Chủ Nhật, 22 tháng 7, 2018

Chuyện những “mộ gió”

Tháng 7 với ngày 27 - Tri ân Thương binh Liệt sỹ

Mộ gió - chuyện viết đã 8 năm!
(Kiến Thức 27/07/2010)

Từng có những năm tháng là người lính, có không ít những đồng đội đã hy sinh nên chúng tôi là những người biết nhiều sự thật. Hàng chục năm chiến tranh đã qua đi, nhưng hậu quả của nó để lại những nỗi đau âm ỉ cho những gia đình, nhất là những bà mẹ…
***

Chuyện những “mộ gió”

Mai đã là 27/7. Chiều nay có một cô bé thế hệ 8X điện hỏi: “Chú ơi, mộ gió là gì?”. Vừa nghe cháu hỏi, tim tôi khẽ nhói. Bạn tôi nhiều đứa hy sinh mà giờ chỉ có mộ gió.

Trịnh Thúc Doanh, lính của trung đoàn 95, sư 325. Đúng chiều tối ngày thứ 81 – ngày cuối cùng của chiến dịch trấn giữ Thành cổ Quảng Trị - được lệnh rút. Doanh cùng đồng đội nhanh chóng chạy ra sông Thạch Hãn. Khi vừa nhảy xuống lòng sông thì một viên đạn từ đâu bắn tới, Doanh trúng đạn và mất tích. Đồng đội quơ tìm mà không thấy, buộc phải bơi qua sông.
Cả chục năm sau này, sau nhiều lần gia đình vào tìm kiếm hài cốt mà bất lực. Mẹ Mai của Doanh đã mang nắm đất ven sông, đúng nơi Doanh ngã xuống, về và đưa vào NTLS phường Định Công, Hà Nội; coi đó là hài cốt anh.
Ngày “hạ huyệt”, mẹ Mai không quên “hóa” cho anh cái áo bông đã mặc suốt thời gian ở trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi.

Y Hòa bạn tôi cũng vậy. Cùng đồng đội sư 312 chốt giữ ngọn đồi Con Kiêu, tranh giành với địch từng mét đất. Bom đạn ác liệt. Chiến sĩ ta gọi đồi này là “đồi Cháy” vì bom đạn đã đốt cháy trụi màu xanh.
Y Hòa kiên gang chiến đấu nhưng không may anh trúng đạn. Máu tươi ướt cả mặt và mái tóc xanh. Cũng chỉ kịp rút túi ngực ra tấm thẻ đoàn viên và chân dung một người bạn gái, cũng ướt nhèm máu, thều thào: “Chuyển… chuyển những… cái này về… về cho gia đình tao” rồi anh tắt thở. Đồng đội vét đất lên, làm hố chôn anh. Hố nông choèn. Bom đạn thế làm sao mà có cái huyệt sâu.
Ngay sau 30/4/1975, có 3 năm quay lại mà không tìm thấy những tọa độ đã “đánh dấu”. Rồi bạn thời Thiếu sinh quân cùng gia đình và đồng đội sư 312 đã cày nát đồi Cháy mà không tìm ra anh và 9 đồng đội. Gia đình tạm thời lấy nắm đất ở đồi Cháy về thay cho hài cốt, đưa vào NTLS TP Buôn Mê Thuột.

***

Và những mộ liệt sĩ “vô danh”
Còn nữa, tân binh Đặng Bá Linh, ngay đêm đầu tiên, ra đánh trận đầu tiên ở cao điểm 105 bắc Quảng Trị. Chưa kịp nổ một phát súng, anh đã trúng đạn. Máu mất nhiều, anh hy sinh. Đồng đội chôn cất anh ở hậu cứ.
Tới ngày quy tập, khi sờ túi thấy còn lọ pénecicline trong túi, cất giữ những thông tin về anh (tên tuổi, đơn vị (A…, B…, C…), hy sinh ngày 26/8/1972) và anh được chuyển về NTLS xã đó. Mộ anh ngày đó có danh.
Sau đó, có đợt di dời lần 2, mộ anh cùng nhiều liệt sĩ từ đây được chuyển về NTLS huyện. Và, không hiểu vì lí do gì mà mọi thông tin về anh thất lạc. Đau hơn, từ ngày đó mộ anh và nhiều đồng đội trở thành vô danh.
Cũng đã nhờ vài nhà ngoại cảm thử tìm nhưng thấy chưa tin cậy nên gia đình lấy nắm đất trên cao điểm 105 về đặt trên bàn thờ.

Liệt sĩ Trần Hữu Dân cũng tương tự. Trên ngọn đồi không tên gần động Ông Gio, trong một trận chiến không cân sức với bọn ngụy dùng trực thăng vận tấn công lên chốt, Dân bị thương.
Đồng đội cáng anh theo dọc sông Nhung về căn cứ tiền phương. Nhưng vết thương quá nặng, Dân đã hy sinh. Anh được chôn cất cùng liệt sĩ khác.
Sau giải phóng, dân địa phương đi làm rẫy còn thấy bốn nấm mồ và báo cho chính quyền. Anh cũng đã được quy tập về NTLS huyện nơi anh nằm xuống nhưng giờ, mộ vẫn vô danh.

***

… Đó mới chỉ là chuyện của bốn đồng đội, là nỗi đau của 4 gia đình đằng đẵng mấy chục năm qua. Mấy năm trước, theo thống kê của Bộ LĐ-TB-XH thì còn đến 300.000 trường hợp chưa tìm thấy hài cốt hoặc mộ chưa có danh.
Xin được thắp một nén nhang cho linh hồn các anh.

Sài Gòn, 11h30 đêm 26/7/2010.
(CCB Trần Kiến Quốc)

FB Tran Kienquoc, 18 Tháng 7 lúc 14:55



Hong Nam Nguyen: Nguyễn Dũng K15 CTM ĐHBKHN bên mộ liệt sỹ Trịnh Thúc Doanh cũng học K15 CTM, đều là lính 6971, CCB của F325 chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.

Nghĩa trang Liệt sĩ phường Định Công, Thanh Trì, Hà Nội


Mộ Y Hòa - Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Đăk Lăk hay Nghĩa trang Liệt sĩ TP Pleiku? (theo SRTKL).




Nghĩa trang liệt sĩ Huyện Hải Lăng


... nơi hai BanTroi Đặng Bá Linh K6Trần Hữu Dân K7 yên nghỉ!



Thăm các LS trường Trỗi - HữuThành.Nguyễn, 06/2012, Blog "Bạn Trỗi K6"
Ghé NTLS huyện Hải Lăng, Quảng Trị, thắp hương cho Đặng Bá Linh K6 mất tên trên mộ. 27/05/2012, 16gi 20:
Cuối ngày hôm nay chúng tôi tìm viếng bạn Đặng Bá Linh K6. Trong danh sách Ls chúng tôi không đọc thấy Bá Linh. Bạn là một trong số những LS này ư?
Ảnh sưu tầm trên mạng


0 nhận xét:

Đăng nhận xét