Liệt sĩ Phạm Văn Hạo - K5



Liệt sĩ Phạm Văn Hạo
Học sinh khóa 5.
Sinh: 5/1953. [Theo Ngành Chính sách Quân đội là 1952]
Nguyên quán: xã Toàn Thắng, huyện Gia Lộc, Hải Dương.
Trú quán: xã Toàn Thắng, huyện Gia Lộc, Hải Dương.
Nhập ngũ: 1970
Cấp bậc: Binh nhất
Chức vụ: chiến sĩ.
Bia mộ vẫn khắc tên Phạm Vũ Nhân.
Đơn vị: C7 E3 Đoàn 2296 (Đoàn Hoa Lư).
Đơn vị khi hi sinh: Đoàn 2296
Ngày hi sinh: 28/6/1971 (6/5 Tân Hợi) [Theo Ngành Chính sách Quân đội là 26/8/1971]
Nơi hi sinh: Kri Tríc, Kông Pông Chàm (Kampong Cham - Nay là Tỉnh Tbong Khmum) - Mặt trận Campuchia (ngay sát đường biên).
Nơi an táng hiện nay: NTLS xã Toàn Thắng, huyện Gia Lộc, Hải Dương. Bia mộ vẫn khắc tên Phạm Vũ Nhân.
Liên hệ gia đình:
Mẹ: Nguyễn Thị Tấu
Anh Phạm Văn Hiển k2 (01695232043), D1, P310, cầu thang số 2 lên các tầng, Khu Giảng Võ, Ba Đình, HN (cạnh KS Hà Nội, Giảng Võ). FB Bà Nội Sunny


 ❀ ❀ ❀ ❀


Mời xem bài viết:
  1. QUÀ LƯU NIỆM CỦA KHÓA TẶNG GIA ĐÌNH LIỆT SỸ K5 NHÂN 27/7 - The Thinh Nguyen, 09/07/2021, Blog AHLS.
  2. Thắp hương Liệt Sỹ Phạm Văn Hạo K5... - Ngô Thế Vinh, 21 THÁNG 7, 2019, FB BẠN NVT.
  3. Thông tin mộ Liệt sĩ Phạm Văn Hạo k5 - TTh, 04/08/2018, Blog AHLS.
  4. Chùm thơ Tưởng nhớ các bạn liệt sĩ K5- Kiến Quốc, 22/7/2018, Blog AHLS.
  5. Thắp hương các Cụ và Liệt Sỹ Phạm Văn Hạo (Phạm Vũ Nhân)... - Ngô Thế Vinh, THỨ BA, 25 THÁNG 7, 2017, Blog K5.
  6. Khoá 5 và ngày 27/7 năm nay - Kiến Quốc - 27/7/2008 tại Blog K4 "Bạn Trường Trỗi"
  7. Đi tìm mộ Liệt sĩ Phạm Văn Hạo - Phạm Văn Hiển k2, SRTKL 1, Tr.:
  8. Đáp số của bài toán - Trần Minh Sơn K5 - Hoàng Long, SRTKL 2, Tr.: 132-134
  9. DANH SÁCH ANH HÙNG, LIỆT SỸ - SRTKL3: 993-999
  10. 9 - Danh sách các Anh hùng, Liệt sĩ - Ban biên tập, SRTKL2: 45-51
  11. Tưởng nhớ 31 thầy, bạn của chúng ta đã hy sinh - FB Tran Kienquoc, 28 Tháng 7 2015.











Đi tìm mộ Liệt sĩ Phạm Văn Hạo - Phạm Văn Hiển k2, SRTKL 1, Tr.:


ĐI TÌM MỘ LIỆT SĨ PHẠM VĂN HẠO

Phạm Văn Hiển k2


Quê hương tôi ở xã Toàn Thắng, huyện Gia Lộc, Hải Dương. Phạm Văn Hạo – em tôi – sinh năm 1953 và năm 1967 nhập Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi. Năm 1970, sau khi tốt nghiệp, thay vì vào học Trường Sĩ quan Pháo binh, Hạo lại trốn gia đình lên đường nhập ngũ. Trong đơn nhập ngũ, Hạo đã đổi tên thành Phạm Vũ Nhân. Ngày 28 tháng 6 năm 1971, Phạm Văn Hạo đã hy sinh ở mặt trận phía Nam, khi vừa tròn 18 tuổi.
Sau giải phóng, trong nhiều năm, theo nhiều hướng khác nhau, gia đình đã đi tìm mộ phần của Hạo, nhưng đều không có kết quả. Mãi sau này, qua đồng đội của Hạo, gia đình mới biết: Hạo hy sinh trên đất bạn Cămpuchia, ngay sát đường biên và việc tìm phần mộ của Hạo gần như vô vọng.
Đợt tìm kiếm thứ hai xảy ra thật bất ngờ… có lẽ, xin bắt đầu từ câu chuyện sau đây:
Tôi có quen thân một gia đình ở phố Hà Trung – Hà Nội, mà bác gái là một tín đồ theo đạo Phật. Những lần tôi tới thăm, bác đều bảo tôi nên đi cầu siêu tìm em Hạo. Chỉ vâng dạ cho qua, vì từ bé đến giờ tôi không hề có chút hiểu biết về lĩnh vực tâm linh, mà đã không tin thì việc cầu siêu trở thành miễn cưỡng. Đầu năm 1997, bác lại bảo tôi (chắc là lần thứ 5 hay 6 gì đó) cầu siêu cho Hạo. Vợ tôi cho rằng việc cầu siêu không phải là mê tín, mộng mị gì, đó cũng là lúc thương nhớ đến người thân đã khuất. Vì vậy, vợ tôi đã đi cầu siêu cho em ở chùa Vĩnh Phúc trên đường Hoàng Hoa Thám. Sau 5 giờ làm các lễ, sư bà trụ trì có dặn phải thắp hương cho Hạo đủ 49 ngày.
Không hiểu do tâm linh thần bí hay trùng hợp ngẫu nhiên, mà đến ngày thứ 27 gia đình đã nhận được tin: trong danh sách liệt sĩ của Quân khu 7 quản lý có tên em tôi. Gia đình đã đến Phòng Chính sách Quân khu 7, nhưng bị chưng hửng: Trong hồ sơ của Hạo, mục chúng tôi cần biết là mộ phần ở đâu thì không có ghi chú. Bên lề chỉ có một chữ cái “R” duy nhất viết bằng bút chì. Trong lúc đang suy luận về chữ “R”, thì chúng tôi biết thêm một thông tin mới, đó là vào khoảng 1986-1987, chúng ta có quy tập được một lượng lớn hài cốt liệt sĩ từ đất bạn Cămpuchia. Vậy chữ “R” rất có thể là “đã quy tập”, nhưng mộ phần ở đâu thì không ai rõ.
Lần tìm tới các đồng chí trong các đội quy tập, nhưng cũng không tìm ra manh mối, chỉ còn cách tìm ở các nghĩa trang liệt sĩ. Việc tìm Hạo ở các nghĩa trang được giao cho Hiệp, em trai út của tôi, đang công tác ở Vũng Tàu. Hàng tháng trời, cả gia đình ở ngoài Bắc thì chờ đợi, còn Hiệp thì xách xe máy rong ruổi từng nghĩa trang. Không biết cả tỉnh Tây Ninh có bao nhiêu nghĩa trang và dọc ngang tỉnh có bao nhiêu đường đất; ngày lại ngày, Hiệp vẫn cần mẫn đi tìm anh. Tây Ninh đi hết thì về Sông Bé, Sông Bé hết thì lại sang Long An… Và quả là trời đã không phụ lòng người, Hiệp đã tìm thấy phần mộ của anh tại nghĩa trang liệt sĩ Long An. Trên phần mộ có gắn tấm bia ghi: “Phạm Vũ Nhân – Gia Lộc, Hải Hưng – Đơn vị: 2296 – Cấp bậc: chiến sĩ - Hy sinh: 28-6-1971”.
Hạo mất tại Cămpuchia, theo lẽ thông thường thì hài cốt sẽ được quy tập về Tây Ninh, hoặc Sông Bé. Còn Long An thí ít ai ngờ! Sau này tìm hiểu, chúng tôi mới biết được căn nguyên của vấn đề: năm 1986-1987, ta quy tập về thành phố Hồ Chí Minh một lượng lớn hài cốt các liệt sĩ. Số lượng lớn đến mức nếu đưa về toàn bộ số hài cốt này thì Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Hồ Chí Minh không còn đủ chỗ và kinh phí cho quy tập thật khổng lồ. Và Thủ tướng phải can thiệp bằng cách: các tỉnh phía Nam nhận hài cốt liệt sĩ của các tỉnh kết nghĩa ở phía Bắc về quy tập tại nghĩa trang liệt sĩ của tỉnh mình. Do Hải Dương kết nghĩa với Long An, nên Phạm Văn Hạo được đưa về Long An từ ngày đó.
Niềm vui của gia đình tìm thấy Hạo lan đi nhanh chóng khắp nơi, từ Nam ra Bắc, từ làng nọ sang làng kia. Nhà tôi lúc nào cũng nhộn nhịp người tới hỏi thăm, chia sẻ. Niềm vui của gia đình còn được nhân thêm, vì cùng nghĩa trang với Hạo còn nhiều phần mộ của các liệt sĩ cùng quê. Em Hiệp đã chụp ảnh từng mộ phần gửi ra cho chúng tôi. Sau đó, chúng tôi đã chuyển chúng về từng gia đình. Người thân của các liệt sĩ vô cùng xúc động, không kìm được nước mắt. Chiến tranh đi qua đã hơn 20 năm, nay họ mới biết được mộ phần của con em mình.
Cũng vào thời gian này, mẹ tôi đã đổ bệnh. Cơ thể vốn đã yếu, nay lòng nhớ thương con lại thêm da diết. Mặc dù được giải thích: Hạo được an nghỉ trong nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Long An – một nghĩa trang rất đẹp ngay bên quốc lộ 1A, nhưng mẹ tôi chỉ lắc đầu: “Hãy đưa Hạo về quê để mẹ con được gần nhau!”.
Thế là, việc đưa hài cốt của Hạo ra Bắc được giao cho tôi. Tháng 5 năm 1997, sau mấy ngày chuẩn bị, được sự giúp đỡ của anh em cùng bạn bè khóa 5 của Hạo tại Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi (Tuấn Kiệt, Quốc Việt, Ngọc Sơn), tất cả các giấy tờ pháp lý cho đến những kinh nghiệm xử lý các tình huống có thể xảy ra trong chuyến đi đã đầy đủ. Đến Sài Gòn, tôi liên hệ ngay được với anh Đoàn Mạnh Hưng – phụ trách cơ quan thường trực Học viện Kỹ thuật Quân sự tại phía Nam, với các bạn Phùng Duy Hưng, Phan Nam, Kiến Quốc, Kỳ Bắc… trong Ban Liên lạc khóa 5, với các đồng chí trong Phòng Chính sách Quân khu 7. Không để lãng phí thời gian, ngày 12 tháng 5 năm 1997, Học viện đã cho tôi mượn xe đi ngay Long An để làm việc. Tại Long An, với sự giúp đỡ nhiệt tình của Tỉnh đội, của Ban quản lý nghĩa trang, nên chưa đầy 12 tiếng, vào lúc 7 giờ tối, chúng tôi đã hoàn tất việc đưa hài cốt của Hạo rời Long An về thành phố Hồ Chí Minh.
Hôm sau, tại nhà khách của Học viện, trước bàn thờ dựng dã chiến với di ảnh của Hạo, các bạn khóa 5, mỗi người một nén hương tưởng nhớ tới người bạn cùng khóa đã anh dũng hy sinh. Chúng tôi đã dành nhiều thời gian cùng nhau ôn lại chuyện xưa…

Chúng tôi nhớ Phạm Văn Hạo, một chàng trai trắng trẻo trong bộ quần áo gụ, ngượng nghịu nhập trường ngày nào, ở Thái Nguyên, giữa các chàng trai Hà Nội lém lỉnh… (ngay từ ngày đầu, anh chàng đã được anh em đặt cho cái tên là Hạo “cồ”!)… đến những ngày “sơ tán” bên Quế Lâm (Trung Quốc) xa xôi, hay những ngày về sống bên bờ sông Thao, Vĩnh Phú… Thế mới thấy anh chàng Hạo tuy “cồ”, nhưng lại rất “gan”, dám thay họ đổi tên, giấu cả gia đình trốn đi bộ đội. Có được bản lĩnh như vậy cũng là nhờ công ơn các thầy cô Trường Trỗi giáo dục, dạy dỗ mà nên!… Nhiều lúc chuyện cũ vui như pháo tết, nhưng có lúc chùng lại buồn thiu. Tất cả những kỷ niệm của thời Thiếu sinh quân cách đây trên 30 năm không phai nhạt trong ký ức chúng tôi.
Sau hai ngày lưu lại thành phố Hồ Chí Minh, Kiến Quốc, Phan Nam thay mặt anh em tiễn đưa tôi và Hạo lên tầu ra Bắc. Tại ga Hàng Cỏ, gia đình, họ hàng và các bạn Sơn, Kiệt, Việt đã đón và đưa Hạo về quê.
Ở quê nhà, bà con đã chờ từ sớm để được dự lễ truy điệu liệt sĩ Phạm Văn Hạo tại hội trường Ủy ban nhân dân xã. Trong hội trường, bên cạnh Quốc kỳ và Đảng kỳ là bàn thờ Tổ quốc có lư hương tỏa khói nghi ngút. Bốn sĩ quan cựu chiến binh mặc quân phục đứng túc trực bên hài cốt liệt sĩ. Các đoàn đại diện cho các ban ngành, cơ quan Dân – Chính - Đảng, đại diện cho hai bên nội ngoại cùng bà con xóm giềng lần lượt vào viếng liệt sĩ Phạm Văn Hạo – người con của quê hương đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, sau gần 30 năm, nay mới trở về yên nghỉ tại quê hương. Trong hội trường chật ních, bà con phải đứng tràn cả ra ngoài sân. Lễ truy điệu được tổ chức trọng thể, trang nghiêm. Và dòng người đã đưa Hạo về nơi an nghỉ cuối cùng.
Trong tôi chợt trào lên một cảm xúc khó tả, một lòng biết ơn vô hạn đến tất cả mọi người. Tôi thầm gọi: “Em sống mãi với gia đình, họ hàng và bạn bè như thế đó, Hạo ơi !”.




Nhớ mãi ... Video HaMeoK6
Bắt đầu tại: 01:55:00





Nhớ về bạn

Trần Minh Sơn K5
Ngày ở trường, hắn mộc mạc lắm; buổi sinh hoạt văn nghệ nào cũng có tiết mục sáo trúc của Hạo “cồ”. Hạo của chúng ta đã cả gan thay cả tên, đổi cả họ, dấu cả bố mẹ để được đi bộ đội (vì bố đang là sĩ quan, nếu cứ đăng ký tòng quân bằng tên thật thì bị truy ra ngay). Sự liều lĩnh có suy nghĩ này có lẽ chỉ có ở “lính Trỗi”?!…
Trích "Đáp số của bài toán"
Khoi Phan Tuan
Việt cận viết rất hay, phục bạn miềng quá chỉ tiếc khi nhắc đến những Liệt sỹ K5 mình lại nhớ Hạo cồ quá nó sống hiền lành quá lên trường vẫn mang bộ áo nâu, quốc mộc... Rồi xung phong đi bộ đội.. Rồi hy sinh mãi gia đình mới đưa đuợc hài cốt về quê ở Hưng Yên... và mãi AE khóa 5 mới tìm đuợc gia đình và về thăm thắp hương cho nó.. vậy đã bao năm rồi ...Bạn mình quá thiệt thòi... Chả được m2 đất nào để tranh chấp
20/4/2017






Khoá 5 và ngày 27/7 năm nay - Kiến Quốc - 27/7/2008 tại Blog K4 "Bạn Trường Trỗi"

Khoảng 9g30 tới NTLS nơi Hạo yên nghỉ. Bia mộ vẫn khắc tên Phạm Vũ Nhân. Vậy là bạn hy sinh năm 1971 khi vừa 18 tuổi và tới 1997 được gia đình và bạn bè đón từ Long An về quê hương. Chúng tôi thắp hương cho bạn và đồng đội. "Quân số" ở NTLS này khoảng 4 tiểu đội, có đồng chí sinh năm 1927, hy sinh năm 1951, có nhiều đồng đội hy sinh trong chiến tranh chống Mỹ. Phía truớc mộ Hạo là 1 kim tĩnh vừa xây xong; vậy là thêm 1 LS nữa đuợc về với đất mẹ. Ngay cạnh là trường cấp 2 rất khang trang.









Xong xuôi chúng tôi về nhà anh Hiển. Làng quê đổi thay, đường bê-tông dẫn về tận cổng nhà. Quanh ngôi nhà gọn ghẽ khang trang là 1 vườn cây ăn trái có cả vải, nhãn, khế... Mẹ anh yên tâm ra đi sau khi Hạo về quê được mấy năm, còn bác trai mới mất hơn 1 năm. Nhà chỉ còn cô em gái. Anh em thắp hương cho các cụ và Hạo rồi ăn bữa cơm rau dưa với gia đình.






Thắp hương các Cụ và Liệt Sỹ Phạm Văn Hạo (Phạm Vũ Nhân)... - Ngô Thế Vinh, THỨ BA, 25 THÁNG 7, 2017, Blog K5.





Bà Nội Sunny: Từ cuối tháng 5 sen đã nở, từ đó đến nay sen hái bày lên bàn thờ hết rồi. Hôm nay anh đưa các bạn K5 trường Trỗi về thắp hương cho ông bà và cho em Hạo

Hùng Nguyễn: Mọi việc xong xuôi, cả đoàn bắt đầu ngồi ăn cơm thì trời đổ cơn mưa rất to, mọi người nói bạn mình rất thiêng đã phù hộ cho chúng ta đây.
DungTuyet Hanoi: Cảm ơn Vinh và các bạn đã thay mặt k5 mình về quê để thắp hương cho Hạo. Mãi mãi không bao giờ quên những người bạn những đồng đội của chúng ta đã hy sinh vì Tổ Quốc. Nhớ mãi hình ảnh khi Hạo lên trường mặc áo cái áo nâu cổ tròn...Nên anh em gọi là Hạo cồ... Hạo sẽ sống mãi với k5 mình.

Bà Nội Sunny: Thay mặt gia đình xin cám ơn các bạn rất nhiều.













0 nhận xét:

Đăng nhận xét