Liệt sĩ Y Hòa - K7



Liệt sĩ Y Hòa
Học sinh khóa 7.
Sinh: 1954 tại Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk.
NR: Khu TT Ban Dân tôc TW, Dốc Ngọc Hà, 5B Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, HN.
Học sinh Lớp 10G Trường Phổ thông Cấp 3 Nguyễn Trãi, Hà Nội năm 1971-1972 (K22).
Nhập ngũ: 06/01/1972 (HT: 651091 IA01).
Chức vụ: Trung đội trưởng trung đội hỏa lực 12 ly 7.
Đơn vị: C16, D8, E209, F312.
Bia tưởng niệm các liệt sỹ Đồi Cháy
Hy sinh: 16/10/1972 (10/9 Nhâm Tý) tại Mặt trận Quảng Trị - đồi Cháy, thôn Như Lệ, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị.
Mộ tại: Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Đăk Lăk (đưa nắm đất về) - Chưa xác định được mộ phần.
Liên hệ gia đình: anh Y Nguyên (Võ Động Sơn) K5, Đại học Tây Nguyên, Plei-ku, Buôn Mê Thuột (0912609599); Hẻm 67/19 Hùng Vương, Tự An, Tp. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.


 ❀ ❀ ❀ ❀


Mời xem bài viết:
  1. Viếng liệt sỹ Y Hoà và đồng đội tại Đồi Cháy - Tue Nguyen Quang, 17/02/2020, Blog AHLS.
  2. Thông tin mộ Liệt sĩ Y Hòa Mlô Duôn Du K7 - TTh, 07/08/2018, Blog AHLS.
  3. Chuyện những “mộ gió”- Kiến Quốc, 22/7/2018, Blog AHLS.
  4. Danh sách liệt sĩ tại NTLS tỉnh ĐắkLắk (Phần3) - THÔNG TIN MỘ LIỆT SĨ TẠI NGHĨA TRANG LIỆT SĨ TỈNH ĐẮK LẮK - STT: 0360.
  5. 16-10 Nhớ bạn Y Hòa - Ngo Thai Hoa, 15/10/2014 - Blog K8.
  6. Ghé thăm bạn - ĐN.K7, 26/07/2012 - Blog K8.
  7. Đi thăm "di tích" các liệt sĩ Trỗi (cập nhật 22h46 27/5) - HữuThành.Nguyễn, 27/05/2012, Blog "Bạn Trỗi K4".
  8. Tưởng nhớ bạn Y Hòa K7 - Ngo Thai Hoa, 15/10/2011 - Blog K8.
  9. Lễ khánh thành Bia tưởng niệm các liệt sỹ Đồi Cháy - Nguyen Thi Thai, 22/10/2010 - Blog K8.
  10. Lá thư cuối của liệt sĩ Y Hòa gởi về gia đình. - dathb136, 30/7/2010 - Blog K8.
  11. Kỷ niệm không thể nào quên với những lính Trỗi anh hùng - Hồi ký Lê Việt Anh (bút danh của Ngô Thái Hòa Berlin, Đức), 27/7/2010 - Trang WEB NguoiViet.de.
  12. Bài báo viết về bạn của chúng ta. - 26/7/2010, Blog "Út Trỗi", dathb136 giới thiệu bài:   Gác bút nghiên lên đường chiến đấu của Phan Đức Tuấn, 25/07/2010 tại Báo điện tử Quân đội nhân dân.
  13. Gác bút nghiên lên đường chiến đấu - 26/7/2010, Blog K4 - HữuThành.Nguyễn giới thiệu bài: Gác bút nghiên lên đường chiến đấu của Phan Đức Tuấn, 25/07/2010 tại  Báo điện tử Quân đội nhân dân.
  14. Tuy Quân sử nhưng mà Trỗi - HữuThành.Nguyễn, 10/7/2010 - Blog K4
  15. Kỷ niệm về 2 Liệt sỹ Y Hòa K7 (Mlo dzuon dzu) và Ngô Tất Thắng K7 - Ngô Thái Hòa, 29/3/2010 - Blog "Út Trỗi"
  16. Biển Hồ (Gia Lai) - Buôn Mê Thuột (Đắc Lắc)(Tiếp theo) - dathb136, 17/04/2009 - Blog "Út Trỗi"
  17. Quảng Trị và món cháo cá (Tiếp theo) - dathb136, 09/04/2009 - Blog "Út Trỗi"
  18. Chuyến đi cuối năm - Đỗ Nghĩa, Đắc Hòa - 20/1/2009 – Blog “ÚT TRỖI”.
  19. Cuộc hành quân đi tìm bạn xưa - liệt sĩ Y Hòa K7 - Bài tổng hợp tại Blog K6, 28/3/2008.
  20. Những lá thư của liệt sĩ Y Hòa - Minh Phượng, SRTKL 2, Tr.: 170-179.
  21. Lần cuối gặp nhau - Nguyễn Trí Dũng K3, SRTKL 2, Tr.: 201-203.
  22. DANH SÁCH ANH HÙNG, LIỆT SỸ - SRTKL3: 993-999
  23. 9 - Danh sách các Anh hùng, Liệt sĩ - Ban biên tập, SRTKL2: 45-51
  24. Tưởng nhớ 31 thầy, bạn của chúng ta đã hy sinh - FB Tran Kienquoc, 28 Tháng 7 2015.
Sưu tầm trên mạng:
  1. Quảng Trị - Mảnh đất bi hùng - Video Clip





Đồi Cháy, một lần đến với các anh - Nguyễn Thị Thái K8, 5/4/2008, Blog K8.


Đồi Cháy,
một lần đến với các anh

Nguyễn Thị Thái K8

Khi chúng tôi khởi hành chuyến đi bốn ngày về phương nam, trời còn mờ tối. Ra đến đường cao tốc Pháp Vân gặp ngay cơn mưa trút nước đang hối hả chạy về phương Nam. Chúng tôi vượt lên để lại phía sau quãng trời mưa lúc nhặt lúc mau. Rồi mưa nhẹ dần chỉ đủ để cái gạt nước gạt đi chỗ đất bùn liên tục văng lên kính. Cuối cùng, mưa cũng hết nhưng vẫn còn lại một trời mây âm u. Tới đèo Ngang trời đã hưng hửng. Khắp triền núi những làn hơi nước trắng lốp như khói lò vôi đang bốc lên ngùn ngụt. Lên đến đỉnh đèo, thật diệu kỳ, một vùng trời bừng sáng hiện ra. Trước mặt và sau lưng là hai mảng khác biệt, hệt như Trường Sơn Đông và Trường Sơn Tây trong khúc hát năm nào.
Ra đi trong trời mưa, lòng chúng tôi nặng trĩu một nỗi niềm đau đáu hướng về đồi Cháy, Quảng Trị, nơi anh Y Hoà (khoá 7 trường Nguyễn Văn Trỗi) và các đồng đội là Hưng, Thành, Nho và chín anh khác chưa rõ họ tên đã hy sinh năm 1972.
Sau chiến tranh, cha mẹ Y Hoà đã héo mòn trong cuộc kiếm tìm khúc ruột của mình mà đành phải bó tay trước thời gian và lần lượt ra đi. Nay những đồng đội của anh, Trung, Sơn và Đức đã tiếp tục công việc của hai bác. Các anh đi tìm một phần cuộc đời của mình. Vũ Trung (khoá 8, Nguyễn Văn Trỗi) và Sơn đã sáu bảy lần lặn lội vào đất Quảng Trị, Đức cũng hai lần mò mẫm nơi này để tìm lại được đồi Cháy, nơi chính tay anh đã khâm liệm Y Hoà. Cuộc kiếm tìm đầy khó khăn bởi cái tên đồi Cháy là do các anh tự đặt vì khi đó nó bị cháy trụi dưới mưa bom bão đạn quân thù, trong khi dân địa phương gọi đồi là Con Kiêu. Chúng tôi thật may mắn được tham gia đợt kiếm tìm này với bao hy vọng sẽ đón được các anh về.
Trời sập tối rất lâu chúng tôi mới vào đến nơi sau khi bước thấp bước cao dò dẫm trong ánh đèn điện thoại di động của Vũ Trung trên sườn đồi lầy bùn với những bãi “mìn” trâu bò cài lại. Thắp tạm những nén nhang khấn các anh trong ngôi miếu nhỏ trên sườn đồi, chúng tôi lặng đi trong bóng đêm nghiêm trang và cảm thấy các anh đang ở rất gần quanh mình.
Ngày tiếp theo, Vũ Trung và Sơn đưa chị gái Y Hoà và em trai Hưng đến làm thủ tục ở Huyện đội Hải Lăng và buổi chiều ở Xã đội Hải Lệ. Bá Đạt và chúng tôi ở nhà biếu quà cho dân trong thôn, làm việc với chị chủ nhà, người trông coi ngôi miếu thờ các anh về việc đền bù hoa lợi khi khai quật, hỏi bà con thông tin về quả đồi như hố bom ở đâu, khi khai hoang bà con có gặp hài cốt không, bà con chôn hài cốt chỗ nào vv… Buổi trưa chúng tôi làm cơm cúng các anh. Đêm hôm đó thật là dài còn giấc ngủ của chúng tôi thì thật ngắn. Chúng tôi chờ mong gặp các anh trong cuộc đào thăm dò ngày hôm sau.
Đất đồi Cháy quẹo chặt lại thành những hòn sỏi nhỏ như đầu ngón tay, phải dùng cuốc chim mới cuốc nổi. Vậy mà khi xưa các anh chỉ có xẻng công binh trong tay. Đức kể, mỗi khi đào xong một cái huyệt để chôn đồng đội là tay lại phồng rộp lên. Mà cũng chỉ đào được 30 phân, đủ để đặt đồng đội trong lớp đất âm, phủ thêm lớp đất dương lên người để thành ngôi mộ nho nhỏ.
Ngày thứ ba, mười hai thanh niên trong thôn lần lượt thay nhau cuốc rồi xúc mà cũng chỉ đào được rất ít vì khi khai hoang, bà con đã san đồi, đổ đất (lên nơi khai quật) cao gần hai mét. Thế là đất dương thì nhiều mà đất âm thì ít. Mỗi khi tay cuốc chim thấy chối tức là đã đến phần đất âm, ai nấy đều nín thở cầu mong. Nhưng trái với kỳ vọng của chúng tôi và của cả hai đầu Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, cuộc đào thăm dò chỉ đem lại một phần quản bút máy kim tinh và một mảnh xương nhỏ. Chiều xuống, chúng tôi đành chôn các di vật lại dưới chân miếu thờ các anh.

Khi xưa Đức đã đếm bước chân và dựa vào một số dấu mốc để mong ngày quay lại đón các anh về. Đồi Cháy nay cây đã phủ xanh. Gốc mít cụt ngang sườn đồi giờ chẳng còn. Những hố bom năm xưa cũng mất dấu. Ơi các anh, Y Hoà, Hưng, Thành, Nho và chín người đồng đội. Các anh nằm nơi đâu? Xin hãy hoá thành những cánh bướm dập giờn, thành ánh đèn đom đóm dẫu lập loè, dẫn đường cho chúng tôi. Các anh nằm nơi đâu?
Anh Y Hoà hy sinh khi đang được xây dựng điển hình để phong anh hùng. Anh thật xứng đáng là anh hùng kể từ ngày anh xung phong nhập ngũ khi mới mười sáu tuổi nhưng lại mang trong mình ý chí ngoan cường mà chúng ta được đọc qua những dòng thư anh để lại và qua những chiến công trong rèn luyện, chiến đấu mà tổ quốc đã ghi công. Đức nghẹn ngào kể lại: mảnh pháo găm vào mặt Y Hoà làm máu anh tuôn trào xối xả. Anh chỉ kịp nói “Có lẽ tao chết mất” và ra đi. Kỷ vật Đức mang về trao lại cho gia đình Y Hoà chỉ có tấm hình một người con gái đã bị máu làm mờ hết và một chứng minh nhân dân của anh. Anh còn quá trẻ.
Còn anh Thành, đại đội phó, hy sinh kề bên Đức trong hầm trực chiến mà Đức đành để cấp chỉ huy chết trong tư thế ngồi bó gối trong hầm, cạnh mình cả nửa ngày mới đưa lên đi chôn được. Mỗi một đợt dập pháo như thế, quân địch liên tục trút hàng giờ xuống ba quả đồi nho nhỏ này bốn năm trăm quả. Pháo nổ điếc tai luôn. Tim thì bị ép đến tưởng ngừng đập. Ngày nào cũng có chiến sỹ hy sinh, ngày nào cũng có tiếp viện nhưng không xuể với bom đạn nên có những điều thật hy hữu: đại đội phó không thể là binh nhất, nhưng liên tục trong một tháng có bốn chỉ huy hy sinh, thế là binh nhất Đức được giao trọng trách quyền đại đội phó.
Khẩu đội pháo mười hai ly bảy của anh Hưng thường có năm sáu người mà hy sinh hết chỉ còn mình anh. Khi anh Hưng đang loay hoay tháo lắp vì nòng pháo bị kẹt đạn thì bọn địch thừa cơ xông lên dùng M79 bắn thẳng vào mặt anh. Đức xót xa khi khâm liệm người đồng đội mà khuôn mặt rất đẹp trai không còn nhận ra được nữa. Kẻ thù thật độc ác. Chúng làm đau đớn thân xác các anh, không những thế chúng còn làm đau đớn đồng đội các anh bằng nhiều đòn. Anh Nho bị chết cháy trong hầm chỉ huy không phải vì đạn pháo quân thù mà do lựu đạn của thằng lính chiêu hồi trực chiến cùng anh ném lại để tâng công. Chúng ta đời đời nguyền rủa những kẻ như thằng khốn tên Huỳnh đó. Nó không còn một chút lương tâm khi giết hại một người lính thông tin mặt bấm ra sữa, nổi tiếng là nhút nhát đến nỗi không giám trực một mình phải rủ nó ngủ cùng trong hầm chỉ huy, giết người đã từng coi nó là đồng đội.
Chiến tranh thật tàn khốc. Ba mươi sáu năm mà dư âm vẫn còn đó, bên những chiến công hào hùng của các anh là biết bao mất mát đau thương.
Có phải chăng do con số mười ba xui xẻo, hay do mười ba linh hồn các anh đã quyện vào nhau không muốn rời hay do nước mắt còn quá ít: những giọt nước mắt rỏ như những giọt máu từ con tim của đồng đội cùng chiến hào với các anh thì quá ít vì có mấy người sống sót trở về, những người đang được sống làm người dân Việt nam độc lập, tự do thì nhiều người nào biết xót xa. Bởi vậy chưa đủ những giọt nước mắt chân tình để thành biển lệ như tên gọi nơi đây Hải Lệ, một biển lệ mới đủ để xoa dịu vết thương của các anh và của muôn vàn đồng đội các anh đã nằm lại đất Quảng trị máu lửa này. Có phải vậy chăng nên các anh chưa muốn trở về?
Ngày 29-3-2008 chúng tôi chia tay nhau, đoàn vô Nam, đoàn ra Bắc trong lòng vẫn trĩu nặng như ngày đầu lên đường. Có đôi điều an ủi chúng tôi. Từ nay, tất cả bà con trong thôn đã biết rằng có ảnh ba anh lính trẻ trong ngôi miếu nhỏ lưng đồi con Kiêu thôn Như Lệ, Hải Lệ, Hải Lăng và sẽ thường xuyên tới thắp hương cho các anh. Tháng tư này ban chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị và Ban chỉ huy quân sự huyện Hải Lăng sẽ chính thức tổ chức kiếm tìm hài cốt các anh. Xin hãy ghi tên các anh và tên ngọn đồi Cháy trong lòng để nhắc nhở mình đừng sống phụ phần máu xương mà các anh đã hy sinh.
Quãng đường chúng tôi qua, đâu đâu cây cũng đâm chồi nảy lộc đẹp đến mê hồn. Màu lá tươi non dẫu trắng, xanh, hồng, tía đều tràn đầy sức sống. Trên đường đến nghĩa trang Trường Sơn, bạt ngàn rừng cao su đang thay lá. Một ngày mai, cả rừng là xanh lại trỗi dậy rì rào ru các liệt sỹ nơi đây cũng như màu xanh của đồi Cháy đang che chở cho Y Hoà và các đồng đội của anh.


Hà Nội 4-2008

Từ trái qua, các liệt sĩ: Ngọ, Y'Hòa, Chấn Hưng (cùng khu TT với bạn)



Chị H’Thanh:
"Hôm qua thằng Y'Hòa nó về. Nó nói với chị: "Sao thằng Đạt lại cắt trọc đầu đi thế? Chuyến tới em cấp cho chị tiền để chị và chúng nó đi tìm em khỏi tốn kém. Em phải đi đây, đưa mấy thằng đi chơi". Chưa kịp hỏi: "bây giờ em ở đâu?" thì chị giật mình tỉnh dậy, lúc đó là 2h00 sáng. Chà! Thằng này vẫn ham chơi như ngày nào? Bữa trước đi tìm mộ về nó báo mộng cho chị là sẽ cho chị tiền, không nói là bao nhiêu? Nhưng nói là 49 tiền? Nhưng chị phải cho thằng Thời 500, vì con gái nó mới sanh". Sáng ra chị thấy một con bướm vàng bay trước mặt, rồi đậu ngay vào số 49 biển kiểm soát của một chiếc xe đang đậu trước khu nhà chị. Chị liền mua số 49, chiều về trúng ngay 7 triệu. Chị gởi ngay cho Thời 500k. Thời không nhận vì nghĩ chị trả công cho Thời chuyến đi vừa qua, giải thích mãi Thời mới nhận. Sau chuyến đi vừa rồi phải nói chị rất hên, trả nợ hết tiền, làm đâu trúng đó, có phải Y'Hòa nó phù hộ cho chị hay không?”
Trích „Chuyện của chị H’Thanh: Tin hay không tùy bạn!”
Đức
… Chỗ này là cái hầm tăng xê, nơi tôi ngồi ôm nó mấy tiếng trước khi nó ra đi. Trước lúc mất, nó đưa tôi nhờ đưa về cho gia đình một CMQN và một tấm hình một người con gái, tóc tết đuôi sam. Tất cả đều nhoè máu. Khi ra Bắc, đã tìm đến tận nhà đưa tận tay anh Y’Nguyên 2 di vật đó…
Trích „Hành trình tìm bạn (Tiếp)”




Ngô Thái Hòa K6-7
… Hồi đó Y Hòa đã có người thương là Hoàng Dung, cô bạn cùng lớp 10G trường PTTH Nguyễn Trãi, Ba Đình, Hà Nội, nhưng Y Hòa rất kiên định và không bao giờ tỏ ra yếu đuối và biểu lộ sự nhớ nhung thái quá ra ngoài.
… Bạn gái của Liệt sỹ Y Hòa là Đoàn Dung trước đây ở phố Nguyễn Trường Tộ, Ba Đình, Hà Nội. Sau này trong Lễ Truy điệu Y Hòa và Chấn Hưng ở 80 Phan Đình Phùng, Hà Nội, Đoàn Dung đến dự và làm mọi thủ tục như một người vợ chưa cưới của Y Hòa.
Trích „Kỷ niệm về 2 Liệt sỹ Y Hòa K7 và Ngô Tất Thắng K7”




Vết xăm - kỷ niệm của Y Hoà - Hồi ức của Văn Hùng k7. Những ngày tháng 3/2008, anh em đi tìm bạn…, 14/4/2008, Blog "Trang văn nghệ trường VHQĐ Nguyễn Văn Trỗi".


Vết xăm - kỷ niệm của Y Hoà

Văn Hùng k7

Y Hòa xa chúng ta đã 36 năm. Đợt vừa rồi các bạn Đạt “bột”, Vũ Anh, Thái, Vũ Trung và đồng đội F312 của Y Hòa đã tới đồi Cháy, Quảng Trị tìm bạn. Nhưng công việc mới chỉ là bắt đầu… Riêng tôi suốt bốn chục năm qua vẫn mang trên người một kỷ niệm của Y Hòa. Đó là vết xăm do chính tay Y Hòa thực hiện.

… Hơn bốn chục năm trước, chúng ta mới chỉ là những chú nhóc 12-13 tuổi, từ gia đình về sống dưới mái trường quân đội. Ngày đó chiến tranh, phải sống xa Hà Nội đến gần trăm cây số, núi rừng chỉ cách lớp học có “mấy lần quăng dao”. Ngày lên lớp nhưng đêm đến là nhớ mẹ, lắm đứa không kìm được đã trùm chăn khóc rưng rức, chỉ mong chủ nhật mẹ lên thăm.

Trên lớp chúng ta có những đàn anh lớn, nhất là cánh từ các trường học sinh Miền Nam về, họ là những “người dẫn lối”. Các anh Mai Sinh, Mai Tự, anh Quyết Thắng, Ngô Ngời… dạy cho các trò nghịch ngợm của cánh học sinh miền Nam. Bọn trẻ chúng ta từ Hà Nội lên thực sự lớ ngớ nhưng khi gặp những trò “hay như thế” thì lao vào học như những con thiêu thân. Học thày không tày học bạn! Chỉ sợ thày biết(!) nhưng anh em vẫn kéo nhau ra sau nhà, hay vào rừng thì thụp thụ giáo.

Nào là trò “muỗi Sài Gòn”: Con muỗi được “chế” bằng que diêm Cầu Đuống (ra Cung tiêu ở Gốc đa mua) đã cháy thành than, một đầu dính bằng kem đánh răng (thậm chí bằng “bựa” răng!) vào bất cứ chỗ nào trên thân thể nạn nhân (đau nhất là vùng da non trên đùi) rồi khẽ chấm mồi lửa vào đầu còn lại. Veo một cái, mồi lửa theo thân diêm nghiến vào da thịt. Kẻ chịu nạn chỉ kịp xoa tay vào “vết đốt”. Tức đến trào nước mắt. (Chuyện này các bạn gái không hề biết. Nay biết thì cũng đừng cười bọn con trai chúng tớ!).

Trò cao cấp hơn là xăm lên mình các hình mỏ neo, hình ngôi sao, đầu con hổ hay mũi tên xuyên qua trái tim(!), v.v… Thú xăm lên ngực, lên cánh tay chỉ dành cho những ai không sợ đau. (Chính xác hơn là không biết đau là gì!). Thật khó tưởng tượng điều này lại xảy ra với những lũ trẻ ranh ở lứa tuổi chúng ta. Một cái kim khâu làm bút xăm cùng mực tàu được mài sẵn cất lọ. Ông họa sĩ “bất đắc dĩ” dùng bút vẽ phác lên hình đã chọn, tại vị trí đã thỏa thuận. Rồi từng mũi kim tẩm mực tàu, đâm ngập từng mũi vào da thịt, theo hình đã phác. Anh em dạy nhau: Các mũi xăm càng mau thì sau này hình càng đẹp. Và “tác phẩm” dần hình thành dưới đôi tay “họa sĩ”. Còn “kẻ chịu nạn” thì hai bàn tay nắm chặt, cắn răng chịu đựng, nước mắt chảy ròng ròng nhưng miệng không bật ra tiếng. Chỉ thỉnh thỏang hỏi bạn: “Sao lâu thế? Sắp xong chưa?”. Hàng tiếng đồng hồ trôi qua… Gần như đứa nào đã “chịu” thì theo đến cùng. Xong xuôi phải khóac ngay áo che khu vực đã xăm. Chỉ cần một lần thày giáo biết được là… kỷ luật!
Đêm đầu tiên mới kinh khủng làm sao! Các vết xăm bị nhiễm trùng, gây nhức nhối. Trằn trọc không ngủ được. Có đứa bị sốt cao, phản ứng, phải đi bệnh xá. (Vì thế mà trò này bị lộ). Còn kẻ qua được thì sớm hôm sau phờ phạc nhưng vẫn phải cố “ra vẻ ta đây”(!). Cứ như vậy, vết thương lành dần và trên ngực, trên tay có những hình xăm tuyệt đẹp. Rồi thằng này khoe thằng kia. Rồi… rồi… không ít thằng trong chúng ta đã được xăm.

Tôi và Y Hòa thân nhau, cùng trong nhóm nghịch của lớp. Một lần hắn rủ rê: "Mày thích xăm không?". "Xăm gì?". "Hình mỏ neo". "Đau lắm?". "Không sao!". "Ai xăm?". "Tao". "Mày?". "Yên tâm đi! Anh Y Nguyên của tao học được trò này của các anh ở Trường Dân tộc. Tao từng xem ông anh xăm cho bạn rồi bày cho tao cẩn thận".

Rồi chẳng hiểu ma đưa lối, quỷ dẫn đường thế nào mà tôi “hiến thân” cho nó. Mùa đông đầu tiên khi vừa sang Quế Lâm thật lạnh giá. Nước đóng băng. Đứa nào cũng áo bông dày cộp che kín người. Chủ nhật nghỉ học, hắn rủ tôi lên lớp ngồi xăm. (Để thầy không biết). Y Hòa đã chọn vai phải và xăm lên hình cái mỏ neo. Cố chịu lạnh để trần nửa người, lộ ra phần vai cho nó xăm. Mất cả buổi sáng… Và sự việc đãy xảy ra như với các bạn từng “chịu nạn”.

Bốn chục năm trôi qua, cái hình mỏ neo không bị mờ đi. Năm 1972, Y Hòa hy sinh, nhưng vết xăm ấy vẫn sống trên thân thể tôi như một phần máu thịt của Y Hòa còn tồn tại trên đời!

Những ngày tháng 3/2008, anh em đi tìm bạn…

Hồi ức của Văn Hùng k7




AK7 nói... 12:04 26 tháng 4, 2008
...Còn vết xăm của YHòa (thanh đao) thì chính tay tao xăm cho nó.
Hùng cafe PHỐ - 22:17 9 tháng 3, 2008
Y.Hòa có quá nhiều kỷ niệm với tôi. Tham gia vụ bắn ảnh ông M cùng bị đi tù. Y.Hòa là người đã săm 1 cái mỏ neo bên vai phải cho tôi. Sau đấy săm lần thứ 2 thì đau quá tôi kg chịu nổi nên chỉ có đầu mỏ neo là săm lần 2. Khi bị đuổi từ TRỖI về mẹ tôi tắm cho tôi thấy vết săm kỳ mãi kg thấy hết nên hỏi con săm đấy à? Tôi chối bảo vẽ mực tàu nên khó xóa. Bây giờ đi tìm bạn xin cho CFPHO đóng góp.



Thơ của người lính - 4 tháng 4, 2008, Blog K8.


Thơ của người lính

Di cảo còn lại của bạn.
Bài thơ không có tựa đề và có thể đang ở dạng nháp.

Đêm hôm nay mưa lại rơi tầm tã
Rét run người như nửa thềm nắng hạ
Mưa tắm ướt con đường nhựa khô chảy
Và lòng ta khi ấy cũng như mưa

Ta lại đi giữa mùa hè oi ả
Khi nắng cháy đôi vai nặng chĩu
Khi nắng đốt lưng ta cứng cỏi
Khi máu hận bốc lên đầu con tim

Ta yêu sao - những cái gì bé nhỏ
Mà xưa kia ta chẳng hề nghĩ tới
Chính cái đó lại khắc đậm con tim
Như những trái núi lửa sôi sục bao thế kỷ

Trường Sơn kia rồi có gì là xa lạ
Chờ đó em ạ - ngày thử lửa
Leo lên nhé dốc "bóp" có thấm đâu
Hay chỉ bằng của Trường Sơn một nửa

Ta lại đi cùng khẩu AK nóng bỏng
Bởi sưởi nắng (cả) của bao ngày đi xa
Và nó tắm bao mồ hôi rồi đấy
Nó nặng thân (thêm?) như cái bông lau (bóng bay)

Nó cũng khổ chứ có phải đâu?
Bởi vì nóng (nắng) bởi vì mưa vì nước mắt
Bởi vì nơi xa đang giục giã lên đường
Nhưng đau khổ vẫn là không giờ mất
Mà mãi mãi sôi sục trong ta.

Ta đi nhé đơn giản như khi "tút" (*)
Ta đi đây vui vẻ và khoẻ thêm người
Bạn từ nay là lửa máu bên mình
Bạn từ đây là cuộc sống đấu tranh
Giữa một bên là chết và chiến thắng


1/7/1972
(*) Tút: "Ta đi theo lối nhỏ là lối an toàn"







Nhớ mãi ... Video HaMeoK6
Bắt đầu tại: 17:38






Nhớ về bạn

Nguyen Thi Thai - 17:06 15 tháng 10, 2014
Xin nghiêng mình tưởng nhớ anh Y Hòa. Bây giờ đọc lại những dòng thư của anh, em vẫn không thể cầm được nước mắt như khi đọc lần đầu. Nhớ thương, cảm phục anh và các liệt sỹ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, trong đó có anh trai của em cũng là một chiến sỹ pháo binh và cũng hy sinh năm 1972.
K.Viet - 23:01 17 tháng 10, 2008
Sau khi ký hiệp định Pa Ri 1973, các sư đoàn 308, 320, 312 ra Bắc. Mặt trận B5 còn lại 304,325,324 và các trung đoàn, tiểu đoàn độc lập.
Năm 1974 thành lập QĐ2, các trung đoàn và tiểu đoàn độc lập về QK Trị Thiên. Trong năm 1974 các đơn vị trong QK Trị Thiên đã tổ chức những đội đi đến những nơi đơn vị đã chiến đấu thu gom các liệt sĩ hy sing trong các trận đánh về những nghĩa trang ( cấp xã , nhưng tên , tuổi là rất chính xác). Tôi nghĩ các đơn sư đoàn chủ lực cũng sẽ làm như thế và còn tốt hơn.
-Tin ngoài luồng (đang kiểm chứng):Một người bạn tên Thành (học trg NTrãi),trước là lính F312 nói:Hình như là mộ các ls ở chốt ấy (YHòa)đã đc f312 tập kết về một nghĩa trang nhỏ ở xã or huyện Hlăng...!
Tôi thấy thông tin của bạn tên Thành khớp với những gì tôi biết.
Nhưng Năn 1980 , có một đợt qui tập nữa đưa các liệt sĩ về nghĩa trang huyện, nhưng tổ chức kém nên có liệt sĩ có danh lại trở thành vô danh : Nguyễn Hữu Dân sau khi đưa về nghĩa trang Hải Lăng thì trở thành Vô danh, thật đau sót.
Trường hợp của Y Hòa, nên lần tìm từ nguồn các liệt sĩ đưa từ đâu về ở các nghĩa trang LS huyện, Đơn vị nào đã làm nhiệm vụ qui tập ở khu vực đồi cháy ,có bao nhiêu LS . Tích Tường , Như Lệ là nơi ta hy sinh rất nhiều ( 308 và 312 )trong lúc đánh nhau có thể việc mai táng còn sơ sài. Nhưng khi ký hiệp định Pa Ri nếu nó vẫn là khu vực ta giữ được chắc chắn những LS không nằm ở đó nữa. Đồng đội đã qui về một NT nào đó ngăn nắp, rõ ràng hơn.



1966




1972






Những lá thư của liệt sĩ Y Hòa - Minh Phượng, SRTKL2: 170-179


1993




3/2008
Cuộc hành quân đi tìm bạn xưa - liệt sĩ Y Hòa K7 - Bài tổng hợp tại Blog K6, 28/3/2008.
Những hình ảnh đi tìm YHòa - Album K8

Từ trái qua, các liệt sĩ: Ngọ, Y'Hòa, Chấn Hưng (cùng khu TT với bạn)







20/1/2009
Chuyến đi cuối năm - Đỗ Nghĩa, Đắc Hòa - 20/1/2009 – Blog “ÚT TRỖI”.
Những ngày giáp Tết bận rộn nhưng anh em K7 Sài Gòn cũng bố trí được mấy ngày cuối tuần đi lên Ban Mê Thuột thăm chúc Tết gia đình Y Hòa- bạn liệt sỹ K7...Vũ Anh thay mặt cho anh em Trỗi tặng quà và chúc Tết gia đình...
...bà cụ và cả nhà cảm động mừng vui lắm...
(Đỗ Nghĩa, Đắc Hòa - 20/1/2009)
Anh em K7 Sài Gòn cùng gia đình Y Hòa (Cụ bà, anh Y Nguyên K5 và cậu em Y Thắng)



4/2009
... Xe chạy thẳng vào thôn Như lệ. Đường vẫn thế sau 1 năm chuyển về thành phố QT? Vẫn lầy lội khó đi. Nhà chị Hiệp vẫn không có thay đổi, hàng cây trước nhà đã dọn sạch, đường lên nhà dễ đi hơn, có khác là có mấy bụi hoa đang nở đỏ đàng trước sân nhà. Mới hơn 15 giờ, chị và con gái đi làm chưa về. Nhờ mấy đứa trẻ đi gọi mụ Hiệp. Chúng tôi ngồi ngoài chờ. Cửa nhà không khóa, nhìn vô trong vẫn không có gì thay đổi. Chiếc TV chúng tôi tặng lần trước vẫn hoạt động tốt. Chúng tôi thắp nhang cho bạn xong thì 15-20 phúp sau chị Hiệp đi xe đạp về tới. Mới về đến đâu ngõ chị mừng rỡ: "Chú Đạt à?". Trao quà của chị H'Thanh, đưa đt thoại cho 2 người nói chuyện với nhau...
Trích QUẢNG TRỊ VÀ MÓN CHÁO CÁ - Hồ Bá Đạt, 09 tháng 4, 2009, Blog K8.
... Nhà anh Y'Nguyên (Động Sơn) cũng dễ tìm. Cứ bùng bình Xe tăng chọn đường Hùng vương, đi một đoạn vô hẻm 67/19 là tới nhà. Anh ở cùng má và chú em út Y'Thắng. Má anh và Y'Hòa bị bệnh tai biến, nhưng vẫn đi lại được, tuy yếu. Má nghe có tụi tôi tới thăm rất vui. Má mang ảnh ra cho tụi tôi coi, rồi tự tay bê nước mời uống. Trông dáng má lẫm chẫm bưng khay nước thật thương! Cùng má thắp nhang cho bạn. Nói chuyện với má cùng anh Y'Nguyên một hồi, chúng tôi chia tay hẹn gặp anh tại Sài gòn nếu có dịp...
Trích BIỂN HỒ (GIA LAI) - BUÔN MÊ THUỘT (ĐẮC LẮC) - Hồ Bá Đạt, 17 tháng 4, 2009, Blog K8.
Nam K9, Đạt K8, Khánh K7 cùng má và anh Y'Nguyên K5


10/7/2010
Tuy Quân sử nhưng mà Trỗi - HữuThành.Nguyễn, 10/7/2010 - Blog K4
Thắp hương ở cái miếu nhỏ được coi là chỗ Y Hòa hi sinh
Nhà chị Hiệp ở chân đồi Con Kiêu. Ở đây vốn trước trận chiến không có người ở. Sau chiến tranh nhà chị cắm đất làm nhà. Tình cờ là nơi có bạn mình, Y Hòa và những người khác nằm lại.
Những người trở về đã quay lại làm một cái miếu nhỏ cho các bạn, trong đó có Y Hòa k7. Miếu được dựng lên sau những lần tìm hài cốt không thành

LM soạn sửa đồ thắp hương

KV chuẩn bị những bông hoa trắng.

Chị Hiệp nói anh Sơn, người cùng tiểu đội với Y Hòa ngày ấy, hẹn trở lại trong năm nay để xây lại chiếc am lớn hơn. Bởi thế khi đầu nghe giọng KV gọi, chị tưởng anh Sơn về.



3/10/2010
Chị H'Thanh - chị của LS Y Hòa K7 - trong buổi Hội Trường 45 năm tại TP HCM
Thầy Vọng nói chuyện với chị H'Thanh chị của liệt sĩ Y Hòa khóa 7.



22/10/2010
Lễ khánh thành Bia tưởng niệm các liệt sỹ Đồi Cháy - Nguyen Thi Thai, 22/10/2010 - Blog K8.
Những hình ảnh ngày khánh thành Bia tưởng niệm Liệt sỹ YHoà, Nguyễn Chấn Hưng, Nguyễn Văn Nho cùng các đồng đội khác đã anh dũng hi sinh trên mảnh đất này ( Đồi cháy. Dân địa phương thường gọi là đồi con Kiêu hay là đồi Chè thuộc thôn Như Lệ - xã Hải Lệ - thị xã Quảng Trị ) mùa hè đỏ lửa - chiến dịch Quảng Trị năm 1972. Trong buổi khánh thành đến dự có đại diện mặt trận Tổ quốc, chính quyền địa phương xã Hải Lệ, đại diện gia đình LS Nguyễn Chấn Hưng, đại diện cựu chiến binh, các bạn chiến đấu, bạn đồng ngũ, đồng hương HN.













28/6/2011 Thăm gia đình Y Hòa.
HT, KV, Mẹ và con trai Y Nguyên - Risa "Sư tử tâm"



27/05/2012
Đi thăm "di tích" các liệt sĩ Trỗi (cập nhật 22h46 27/5) - HữuThành.Nguyễn, 27/05/2012, Blog "Bạn Trỗi K4".
Từ NTLS TS ra chúng tôi có ý định vào viếng NTLS Đường 9. Nhưng mưa quá to, chúng tôi đi luôn tới miếu thờ các bạn sư 312 của Y Hòa.
...
Từ Ngữ nhận ra trung đoàn của Y Hòa chính là nơi cậu về tăng cường chống sốt rét ở chiến trường K năm 1985.




26 tháng 7, 2012 - Ghé thăm bạn - ĐN.K7, 26/07/2012 - Blog K8.
Tháng Bảy ghé nơi bạn Y Hòa nằm xuống ở Đồi Cháy - Quảng Trị.


Các bạn đồng ngũ đã xây dựng ở nơi đây một bia tưởng niệm nhỏ cho các bạn mình đã nằm xuống trong cuộc chiến.

Và trong ngôi nhà nhỏ người chủ vườn thường xuyên cùng bạn.










0 nhận xét:

Đăng nhận xét