Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2020

Trích sách "Sống như anh"

Trích sách "Sống như anh"

Sách Sống như anh kể về anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi do bà Phan Thị Quyên (vợ anh Trỗi) kể, nhà báo Trần Đình Vân viết. Được sự đồng ý của NXB Kim Đồng, Zing.vn trích đăng một phần nội dung sách. Bài trích giữ nguyên cách xưng hô của bà Phan Thị Quyên (xưng tôi).

Sách Sống như anh.

[…]
Buổi sáng chủ nhật 10/5/1964, tôi đứng ngồi không yên. Không rõ đêm qua anh Trỗi đi đâu? Tôi rất mong anh, mong anh hơn tất cả các ngày nghỉ khác, vì từ hôm cưới nhau hai vợ chồng chưa đi thăm họ hàng.

[…]

Mới chiều hôm qua, cơm xong anh lại chuẩn bị đi. Trước khi đi, anh múc đầy thùng nước xách sang nhà bên cho tôi tắm. Chúng tôi vẫn tắm nhờ hàng xóm. Thấy anh ăn vội ăn vàng, chiều thứ bảy rồi mà lại không ở nhà, tôi bực, tôi nói sẵng với anh: - Thôi, anh bận thì anh cứ đi đi, lát nữa em mang nước sang tắm cũng được.

- Không, mấy cái bậc cửa buồng tắm cao quá, anh sợ em té. Dắt xe máy ra tận cửa, anh còn quay lại hứa hẹn:

- Anh sắp sửa chữa xong cái máy rồi, nếu mai xong mọi việc thì tha hồ đi chơi, em muốn đi chơi đâu anh cũng chiều, em đi một ngày, đi hai ngày, anh cũng chiều em.

Tôi tin hôm nay thế nào anh cũng về, thế nào tôi cũng được đi chơi với anh. Tôi đã chuẩn bị bộ quần áo cưới, dự định sẽ đi thăm cô bác, anh chị nào trước. Tôi sẽ đưa anh đi chơi nhà mấy đứa bạn để chúng đừng chế tôi nữa: “Chồng mà nhút nhát như thỏ đế, cưới vợ xong ru rú ở nhà chả dám đi đâu”.


Hình ảnh hạnh phúc của anh Nguyễn Văn Trỗi và chị Phan Thị Quyên. Ảnh: Tư liệu

Khoảng chín giờ sáng bỗng nhiên tôi thấy ập vào nhà bảy tám thằng cảnh sát, giải theo một người bị còng tay ra sau lưng. Thoạt đầu tôi vẫn chưa tin là anh Trỗi. Nhưng vừa thoáng thấy tôi, anh nói ngay, nói to: “Quyên, anh bị bắt”.

Tôi đứng sững sờ nhìn anh đi thẳng tới trước mặt tôi. Chỉ qua có một đêm, thân hình anh thay đổi hẳn: Bộ quần áo xanh của anh bê bết những bùn máu, gần như đổi sang màu khác, mặt anh hốc hác, bầm tím, đầu tóc rối tung. Chúng đẩy anh ngồi xuống giường. Một tên, có lẽ chỉ huy bọn cảnh sát, nhìn căn phòng nhỏ của chúng tôi rồi nói, giọng Bắc:

- Ngăn nắp, gọn gàng, đẹp đẽ gớm, phòng vợ chồng mới cưới sung sướng thế này mà đi làm loạn.

Nó chỉ mấy thứ đồ đạc, nói tiếp:

- Đờn măng đô lin này, quần áo mới này.

Nó nhìn quanh xem còn thứ gì nữa không và thấy tôi, nó hỏi anh:

- Vợ trẻ nữa, hạnh phúc như thế, mày còn muốn gì nữa?

Anh hất mái tóc xõa xuống mặt, trả lời nó:

- Đêm qua tao đã trả lời bọn mày mấy lần rồi. Tao muốn gì à? Tao muốn giết hết bọn Mỹ. Tao muốn miền Nam được giải phóng.

Tên chỉ huy vẫn đứng dựa vào chiếc bàn nhỏ đối diện với anh. Nó nhìn anh trừng trừng, gật đầu đe dọa:

- Xem mày có gan mãi được không?

Nó giục bọn dò mìn ngoài sân phải tìm cho được nơi cất giấu chất nổ. Nó bước tới sát chiếc giường, nói:

- Chăn gối mới tinh, êm ấm thế này mà không hưởng, nghe lời Việt cộng xui, bây giờ Việt cộng nó ở đâu đâu ấy, còn thân mày còng tay và sắp sửa lại ăn đòn.

Anh ngẩng lên nhìn nó, nói ngay:

- Tao khác bọn mày, tao không thể cúi đầu sống yên thân trong khi bọn Mỹ mang bom đạn sang giết hại nhân dân tao.

Anh ngồi dựa vào thành giường, vẻ mặt rất bình thản như không có mấy tên cảnh sát đứng vây quanh. Anh nhìn căn phòng nhỏ mà anh cùng thằng cháu đã góp dần gỗ, lá dựng lấy, lợp lấy cách đây hai năm. Anh nhìn tôi lâu, rất lâu. Hai mắt anh rất trìu mến, muốn nói gì với tôi, muốn an ủi tôi. Càng thấy anh thương tôi lúc này, tôi càng tự oán trách mình. Tôi ân hận vô cùng về nỗi thơ ngây, non nớt của tôi đã không hiểu anh, đôi lúc nghi ngờ lòng thủy chung của anh.

Sự việc đã quá rõ ràng trước mặt tôi: Anh đã hy sinh cả hạnh phúc riêng của anh, cả ngày cưới của anh để hoạt động cách mạng. Tôi đã hiểu tại sao trước đây anh lại ngỏ ý hoãn ngày cưới lại một thời gian nữa. Lúc đó nào tôi có nghĩ gì xa xôi được đâu, tôi chỉ cho là anh muốn bỏ tôi. Tôi đã gởi thiếp mời đi khắp họ hàng, bạn bè rồi, hoãn cưới thì sẽ nói với mọi người như thế nào để đỡ xấu mặt?

Anh cũng không đủ lý lẽ để thuyết phục tôi làm theo ý anh, anh ngồi lặng đi một hồi rất lâu, mãi anh mới nói lại với tôi: “Làm thế nào Quyên hiểu được anh lúc này? Thôi, vẫn cưới nhau như đã định, nhưng Quyên đừng nói oan cho anh, anh không hề bao giờ nghĩ tới bỏ em, anh yêu em lắm, hôm nay em vẫn còn bực anh, nhưng mai mốt thế nào cũng có lúc em hiểu anh”.

Bây giờ tới lúc tôi hiểu được anh thì anh đã bị bắt rồi. Ngồi trong góc căn phòng, tôi khóc hoài.


Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi (áo trắng). Ảnh: Tư liệu

Bọn dò mìn sục sạo khắp trong nhà lẫn ngoài sân khá lâu không tìm được chất nổ, chúng kéo nhau vào căn phòng, chúng đứng kín quanh anh. Tên chỉ huy hỏi trước:

- Cô có biết chồng cô cất giấu chất nổ ở đâu không? Có thấy nó chôn giấu, chôn giếm thứ gì quanh nhà này không?

Tôi vừa khóc vừa trả lời:

- Chồng tôi làm gì tôi không biết, tôi không hề thấy anh ấy chôn cất thứ gì cả.

- Cô không nói thì tôi đánh chết chồng cô ngay ở đây.

- Tôi không biết nên tôi không sao nói được.

Nó quay ra hỏi anh:

- Căn phòng này sẽ tiếp tục là phòng hạnh phúc của vợ chồng mày nếu mày khai nơi nào giấu chất nổ. Căn phòng này sẽ biến thành phòng tra tấn mày đến chết, nếu mày ngoan cố.

- Tao không biết chất nổ ở đâu cả.

Chúng ùa vào đánh anh, chúng dí điện vào người anh. Điện giật mạnh quá đến nỗi anh ngã ngửa ra giường, anh quằn quại. Tôi không còn ngồi yên được nữa, tôi cũng không còn sợ gì lúc này nữa, tôi lao tới định giữ tay mấy thằng ác ôn lại. Một tên cảnh sát đã nắm chắc tay tôi, nó kéo tôi lại, nó ấn vai tôi ngồi xuống ghế và đứng chặn trước mặt tôi. Tôi la ầm lên, chúng rút súng dọa bắn.

Ngừng tra tấn, chúng lại hỏi anh:

- Chất nổ ở đâu?

Anh ngồi dậy và không trả lời. Chúng hỏi tiếp:

- Chất nổ để đâu?

Anh vừa thở vừa nói to hơn trước:

- Tao đã trả lời tao không biết. Còn nếu chúng mày cố tình muốn biết, thì cứ đến nơi nào có bọn Mỹ ở tìm thì sẽ thấy chất nổ.

Lần này chính thằng chỉ huy xông vào đánh anh trước, nó giật chiếc gậy ở tay một thằng cảnh sát đánh trên khắp thân thể anh. Đánh anh xong từng trận, chúng hỏi anh tiếp. Gần một tiếng đồng hồ không tìm được tài liệu nào, tên chỉ huy ra lệnh cho bọn cảnh sát đưa anh đi nơi khác.

Anh đứng dậy một cách khó nhọc, anh nói to với tôi: “Quyên, đừng lo, ráng ở nhà cô cháu nuôi nhau”.

Áo anh tơi tả không còn một chiếc khuy nào nữa, ngực và mặt anh chỗ nào cũng rớm máu. Anh đi dần ra phía cửa, vẫn nhìn tôi và cố cười với tôi. Tôi giằng co trong tay thằng cảnh sát, cố nhoài ra gần anh thêm chút nữa. Mặc cho nó bóp cổ tôi, tôi vẫn cố la lên: “Anh Trỗi, em thương anh lắm! Anh Trỗi, em thương anh lắm!”.

[…]
Đường phố Sài Gòn lúc này thay đổi từng ngày một. Biểu tình cả về đêm nữa. Quanh nhà thầy u tôi, các anh em thợ sơn, phu khuân vác, xích lô, học sinh, công nhân nhà đèn, hãng đường… bỏ mọi công việc, trương biểu ngữ công khai đòi lật thằng Khánh, kéo nhau đi vây tổng hành dinh của nó. Chính Nguyễn Khánh đã ký giấy xử tử chồng tôi và bây giờ nó đang bị tất cả bà con cô bác trong thành phố lên án, chửi rủa.

Hồi còn bị giam, đôi lúc tôi được nghe mấy anh chị bàn chỉ cần hai triệu dân Sài Gòn vùng lên nữa là bên trong đánh, bên ngoài đánh, thế nào cũng kết thúc nhanh số phận chúng nó.

[…]

Tôi lo lắng không biết tới khám Chí Hòa lần này nữa có gặp được anh không? Hay chúng cứ chỉ cho tôi đi hết nhà tù này sang nhà tù khác, trong khi chúng đã giết anh mất rồi. Tôi tới văn phòng khu giam những người tử hình đưa giấy tìm anh. Tôi đang nóng lòng đợi một tên cảnh sát trả lời thì bỗng có tiếng gọi lớn: “Quyên ơi, Quyên, Quyên!” […]


Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi và vợ. Ảnh: Tư liệu

Đúng ba giờ chiều tôi vào thăm anh. Trong phòng đợi của những người bị tử hình, anh đã đợi tôi từ lâu. Ngồi cạnh anh là một người bạn tù đã dìu anh từ trên tầng lầu thứ ba xuống. Một tên cảnh sát ngồi trước một bàn con cách anh độ bốn năm thước; thoáng thấy tôi, người bạn anh đứng dậy đi ra phía cửa. Anh nhìn tôi, anh ngồi thẳng người hơn, tay không chống xuống ghế nữa, anh mặc áo sơ mi trắng, quần xà lỏn sọc.

Tôi cố cầm chiếc giỏ quà bánh để khỏi buông rơi. Tôi cố gắng làm như các anh chị trong tù vẫn căn dặn: phải biết chịu đựng, khóc lóc nhiều chỉ làm đau thêm người thân. Tôi cũng mong những ngày cuối cùng của anh, anh không còn phải bận tâm lo lắng quá về tôi.

Nhưng nước mắt vẫn chảy ròng ròng trên má, thấm vào miệng tôi. Tôi định gọi anh nhưng cổ tắc nghẹn. Tôi mím chặt môi để khỏi òa lên khóc. Cứ thế tôi đến bên anh không nói được lời nào. Anh giơ hai tay ra đón tôi, anh nắm chặt hai cánh tay tôi, kéo xuống ngồi bên anh trên một chiếc ghế dài. Tôi gục đầu vào vai anh và lúc này tôi không nín được nữa. Tôi định nói, nhưng ngay gọi đến tên anh thôi cũng không nổi, tôi khóc chết lặng trên vai anh. Anh nhè nhẹ vuốt tóc tôi, một lúc sau anh mới hỏi:

- Chắc em ở nhà coi báo, em khóc nhiều lắm phải không?

Tôi nức nở nói không thành tiếng nữa:

- Thấy tin như thế thì em yên sao được. Cô bác cũng khóc đến báo tin đông lắm. Em chạy đi tìm anh mấy ngày nay. Thầy đã làm đơn đi thuê luật sư xin ân xá cho anh.

Anh tỏ vẻ không hài lòng, anh nói:

- Đừng mướn luật sư, tốn tiền vô ích.

Vừa lau nước mắt cho tôi, anh vừa hỏi:

- Vì anh mà em bị khổ lây, em có oán trách anh nhiều không?

[…]

Tôi lấy cam định bóc cho anh ăn, anh giữ tay tôi lại, nói:

- Để lúc khác ăn, gặp em ở đây không được bao lâu, anh muốn căn dặn em một số việc. Dạo chúng đưa anh vào nhà giam tổng nha, các anh tù đã nói với anh đầy đủ những gì em nhắn anh. Các anh còn kể lại là em tiến bộ, biết nghe lời các anh các chị, hiểu được thêm nhiều. Anh mừng lắm. Lúc nào anh cũng hy vọng tìm cách thoát nhà giam của chúng, nhưng cũng phòng xa có khi địch nó liều lĩnh… Nếu không may xảy ra việc đó mà phải xa anh, em ráng theo các anh các chị ấy tham gia hoạt động. […]

Thằng cảnh sát cắt ngang câu chuyện chúng tôi, nhắc đã hết giờ. Tôi đỡ anh đứng lên, hai tay tôi vẫn nắm chắc cánh tay anh. Tôi cảm thấy như rời anh lúc này có thể mãi mãi không còn bao giờ trông thấy anh nữa. Tôi cố hỏi anh một câu cuối cùng:

- Em có còn được gặp anh lần nữa không?

Anh ôm gọn tôi trong tay anh, anh hôn tôi. Hai má của anh ướt những nước mắt của tôi. Anh nhìn tôi, nói:

- Chắc là được gặp lần nữa. Em cứ tin như thế.

Anh gỡ đầu tôi, hai tay tôi còn nắm chắc vai áo anh, anh vuốt lại mái tóc tôi, anh khuyên tôi:

- Em ráng sống như các chị trong tù, ráng chịu đựng. Ráng vui lên!

Tôi đưa anh tới đầu phòng, đứng nhìn người bạn tù dìu anh rẽ khuất sang phía cầu thang lên tầng lầu ba tôi mới về.

Tôi mong cho chóng đến ngày 30/8. Không biết lần gặp tới có phải là lần cuối cùng của chúng tôi không? Tôi chuẩn bị sớm mọi thứ cần dùng cho anh. Tôi thêu trên tất cả quần áo, ba lô tên hai chúng tôi, khắc tên cả trên đôi đũa, chiếc ca nhựa. Tôi nhớ tất cả những bài thơ các anh các chị trong tù dạy tôi. Tôi chọn một bài mà tôi thích nhất, thêu trên một chiếc khăn tay mang tặng anh.

Chắc anh ngạc nhiên lắm, khó tưởng tôi thêu nổi. Thêu xong, tôi mang chiếc khăn về nhà thầy u tôi, nhờ máy viền bốn góc khăn. Em tôi mang bốn câu thơ đọc cho thầy tôi nghe:

Dù cho sông gió bão bùng
Lòng em vẫn giữ thủy chung vẹn toàn
Cầu mong anh được bình an
Nước nhà thống nhất vinh quang anh về.

Khăn tay, kỷ vật của Anh hùng, Liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi.

[…]

Nguồn: Zing.vn - Trích sách "Sống như anh" 15:28 04/07/2019
Zing.vn - Trích sách "Sống như anh" 11:47 05/07/2019

Chính quyền Nguyễn Khánh đẩy nhanh tử hình anh Trỗi như thế nào?

Chính quyền Nguyễn Khánh đẩy nhanh tử hình anh Trỗi như thế nào?

Cù Dung - Minh Châu
16:30 08/07/2019

Chính quyền Nguyễn Khánh rất muốn đẩy nhanh việc tử hình anh Nguyễn Văn Trỗi. Chính tài liệu của chính quyền này đã “thừa nhận” điều đó.

Sau khi bắt được anh Nguyễn Văn Trỗi và người đồng đội Nguyễn Hữu Lời khi đang thực hiện nhiệm vụ ám sát Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mc Namara tại cầu Công Lý, chính quyền Nguyễn Khánh rất muốn đẩy nhanh việc tử hình anh. Chính tài liệu của chính quyền này đã “thừa nhận” điều đó.

Trong Phông Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa (Trung tâm Lưu trữ quốc gia II - Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước) có lưu giữ hồ sơ nói về quá trình xét xử anh Nguyễn Văn Trỗi. Hồ sơ này gồm 4 tài liệu cho biết tiểu sử, quá trình tham gia cách mạng của anh Trỗi, mô tả lại sự kiện ngày 9/5 tại cầu Công Lý, việc anh Trỗi bị bắt, tự nhận tội về mình...


Anh Trỗi (bên trái) và anh Lời lúc bị bắt cùng với quả mìn. Ảnh tư liệu.

Bên cạnh đó còn hé lộ một số thông tin cần chú ý như chính quyền Nguyễn Khánh định thi hành án tử hình anh Nguyễn Văn Trỗi vào cuối tháng 8/1964, sau đó việc thi hành án phải tạm ngưng cho đến 10/1964.

Tài liệu biên bản Hội đồng ân xá ngày 17/6/1964 cho biết Hội đồng ân xá nhóm họp tại phòng Bộ Tư pháp, số 47 đại lộ Thống Nhất Sài Gòn vào lúc 17h ngày 17/8/1964 để xét các đề nghị ân xá và bày tỏ ý kiến về các khoản ân giảm cho phạm nhân được hưởng. Trong phiên họp này, Hội đồng ân xá xem xét hồ sơ xin ân xá của 4 tội nhân, trong đó có anh Nguyễn Văn Trỗi.

Tài liệu này cũng cho biết anh Trỗi sinh năm 1940 tại xã Thanh Quýt, quận Điện Bàn (Quảng Nam), thợ điện, con của Nguyễn Văn Hòa và Nguyễn Thị Tuất, có vợ, không có tiền án.

Tài liệu này viết (nguyên văn):
“Ngày 9/5/1964, nhờ có mật báo, cảnh sát quận 3 đã bắt được Nguyễn Văn Trỗi đang chuyền dây điện cho một tên Việt cộng dưới ao rau muống gần cầu Công Lý. Nguyễn Văn Trỗi thú nhận đã gia nhập tổ chức Việt cộng khu Sài Gòn - Gia Định do Lê Đức Hiền làm tổ trưởng và chính Trỗi đã dụ được Nguyễn Hữu Lời gia nhập tổ chức. Ngày 7/5/1964, y đã nhận được của Lê Đức Hiền 800 USD để mua dây điện và 16 cục pin dùng để giật mìn phá cầu Công Lý trong dịp Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mac Namara sang Việt Nam. Ngày 11/5/1964, Nguyễn Hữu Lời có phận sự xuống ao rau muống kéo dây điện cột vào cây dừa cách cầu 100 thước. Còn Lê Đức Hiền lo việc đặt mìn và nối dây điện vào khối pin 72W cho nổ.

Nguyễn Văn Trỗi và Nguyễn Hữu Lời bị bắt quả tang khi đang thi hành công tác phá hoại nói trên. Tại nha cảnh sát Đô Thành, chúng xác nhận đã hành động như trên, Nguyễn Văn Trỗi nhảy qua cửa sổ tầng lầu 2 để tự vẫn, nhưng chỉ bị trầy xương chân mặt mà thôi.

Trước tòa án Quân sự Mặt trận Vùng 3 Chiến Thuật, ngày 10/8/1964, Nguyễn Văn Trỗi và Nguyễn Hữu Lời đã xác nhận những hành động của chúng.

Tòa đã tuyên xử: Nguyễn Văn Trỗi tử hình và tịch thâu toàn bộ tài sản về tội phản nghịch, toan phá hủy và toan mưu sát”.



“Sau khi xem xét, Hội đồng ân xá đề nghị bác đơn xin ân xá của Nguyễn Văn Trỗi, vì việc bảo vệ an ninh cho chánh khách các quốc gia bạn của Việt Nam Cộng hòa cần được thực hiện một cách hữu hiệu bằng cách thực hành bản án tử hình tên Việt cộng này”.


Sắc lệnh số 2-CTP ngày 22/8/1964 của Chủ tịch Việt Nam Cộng hòa v/v bác đơn xin ân xá của Nguyễn Văn Trỗi.

Ngoài biên bản trên, hồ sơ nói về quá trình xét xử anh Nguyễn Văn Trỗi còn có:

Quyết định ngày 22/8/1964 của Hội đồng Nội các trong phiên họp ngày 19/8/1964 v/v thi hành bản án xử Nguyễn Văn Trỗi về việc đặt plastic phá hoại cầu Công Lý.

Sắc lệnh số 2-CTP ngày 22/8/1964 của Chủ tịch Việt Nam Cộng hòa v/v bác đơn xin ân xá của Nguyễn Văn Trỗi, sinh năm 1940 tại xã Thanh Quýt (Quảng Nam) do tòa án Quân sự tại Mặt trận Vùng 3 Chiến thuật ngày 10/8/1964 xử phạt tử hình về tội phản nghịch, toan phá hủy và toan mưu sát.

Một mảnh giấy viết tay ghi:
Vì tình hình sau ngày 25/8/1964, Bộ Tư Pháp đã tạm ngưng vụ hành quyết cho đến ngày 7/10/1964 đã hành quyết tại trung tâm cải huấn Chí Hòa.

Qua các tài liệu trên, có thể thấy chính quyền Nguyễn Khánh đã rất muốn đẩy nhanh việc tử hình anh Nguyễn Văn Trỗi và định việc này vào cuối tháng 8/1964. Tuy nhiên, việc này phải tạm ngưng lại vì sau ngày 25/8/1964 (sau các phong trào biểu tình chống Nguyễn Khánh tình hình chính trị bất ổn, các cuộc binh biến diễn ra liên tiếp...). Sau đó, chính quyền Nguyễn Khánh định tử hình anh Trỗi ngày 7/10/1964.


Bài viết trên báo Nhân Dân ngày 13/10/1964 ca ngợi hành động của các du kích Venezuela.

Tuy nhiên, những ngày trước khi đưa anh Trỗi ra xử bắn, ở phía bên kia bán cầu, một tổ chức du kích Venezuela do mến mộ và xúc động gương chiến đấu dũng cảm của anh Trỗi nên đã truy bắt tên trung tá tình báo không quân Hoa Kỳ Michael Smolen để đổi lấy anh. Tuy nhiên, sau khi viên sĩ quan này vừa được trả tự do thì chính quyền Sài Gòn trở mặt, vội vàng đưa Nguyễn Văn Trỗi ra pháp trường Chí Hòa xử bắn vào lúc 9h45 ngày 15/10/1964 trước sự chứng kiến của nhiều phóng viên nước ngoài.

Trong những giây phút cuối cùng, trước họng súng kẻ thù, anh Trỗi không hề run sợ, dõng dạc hô to: “Hãy nhớ lấy lời tôi / Đả đảo đế quốc Mỹ / Đả đảo Nguyễn Khánh / Hồ Chí Minh muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm! / Việt Nam muôn năm!”.

Sau sự hy sinh anh dũng của anh Nguyễn Văn Trỗi, có rất nhiều nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ và họa sĩ đã lấy hình tượng đó để ca ngợi anh. Nhà báo Trần Ðình Vân (Thái Duy) sau khi tiếp xúc với chị Phan Thị Quyên, vợ anh Trỗi (sau 19 ngày anh cưới chị thì bị bắt) đã cho ra đời Sống như anh, một tác phẩm được các đơn vị bộ đội lấy làm tài liệu giáo dục, cùng nhau đọc và học tập noi gương anh Trỗi.


Nguồn: Zing.vn - 08/07/2019

"Nhớ Ba" - Nguyễn Sĩ Hưng

Nhớ Ba


Theo truyền thống của các gia đình Việt, hàng năm vào thời khắc trang trọng nhất của sáng mồng 1 Tết, các con, cháu cùng tề tựu đông đủ chúc Tết đấng sinh thành. Vậy mà Tết Canh Tý năm nay, Ngôi nhà 54 Nguyễn Bỉnh Khiêm một thời tràn đầy những kỷ niệm về một đại gia đình tứ đại - đồng đường như trầm tư, tĩnh mịch. Đã gần một năm Ba vắng bóng trên cõi đời. Không ai có thể tin là trong ngôi nhà cổ tích này đã không còn người Ông, người Cha hiền từ, nhân hậu…



Ba tôi tên là Nguyễn Hữu Vũ, ở nhà hay gọi là Đồng, khi đi hoạt động cách mạng gọi là Nguyễn Văn Đồng, sau năm 1949 có tên là Đồng Sỹ Nguyên. Ông là người con của quê hương Quảng Bình; Đại biểu Quốc hội khóa 1. Đã có khá nhiều giai thoại quanh cái tên Đồng Sỹ Nguyên. Tôi đã nhiều lần hỏi ông về nguồn gốc cái tên này, nhưng ông chỉ nói: đó đơn giản là một bí danh hoạt động Cách mạng, không nên thêu dệt thêm những chi tiết bí ẩn.

Ba tôi là con trai thứ 3 trong gia đình giàu truyền thống yêu nước - cả ông nội và ông ngoại đều là nghĩa binh Cần vương, đến thế hệ của Ba tôi, thì cả 4 anh em trai đều là sỹ quan QĐNDVN. Từ bé đã có tư chất thông minh, nên mặc dù gia cảnh không sung túc nhưng ông bà nội tôi quyết tâm cho Ba tôi theo học lên bậc thành chung (Diplome), để sau đó thi vào bậc Tú tài tại Quốc học Huế. Chưa đầy 17 tuổi, Ba tôi đã được các Đảng viên đầu tiên của chi bộ xã Quảng Trung kết nạp vào Đảng (năm 1939). Do biết tiếng Pháp lại thông minh dũng cảm, Ba tôi được các bác trong Xứ ủy Trung kỳ và Tỉnh ủy Quảng Bình tập trung bồi dưỡng. Ngày 23/8/1945, với tư cách Chủ nhiệm Việt Minh Tỉnh - cùng Chủ tịch Uỷ ban Khởi nghĩa, Ba tôi đã phát lệnh Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở các phủ, huyện, sau đó thay mặt Uỷ ban khởi nghĩa Quảng Bình phát biểu tuyên bố khởi nghĩa thành công ở sân vận động tỉnh.

Mỗi khi về quê, tôi thường được nghe những người đứng tuổi kể về không khí vui như lễ hội ở làng quê bên bờ sông Gianh những ngày Cách mạng mới thành công và vận động bầu cử Quốc hội khóa 1 (1946). Năm ấy, Ba tôi được giới thiệu ứng cử, buổi tối đến từng nhóm các cháu thanh, thiếu nhi lại vác trống đi quanh sân đình hát bài đồng dao tuyên truyền cho bầu cử Quốc hội:
“Trần Hường - Võ Quyết - Dương Dư
cả ba người ấy cũng như Nguyễn Đồng”.
Ở các xã bên cạnh lại có một phiên bản khác của bài thơ vận động bầu cử:
“Nguyễn Đồng - Võ Quyết - Dương Dư,
Tôn Tùng tư cách cũng như Trần Hường
5 người xứng đáng tương đương
quyết tâm ủng hộ chẳng nhường cho ai!”
.
Bài thơ đồng dao này được thanh thiếu nhi đánh trống đi vòng quanh làng vận động, sau khi đọc hết đồng thanh hô 3 lần: Quyết tâm ủng hộ chẳng nhường cho ai!

Món quà đầu tiên của Ba

Năm tôi chưa đầy 3 tuổi, Ba tôi đi công tác vào miền Nam Trung bộ cùng đoàn với bác Nguyễn Chí Thanh. Trên đường quay ra, khi đoàn hành quân ngang Quảng Bình, bác Nguyễn chí Thanh gọi Ba tôi ra và nói, trên đường ra Bắc, nên về đón hai mẹ con ra Việt Bắc để có cơ hội đoàn tụ, cậu lấy cái xe đạp mà đi cho nhanh. Ba tôi nhanh chóng nhảy lên chiếc xe đạp Sterling cũ, rẽ ngang từ phía Đồng Lê lao nhanh về quê. Trên đường về nhà Ba đi rất nhanh mong sớm gặp vợ và cậu con trai mà từ khi sinh chưa được gặp. Dù lưng túi eo hẹp, Ba vẫn tìm mua quà cho hai mẹ con đó là tấm vải may áo cho Mẹ và bộ quần áo kaki cho con trai. Theo Mẹ tôi kể thì món quà đầu tiên của Ba đến rất đúng lúc, vì lúc đó đang là cuối mùa đông mà “cậu con trai” chỉ có độc một bộ quần áo cũ.

Theo Mẹ kể lại, khi nhận và mặc bộ kaki đầu tiên trong đời - quà của Ba - tôi rất sung sướng chạy tung tăng khắp nhà và sang nhà hàng xóm khoe. Đó là món quà đầu tiên, quý giá nhất trong cuộc đời tôi. Một đứa trẻ quanh năm có mỗi cái áo vá, bỗng một hôm được gặp người cha yêu quý của mình và nhận từ tay Ba món quà ấm áp, vô giá. Mặc chiếc áo sơ mi mới, quần dài, đóng hộp nghiêm chỉnh, tôi sung sướng, hãnh diện chạy ra khoe với lũ trẻ hàng xóm. Đó là món quà đầu tiên trong đời tôi nhận được từ Ba kính yêu. Ba tôi là bộ đội, cũng không có nhiều điều kiện để mua quà thường xuyên cho các con, nhưng mỗi món quà của ông đều rất có ý nghĩa và có tính gợi mở. Một quả bóng da nho nhỏ cũng giúp tôi say mê hơn môn bóng đá, kể cả khi đã là cầu thủ đội tuyển Thanh - thiếu niên Hà Nội. Một cuốn sách truyện bằng tiếng Nga là cú hích khiến tôi say mê học ngoại ngữ. Một hộp bút vẽ màu nước khiến tôi quan tâm hơn đến hội họa và cũng tập tành học vẽ.

Ngôi nhà tranh trên chiến khu Việt Bắc

Vậy là Ba-Mẹ tôi đã quyết định cả nhà cùng với một chiếc xe đạp cũ sẽ bắt đầu cuộc hành quân đầu tiên dài hơn 800km theo đường bộ từ chiến khu Tuyên Hóa ra chiến khu Việt Bắc. Trong cuộc hành quân kéo dài hai tháng ấy, khi đường bằng phẳng thì tôi được ngồi trên por-ba-ga xe đạp, khi leo đồi thì Mẹ tôi địu sau lưng, khi nào may mắn có sông suối thì cả nhà ngồi trên con đò mỏng manh… Cuối cùng, cả nhà cũng đến được Việt Bắc - Thủ đô gió ngàn.

Tại chiến khu Việt Bắc, các ngôi nhà của các cán bộ Quân đội ở rải rác trên các ngọn đồi, tại bản Piềng - thôn Tỉn Hóa -Thái Nguyên. Ngôi nhà tranh nhỏ của gia đình tôi cất trên một ngọn đồi, bên một dòng suối, cửa nhà quay về phía bờ suối và phía xa là dãy núi Hồng. Ngôi nhà lá đơn sơ này đã chứng kiến nhiều kỷ niệm của tôi với Ba, vui nhất với một cậu bé mới 4-5 tuổi là những giây phút được đón Ba đi chiến dịch về. Những năm đó, Ông liên tục được cử làm phái viên của Bộ Tổng đi các chiến dịch như Trung-Thượng Lào, Hoàng Hoa Thám, Biên giới, Quang Trung, Tây Bắc, Điện Biên Phủ... Nhiều hôm nghe loáng thoáng tin Ba tôi sắp đi chiến dịch về, tôi thường bỏ cả cơm ra đứng ngóng Ba bên bờ suối, rất hạnh phúc là có lần tôi đã được đón Ba đi chiến dịch về trên mình ngựa. Có lần thì Ba trở về ngồi trên chiếc xe JEEP chiến lợi phẩm, khi chạy qua suối, nước tóe lên hai bên thật đẹp, đúng là hình tượng vị tướng trận oai hùng trong đầu óc trẻ thơ của tôi...

Nhưng cũng có nhiều hôm, tôi nhịn đói đứng ngóng cả buổi chiều, đến khi ông mặt trời đỏ đã lặn phía sau dãy núi Hồng phía xa, Ba tôi vẫn chưa về. Mẹ gọi tôi về ăn cơm, tôi vừa đi vừa ngoái lại phía mặt trời đang lặn, hy vọng bóng hình Ba tôi trên mình ngựa sẽ hiện lên trên đỉnh đồi, trong dáng chiều hoàng hôn… Những đêm nào, tôi được ngủ với Ba là những đêm hạnh phúc nhất, hơi ấm của người đàn ông - người Cha của mình - thật là ấm áp giữa mùa đông lạnh giá trên núi rừng Việt Bắc.


Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên - Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn thăm cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn vận tải 101 thuộc Tiểu đoàn 3 trong một chiến dịch vận chuyển, mùa khô năm 1970-1971. (Ảnh tư liệu).

Những người bạn chiến đấu

Những năm tháng chiến đấu ác liệt trên đường Trường Sơn, ông đặc biệt giành nhiều tình cảm, sự quan tâm đến các chiến sỹ trực tiếp đối mặt với kẻ thù như các chiến sỹ lái xe, công binh, cao xạ, rồi đến cả các thành phần khác như anh nuôi, chiến sỹ thông tin, và đặc biệt là các nhà thơ - văn nghệ sỹ, như Lê Lựu, Phạm Tiến Duật. Các chiến sỹ Trường Sơn đã có nhiều giai thoại về sự quan tâm, động viên khích lệ của Ba tôi với tác giả bài thơ “Tiểu đội xe không kính”. Với Chính ủy Đặng Tính - hai ông có một tình bạn thật đặc biệt, bắt đầu từ thời gian ông là đặc phái viên của Bộ Tổng về tham gia chiến dịch Hà–Nam-Ninh, nơi là địa bàn hoạt động của bác Đặng Tính tại liên khu 3, quân khu Tả ngạn.

Sau này, khi Ông đề đạt với Bộ Tổng Tư lệnh về ý tưởng đưa lực lượng phòng không vào bảo vệ đường 559, phá thế bị động, với phương châm: “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, nhiều cán bộ ưu tú của Quân chủng PKKQ đã vào tăng cường cho bộ đội Trường Sơn. Khi Ba tôi đặt vấn đề với Tổng cục Chính trị để bổ nhiệm một Chính ủy cho đoàn 559 - Ông Song Hào nói: trong số các Chính ủy Quân khu, Quân chủng cho anh chọn bất cứ ai, Quân ủy TƯ cũng đồng ý, Ba tôi đã nói ngay: Cho tôi được chọn anh Đặng Tính - Chính ủy Quân chủng PKKQ. Thật là trùng hợp, cũng thời điểm đó bác Đặng Tính đề đạt với cấp trên xin được vào chiến trường, và khi Quân ủy TƯ hỏi đồng chí chọn chiến trường nào, Bác Đặng Tính đã nói: Tôi xin vào đường 559 - Trường Sơn, sát cánh cùng anh Đồng Sỹ Nguyên. Hai tâm nguyện của những người lính chiến thực thụ gặp nhau và họ trở thành một cặp đôi Tư lệnh - Chính ủy huyền thoại của Trường Sơn.

Đầu năm 1973, Tư lệnh và Chính ủy Đoàn 559 quyết định chia nhau đi hai ngả đông–tây Trường Sơn để kiểm tra tình hình trước khi báo cáo Bộ Tổng về quyết tâm chiến lược của bộ đội Trường Sơn chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng miền Nam và hẹn nhau lúc về hợp điểm ở trụ sở Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Trong chuyến đi đó, khi Ba tôi đang ở Sa Thầy - Kon Tum thì nhận được điện báo bác Đặng Tính đã hy sinh ngày 4/4/1973 tại chân cao nguyên Bo Lo ven - Ba tôi không tin vào bức điện hỏi lại đồng chí điện báo viên 3 lần, xem có đúng không, rồi ông đã khóc. Cuộc đời chinh chiến của Ba đã chứng kiến nhiều sự hy sinh, nhưng sự ra đi của Bác Đặng Tính đã khiến Ba tôi rất xúc động và lần đầu tiên ông đã khóc khi vĩnh biệt người đồng đội – người Chính ủy tài năng - đức độ của mình. Không biết có sự sắp xếp ngẫu nhiên nào của số phận không, mà hai vị Tư lệnh và Chính ủy của đoàn 559 - hai người đồng đội - hai cánh đại bàng của Trường Sơn đều hóa thành bất tử vào ngày 4/4 định mệnh (cách nhau 46 năm).

Xúc động trước sự hy sinh anh dũng của các chiến sỹ - thanh niên xung phong Trường Sơn, ngay từ khi cuộc chiến chưa kết thúc Ông đã nhìn trước - nhìn xa, lo lặn lội đi tìm địa điểm lập nghĩa trang để quy tụ hơn 20.000 ngôi mộ liệt sỹ của đoàn 559 về Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn. Những tình cảm đồng đội thử thách qua bom đạn ấy đã được các cựu chiến binh và thanh niên xung phong Trường Sơn cảm nhận thật sâu sắc.

Ngày tang lễ của Ba, các con, cháu của Ông thật sự xúc động chứng kiến đội ngũ cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong Trường Sơn từ mọi miền đất nước, từng hàng dài, tề tựu về nhà tang lễ để vĩnh biệt vị Tư lệnh yêu quý của mình. Trong đội ngũ ấy, có cả các thương binh ngồi trên xe lăn, có người chống gậy, có người mất cả cánh tay, họ vẫn rất đông đủ, tề chỉnh và im lặng - vừa lau đi những giọt nước mắt - vừa kính cẩn nghiêng mình để lần cuối được vĩnh biệt vị Tư lệnh huyền thoại của mình.


Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và các con cháu.

Có một gia đình chiến sỹ

Mùa hè Năm 1965, học sinh của các trường Phổ thông ở Hà Nội và trường Chu Văn An có phong trào đi khám tuyển phi công. Khi biết đã trúng tuyển phi công tôi rất mừng, dù lúc đó thú thực cũng chỉ là cảm tính, mơ mộng về bầu trời qua xem bộ phim Khoảng trời Ban tích của LX- chứ chưa biết hết tính ác liệt và gian khổ của nghề lái máy bay chiến đấu. Lúc này tôi đứng trước một thời khắc phải lựa chọn một trong ba khả năng: Tiếp tục đi học, để sau đó đi học Đại học ở nước ngoài; hoặc gia nhập đội bóng đá Thể công cùng đợt với các bạn đá bóng trong đội tuyển thanh - thiếu niên Hà Nội của mình như Thế Anh (ba đẻn) - Ngọc Chi, Phú mèo… cùng với đó là giấy báo trúng tuyển phi công do một đồng chí Trung úy từ Quân chủng mang đến. Tôi còn quá trẻ để đủ lý lẽ trước một lựa chọn quan trọng như vậy, theo gợi ý của Mẹ tôi, tôi quyết định nhấc máy gọi cho Ba tôi lúc đó đang ở trong Quân khu 4 - để xin ý kiến Ông.

Hơn 50 năm đã qua, tôi vẫn nhớ như in giọng nói ấm cúng, điềm tĩnh của Ba trước một lựa chọn quan trọng trong cuộc đời người con trai cả của Ông. Từ đầu giây bên kia, tôi nghe rõ ông nói:
“Con phải tự lựa chọn cho mình con đường vào đời của mình, nhưng bây giờ đất nước đang bị xâm lược, vị trí của thanh niên là phải lên đường nhập ngũ - sau này, khi chiến tranh kết thúc, Ba tin là con sẽ có cơ hội học tiếp”.
Đặt ống nghe xuống, tôi hiểu mình sẽ phải làm gì để tiếp bước cha, ông. Trong gia đình tôi, ngoài Ba, Mẹ tôi đều là người lính thì 5 trong 6 anh chị em chúng tôi cũng đều nhập ngũ. Trong đó người em trai thứ tư - Nguyễn Tiến Quân, đã bỏ giấy gọi thi đại học, nhập ngũ vào trường Sỹ quan Pháo binh - tham gia chiến dịch HCM lịch sử, và đến chiến tranh biên giới phía Bắc thì em hy sinh, lúc là Đại đội trưởng Pháo binh. Nhận được tin người con trai thứ tư của mình hy sinh, Ba tôi nén đau thương tiếp tục làm công việc kiêm nhiệm vừa là Bộ trưởng Bộ Xây dựng - vừa là Tư lệnh Quân khu Thủ đô - chỉ huy LLVT Thủ đô lập tuyến phòng thủ sẵn sàng chiến đấu với quân xâm lược.

Thời gian trôi qua thật nhanh, mới hôm nào cả nhà - con, cháu, người thân nén đau thương cùng các cơ quan lo tang lễ cho Ba, nay đã gần đến ngày giỗ đầu của Ba. Mặc dù con cháu vẫn cầu mong trời đất để được mừng đại thọ 100 tuổi của Ba - nhưng Sinh-Tử là quy luật của tự nhiên, Ba ra đi vào ngày 4/4/2019 (tức ngày 30 tháng 2 Âm lịch năm Kỷ Hợi), chỉ hơn một tháng sau khi Ba bước sang tuổi 97 và cũng chỉ hơn một tháng nữa là đến ngày kỷ niệm 60 năm đường Trường Sơn huyền thoại - nơi ghi đậm dấu ấn của Ba trong những năm tháng chống Mỹ hào hùng nhất. Bây giờ Ba đã đi xa rồi, nhưng bạn bè, đồng đội, các con cháu vẫn cảm nhận được hơi ấm trong tình cảm của Ba.

Mọi người vẫn tin rằng, từ trên cõi Vĩnh hằng, ở đâu đó bầu trời trên đỉnh Trường Sơn đại ngàn - Ba vẫn dõi theo và giành cho con cháu những tình cảm ấm áp nhất của một người Ông - người Ba hiền từ - nhân hậu.

Nguyễn Sĩ Hưng
Nguồn: Báo Đại Đoàn Kết - 16:14:48 26/02/2020

Thứ Hai, 17 tháng 2, 2020

Viếng liệt sỹ Y Hoà và đồng đội tại Đồi Cháy

Viếng liệt sỹ Y Hoà và đồng đội tại Đồi Cháy

Viếng mộ liệt sỹ Y Hoà (K7) và đồng đội tại Đồi Cháy tại Quang Tri, xã Hải Lệ, tỉnh Quảng Trị; nơi đây từng bị bom đạn biến tất cả thành cát, bụi.
Gặp gỡ cán bộ, chiến sỹ đồn biên phòng Cù Bai. Trước đây phải đi bộ và bơi 2 ngày từ Thị trấn Khe Sanh mới đến được đồn.

Nguồn: K8 Trường VHQĐ Nguyễn Văn Trỗi
Tue Nguyen Quang - 17 tháng 2 lúc 20:10
Xem thêm:
Về tìm mộ - Tue Nguyen Quang 15 tháng 2/2020
Sở chỉ huy của chiến dịch Khe Sanh - Tue Nguyen Quang 15 tháng 2/2020
TÌM LẠI...! Nguyễn Mạnh Hùng 15 tháng 2/2020

ANH ĐI GIỮA TUỔI HAI MƯƠI

Tạ Chính >> Bạn Trỗi K6 - 17/02/2020
Một bài viết của một người họ hàng lại là đồng đội của Tiến Quân xin chia sẻ cùng các bạn K6 Trỗi.

ANH ĐI GIỮA TUỔI HAI MƯƠI

Kỷ niệm 40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc (17/2/1979 - 17/2/2019)

Kính dâng hương hồn Liệt Sỹ Trung Úy Nguyễn Tiến Quân (con trai Trung Tướng Đồng Sĩ Nguyên và đồng đội tôi hy sinh ngày 17/2/1979)

Đây không phải là Thơ
Tôi viết cho đồng đội dễ đọc dễ nhớ lại sự kiện Lịch Sử 40 năm trước .
Vì vậy câu chữ vần điệu không đạt yêu cầu
Mong các bạn thông cảm

Người Trung Tướng giao con lên chốt (1)
Trời Đồng Đăng gió Bắc đổ ào ào
Đài Pa Chai sừng sững chọc trời cao
Con mắt pháo hướng về phía giặc

Vị Tư Lệnh một đời trận mạc
Đội bom thù xẻ dọc TRƯỜNG SƠN
Đất nước chưa yên sôi sục căm hờn
Đặt sứ mệnh con trai lên chiến tuyến

Sáng 17 tháng hai kẻ thù ập đến
Trên Đài cao mệnh lệnh pháo thét gầm
Đoàn 166 pháo binh dội bão lửa vút tầm (*)
Chặn đứng giắc giữ từng tấc đất

Máu anh hùng nhuộm đỏ đường biên
Liệt Sỹ Sơn, Thức, Thiệu, Việt, Ngũ, Trường, Thư, Thái, Quân, Dân... (2)
Đã gửi trọn tuổi Xuân trên chiến tuyến
Nhuộm sắc cờ Quyết chiến vinh quang

Nhắc kẻ thù nhớ lại Chi Lăng
Cả nước lên đường những người lính trẻ măng
Xếp bút sách quân hành ra trận
Pháo bốn mươi nòng Lữ Đoàn vừa nhận (3)

Quyết trả thù cho người đã hy sinh
Sa Bàn Chỉ Huy bao phương án giải trình
Đoàn Trưởng Nguyễn Thông (4) chụm đầu bên Chính Ủy
Nguyễn Công Hệ (5) dạn dày qua chống Mỹ
Dõi bản đồ tay chỉ hướng... tiến công

Tim nhói đau khi địch vượt Kỳ Cùng
Đốt phá cả nhà dân, trường học
Đánh sập cầu vào bản vùng sâu
Chúng đốt nhà, bắt lợn, giết trâu
Bao hy sinh tổn thất thương đau

Ba Quân Đoàn ta ém sẵn phía sau (6)
Dàn thế trận vào Chi Lăng cửa tử
Lũ đe hèn run rẫy đến Văn Quan
Dốc đứng đá vôi đợi giặc giữa đại ngàn

Pháo ta kiên cường bám trụ từng giây
Những chiến công nối tiếp đêm ngày
Xác quân giắc nước Kỳ Cùng ngầu đục
Võ Thái Mai (7) ba huân chương đỏ ngực
Chỉ huy Tiểu Đoàn đánh trăm trận lừng vang

Ngày 5/3: Đài Tiếng nói Việt Nam tuyên đọc
những lời vàng

Lệnh TỔNG ĐỘNG VIÊN hồi kèn xung trận
Ngày 15 tháng ba buộc chúng phải lui quân
Trời Lạng Sơn xanh lại sắc Xuân
Xanh lại cánh rừng, ấm lại lòng dân

Hoa sở lại trắng ngần trong nắng
Những rừng Hồi Xứ Lạng lại dâng hương
Đào Mẫu Sơn đỏ thắm bên đường
Điệu sili người thương, người nhớ
Chợ Kỳ Lừa đến hẹn lại về đông

Đường Biên liền một dải núi sông
Trận chiến còn dài mười năm xương máu
Bình Độ 400, những trận pháo oai hùng
Giành lại từng tấc đất đến cùng
Để Tổ Quốc Việt Nam liền một dải

Ghi chú:
(1) Trung Tướng Đồng Sỹ Nguyên đã giao con trai Nguyễn Tiến Quân lên Đoàn PB 166 trên tuyến I
(2) Tên một số LS hy sinh trong những ngày đầu chiến dịch
(3) Lữ Đoàn PB 166 ban đầu có ba tiểu đoàn gồm D11, D13 và D23 lúc này bổ sung D3 Lúc bổ sung là Pháo 130 ml sau thêm Pháo 40 đầu đạn do Liên Xô vừa giúp ta
(4) Trung Tá Nguyễn Thông Lữ Đoàn Trưởng Quê Hà Nội
(5) Trung Tá Chính Ủy Nguyễn Công Hệ Quê xã Vĩnh Lộc Can Lộc Hà Tĩnh
(6) Lúc này Quân Đoàn I còn ở Sóc Sơn, Quân Đoàn II vừa bay từ CamPhu Chia về Bắc Giang và Quân Đoàn III từ Tây Nguyên điều ra Thái Nguyên
(7) Võ Thái Mai Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 23 Anh Hùng Quê xã Thọ Thành Yên Thành Nghệ An
Người đã chủ động lệnh Tiểu Đoàn đánh 400 phát Đại Bác chặn địch khi chưa có lệnh cấp trên
Sau ba ngày được thưởng ba Huân Chương Chiến Công
(*) Do Võ Thái Mai phát hiện địch phía trước là dân Binh thổi Tù Và đánh trống
Lực lượng chủ lực phía sau nên đã cho pháo bắn vút tầm sang Bằng Tường 27 km
Làm sập cầu chặn đường tiến quân của giặc

Nguồn: Tạ Chính >> Bạn Trỗi K6 - 17/02/2020

Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2020

NHỚ VỀ HAI ĐẠI ĐỘI TRƯỞNG PHÁO BINH - Fb Trần Tấn Lân

NHỚ VỀ HAI ĐẠI ĐỘI TRƯỞNG PHÁO BINH

Fb Trần Tấn Lân

Nguyễn Quang Vinh - 16/12/2020
Bài viết của một người bạn. Trong bài có đoạn nhắc đến liệt sĩ Nguyễn Tiến Quân K6.
Fb Trần Tấn Lân

Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Cuối tháng 5/1975, trung đoàn pháo binh 186, sư đoàn 312 nhận lệnh quay trở ra Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa đóng quân tại các doanh trại cũ.

Mới ổn định đơn vị đúng tròn tháng. 21h một ngày chủ nhật, tôi mới nằm xuống. Cơn bão số 5 ập tới, các dãy nhà lán của đại đội 1, tiểu đoàn 10 trên đồi cao tuy được chằng chống kỹ, nhưng vẫn có vẻ không chịu nổi. Gió cứ thổi mạnh dần, lại đổi hướng giật mạnh, mấy chiếc cột nhà to vặn vẹo kêu răng rắc ...Tiếng anh Cầu, trung đội trưởng hô to:

- Chạy ra ngoài, mau.

Tất cả chỉ kịp ôm ba lô và súng đạn vừa lao được ra ngoài, dãy nhà đổ sập xuống ngay sau lưng. Tối hôm đó, cả trăm cán bộ, chiến sỹ của đại đội ai cũng khoác trên người một tấm ni lông, ngồi co mình dưới mưa to, hứng từng đợt gió lạnh và đếm giờ chờ trời hửng sáng ...

Chỉ qua một đêm, toàn bộ doanh trại các đại đội bị bão san phẳng. Hàng ngày bộ đội phải dọn dẹp đống đổ nát đó, rồi đi khai thác vật liệu trong vùng về chuẩn bị làm lại nhà ở. Một bộ phận phải đi hơn 100 km, vào tận các huyện giáp Lào để khai thác gỗ. Nhà cửa, giường không có, cứ tối tối cùng leo lên mấy chiếc xe kéo pháo nằm "úp thìa" vào nhau ngủ.

Sức khỏe tôi giảm sút rõ. Do hệ lụy nhiều ngày chiến trường, một trận sốt rét rừng ác tính làm tôi hôn mê sâu, thân nhiệt lên đến 43 độ C, sa gan và lá lách. Trong đêm tôi được đồng đội đưa đi cấp cứu, điều trị từ bệnh xá trung đoàn lên bx sư đoàn, rồi đến bệnh viện quân y 111. Từ một thanh niên khỏe mạnh cân nặng 56 kg, nay còn 43 kg, gầy nhẳng, môi thâm đen, 2 con mắt trắng dã, già xọp đi hơn 10 tuổi.

Một tuần sau, tôi nghe tin đại đội trưởng đại đội 1 Trần Nhàn (là cháu gọi thượng tướng Trần Nam Trung bằng chú) cũng bị cơn sốt rét ác tính và rơi vào hôn mê, nhưng đã không qua khỏi. Anh đã ra đi trong khi toàn đại đội đang tập trung xây dựng doanh trại, và vợ anh - một cô giáo trẻ cùng quê ở Nghệ An mang bầu đứa con đầu lòng. Trước lúc tắt thở, tỉnh lại, mặc dù rất mệt nhưng anh vẫn bình tĩnh dặn những người ở lại:

- Hãy cố gắng phấn đấu giữ vững danh hiệu "đơn vị vững mạnh". Chào anh em tôi đi ...


Ảnh: Liệt sỹ Trần Nhàn (ngoài cùng, bên phải) tại căn cứ Lai Khê, Bến Cát, Bình Dương.

Cùng tiểu đoàn 10 còn có anh Nguyễn Tiến Quân, đại đội trưởng đại đội 2, con của trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, cựu tư lệnh bộ đội Trường Sơn, nguyên phó chủ tịch HĐBT. Anh là một sỹ quan vui tính, và khiêm nhường, nhưng rất quyết đoán. Anh vẫn luôn dành cho cánh lính trẻ Hà thành chúng tôi một tình cảm đặc biệt, bởi vì anh cũng là người Hà Nội.

Sáng ngày 17/2/1979, quân Trung Quốc xâm lược, đã nổ súng gây chiến tranh trên toàn tuyến 8 tỉnh biên giới phía Bắc.

"Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới. Gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới...". Bài hát của cố nhạc sỹ Phạm Tuyên sáng tác như tiếng kèn xung trận, thúc dục lòng người ra tiền tuyến chống quân xâm lược.

Trung đoàn 186, sư đoàn "thép" lại một lần nữa ra trận, đã có mặt trên mặt trận biên giới phía Bắc, sẵn sàng bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Buổi chiều cùng ngày, trong lúc chỉ huy đơn vị pháo bắn, giáng những đòn sấm sét vào đội hình "biển người", anh Quân cùng với một tân binh quê Hải Phòng bị trúng đạn bắn lén của thám báo địch, hy sinh anh dũng trên trận địa của mình, khi anh mới 26 tuổi đời./.

Ảnh: Liệt sỹ Nguyễn Tiến Quân

Sài Gòn, ngày 17.2.2020

Trần Tấn Lân.
Nguồn: Nguyễn Quang Vinh >> BẠN NVT - 16/02/2020



NHỚ VỀ MỘT ĐẠI ĐỘI TRƯỞNG PHÁO

(Viết tặng bạn Nguyễn Quang Vinh, cựu học sinh trường Thiếu sinh quân)

Nguyễn Quang Vinh - 22/03/2020
Bài của một cậu bạn thời thiếu niên, cậu ấy là cấp dưới của anh Nguyễn Tiến Quân K6. Tôi copy nguyên si về BẠN NVT.
---------------------------------------

Tiểu đoàn 10 pháo phóng lựu cỡ nòng 122 ly, thuộc trung đoàn pháo binh 186 có anh Nguyễn Tiến Quân, con cố trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, cựu tư lệnh bộ đội Trường Sơn, nguyên phó chủ tịch HĐBT. Năm 18 tuổi có giấy báo thi đại học, nhưng anh giấu gia đình làm đơn xin nhập ngũ, vào học trường sỹ quan Pháo binh Sơn Tây. Tốt nghiệp ra trường, anh về làm đại đội phó đại đội 2. Sau khi tham gia chiến đấu ở B2 ra, anh được đề bạt giữ chức đại đội trưởng.

Anh là một sỹ quan trẻ vui tính và khiêm nhường nhưng rất quyết đoán, vẫn luôn dành cho cánh lính Hà Nội chúng tôi một tình cảm đặc biệt. Còn nhớ, cuối ngày huấn luyện kỹ thuật chiến đấu trước khi đơn vị đi B, anh và tôi nằm kề bên nhau trên bờ cỏ, giữa con đường làng đất đỏ và cánh đồng còn thơm mùi lúa mới gặt ngoài doanh trại. Ngửa mặt lên trời, đôi mắt dõi theo những áng mây lam chiều nhẹ trôi về phương Nam, nở nụ cười hiền hậu anh tâm sự:

- Là lính, một xanh cỏ, hai đỏ ngực!

Ngắn gọn chỉ có tám chữ thôi, nhưng tôi hiểu anh là một thanh niên có nghĩa khí, nên đã chọn cho mình con đường binh nghiệp, trong thời chiến tranh máu lửa đầy gian khổ, nguy hiểm. Anh cũng đã nghĩ đến ngày nào đó mình sẽ chết trên chiến trường, và khả năng này là nhiều hơn, hoặc nếu có sống sót quay về với huân chương chiến công trên ngực áo.

Đi B ra, tôi bị sốt rét ác tính nằm điều trị dài ngày, đến khi xuất viện sức khỏe yếu phải ra quân... Bẵng đi mấy năm, gặp lại anh em cùng đơn vị tôi được nghe họ kể chuyện về anh Quân:

Sau tuyên bố hống hách của Đặng Tiểu Bình: "Dạy cho Việt Nam bài học". Sáng ngày 17/2/1979 Trung Quốc đã bắn qua nhiều quả đạn pháo, gây chiến tranh trên toàn tuyến biên giới 8 tỉnh phía Bắc nước ta, đồng thời cho quân đội ồ ạt tràn sang xâm lược.

"Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới. Gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới...". Bài hát của nhạc sỹ Phạm Tuyên sáng tác như tiếng kèn xung trận, thúc dục người người cầm súng ra tiền tuyến chống quân xâm lược.

Trung đoàn 186, sư đoàn "thép" lại một lần nữa ra trận, đã có mặt trên mặt trận biên giới Lạng Sơn - Cao Bằng, sẵn sàng bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Buổi chiều cùng ngày, anh Quân đã chỉ huy đại đội pháo bắn, giáng những đòn sấm sét vào đội hình "biển người", đẩy lùi mấy đợt tấn công của quân địch. Từ thực tế chiến đấu và quan sát qua TZK (kính viễn vọng). Buổi tối, anh đã mạo hiểm, vượt qua hai quả đồi cao về tiểu đoàn bộ để báo cáo tình hình và lấy bản đồ, chuẩn bị cho phương án tác chiến mới do anh đề xuất:

- Bắn vào các trận địa pháo và sở chỉ huy của đối phương ở sâu phía sau.

Ngay trong đêm đó, trên đường quay lại trận địa, anh cùng một chiến sỹ quê ở Hải phòng đã không may rơi vào ổ phục kích của thám báo địch, trúng đạn trọng thương. Biết mình không qua được, anh kịp nhét tấm bản đồ đã đánh dấu tọa độ các mục tiêu bắn vào chiếc dày ủng ném xuống vực, quyết không để nó lọt vào tay quân địch...

Trung úy Nguyễn Tiến Quân đã hy sinh anh dũng năm 26 tuổi. Thi thể của anh được đơn vị nỗ lực tìm kiếm, thấy vào ngày hôm sau, tổ chức truy điệu trang nghiêm và đưa anh lên nằm yên nghỉ trên ngọn đồi thông lộng gió, nơi thấm đậm máu anh cùng nhiều chiến sỹ.

Vĩnh biệt anh, nhiều đồng đội đã không kìm nén được cảm xúc, bật khóc, nước mắt tuôn trào, chảy đầm đìa trên những khuôn mặt đen xạm, rắn rỏi./.

Sài Gòn, tháng 3/2020
Trần Tấn Lân CCB E186.


Nguồn: Nguyễn Quang Vinh >> BẠN NVT - 22/03/2020