Thứ Năm, 5 tháng 5, 2011

Chuyện thật, khó tin... - Nguyễn Tăng Tiến K8 (SRTKL3, Tr.: 269-272)

Chuyện thật, khó tin...

Theo lời kể của cựu chiến binh Bạch Quốc Bình E611, F338
_ Nguyễn Tăng Tiến K8 _

LS Đặng Bá  Linh  - HN 1970LS Đặng Bá Linh - HN 1970

Tháng 8 năm 2010, Bạch Quốc Bình - đồng đội từng ôm xác Đặng Bá Linh từ cao điểm 105 Bắc Quàng Trị xuống núi - có việc vào TP Hồ Chí Minh. Hôm trước đã đến thăm mẹ Hồng và thắp hương cho Linh. Cuối tuần sẽ bay ra Hà Nội nên bạn có lời mời mấy anh em Trỗi hội ngộ. Tôi nhắn tin cho các anh Dương Minh, Kiến Quốc và Hà Chí Thành. Chiều 19 tháng 8, sau cơn mưa lớn, anh em gặp nhau ở quán Vườn Dừa, ngay cổng sân bay. Lính Trỗi trước lạ sau quen, "xoẹt" một cái là chuyện "ào ào như thác đổ". Vui! Mà thế quái nào, Thành và Bình lại học cùng Phổ thông 3 Hà Nội, bây giờ mới biết nhau. Trong nhiều chuyện có một chuyện cảm động.

... Quốc Bình, Chấn Biên, Ngô Vi Lam Sơn, Đặng Bá Linh, Trần Hữu Dân, Phan Thanh Tùng... và tôi là lính Hà Nội, cùng nhập ngũ đợt ấy. Cùng nhau từ ngày huấn luyện tân binh cho đến khi vào chiến trường. Chúng tôi có với nhau nhiều kỉ niệm, nào chuyện cả tiểu đội thèm thịt chó đã ra quán (khi ngồi vào ăn đã lẳng lặng bọc một gói tướng thịt, dồi chó vào lá chuối, giấu vào mũ cối) rồi "hẹn" A trưởng ập đến "bắt quả tang" để "chạy" (nay có lời xin bác chủ quán có hai cô con gái xinh đẹp tha lỗi!); nào đi xem Văn công Tổng cục biểu diễn ở Nga Sơn, Thanh Hóa; nào chia nhau từng điếu thuóc, hộp sữa, mẩu lương khô... Sau đó, tôi được điều sang Nam Lào, còn Quốc Bình, Bá Linh, Hữu Dân vào mặt trận Quảng Trị.

Ngày đầu tiên ra trận, cũng là ngày cuối cùng với Linh. Trên cao điểm 105, vừa nổ súng được ít phút, Linh bị trúng đạn vào bụng và đùi phải, mất máu nhiều. Trong đêm tối, dưới ánh sáng của từng đợt pháo sáng, Bình mò mẫm tìm bạn. Đến nơi đã thấy Linh tắt thở... Chuyện được ghi lại trong "Sinh ra trong khói lửa" tập II.

Năm 1973, khi bị thương, Bình được ra an dưỡng ở Nghĩa Đàn. Tranh thủ sự quản lí lỏng lẻo, bạn trốn về Hà Nội, đến thăm mẹ Hồng. Cũng chỉ nói là bạn cùng sư đoàn lại chơi chứ không dám lộ chuyện Linh đã hy sinh. Còn mẹ thì cứ vui như được đón con từ mặt trận trở về; hết hỏi xem Linh sống ra sao, nó có khỏe không, đến cá cháu ăn uống có đủ chất, anh em có thương yêu nhau... ? Muốn khóc và kể hết cho mẹ nhưng chả hiểu sao, nước mắt cứ chảy ngược vào trong.


Sự thật về cái chết của Linh giấu mãi hơn ba chục năm, cho đến khi Tăng Tiến nói anh em Trỗi đang làm sách Tập II. Những gì tận mắt chứng kiến được gửi cho BBT. (Tất nhiên, trước đó hỏi ý kiến anh Lai, anh trai Linh, thì được trả lời: "Được thôi vì Linh đi đã lâu rồi!").

Cũng dịp ấy, bài "Chuyện về một liệt sĩ, bạn tôi" được đăng trên báo QĐND Cuối tuần, ngày 28 tháng 7 năm 2002. Tác giả gọi điện ra, dặn cứ đến cổng tòa soạn trước vườn hoa Hàng Đậu mà mua. Bận bịu, tới sáng thứ ba mới đến thì bà bán báo lắc đầu: "Số này đã bán hết từ chiều thứ bảy!". Buồn quá định quay xe thì có anh bạn, đang đọc báo trong tủ báo gắn ngoài bờ rào tòa soạn, xen vào: "Này, tôi có tờ Cuối tuần đọc rồi, xin biếu ông!". Anh ta rút túi sau ra tờ báo, đưa cho Bình. "Quý hóa quá. Cám ơn anh! Nhưng... xin phép được trả tiền!". "Tiền nong gì cái tờ báo đã đọc?". "Dạ, anh cứ nhận và xin được miễn nói lí do!".

Bài báo đúng như những gì đã kể, nhưng chuyện không chỉ dừng ở đó. Ít ngày sau, đồng đội cùng sư đoàn biết Bình còn sống đã liên tục tìm về. Lại hội ngộ. Cũng chính nhờ thế mà Bình tìm được gia đình Phan Thanh Tùng - bạn, đồng đội, liệt sĩ - sau mấy chục năm bặt tin. Thầm cảm ơn tác giả, đọc xong Bình gấp tờ báo, cẩn thận cất vào ba lô "hành trang người lính".

Chiều hôm sau, đi làm về, tạt vào một quầy bán vé số ở cuối phố Bà Triệu. Có bao giờ chơi xổ số nhưng như có ai xui khiến, Bình mua liền bốn vé. Bẵng đi cả tuần, nhớ tới vé số đã mua, Bình ra Công ty Xổ số kiến thiết Thủ đô (trên đường Hàng Bài) nhờ cô bạn tra hộ. Cô xem xong hớn hở: "Trúng những hai giải nhất, anh ạ. Mỗi giải 6 triệu". Công ty ghi lại số chứng minh thư rồi đưa giấy mời tới dự lễ trao giải.

Một buổi sáng, vừa ra đường thì gặp anh bạn già. Anh ta hí hửng: "Bình ơi, khao đi!", "Khao vụ gì?", "Mày trúng giải nhất vé số hôm rồi", "Sao biết?", "Nghe trên đài, rõ cả tên mày cùng địa chỉ". Thời ấy, đài truyền thanh Hà Nội có mục đọc kết quả xổ số và cả tên người trúng giải.

- Vậy là anh em xúm lại để được khao. Chiều nay, chiều mai, chiều ngày kia... uống hết nhẵn cả 12 triệu, thậm chí "lõm" thêm 5 triệu. - Bình hể hả kể -  Nhưng chả tiếc, lộc mà, lộc của thằng Linh nó cho... Và nói thật với ông, tôi thấy quá sướng!


N.T.T
Đăng lại bài viết của Nguyễn Tăng Tiến K8 (đã đăng trong "Sinh ra trong khói lửa" tập III, Tr.: 269-272.)


Trách nhiệm trọn đời - Minh Châu



Liệt sĩ Võ Nguyên Trọng - con trai đồng  chí Võ Nguyên Lượng, hy sinh tại chiến trường Quảng Trị năm 1972.Liệt sĩ Võ Nguyên Trọng
- con trai đồng chí Võ Nguyên Lượng,
hy sinh tại chiến trường Quảng Trị năm 1972.


Đồng chí Võ Nguyên Lượng, sinh năm 1915, quê ở huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi). Sinh ra trong một gia đình phú nông, nhưng năm 16 tuổi ông thoát ly gia đình đi làm thợ điện ở Quy Nhơn (Bình Định). Từ 1939 đến năm 1947 ông làm việc tại Nhà máy điện Thanh Hóa và tham gia cướp chính quyền (tháng 8-1945) ở đây. Từ đó, người đảng viên ưu tú này gắn cuộc đời cách mạng của mình với quê hương Thanh Hóa. Năm 1953, ông được Trung ương giao giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa. Sau nhiều lần chuyển công tác, năm 1965, ông lại về nhận chức Phó bí thư, Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Thanh Hóa. Tiếp đó, đến tháng 11-1969 ông lại đảm nhiệm chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa cho tới tháng 12-1974.

Ông Võ Nguyên Lượng có người con trai tên là Võ Nguyên Trọng. Anh Trọng học rất giỏi nên có giấy gọi đi học ở Liên Xô. Đúng lúc đó, anh cũng có giấy mời đi khám tuyển nghĩa vụ quân sự. Ông Võ Nguyên Lượng đã gặp hội đồng tuyển quân và nói: “Con tôi cũng như con người khác, các đồng chí cứ để cho cháu lên đường nhập ngũ, đừng do dự”.  Rồi ông động viên anh Trọng đi làm tròn nghĩa vụ thiêng liêng của người thanh niên với Tổ quốc. Thế rồi, người con trai của ông đã hy sinh anh dũng ở chiến trường Quảng Trị năm 1972. Người dân Thanh Hóa vừa thương, vừa cảm phục ông vì với vị trí của ông thời đó việc cho con đi học ở Liên Xô rất đúng “tiêu chuẩn”. Nhưng ông và anh Trọng đã nêu gương sáng về tinh thần sẵn sàng nhận khó khăn, gian khổ về mình.

Ở xứ Thanh, ông Lượng để lại nhiều giai thoại về lối sống rất sâu sắc, nghĩa tình. Đặc biệt, chuyện với ông Trần Tiến Quân, lão thành cách mạng, người đã giới thiệu ông Võ Nguyên Lượng vào Đảng tháng 2-1946. Từ đó, cứ ngày vào Đảng của mình, ông Lượng làm cơm thân mật mời ông Trần Tiến Quân, đến dự. Bữa cơm thường chỉ có hai người. Có người nghĩ đó là ông Lượng tri ân ông Quân. Nhưng sự thực là trong mỗi buổi ăn cơm thân mật đó, ông Lượng báo cáo lại với ông Quân quá trình tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đảng viên của mình. Ông Quân cũng tự kiểm trước ông Lượng về trách nhiệm của người đã đứng ra giới thiệu, kèm cặp ông Lượng vào Đảng.

Câu chuyện “tự phê bình” của hai đảng viên này là một bài học “kinh điển” về tinh thần trách nhiệm trọn đời của người đảng viên cộng sản.
 ❧ ❀ ❧ 

Đăng lại bài viết của Minh Châu (đã đăng tại Báo điện tử Quân đội nhân dân: Thứ năm, ngày 25 tháng 11 năm 2010).