Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2018

Đi tìm đồng đội - Hành trình tìm kiếm HCLS Đặng Trần Cảnh và Vũ Duy Hùng

Tháng 7 với ngày 27 - Tri ân Thương binh Liệt sỹ


Chuyện tìm bạn liệt sĩ của các bạn lớp G, trường cấp 3 Chu Văn An (Hà Nội) niên khoá 1970-1973, với sự tham gia của các bạn Trỗi K8 Hạ Hồng Hà, Bùi Chuẩn...
Các thành viên lớp G, trường Chu Văn An (Hà Nội) niên khóa 1970-1973 bàn bạc trao đổi sau khi tìm kiếm mộ liệt sỹ Đặng Trần Cảnh từ Rạch Giá (Kiên Giang) trở về. Ảnh trên mạng.


Đi tìm đồng đội số 71 - Hành trình tìm kiếm hài cốt liệt sĩ Đặng Trần Cảnh


Đi tìm đồng đội số 78 - Hành trình tìm kiếm hài cốt liệt sĩ Vũ Duy Hùng


Bùi Chuẩn đã tải lên một file 28/7/2017 11:19.
Anh Tô Thắng đã giới thiệu clip tìm 2 liệt sỹ của trường Chu Văn An. Xin bổ sung thêm chi tiết đi tìm đồng đội của 1 trong 2 liệt sỹ này.

Đi tìm đồng đội hay
hành trình Tìm bạn về

Kỷ niệm 1 năm đi tìm liệt sỹ Vũ Duy Hùng
Bùi Chuẩn

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, năm 1972 là một trong những năm đỉnh điểm của cuộc kháng chiến, đông đảo thanh niên miền Bắc nô nức tòng quân. Ngày 6/1/1972, cùng với nhiều học sinh của trường cấp 3 Chu Văn An, lớp G có 5 học sinh lên đường nhập ngũ, trong đó có Vũ Duy Hùng, nhà ở Đội Cấn. Hùng sinh năm 1954, là anh cả trong một gia đình có 5 anh em. Công bằng mà nói, từ thời học lớp 8, Hùng thuộc diện "học sinh cá biệt", tức là dạng nghịch ngợm. Vào bộ đội, sau mấy tháng huấn luyện tân binh, anh hăng hái cùng đồng đội lên đường ra trận với tinh thần "một xanh cỏ, hai đỏ ngực". Hùng được bổ sung vào đội hình của Tiểu đoàn 1/Trung đoàn 141/Sư đoàn 312, tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị đúng mùa hè đỏ lửa. Trong trận ta tiến công đánh chiếm cao điểm 275/động ông Do ngày 26/11/1972, Hùng đã bị thương và hy sinh tại trận địa. Hùng nhập ngũ khi vừa qua tuổi 17, ko đầy 1 năm sau đã hy sinh khi chưa tròn 18. Từ đó đến nay gia đình không biết Hùng được chôn cất ở đâu.

Lớp G trường Chu Văn An niên khóa 1970 - 1973 có 2 liệt sỹ hy sinh trong chiến tranh chưa tìm được xác. Từ năm 2015, những người bạn học cùng lớp G bắt đầu vào cuộc đi tìm bạn. Năm 2016 bạn bè trong lớp đã tìm được liệt sỹ Đặng Trần Cảnh, nhà ở Thụy Khuê, an táng tại Kiên Giang. Cảnh chiến đấu bị thương, đưa về trạm phẫu của đơn vị mới hy sinh. Qua mấy lần quy tập đang từ có danh thành mất danh nên việc tìm kiếm Cảnh tuy khó khăn nhưng còn có hy vọng và thực tế chúng tôi đã tìm được bạn trong số 120 ngôi mộ được quy tập về nghĩa trang liệt sỹ. Trường hợp của Vũ Duy Hùng lại khác. Hùng hy sinh ở đâu, như thế nào? Hoàn toàn không ai biết. Ngay từ đầu, bản thân chúng tôi biết hy vọng rất mong manh, cũng chỉ dám xác định cố gắng hết sức mình. Đã tìm được Cảnh, việc tiếp tục đi tìm Hùng là đương nhiên, không phải bàn cãi. Mất khá nhiều thời gian đi tìm gia đình Hùng vì sau khi bố mẹ mất, gia đình Hùng không còn ở Đội Cấn nữa. Đến lúc gặp được Hưng, em trai của Hùng, thông tin ban đầu chỉ vẻn vẹn có tờ giấy báo tử và câu chuyện của một đồng đội năm xưa (mà gia đình cũng không biết tên, không biết địa chỉ). Hưng kể, cuối năm 1972, có một anh bộ đội tự xưng cùng đơn vị tìm về nhà Hùng với cái ba lô đựng chút ít di vật của liệt sỹ và báo tin: Hùng đã hy sinh và được chôn gần bìa rừng, trên mộ có đánh dấu bằng một tảng đá. Đã mấy chục năm, hầu như năm nào vợ chồng Hưng cũng vào Quảng Trị, đi đến từng nghĩa trang để thắp nhang và tìm anh mình trong vô vọng, tất nhiên không có được thông tin gì. Tìm sao đây? Rồi một lần, tình cờ gặp một cựu chiến binh cùng trung đoàn với Hùng năm xưa và chúng tôi biết được Hùng hy sinh ở động ông Do. Từ tờ giấy báo tử và thông tin của người cựu chiến binh, chúng tôi bắt đầu hành trình đi tìm bạn.

Tháng 6/2017, chúng tôi thành lập một nhóm quyết tâm đi tìm đến tận cùng sự thật. Chúng tôi ngồi lại, thống nhất quan điểm: đã tự nguyện đi tìm bạn, khi vào cuộc chỉ bàn để làm chứ dứt khoát không bàn lùi, phải làm hết sức, hết khả năng với tất cả tình cảm, tấm lòng của mình. Trong bản thống kê danh sách thương binh, liệt sỹ của f312 (đơn vị cũ của Hùng) chỉ ghi Hùng mất xác! Trường hợp của Hùng cụ thể như thế nào, là hy sinh hay mất tích? Thậm chí không loại trừ khả năng Hùng bị thương, địch bắt rồi đưa đi đâu đó? Mọi điều đều có thể. Chúng tôi trao đổi, phân tích rất kỹ từng khả năng, xác định phương hướng đi tìm bạn theo vài phương án và phân công nhau bắt tay ngay vào việc.

Dần dà chúng tôi lần mò ra được một văn bản khác, cũng của f312 có ghi: trường hợp của Hùng đã được xác minh và công nhận liệt sỹ. Thật tình mà nói chúng tôi cũng biết rằng ở nơi từng là một trong những chiến trường ác liệt nhất, số lượng bom, pháo dội xuống vào loại kỷ lục, xác suất tìm được Hùng là cực kỳ thấp. Nhiều khả năng nơi chôn cất liệt sỹ đã bị bom đạn cày nát không còn gì. Chúng tôi nghiên cứu tìm hiểu qua các tài liệu (của cả ta và địch) về các trận đánh ở động ông Do cuối năm 1972, đã tìm gặp nhiều cựu chiến binh cùng nhập ngũ, cùng đơn vị với Hùng. Chúng tôi xác định phải bắt đầu từ việc tìm bằng được những người cùng đơn vị, cùng tham chiến trận ngày 26/11 với Hùng - những nhân chứng sống thì may ra mới có thông tin cụ thể. Nói vậy nhưng thực tế không hề đơn giản, số cựu chiến binh này nay ở rải rác nhiều địa phương, không hề có thông tin gì hoặc thông tin đã thay đổi vì dù sao bản danh sách của f312 đã được lập cách đây hàng chục năm. Qua mối liên hệ với các cựu chiến binh và theo địa chỉ trong danh sách của f312 cung cấp chúng tôi lần lượt tìm gặp những đồng đội cũ của Hùng ở một số địa phương: Hà Nội, Hải Phòng, Tuyên Quang.... Trong số những đồng đội của Hùng, có người đã ra đi cách đây mấy năm, có người ốm đau, bệnh tật, lúc nhớ lúc quên... Không nản, chúng tôi vẫn kiên trì tìm kiếm và vào một ngày đẹp trời, chúng tôi đã gặp được Trung tướng Nguyễn Trọng Thắng, người Tiểu đoàn trưởng của Hùng và trực tiếp chỉ huy trận ngày 26/11/1972. Lúc đầu anh Thắng cũng không nhớ gì nhiều (anh nhận chức Tiểu đoàn trưởng chỉ có 3 ngày trước khi vào trận, lúc mới 23 tuổi). Dần dần anh hồi tưởng lại và lục tìm các tư liệu anh còn lưu giữ, qua đó giúp chúng tôi dựng lại sơ đồ trận đánh (theo đúng bản đồ của Mỹ thời kỳ 1972 do Cục Bản đồ/BTTM cung cấp). Khu vực Hùng hy sinh đã được thu hẹp. Và cũng rất may, anh Thắng nhớ ra người trung đội trưởng của Hùng, quê Ninh Bình. Chúng tôi lên đường tìm gặp cựu chiến binh Tuyến. Sau chiến tranh anh ra quân trở về quê nhà, năm nay đã 72 tuổi, vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Nghe chúng tôi trình bày, anh nhớ ngay và tâm sự, hơn bốn chục năm đã qua, đến giờ trong đầu anh vẫn luôn văng vẳng tiếng kêu trong đêm tối của Hùng lúc bị thương nhưng không làm sao cứu được. Tâm sự của người chiến binh già càng thôi thúc chúng tôi thêm quyết tâm. Qua những câu chuyện của anh Tuyến, chúng tôi tiến thêm một bước là xác định được vị trí Hùng nằm lúc bị thương và khả năng hy sinh sau đó. Lập tức một đoàn lên đường vào Quảng Trị.

Ở Quảng Trị có một người dân địa phương tên là Truyền. Bố Truyền là liệt sỹ, mẹ là Mẹ VN anh hùng. Không hiểu vì lý do gì, Truyền ngoài việc lo cơm áo hàng ngày đã nhiều năm nay miệt mài đi tìm và cất bốc, quy tập hài cốt liệt sỹ. Cho đến thời điểm này, số lượng hài cốt Truyền đã tìm và quy tập được khoảng 3000. Anh ta chắc chắn là người rất thông thạo địa hình, nhiều kinh nghiệm và biết đâu có thể có thông tin về Hùng. Đoàn thứ nhất vào Quảng Trị đã tìm gặp Truyền. Anh Truyền rất nhiệt tình, trực tiếp dẫn đoàn đi khắp động ông Do, thắp hương khấn bạn tại cây hương trên đồi rồi mời đoàn về nhà. Qua chuyện trò, anh chợt nhớ ra còn lưu giữ được một tờ biên bản bàn giao hài cốt của 2 ngôi mộ lẻ cho quy tập huyện đội từ năm 1998 của một người dân địa phương tên là Muôn, chuyên nghề dò tìm sắt vụn. Nhiều năm qua, Truyền đã gặp, hướng dẫn, giúp đỡ rất nhiều đoàn, nhiều gia đình vào Quảng Trị đi tìm liệt sỹ, nhưng không hiểu sao chỉ đến khi gặp đoàn chúng tôi Truyền mới chợt nhớ đến tờ biên bản này, âu cũng là cơ duyên. Đoàn tìm gặp anh Muôn và anh Hạnh, những người tìm thấy và quy tập 2 bộ hài cốt nói trên. Theo Muôn trên động ông Do còn rất nhiều hài cốt, nhưng duy nhất chỉ có 2 ngôi mộ lẻ nằm trên sườn điểm cao 275, đều nằm trong khu vực chúng tôi xác định là địa điểm Hùng đã hy sinh. 2 ngôi mộ này đã được quy tập về nghĩa trang liệt sỹ huyện Hải Lăng với dòng chữ LIỆT SỸ CHƯA BIẾT TÊN. Hùng nằm đây chăng? Linh tính mách bảo chúng tôi như vậy. Làm việc với các cơ quan của huyện Hải Lăng, đoàn nhận được sự giúp đỡ rất nhiệt tình. Bí thư, Chủ tịch UBND huyện đều vào cuộc, trực tiếp chỉ đạo các cơ quan chức năng đáp ứng yêu cầu của đoàn.

Chúng tôi tổng hợp lại, phân tích mọi chi tiết và thấy có đủ cơ sở để đề nghị cục Người có công cho giám định ADN. Sau khi có đầy đủ hồ sơ, cục Người có công đã xem xét, chấp thuận. Đoàn thứ hai lên đường vào Quảng Trị cùng giám định viên Viện Pháp y Quân đội để lấy mẫu giám định ADN. Do đoàn thứ nhất đã thiết lập được mối quan hệ rất hữu hảo với địa phương và đã có đôi chút kinh nghiệm, mọi công tác chuẩn bị liên quan đến thủ tục lấy mẫu giám định về cơ bản đã được chúng tôi trao đổi, thống nhất với các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Trị và huyện Hải Lăng qua điện thoại từ trước nên khi vào đến Quảng Trị công việc được tiến hành suôn sẻ. 5 giờ sáng tàu vào đến Đông Hà. Cả đoàn ăn sáng, cafe chờ đến giờ làm việc. 8 giờ chúng tôi có mặt tại sở LĐ-TB-XH tỉnh Quảng Trị. Các cán bộ phòng Người có công đã chuẩn bị sẵn mọi tài liệu cần thiết cho chúng tôi. Xong xuôi thủ tục giấy tờ, đoàn đến Hải Lăng khoảng 9g30. Tại phòng LĐ-TB-XH huyện Hải Lăng, lãnh đạo phòng đã chờ sẵn, sau đôi câu chuyện trò thăm hỏi, đoàn đến thẳng nghĩa trang liệt sỹ huyện Hải Lăng. Quản trang tên Sơn đã biết kế hoạch và nhiệt tình đáp ứng mọi yêu cầu. Trao đổi ngắn gọn với anh Sơn rồi chúng tôi vào việc ngay. Trong lúc quản trang dựng nhà bạt ở khu vực tiến hành lấy mẫu, chúng tôi thắp nén nhang nghiêng mình tưởng nhớ, tri ân các đồng đội - liệt sỹ với lòng tiếc thương vô hạn. Nhìn xung quanh bạt ngàn những ngôi mộ liệt sỹ mà lòng rưng rưng, biết bao xương máu của lớp lớp thanh niên như Vũ Duy Hùng đã đổ xuống cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cả tỉnh Quảng Trị có 72 nghĩa trang liệt sỹ, đã quy tập và chôn cất khoảng 54 ngàn liệt sỹ, trong đó gần 17 ngàn ngôi mộ là liệt sỹ chưa biết tên. Riêng nghĩa trang liệt sỹ huyện Hải Lăng có khoảng 1800 ngôi mộ. Trên đài liệt sỹ của nghĩa trang, chúng tôi gọi bạn: "Vũ Duy Hùng - Hùng Hà Nội (tên anh em cùng đơn vị hay gọi) - Hùng long đen (tên thời học sinh chúng tôi gọi bạn) - mày nằm ở đâu? Em mày và bọn tao đang đi tìm mày đây, về với gia đình, về với bạn bè đi. Các đồng đội sống khôn chết thiêng chỉ giúp xem bạn chúng tôi đang nằm ở đâu?". Đến đặt lễ ở 2 ngôi mộ sẽ lấy mẫu giám định, chúng tôi không quên cắm điếu thuốc lá cho bạn (Hùng hút thuốc từ thuở học trò), tự dưng có một điếu cháy rất nhanh. Mày hút gì mà nhanh thế? Quản trang nói: Không phải mình ông ấy hút đâu, đấy là mấy ông ấy xúm vào cùng hút đấy! Kể cũng tâm linh thật. Những ai đã trải qua quân ngũ thời chiến tranh đều thấu hiểu trong hoàn cảnh khó khăn, ác liệt, thiếu thốn mọi bề, những người lính luôn chia sẻ với nhau từng mẩu lương khô, hụm nước, từng hơi thuốc lá. Nhà bạt dựng xong thì trời bắt đầu mưa, mưa cơn từng lúc. 2 ngôi mộ với số thứ tự 1743 và 1744 là 2 ngôi được xác định để lấy mẫu. Lúc vào việc, ngôi đầu tiên (1743) mọi việc rất suôn sẻ, từ lúc mở mộ, lấy mẫu đến đóng mộ. Giám định viên pháp y - một thiếu tá quân đội có kinh nghiệm, làm việc rất chuyên nghiệp, cần mẫn, tỷ mẩn từng ly từng tý. Số bạn ở Hà Nội tập trung lại với nhau để cùng theo dõi, liên tục điện hỏi. Làm đến đâu chúng tôi thông tin đến đó, liên tục cập nhật vì biết các bạn đều rất sốt ruột. Kết thúc mọi việc tại nghĩa trang, làm biên bản, thủ tục giấy tờ xong đã gần 12 giờ, trời tạnh. Chúng tôi về Đông Hà ăn trưa và quyết định quay ra Hà Nội ngay. Về chiều trời Đông Hà mưa to như trút, gió rít từng cơn, sân ga ngập nước. Cơn bão số 10 đang đổ vào miền Trung. 4 giờ sáng hôm sau, tàu về đến ga Hà Nội. Như vậy hành trình đi lấy mẫu giám định ADN của đoàn thứ hai diễn ra chỉ vẻn vẹn trong vòng hơn 30 tiếng đồng hồ (kể cả thời gian đi đường). Và cũng thật may mắn, chỉ mấy tiếng sau khi đoàn về đến Hà Nội thì đường sắt Bắc - Nam đã bị cắt ở Thanh Hóa do mưa bão.

Trong khi chờ đợi kết quả giám định ADN, chúng tôi vẫn tiếp tục hành trình đi tìm gặp các đồng đội cũ của Hùng ở các địa phương. Thời gian cứ thế trôi đi, những thông tin thu thập thêm mặc dù chẳng được là bao nhưng chúng tôi không nản vì đã xác định từ đầu công việc đi tìm bạn không hề dễ dàng. Sau khoảng một tháng rưỡi kể từ lúc đoàn thứ hai ra Hà Nội, thông tin ban đầu về kết quả giám định ADN cho biết: có cơ sở để tin một trong 2 mẫu cốt phẩm liệt sỹ là của Vũ Duy Hùng, nhưng chính thức thì phải chờ thêm mấy ngày nữa. Khỏi phải nói tâm trạng của chúng tôi mừng vui đến mức nào khi nhận được thông tin này. Hùng thiêng thật chăng? Chúng tôi chia sẻ niềm vui nghẹn ngào, cả nhóm động viên nhau phải hết sức bình tĩnh, kìm nén, chờ kết quả chính thức. Cuộc sống nghiệt ngã luôn cho thấy điều gì cũng có thể xảy ra, rất hy vọng thông tin chính xác, nhưng biết đâu... Những ngày chờ đợi quả là lê thê, thời gian trôi chậm chạp đến sốt ruột, ngày nào cũng điện thoại, nhắn tin cho nhau hỏi xem kết quả đến đâu? Và giờ phút bùng nổ đã đến, khi trong tay chúng tôi có văn bản chính thức xác nhận kết quả giám định ADN của Viện Pháp y Quân đội - hài cốt ở ngôi mộ số 1743 tại nghĩa trang liệt sỹ Hải Lăng chính là LIỆT SỸ VŨ DUY HÙNG. Và mọi người có hình dung được không, đúng 45 năm sau ngày hy sinh, Hùng đã xuất hiện! Trời ơi, Hùng đã về thật chăng? Có đúng là Hùng không? Không thể tin nổi, niềm vui vỡ òa, mừng vui tột bậc cùng những giọt nước mắt hạnh phúc, tất cả cứ như trong mơ. Chúng tôi tổ chức họp nhau lại ngay, vừa để ăn mừng, vừa để bàn tính chuyện đón Hùng về Hà Nội. Chúng tôi hạ quyết tâm sẽ cố gắng hoàn tất mọi thủ tục một cách nhanh nhất để đón bạn về trước ngày giỗ của Hùng và sẽ tổ chức lễ đón bạn một cách hoành tráng nhất có thể để bù lại cho bạn mình 26 năm nằm vất vưởng, lạnh lẽo trên đồi không người hương khói, 19 năm nằm trong nghĩa trang liệt sỹ mà không có tên.

Với chúng tôi, những ngày cuối tháng 11/2017 là những ngày thật sôi động, khẩn trương. Một bộ phận giúp gia đình lo thủ tục giấy tờ cất bốc liệt sỹ với địa phương (nơi Hùng đã sinh sống) và các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội. Một bộ phận làm việc với các cơ quan liên quan để chuẩn bị cho việc tổ chức lễ đón bạn về. Một bộ phận liên hệ với Quảng Trị và chuẩn bị mọi công việc để đi vào đón bạn. Thông thường lễ đón hài cốt liệt sỹ do cấp phường (xã) đứng ra tổ chức. Các liệt sỹ trong chiến tranh lúc ngã xuống đâu có bất kỳ một nghi lễ nào. Riêng đối với Hùng, như đã xác định từ đầu, sẽ có phần khác biệt. Chúng tôi kết nối phường, quận, đơn vị cũ của Hùng, trường PTTH Chu Văn An với các cơ quan chức năng cùng các cựu chiến binh, các bạn bè thời đi học để tổ chức thật hoành tráng. Mỗi người một việc, tất cả đều tất bật trong niềm vui bất tận, hăng say như việc của chính mình. Sau 3 ngày kể từ lúc nhận được thông tin chính thức, các thủ tục cơ bản hoàn tất, một nhóm bay vào Huế rồi quay ra Quảng Trị từ chiều hôm trước để lo các thủ tục giấy tờ với các cơ quan chức năng địa phương. 5 giờ sáng hôm sau đoàn đi đường bộ thuê xe 16 chỗ cùng gia đình Hùng xuất phát từ Hà Nội. Qua khỏi Ninh Bình trời bắt đầu mưa, càng vào trong mưa càng tầm tã không thể đi nhanh. Dọc đường đi các nhóm vẫn giữ liên lạc với nhau. Đột nhiên nhóm ở Quảng Trị điện: có trục trặc giấy tờ! Thật tai hại, có thể chỉ vì một vài sơ suất nhỏ mà kế hoạch của chúng tôi sẽ bị đổ bể, ngày tổ chức lễ đón liệt sỹ ở Hà Nội đã được ấn định. Trao đi đổi lại qua điện thoại trên đường đi có lúc nghe không rõ, không hiểu hết nhau. Ai cũng sốt ruột, gọi nhau ời ời. Lúc này rất cần phải tỉnh táo để xử trí, không phải lúc đôi co. Chúng tôi quyết định nhóm ở Quảng Trị cứ tiếp tục xúc tiến công việc theo kế hoạch, nhóm ở Hà Nội xem những gì cần phải giải quyết thì huy động bạn bè xúc tiến làm ngay. 17 giờ đoàn đi đường bộ đến Đông Hà, rất may trời đã tạnh. Đoàn vào khách sạn nhận phòng (do nhóm đi trước đã đặt), để đồ rồi lại lên xe xuống Hải Lăng ngay.

Ở Hà Nội, chúng tôi đã lên kế hoạch khi vào Quảng Trị sẽ tổ chức một bữa cơm thân mật để gặp gỡ, cám ơn các cơ quan, các cán bộ, nhân dân ở địa phương, những người đã rất nhiệt tình giúp đỡ chúng tôi rất hiệu quả trong suốt quá trình đi tìm bạn. Không dễ gì có dịp gặp mặt được đông đủ những con người đầy hảo tâm để bày tỏ lòng biết ơn chân thành của chúng tôi. Lúc đoàn đến, mọi người đã có mặt đông đủ. Có những người mới gặp lần đầu, nhiều người đã quen biết, gặp nhau tay bắt mặt mừng, tất cả đều hòa vào không khí gia đình ấm cúng, thân thiết. Bên chén rượu quê, chúng tôi vừa hàn huyên, thăm hỏi, vừa tranh thủ bàn công việc hôm sau. Ai cũng nhiệt tình, coi việc của chúng tôi như việc của mình và mọi vấn đề đều thống nhất nhanh chóng.

Quay về Đông Hà, gần 23 giờ, chúng tôi rà soát lại toàn bộ công tác chuẩn bị. Kiểm tra lại kỹ càng, thấy giấy tờ vẫn còn thiếu, chưa đủ thủ tục. Lại chụm đầu trao đổi, bàn phương án giải quyết. Một mặt điện ra Hà Nội để hôm sau cử người tiếp tục đi lo giấy tờ, bằng mọi cách chuyển vào Quảng Trị nhanh nhất có thể. Một mặt chúng tôi quyết định ngay một phương án khác. Cả đêm thao thức, chỉ biết cầu trời phù hộ, mọi việc lúc này không phụ thuộc vào chúng tôi. Sáng hôm sau thức dậy, trời quang mây tạnh. Một bộ phận cùng gia đình liệt sỹ đi lên động ông Do từ sớm để thắp hương tạ mộ nơi Hùng ngã xuống, một bộ phận tiếp tục giải quyết thủ tục ở Đông Hà rồi xuống Hải Lăng. Thống nhất thời gian tập kết của cả hai bộ phận ở nghĩa trang là 10 giờ. Chúng tôi ăn sáng cùng với mấy người bạn ở Đông Hà. Khi trao đổi về công việc, biết chúng tôi còn thiếu giấy tờ mà thời gian thì không thể lùi được, trong lúc ở Hà Nội có làm xong giấy tờ cũng không thể gửi vào kịp trong buổi sáng, có anh bạn tên Hải rất nhiệt tình vào cuộc. Hải có mối quan hệ rất mật thiết, rất có uy tín với Nhà 27/7 tỉnh Quảng Trị (là nơi tiếp đón, giải quyết thủ tục cho gia đình liệt sỹ ở các địa phương đến thăm mộ, cất bốc hài cốt liệt sỹ). Dẫn chúng tôi đến Nhà 27/7, trong lúc chúng tôi trình giấy tờ làm thủ tục cất bốc liệt sỹ, Hải nói với anh phụ trách: "Các ông cứ giải quyết đi, ký đi. Tôi chịu trách nhiệm bảo lãnh". Anh phụ trách ngồi tiếp chúng tôi, cùng lúc cho người đi giải quyết và trình ký bên sở LĐ-TB-XH tỉnh. Nhóm ở Hà Nội cũng chạy đôn đáo và đã bổ sung được giấy tờ còn thiếu, trước mắt fax vào, còn văn bản gửi chuyển phát nhanh (vì quy định cất bốc liệt sỹ phải có văn bản gốc đóng dấu đỏ). Thế là mọi chuyện suôn sẻ, với đầy đủ giấy tờ trong tay, chúng tôi quay xuống nghĩa trang liệt sỹ Hải Lăng, nhóm đi động ông Do cũng vừa về đến nơi. Anh em bộ đội thuộc Ban chỉ huy Quân sự huyện cùng cán bộ phòng LĐ-TB-XH Hải Lăng và các anh Truyền, Muôn, Hạnh đều đã có mặt từ trước khi chúng tôi đến. Tất cả đã sẵn sàng. Sau khi làm đầy đủ các thủ tục và thắp nhang đặt lễ, quản trang tiến hành mở ngôi mộ "Liệt sỹ chưa biết tên" số 1743 - giờ đã được xác định chính xác là mộ LIỆT SỸ VŨ DUY HÙNG.

Hài cốt liệt sỹ đưa lên được phủ quốc kỳ, các sỹ quan quân đội cùng gia đình, bạn bè tiễn đưa liệt sỹ giữa hai hàng quân ra xe để về với quê mẹ. Hơn 12 giờ mọi việc hoàn tất, chúng tôi tạm biệt quản trang, các quân nhân thuộc Ban chỉ huy Quân sự huyện, các cán bộ huyện Hải Lăng cùng các anh Truyền, anh Muôn, anh Hạnh - những người đã có công lớn phát hiện, quy tập và giúp đỡ chúng tôi tìm được liệt sỹ; tạm biệt anh Hải, một cán bộ công tác ở tỉnh Quảng Trị - người đã bảo lãnh để chúng tôi cất bốc liệt sỹ đúng kế hoạch. Xin cám ơn tất cả.

Sau khi ăn trưa ở Hồ Xá, đoàn lên đường quay ra Hà Nội, lần này có BẠN MÌNH đi cùng. Gần 19 giờ đến thành phố Vinh, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã bố trí phòng nghỉ và chiêu đãi đoàn. 5 giờ sáng hôm sau chúng tôi lên đường. Một số người không quen ăn sớm nên các cháu phục vụ đã gói đồ đưa lên xe cho các cô chú ăn đường, không quên cả mấy chai nước chè xanh xứ Nghệ, thật chu đáo. Khi biết chúng tôi đã xuất phát từ Vinh, các bạn ở Hà Nội cứ gọi liên tục để dõi theo hành trình của đoàn. Các bạn là những người đang chờ đón nên xem ra sốt ruột tợn. Hành trình chúng tôi đã thống nhất từ trước: về đến Hà Nội xe sẽ đưa Hùng qua nhà cũ, nơi Hùng lớn lên và ra đi ở phố Đội Cấn. Sau đó qua nhà em trai Hùng, nơi thờ bố mẹ và Hùng. Điểm cuối cùng là Nhà tang lễ bệnh viện quân y 354. Các bạn cùng lớp đã tập trung trước cửa nhà Hùng ở Đội Cấn, rồi cùng theo xe sang phố Giang Văn Minh. Bà con khối phố chờ đón rất đông. Gia đình rước ảnh vào nhà để Hùng chào bố mẹ và biết nơi thờ cúng mình rồi tiếp tục hành trình. Tại Nhà tang lễ bệnh viện quân y 354, tất cả bạn bè, gia đình đều có mặt. Sau khi hoàn tất mọi thủ tục, lần lượt từng người thắp nén hương cho bạn mình, ai cũng rưng rưng. Sau 45 năm gặp lại, nhiều người muốn nói, rất nhiều điều muốn nói, nhưng thôi, bạn mình đã về đây rồi, để bạn tạm nghỉ ngơi sau chặng đường dài, mấy ngày tới còn nhiều việc.

Mọi việc tiếp theo chuẩn bị cho buổi lễ đón liệt sỹ được chúng tôi khẩn trương hoàn tất. Các đầu mối có liên quan như Uỷ ban nhân dân phường, Ban chỉ huy Quân sự quận, Đoàn Nghi lễ Quân đội, Nhà tang lễ Bệnh viện quân y 354, Nghĩa trang liệt sỹ thành phố Hà Nội đều đã sẵn sàng.

Hà Nội, sáng 4/12/2017. Lễ đón, truy điệu LIỆT SỸ VŨ DUY HÙNG được tiến hành trọng thể tại Nhà tang lễ bệnh viện quân y 354.

Từ sáng sớm, gia đình, họ hàng, bạn bè đã có mặt để làm thủ tục nhập quan. Hùng nằm trang trọng trên bệ đá phủ lá quốc kỳ đỏ thắm trong Nhà tang lễ, các tiêu binh danh dự túc trực xung quanh và bạt ngàn hoa. Đúng 9 giờ, sau gia đình, các đoàn lần lượt vào viếng. Trung đoàn 141/f312 - đơn vị cũ của Hùng đã cử một đoàn cán bộ về viếng. Thầy hiệu trưởng, cô hiệu phó thuở Hùng học tại trường cấp 3 Chu Văn An, nay đều đã ngoài 80, khi gặp lại, chứng kiến tình cảm đối với bạn của những đứa học trò ngày xưa mình từng dạy dỗ đã thật sự xúc động ngẹn ngào, tự hào về lứa học trò cũ của mình. Vâng, các thầy, các cô dạy chúng tôi nhiều điều, điều quan trọng nhất là chúng tôi đã được học làm người. Trường PTTH Chu Văn An cũng cử một đoàn các cháu học sinh do hiệu trưởng dẫn đầu tham dự lễ đón, truy điệu liệt sỹ. Theo lời cô hiệu trưởng, việc học sinh của nhà trường ra đi chiến đấu, anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc là một trong những truyền thống vẻ vang, rất đáng tự hào của nhà trường, là tấm gương lớn cho các thế hệ tiếp sau. Lớp học sinh ngày nay cần phải biết để học tập, noi gương và tự hào với truyền thống đó. Đặc biệt, anh Tuyến, người Trung đội trưởng của Hùng, 5 giờ sáng đã bắt xe lặn lội từ Ninh Bình về. Trung tướng Nguyễn Trọng Thắng, người Tiểu đoàn trưởng năm xưa cũng có mặt. Các anh tuy đã ở tuổi "cổ lai hy", nhưng khi nghe tin người chiến sỹ của mình trở về sau 45 năm đã không quản tuổi cao sức yếu vẫn đến gặp mặt đồng đội với một tình cảm thiêng liêng chỉ có ở những người lính Cụ Hồ. Các cựu chiến binh cùng nhập ngũ, cùng đơn vị với liệt sỹ cũng thông báo cho nhau cùng đến hội ngộ. Đến viếng đồng đội, nhiều anh còn chưa tin đấy là sự thật. Có những bạn tuy không học cùng lớp, nhưng biết chuyện cũng chạy đến chia sẻ. Lần lượt từng đoàn, từng đoàn vào viếng bạn với tâm trạng buồn vui lẫn lộn, tình cảm dâng trào.

Kết thúc Lễ truy điệu. Hai hàng quân lê tuốt trần bồng súng nghiêng cờ chào vĩnh biệt cùng lúc các đại biểu cúi đầu mặc niệm. Các tiêu binh danh dự di chuyển hài cốt liệt sỹ ra xe. Đoàn xe tang dẫn đầu là xe quân kỳ Quyết thắng thẳng tiến nghĩa trang liệt sỹ thành phố Hà Nội.

Đã một năm trôi qua kể từ ngày chúng tôi đi tìm liệt sỹ Vũ Duy Hùng. Đây là việc nghĩa nên làm và phải làm. Chúng tôi đã đồng tâm, đồng lòng tự nguyện đi tìm bạn với tất cả tấm lòng, tình cảm, tâm huyết của mình. Có thể nói rằng, bạn chúng tôi và cả chúng tôi đã được trời phù hộ. Trong suốt quá trình đi tìm bạn, luôn có một ai đó xuất hiện, giúp đỡ chúng tôi đúng vào những thời điểm khó khăn. Thời gian tìm bạn diễn ra rất nhanh, trong vòng không đầy 6 tháng kể từ ngày chúng tôi lập nhóm đi tìm bạn. Vào thời điểm tiến hành công việc (lúc lấy mẫu, lúc cất bốc), trời đều nắng đẹp cho dù trước đó mưa, sau khi xong việc trời lại mưa. Mọi chuyện đều ngoài sức tưởng tượng. Tâm sự có nhiều, câu chuyện thì dài với rất nhiều tình tiết cam go, cảm động nhưng chúng tôi không thể diễn tả hết. Chúng tôi chỉ ghi lại một cách chân thực những dòng hồi ức mộc mạc để tưởng nhớ đến bạn mình, để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với tất cả những người đã giúp đỡ chúng tôi trong suốt hành trình đi tìm bạn. Có thể nói, câu chuyện đi tìm đồng đội - tìm bạn về của chúng tôi đã có cái kết như trong mơ. Điều thật sự có ý nghĩa là bạn chúng tôi đã trở về sau đúng 45 năm xa cách. Giỗ lần thứ 45 của bạn đã có mặt bạn với chính danh đàng hoàng. Bạn có thể hoàn toàn thanh thản yên nghỉ trong lòng ĐẤT MẸ bởi sự hy sinh của bạn không phải là vô nghĩa.

KHÔNG AI QUÊN VÀ
KHÔNG ĐIỀU GÌ BỊ LÃNG QUÊN
TỔ QUỐC GHI CÔNG BẠN

Tiễn bạn đi xanh màu áo lính
Đón bạn về...trong chiếc quách nhỏ xinh
Bốn mươi lăm năm trời bạn mãi lênh đênh
Nơi quê mẹ... khoảng trời trống vắng
Nghĩa trang nơi bạn nằm - vùng quê đầy nắng
Chúng tôi tìm về và các em bạn tìm về
Nước mắt tuôn rơi nhớ một thời trai trẻ
Trốn học, sau trường... hút thuốc trộm, giả lơ ngơ
Liếc cô bạn xinh... mà làm bộ hững hờ
Ba lô kỷ niệm theo bạn vào đời lính...
Chiếc quách nhỏ xinh... ôm lấy bạn tôi, phải đâu là định mệnh
Bạn tôi ra đi cho cây Việt mãi thêm xanh!

Hà Nội, tháng 7 năm 2018

Mời xem thêm:
  1. Đón bạn về trong vòng tay bè bạn - PHÙNG BẢO - BÙI CHUẨN 21/07/2018 23:06, Báo điện tử Quân đội nhân dân.
  2. "Tìm bạn về” - Tiếng lòng thổn thức - Tường Huấn, 27/07/2017, Báo cựu chiến binh online.
  3. Hành trình tìm bạn liệt sĩ của cựu học sinh Chu Văn An - Hoàng Phương, Thứ sáu, 19/5/2017, 00:00, VnExpress.
  4. Hành trình “tìm bạn về” kỳ diệu của cựu học sinh trường Chu Văn An - HỒNG KIỀU (VIETNAM+), 02/09/2016, VietnamPlus.
  5. [Photo] Hành trình “Tìm bạn về” của cựu học sinh trường Chu Văn An - NHÓM TÌM BẠN VỀ (VIETNAM+), 02/09/2016, VietnamPlus.
  6. Chuyện một người thương binh đi tìm liệt sĩ - NGUYÊN MINH, Thứ Bảy, 27/07/2019, Báo Điện tử Nhân Dân.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét