Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2020

Trích sách "Sống như anh"

Trích sách "Sống như anh"

Sách Sống như anh kể về anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi do bà Phan Thị Quyên (vợ anh Trỗi) kể, nhà báo Trần Đình Vân viết. Được sự đồng ý của NXB Kim Đồng, Zing.vn trích đăng một phần nội dung sách. Bài trích giữ nguyên cách xưng hô của bà Phan Thị Quyên (xưng tôi).

Sách Sống như anh.

[…]
Buổi sáng chủ nhật 10/5/1964, tôi đứng ngồi không yên. Không rõ đêm qua anh Trỗi đi đâu? Tôi rất mong anh, mong anh hơn tất cả các ngày nghỉ khác, vì từ hôm cưới nhau hai vợ chồng chưa đi thăm họ hàng.

[…]

Mới chiều hôm qua, cơm xong anh lại chuẩn bị đi. Trước khi đi, anh múc đầy thùng nước xách sang nhà bên cho tôi tắm. Chúng tôi vẫn tắm nhờ hàng xóm. Thấy anh ăn vội ăn vàng, chiều thứ bảy rồi mà lại không ở nhà, tôi bực, tôi nói sẵng với anh: - Thôi, anh bận thì anh cứ đi đi, lát nữa em mang nước sang tắm cũng được.

- Không, mấy cái bậc cửa buồng tắm cao quá, anh sợ em té. Dắt xe máy ra tận cửa, anh còn quay lại hứa hẹn:

- Anh sắp sửa chữa xong cái máy rồi, nếu mai xong mọi việc thì tha hồ đi chơi, em muốn đi chơi đâu anh cũng chiều, em đi một ngày, đi hai ngày, anh cũng chiều em.

Tôi tin hôm nay thế nào anh cũng về, thế nào tôi cũng được đi chơi với anh. Tôi đã chuẩn bị bộ quần áo cưới, dự định sẽ đi thăm cô bác, anh chị nào trước. Tôi sẽ đưa anh đi chơi nhà mấy đứa bạn để chúng đừng chế tôi nữa: “Chồng mà nhút nhát như thỏ đế, cưới vợ xong ru rú ở nhà chả dám đi đâu”.


Hình ảnh hạnh phúc của anh Nguyễn Văn Trỗi và chị Phan Thị Quyên. Ảnh: Tư liệu

Khoảng chín giờ sáng bỗng nhiên tôi thấy ập vào nhà bảy tám thằng cảnh sát, giải theo một người bị còng tay ra sau lưng. Thoạt đầu tôi vẫn chưa tin là anh Trỗi. Nhưng vừa thoáng thấy tôi, anh nói ngay, nói to: “Quyên, anh bị bắt”.

Tôi đứng sững sờ nhìn anh đi thẳng tới trước mặt tôi. Chỉ qua có một đêm, thân hình anh thay đổi hẳn: Bộ quần áo xanh của anh bê bết những bùn máu, gần như đổi sang màu khác, mặt anh hốc hác, bầm tím, đầu tóc rối tung. Chúng đẩy anh ngồi xuống giường. Một tên, có lẽ chỉ huy bọn cảnh sát, nhìn căn phòng nhỏ của chúng tôi rồi nói, giọng Bắc:

- Ngăn nắp, gọn gàng, đẹp đẽ gớm, phòng vợ chồng mới cưới sung sướng thế này mà đi làm loạn.

Nó chỉ mấy thứ đồ đạc, nói tiếp:

- Đờn măng đô lin này, quần áo mới này.

Nó nhìn quanh xem còn thứ gì nữa không và thấy tôi, nó hỏi anh:

- Vợ trẻ nữa, hạnh phúc như thế, mày còn muốn gì nữa?

Anh hất mái tóc xõa xuống mặt, trả lời nó:

- Đêm qua tao đã trả lời bọn mày mấy lần rồi. Tao muốn gì à? Tao muốn giết hết bọn Mỹ. Tao muốn miền Nam được giải phóng.

Tên chỉ huy vẫn đứng dựa vào chiếc bàn nhỏ đối diện với anh. Nó nhìn anh trừng trừng, gật đầu đe dọa:

- Xem mày có gan mãi được không?

Nó giục bọn dò mìn ngoài sân phải tìm cho được nơi cất giấu chất nổ. Nó bước tới sát chiếc giường, nói:

- Chăn gối mới tinh, êm ấm thế này mà không hưởng, nghe lời Việt cộng xui, bây giờ Việt cộng nó ở đâu đâu ấy, còn thân mày còng tay và sắp sửa lại ăn đòn.

Anh ngẩng lên nhìn nó, nói ngay:

- Tao khác bọn mày, tao không thể cúi đầu sống yên thân trong khi bọn Mỹ mang bom đạn sang giết hại nhân dân tao.

Anh ngồi dựa vào thành giường, vẻ mặt rất bình thản như không có mấy tên cảnh sát đứng vây quanh. Anh nhìn căn phòng nhỏ mà anh cùng thằng cháu đã góp dần gỗ, lá dựng lấy, lợp lấy cách đây hai năm. Anh nhìn tôi lâu, rất lâu. Hai mắt anh rất trìu mến, muốn nói gì với tôi, muốn an ủi tôi. Càng thấy anh thương tôi lúc này, tôi càng tự oán trách mình. Tôi ân hận vô cùng về nỗi thơ ngây, non nớt của tôi đã không hiểu anh, đôi lúc nghi ngờ lòng thủy chung của anh.

Sự việc đã quá rõ ràng trước mặt tôi: Anh đã hy sinh cả hạnh phúc riêng của anh, cả ngày cưới của anh để hoạt động cách mạng. Tôi đã hiểu tại sao trước đây anh lại ngỏ ý hoãn ngày cưới lại một thời gian nữa. Lúc đó nào tôi có nghĩ gì xa xôi được đâu, tôi chỉ cho là anh muốn bỏ tôi. Tôi đã gởi thiếp mời đi khắp họ hàng, bạn bè rồi, hoãn cưới thì sẽ nói với mọi người như thế nào để đỡ xấu mặt?

Anh cũng không đủ lý lẽ để thuyết phục tôi làm theo ý anh, anh ngồi lặng đi một hồi rất lâu, mãi anh mới nói lại với tôi: “Làm thế nào Quyên hiểu được anh lúc này? Thôi, vẫn cưới nhau như đã định, nhưng Quyên đừng nói oan cho anh, anh không hề bao giờ nghĩ tới bỏ em, anh yêu em lắm, hôm nay em vẫn còn bực anh, nhưng mai mốt thế nào cũng có lúc em hiểu anh”.

Bây giờ tới lúc tôi hiểu được anh thì anh đã bị bắt rồi. Ngồi trong góc căn phòng, tôi khóc hoài.


Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi (áo trắng). Ảnh: Tư liệu

Bọn dò mìn sục sạo khắp trong nhà lẫn ngoài sân khá lâu không tìm được chất nổ, chúng kéo nhau vào căn phòng, chúng đứng kín quanh anh. Tên chỉ huy hỏi trước:

- Cô có biết chồng cô cất giấu chất nổ ở đâu không? Có thấy nó chôn giấu, chôn giếm thứ gì quanh nhà này không?

Tôi vừa khóc vừa trả lời:

- Chồng tôi làm gì tôi không biết, tôi không hề thấy anh ấy chôn cất thứ gì cả.

- Cô không nói thì tôi đánh chết chồng cô ngay ở đây.

- Tôi không biết nên tôi không sao nói được.

Nó quay ra hỏi anh:

- Căn phòng này sẽ tiếp tục là phòng hạnh phúc của vợ chồng mày nếu mày khai nơi nào giấu chất nổ. Căn phòng này sẽ biến thành phòng tra tấn mày đến chết, nếu mày ngoan cố.

- Tao không biết chất nổ ở đâu cả.

Chúng ùa vào đánh anh, chúng dí điện vào người anh. Điện giật mạnh quá đến nỗi anh ngã ngửa ra giường, anh quằn quại. Tôi không còn ngồi yên được nữa, tôi cũng không còn sợ gì lúc này nữa, tôi lao tới định giữ tay mấy thằng ác ôn lại. Một tên cảnh sát đã nắm chắc tay tôi, nó kéo tôi lại, nó ấn vai tôi ngồi xuống ghế và đứng chặn trước mặt tôi. Tôi la ầm lên, chúng rút súng dọa bắn.

Ngừng tra tấn, chúng lại hỏi anh:

- Chất nổ ở đâu?

Anh ngồi dậy và không trả lời. Chúng hỏi tiếp:

- Chất nổ để đâu?

Anh vừa thở vừa nói to hơn trước:

- Tao đã trả lời tao không biết. Còn nếu chúng mày cố tình muốn biết, thì cứ đến nơi nào có bọn Mỹ ở tìm thì sẽ thấy chất nổ.

Lần này chính thằng chỉ huy xông vào đánh anh trước, nó giật chiếc gậy ở tay một thằng cảnh sát đánh trên khắp thân thể anh. Đánh anh xong từng trận, chúng hỏi anh tiếp. Gần một tiếng đồng hồ không tìm được tài liệu nào, tên chỉ huy ra lệnh cho bọn cảnh sát đưa anh đi nơi khác.

Anh đứng dậy một cách khó nhọc, anh nói to với tôi: “Quyên, đừng lo, ráng ở nhà cô cháu nuôi nhau”.

Áo anh tơi tả không còn một chiếc khuy nào nữa, ngực và mặt anh chỗ nào cũng rớm máu. Anh đi dần ra phía cửa, vẫn nhìn tôi và cố cười với tôi. Tôi giằng co trong tay thằng cảnh sát, cố nhoài ra gần anh thêm chút nữa. Mặc cho nó bóp cổ tôi, tôi vẫn cố la lên: “Anh Trỗi, em thương anh lắm! Anh Trỗi, em thương anh lắm!”.

[…]
Đường phố Sài Gòn lúc này thay đổi từng ngày một. Biểu tình cả về đêm nữa. Quanh nhà thầy u tôi, các anh em thợ sơn, phu khuân vác, xích lô, học sinh, công nhân nhà đèn, hãng đường… bỏ mọi công việc, trương biểu ngữ công khai đòi lật thằng Khánh, kéo nhau đi vây tổng hành dinh của nó. Chính Nguyễn Khánh đã ký giấy xử tử chồng tôi và bây giờ nó đang bị tất cả bà con cô bác trong thành phố lên án, chửi rủa.

Hồi còn bị giam, đôi lúc tôi được nghe mấy anh chị bàn chỉ cần hai triệu dân Sài Gòn vùng lên nữa là bên trong đánh, bên ngoài đánh, thế nào cũng kết thúc nhanh số phận chúng nó.

[…]

Tôi lo lắng không biết tới khám Chí Hòa lần này nữa có gặp được anh không? Hay chúng cứ chỉ cho tôi đi hết nhà tù này sang nhà tù khác, trong khi chúng đã giết anh mất rồi. Tôi tới văn phòng khu giam những người tử hình đưa giấy tìm anh. Tôi đang nóng lòng đợi một tên cảnh sát trả lời thì bỗng có tiếng gọi lớn: “Quyên ơi, Quyên, Quyên!” […]


Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi và vợ. Ảnh: Tư liệu

Đúng ba giờ chiều tôi vào thăm anh. Trong phòng đợi của những người bị tử hình, anh đã đợi tôi từ lâu. Ngồi cạnh anh là một người bạn tù đã dìu anh từ trên tầng lầu thứ ba xuống. Một tên cảnh sát ngồi trước một bàn con cách anh độ bốn năm thước; thoáng thấy tôi, người bạn anh đứng dậy đi ra phía cửa. Anh nhìn tôi, anh ngồi thẳng người hơn, tay không chống xuống ghế nữa, anh mặc áo sơ mi trắng, quần xà lỏn sọc.

Tôi cố cầm chiếc giỏ quà bánh để khỏi buông rơi. Tôi cố gắng làm như các anh chị trong tù vẫn căn dặn: phải biết chịu đựng, khóc lóc nhiều chỉ làm đau thêm người thân. Tôi cũng mong những ngày cuối cùng của anh, anh không còn phải bận tâm lo lắng quá về tôi.

Nhưng nước mắt vẫn chảy ròng ròng trên má, thấm vào miệng tôi. Tôi định gọi anh nhưng cổ tắc nghẹn. Tôi mím chặt môi để khỏi òa lên khóc. Cứ thế tôi đến bên anh không nói được lời nào. Anh giơ hai tay ra đón tôi, anh nắm chặt hai cánh tay tôi, kéo xuống ngồi bên anh trên một chiếc ghế dài. Tôi gục đầu vào vai anh và lúc này tôi không nín được nữa. Tôi định nói, nhưng ngay gọi đến tên anh thôi cũng không nổi, tôi khóc chết lặng trên vai anh. Anh nhè nhẹ vuốt tóc tôi, một lúc sau anh mới hỏi:

- Chắc em ở nhà coi báo, em khóc nhiều lắm phải không?

Tôi nức nở nói không thành tiếng nữa:

- Thấy tin như thế thì em yên sao được. Cô bác cũng khóc đến báo tin đông lắm. Em chạy đi tìm anh mấy ngày nay. Thầy đã làm đơn đi thuê luật sư xin ân xá cho anh.

Anh tỏ vẻ không hài lòng, anh nói:

- Đừng mướn luật sư, tốn tiền vô ích.

Vừa lau nước mắt cho tôi, anh vừa hỏi:

- Vì anh mà em bị khổ lây, em có oán trách anh nhiều không?

[…]

Tôi lấy cam định bóc cho anh ăn, anh giữ tay tôi lại, nói:

- Để lúc khác ăn, gặp em ở đây không được bao lâu, anh muốn căn dặn em một số việc. Dạo chúng đưa anh vào nhà giam tổng nha, các anh tù đã nói với anh đầy đủ những gì em nhắn anh. Các anh còn kể lại là em tiến bộ, biết nghe lời các anh các chị, hiểu được thêm nhiều. Anh mừng lắm. Lúc nào anh cũng hy vọng tìm cách thoát nhà giam của chúng, nhưng cũng phòng xa có khi địch nó liều lĩnh… Nếu không may xảy ra việc đó mà phải xa anh, em ráng theo các anh các chị ấy tham gia hoạt động. […]

Thằng cảnh sát cắt ngang câu chuyện chúng tôi, nhắc đã hết giờ. Tôi đỡ anh đứng lên, hai tay tôi vẫn nắm chắc cánh tay anh. Tôi cảm thấy như rời anh lúc này có thể mãi mãi không còn bao giờ trông thấy anh nữa. Tôi cố hỏi anh một câu cuối cùng:

- Em có còn được gặp anh lần nữa không?

Anh ôm gọn tôi trong tay anh, anh hôn tôi. Hai má của anh ướt những nước mắt của tôi. Anh nhìn tôi, nói:

- Chắc là được gặp lần nữa. Em cứ tin như thế.

Anh gỡ đầu tôi, hai tay tôi còn nắm chắc vai áo anh, anh vuốt lại mái tóc tôi, anh khuyên tôi:

- Em ráng sống như các chị trong tù, ráng chịu đựng. Ráng vui lên!

Tôi đưa anh tới đầu phòng, đứng nhìn người bạn tù dìu anh rẽ khuất sang phía cầu thang lên tầng lầu ba tôi mới về.

Tôi mong cho chóng đến ngày 30/8. Không biết lần gặp tới có phải là lần cuối cùng của chúng tôi không? Tôi chuẩn bị sớm mọi thứ cần dùng cho anh. Tôi thêu trên tất cả quần áo, ba lô tên hai chúng tôi, khắc tên cả trên đôi đũa, chiếc ca nhựa. Tôi nhớ tất cả những bài thơ các anh các chị trong tù dạy tôi. Tôi chọn một bài mà tôi thích nhất, thêu trên một chiếc khăn tay mang tặng anh.

Chắc anh ngạc nhiên lắm, khó tưởng tôi thêu nổi. Thêu xong, tôi mang chiếc khăn về nhà thầy u tôi, nhờ máy viền bốn góc khăn. Em tôi mang bốn câu thơ đọc cho thầy tôi nghe:

Dù cho sông gió bão bùng
Lòng em vẫn giữ thủy chung vẹn toàn
Cầu mong anh được bình an
Nước nhà thống nhất vinh quang anh về.

Khăn tay, kỷ vật của Anh hùng, Liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi.

[…]

Nguồn: Zing.vn - Trích sách "Sống như anh" 15:28 04/07/2019
Zing.vn - Trích sách "Sống như anh" 11:47 05/07/2019

0 nhận xét:

Đăng nhận xét