Giới thiệu sách: Mưa đỏ
Cuốn sách: Mưa Đỏ của tác giả đại tá, nhà văn Chu Lai, là một nén tâm nhang kính tặng hương hồn Liệt sĩ Vũ Kiên Cường cùng những đồng đội đã ngã xuống trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Sách do Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2017.
Nếu trong guồng máy chiến tranh có những địa danh, những vùng đất bỗng dưng phải oằn lưng gánh chịu cả sức nặng của cuộc chiến như một sự ngẫu nhiên, thì đó chính là Thành cổ Quảng Trị. Với cuộc chiến tàn khốc 81 ngày đêm của mùa hè đỏ lửa năm 1972, Thành cổ Quảng Trị đã đi vào lịch sử dân tộc như một khúc tráng ca bi hùng. Một phần cuộc chiến đã được tái hiện và khắc họa qua những tác phẩm văn chương như những lời nhắc nhủ thế hệ mai sau để có hòa bình hôm nay, cha ông chúng ta đã phải hy sinh, chiến đấu, đánh đổi cả máu xương của mình như thế nào.
Phần mở đầu là không khí của một buổi hòa nhạc trong ngày đất nước hòa bình. Bản giao hưởng hợp xướng ấy đã được vang lên trong nhà hát lớn Hà Nội. Bản nhạc như một âm hưởng tha thiết chạy dài cuộc chiến, thức dậy trong lòng người những cảm xúc bồi hồi khác lạ. “Đó là những giai điệu về chiến tranh, về khát vọng yên hàn, về sự mất mát và lòng kiêu hãnh, về tình yêu và sự chia ly, về cái lãng mạn và điều trần trụi, về cái nhất thời và vĩnh cửu của cuộc đời...”. Có lẽ trong mọi sự ám ảnh, thì ám ảnh về chiến tranh là sự ám ảnh ghê gớm nhất. Một ám ảnh màu xám, khắc khoải, giày vò, giằng xéo, vỡ vụn.
Với gần 400 trang sách, bằng cách kể chuyện chân thực, từ ngữ khúc chiết, mạch lạc, tình tiết quá khứ, hiện tại đan xen, tác giả đã đưa người đọc trở về những ngày hè đỏ lửa năm 1972 ở Thành Cổ, Quảng Trị. Ở đó có một cuộc chiến tàn khốc mang tính hủy diệt đang diễn ra. Sự chết chóc, đau thương bao trùm trên từng tấc đất. Đến không khí cũng đặc quánh mùi tử khí. Ở đó có một tiểu đội 7 người lính có nhiệm vụ trấn giữ một góc của Thành cổ. Họ đến từ bảy miền quê khác nhau, nghề nghiệp khác nhau: họa sĩ, nhạc sĩ, nông dân, thợ điện…tính cách, nỗi niềm tâm trạng khác nhau, nhưng cuộc chiến đã gắn kết họ lại trong một gia đình. Họ có khát vọng của tuổi trẻ, tình yêu và những cảm xúc rất đời thường. Không ai trong họ muốn chết, muốn trở thành anh hùng, nhưng khi tổ quốc cần, họ sẳn sàng hy sinh mạng sống của mình. Họ hiểu rằng cái chết của họ có ý nghĩa lớn lao, cao cả, góp phần cho đất nước mau chóng đến gần ngày hòa bình, thống nhất. Có một mặt trận đấu tranh trí lực cân não không kém phần ác liệt, gay cấn trên mặt trận ngoại giao đang từng giờ, từng phút chờ đợi tin tức từ cuộc chiến. Một sự đánh đổi quá đắt. Phải nhất thiết đổ máu xương hàng vạn con người vô tội mới làm thay đổi được cục diện trên bàn đàm phán, mới có được một hiệp định hòa bình. Một sự vô cảm tàn nhẫn đến ác độc trong cách hành xử của các nước lớn.
Đọc Mưa đỏ, chúng ta càng hiểu thêm về những góc khuất đằng sau cuộc chiến. Về những nỗi đau mà phận người phải chịu. Đó là tình yêu thương, nỗi đau của hai người mẹ khi mất đi đứa con trai duy nhất. Đó là lòng trắc ẩn của những người lính trên chiến trường, khi đối mặt với kẻ thù: “Phải chứng kiến một người lính phía bên kia vỡ toác sọ, óc bắn ra cỏ như những miếng đậu phụ vương ngoài cửa chợ dưới luồng đạn của mình, con bỗng thấy hụt hẫng thế nào? Rồi người lính bên con cũng vậy, thịt xương giắt vào xích xe như giắt vào lưỡi dao găm băm thịt ở nhà… Dù ở hai chiến tuyến khác nhau, hầm hè sát hại nhau nhưng nếu phải ngã vào lòng đất thì câu cuối cùng của cả hai bên bao giờ cũng là hai tiếng: Mẹ ơi”.
Xét cho cùng, dù là ai, ở bên nào cuộc chiến, họ cũng là con người bằng xương, bằng thịt. Họ có gia đình, vợ con, người yêu, có ước mơ và lòng trắc ẩn, họ không có hận thù gì với nhau.... Nhưng quy luật của chiến tranh, quy luật sống còn bắt buộc họ phải làm phận sự của người lính là phải nổ súng để tiêu diệt đối phương. Chiến tranh là vậy: tương tàn, đổ nát, khổ đau và nước mắt. Mất mát đau thương không chỉ của riêng ai. Khi chiến tranh qua đi, ký ức đau thương, cả những nỗi buồn ẩn ức vẫn còn đâu đó trong tâm khảm của nhiều người.
Cái chết của những người lính hy sinh vì sự hòa bình, thống nhất của Tổ quốc đã trở thành bản giao hưởng bất diệt. “Bản giao hưởng của lòng kiêu hãnh, của sự hòa hợp, của khát vọng hòa bình mà Liệt sĩ Vũ Kiên Cường một sinh viên nhạc viện đã lấy máu của mình viết nên: Bản giao hưởng trong mưa. Mưa máu. Mưa Đỏ….”
Sách có tại Thư viện tỉnh Quảng Trị
Mưa đỏ là tiểu thuyết sử thi của nhà văn Chu Lai. Tiểu thuyết lấy bối cảnh chính là 81 ngày đêm huyết chiến bảo vệ Thành cổ Quảng Trị mùa hè rực lửa năm 1972. “Đáy sông Thạch Hãn đâu chỉ có “bạn ta nằm” mà còn có cả những đồng loại nhưng không đồng chiến tuyến nằm” - nhà văn Chu Lai chia sẻ tại buổi giao lưu. Chủ ý của nhà văn khi viết cuốn sách này là muốn trình hiện thêm một tiếng nói quyền lực của văn chương, trong việc lay thức con người nỗ lực phòng tránh chiến tranh cũng như hòa hợp, hòa giải dân tộc, chiến truyến.
“Mưa đỏ” là ký ức lương thiện của một thế hệ “đem thân xơ xác giữ sơn hà”, là một tác phẩm ghi dấu sự thành công mới của Chu Lai, chứng tỏ sự trường sức, trường vốn của nhà văn này, khẳng định độ phong nhiêu của đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng.
Tác giả Chu Lai
Ngày xuất bản 01-2016
Kích thước 13.5 x 20.5 cm
Nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân
Loại bìa mềm
Số trang 360
Nguồn: tve-4u - 27/6/2019 “Mưa đỏ” là ký ức lương thiện của một thế hệ “đem thân xơ xác giữ sơn hà”, là một tác phẩm ghi dấu sự thành công mới của Chu Lai, chứng tỏ sự trường sức, trường vốn của nhà văn này, khẳng định độ phong nhiêu của đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng.
Tác giả Chu Lai
Ngày xuất bản 01-2016
Kích thước 13.5 x 20.5 cm
Nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân
Loại bìa mềm
Số trang 360
0 nhận xét:
Đăng nhận xét