Chiến tranh đã lùi xa đã gần 40 năm, thế nhưng nhiều liệt sĩ vẫn nằm lại đâu đó trên khắp các chiến trường, đặc biệt là nơi nước bạn Campuchia. Ngoài sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước để đưa các anh về với quê hương đất mẹ, hiện còn có rất nhiều những tấm gương tình nguyện tham gia trên lĩnh vực này. Họ không những bỏ công sức, thời gian mà còn tự trang trải mọi chi phí để tìm kiếm thông tin, lặn lội khắp các miền quê tìm đồng đội cũ để "giải mã" nhiều câu hỏi để có được câu trả lời: nơi an táng của các liệt sĩ hiện ở đâu, bao giờ?
Trong nhiều năm qua, chỉ tính riêng các CCB của Sư đoàn 1 hiện ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam bộ, kể cả ở phía Bắc có hàng trăm người tham gia việc công tác này. Họ đã tìm kiếm, tham gia cất bốc hàng trăm bộ hài cốt đưa về yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ, số khác được kết hợp cùng gia đình đưa anh em về với quê hương.
Trong số các CCB ấy có CCB Võ Hồng Kỳ (Bảy Kỳ) năm nay đã trên 60 tuổi, hiện ở TP. Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long, nguyên là cán bộ hậu cần của Sư đoàn 1 (giai đoạn 1970-1973). Năm 2001 ông Kỳ nghỉ hưu cũng là lúc ông tham gia tìm kiếm đồng đội. Ông chia sẻ, lúc đầu ông cũng chỉ định đi tìm người liệt sĩ đồng hương Nguyễn Hoàng Khải, hy sinh ngày 15/5/1972. Thế nhưng, khi ông tình nguyện tham gia vào cùng Đội quy tập hài cốt liệt sỹ K92 của Quân khu 9, mới biết vẫn còn nhiều đồng đội đang nằm lại nước bạn Campuchia, và như một cái “duyên”, ông trở thành thành viên tình nguyện của Đội từ lúc nào chẳng biết. Từ năm 2001 đến nay, cứ đến mùa khô của là ông lại ở cùng Đội K92 sang Campuchia để tìm kiếm, cất bốc và đội đã qui tập được hơn 1.500 hài cốt liệt sĩ đưa về nước. Được hỏi, điều gì đã thôi thúc ông gắn bó với công việc tình nguyện này, ông bộc bạch: "Những anh em hy sinh vào các năm 1972-1973 đều ở tuổi mười chín đôi mươi và hầu hết từ miền Bắc vào. Đáng ra họ đã phải được yên nghỉ tại quê nhà! Hơn 40 năm rồi còn gì! Các bà mẹ ngoài ấy vẫn khắc khoải mong chờ, thương các mẹ quá đi thôi".
Theo ông Bảy Kỳ, trong suốt thời gian tham gia tìm kiếm và qui tập hài cốt liệt sĩ đã để lại trong ông một kỷ niệm sâu sắc, đó là tấm lòng của người mẹ Campuchia, Dì Pô.
Ông kể, trung tuần tháng 5/1972, một đoàn cán bộ hậu cần của Sư 1 đi chuẩn bị chiến trường. Khi từ Campuchia vượt kênh Vĩnh Tế về Hà Tiên, đoàn có 17 người, bị dính mìn và bị pháo hy sinh gần hết (chỉ một người bị thương nặng còn sống). Mặc dù biết chắc là địa điểm mai táng bên cạnh chùa Play Mia, thế nhưng ông cùng một số đồng đội từ Việt Nam qua tìm kiếm, đào bới nhiều lần mà vẫn chưa tìm được (vì không có sơ đồ mộ chí). Mãi đến đầu năm 2013, sau một lần tìm kiếm thất bại, trở về nghỉ ngơi tại Phum Bàn Tây Mia thì một người phụ nữ khoảng 80 tuổi tự giới thiệu là Dì Pô đến trước mặt Bảy Kỳ khoát tay và đi một mạch ra hướng bắc chùa chỉ gò đất nơi mai táng 16 liệt sĩ bộ đội Việt Nam, sau đó chỉ vào một trong 16 ngôi mộ và nói: “Đây là ông lớn (lục thum), bác sĩ, viện trưởng bệnh viện gì đó”. "Tôi cảm thấy như nghẹt thở và thốt lên: Anh Chín đây rồi, anh Chín ơi, em đây, thằng Kỳ em của anh đây. Hôm nghe tin anh hy sinh, bọn em đang chuẩn bị “xuống đường”, ai cũng xót xa mà không làm sao được”. Bảy Kỳ nói trong nghẹn ngào và kể tiếp: "Dì Pô kể là hôm tham gia mai táng cùng bộ đội Việt Nam có 4 người Campuchia, nay chỉ còn lại một mình Dì Pô. Dì đã trăn trở suốt 7 năm, hôm nay mới nói lên tất cả. Cảm ơn Dì, cảm ơn người mẹ Campuchia ..."
Hai ngày sau (13/4/2013), Bảy Kỳ tiếp tục theo chân Đội K92 trở lại Play Mia tiến hành cất bốc hài cốt của 16 liệt sĩ đưa về nước. Sau đó làm mọi thủ tục để giám định ADN và kết quả của giám định hoàn toàn trùng khớp: Đúng là hài cốt của liệt sĩ Nguyễn Hoàng Khải ...
Một CCB khác tại TP Hồ Chí Minh tham gia việc thiện nguyện bằng cả tấm lòng. Với chiếc xe máy cà tàng, gần 10 năm qua ông đã tìm đến các gia đình để chắp nối các thông tin về các liệt sĩ đã chiến đấu cùng ông (d6, e46, f1) và nằm lại nơi chiến trường Hà Tiên những năm 1973-1974. Đó là CCB Nguyễn Văn Tâm, hiện ở P.11, Quận 10, TP HCM. Ông Tâm có thời gian chạy xe ôm để kiếm sống. Thế nhưng, gom góp, dành dụm được bao nhiêu ông lại để dành cho những chuyến đi Hà Tiên để tìm kiếm đồng đội. Sau hàng chục lần lên xuống, ra Bắc vào Nam ông đã chắp nối thông tin cho hàng chục gia đình liệt sỹ và tham gia cùng Đội K92 cất bốc 23 hài cốt liệt sĩ đưa về quê nhà. Thậm chí, có gia đình chỉ vỏn vẹn còn 200 ngàn đồng, ông Tâm phải vận động bạn bè, các thành viên trong đoàn lo được đủ tiền xe cho thân nhân vào đưa hài cốt của liệt sĩ về quê trước sự cảm mến của chính quyền địa phương và thân nhân các gia đình liệt sĩ. Điều đáng trân trọng hơn là ông Tâm chưa hề nhận bất cứ của ai một đồng nào. Ông bộc bạch: "Người mẹ đã mất con, vợ mất chồng, anh mất em, con mất cha là một tổn thất không có gì bù đắp được, làm sao mình đang tâm nhận tiền của các mẹ, các chị, các cháu?".
Liệt sĩ Võ Nguyên Trọng được CCB Nguyễn Duy Quyết (giữa) cung cấp thông tin và được đưa về quê 30/12/2011
Một điển hình khác, đó là tấm lòng và sự tri ân của CCB, thương binh Nguyễn Duy Quyết sinh năm 1949, hiện ở 246 Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Nhập ngũ năm 1966 (nghỉ hưu 1993), Nguyễn Duy Quyết đã công tác và chiến đấu trong đội hình sư đoàn 1 từ 1966 đến 1973. Từ công tác quân lực, chính sách cấp tiểu đoàn đến sư đoàn trong một thời gian khá dài đã tạo cho ông một ý thức ghi chép và lưu trữ số liệu vào hồ sơ, sổ sách. Cũng chính từ những thông tin này đã giúp ông tìm kiếm được nhiều “đồng đội”. Lý giải của việc tìm kiếm này, ông Quyết chia sẻ: người anh trai của của ông cũng là liệt sỹ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mà đến nay vẫn anh trai ông vẫn chưa trở về. Bởi vậy, ông thấu hiểu nỗi đau, sự mất mát của những gia đình, thân nhân liêt sỹ. Thêm vào đó, mỗi lần gặp gỡ các gia đình liệt sỹ, có bà mẹ thổn thức hỏi ông: “Sao con tôi đi mãi, đợi mãi chẳng thấy về?”, "Bác tìm đưa em nó về cho tôi được không?". Mỗi lần như thế, Nguyen Duy Quyết lại thấy tim mình nhói đau và cảm giác như có lỗi với thân nhân các gia đình có con chưa trở về.
Kể về hành trình của mình suốt thời gian qua, ông Quyết cho biết: “Năm 1993 tôi được nghỉ hưu và bắt đầu tham gia vào công việc tìm kiếm đồng đội. Đầu tiên, tôi tìm lại tài liệu mà mình đã giữ được, sau đó tôi đến phòng chính sách của các Quân khu và đơn vị để lấy tư liệu. Điều quan trọng là phải tìm và đối chiếu từng danh sách liệt sỹ với bản đồ mộ chí của từng trận đánh, của từng đơn vị, tiếp đó đi khảo sát tại các địa điểm theo sơ đồ mai táng ở các vùng chiến sự năm xưa…”.
Với 2.000 bức thư, hàng nghìn cuộc điện thoại được gửi đến các gia đình, với hơn 300 ngôi mộ đã xác định được danh tính và đã được trở về quê mẹ, đó là những giọt mồ hôi và tấm lòng của ông Quyết được gửi gấm trong đó. Bù lại, khi mỗi "đồng đội" được trở về quê mẹ đã cho ông một cảm súc chất chứa bao nghĩa tình. Ông bảo: "Trong hàng trăm ngôi mộ may mắn được tìm thấy ấy, có một trường hợp mà ông không bao giờ quyên được: liệt sỹ Trần Công Hoan cũng là đồng đội của ông cùng tham gia chiến đấu ở va hy sinh tại KiriVông, tỉnh Tà Keo, Campuchia. Khi mai táng, thi hài anh được đặt lên một cánh cửa có chiếc móc xoắn và chôn ngay bậc tam cấp gần đường lên xuống cổng chùa Sôm. Năm 2006 quay lại tìm, ngôi chùa năm xưa đã bị Pôn Pốt phá sạch chỉ còn trơ lại nền khu chùa. Sau khi lục lại trí nhớ và định vị lại nơi chôn cất, ông Quyết đã tìm được hài cốt của đồng đội mình với những hiện vật được chôn theo anh, trong đó có bức ảnh người yêu của Hoan vẫn còn nguyên vẹn. Chỉ tiếc rằng, khi tiếp súc với ôxy, bức ảnh tan ra từng mảnh nhỏ rồi vỡ vụn".
Với những đóng góp của mình, CCB Nguyễn Duy Quyết đã được tặng thưởng nhiều bằng khen của Hội Cựu chiến binh Tỉnh ủy Thái Nguyên, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ. Nhưng vui mừng và cảm động nhất là hàng trăm bức thư của các thân nhân liệt sỹ gửi đến ông với một sự tri ân chân thành của thân nhân các gia đình liệt sĩ.
Và, mới đây thôi, ngày 20/12, CCB Nguyễn Duy Quyết nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt của hơn 300 CCB, thành viên Ban LLTT Sư đoàn 1 tại buổi họp mặt truyền thống của sư đoàn về những việc làm thiện nguyện của mình.
HÀ SƠN
Nguồn: Hội Cựu chiến binh TP.HCM - Thứ sáu, 23 Tháng 1 2015 13:43.