Chủ Nhật, 22 tháng 7, 2018

CHUYỆN CỦA MỘT NGƯỜI BẠN

Tháng 7 với ngày 27 - Tri ân Thương binh Liệt sỹ

Tran Kienquoc 22/7/2018 05:42
Một bài viết về LS Nguyễn Khắc Bình k7 của Hồ Sỹ Bàng k7

Sáng chủ nhật, 22/7, lang thang mạng và đọc được bài này. Xúc động quá! Vậy là thêm thông tin của 1 LS trường Trỗi còn thiếu.
Cảm ơn Bàng và người kể chưa biết mặt!

CHUYỆN CỦA MỘT NGƯỜI BẠN


Buổi sáng hôm ấy, sắp tới 27 tháng 7, tôi hẹn gặp được một người bạn gái cùng trường phổ thông. Quán cafe đã hẹn nằm ngay trong Viện Bảo tàng Quân đội. Nơi đây đang khẩn trương chuẩn bị cho ngày lễ. Bọn tôi quen nhau qua cuộc họp toàn khóa. Qua đó, tôi được biết bạn ấy là một trong những người bạn thân học cùng lớp 10 với Nguyễn Khắc Bình, học sinh Khóa 7 trường Văn hóa Quân đội - Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi. Tôi rất muốn có được nhiều thông tin thêm về Khắc Bình. Sau môt hồi trao đổi, tôi được nghe bạn ấy kể lại chuyện giữa họ. Cô bạn yêu cầu không nêu tên. Xin viết lại chuyện mà bạn ấy kể:
“Ngày ấy, trường Nguyễn Văn Trỗi giải tán. Có nhiều học sinh về trường mình. Đặc điểm chung của các bạn ấy là học hành được, sôi nổi, có nhiều bạn bè ở các lớp khác nhau trong trường. Chắc hẳn mọi người có một thời gian dài cùng học và sinh hoạt nên rất hiểu nhau, có xu hướng tụ lại với nhau. Bọn mình thấy người ta hay nói “hội Trỗi”. Nhiều trận ẩu đả trong và ngoài trường cũng có mặt học sinh trường Trỗi tham gia.
Khắc Bình cũng nằm trong số đó. Mình vẫn nhớ, những ngày đầu về lớp, cậu ấy rất nghịch. Người tầm thước, khuôn mặt xương xương, giọng nói rất to. Mỗi khi tranh luận, giọng của cậu ấy cứ ầm ĩ làm mọi người phải ngoái nhìn.
Ban đầu, cậu ấy cũng làm cả lớp vất vả. Còn nhớ ngày ấy, như thế bọn mình hay nói “ý thức tổ chức kỷ luật” chưa tốt. Thầy chủ nhiệm, Chi đoàn và các cán bộ lớp đều quan tâm đến việc này. Lúc đó mình làm lớp phó phụ trách học tập. Mọi người bàn nhau cùng chung tay giúp đỡ Khắc Bình. Và mình được giao trách nhiệm chia sẻ cùng Khắc Bình lúc đó.
Bọn mình đã cùng nhau học tập, rèn luyện. Ban đầu Khắc Bình bất hợp tác. Cậu ấy khó chịu mỗi khi sinh hoạt lớp, không tập trung học tập. Nhưng sự kiên trì của mọi người đã khiến Khắc Bình dần “hiền “ hơn. Khắc Bình cũng chịu học nhóm và mình cũng hay tâm sự với Khắc Bình.
Cậu ấy cũng có nhiều kết quả đáng mừng. Kết quả học tập tốt. Nhưng điều cơ bản là cậu ấy hòa đồng hơn với mọi người, có ý thức giúp đỡ bạn bè. Tuy cùng sinh năm 1954, nhưng mình sinh trước Khắc Bình nhiều tháng nên trong giao tiếp, cậu ấy luôn gọi mình là chị và bọn mình trở thành chị em kết nghĩa. Có nhiều chuyện tâm sự. Đó là một tình bạn đáng nhớ thời phổ thông của mình.
Bước vào năm 1972, lúc ấy là kỳ 2 lớp 10. Khi ấy chiến trường đang đỏ lửa, học sinh của trường lớp lớp lên đường vào Nam đánh giặc. Bọn mình vẫn đi học hàng ngày, không khí rất sôi động. Mình còn nhớ, chiều hôm ấy, 2 đứa đi xe đạp đi học về. Đến gần cây vú sữa gần quảng trường Ba Đình, Khắc Bình đi chậm lại và nói: “Chúng mình đỗ lại, em có việc muốn hỏi chị”. Bọn mình dừng lại, mình chờ Khắc Bình nói. Mình đang nghĩ cậu ấy muốn tâm sự về một người bạn gái trong lớp mà Khắc Bình rất thân. Nhưng không. Khắc Bình vẫn yên lặng. Một lúc sau, Khắc Bình có nói, em định xung phong đi bộ đội đợt này, chị nghĩ thế nào? Mình giật mình. Đây cũng là một điều mới mẻ với mình. Sau khi biết Khắc Bình chưa nói gì với gia đình, mình chỉ biết nói, nên về nhà trao đổi lại với bố mẹ. Bố mẹ luôn là chỗ dựa vũng chắc cho những đứa con của mình.
Thế rồi Khắc Bình có quyết định nhập ngũ. Chi đoàn khi đó họp, đề nghị kết nạp Đoàn cho Khắc Bình vì những tiến bộ cả về học tập và rèn luyện của cậu ấy. Trước ngày kết nạp Đoàn, Khắc Bình có tâm sự. Khắc Bình muốn được mình chuẩn bị huy hiệu đoàn và chính mình gắn cho Khắc Bình trong lễ kết nạp. Đây cũng là điều mình ấn tượng và thầm cảm ơn Khắc Bình.
Ngày 16 tháng 4, máy bay Mỹ ném bom Hà Nội. Sắp đến ngày lên đường, cùng bao bạn bè trong lớp, mình chuẩn bị cho các bạn nhập ngũ. Những dòng lưu niệm, những món quà như bút viết, tem, phong bì thư, bàn chải ...chan chứa bao kỷ niệm. Ngày tiễn Khắc Bình nhập ngũ, mình thấy Khắc Bình ôm chặt những món quà đó. Đôi mắt hoe đỏ, Khắc Bình có nói với mình: “Chị yên tâm nhé! Nhớ giữ gìn sức khỏe!”
Thời gian cứ trôi đi. Mình cũng nhận được thư của Khắc Bình gửi về trên các chặng đường hành quân. Trong mỗi lá thư kể về niềm háo hức của một đứa con Hà Nội sắp xung trận, những miền quê đã đi qua và những khó khăn vấp váp khi bước vào cuộc sống mới. Khắc Bình đặc biệt chia sẻ niềm vui khi gặp bạn bè cùng trường, cùng lớp trên đường ra chiến trường. Mấy đứa ôm chầm lấy nhau, gọi lại các biệt danh, liệt kê bạn bè, kể lại kỷ niệm thời học sinh... Mình nhớ nhiều nhất lá thư Khắc Bình viết từ Nam Đàn về. Trong thư, Khắc Bình gửi lại 2 bức ảnh, phía sau ghi những dòng chữ thân thương “Nam Đàn quê Bác 19/8/1972. Khắc Bình của Chị. Kỷ niệm”, “Tặng chị. Đứa em trai của Chị”. Lá thư nói đến việc chuẩn bị lên đường trên con tàu từ đất quê Bác đi đến miền Nam. Trong thư có đoạn viết “Con tàu sẽ lao về phương Nam, mắt em nhòa đi”. Mình có cảm giác rất lâu bọn mình mới gặp lại nhau. Cầm lá thư, mình vừa đọc vừa khóc.
Lá thư cuối cùng Khắc Bình gửi là từ Vĩnh Thành, Vĩnh Linh. Sau đấy không nhận được lá thư nào nữa.
Năm 1973, mình vẫn không nhận được tin gì từ Khắc Bình. Vào một ngày đầu năm 1973, có 3 anh bộ đội đến nhà mình. Gặp mình, các anh hỏi tên mình và giới thiệu: “Chúng tôi là những người cùng đơn vị với anh Bình. Mình mừng lắm, mời các anh vào nhà và muốn được tin của Khắc Bình. Mình mời các anh ngồi và đi pha nước. Lòng thấp thỏm. Mới ngồi xuống, cả 3 anh đã đứng lên. Một anh, giọng như kìm nén, khẽ nói: “Hôm nay đơn vị về đây muốn nói với chị về đồng đội Bình của chúng tôi. Chúng tôi nhân ra Bắc có cuộc họp nên đến thăm chị và có điều muốn nói với chị”. Mình chợt cảm thấy hụt hẫng.
Các anh nói, ở đơn vị, Khắc Bình là một người lính có tính kỷ luật cao, không ngại gian khổ, sẵn sàng giúp đỡ đồng đội. Lính trẻ, có người đã có người yêu, có người chưa. Mỗi lần hỏi Khắc Bình về chuyện này, chỉ thấy cậu ấy cười. Cậu ấy thường nhắc đến chị và nói với anh em về chị với lòng kính trọng. Khắc Bình rất chịu khó viết thư.
Thế rồi các anh kể chuyện Khắc Bình đã ra sao.
Vào đầu 1973, Hiệp định Pari vẫn chưa được ký. Chiến trường trong ấy loang lổ kiểu da báo. Ta với địch giữ những vùng đất xen kẽ nhau. Bọn ngụy trước ngày thất bại đã huy động tổng lực và nhiều cuộc chạm trán vẫn xảy ra giữa những vùng giáp ranh.
Hôm đó là ngày 16 tháng 1 năm 1973. Tổ 3 người, trong đó có Khắc Bình, được cử đi trinh sát. Đến thời điểm đã định, không thấy tổ trở về. Đơn vị hiểu rằng tổ đã bị địch phục kích và cử người đi tìm. Thoạt tiên, anh em phát hiện ra đồng đội thứ nhất, rồi đến tìm thấy đồng đội thứ hai ... hy sinh và cố gắng lần tìm Khắc Bình hồi lâu. Cuối cùng, họ thấy Khắc Bình đang thoi thóp thở, máu loang đầy trên mặt. Anh em nâng Bình lên. Bình chào anh em và cuối cùng chỉ kịp nói: “Nếu tôi trở về thế giới bên kia, xin các anh đến nhà chị tôi và nói với chị rằng tôi vẫn nhớ đến chị”. Nói rồi Khắc Bình mất đi ngay trên tay đồng đội.
Nghe vậy, mình thực sự xúc động, ngồi sụp xuống muốn khóc mà không khóc được, không nói hồi lâu. Các anh thấy vậy, đứng dậy, xin phép về. Không biết nói gì, mình tiễn các anh ra cửa. Cho đến bây giờ, mình mãi ân hận vì mình cũng không hỏi được tên và đơn vị các anh. Đã nhờ nhiều nơi, nhiều mối quan hệ nhưng vẫn vô hiệu.
Gia đình, sau một thời gian dài tìm kiếm, mộ phần Khắc Bình đã được đưa về nghĩa trang quê nhà ở xã Cảnh Dương, Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ngôi mộ nhỏ của bạn ấy nằm trong nghĩa trang nhỏ. Mình cũng đã nhiều lần về viếng mộ bạn ấy.
Mình cảm giác Khắc Bình vẫn đang ở đâu đây. Hai bức ảnh mà Khắc Bình gửi cho mình từ Nam Đàn, mình luôn giữ như một kỷ vật thiêng liêng. Dù đi đâu, xa hay gần, trong nước hay ngoài nước, các buổi họp hay đi du lịch, mình luôn mang theo. Thực khó lý giải đúng không. Cho đến bây giờ, những lá thư Khắc Bình gửi, mình vẫn giữ. Mỗi lần nhìn vào những lá thư ấy, bao buồn vui kỷ niệm tràn về, không thể quên được. Mình cũng xin phép với chồng mình đặt những lá thư này trên một góc bàn thờ thờ Khắc Bình. Anh ấy đồng ý. Và mình cảm ơn anh ấy. Mình đã thi vào Đại học Y nhưng không hiểu sao lại học sư phạm và trở thành cô giáo. Mãi về sau, khi nghiệm lại, mình nhớ có lần Khắc Bình có nói: “Em mong chị về sau sẽ làm cô giáo, chị ạ!”

Câu chuyện dừng lại ở đó. Đường phố vẫn ồn ã. Cô bạn từ từ xoay chiếc điện thoại trên tay và nhìn chăm chăm vào đó. Tình cảm của 2 người bạn tôi thật khó lý giải. Chúng tôi yên lặng. Tôi tự hứa sẽ tìm gia đình Khắc Bình và cùng bạn bè đến thăm. Người bạn liệt sĩ mà bạn bè đã bao năm cố gắng tìm lại, bây giờ đã có những tin tức ban đầu. Khắc Bình ơi! Hy vọng Bình sẽ về lại giữa tình cảm anh em, bạn bè đã thất lạc bạn bấy lâu.

(Bài viết từ 24/7/2016).


Hồ Bàng >> BẠN NVT 22/7/2018 11:41
Hai bức ảnh mà bạn Khắc Bình (liệt sĩ - K7) tặng người bạn phổ thông với đề tặng trong ảnh.







Thông tin mộ LS Nguyễn Khắc Bình

tại Trang Người đưa đò (NGUYỄN SỸ HỒ) - www.nguoiduado.vn
Tên nghĩa trang: NTLS xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình.
Họ và tên: Nguyễn Khắc Bình
Năm sinh: 1954
Quê quán: Cảnh Dương, Quảng Trạch, Quảng Bình
Cấp bậc/chức vụ: Chiến sĩ
Đơn vị lúc hi sinh: QK5
Ngày hi sinh: 16/01/1973
Vị trí mộ: Lô mộ: 2 Hàng mộ: 11 Số mộ: 7

Ảnh sưu tầm trên mạng của Đào Việt Dũng

0 nhận xét:

Đăng nhận xét