Thứ Ba, 17 tháng 7, 2018

Chúng tôi đến thắp hương cho Anh Trỗi

Tháng 7 với ngày 27 - Tri ân Thương binh Liệt sỹ

Chúng tôi đến thắp hương
cho Anh Trỗi




Có gia đình ông anh họ bên vợ vào chơi, chúng tôi đã thay mặt họ hàng tiếp đãi và đưa anh chị đi thăm thú SG.
Nằm nhà, Sơn đọc được cuốn "Cuộc đời tôi" - tự truyện của chị Phan Thị Quyên, vợ AHLS Nguyễn Văn Trỗi, đã bày tỏ: "Có thể cho chúng em đi thăm chị Quyên và thắp hương cho Anh Trỗi được không? Đây cũng là dịp Ngày TBLS 27/7". "Cũng thân tình với bà chị nhưng phải để hỏi đã vì chị đang bệnh". Gọi cho bà chị, chị đồng ý.
Chiều nay, tôi đã đưa Sơn, Nguyệt và cháu Minh Anh tới thăm. Sau khi thắp hương cho các cụ, cho Anh Trỗi và em trai anh Tư Dũng, chúng tôi có cuộc chuyện trò thân tình với chị.


Nguyệt vợ Sơn tâm sự: "Đúng ra cháu phải gọi là cô Quyên vì năm chú hy sinh thì cháu mới sinh... Cho tới giờ những bài học về AHLS Nguyễn Văn Trỗi cháu vẫn còn nhớ. Từ khi là học sinh tới giờ chúng cháu vẫn chỉ gọi Anh Trỗi nên xin cho phép cháu gọi cô là chị cho trẻ".
Tưởng chỉ thăm chừng nửa tiếng mà vui chuyện tới 4g mới chia tay. Chị kể nhiều về mối tình của Anh chị, về gia đình, về chú Sáu Dân và cả về lần chuyển hài cốt Anh từ nghĩa trang Văn Giáp Q2 về NTLS TPHCM tháng 5 vừa rồi...
Sơn Nguyệt cùng suy nghĩ, đúng là có duyên nên mới gặp được chị Quyên và thắp hương cho Anh Trỗi đúng ngày hôm nay.
Bảo Minh Anh, hôm này cháu đã được gặp thần tượng của thế hệ bố mẹ bằng xương bằng thịt. Bác ấy thân tình, giản dị. Hỏi cháu có được học nhiều về AHLS Nguyễn Văn Trỗi thì cháu lắc đầu. Ôi, buồn cho nền giáo dục của chúng ta làm sao!


FB Tran Kienquoc, 17/7/2018 19:11




Chuyện vừa ghi lại


Đêm hôm trước, hẹn chị sáng hôm sau qua thăm. Chị bảo sáng đi thử máu; hẹn lại chiều thì chị đồng ý. Sau đó bà chị còn gọi lại qua Facetime, thấy chị hồng hào, mập ra.
Chiều qua đến thăm thấy bà chị khỏe hơn ngày đón Anh Trỗi từ Nghĩa trang Văn Giáp Q2 về NTLSTP. Chị bảo, có lẽ là do Anh Trỗi phù hộ!


Gặp các chú từ ngoài Bắc vào
Trong nhiều câu chuyện, có những chuyện ngày chị mới từ SG lên R, đầu năm 1965.
Chị nhớ lại, mới lên R đã được gặp chú Chín Vinh (Trần Độ), chú Sáu Ry (Nguyễn Chí Thanh) tại Đại hội Phụ nữ miền. Chú Chín Vinh cao to, khỏe mạnh hơn chú Sáu Ry. Các chú rất thương chị.
Chị đã tặng chú Chín bức ảnh cưới của anh chị.
(Tới 2015, nhân dịp kỉ niệm 50 năm Trường Nguyễn Văn Trỗi, anh Trần Thắng (con chú Trần Độ) đã tặng lại tôi bức ảnh này để góp vào kho tư liệu của trường. Sau đó, tôi đã tặng lại chị. Chị không ngờ bức ảnh này còn được chú giữ gìn cẩn thận và giao lại cho con cháu).
Tới tháng 7/1967 nghe tin chú Sáu mất ngoài HN, chị buồn lắm.

Với chú Sáu Dân
Chú Sáu ngày đó thường xuyên cắm chốt ở Y4 (còn gọi là "Y tư" - địa bàn của bộ chỉ huy Mặt trận SG - Gia Định, sát với Củ Chi). Thỉnh thoảng chú mới về R họp. Thương chị, mỗi lần về chú đều cho chị mấy trăm "ria" (tiền Campuchia) để tiêu vặt vì biết chị sống xa nhà không có liên lạc (vì phải giữ bí mật).
Sau này, khi học xong lớp y tá, chị xin chú cho về "Y tư" làm việc: "Chú cho cháu về đó để được phục vụ trực tiếp bộ đội và bà con". Chú cười: "Ở đâu cũng là phục vụ cách mạng mà. Mà thôi, khi nào có xe hơi thì chú sẽ đón về".
Chị nhớ lại sau Mậu Thân 68, tới thăm các đơn vị bộ đội, thấy toàn lính Bắc trẻ măng, có em mới 17, 18. Chị thương lắm và nghĩ, đúng là miền Bắc đã hy sinh sức người sức của để giải phóng miền Nam.
Vì thân tình với chú mà được chú chia sẻ. Lúc đó chị mới biết, thím Kim Anh và 2 em Hồng Ánh, Chí Tâm đã hy sinh trên con tầu sông Thuận Phong ở Củ Chi trong chuyến lên thăm chú cuối năm 1966.
Chú cũng kể có gửi 2 em Võ Dũng và Hiếu Dân ra miền Bắc. Chú còn đùa vui: "Thực ra chú ở trong này có ai biết nhưng vì thằng Dũng ra Bắc học, quá nghịch ngợm quậy phá mà chú nổi tiếng ngoài đó, ai cũng biết..."(!).
... Ở ngoài Bắc, sau thời gian dài không có thư từ của má, Dũng linh cảm có chuyện không hay nên bỏ học và xin về Nam chiến đấu. Nó xẻ dọc Trường Sơn về với chú. Hai ba con ôm nhau khóc khi chú kể hết sự thật về cái chết của má và 2 em. Cũng chỉ sống ở chiến khu ít ngày là nó xin về mặt trận SG - Gia Định. Ở đó làm lính thông tin cũng chỉ ít ngày là xin về Khu 9, quê má nó, chiến đấu.
Tại đó, nó giấu chú xin về đơn vị trinh sát và đã hy sinh ngày 21/4/1972 trong 1 chuyến đi trinh sát cùng 2 đồng đội...".
Chị cảm động nhắc lại: "Chú mất mát quá nhiều trong cuộc chiến này nhưng vẫn gồng lên chịu đựng và làm việc hết mình. Rồi chính chú lại là người ủng hộ và tác thành cho chị cưới anh Tư Dũng".

Đám cưới "không giấy hôn thú"
Được ra Bắc tháng 5/1969, chị cùng chị Nguyễn Thị Châu (vợ tử tù Côn Đảo Lê Hồng Tư) được gặp Bác đúng ngày sinh nhật năm ấy và 2 lần nữa. Sau đó, chị được sang thăm Liên-xô và Cuba. Khi về lại Matxcơva ngày 3/9/1969, chị nghe tin Bác mất.
“Chị cứ tiếc mãi không có tấm ảnh nào chụp chung với Bác, em ạ. Nay đã hết cơ hội. Ngày đó chú Kỳ nói: còn có lần sau gặp Bác, còn lần này chưa chụp vì phải giữ bí mật”, chị nhớ lại.
Nhớ lời Bác dặn phải học mới có thể về quê hương phục vụ, chị vào học Trường phổ thông Lao động TW (mật danh HT2) sơ tán ở Từ Hồ, Bần Yên Nhân, Hưng Yên. Tại đây chị đã gặp anh Tư Dũng
Cũng năm 1973, trong buổi liên hoan tiễn chị Châu và chị Duy Liên về lại miền Nam tại nhà chú Lê Toàn Thư, chị Châu ghé tai: "Chú Sáu Dân và chú Mười Cúc đang ra ngoài này họp. Chị có kể chuyện của em và anh Thiện cho chú Sáu nghe”.
Xa miền Nam đã 4 năm, nhớ nhà, nhớ quê, chị xin phép chú Thư cho lại thăm 2 chú. Lần đó, chú Thư và chú Tô Lâm (Phó ban Tuyên huấn TW Cục) đưa chị và anh Thiện tới thăm chú Sáu. Gặp chú, anh Thiện chào:
- Chào anh Sáu!
- Trời, mày đó hả Dũng? – chú bắt chặt tay anh và quay sang chị Quyên – Nghe Châu nói, học ở ngoài này, cháu có thân với thằng Thiện, mà Thiện có thời gian làm cơ yếu ở Y4. Chú nghĩ hoài mà không nhớ có ai tên Thiện? Té ra, Thiện chính là Tư Dũng, Lê Tâm Dũng.
… Đầu 1965, anh Tư Dũng được phân công về Y4. Mậu thân 1968 lại được theo chú Sáu xuống chỉ đạo mặt trận SG – Gia Định. Sau khi về lại R, anh đuợc phân công sang Sứ quán Chính phủ Cách mạng lâm thời tại Phnôm-pênh. Do yêu cầu bảo mật, anh phải đổi tên Lê Trung Thiện. Năm 1970, sau khi Chính phủ Shihanuok bị đảo chính, anh ra Bắc; sau đó đưọc phụ trách đoàn dũng sỹ diệt Mỹ sang thăm Tiệp Khắc. Đến đầu 1971, anh vào học tại HT2.
Nghe kể lại chuyện cũ, chú Sáu cười: “Thôi, Tư Dũng thì cứ xưng hô “anh em“ cho tiện, còn Quyên cứ giữ nguyên cách gọi “chú cháu”. Thế hai đứa làm đám cưới đi!”. Mừng quá, chị mách với chú:
- Ở ngoài này cưới phức tạp lắm chú ơi, phải đi đăng ký kết hôn. Khi đăng ký, Uỷ ban lại đưa tên 2 nguời lên bảng để nhân dân xem có đúng là anh chưa vợ, chị chưa chồng hay không; nếu đúng thì một tuần lễ sau mới cho đăng ký… Mà thôi, để cháu học xong rồi về Nam cưới luôn thể.
- Không nên vậy, nếu học đại học phải 4-5 năm sau mới xong. Năm nay Quyên đã 29, còn Tư Dũng đã 37 rồi. Cưới đi, nhất là dịp đang có chú ở ngoài này. Thế hiện nay 2 đứa quân số ở đâu?
- Dạ, trong Nam quản lý ạ. Vì quân số trong Nam, nên khi bầu cử, tụi cháu không được đi bỏ phiếu.
Khi đó, chú Sáu cuời và quay sang chú Thư:
- Nếu là quân số trong Nam thì có thể cưới không cần đăng ký. Trong chiến trường, thủ tục rất đơn giản. Khi 2 anh chị yêu thương nhau và quyết định xây dựng gia đình thì chỉ cần báo cáo tổ chức là xong, sau đó sẽ làm đám cưới. Ta có thể tổ chức cho Quyên và Tư Dũng cưới “kiểu miền Nam”.
- Ý anh như vậy thì ta sẽ tổ chức cho 2 đưá cưới “không đăng ký” - chú Thư trả lời.
Ngày 29/4/1973, vào đợt nghỉ lễ Lao động quốc tế, đám cưới “không có đăng ký kết hôn” đã được tổ chức tại nhà chú Lê Toàn Thư ở 57 Phan Đình Phùng. Chú Thư làm chủ hôn. Tối đó, các cô chú ở Ban thống nhất, cả chú Sáu Dân cùng các anh chị bên Trung ương Đoàn, anh chị trong Nam đang học chung cùng bà con họ hàng thôn Văn Giáp… đến dự đông đủ.
Đám cưới tổ chức theo kiểu “đời sống mới”, đơn giản, chỉ có kẹo bánh, thuốc lá, nước trà, nhưng thật vui.Đám cưới anh Tư Dũng - chị Quyên 29/4/1973 tại HN, có sự chứng giám của chú Sáu Dân.


Chuyện giờ mới nhắc lại
Phải hàng chục năm sau mới được nghe câu chuyện cảm động từ Hà Chí Thành, con trai cụ Hà Huy Giáp.
"... Thấy chị được mời đi khắp các đơn vị để nói chuyện về anh Trỗi và giới thiệu tác phẩm "Sống Như Anh", Bác Hồ tâm sự với đồng chí Hà Huy Giáp:
“Quyên nó còn trẻ, còn phải xây dựng gia đình. Các đồng chí có đưa đi nói chuyện cũng phải kheo khéo, kẻo khó cho cháu sau này”.
Hôm qua đã nhắc lại chuyện này với chị. Thế mới biết Bác thật giản dị, quan tâm, lo lắng đến từng chi tiết của 1 con người.

FB Tran Kienquoc, 18/7/2018 07:14


0 nhận xét:

Đăng nhận xét