005, khi đã nghỉ hưu, chú quyết định đưa 4 má con về quê ngoại ở Sóc Trăng. Vì sao không chuyển cô và các con về Vũng Liêm, Vĩnh Long mà lại có quyết định đó?".
Lục trên mạng thì ra, đó là bài viết từ 17/7/2016 (http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/chuyen-chua-biet-ve-su-hy-sinh-cua-con-ca-thu-tuong-vo-van-kiet-316031.html), khi mới chỉ biết chú Sáu đưa cô Kim Anh, Võ Dũng và 2 em từ NTLS TPHCM về quê, chứ chưa biết là "về quê ngoại".

... Chỉ có 1 bài báo mà đã có bao kỉ niệm vui. Và đúng là ở đời không có bạn thì khó thành công.



FB Tran Kienquoc 26 Tháng 7/2018 lúc 05:55

CHUYỆN ÍT BIẾT VỀ LIỆT SỸ VÕ DŨNG, CON TRAI CẢ CỦA CỐ THỦ TƯỚNG VÕ VĂN KIỆT

Tháng 7 với ngày 27 - Tri ân Thương binh Liệt sỹ

CHUYỆN ÍT BIẾT VỀ LIỆT SỸ VÕ DŨNG, CON TRAI CẢ CỦA CỐ THỦ TƯỚNG VÕ VĂN KIỆT
Trần Kiến Quốc

Võ Dũng (Phan Chí Dũng)
1951 - 1972.
Chiều ngày 23/7/2017, 30 thầy trò khóa 5 trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi (1965-70) lần đầu tiên tới thăm quê ngoại LS Võ Dũng. Trên hai chiếc vỏ lãi, chúng tôi theo con rạch chừng 2km tới nhà con trai dì thứ ba của Võ Dũng. Mọi người được gia đình đón tiếp thịnh tình, rồi cùng ra “Trần Môn Chi Mộ” thắp hương cho các cụ cùng cô Trần Kim Anh, Võ Dũng và 2 em Phan Ánh Hồng, Phan Chí Tâm.


Gia đình chú Sáu Dân (ảnh ghép)




Họ Trần, một dòng họ có tiếng ở Sóc Trăng
Ông Trần Văn Ngưu, tự Nhất Ngưu – Cố ngoại[1] của Võ Dũng, người con thứ sáu của ông Trần Quang – vị quan trong thành Vĩnh Long, dưới quyền của cụ Phan Thanh Giản. Thành Vĩnh Long thất thủ, ông Trần Quang đưa vợ con về làng Trường Thạnh, Cần Thơ, dặn không theo Pháp rồi ông đi biệt tích. Để giấu gốc tích, bà Trần Quang dẫn 6 người con đến Kinh Sáng, vùng đất thuộc thị xã Ngã Năm ngày nay, sinh sống.

Cuối thế kỷ thứ 18 (khoảng năm 1890) ông Trần Văn Ngưu đưa vợ con đến khu vực hoang vu này. Bấy giờ xung quanh là rừng, lau sậy rậm rạp, kênh rạch chằng chịt… Dân quanh vùng khuyên nên cắm sào giữa sông, ngủ trên ghe và đốt lửa trên bờ phòng thú dữ mò về.
Cụ Trần Văn Ngưu cùng con trai lớn thứ năm Trần Quang Quy khảo sát và quyết định lập nghiệp ở vùng đất cách chợ nổi Ngã Năm chừng 5km đường sông.
Sau 10 năm khai khẩn, thấy khu vực này trũng, cá từ khắp nơi đổ về, ông Ngưu tìm cách đắp đập và khai thác cá. Ông thuê cả một vùng đất rộng để khai thác cá. Ghe rổi thương lái Sài Gòn xuống tận nơi thu mua.
Cầu cảng được xây dựng, kênh được mở rộng. Khu vực bến thuyền thắp sáng đèn măng-sông cả đêm. Người trong vùng gọi ông là ông Bá hộ Ngưu. Ấp mới có tên Đường Mốp (xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm, Sóc Trăng).
Ông Trần Văn Ngưu có 9 người con, trong đó ông Trần Quang Quy (ông ngoại Võ Dũng) là con trai lớn. Ông Ngưu mất năm 1928. Ông Quy có 7 người con: dì hai Trần Thị Chơi, dì ba Trần Thị Giác, cậu tư Trần Tấn Lướt, cậu năm Trần Tấn Khả, cậu sáu Trần Quang Hiến, má của Võ Dũng là con gái thứ bảy Trần Kim Anh, cô út Trần Kim Em.
Năm 1929, ông Ngưu mua máy xay xát lúa, đặt tại chợ Ngã Năm. Nhà cửa được xây theo kiến trúc Pháp cùng một ngôi đình. Cứ dịp tết hay thu hoạch mùa màng, ông cho rước gánh hát bội về hát cho bà con nghe.

Từ khi đến đây lập nghiệp, dòng họ Trần được dân làng kính trọng. Nhiều người xin vào làm mướn rồi định cư đến giờ. Người nghèo được ông cho lúa gạo, cấp đất cất nhà.
Có tư tưởng tân tiến, tiếp thu văn hóa thị thành, khi con trai, con gái còn nhỏ ông cho thuê gia sư giỏi về nhà dạy học; khi các con trai đã lớn ông cho đi học trường Lyséum Bassac Cần Thơ. Ngày đó con gái không được đến trường nên 2 cô út Kim Anh, Kim Em được đưa ra chợ Ngã Năm học mỗi ngày. Người trong làng ngày nay vẫn nhắc đến 2 cô con gái xinh đẹp, công dung ngôn hạnh, mỗi khi xuống ghe tam bản hầu[2] để đi học thì cửa ghe đóng lại, không ai nhìn thấy.
Ngày Cụ Hồ kêu gọi toàn dân ủng hộ chính phủ, ông Năm Quy hiến vàng bạc, 3300 công đất cùng nhiều đồ đồng (thau nồi, lư đồng …) để đúc súng đạn, chỉ giữ lại 100 công đất nơi có mộ phần cha mẹ. Hưởng ứng lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, ông cho phá nhà lớn và ngôi đình “tiêu thổ kháng chiến”, máy móc xay xát được tháo về, cho đốt khung bao nhà máy.
Sau này, ông cho ráp lại máy móc tại rạch Đường Mốp; vừa xay lúa cho dân, vừa xay lúa cho cách mạng, cung cấp gạo cho Tỉnh ủy Long Châu Hà. Do bị chỉ điểm nên Pháp đã vào bỏ bom xăng, làm cháy một phần nhà máy. Ông kiên trì sửa chữa cho đến khi không còn ráp lại được nữa.
Chiến tranh làm mất hết tài sản, mất cả con nhưng ông bà vẫn nén nỗi đau, dựng lại nhà, tiếp tục sinh sống. Đến năm 1964, khi bị thả hai trái bom trên vườn nhà, sau nhiều trận càn và tuổi đã cao, không còn đủ sức chạy bom đạn, ông mới rời quê về sống với người con trai thứ sáu tại số nhà 158 Nguyễn An Ninh, phường Vĩnh Bảo, Tp Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.
Tiếp tục nuôi giấu cán bộ, khi có điều kiện, ông tiếp tế thuốc men, cá khô, thuốc hút, phương tiện xe cộ… Thường theo dõi chiến sự qua báo chí, biết ngày càng ác liệt, có quá nhiều người của cả 2 bên ngã xuống; ông lo cho con cháu còn đang chiến đấu. Ông mong ước hòa bình, để gia đình được đoàn tụ.
Ông Trần Quang Quy mất năm 1972, bà mất sau ông một năm. Sự nhớ thương, mong chờ gặp lại Võ Dũng và Hiếu Dân không bao giờ thực hiện được. Còn Hiếu Dân sau này về vẫn cứ tiếc: “Ông bà ngoại mất mà không kịp đợi con về”.


Chú Sáu Dân và gia đình bên vợ
Năm 1949, chú Sáu Dân là Tỉnh ủy viên, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Rạch Giá. Một lần đi công tác, ghé qua lớp học của Hội Phụ nữ mở tại rạch Đường Mốp, chú sáu gặp cô Kim Anh. Ngay từ cái nhìn đầu tiên chú đã xao động. Hỏi thăm chú Hai Hữu đi cùng thì biết, đó là con gái ông Năm Quy - một gia đình giàu có, từng hiến đất cho cách mạng. Từ đó chú Sáu thường ghé thăm nhà cô Kim Anh. Chuyện tình bắt đầu.
Khi ngỏ lời cưới cô thì chị thứ hai và anh thứ tư băn khoăn: không biết gia đình chú Sáu ở đâu; cha mẹ, anh em thế nào? Rồi chú là cán bộ cách mạng, chưa biết sống chết ra sao… nên không muốn gả. Riêng ông Năm là người có tư tưởng tiến bộ và có cảm tình với chú Sáu, mặt khác người chị thứ ba biết cô Kim Anh thương chú Sáu nên cũng nói vào. Ông Năm đồng ý gả cô Kim Anh cho chú.
Sau ngày cưới, chú luôn giữ liên lạc với gia đình. Thời gian chống Pháp, chống Mỹ, mỗi lần đi công tác gần nhà, chú cũng tìm cách ghé qua thăm Ngoại. Chú quan tâm và nhớ hoàn cảnh từng người trong gia đình.
Những chuyến về quê thăm mộ phần các cụ, chú Sáu vẫn nhắc lại kỷ niệm cũ: “… Ngày xưa không có chuyện rủ nhau đi chơi… - rồi chú nhìn Hiếu Dân cười - Ngày tết, đến nhà Ngoại là ba “xung phong” chụm lửa nấu bánh tét để được nói chuyện với má bay...”. Nhắc lại chuyện tình của ba má, Hiếu Dân trêu: “Ba đi vận động cách mạng Ngoại rồi “vận động” luôn cả má con… Con biết rồi, ba cưới má khi mới 17 nghen?”. Lúc đó chú Sáu vui vẻ: “Đâu có, má mày sắp 18 mà!” rồi cười mãn nguyện.
Sau này nghỉ hưu, thời gian sống ở nhà con gái Hiếu Dân, chú mới có thời gian dành cho gia đình bên vợ. Thỉnh thoảng chú cho rước bà chị thứ ba và anh thứ sáu lên chơi. Trong bữa cơm sum họp, chú thường nhắc lại chuyện ngày cưới: “Anh Sáu lấy những hạt gạo nhuộm đỏ, dán trên tấm kính chiếu thủy 2 chữ “Tổ Quốc”. Trong lễ tuyên hôn, cô dâu, chú rể trong bộ bà đen bằng vải san đầm; đứng trước bàn thờ Tổ quốc, xúc động như thấy có mình ở trong đó”.
Đám cưới cô chú được tổ chức đơn giản nhưng rất trang trọng, với sự chứng kiến của hai họ nội, ngoại cùng đông đảo bà con xóm giềng. Ông Nguyễn Thành Nhơn, bí thư Tỉnh ủy Rạch Giá, đại diện tổ chức và cũng là “đại diện nhà trai”.
Chú Sáu cưới cô Kim Anh năm 1950. Cưới xong sống ở nhà Ngoại. Sau này, chú cứ nhắc mãi cái ao sen nhà ngoại đã bị lấp, từng chứng kiến kỉ niệm đẹp của 2 người. Cũng năm ấy, chú có lệnh ra Bắc. Lúc đó cô Kim Anh đã có mang Võ Dũng.
Cùng chuyến đi còn có một cán bộ cũng có cô vợ trẻ. Cô Năm Liễu (Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Kiên Giang), người hoạt động cách mạng trong vùng, chứng kiến cuộc chia tay của 2 cặp vợ chồng, đã kể: “Cả 2 cô vợ đều con nhà giàu, rất trẻ, đẹp. Cô thầm nghĩ, không biết rồi đây họ có chờ đợi chồng được hay không? Vì đi ra Bắc thì biết ngày nào trở lại, không biết ai còn, ai mất!
Lúc chuẩn bị đi, cô vợ kia khóc dữ lắm, làm chồng phải quay xuồng lại tới 2, 3 lần mới dứt đi được. Còn má con gan lắm, khi xuồng ba con đi xa rồi mới khóc… Thật buồn, người phụ nữ kia không chờ đợi được, đã đi lấy chồng. Đó cũng là một thực tế phù phàng! Còn má Kim Anh của con vẫn một mực thủy chung, chờ ba bay trở về”.


Võ Dũng và những năm tháng sống ở bên ngoại
Tiễn chú Sáu đi Việt Bắc, cô Kim Anh vẫn sống ở nhà ông bà ngoại. Đầu năm 1951, cô sinh Võ Dũng mẹ tròn con vuông. Theo ý chú Sáu, cô đặt tên con trai đầu lòng là Phan Chí Dũng. Năm 1952, con trai thứ hai Phan Thanh Nam ra đời tại Việt Bắc. Biết tin, ông bà ngoại và má Võ Dũng muốn đưa Nam về sống bên ngoại.
Ở miền Nam, Võ Dũng lớn lên trong sự bảo bọc của ông bà ngoại. Ngoại thương Võ Dũng nhiều nhất vì là đứa cháu duy nhất còn sống với ông bà, hơn nữa ba Dũng đi làm cách mạng chưa về… Ngoại cũng thương má của Dũng vì là con gái út, lại phải sống xa chồng. Cô Kim Anh còn xắn áo xắn quần, đi nhổ mạ cấy lúa, giã gạo phồng cả tay… để “tự cải tạo thành phần” gia đình.
Khi má Kim Anh đi thăm ba, dẫn Dũng theo sợ lộ nên đã gửi Dũng ở nhà với Ngoại. Cậu Sáu Hiến thương cháu, đi đâu cũng cho Dũng đi cùng.
Năm 1954, khi Dũng được 4 tuổi, chú Sáu trở về. Đó là lần đầu cha con gặp nhau. Thời gian đó, chú hoạt động ở Bạc Liêu nên cô đi đi về về. Đầu năm 1956, Ngoại đưa cô Kim Anh ra bệnh viện Cần Thơ sinh Hiếu Dân; rồi năm 1962 sinh em Ánh Hồng.
Năm 1965, cô về nhà Ngoại, sinh em Chí Tâm ở Rạch Giá. Đầu năm 1966, trên đường lên R thăm chú Sáu, cô đã mất cùng 2 em trên con tầu Thuận Phong.
Tuổi thơ của Võ Dũng ở nhà Ngoại có rất nhiều kỷ niệm. Ai cũng nhớ, Dũng rất nghịch, từng bắt gà lôi của ông ngoại nhổ lông đuôi, gắn vào lưng quần, vừa khom lưng chạy vừa kêu “lức lức”; hay lấy lưỡi cưa trong nhà máy xay dắt vào lưng giả làm kiếm. Mỗi lần giục đi tắm thì cứ chạy vòng vòng quanh đống trấu. Tới giờ đi học thì lần khân, có khi trèo tót lên cây xoài, ngồi vắt vẻo không chịu xuống, má phải cầm roi mới đi…
Võ Dũng ở nhà Ngoại đến năm 1959 thì cùng má và Hiếu Dân qua Phnôm-pênh sống với ba. Ở đó, Dũng được học tiếng Pháp ở trường Lạc Hồng. Dũng rất nghịch, hay ném ống bơ cát qua nhà bên cạnh, bị thưa cảnh sát. Cảnh sát đến kiểm tra, làm cơ quan ta sợ địa điểm bị lộ, phải chuyển.


Ra Bắc rồi về Nam
Từ Phnôm-pênh, Dũng được các chú cho bay sang Hồng-Kông rồi đi phà biển vào Quảng Châu. Từ đây đi tầu liên vận về Hà Nội. Cô Bảy Huệ (phu nhân ông Nguyễn Văn Linh[3]) đón Dũng về nuôi.
Dũng được gửi xuống Hải Phòng học Trường Học sinh miền Nam số 19, 21 ở Cầu Rào. Đến năm 1963, Bộ Giáo dục trả số học sinh có ba mẹ hoặc người thân ở ngoài Bắc về với gia đình, Dũng lại về nhà cô Bảy Huệ. Dũng và Hiếu Dân được cô chăm sóc và coi cô như má. Các em trong nhà thì gọi Dũng là anh Hai.
Hè năm 1965, cô đưa Dũng lên Trường Văn hóa quân đội ở Trại Hòe, Hà Bắc, bắt đầu cuộc sống Thiếu sinh quân. Có lẽ vì từng tiếp xúc với lính Mỹ, ngụy mà những ngày ở trường, Dũng không hề sợ khi máy bay Mỹ bay qua. Có báo động, Dũng toàn đứng trên nóc hầm theo dõi trận không chiến. Khi thấy tên lửa SAM hay Mig-21 của ta bắn cháy máy bay Mỹ, Dũng nhảy lên hò reo.
Do chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ mở rộng, nhà trường di chuyển từ Trại Hòe lên An Mỹ, Đại Từ, Bắc Thái rồi sang Quế Lâm, Quảng Tây, Trung Quốc… Xa má đã 7 năm mà không có thư từ. Sốt ruột, hỏi thăm ba thì ba không trả lời. Hai anh em linh cảm có điều gì chẳng lành. Dũng bỏ học, nhiều lần xin được về nước chiến đấu. Cuối cùng, Chính ủy Bùi Khắc Quỳnh phải đồng ý.
Về nước, các chú ở Tổng cục Chính trị cho đi học tiếp nhưng Dũng quyết xin về Nam. Thuyết phục không được, các chú cho Dũng về Trường Quân chính QK Tả Ngạn. Tại đây Dũng được học các yếu lĩnh cơ bản của người lính trận: lăn lê, bò toài, đào hầm hào, hành quân, bắn súng, ném lựu đạn, đặt mìn…
Mãn khóa, các chú có ý định cho Dũng đi theo đường qua Hồng-Kông về Campuchia. Dũng lắc đầu: “Mọi người có thể đi dọc Trường Sơn vào B2 thì cháu cũng đi được”. Tháng 8/1969, khi tập trung ở Đoàn huấn luyện cán bộ đi B trên Lương Sơn, Hòa Bình, các chú muốn phát cho Dũng tăng bạt, quần áo, đồ dùng tốt hơn, Dũng cũng không đồng ý.
Trước ngày lên đường, cô Bảy Huệ, cô Tư Duy Liên và em Hiếu Dân lên thăm. Các cô rất lo, thằng cháu nghịch ngợm từ bé sẽ sống thế nào suốt dọc đường vào Nam, nó mà vô kỉ luật thì không chỉ tổn thất cho mình nó. Hiểu lo lắng đó, Dũng trả lời: “Các cô và em yên tâm đi, con sẽ không làm cô và em phải hổ thẹn. Con đi lần này, một là xanh cỏ, hai là đỏ ngực!”. Hai cô rơm rớm nước mắt thương thằng cháu đã mất má và 2 em, giờ lại đi vào nơi hòn tên mũi đạn có thể dính bất kì lúc nào.
Cuối năm 1969, lên đường đi B. Anh Long, chị Phương cùng chuyến đi với Dũng kể lại, suốt dọc đường không ai biết nó là con ông to, lúc nào cũng vui cười, luôn kể chuyện, tán dóc, luôn sẵn sàng khoác ba-lô, súng đạn giúp người khác, có điếu thuốc thì cùng hút. Ngày chia tay các anh rẽ xuống B5 miền Trung, Dũng lấy trong ba-lô ra tút thuốc, chia đôi: “Anh cầm đi mà hút, em có rồi. Hết thì hút thuốc rê”.
Về đến căn cứ R trên Tây Ninh, ba, con gặp nhau. Nước mắt rưng rưng, chú Sáu ôm Dũng vào lòng: “Từ Rạch Giá, má con bế thằng Tâm mới 4 tháng tuổi, dắt theo Ánh Hồng đi cùng cô Ba giao liên, lên xe đò đi Sài Gòn. Từ Sài Gòn lên con tầu Thuận Phong vẫn thường chở vợ con sĩ quan ngụy đi thăm chồng trên Tây Ninh.
Không ngờ khi tầu rời bến thì công lệnh “cấm tầu bè qua lại trên đoạn đường sông qua Củ Chi” do lính Mỹ mở trận càn trên sông, đã phát, nhưng nhân viên công vụ lại đi uống cà phê nên lệnh cấm đến trễ. Tàu đã xuất bến.
Sau hơn một giờ đồng hồ, con tầu vào khu vực cấm. Trực thăng UH-1 vè vè trên đầu. Chủ tầu cho tàu chạy ra giữa sông rồi cho trải cờ 3 sọc trên nóc. Phi công trên UH-1 điện về bến tầu thì biết công lệnh đã phát. Cho là “tàu Việt Cộng cải trang” nên từ trên UH-1 đã bắn rốc-két xuống tàu. Tàu chìm. Nhiều người bị chết và bị thương, nhiều người tìm cách bơi vào bờ, nhưng chúng tiếp tục quần thảo, bắn rát…
Nghe tin má và 2 em đi trên con tầu này, ba cùng các chú đã đi dọc bờ sông phía thượng nguồn tìm kiếm mấy ngày trời. Nhà Ngoại xin cấp giấy phép thuê tầu đi suốt từ hạ lưu sông Sài Gòn lên Củ Chi tìm mà không thấy. Đau lắm. Sợ con và em Hiếu Dân biết, buồn mà sinh bệnh nên ba dặn các chú giấu các con.
Giờ, con về đây, ba, con mình có nhau, làm cho ba vơi đi nỗi buồn vì mất mát lớn quá…”.
Cũng buổi đầu tiên gặp lại ba, Dũng kể chuyện được gặp Bác: “Cuối năm 1968, Bác Hồ cho đón các cháu học sinh đạt danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ: Hà Nội - Huế - Sài Gòn” về Dinh Chủ tịch chơi. Là con em miền Nam, con và em Dân cũng được dự. Các bạn thiếu nhi quây quần bên Bác. Bác lần lượt chia kẹo và ân cần hỏi thăm học tập ra sao, có ngoan ngoãn nghe lời cha mẹ, thầy cô.
Đến lượt con, Bác hỏi: "Cháu có ngoan không?". Con khoanh tay lễ phép: “Dạ, cháu còn nghịch, chưa ngoan ạ!”. Bác xoa đầu con: “Giỏi! Cháu thật thà như vậy là tốt, nhưng phải cố gắng lên để bằng các bạn nhé!”. Nói rồi, Bác chia phần kẹo cho con”. Nghe đến đây chú Sáu xúc động ghì chặt Dũng vào lòng.
Về tới B2 nhưng không muốn sống ở trên chiến khu nên Dũng nằng nặc đòi đi chiến đấu. Chú Sáu thắt ruột vì còn thương nó mới từ miền Bác vào nhưng trước sự kiên quyết của Dũng, chú đã gửi con cho các chú dưới đặc khu Sài Gòn – Gia Định. Thương chú Sáu, các chú xếp Dũng về đơn vị thông tin. Chỉ một thời gian, Dũng không muốn làm lính thông tin: “Suốt ngày ngồi trực bên máy, con không chịu được. Phải cho con về quê má, xuống đơn vị…”.
Tháng 6/1971, Dũng được điều về Mặt trận T3 thuộc Khu 9, gần quê ngoại. Tháng 10 năm đó, Dũng giấu ba, nằng nặc xin các chú xuống Trung đội 2 (Tiểu đoàn 3 trinh sát). Đơn vị đóng ở Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu, chỉ cách nhà chừng 30km. Về trinh sát, Dũng không cậy mình là “con ông cháu cha” từ ngoài Bắc vào mà cùng chia lửa với anh em. Cùng đi trinh sát, cùng lặn lội sông nước điều nghiên. Ai cũng quý.
Chú Sáu Nam[4] ngày đó là Tư lệnh Khu 9, nghe có con trai đồng đội về làm lính trinh sát; chưa kịp kéo Dũng lên cơ quan thì nghe tin đau, Dũng đã hy sinh ngày 21/4/1972.
Sớm hôm đó, Dũng đi trinh sát cùng 2 đồng đội, không ngờ bị lọt vào ổ phục kích. Chúng bất ngờ xả đạn làm 3 chiến sĩ không kịp trở tay. Cả 3 hy sinh. Biết tin, đơn vị cử người tìm xác, chôn cất ngay bờ kênh Tây Ký (thuộc xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân, tỉnh Rạch Giá).


Nơi yên nghỉ cuối cùng của cô Kim Anh, Võ Dũng và 2 em
Ông Trần Quang Hiến nhớ lại: “Tới năm 1980, dượng Bảy (cô Kim Anh vợ chú là thứ bảy) mới cho bốc hài cốt Võ Dũng. Sau khi đưa đi hóa thân hoàn vũ, di cốt Dũng được để ngay trong phòng của dượng ở An Phú, quận 2. Từ đó, Dũng luôn được ở bên cạnh ba”.
Sau ngày con tầu Thuận Phong được cẩu lên nhưng bên trong chả còn lại gì. Chú cho xây 3 ngôi mộ gió cho cô Kim Anh và 2 em, ngay tại Củ Chi, nơi con tầu Thuận Phong bị bắn chìm. Sau này mới làm mộ gió cho cô và 2 em ở NTLS TPHCM, không xa Tượng đài Bà má Việt Nam anh hùng.

20 năm sau ngày cô Kim Anh ra đi, có người gợi ý làm thủ tục truy tặng danh hiệu liệt sỹ cho cô. Chú lắc đầu: “Mất mát của gia đình tôi cũng như mất mát của hàng triệu gia đình Việt. Đã 20 năm rồi, vết thương chưa thể lành hẳn nhưng làm việc đó để làm gì? Nếu làm chỉ khoét thêm nỗi đau bấy lâu!”.
… Năm 1982, được Quốc hội phê chuẩn là Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước, Phó chủ tịch rồi Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng, chú Sáu phải ra Hà Nội. Chú cho đưa hài cốt Dũng vào nằm bên cạnh mộ gió má và 2 em.
Năm 2005, khi đã nghỉ hưu, chú quyết định đưa 4 má con về quê ngoại ở Sóc Trăng. Vì sao không chuyển cô và các con về Vũng Liêm, Vĩnh Long mà lại có quyết định đó? Khi tìm hiểu thì chị Hạnh, cháu chú Sáu, cho hay: “Quê ngoại chính là nơi chôn rau cắt rốn của Dũng. Sinh ra, lớn lên đến khi ra Bắc, Dũng được sống với Ngoại nên có nhiều tình cảm và kỉ niệm. Ở ngoài Bắc, Dũng quyết tâm trở về quê hương chiến đấu, trả thù cho má, 2 em. Và chính trên mảnh đất này Dũng đã hy sinh. Đó chính là lí do để dượng quyết định đưa Dũng cùng má và 2 em về Sóc Trăng.
Hôm đưa Dũng về quê ngoại, chú Sáu không về được. Suốt dọc đường từ TPHCM, Hiếu Dân ôm anh mình trên tay cho đến khi hạ anh xuống lòng đất mẹ. Nhìn Hiếu Dân ai cũng đều xúc động vì Hiếu Dân mất gần hết: má, anh Hai Dũng cùng 2 em; giờ chỉ còn lại một mình và anh Ba Nam…”.
Bia tưởng niệm cho 4 má con được chuẩn bị từ trước, do 2 điêu khắc gia Nguyễn Văn Sánh, Vũ Thế Thái thực hiện. Chân dung cô Kim Anh ở giữa, 2 bên là Ánh Hồng và Chí Tâm, phía dưới là Võ Dũng. Không được gặp má và 2 em nên khó hình dung, nhưng hình tượng Võ Dũng trên bức phù điêu rất sống động, có nhiều nét giống Dũng ngày ở trường.

Chú Sáu cùng vợ chồng Hiếu Dân bên mộ cô Kim Anh,
Võ Dũng, Ánh Hồng và Chí Tâm.


Trước nấm mộ của má Kim Anh, Võ Dũng và 2 em, Võ Thúc Minh – bạn thuở Thiếu sinh quân chống Mỹ – xúc động kể: “Trước ngày chia tay, Dũng nhờ tôi xăm lên cánh tay 2 chữ “Hoài Mẫu”. Tôi cầm cái kim khâu đã quấn chỉ, chấm mũi kim vào bát mực Tàu, run run chích từng mũi lên da thịt bạn. Máu bật ra, đau lắm. Mắt rơm rớm nhưng Dũng cắn răng chịu đựng. Tôi hiểu Dũng nhớ má, yêu má đến chừng nào…”.
Thầy bạn k5 bên Võ Dũng, cô Kim Anh và 2 em. Sóc Trăng 27/7/2017.


Nhìn bức phù điêu nhận ngay ra thằng bạn đôn hậu, nghĩa tình; nghịch ngợm, dũng cảm, liều lĩnh nhưng đầy bản lĩnh… Giá mà còn sống thì Võ Dũng sẽ là một cán bộ đầy năng lực.
Sài Gòn. Tháng 7/2018
Trần Kiến Quốc


Trường Văn hóa quân đội – Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi (1965-70) thuộc Tổng cục Chính trị QĐNDVN, đào tạo 8 khóa với 1200 học sinh, cung cấp cho quân đội gần 900 sĩ quan và hơn 1000 kĩ sư, bác sĩ, cử nhân… Có 2 thầy giáo và 28 học sinh đã anh dũng hy sinh trong sự nghiệp giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó có liệt sỹ Võ Dũng.



[1] Trong Nam bộ gọi cụ là cố.
[2] Một loại thuyền nhỏ có mui.
[3] Sau này là Tổng bí thư Đảng CSVN.
[4] Sau này là Đại tướng Lê Đức Anh.


Theo BÁO LIẾP "BẠN TRỖI K5", Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2018.

Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2018

Đi tìm đồng đội - Hành trình tìm kiếm HCLS Đặng Trần Cảnh và Vũ Duy Hùng

Tháng 7 với ngày 27 - Tri ân Thương binh Liệt sỹ


Chuyện tìm bạn liệt sĩ của các bạn lớp G, trường cấp 3 Chu Văn An (Hà Nội) niên khoá 1970-1973, với sự tham gia của các bạn Trỗi K8 Hạ Hồng Hà, Bùi Chuẩn...
Các thành viên lớp G, trường Chu Văn An (Hà Nội) niên khóa 1970-1973 bàn bạc trao đổi sau khi tìm kiếm mộ liệt sỹ Đặng Trần Cảnh từ Rạch Giá (Kiên Giang) trở về. Ảnh trên mạng.


Đi tìm đồng đội số 71 - Hành trình tìm kiếm hài cốt liệt sĩ Đặng Trần Cảnh


Đi tìm đồng đội số 78 - Hành trình tìm kiếm hài cốt liệt sĩ Vũ Duy Hùng


Bùi Chuẩn đã tải lên một file 28/7/2017 11:19.
Anh Tô Thắng đã giới thiệu clip tìm 2 liệt sỹ của trường Chu Văn An. Xin bổ sung thêm chi tiết đi tìm đồng đội của 1 trong 2 liệt sỹ này.

Đi tìm đồng đội hay
hành trình Tìm bạn về

Kỷ niệm 1 năm đi tìm liệt sỹ Vũ Duy Hùng
Bùi Chuẩn

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, năm 1972 là một trong những năm đỉnh điểm của cuộc kháng chiến, đông đảo thanh niên miền Bắc nô nức tòng quân. Ngày 6/1/1972, cùng với nhiều học sinh của trường cấp 3 Chu Văn An, lớp G có 5 học sinh lên đường nhập ngũ, trong đó có Vũ Duy Hùng, nhà ở Đội Cấn. Hùng sinh năm 1954, là anh cả trong một gia đình có 5 anh em. Công bằng mà nói, từ thời học lớp 8, Hùng thuộc diện "học sinh cá biệt", tức là dạng nghịch ngợm. Vào bộ đội, sau mấy tháng huấn luyện tân binh, anh hăng hái cùng đồng đội lên đường ra trận với tinh thần "một xanh cỏ, hai đỏ ngực". Hùng được bổ sung vào đội hình của Tiểu đoàn 1/Trung đoàn 141/Sư đoàn 312, tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị đúng mùa hè đỏ lửa. Trong trận ta tiến công đánh chiếm cao điểm 275/động ông Do ngày 26/11/1972, Hùng đã bị thương và hy sinh tại trận địa. Hùng nhập ngũ khi vừa qua tuổi 17, ko đầy 1 năm sau đã hy sinh khi chưa tròn 18. Từ đó đến nay gia đình không biết Hùng được chôn cất ở đâu.

Lớp G trường Chu Văn An niên khóa 1970 - 1973 có 2 liệt sỹ hy sinh trong chiến tranh chưa tìm được xác. Từ năm 2015, những người bạn học cùng lớp G bắt đầu vào cuộc đi tìm bạn. Năm 2016 bạn bè trong lớp đã tìm được liệt sỹ Đặng Trần Cảnh, nhà ở Thụy Khuê, an táng tại Kiên Giang. Cảnh chiến đấu bị thương, đưa về trạm phẫu của đơn vị mới hy sinh. Qua mấy lần quy tập đang từ có danh thành mất danh nên việc tìm kiếm Cảnh tuy khó khăn nhưng còn có hy vọng và thực tế chúng tôi đã tìm được bạn trong số 120 ngôi mộ được quy tập về nghĩa trang liệt sỹ. Trường hợp của Vũ Duy Hùng lại khác. Hùng hy sinh ở đâu, như thế nào? Hoàn toàn không ai biết. Ngay từ đầu, bản thân chúng tôi biết hy vọng rất mong manh, cũng chỉ dám xác định cố gắng hết sức mình. Đã tìm được Cảnh, việc tiếp tục đi tìm Hùng là đương nhiên, không phải bàn cãi. Mất khá nhiều thời gian đi tìm gia đình Hùng vì sau khi bố mẹ mất, gia đình Hùng không còn ở Đội Cấn nữa. Đến lúc gặp được Hưng, em trai của Hùng, thông tin ban đầu chỉ vẻn vẹn có tờ giấy báo tử và câu chuyện của một đồng đội năm xưa (mà gia đình cũng không biết tên, không biết địa chỉ). Hưng kể, cuối năm 1972, có một anh bộ đội tự xưng cùng đơn vị tìm về nhà Hùng với cái ba lô đựng chút ít di vật của liệt sỹ và báo tin: Hùng đã hy sinh và được chôn gần bìa rừng, trên mộ có đánh dấu bằng một tảng đá. Đã mấy chục năm, hầu như năm nào vợ chồng Hưng cũng vào Quảng Trị, đi đến từng nghĩa trang để thắp nhang và tìm anh mình trong vô vọng, tất nhiên không có được thông tin gì. Tìm sao đây? Rồi một lần, tình cờ gặp một cựu chiến binh cùng trung đoàn với Hùng năm xưa và chúng tôi biết được Hùng hy sinh ở động ông Do. Từ tờ giấy báo tử và thông tin của người cựu chiến binh, chúng tôi bắt đầu hành trình đi tìm bạn.

Tháng 6/2017, chúng tôi thành lập một nhóm quyết tâm đi tìm đến tận cùng sự thật. Chúng tôi ngồi lại, thống nhất quan điểm: đã tự nguyện đi tìm bạn, khi vào cuộc chỉ bàn để làm chứ dứt khoát không bàn lùi, phải làm hết sức, hết khả năng với tất cả tình cảm, tấm lòng của mình. Trong bản thống kê danh sách thương binh, liệt sỹ của f312 (đơn vị cũ của Hùng) chỉ ghi Hùng mất xác! Trường hợp của Hùng cụ thể như thế nào, là hy sinh hay mất tích? Thậm chí không loại trừ khả năng Hùng bị thương, địch bắt rồi đưa đi đâu đó? Mọi điều đều có thể. Chúng tôi trao đổi, phân tích rất kỹ từng khả năng, xác định phương hướng đi tìm bạn theo vài phương án và phân công nhau bắt tay ngay vào việc.

Dần dà chúng tôi lần mò ra được một văn bản khác, cũng của f312 có ghi: trường hợp của Hùng đã được xác minh và công nhận liệt sỹ. Thật tình mà nói chúng tôi cũng biết rằng ở nơi từng là một trong những chiến trường ác liệt nhất, số lượng bom, pháo dội xuống vào loại kỷ lục, xác suất tìm được Hùng là cực kỳ thấp. Nhiều khả năng nơi chôn cất liệt sỹ đã bị bom đạn cày nát không còn gì. Chúng tôi nghiên cứu tìm hiểu qua các tài liệu (của cả ta và địch) về các trận đánh ở động ông Do cuối năm 1972, đã tìm gặp nhiều cựu chiến binh cùng nhập ngũ, cùng đơn vị với Hùng. Chúng tôi xác định phải bắt đầu từ việc tìm bằng được những người cùng đơn vị, cùng tham chiến trận ngày 26/11 với Hùng - những nhân chứng sống thì may ra mới có thông tin cụ thể. Nói vậy nhưng thực tế không hề đơn giản, số cựu chiến binh này nay ở rải rác nhiều địa phương, không hề có thông tin gì hoặc thông tin đã thay đổi vì dù sao bản danh sách của f312 đã được lập cách đây hàng chục năm. Qua mối liên hệ với các cựu chiến binh và theo địa chỉ trong danh sách của f312 cung cấp chúng tôi lần lượt tìm gặp những đồng đội cũ của Hùng ở một số địa phương: Hà Nội, Hải Phòng, Tuyên Quang.... Trong số những đồng đội của Hùng, có người đã ra đi cách đây mấy năm, có người ốm đau, bệnh tật, lúc nhớ lúc quên... Không nản, chúng tôi vẫn kiên trì tìm kiếm và vào một ngày đẹp trời, chúng tôi đã gặp được Trung tướng Nguyễn Trọng Thắng, người Tiểu đoàn trưởng của Hùng và trực tiếp chỉ huy trận ngày 26/11/1972. Lúc đầu anh Thắng cũng không nhớ gì nhiều (anh nhận chức Tiểu đoàn trưởng chỉ có 3 ngày trước khi vào trận, lúc mới 23 tuổi). Dần dần anh hồi tưởng lại và lục tìm các tư liệu anh còn lưu giữ, qua đó giúp chúng tôi dựng lại sơ đồ trận đánh (theo đúng bản đồ của Mỹ thời kỳ 1972 do Cục Bản đồ/BTTM cung cấp). Khu vực Hùng hy sinh đã được thu hẹp. Và cũng rất may, anh Thắng nhớ ra người trung đội trưởng của Hùng, quê Ninh Bình. Chúng tôi lên đường tìm gặp cựu chiến binh Tuyến. Sau chiến tranh anh ra quân trở về quê nhà, năm nay đã 72 tuổi, vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Nghe chúng tôi trình bày, anh nhớ ngay và tâm sự, hơn bốn chục năm đã qua, đến giờ trong đầu anh vẫn luôn văng vẳng tiếng kêu trong đêm tối của Hùng lúc bị thương nhưng không làm sao cứu được. Tâm sự của người chiến binh già càng thôi thúc chúng tôi thêm quyết tâm. Qua những câu chuyện của anh Tuyến, chúng tôi tiến thêm một bước là xác định được vị trí Hùng nằm lúc bị thương và khả năng hy sinh sau đó. Lập tức một đoàn lên đường vào Quảng Trị.

Ở Quảng Trị có một người dân địa phương tên là Truyền. Bố Truyền là liệt sỹ, mẹ là Mẹ VN anh hùng. Không hiểu vì lý do gì, Truyền ngoài việc lo cơm áo hàng ngày đã nhiều năm nay miệt mài đi tìm và cất bốc, quy tập hài cốt liệt sỹ. Cho đến thời điểm này, số lượng hài cốt Truyền đã tìm và quy tập được khoảng 3000. Anh ta chắc chắn là người rất thông thạo địa hình, nhiều kinh nghiệm và biết đâu có thể có thông tin về Hùng. Đoàn thứ nhất vào Quảng Trị đã tìm gặp Truyền. Anh Truyền rất nhiệt tình, trực tiếp dẫn đoàn đi khắp động ông Do, thắp hương khấn bạn tại cây hương trên đồi rồi mời đoàn về nhà. Qua chuyện trò, anh chợt nhớ ra còn lưu giữ được một tờ biên bản bàn giao hài cốt của 2 ngôi mộ lẻ cho quy tập huyện đội từ năm 1998 của một người dân địa phương tên là Muôn, chuyên nghề dò tìm sắt vụn. Nhiều năm qua, Truyền đã gặp, hướng dẫn, giúp đỡ rất nhiều đoàn, nhiều gia đình vào Quảng Trị đi tìm liệt sỹ, nhưng không hiểu sao chỉ đến khi gặp đoàn chúng tôi Truyền mới chợt nhớ đến tờ biên bản này, âu cũng là cơ duyên. Đoàn tìm gặp anh Muôn và anh Hạnh, những người tìm thấy và quy tập 2 bộ hài cốt nói trên. Theo Muôn trên động ông Do còn rất nhiều hài cốt, nhưng duy nhất chỉ có 2 ngôi mộ lẻ nằm trên sườn điểm cao 275, đều nằm trong khu vực chúng tôi xác định là địa điểm Hùng đã hy sinh. 2 ngôi mộ này đã được quy tập về nghĩa trang liệt sỹ huyện Hải Lăng với dòng chữ LIỆT SỸ CHƯA BIẾT TÊN. Hùng nằm đây chăng? Linh tính mách bảo chúng tôi như vậy. Làm việc với các cơ quan của huyện Hải Lăng, đoàn nhận được sự giúp đỡ rất nhiệt tình. Bí thư, Chủ tịch UBND huyện đều vào cuộc, trực tiếp chỉ đạo các cơ quan chức năng đáp ứng yêu cầu của đoàn.

Chúng tôi tổng hợp lại, phân tích mọi chi tiết và thấy có đủ cơ sở để đề nghị cục Người có công cho giám định ADN. Sau khi có đầy đủ hồ sơ, cục Người có công đã xem xét, chấp thuận. Đoàn thứ hai lên đường vào Quảng Trị cùng giám định viên Viện Pháp y Quân đội để lấy mẫu giám định ADN. Do đoàn thứ nhất đã thiết lập được mối quan hệ rất hữu hảo với địa phương và đã có đôi chút kinh nghiệm, mọi công tác chuẩn bị liên quan đến thủ tục lấy mẫu giám định về cơ bản đã được chúng tôi trao đổi, thống nhất với các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Trị và huyện Hải Lăng qua điện thoại từ trước nên khi vào đến Quảng Trị công việc được tiến hành suôn sẻ. 5 giờ sáng tàu vào đến Đông Hà. Cả đoàn ăn sáng, cafe chờ đến giờ làm việc. 8 giờ chúng tôi có mặt tại sở LĐ-TB-XH tỉnh Quảng Trị. Các cán bộ phòng Người có công đã chuẩn bị sẵn mọi tài liệu cần thiết cho chúng tôi. Xong xuôi thủ tục giấy tờ, đoàn đến Hải Lăng khoảng 9g30. Tại phòng LĐ-TB-XH huyện Hải Lăng, lãnh đạo phòng đã chờ sẵn, sau đôi câu chuyện trò thăm hỏi, đoàn đến thẳng nghĩa trang liệt sỹ huyện Hải Lăng. Quản trang tên Sơn đã biết kế hoạch và nhiệt tình đáp ứng mọi yêu cầu. Trao đổi ngắn gọn với anh Sơn rồi chúng tôi vào việc ngay. Trong lúc quản trang dựng nhà bạt ở khu vực tiến hành lấy mẫu, chúng tôi thắp nén nhang nghiêng mình tưởng nhớ, tri ân các đồng đội - liệt sỹ với lòng tiếc thương vô hạn. Nhìn xung quanh bạt ngàn những ngôi mộ liệt sỹ mà lòng rưng rưng, biết bao xương máu của lớp lớp thanh niên như Vũ Duy Hùng đã đổ xuống cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cả tỉnh Quảng Trị có 72 nghĩa trang liệt sỹ, đã quy tập và chôn cất khoảng 54 ngàn liệt sỹ, trong đó gần 17 ngàn ngôi mộ là liệt sỹ chưa biết tên. Riêng nghĩa trang liệt sỹ huyện Hải Lăng có khoảng 1800 ngôi mộ. Trên đài liệt sỹ của nghĩa trang, chúng tôi gọi bạn: "Vũ Duy Hùng - Hùng Hà Nội (tên anh em cùng đơn vị hay gọi) - Hùng long đen (tên thời học sinh chúng tôi gọi bạn) - mày nằm ở đâu? Em mày và bọn tao đang đi tìm mày đây, về với gia đình, về với bạn bè đi. Các đồng đội sống khôn chết thiêng chỉ giúp xem bạn chúng tôi đang nằm ở đâu?". Đến đặt lễ ở 2 ngôi mộ sẽ lấy mẫu giám định, chúng tôi không quên cắm điếu thuốc lá cho bạn (Hùng hút thuốc từ thuở học trò), tự dưng có một điếu cháy rất nhanh. Mày hút gì mà nhanh thế? Quản trang nói: Không phải mình ông ấy hút đâu, đấy là mấy ông ấy xúm vào cùng hút đấy! Kể cũng tâm linh thật. Những ai đã trải qua quân ngũ thời chiến tranh đều thấu hiểu trong hoàn cảnh khó khăn, ác liệt, thiếu thốn mọi bề, những người lính luôn chia sẻ với nhau từng mẩu lương khô, hụm nước, từng hơi thuốc lá. Nhà bạt dựng xong thì trời bắt đầu mưa, mưa cơn từng lúc. 2 ngôi mộ với số thứ tự 1743 và 1744 là 2 ngôi được xác định để lấy mẫu. Lúc vào việc, ngôi đầu tiên (1743) mọi việc rất suôn sẻ, từ lúc mở mộ, lấy mẫu đến đóng mộ. Giám định viên pháp y - một thiếu tá quân đội có kinh nghiệm, làm việc rất chuyên nghiệp, cần mẫn, tỷ mẩn từng ly từng tý. Số bạn ở Hà Nội tập trung lại với nhau để cùng theo dõi, liên tục điện hỏi. Làm đến đâu chúng tôi thông tin đến đó, liên tục cập nhật vì biết các bạn đều rất sốt ruột. Kết thúc mọi việc tại nghĩa trang, làm biên bản, thủ tục giấy tờ xong đã gần 12 giờ, trời tạnh. Chúng tôi về Đông Hà ăn trưa và quyết định quay ra Hà Nội ngay. Về chiều trời Đông Hà mưa to như trút, gió rít từng cơn, sân ga ngập nước. Cơn bão số 10 đang đổ vào miền Trung. 4 giờ sáng hôm sau, tàu về đến ga Hà Nội. Như vậy hành trình đi lấy mẫu giám định ADN của đoàn thứ hai diễn ra chỉ vẻn vẹn trong vòng hơn 30 tiếng đồng hồ (kể cả thời gian đi đường). Và cũng thật may mắn, chỉ mấy tiếng sau khi đoàn về đến Hà Nội thì đường sắt Bắc - Nam đã bị cắt ở Thanh Hóa do mưa bão.

Trong khi chờ đợi kết quả giám định ADN, chúng tôi vẫn tiếp tục hành trình đi tìm gặp các đồng đội cũ của Hùng ở các địa phương. Thời gian cứ thế trôi đi, những thông tin thu thập thêm mặc dù chẳng được là bao nhưng chúng tôi không nản vì đã xác định từ đầu công việc đi tìm bạn không hề dễ dàng. Sau khoảng một tháng rưỡi kể từ lúc đoàn thứ hai ra Hà Nội, thông tin ban đầu về kết quả giám định ADN cho biết: có cơ sở để tin một trong 2 mẫu cốt phẩm liệt sỹ là của Vũ Duy Hùng, nhưng chính thức thì phải chờ thêm mấy ngày nữa. Khỏi phải nói tâm trạng của chúng tôi mừng vui đến mức nào khi nhận được thông tin này. Hùng thiêng thật chăng? Chúng tôi chia sẻ niềm vui nghẹn ngào, cả nhóm động viên nhau phải hết sức bình tĩnh, kìm nén, chờ kết quả chính thức. Cuộc sống nghiệt ngã luôn cho thấy điều gì cũng có thể xảy ra, rất hy vọng thông tin chính xác, nhưng biết đâu... Những ngày chờ đợi quả là lê thê, thời gian trôi chậm chạp đến sốt ruột, ngày nào cũng điện thoại, nhắn tin cho nhau hỏi xem kết quả đến đâu? Và giờ phút bùng nổ đã đến, khi trong tay chúng tôi có văn bản chính thức xác nhận kết quả giám định ADN của Viện Pháp y Quân đội - hài cốt ở ngôi mộ số 1743 tại nghĩa trang liệt sỹ Hải Lăng chính là LIỆT SỸ VŨ DUY HÙNG. Và mọi người có hình dung được không, đúng 45 năm sau ngày hy sinh, Hùng đã xuất hiện! Trời ơi, Hùng đã về thật chăng? Có đúng là Hùng không? Không thể tin nổi, niềm vui vỡ òa, mừng vui tột bậc cùng những giọt nước mắt hạnh phúc, tất cả cứ như trong mơ. Chúng tôi tổ chức họp nhau lại ngay, vừa để ăn mừng, vừa để bàn tính chuyện đón Hùng về Hà Nội. Chúng tôi hạ quyết tâm sẽ cố gắng hoàn tất mọi thủ tục một cách nhanh nhất để đón bạn về trước ngày giỗ của Hùng và sẽ tổ chức lễ đón bạn một cách hoành tráng nhất có thể để bù lại cho bạn mình 26 năm nằm vất vưởng, lạnh lẽo trên đồi không người hương khói, 19 năm nằm trong nghĩa trang liệt sỹ mà không có tên.

Với chúng tôi, những ngày cuối tháng 11/2017 là những ngày thật sôi động, khẩn trương. Một bộ phận giúp gia đình lo thủ tục giấy tờ cất bốc liệt sỹ với địa phương (nơi Hùng đã sinh sống) và các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội. Một bộ phận làm việc với các cơ quan liên quan để chuẩn bị cho việc tổ chức lễ đón bạn về. Một bộ phận liên hệ với Quảng Trị và chuẩn bị mọi công việc để đi vào đón bạn. Thông thường lễ đón hài cốt liệt sỹ do cấp phường (xã) đứng ra tổ chức. Các liệt sỹ trong chiến tranh lúc ngã xuống đâu có bất kỳ một nghi lễ nào. Riêng đối với Hùng, như đã xác định từ đầu, sẽ có phần khác biệt. Chúng tôi kết nối phường, quận, đơn vị cũ của Hùng, trường PTTH Chu Văn An với các cơ quan chức năng cùng các cựu chiến binh, các bạn bè thời đi học để tổ chức thật hoành tráng. Mỗi người một việc, tất cả đều tất bật trong niềm vui bất tận, hăng say như việc của chính mình. Sau 3 ngày kể từ lúc nhận được thông tin chính thức, các thủ tục cơ bản hoàn tất, một nhóm bay vào Huế rồi quay ra Quảng Trị từ chiều hôm trước để lo các thủ tục giấy tờ với các cơ quan chức năng địa phương. 5 giờ sáng hôm sau đoàn đi đường bộ thuê xe 16 chỗ cùng gia đình Hùng xuất phát từ Hà Nội. Qua khỏi Ninh Bình trời bắt đầu mưa, càng vào trong mưa càng tầm tã không thể đi nhanh. Dọc đường đi các nhóm vẫn giữ liên lạc với nhau. Đột nhiên nhóm ở Quảng Trị điện: có trục trặc giấy tờ! Thật tai hại, có thể chỉ vì một vài sơ suất nhỏ mà kế hoạch của chúng tôi sẽ bị đổ bể, ngày tổ chức lễ đón liệt sỹ ở Hà Nội đã được ấn định. Trao đi đổi lại qua điện thoại trên đường đi có lúc nghe không rõ, không hiểu hết nhau. Ai cũng sốt ruột, gọi nhau ời ời. Lúc này rất cần phải tỉnh táo để xử trí, không phải lúc đôi co. Chúng tôi quyết định nhóm ở Quảng Trị cứ tiếp tục xúc tiến công việc theo kế hoạch, nhóm ở Hà Nội xem những gì cần phải giải quyết thì huy động bạn bè xúc tiến làm ngay. 17 giờ đoàn đi đường bộ đến Đông Hà, rất may trời đã tạnh. Đoàn vào khách sạn nhận phòng (do nhóm đi trước đã đặt), để đồ rồi lại lên xe xuống Hải Lăng ngay.

Ở Hà Nội, chúng tôi đã lên kế hoạch khi vào Quảng Trị sẽ tổ chức một bữa cơm thân mật để gặp gỡ, cám ơn các cơ quan, các cán bộ, nhân dân ở địa phương, những người đã rất nhiệt tình giúp đỡ chúng tôi rất hiệu quả trong suốt quá trình đi tìm bạn. Không dễ gì có dịp gặp mặt được đông đủ những con người đầy hảo tâm để bày tỏ lòng biết ơn chân thành của chúng tôi. Lúc đoàn đến, mọi người đã có mặt đông đủ. Có những người mới gặp lần đầu, nhiều người đã quen biết, gặp nhau tay bắt mặt mừng, tất cả đều hòa vào không khí gia đình ấm cúng, thân thiết. Bên chén rượu quê, chúng tôi vừa hàn huyên, thăm hỏi, vừa tranh thủ bàn công việc hôm sau. Ai cũng nhiệt tình, coi việc của chúng tôi như việc của mình và mọi vấn đề đều thống nhất nhanh chóng.

Quay về Đông Hà, gần 23 giờ, chúng tôi rà soát lại toàn bộ công tác chuẩn bị. Kiểm tra lại kỹ càng, thấy giấy tờ vẫn còn thiếu, chưa đủ thủ tục. Lại chụm đầu trao đổi, bàn phương án giải quyết. Một mặt điện ra Hà Nội để hôm sau cử người tiếp tục đi lo giấy tờ, bằng mọi cách chuyển vào Quảng Trị nhanh nhất có thể. Một mặt chúng tôi quyết định ngay một phương án khác. Cả đêm thao thức, chỉ biết cầu trời phù hộ, mọi việc lúc này không phụ thuộc vào chúng tôi. Sáng hôm sau thức dậy, trời quang mây tạnh. Một bộ phận cùng gia đình liệt sỹ đi lên động ông Do từ sớm để thắp hương tạ mộ nơi Hùng ngã xuống, một bộ phận tiếp tục giải quyết thủ tục ở Đông Hà rồi xuống Hải Lăng. Thống nhất thời gian tập kết của cả hai bộ phận ở nghĩa trang là 10 giờ. Chúng tôi ăn sáng cùng với mấy người bạn ở Đông Hà. Khi trao đổi về công việc, biết chúng tôi còn thiếu giấy tờ mà thời gian thì không thể lùi được, trong lúc ở Hà Nội có làm xong giấy tờ cũng không thể gửi vào kịp trong buổi sáng, có anh bạn tên Hải rất nhiệt tình vào cuộc. Hải có mối quan hệ rất mật thiết, rất có uy tín với Nhà 27/7 tỉnh Quảng Trị (là nơi tiếp đón, giải quyết thủ tục cho gia đình liệt sỹ ở các địa phương đến thăm mộ, cất bốc hài cốt liệt sỹ). Dẫn chúng tôi đến Nhà 27/7, trong lúc chúng tôi trình giấy tờ làm thủ tục cất bốc liệt sỹ, Hải nói với anh phụ trách: "Các ông cứ giải quyết đi, ký đi. Tôi chịu trách nhiệm bảo lãnh". Anh phụ trách ngồi tiếp chúng tôi, cùng lúc cho người đi giải quyết và trình ký bên sở LĐ-TB-XH tỉnh. Nhóm ở Hà Nội cũng chạy đôn đáo và đã bổ sung được giấy tờ còn thiếu, trước mắt fax vào, còn văn bản gửi chuyển phát nhanh (vì quy định cất bốc liệt sỹ phải có văn bản gốc đóng dấu đỏ). Thế là mọi chuyện suôn sẻ, với đầy đủ giấy tờ trong tay, chúng tôi quay xuống nghĩa trang liệt sỹ Hải Lăng, nhóm đi động ông Do cũng vừa về đến nơi. Anh em bộ đội thuộc Ban chỉ huy Quân sự huyện cùng cán bộ phòng LĐ-TB-XH Hải Lăng và các anh Truyền, Muôn, Hạnh đều đã có mặt từ trước khi chúng tôi đến. Tất cả đã sẵn sàng. Sau khi làm đầy đủ các thủ tục và thắp nhang đặt lễ, quản trang tiến hành mở ngôi mộ "Liệt sỹ chưa biết tên" số 1743 - giờ đã được xác định chính xác là mộ LIỆT SỸ VŨ DUY HÙNG.

Hài cốt liệt sỹ đưa lên được phủ quốc kỳ, các sỹ quan quân đội cùng gia đình, bạn bè tiễn đưa liệt sỹ giữa hai hàng quân ra xe để về với quê mẹ. Hơn 12 giờ mọi việc hoàn tất, chúng tôi tạm biệt quản trang, các quân nhân thuộc Ban chỉ huy Quân sự huyện, các cán bộ huyện Hải Lăng cùng các anh Truyền, anh Muôn, anh Hạnh - những người đã có công lớn phát hiện, quy tập và giúp đỡ chúng tôi tìm được liệt sỹ; tạm biệt anh Hải, một cán bộ công tác ở tỉnh Quảng Trị - người đã bảo lãnh để chúng tôi cất bốc liệt sỹ đúng kế hoạch. Xin cám ơn tất cả.

Sau khi ăn trưa ở Hồ Xá, đoàn lên đường quay ra Hà Nội, lần này có BẠN MÌNH đi cùng. Gần 19 giờ đến thành phố Vinh, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã bố trí phòng nghỉ và chiêu đãi đoàn. 5 giờ sáng hôm sau chúng tôi lên đường. Một số người không quen ăn sớm nên các cháu phục vụ đã gói đồ đưa lên xe cho các cô chú ăn đường, không quên cả mấy chai nước chè xanh xứ Nghệ, thật chu đáo. Khi biết chúng tôi đã xuất phát từ Vinh, các bạn ở Hà Nội cứ gọi liên tục để dõi theo hành trình của đoàn. Các bạn là những người đang chờ đón nên xem ra sốt ruột tợn. Hành trình chúng tôi đã thống nhất từ trước: về đến Hà Nội xe sẽ đưa Hùng qua nhà cũ, nơi Hùng lớn lên và ra đi ở phố Đội Cấn. Sau đó qua nhà em trai Hùng, nơi thờ bố mẹ và Hùng. Điểm cuối cùng là Nhà tang lễ bệnh viện quân y 354. Các bạn cùng lớp đã tập trung trước cửa nhà Hùng ở Đội Cấn, rồi cùng theo xe sang phố Giang Văn Minh. Bà con khối phố chờ đón rất đông. Gia đình rước ảnh vào nhà để Hùng chào bố mẹ và biết nơi thờ cúng mình rồi tiếp tục hành trình. Tại Nhà tang lễ bệnh viện quân y 354, tất cả bạn bè, gia đình đều có mặt. Sau khi hoàn tất mọi thủ tục, lần lượt từng người thắp nén hương cho bạn mình, ai cũng rưng rưng. Sau 45 năm gặp lại, nhiều người muốn nói, rất nhiều điều muốn nói, nhưng thôi, bạn mình đã về đây rồi, để bạn tạm nghỉ ngơi sau chặng đường dài, mấy ngày tới còn nhiều việc.

Mọi việc tiếp theo chuẩn bị cho buổi lễ đón liệt sỹ được chúng tôi khẩn trương hoàn tất. Các đầu mối có liên quan như Uỷ ban nhân dân phường, Ban chỉ huy Quân sự quận, Đoàn Nghi lễ Quân đội, Nhà tang lễ Bệnh viện quân y 354, Nghĩa trang liệt sỹ thành phố Hà Nội đều đã sẵn sàng.

Hà Nội, sáng 4/12/2017. Lễ đón, truy điệu LIỆT SỸ VŨ DUY HÙNG được tiến hành trọng thể tại Nhà tang lễ bệnh viện quân y 354.

Từ sáng sớm, gia đình, họ hàng, bạn bè đã có mặt để làm thủ tục nhập quan. Hùng nằm trang trọng trên bệ đá phủ lá quốc kỳ đỏ thắm trong Nhà tang lễ, các tiêu binh danh dự túc trực xung quanh và bạt ngàn hoa. Đúng 9 giờ, sau gia đình, các đoàn lần lượt vào viếng. Trung đoàn 141/f312 - đơn vị cũ của Hùng đã cử một đoàn cán bộ về viếng. Thầy hiệu trưởng, cô hiệu phó thuở Hùng học tại trường cấp 3 Chu Văn An, nay đều đã ngoài 80, khi gặp lại, chứng kiến tình cảm đối với bạn của những đứa học trò ngày xưa mình từng dạy dỗ đã thật sự xúc động ngẹn ngào, tự hào về lứa học trò cũ của mình. Vâng, các thầy, các cô dạy chúng tôi nhiều điều, điều quan trọng nhất là chúng tôi đã được học làm người. Trường PTTH Chu Văn An cũng cử một đoàn các cháu học sinh do hiệu trưởng dẫn đầu tham dự lễ đón, truy điệu liệt sỹ. Theo lời cô hiệu trưởng, việc học sinh của nhà trường ra đi chiến đấu, anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc là một trong những truyền thống vẻ vang, rất đáng tự hào của nhà trường, là tấm gương lớn cho các thế hệ tiếp sau. Lớp học sinh ngày nay cần phải biết để học tập, noi gương và tự hào với truyền thống đó. Đặc biệt, anh Tuyến, người Trung đội trưởng của Hùng, 5 giờ sáng đã bắt xe lặn lội từ Ninh Bình về. Trung tướng Nguyễn Trọng Thắng, người Tiểu đoàn trưởng năm xưa cũng có mặt. Các anh tuy đã ở tuổi "cổ lai hy", nhưng khi nghe tin người chiến sỹ của mình trở về sau 45 năm đã không quản tuổi cao sức yếu vẫn đến gặp mặt đồng đội với một tình cảm thiêng liêng chỉ có ở những người lính Cụ Hồ. Các cựu chiến binh cùng nhập ngũ, cùng đơn vị với liệt sỹ cũng thông báo cho nhau cùng đến hội ngộ. Đến viếng đồng đội, nhiều anh còn chưa tin đấy là sự thật. Có những bạn tuy không học cùng lớp, nhưng biết chuyện cũng chạy đến chia sẻ. Lần lượt từng đoàn, từng đoàn vào viếng bạn với tâm trạng buồn vui lẫn lộn, tình cảm dâng trào.

Kết thúc Lễ truy điệu. Hai hàng quân lê tuốt trần bồng súng nghiêng cờ chào vĩnh biệt cùng lúc các đại biểu cúi đầu mặc niệm. Các tiêu binh danh dự di chuyển hài cốt liệt sỹ ra xe. Đoàn xe tang dẫn đầu là xe quân kỳ Quyết thắng thẳng tiến nghĩa trang liệt sỹ thành phố Hà Nội.

Đã một năm trôi qua kể từ ngày chúng tôi đi tìm liệt sỹ Vũ Duy Hùng. Đây là việc nghĩa nên làm và phải làm. Chúng tôi đã đồng tâm, đồng lòng tự nguyện đi tìm bạn với tất cả tấm lòng, tình cảm, tâm huyết của mình. Có thể nói rằng, bạn chúng tôi và cả chúng tôi đã được trời phù hộ. Trong suốt quá trình đi tìm bạn, luôn có một ai đó xuất hiện, giúp đỡ chúng tôi đúng vào những thời điểm khó khăn. Thời gian tìm bạn diễn ra rất nhanh, trong vòng không đầy 6 tháng kể từ ngày chúng tôi lập nhóm đi tìm bạn. Vào thời điểm tiến hành công việc (lúc lấy mẫu, lúc cất bốc), trời đều nắng đẹp cho dù trước đó mưa, sau khi xong việc trời lại mưa. Mọi chuyện đều ngoài sức tưởng tượng. Tâm sự có nhiều, câu chuyện thì dài với rất nhiều tình tiết cam go, cảm động nhưng chúng tôi không thể diễn tả hết. Chúng tôi chỉ ghi lại một cách chân thực những dòng hồi ức mộc mạc để tưởng nhớ đến bạn mình, để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với tất cả những người đã giúp đỡ chúng tôi trong suốt hành trình đi tìm bạn. Có thể nói, câu chuyện đi tìm đồng đội - tìm bạn về của chúng tôi đã có cái kết như trong mơ. Điều thật sự có ý nghĩa là bạn chúng tôi đã trở về sau đúng 45 năm xa cách. Giỗ lần thứ 45 của bạn đã có mặt bạn với chính danh đàng hoàng. Bạn có thể hoàn toàn thanh thản yên nghỉ trong lòng ĐẤT MẸ bởi sự hy sinh của bạn không phải là vô nghĩa.

KHÔNG AI QUÊN VÀ
KHÔNG ĐIỀU GÌ BỊ LÃNG QUÊN
TỔ QUỐC GHI CÔNG BẠN

Tiễn bạn đi xanh màu áo lính
Đón bạn về...trong chiếc quách nhỏ xinh
Bốn mươi lăm năm trời bạn mãi lênh đênh
Nơi quê mẹ... khoảng trời trống vắng
Nghĩa trang nơi bạn nằm - vùng quê đầy nắng
Chúng tôi tìm về và các em bạn tìm về
Nước mắt tuôn rơi nhớ một thời trai trẻ
Trốn học, sau trường... hút thuốc trộm, giả lơ ngơ
Liếc cô bạn xinh... mà làm bộ hững hờ
Ba lô kỷ niệm theo bạn vào đời lính...
Chiếc quách nhỏ xinh... ôm lấy bạn tôi, phải đâu là định mệnh
Bạn tôi ra đi cho cây Việt mãi thêm xanh!

Hà Nội, tháng 7 năm 2018

Mời xem thêm:
  1. Đón bạn về trong vòng tay bè bạn - PHÙNG BẢO - BÙI CHUẨN 21/07/2018 23:06, Báo điện tử Quân đội nhân dân.
  2. "Tìm bạn về” - Tiếng lòng thổn thức - Tường Huấn, 27/07/2017, Báo cựu chiến binh online.
  3. Hành trình tìm bạn liệt sĩ của cựu học sinh Chu Văn An - Hoàng Phương, Thứ sáu, 19/5/2017, 00:00, VnExpress.
  4. Hành trình “tìm bạn về” kỳ diệu của cựu học sinh trường Chu Văn An - HỒNG KIỀU (VIETNAM+), 02/09/2016, VietnamPlus.
  5. [Photo] Hành trình “Tìm bạn về” của cựu học sinh trường Chu Văn An - NHÓM TÌM BẠN VỀ (VIETNAM+), 02/09/2016, VietnamPlus.
  6. Chuyện một người thương binh đi tìm liệt sĩ - NGUYÊN MINH, Thứ Bảy, 27/07/2019, Báo Điện tử Nhân Dân.


K7 thăm gia đình liệt sĩ Nguyễn Khắc Bình

Tháng 7 với ngày 27 - Tri ân Thương binh Liệt sỹ

FB Bình Đoàn 26/7/2018 lúc 18:35 ·
Nhân ngày TBLS 27/7, sáng 26/7/2018, thay mặt BLL K7 - TSQ NVT _ Hồ Bàng, Đoàn Bình cùng các bạn học lớp PT (lớp 10) Nguyễn Trãi đã đến thăm gia đình liệt sĩ Nguyễn Khắc Bình và thắp nén hương tưởng nhớ, khắc ghi sự hy sinh cao cả vì đất nước ngày hôm nay của bạn Khắc Bình trong đội hình sư đoàn 320, chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị tháng 1 năm 1973. Xin chúc bà và cùng toàn thể gia đình LS Nguyễn Khắc Bình sức khoẻ dồi dào, gia đình hạnh phúc và mọi điều tốt lành nhất!



XIN ĐỪNG GỌI ANH LÀ LIỆT SĨ VÔ DANH

Tháng 7 với ngày 27 - Tri ân Thương binh Liệt sỹ


Hai Bac Tran 25 Tháng 7/2018 lúc 20:00 ·

XIN ĐỪNG GỌI ANH
LÀ LIỆT SĨ VÔ DANH


Trải qua nhiều năm chiến tranh, trên đất nước ta còn khoảng 700.000 ngôi mộ liệt sỹ chưa tìm thấy tên tuổi, quê quán. Nhiều người để ý thấy lâu nay dòng chữ “Liệt sỹ vô danh” trên các bia mộ ấy đã được thay bằng “Liệt sỹ chưa rõ họ tên”. Nhưng không phải ai cũng biết câu chuyện đằng sau sự việc.
Cách đây 25 năm, có một nhà báo ở Nghệ An tên là Văn Hiền vì trăn trở trước sự hy sinh của các liệt sỹ trong chiến tranh và nỗi đau của hàng chục vạn gia đình còn chưa biết người thân ngã xuống nay nằm đâu, đã viết bài thơ đầy cảm xúc có tựa đề “Xin đừng gọi Anh là liệt sỹ vô danh”.
Một thời gian sau khi bài thơ ra đời Đài Truyền hình VN dựng phim “Không ai là vô danh”. Hội Cựu Chiến Binh VN đã ra nghị quyết đề nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội khắc lại các bia mộ chưa tìm được tên tuổi liệt sỹ.
Để tưởng nhớ những người nằm xuống, bài thơ “Xin đừng gọi Anh là liệt sỹ vô danh” đã được khắc lên các tấm bia dựng trên một số nghĩa trang liệt sỹ lớn.
Có lần nhà văn nữ Đàm Quỳnh Ngọc hỏi nhà báo Văn Hiền “Anh đã nhận những giải thưởng gì cho bài thơ Xin đừng gọi Anh là liệt sỹ vô danh?”. Anh Văn Hiền trả lời: “Chưa lần nào, với lại làm thơ có ai nghĩ để được giải thưởng đâu? Mình có bài thơ được sống cùng thời gian theo lịch sử, lại được khắc vào đá, đó là tặng thưởng quý nhất, còn có gì hơn thế nữa?”
...
Cuối năm ngoái vợ chồng tôi được ghé qua Nghệ An trong vài tiếng đồng hồ. Nửa thế kỷ mới gặp lại Quốc Sủng và Thúc Minh là bạn học thời Thiếu sinh quân. Chúng tôi được 2 bạn đưa ra nghĩa trang Đức Thọ thắp hương cho Nguyễn Văn Ngọc, bạn Thiếu sinh quân vào lính phòng không và hy sinh 1968 ngay trên mâm pháo khi bảo vệ TP Vinh. Trên đường đi tôi gọi điện hẹn gặp anh Văn Hiền. Mặc dù đã nhiều lần gặp nhau qua điện thoại từ khi may mắn gặp được bài thơ xúc cảm của anh rồi phổ thành bài hát, nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau. Anh Văn Hiền hơn chúng tôi chừng dăm tuổi, năm tháng gian lao hằn in trên dáng mặt. Thời chiến tranh anh là công nhân cầu đường, đã qua khắp các “túi đựng bom” của Không quân Mỹ như Hàm Rồng, Bến Thủy, Long Đại, Lai Vu... Một ngày anh đau đớn nhận tin cha mình là Trần Văn Ngoạn vốn là lính công binh Đại đoàn 312 đã tham gia trận Điện Biên Phủ, nay hy sinh ở Trường Sơn. Hòa bình lập lại, anh lặn lội khắp các nghĩa trang tìm mộ cha và các liệt sỹ nhà báo, lòng quặn thắt mỗi khi đứng trước những tấm bia mộ khắc vẻn vẹn một dòng “Liệt sỹ vô danh”. Và bài thơ “Xin đừng gọi Anh là liệt sỹ vô danh” đã ra đời trong một những chuyến đi như vậy. Tôi đã gặp được Văn Hiền chỉ trong 1 giờ đồng hồ, cùng nhau ăn vội một bữa cơm, được anh tặng 3 cuốn sách rồi lại lên đường bay ra Hà Nội.
...

XIN ĐỪNG GỌI ANH
LÀ LIỆT SĨ VÔ DANH

(Album: “Hành khúc ngày bình yên”)
Thơ: Văn Hiền; Nhạc: Trần Bắc Hải

Mẹ sinh thành tròn tháng tròn ngày
Cha đặt tên chọn tuổi chọn mùa
Lớn lên cùng vụ cày vụ hái
Nắng trải nước vẫn còn trong
(Điệp khúc)
Anh có tên như bao khuôn mặt khác
Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh!

Bàn chân trần săn chắc dáng trai
Nhớ củ khoai hạt lúa nuôi người
Phút lên đường bờ vai mặn chát
Mắt ai vấn vương không rời

(Điệp khúc)

Bình yên ngày tan khói chiến tranh
Anh trở về chẳng tên chẳng tuổi
Những ngôi sao mộ bia chẳng nói
Rưng rưng tiếng lá cỏ xanh

(Điệp khúc)

Tổ Quốc không mất tên Anh
Tổ Quốc không mất tên Anh
Chỉ lặng thầm nhận về mình
Nỗi đau xanh cùng năm tháng
Anh có tên như bao khuôn mặt khác
Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh!

...



Tran Kienquoc đã chia sẻ một kỷ niệm. 27/7/2018 06:20

Đọc "Liệt sỹ vô danh" của Trần Bắc Hải, tìm lại được bài viết gặp người đề đạt chuyện này với trên
Tran Kienquoc 27 Tháng 7, 2017 · Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam ·
Chuyện kể sớm ngày 27/7:

Liệt sỹ vô danh và
Liệt sỹ chưa biết tên


Chiều qua, có cuộc hội ngộ do Mười Bạc tổ chức tại Bia Tiệp Phổ Quang. Gặp được anh Tư Bửu (HSMN, nguyên giám đốc Sở TDTT TP), Lê Tất Thắng k4, Tâm và Thanh - 2 bạn Tất Thắng, Nhất Trung ở Quy Nhơn. Trò chuyện vui vẻ nhưng ấn tượng nhất là chuyện xuất xứ của mấy từ "Liệt sỹ chưa biết tên" do Tất Thắng kể.
... Chú Trần Trọng Tân (Hai Tân) sinh năm 1926 tại thôn Tân Mỹ, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, từng là Bí thư tỉnh ủy Quảng Trị (1950), Ủy viên Ban Tuyên huấn Trung ương Cục Miền Nam (1961-1967), Ủy viên Ban lãnh đạo đoàn chuyên gia Việt Nam ở Campuchia (1980-1986). Kháng chiến chống Mỹ, có thời kỳ chú hoạt động bí mật tại nội thành Sài Gòn, bị địch bắt đày ra Côn Đảo giam cho đến 1975. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, chú được bầu vào BCHTW, phân công làm trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa TW. Thời gian (1991-1996), là Phó Bí thư Thành ủy TPHCM.
Tất Thắng sau khi chuyển ngành được về làm thư kí cho chú Hai Tân.
Năm 1993, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị được Nhà nước trao tặng danh hiệu Đơn vị AHLLVT, Thắng được tháp tùng chú về dự. Đi suốt dọc các tỉnh miền Trung, đặc biệt tỉnh Quảng Trị, thấy vô vàn các mộ Ls trong các NLTS từ xã, huyện đến tỉnh. Trong đó có cũng vô vàn các mộ gắn bia "Liệt sỹ vô danh".
Ngồi trên xe vừa buồn, vừa thấy có điều gì đó canh cánh trong lòng. Thắng nghĩ, tại sao lại gọi là Liệt sỹ vô danh? Ai sinh ra ở trên đời này mà chẳng có danh, ai lại không được cha mẹ đặt cho cái tên? Sao lại bảo họ không có tên? Nhớ lại thời gian học tập ở Liên-xô, khi đến viếng các NTLS hay thăm ngọn lửa vĩnh cửu thì thấy gắn trên bia mộ là "Njeizvestnyi Soldat", nghĩa là người lính chưa được biết tên.
Thắng trao đổi điều này với chú Hai Tân. Vốn là bạn tù Côn Đảo với chú Lê Toàn Thư, ba Thắng, chú hiểu ngay những gì Thắng muốn nói. Từng là Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa, chú suy nghĩ kĩ rồi sau đó đề đạt với Ban Bí thư. Từ ngày đó, tại các NTLS đã có thay đổi, các bia ghi "Liệt sỹ vô danh" được thay bằng "Liệt sỹ chưa biết tên".
"Ngày mai kỉ niệm 70 năm Ngày TBLS, tôi rất tự hào là người đã phát hiện và đề đạt để những người có trách nhiệm sửa đổi cho đúng 1 cái tên gọi. Chả phải là ông nọ bà kia nhưng cũng thấy tự hào", Tất Thắng chia sẻ.
Tôi cũng thấy tự hào vì có thằng bạn đã làm được 1 việc tốt. Ở đời, mỗi người cứ làm được 1 việc tốt trong 1 ngày thì cả xã hội ta sẽ mau chóng tốt đẹp lên.



Nhà báo Văn Hiền - nguyên TBT báo Nghệ An, nay là trưởng đại diện cho Tạp chí Người làm báo. (Ảnh: Nguyễn Phê)
Tấm bia khắc bài thơ.... (Ảnh: Nguyễn Phê)
Nhà báo Văn Hiền bên tấm bia đá khắc bài thơ của mình vừa được Bộ LĐTB-XH chấp thuận đặt tại nghĩa trang Việt - Lào. (Ảnh: Nguyễn Phê) - Nghĩa trang liệt sĩ Quốc tế Việt - Lào (huyện Anh Sơn tỉnh Nghệ An)

XIN ĐỪNG GỌI ANH
LÀ LIỆT SĨ VÔ DANH

Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh
Anh có tên như bao khuôn mặt khác
Mẹ sinh Anh tròn ngày, tròn tháng
Cha đặt tên chọn tuổi, chọn mùa
Anh nhận ra lưỡi cày, lưỡi hái
Vẹt mòn dưới nắng, dưới mưa.

Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh
Anh từng có tên như bao khuôn mặt khác
Hạt lúa củ khoai nuôi Anh khôn lớn
Tháng Tám nước trong, tháng năm nắng trải
Bàn chân săn chắc dáng trai.

Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh
Anh có tên như bao khuôn mặt khác.
Ngày lên đường bờ vai mặn chát
Mắt ai vấn vít hàng quân.

Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh
Anh có tên như bao khuôn mặt khác
Chiến trường gần, chiến trường xa đuổi giặc
Tên làng, tên đất theo Anh.

Bình yên sau cuộc chiến tranh
Anh trở về không tên không tuổi
Trắng hàng bia
Những ngôi sao không nói
Rưng rưng cỏ mọc dưới chân người.

Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh
Anh từng có tên như bao khuôn mặt khác
Tổ quốc không mất tên Anh
Chỉ lặng thầm nhận về mình
Nỗi đau xanh cùng năm tháng.

VĂN HIỀN - 7/1993

Thứ Năm, 26 tháng 7, 2018

K6HN tưởng nhớ bạn liệt sĩ

Tháng 7 với ngày 27 - Tri ân Thương binh Liệt sỹ

FB Vu Dien Bien 26 Tháng 7 lúc 11:34

K6HN tưởng nhớ bạn liệt sĩ


Hôm nay thay mặt các bạn K6 NVT, chúng tôi thắp hương tưởng nhớ bạn Nguyễn Mạnh Minh, Nguyễn Tiến Quân là liệt sĩ của K6 tại HN và ra đài liệt sĩ của phường Khương Đình, Khương Trung nhân ngày 27/7/2018. Chúng tôi ghi sâu lòng biết ơn tới các TB & LS đã hy sinh vì nền độc lập và tự do của nước nhà!
Ảnh: Điện Biên, Chí Hùng




* Thắp hương tưởng nhớ Bạn Nguyễn Mạnh Minh





* Thắp hương tưởng nhớ Bạn Nguyễn Tiến Quân






* Thăm đài liệt sĩ của phường Khương Đình, Khương Trung




Câu chuyện từ một tấm ảnh

Tháng 7 với ngày 27 - Tri ân Thương binh Liệt sỹ

K5HN thăm gia đình liệt sĩ - Hong Phuong Pham >> BẠN NVT 25 Tháng 7 lúc 17:08

Bức ảnh có bạn Vũ Kiên Cường (tay cầm quả đạn B40 đứng ở phía sau) do gia đình mới sưu tầm được.

Tran Kienquoc 26/7/2018 07:33
Ảnh quý: Vũ Kiên Cường ôm quả đạn pháo phục vụ đồng đội ở Thành cổ Quảng Trị, tháng 7/1972

Cảm ơn phóng viên chiến trường Đậu Ngọc Đản đã ghi lại được hình ảnh của bạn chúng tôi, Ls Vũ Kiên Cường, trong trận chiến ác liệt 81 ngày đêm.
Gian khổ thế, cái chết cận kề mà mày vẫn tươi hơn hớn, Cường ơi!
Còn 2 đồng đội nữa tên gì nhỉ? Các anh còn sống không?
(Ảnh trên gian thờ gia đình Vũ Kiên Cường, do các bạn k5 đến thăm ngày 25/7/2018 ghi được).
Ảnh chú thích đạn B40 hình như không chính xác vì đây là DKZ hay sao ấy?

Tra Google thì được các thông tin sau:
Ảnh do Nhà báo Đậu Ngọc Đản - phóng viên chiến trường của Tổng cục Chính trị và của Thông tấn xã Việt Nam, chụp ở mặt trận Ái Tử (cửa ngõ từ phía Bắc vào Thành cổ Quảng Trị) tháng 7 năm 1972. Người cầm ống nhòm là anh Lê Văn Ninh, có cha là Lê Văn Lâm, trưởng ban tổ chức cán bộ của Thông tấn xã Việt Nam. "Ninh là sinh viên Khoa Hóa của Trường Đại học Bách khoa, như bao chàng trai khác thời bấy giờ, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh xếp bút nghiên vào chiến trường ngày 1/9/1971"... và "đã hy sinh vô cùng anh dũng ngày 2/9/1972".

Ảnh gửi ra từ chiến trường Quảng Trị cho TTXVN tháng 11/1972 với chú thích: "Lê Ninh, quản lý Phân đội 4 khu giải phóng, chiến đấu dũng cảm diệt 45 tên lính thủy đánh bộ, một mình giữ vững mũi chốt phía Đông Bắc Thành cổ Quảng Trị".
"Đó là bức ảnh Ninh cầm chắc khẩu B41 tì lên công sự bên Thành cổ, hướng nòng súng về phía địch một cách chăm chú, có chút căng thẳng nhưng vẫn giữ được vẻ bình tĩnh của một dũng sĩ chốt Thành cổ".

Tôi (Đậu Ngọc Đản) kể về Ninh với người cha của anh theo câu chuyện mà Đại đội phó Võ Trọng Bảy đã kể cho tôi nghe:

"Hôm ấy mũi chốt của Đại đội 1 có nguy cơ lọt vào tay bọn lính thủy đánh bộ Mỹ. Lực lượng địch đông, dựa vào phi pháo cố mở những đợt tiến công cuối cùng vào số chiến sĩ ta đang kiên cường giữ chốt. Đại đội phó Đại đội 1, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 95, Sư đoàn 325 Võ Trọng Bảy nhận được lệnh cử thêm ba chiến sĩ bổ sung cho chốt. Lê Ninh vừa gùi gạo từ phía sau về. Biết tin, Ninh nằng nặc đòi ra chốt chiến đấu. Vốn người cùng quê, Bảy hiểu Ninh rõ lắm. Vào bộ đội, Ninh được phân công làm quản lý đại đội. Công việc hợp với tính cẩn thận, chắc chắn của Ninh. Vả lại ở "xê bộ", Ninh còn giúp đỡ anh em giải quyết được nhiều chuyện. Ninh là người quản lý đặc biệt. Bao giờ anh cũng khư khư mang theo khẩu B41. Sau khi chuẩn bị lương thực cho đơn vị xong, anh theo mũi chủ công xung phong vào giữa vị trí của địch. Đơn vị cử người đi tìm thì gặp anh chững chạc giải 20 tù binh về...

Tôi kể say sưa về đứa con trai của bác.

"Con người Ninh vẫn thế. Bạn ấy rất cương nghị - Tôi nói với bác - Đại đội phó Bảy biết không thể giữ chân Ninh nên phải đồng ý để Ninh ra chốt giữa lúc cuộc chiến đấu gay go nhất…".
Từ chớp sáng của đạn pháo địch, Ninh dẫn Sơn và Hạ, hai chiến sĩ "mới toanh" đến vị trí chốt, sau hai giờ mày mò giữa bãi gạch vụn và bùn đất nhão nhoẹt còn nóng hơi bom đạn. Trời sáng dần. Sau một đêm thức trắng căng thẳng, trận địa chỉ còn lại ba chiến sĩ mới. Nhưng không một ai cảm thấy đơn độc. Bên phải, cách Ninh chưa đầy nửa tầm lựu đạn là Sơn và Hạ. Cối cá nhân của địch bắt đầu dập đến. Mảnh đạn bay sàn sạt. Chen vào đấy là những quả pháo khoan như muốn đánh tung cả lòng đất. Chúng bắn dồn dập, vội vã rồi bỗng chốc chuyển làn. Ninh nhô đầu khỏi công sự để quan sát. Gần một trung đội địch lặng lẽ xô đẩy nhau về phía Ninh. Trận địa chốt vẫn im lặng. Bọn địch xông lên từng đoạn, lò dò từng bước, đầu đã che lấp lỗ ngắm của khẩu B41. Ninh bình tĩnh siết cò. Tiếng nổ xé lên. Màn khói trước mặt chưa tan hết, đã lộ năm sáu thằng bị thiêu cháy. Tiếng súng tiểu liên của Sơn và Hạ nổ chắc gọn... Bị đánh bất ngờ, bọn đi sau hò hét. Ba tên địch men theo rãnh hào nông choèn dọc bờ tường hòng thọc sườn Ninh. Khi anh quay sang trái lấy quả đạn B41 thì bắt gặp những thân hình mặc quần áo rằn ri đang lộ mình sát mặt đất. Ba đứa chụm đầu vào nhau sau tấm tôn. Ninh nhanh nhẹn vươn người khỏi thành hào, tung lựu đạn... Tên chỉ huy vội vã cho quân lui về phía sau.

Khi tiếng đạn hơi thưa, Ninh vứt mảnh tôn qua vị trí Sơn và Hạ để bắt liên lạc. Ninh nhận được trả lời bằng một nắm vỏ đạn tiểu liên bay lại. "Còn sống cả! Bọn địch đừng có hòng đặt chân đến mũi chốt này". Tự nhiên Ninh thấy thanh thản lạ. Trận đánh thứ tư, thứ năm lại diễn ra. Kết cục bao giờ cũng như thế: địch hò hét tháo lui, rồi lại dùng hỏa lực dập vào trận địa ta.

Trận đánh không cân sức lần thứ bảy diễn ra lúc xế chiều. Bọn địch sắp tràn đến mũi chốt cánh phải. Sao tiếng súng vẫn im. Sơn và Hạ đâu? Mặt Ninh nóng ran. Phút giây anh cảm thấy như có chuyện gì không lành xảy ra. "Sơn và Hạ bị thương rồi chăng?". Ninh sực nhớ hai tiếng tiểu liên lạc lõng sau đợt đánh lui phản kích thứ sáu của địch. Bây giờ thì bọn địch di chuyển thọc theo hai mũi khoảng chừng một trung đội. Khi tên chỉ huy la ó: "Bắt sống Việt cộng!" thì bọn lính háu ăn nhập thành một cánh xông lên. - Quyết chiến đấu đến cùng để trả thù cho Sơn và Hạ! Ninh ném hai, ba quả lựu đạn cùng một lúc, phóng luôn quả đạn B41...
Tình hình đang diễn ra căng thẳng thì những người bạn chiến đấu của Ninh đã xuất hiện bên công sự của anh. Đại đội phó Võ Trọng Bảy dẫn hai tiểu đội đến tiếp sức cho tổ của Ninh giữa ban ngày. Vượt gần 1 km bãi trống dưới hỏa lực dày đặc của địch và ngay trước mặt kẻ thù là điều không dễ. Nhưng, vì đồng đội, các chiến sĩ có thể làm được việc phi thường như vậy...

Đêm hôm đó, dưới sự chỉ huy của đại đội phó Bảy, Ninh dẫn 15 chiến sĩ tập kích bất ngờ, đánh tung cả đại đội lính thủy đánh bộ của địch ra ngoài bờ mương, cách mũi chốt gần 1 km.


Bức ảnh của Ninh mà tôi ghi được trong buổi sáng khi ánh bình minh bừng lên, chiếu sáng cả trận địa chốt trên thành Quảng Trị. Người chiến sĩ cầm chắc trong tay khẩu súng B41, cùng đội ngũ chiến đấu của mình. Đôi mắt anh tròn đen sáng quắc dọi về phía trước.
Anh Lê Văn Ninh (người cầm ống nhòm) ở Thành cổ Quảng Trị năm 1972. (Ảnh: Ngọc Đản)

Mời xem thêm:
  1. Bông hoa cha gửi dòng sông - TRẦN THANH HẰNG, 27/07/2017 00:20, Báo điện tử Quân đội nhân dân.
  2. Câu chuyện từ một tấm ảnh - Ngọc Đản, Thứ Bảy, 22/07/2017, 19:12:35, Báo Nhân Dân Điện tử.
  3. Nhà báo chiến trường kể về giai đoạn ác liệt tại Thành cổ Quảng Trị - TUỆ MINH 08:35 29/04/13, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.
  4. Có tuổi 20 thành sóng nước - Hoàng Nguyên Vũ, 07:05 16/07/2005, Báo Công an nhân dân điện tử.

K5HN thăm gia đình liệt sĩ

Tháng 7 với ngày 27 - Tri ân Thương binh Liệt sỹ

Hong Phuong Pham >> BẠN NVT 25 Tháng 7 lúc 17:08

K5HN thăm gia đình liệt sĩ


Kỷ niệm 71 năm ngày thương binh liệt sĩ, sáng nay 25/7/2018, các bạn Trỗi K5 ờ Hà Nội gồm: Hoàng Việt, Nguyễn Mạnh Hùng, Phạm Hồng Phương, Bùi Công Chính, Phan Tuấn Khôi đã đến thăm 3 gia đình liệt sĩ K5: Nguyễn Lâm, Trịnh Thúc Doanh & Vũ Kiên Cường, và thắp hương tưởng nhớ công ơn của 3 bạn.



* Thăm gia đình Bạn Nguyễn Lâm

Mẹ và em trai LS Nguyễn Lâm.

Mẹ, anh trai (anh Lương Sơn K2 áo xanh) và em trai LS Nguyễn Lâm.

Mẹ bạn Nguyễn Lâm đã trên 90 tuổi nhưng vẫn còn khỏe và minh mẫn.





* Thăm gia đình Bạn Trịnh Thúc Doanh

Ảnh LS Trịnh Thúc Doanh trên bàn thờ.





* Thăm gia đình Bạn Vũ Kiên Cường

Bức tranh về LS Vũ Kiên Cường làm năm 2012.

Bức ảnh có bạn Vũ Kiên Cường (tay cầm quả đạn B40 đứng ở phía sau) do gia đình mới sưu tầm được.


Bạn bè k5 thắp hương trước bàn thờ liệt sĩ Kiên Cường !

Tại nhà em trai LS Vũ Kiên Cường.

Tại nhà em trai LS Vũ Kiên Cường.