Thứ Năm, 26 tháng 7, 2018

Câu chuyện từ một tấm ảnh

Tháng 7 với ngày 27 - Tri ân Thương binh Liệt sỹ

K5HN thăm gia đình liệt sĩ - Hong Phuong Pham >> BẠN NVT 25 Tháng 7 lúc 17:08

Bức ảnh có bạn Vũ Kiên Cường (tay cầm quả đạn B40 đứng ở phía sau) do gia đình mới sưu tầm được.

Tran Kienquoc 26/7/2018 07:33
Ảnh quý: Vũ Kiên Cường ôm quả đạn pháo phục vụ đồng đội ở Thành cổ Quảng Trị, tháng 7/1972

Cảm ơn phóng viên chiến trường Đậu Ngọc Đản đã ghi lại được hình ảnh của bạn chúng tôi, Ls Vũ Kiên Cường, trong trận chiến ác liệt 81 ngày đêm.
Gian khổ thế, cái chết cận kề mà mày vẫn tươi hơn hớn, Cường ơi!
Còn 2 đồng đội nữa tên gì nhỉ? Các anh còn sống không?
(Ảnh trên gian thờ gia đình Vũ Kiên Cường, do các bạn k5 đến thăm ngày 25/7/2018 ghi được).
Ảnh chú thích đạn B40 hình như không chính xác vì đây là DKZ hay sao ấy?

Tra Google thì được các thông tin sau:
Ảnh do Nhà báo Đậu Ngọc Đản - phóng viên chiến trường của Tổng cục Chính trị và của Thông tấn xã Việt Nam, chụp ở mặt trận Ái Tử (cửa ngõ từ phía Bắc vào Thành cổ Quảng Trị) tháng 7 năm 1972. Người cầm ống nhòm là anh Lê Văn Ninh, có cha là Lê Văn Lâm, trưởng ban tổ chức cán bộ của Thông tấn xã Việt Nam. "Ninh là sinh viên Khoa Hóa của Trường Đại học Bách khoa, như bao chàng trai khác thời bấy giờ, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh xếp bút nghiên vào chiến trường ngày 1/9/1971"... và "đã hy sinh vô cùng anh dũng ngày 2/9/1972".

Ảnh gửi ra từ chiến trường Quảng Trị cho TTXVN tháng 11/1972 với chú thích: "Lê Ninh, quản lý Phân đội 4 khu giải phóng, chiến đấu dũng cảm diệt 45 tên lính thủy đánh bộ, một mình giữ vững mũi chốt phía Đông Bắc Thành cổ Quảng Trị".
"Đó là bức ảnh Ninh cầm chắc khẩu B41 tì lên công sự bên Thành cổ, hướng nòng súng về phía địch một cách chăm chú, có chút căng thẳng nhưng vẫn giữ được vẻ bình tĩnh của một dũng sĩ chốt Thành cổ".

Tôi (Đậu Ngọc Đản) kể về Ninh với người cha của anh theo câu chuyện mà Đại đội phó Võ Trọng Bảy đã kể cho tôi nghe:

"Hôm ấy mũi chốt của Đại đội 1 có nguy cơ lọt vào tay bọn lính thủy đánh bộ Mỹ. Lực lượng địch đông, dựa vào phi pháo cố mở những đợt tiến công cuối cùng vào số chiến sĩ ta đang kiên cường giữ chốt. Đại đội phó Đại đội 1, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 95, Sư đoàn 325 Võ Trọng Bảy nhận được lệnh cử thêm ba chiến sĩ bổ sung cho chốt. Lê Ninh vừa gùi gạo từ phía sau về. Biết tin, Ninh nằng nặc đòi ra chốt chiến đấu. Vốn người cùng quê, Bảy hiểu Ninh rõ lắm. Vào bộ đội, Ninh được phân công làm quản lý đại đội. Công việc hợp với tính cẩn thận, chắc chắn của Ninh. Vả lại ở "xê bộ", Ninh còn giúp đỡ anh em giải quyết được nhiều chuyện. Ninh là người quản lý đặc biệt. Bao giờ anh cũng khư khư mang theo khẩu B41. Sau khi chuẩn bị lương thực cho đơn vị xong, anh theo mũi chủ công xung phong vào giữa vị trí của địch. Đơn vị cử người đi tìm thì gặp anh chững chạc giải 20 tù binh về...

Tôi kể say sưa về đứa con trai của bác.

"Con người Ninh vẫn thế. Bạn ấy rất cương nghị - Tôi nói với bác - Đại đội phó Bảy biết không thể giữ chân Ninh nên phải đồng ý để Ninh ra chốt giữa lúc cuộc chiến đấu gay go nhất…".
Từ chớp sáng của đạn pháo địch, Ninh dẫn Sơn và Hạ, hai chiến sĩ "mới toanh" đến vị trí chốt, sau hai giờ mày mò giữa bãi gạch vụn và bùn đất nhão nhoẹt còn nóng hơi bom đạn. Trời sáng dần. Sau một đêm thức trắng căng thẳng, trận địa chỉ còn lại ba chiến sĩ mới. Nhưng không một ai cảm thấy đơn độc. Bên phải, cách Ninh chưa đầy nửa tầm lựu đạn là Sơn và Hạ. Cối cá nhân của địch bắt đầu dập đến. Mảnh đạn bay sàn sạt. Chen vào đấy là những quả pháo khoan như muốn đánh tung cả lòng đất. Chúng bắn dồn dập, vội vã rồi bỗng chốc chuyển làn. Ninh nhô đầu khỏi công sự để quan sát. Gần một trung đội địch lặng lẽ xô đẩy nhau về phía Ninh. Trận địa chốt vẫn im lặng. Bọn địch xông lên từng đoạn, lò dò từng bước, đầu đã che lấp lỗ ngắm của khẩu B41. Ninh bình tĩnh siết cò. Tiếng nổ xé lên. Màn khói trước mặt chưa tan hết, đã lộ năm sáu thằng bị thiêu cháy. Tiếng súng tiểu liên của Sơn và Hạ nổ chắc gọn... Bị đánh bất ngờ, bọn đi sau hò hét. Ba tên địch men theo rãnh hào nông choèn dọc bờ tường hòng thọc sườn Ninh. Khi anh quay sang trái lấy quả đạn B41 thì bắt gặp những thân hình mặc quần áo rằn ri đang lộ mình sát mặt đất. Ba đứa chụm đầu vào nhau sau tấm tôn. Ninh nhanh nhẹn vươn người khỏi thành hào, tung lựu đạn... Tên chỉ huy vội vã cho quân lui về phía sau.

Khi tiếng đạn hơi thưa, Ninh vứt mảnh tôn qua vị trí Sơn và Hạ để bắt liên lạc. Ninh nhận được trả lời bằng một nắm vỏ đạn tiểu liên bay lại. "Còn sống cả! Bọn địch đừng có hòng đặt chân đến mũi chốt này". Tự nhiên Ninh thấy thanh thản lạ. Trận đánh thứ tư, thứ năm lại diễn ra. Kết cục bao giờ cũng như thế: địch hò hét tháo lui, rồi lại dùng hỏa lực dập vào trận địa ta.

Trận đánh không cân sức lần thứ bảy diễn ra lúc xế chiều. Bọn địch sắp tràn đến mũi chốt cánh phải. Sao tiếng súng vẫn im. Sơn và Hạ đâu? Mặt Ninh nóng ran. Phút giây anh cảm thấy như có chuyện gì không lành xảy ra. "Sơn và Hạ bị thương rồi chăng?". Ninh sực nhớ hai tiếng tiểu liên lạc lõng sau đợt đánh lui phản kích thứ sáu của địch. Bây giờ thì bọn địch di chuyển thọc theo hai mũi khoảng chừng một trung đội. Khi tên chỉ huy la ó: "Bắt sống Việt cộng!" thì bọn lính háu ăn nhập thành một cánh xông lên. - Quyết chiến đấu đến cùng để trả thù cho Sơn và Hạ! Ninh ném hai, ba quả lựu đạn cùng một lúc, phóng luôn quả đạn B41...
Tình hình đang diễn ra căng thẳng thì những người bạn chiến đấu của Ninh đã xuất hiện bên công sự của anh. Đại đội phó Võ Trọng Bảy dẫn hai tiểu đội đến tiếp sức cho tổ của Ninh giữa ban ngày. Vượt gần 1 km bãi trống dưới hỏa lực dày đặc của địch và ngay trước mặt kẻ thù là điều không dễ. Nhưng, vì đồng đội, các chiến sĩ có thể làm được việc phi thường như vậy...

Đêm hôm đó, dưới sự chỉ huy của đại đội phó Bảy, Ninh dẫn 15 chiến sĩ tập kích bất ngờ, đánh tung cả đại đội lính thủy đánh bộ của địch ra ngoài bờ mương, cách mũi chốt gần 1 km.


Bức ảnh của Ninh mà tôi ghi được trong buổi sáng khi ánh bình minh bừng lên, chiếu sáng cả trận địa chốt trên thành Quảng Trị. Người chiến sĩ cầm chắc trong tay khẩu súng B41, cùng đội ngũ chiến đấu của mình. Đôi mắt anh tròn đen sáng quắc dọi về phía trước.
Anh Lê Văn Ninh (người cầm ống nhòm) ở Thành cổ Quảng Trị năm 1972. (Ảnh: Ngọc Đản)

Mời xem thêm:
  1. Bông hoa cha gửi dòng sông - TRẦN THANH HẰNG, 27/07/2017 00:20, Báo điện tử Quân đội nhân dân.
  2. Câu chuyện từ một tấm ảnh - Ngọc Đản, Thứ Bảy, 22/07/2017, 19:12:35, Báo Nhân Dân Điện tử.
  3. Nhà báo chiến trường kể về giai đoạn ác liệt tại Thành cổ Quảng Trị - TUỆ MINH 08:35 29/04/13, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.
  4. Có tuổi 20 thành sóng nước - Hoàng Nguyên Vũ, 07:05 16/07/2005, Báo Công an nhân dân điện tử.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét