Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2020

NHỚ VỀ HAI ĐẠI ĐỘI TRƯỞNG PHÁO BINH - Fb Trần Tấn Lân

NHỚ VỀ HAI ĐẠI ĐỘI TRƯỞNG PHÁO BINH

Fb Trần Tấn Lân

Nguyễn Quang Vinh - 16/12/2020
Bài viết của một người bạn. Trong bài có đoạn nhắc đến liệt sĩ Nguyễn Tiến Quân K6.
Fb Trần Tấn Lân

Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Cuối tháng 5/1975, trung đoàn pháo binh 186, sư đoàn 312 nhận lệnh quay trở ra Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa đóng quân tại các doanh trại cũ.

Mới ổn định đơn vị đúng tròn tháng. 21h một ngày chủ nhật, tôi mới nằm xuống. Cơn bão số 5 ập tới, các dãy nhà lán của đại đội 1, tiểu đoàn 10 trên đồi cao tuy được chằng chống kỹ, nhưng vẫn có vẻ không chịu nổi. Gió cứ thổi mạnh dần, lại đổi hướng giật mạnh, mấy chiếc cột nhà to vặn vẹo kêu răng rắc ...Tiếng anh Cầu, trung đội trưởng hô to:

- Chạy ra ngoài, mau.

Tất cả chỉ kịp ôm ba lô và súng đạn vừa lao được ra ngoài, dãy nhà đổ sập xuống ngay sau lưng. Tối hôm đó, cả trăm cán bộ, chiến sỹ của đại đội ai cũng khoác trên người một tấm ni lông, ngồi co mình dưới mưa to, hứng từng đợt gió lạnh và đếm giờ chờ trời hửng sáng ...

Chỉ qua một đêm, toàn bộ doanh trại các đại đội bị bão san phẳng. Hàng ngày bộ đội phải dọn dẹp đống đổ nát đó, rồi đi khai thác vật liệu trong vùng về chuẩn bị làm lại nhà ở. Một bộ phận phải đi hơn 100 km, vào tận các huyện giáp Lào để khai thác gỗ. Nhà cửa, giường không có, cứ tối tối cùng leo lên mấy chiếc xe kéo pháo nằm "úp thìa" vào nhau ngủ.

Sức khỏe tôi giảm sút rõ. Do hệ lụy nhiều ngày chiến trường, một trận sốt rét rừng ác tính làm tôi hôn mê sâu, thân nhiệt lên đến 43 độ C, sa gan và lá lách. Trong đêm tôi được đồng đội đưa đi cấp cứu, điều trị từ bệnh xá trung đoàn lên bx sư đoàn, rồi đến bệnh viện quân y 111. Từ một thanh niên khỏe mạnh cân nặng 56 kg, nay còn 43 kg, gầy nhẳng, môi thâm đen, 2 con mắt trắng dã, già xọp đi hơn 10 tuổi.

Một tuần sau, tôi nghe tin đại đội trưởng đại đội 1 Trần Nhàn (là cháu gọi thượng tướng Trần Nam Trung bằng chú) cũng bị cơn sốt rét ác tính và rơi vào hôn mê, nhưng đã không qua khỏi. Anh đã ra đi trong khi toàn đại đội đang tập trung xây dựng doanh trại, và vợ anh - một cô giáo trẻ cùng quê ở Nghệ An mang bầu đứa con đầu lòng. Trước lúc tắt thở, tỉnh lại, mặc dù rất mệt nhưng anh vẫn bình tĩnh dặn những người ở lại:

- Hãy cố gắng phấn đấu giữ vững danh hiệu "đơn vị vững mạnh". Chào anh em tôi đi ...


Ảnh: Liệt sỹ Trần Nhàn (ngoài cùng, bên phải) tại căn cứ Lai Khê, Bến Cát, Bình Dương.

Cùng tiểu đoàn 10 còn có anh Nguyễn Tiến Quân, đại đội trưởng đại đội 2, con của trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, cựu tư lệnh bộ đội Trường Sơn, nguyên phó chủ tịch HĐBT. Anh là một sỹ quan vui tính, và khiêm nhường, nhưng rất quyết đoán. Anh vẫn luôn dành cho cánh lính trẻ Hà thành chúng tôi một tình cảm đặc biệt, bởi vì anh cũng là người Hà Nội.

Sáng ngày 17/2/1979, quân Trung Quốc xâm lược, đã nổ súng gây chiến tranh trên toàn tuyến 8 tỉnh biên giới phía Bắc.

"Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới. Gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới...". Bài hát của cố nhạc sỹ Phạm Tuyên sáng tác như tiếng kèn xung trận, thúc dục lòng người ra tiền tuyến chống quân xâm lược.

Trung đoàn 186, sư đoàn "thép" lại một lần nữa ra trận, đã có mặt trên mặt trận biên giới phía Bắc, sẵn sàng bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Buổi chiều cùng ngày, trong lúc chỉ huy đơn vị pháo bắn, giáng những đòn sấm sét vào đội hình "biển người", anh Quân cùng với một tân binh quê Hải Phòng bị trúng đạn bắn lén của thám báo địch, hy sinh anh dũng trên trận địa của mình, khi anh mới 26 tuổi đời./.

Ảnh: Liệt sỹ Nguyễn Tiến Quân

Sài Gòn, ngày 17.2.2020

Trần Tấn Lân.
Nguồn: Nguyễn Quang Vinh >> BẠN NVT - 16/02/2020



NHỚ VỀ MỘT ĐẠI ĐỘI TRƯỞNG PHÁO

(Viết tặng bạn Nguyễn Quang Vinh, cựu học sinh trường Thiếu sinh quân)

Nguyễn Quang Vinh - 22/03/2020
Bài của một cậu bạn thời thiếu niên, cậu ấy là cấp dưới của anh Nguyễn Tiến Quân K6. Tôi copy nguyên si về BẠN NVT.
---------------------------------------

Tiểu đoàn 10 pháo phóng lựu cỡ nòng 122 ly, thuộc trung đoàn pháo binh 186 có anh Nguyễn Tiến Quân, con cố trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, cựu tư lệnh bộ đội Trường Sơn, nguyên phó chủ tịch HĐBT. Năm 18 tuổi có giấy báo thi đại học, nhưng anh giấu gia đình làm đơn xin nhập ngũ, vào học trường sỹ quan Pháo binh Sơn Tây. Tốt nghiệp ra trường, anh về làm đại đội phó đại đội 2. Sau khi tham gia chiến đấu ở B2 ra, anh được đề bạt giữ chức đại đội trưởng.

Anh là một sỹ quan trẻ vui tính và khiêm nhường nhưng rất quyết đoán, vẫn luôn dành cho cánh lính Hà Nội chúng tôi một tình cảm đặc biệt. Còn nhớ, cuối ngày huấn luyện kỹ thuật chiến đấu trước khi đơn vị đi B, anh và tôi nằm kề bên nhau trên bờ cỏ, giữa con đường làng đất đỏ và cánh đồng còn thơm mùi lúa mới gặt ngoài doanh trại. Ngửa mặt lên trời, đôi mắt dõi theo những áng mây lam chiều nhẹ trôi về phương Nam, nở nụ cười hiền hậu anh tâm sự:

- Là lính, một xanh cỏ, hai đỏ ngực!

Ngắn gọn chỉ có tám chữ thôi, nhưng tôi hiểu anh là một thanh niên có nghĩa khí, nên đã chọn cho mình con đường binh nghiệp, trong thời chiến tranh máu lửa đầy gian khổ, nguy hiểm. Anh cũng đã nghĩ đến ngày nào đó mình sẽ chết trên chiến trường, và khả năng này là nhiều hơn, hoặc nếu có sống sót quay về với huân chương chiến công trên ngực áo.

Đi B ra, tôi bị sốt rét ác tính nằm điều trị dài ngày, đến khi xuất viện sức khỏe yếu phải ra quân... Bẵng đi mấy năm, gặp lại anh em cùng đơn vị tôi được nghe họ kể chuyện về anh Quân:

Sau tuyên bố hống hách của Đặng Tiểu Bình: "Dạy cho Việt Nam bài học". Sáng ngày 17/2/1979 Trung Quốc đã bắn qua nhiều quả đạn pháo, gây chiến tranh trên toàn tuyến biên giới 8 tỉnh phía Bắc nước ta, đồng thời cho quân đội ồ ạt tràn sang xâm lược.

"Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới. Gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới...". Bài hát của nhạc sỹ Phạm Tuyên sáng tác như tiếng kèn xung trận, thúc dục người người cầm súng ra tiền tuyến chống quân xâm lược.

Trung đoàn 186, sư đoàn "thép" lại một lần nữa ra trận, đã có mặt trên mặt trận biên giới Lạng Sơn - Cao Bằng, sẵn sàng bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Buổi chiều cùng ngày, anh Quân đã chỉ huy đại đội pháo bắn, giáng những đòn sấm sét vào đội hình "biển người", đẩy lùi mấy đợt tấn công của quân địch. Từ thực tế chiến đấu và quan sát qua TZK (kính viễn vọng). Buổi tối, anh đã mạo hiểm, vượt qua hai quả đồi cao về tiểu đoàn bộ để báo cáo tình hình và lấy bản đồ, chuẩn bị cho phương án tác chiến mới do anh đề xuất:

- Bắn vào các trận địa pháo và sở chỉ huy của đối phương ở sâu phía sau.

Ngay trong đêm đó, trên đường quay lại trận địa, anh cùng một chiến sỹ quê ở Hải phòng đã không may rơi vào ổ phục kích của thám báo địch, trúng đạn trọng thương. Biết mình không qua được, anh kịp nhét tấm bản đồ đã đánh dấu tọa độ các mục tiêu bắn vào chiếc dày ủng ném xuống vực, quyết không để nó lọt vào tay quân địch...

Trung úy Nguyễn Tiến Quân đã hy sinh anh dũng năm 26 tuổi. Thi thể của anh được đơn vị nỗ lực tìm kiếm, thấy vào ngày hôm sau, tổ chức truy điệu trang nghiêm và đưa anh lên nằm yên nghỉ trên ngọn đồi thông lộng gió, nơi thấm đậm máu anh cùng nhiều chiến sỹ.

Vĩnh biệt anh, nhiều đồng đội đã không kìm nén được cảm xúc, bật khóc, nước mắt tuôn trào, chảy đầm đìa trên những khuôn mặt đen xạm, rắn rỏi./.

Sài Gòn, tháng 3/2020
Trần Tấn Lân CCB E186.


Nguồn: Nguyễn Quang Vinh >> BẠN NVT - 22/03/2020

0 nhận xét:

Đăng nhận xét