Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2020

Những kỷ vật của Anh hùng, Liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi hiện lưu giữ tại BTLSQG

Lê Thúy Hoàn

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam, ai cũng biết đến tấm gương của liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi và những câu nói bất hủ của anh trước pháp trường.

Tấm gương chiến đấu, hy sinh dũng cảm của liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi những lời ngợi khen dưới tấm ảnh chụp trước khi anh bị xử bắn:
"Vì Tổ quốc, vì nhân dân, liệt sĩ Nguyễn văn Trỗi đã anh dũng đấu tranh chống đế quốc Mỹ đến hơi thở cuối cùng.

Chí khí lẫm liệt của anh hùng Trỗi là 1 tấm gương cách mạng sáng ngời cho mọi người yêu nước - nhất là cho các cháu thanh niên học tập!

Bác Hồ"

Anh hùng,Liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi trước giờ xử bắn tại pháp trường Sài Gòn, ngày 15-10-1964.

Gương hy sinh dũng cảm của liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi đã được nêu rõ trong tác phẩm "Sống như anh" do Nhà Xuất bản Thanh niên xuất bản. Cuốn sách đã thu hút đông đảo người đọc đặc biệt là thanh niên.

Anh Trỗi hy sinh anh dũng đã 53 năm qua (năm 1964), nhưng những bài viết ca ngợi anh - một con người đầy lòng nhân ái và vô cùng dũng cảm vẫn xuất hiện thường xuyên trên rất nhiều báo chí. Hàng năm đến ngày giỗ của anh, khắp nơi vẫn vang vọng bài hát ca ngợi anh. Tất cả những điều đó đã chứng minh cho nhận định của Nhà thơ Tố Hữu:
"Có cái chết hoá thành bất tử
Có những lời hơn mọi bài ca
Có những con người do chân lý sinh ra
Nguyễn Văn Trỗi
Anh đã chết rồi
Anh còn sống mãi
Chết như sống anh hùng vĩ đại…"
Gắn bó với cuộc đời anh là chị Phan Thị Quyên - người vợ trẻ đã chung sống hạnh phúc với anh trong thời gian ngắn ngủi chỉ nửa năm trước khi anh hy sinh. Nhưng quãng thời gian ngắn ngủi 6 tháng gắn bó với anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã để lại trong chị vô vàn kỷ niệm thân thương đầy xúc động. Chính chị là người đã lưu giữ những kỷ vật của anh hùng Nguyễn Văn Trỗi trong những năm tháng ác liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ, để sau đó tất cả những kỷ vật đó được đưa về Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia), trở thành những hiện vật quý của Bảo tàng.

Nhóm kỷ vật của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi gồm 12 hiện vật, gồm: 01 cây đàn măngđôlin, 01 chiếc khăn tay do chị Phan Thị Quyên thêu tặng chồng trong thời gian anh bị giam giữ tại nhà lao Chí Hoà và 10 bức thư do anh Trỗi viết từ nhà lao gửi ra cho vợ và người thân.

Thư, Anh hùng, Liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi gửi từ trong nhà giam về cho vợ là Phan Thị Quyên và gia đình, năm 1964.

Nhóm kỷ vật này được đưa đến Bảo tàng không cùng một thời điểm mà thông qua những con người khác nhau, ở những thời điểm khác nhau.

Năm 1965, gần một năm sau ngày anh Nguyễn Văn Trỗi hy sinh, chị Phan Thị Quyên đã giao cho đồng chí Tư Lâm - người phụ trách Ban Tuyên huấn của vùng giải phóng 01 chiếc khăn tay và 10 bức thư của liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi. Sau đó đồng chí Tư Lâm đã nhờ nhà thơ Bảo Định Giang ra miền Bắc công tác, đem đến tặng Bảo tàng Cách mạng Việt Nam toàn bộ số kỷ vật trên. Thay mặt cho Bảo tàng, Phó Giám đốc Trần Văn Trinh đã đích thân tiếp nhận. 10 bức thư có nội dung ngắn gọn nhưng không chỉ thể hiện tình cảm sâu sắc của anh Trỗi đối với vợ và người thân mà còn thể hiện tình cảm và trách nhiệm của anh đối với vận mệnh của nước nhà. Riêng chiếc khăn tay là kỷ vật quý giá gắn bó với anh chị trong những ngày gia đình bị chia cách trong cảnh tù đày. Sau sự kiện cầu Công Lý, địch bắt giam anh Trỗi tại nhà lao Chí Hoà, chị Quyên đã làm chiếc khăn này để gửi vào nhà lao nhằm động viên và hứa hẹn với anh. Chiếc khăn thêu 4 câu thơ:

Dù cho sóng gió bão bùng
Lòng em vẫn giữ thủy chung vẹn toàn
Cầu mong anh được bình an
Nước nhà thống nhất, vinh quang anh về
Anh Trỗi nhận được khăn, xem xong, thuộc bài thơ rồi anh gửi tặng lại chị chiếc khăn vì anh nghĩ nếu anh hy sinh sẽ không giữ được.
Khăn tay, kỷ vật của Anh hùng, Liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi.

Còn chiếc đàn măngđôlin - một nhạc cụ mà anh Nguyễn Văn Trỗi dùng từ thời thanh niên được phái đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tại miền Bắc trao tặng cho Bảo tàng Cách mạng Việt Nam tháng 10-1967. Lúc đó, chiếc đàn bị hỏng nặng do giặc Mỹ đập phá khi chúng đến khám nhà của anh sau sự kiện cầu Công Lý. Đây là kỷ vật mà chị Phan Thị Quyên đã gửi được lên căn cứ, và từ căn cứ cây đàn được chuyển ra cho phái đoàn đại diện thường trực Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tại miền Bắc. Sau cả một chặng đường dài trong khói lửa chiến tranh, cây đàn đã đến đúng địa chỉ là Bảo tàng Cách mạng Việt Nam vào ngày 14/10/1967.

Đàn măngđôlin, kỷ vật của Anh hùng, Liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi.

Ngay sau khi nhận được một hiện vật quý giá như vậy, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam đã có công văn gửi Xưởng Nhạc cụ Việt Nam thuộc Bộ Văn hoá (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) đề nghị giúp Bảo tàng tu sửa cây đàn. Xác định đây là một nhiệm vụ thiêng liêng, Xưởng Nhạc cụ Việt Nam đã cố gắng phục dựng cây đàn theo đúng thiết kế ban đầu của nó và hoàn thành vào ngày 19/12/1967 để kỷ niệm ngày Toàn quốc kháng chiến. Trong hồ sơ của nhóm hiện vật của anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi, hiện còn lưu bản Báo cáo của Xưởng Nhạc cụ Việt Nam về việc tu sửa cây đàn.

Hành trình của những kỷ vật trên diễn ra trong thời kỳ chiến tranh vô cùng ác liệt, khi mà chị Phan Thị Quyên đang hăng say hoạt động trên chiến trường R, do vậy chị không hề có thông tin gì về những kỷ vật của mình và anh Trỗi. Cho đến khi báo Lao động số ra ngày 6/7/2005 đăng bài "Chim Quyên trỗi giọng", trong đó chị Quyên bày tỏ niềm băn khoăn của mình về những kỷ vật của anh, chị. Các cán bộ làm công táckiểm kê-bảo quản, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam đã gửi thư tới Quý báo để thông báo về địa chỉ lưu giữ, bảo quản, trưng bày những hiện vật quý này.

Trong dịp ra thủ đô Hà Nội để trao học bổng mang tên Nguyễn Văn Trỗi, vào ngày 16/11/2005, chị Phan Thị Quyên đã đến Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Tại đây đã diễn ra một cuộc gặp mặt đầy cảm động giữa chị và Ban Giám đốc, các cán bộ chuyên môn của Bảo tàng. Trong niềm xúc động, chị Phan Thị Quyên đã kể lại những kỷ niệm sâu sắc giữa chị và anh hùng Nguyễn Văn Trỗi. Theo lời kể của chị, anh Trỗi và chị mới cưới nhau được 19 ngày thì anh bị bắt. Trong một lần chị vào thăm anh ở trong nhà tù, anh đã kể cho chị nghe về việc anh nhận nhiệm vụ giết MacNamara. Chính những ngày anh, chị chuẩn bị làm đám cưới cũng là những ngày anh đang chuẩn bị cho kế hoạch thực hiện nhiệm vụ nguy hiểm này. Nhưng những người thân của anh trong đó có cả chị đã không thể biết được nhiệm vụ nặng nề mà anh được cấp trên tin tưởng giao phó.

Chị Quyên đã tham quan hệ thống trưng bày của bảo tàng, chiêm ngưỡng lại cây đàn măngđôlin của anh và chiếc khăn tay chị thêu tặng anh, giành thời gian để đọc lại toàn bộ những lá thư mà anh đã viết cho chị và người thân trong thời gian anh bị giam giữ trong nhà tù. Chị Quyên rất vui mừng, tin tưởng vào Bảo tàng vì những kỷ vật của anh chị đã được Bảo tàng trưng bày, lưu giữ cẩn trọng, mang lại nhiều ấn tượng sâu sắc đối với khách tham quan về chí khí cách mạng, tinh thần chiến đấu của anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi.
Thiếp cưới của anh Nguyễn Văn Trỗi và chị Phan Thị Quyên, năm 1964.

Chỉ 10 ngày sau khi chị Phan Thị Quyên trở về thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam đã nhận được 05 bức ảnh chụp đám cưới và tấm thiếp mời đám cưới của anh chị do chị gửi ra. Chị cũng hứa sẽ tiếp tục trao tặng cho Bảo tàng những bức thư của bạn bè trong nước và quốc tế gửi tới chị, ca ngợi tấm gương hy sinh của anh Trỗi và chia sẻ, động viên chị sau khi anh Trỗi đã hy sinh.

Hy vọng sưu tập hiện vật về liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi sẽ ngày càng phong phú, tiếp tục phát huy giá trị để chí khí cách mạng của những người cộng sản như Anh mãi mãi bất tử./.

Lê Thúy Hoàn

(BBT giới thiệu)

Bảo tàng Lịch sử quốc gia
Nguồn: BẢO TÀNG LỊCH SỬ QUỐC GIA - 23/07/2017

0 nhận xét:

Đăng nhận xét