Chủ Nhật, 2 tháng 5, 2010

Sai khác trên báo chí về LS Chu Tấn Quang k6 do bạn đọc thế hệ trẻ phát hiện - Kiến Quốc



Sai khác trên báo chí về LS Chu Tấn Quang k6 do bạn đọc thế hệ trẻ phát hiện

Kiến Quốc

Sáng 30/4, tôi nhận được email lạ. Nội dung như sau: "Chào chú! Cháu là Đồng Trung Kiên, hiện đang sống và làm việc tại Pháp. Từ lâu cháu đã thường xuyên theo dõi các bài viết, cũng như các hoạt động của các bác các chú đã từng học tại Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi thông qua các trang "Bạn Trỗi". Cháu cũng rất thích đọc "Sinh ra trong khói lửa".

Gần đây, cháu có đọc một bài viết trên báo Quân đội Nhân dân. Cháu nhận thấy nó hoàn toàn khác với bài viết  trong "Sinh ra trong khói lửa" tập 2 đọc trên Bantroik6, về trường hợp của chú Chu Tấn Quang. Vậy bài nào là đúng, bài nào là sai hay có hai trường hợp như vậy?".

 

Theo địa chỉ của Kiên, tôi đã link tới bài váo và xin trích để cùng đọc: (BanTroiK6 xin đăng lại toàn bài "Cuộc gặp gỡ bất ngờ ở Dinh Ðộc Lập" của HẠNH NGUYÊN và THU TRANG ngày 30/4/2010 tại Báo Nhân dân điện tử)

...

Cẩn thận hơn, tôi gọi điện cho Chu Tấn Quốc, em trai Quang. Quốc xác nhận tác giả đúng là cùng làng, có họ nhưng thông tin thì sai lệch hoàn toàn. Hiện cuộc tìm kiếm mộ phần của Quang vẫn dang dở. Cảm ơn bạn Trung Kiên và xin thông báo cùng bạn đọc!

(Kiến Quốc)


 

Cập nhật  01:54 ngày 30-04-2010

 

Nhân dân thủ đô Hà Nội mừng ngày
thống nhất đất nước (tháng 5-1975)
ND - 35 năm sau ngày giải phóng miền nam, thống nhất Tổ quốc, những kỷ niệm ùa về, bác Chu Ngọc Minh bỗng thấy rằng đó không còn là câu chuyện gia đình mà là câu chuyện của những thế hệ đã sống một thời hào hùng như thế. Ðó là cuộc gặp gỡ của bộ đội cha và bộ đội con ở Dinh Ðộc Lập ngày mới giải phóng.

Cha và con đi bộ đội, nhận ra nhau, gặp nhau ở chiến trường không phải là chuyện hiếm trong suốt chặng đường kháng chiến gian khổ của dân tộc. Nhưng cha và con cùng đi qua chiến tranh tới hòa bình và gặp nhau không hẹn trước ở Dinh Ðộc Lập, theo bác Minh, là cuộc gặp có một không hai. Câu chuyện ấy nay bác mới kể.

Năm ấy, người Hà Nội háo hức lên đường vào Nam. Tin anh Chu Tấn Ðạt, học sinh Trường Hàng Cót, con trưởng của ông Chu Tấn Quát đã đầu quân nhanh chóng lan khắp cái thôn Cổ Ðiển A, xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì (Hà Nội) chỉ trong vòng chưa đầy một buổi sáng. Ông Quát hãnh diện lắm, quyết định "ngả" con lợn 70 cân để khao anh em nội ngoại tộc vì con trai ông là chiến sĩ quân đội nhân dân đầu tiên của làng sẽ được đội mũ có ngôi sao vàng năm cánh. Chính quyền, đoàn thể của xã và anh em, bà con trong thôn tấp nập đến chung vui. Sau liên hoan hai hôm, ngày 16-9-1945, anh Chu Tấn Ðạt xếp hàng trong đội ngũ Chi đội 1, gồm ba đại đội của Hà Nội, Bắc Cạn, Lạng Sơn và một số cán bộ quân sự trường Quân chính.

Chín năm sau, Chu Tấn Ðạt là tiểu đoàn phó Tiểu đoàn đặc công Long Châu Hà được lệnh tập kết ra Bắc cùng với vợ là Huỳnh Bích Lưu và con trai Chu Tấn Quang mới một tuổi. Hai vợ chồng được bố trí làm việc ở Nhà máy Xà-phòng thuộc khu công nghiệp Cao - Xà - Lá, trên đường đi Hà Ðông (đường Nguyễn Trãi bây giờ). Nửa năm sau, anh Ðạt được theo đoàn quân giới sang Trung Quốc học nghề hỏa cụ. Sau 5 năm luyện nghề, anh lại được lệnh đáp xe lửa vào Quảng Bình, rồi đi bộ vượt Trường Sơn vào Quân khu 7 để lập Công binh xưởng. Ðơn vị này chuyên chế tạo lựu đạn "mỏ vịt", mìn định hướng, mìn hẹn giờ và các cỡ thủy lôi để phục vụ chiến trường sông rạch.

Trong lúc người giám đốc Công binh xưởng bù đầu với những kế hoạch sản xuất theo yêu cầu khẩn trương cho chiến đấu, thì ở nhà, anh con trai Chu Tấn Quang (đã 20 tuổi), tốt nghiệp cấp 3, được Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân tuyển đi học lái máy bay phản lực tại Liên Xô (trước đây). Nhưng Quang không đi học mà xin ông nội ký đơn tình nguyện nhập ngũ để thuyết phục mẹ cũng ký vào đơn cho mình đi nam đánh Mỹ. Ðược toại nguyện, Chu Tấn Quang cũng giống như cha gần 30 năm về trước, háo hức lên tàu từ ga Hà Nội hành quân gấp rút để kịp có mặt trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Trong đội hình Sư đoàn 308, anh đã dũng cảm cùng đơn vị đánh căn cứ Phú Lợi, rồi Tân Uyên, tiến vào Lái Thiêu để thọc sâu vào Bộ Tổng tham mưu ngụy. Suốt chặng đường chiến đấu gian khổ ấy, lòng Quang không nguôi mong được gặp người cha đã nhiều năm xa cách. Nhưng không dễ gì có thể gặp bởi trong lúc bước chân anh không ngơi nghỉ thì người cha cũng phải vùi đầu tập trung cho kế hoạch sản xuất với tinh thần "thần tốc".

Sài Gòn giải phóng đã được sáu ngày. Giám đốc Công binh xưởng Trung tá Chu Tấn Ðạt mới ngơi tay, có dịp đi chứng kiến sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn. Qua cổng Dinh Ðộc Lập bị xe tăng ta húc đổ một cánh cổng, người sĩ quan nhìn thấy một chiến sĩ trẻ măng đang đứng gác, khuôn mặt hao hao giống cậu con trưởng của mình liền hỏi: Cháu tên gì?

Chiến sĩ đáp: Thưa Trung tá, cháu là Chu Tấn Quang, người làng Cổ Ðiển, Thanh Trì, Hà Nội ạ.

Người sĩ quan bật khóc nức nở: Bố Ðạt đây! Bố của con đây!

Hai cha con ròng ròng nước mắt ôm chặt nhau rất lâu trước cổng Dinh Ðộc Lập.

Kỷ niệm nghẹn ngào ấy của gia đình luôn được  nhắc lại vào mỗi dịp kỷ niệm như thế này. Bác Chu Ngọc Minh khi kể lại câu chuyện cho chúng tôi nghe cứ tiếc mãi là không "chộp" được cảnh gặp gỡ vô cùng xúc động đó. Bởi thời điểm ấy bác cũng ở miền Nam, là cán bộ quay phim của Xưởng phim Quân đội, có nhiệm vụ ghi lại những hình ảnh vinh quang của đất nước ngày giải phóng. Bác chỉ được nghe Chu Tấn Ðạt (là anh con ông bác của mình) kể lại khi anh em cũng tìm gặp được nhau ít hôm sau đó. Mà cũng lúc ấy, có biết bao nhiêu phóng viên trong nước và quốc tế đổ đến để chứng kiến, ghi nhận những khoảnh khắc lịch sử nhưng không ai bắt gặp và cuộc gặp gỡ của cha con Bộ đội Cụ Hồ ở Dinh Ðộc Lập hôm ấy mãi là giây phút thầm lặng nhưng đầy vinh quang và tự hào. Hai cha con giờ đều đã qua đời. Người cha vì già yếu, còn người con thì đã hy sinh trên đất bạn Cam-pu-chia. Ðã bao lần gia đình đi tìm mộ anh nhưng không được.

Kỷ niệm của một gia đình đã đủ khắc họa được chân dung của bao thế hệ người Hà Nội những năm tháng hào hùng ấy. Họ đã hừng hực hướng về miền Nam ruột thịt, đã sống một đời sục sôi như thế...

HẠNH NGUYÊN và THU TRANG




Hit Counter