Thứ Bảy, 21 tháng 10, 2017

Điều chưa biết về mộ AHLS Nguyễn Văn Trỗi ở Sài Gòn

(Kiến Thức) - Suốt 50 năm qua, người dân xã Bình Trưng vô cùng tự hào vì trên mảnh đất quê hương có nơi an nghỉ của Anh hùng Liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi.

Thăm mộ Anh hùng Liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi

Một buổi chiều cuối tháng 7, PV Kiến Thức tìm đến nghĩa trang Văn Giáp, nằm giữa khu dân cư trên đường số 3, khu phố 2, phường Bình Trưng Đông, quận 2, TP HCM. Con đường số 3 dẫn vào nghĩa trang của bà con đồng hương Văn Giáp (Hà Nội) ở Sài Gòn đang được thi công, mở rộng, mà theo người dân địa phương thì “đó là niềm ao ước từ bấy lâu nay”.

Phần mộ Anh hùng Liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi trong nghĩa trang Văn Giáp, quận 2, TP HCM.


Giữa ánh nắng chiều tà, phần mộ của Anh hùng Liệt sĩ (AHLS) Nguyễn Văn Trỗi nằm trang trọng ở một góc nghĩa trang đang được ông Nguyễn Văn Năm, người quản trang ngụ tại địa phương chăm sóc, quét dọn sạch sẽ.
“Từ ngày cha tôi mất và giao lại công việc quản trang, chăm sóc hàng ngày các mộ phần ở nghĩa trang này, mộ phần của Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi luôn được tôi và nhiều người dân ở đây dành tình cảm trang trọng nhất”, ông Năm cho biết. Theo ông Năm thì những ngày này, khi dịp kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7 sắp tới, sẽ có nhiều đoàn thể, cá nhân… đến viếng mộ phần anh Trỗi.

Hằng ngày, người dân địa phương và bác Năm quản trang luôn lau dọn, chăm sóc mộ phần AHLS Nguyễn Văn Trỗi.


Ông Năm kể lại, hơn 50 năm trước, khu nghĩa trang này còn là vùng đất hoang vắng, dân cư thưa thớt và chỉ có vài phần mộ được chôn cất. Trong một ngày tháng 5 năm 1967, bà Phan Thị Quyên (vợ AHLS Nguyễn Văn Trỗi) cùng người thân lén mang hũ cốt chồng đến chôn trong khu mộ họ tộc của gia đình bà.
“Lúc đó, cha tôi là ông Tư cũng có mặt chứng kiến việc cải táng này. Sau khi đắp nấm đất nhỏ, bia mộ của AHLS Nguyễn Văn Trỗi được ghi sơ sài tên tuổi, ngày mất và để tránh bị Mỹ - nguỵ phát hiện, cha tôi đã giúp bà Quyên trồng thêm bụi cây nhằm che khuất phần mộ”, ông Năm nhớ lại.
Thời gian sau đó, khu vực gần nghĩa trang xuất hiện nhiều tên lính nguỵ. Chúng tỏ ra nghi ngờ, hỏi về ngôi mộ mang tên “Nguyễn v Trỗi” giống của người từng bị xử bắn ở lao Chí Hoà. Nhờ sự khéo léo của ông Tư và một số người địa phương nên dần dần bọn lính không còn để ý đến.


Tấm bia mộ đá quý hơn vàng

Sau ngày Sài Gòn được giải phóng, người dân xã Bình Trưng, huyện Thủ Đức (nay được tách ra làm 2 phường Bình Trưng Đông và Bình Trưng Tây, quận 2) vô cùng ngỡ ngàng khi thấy từng đoàn người xếp hàng dài đến viếng ngôi mộ chôn ở nghĩa trang Văn Giáp. Lúc bấy giờ tất cả mới biết ngôi mộ đó là nơi an nghỉ của Anh hùng Liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, người đã được ghi danh vào lịch sử của đất nước.

Mộ phần của song thân bà Quyên (cha, mẹ vợ anh Trỗi) cũng được an táng tại nghĩa trang Văn Giáp.


Ngày 23/11/1981, bà Phan Thị Quyên cùng người thân đã tiến hành sửa sang lại mộ phần của chồng khang trang hơn. Và năm nào cũng vậy, cứ đến ngày giỗ anh Trỗi (15/10) hay dịp kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7), nhiều đoàn công ty, xí nghiệp, học sinh, sinh viên và nhân dân khắp nơi về đây, đến thắp hương, viếng mộ AHLS Nguyễn Văn Trỗi.
Trong buổi trò chuyện, ông Nguyễn Văn Năm bất ngờ cho PV xem một kỷ vật mà người quản trang này cho biết, đối với ông nó quý hơn vàng. Đó là tấm bia đá khắc tên anh Trỗi với nét chữ đã mờ theo năm tháng.

Tấm bia đá những ngày đầu đặt ở mộ phần AHLS Nguyễn Văn Trỗi được ông Năm và người cha cất giữ như báu vật suốt gần 50 năm qua.


“Tấm bia mộ này đã gần 50 năm rồi, kể từ ngày đầu phần mộ anh Trỗi được chôn nơi đây. Sau ngày bà Quyên sửa lại mộ và đặt tấm bia mới, cha tôi đã cất giữ tấm bia cũ này và trước khi qua đời cha đã trao lại cho tôi cất giữ như một kỷ vật thiêng liêng nhất”, ông Năm xúc động chia sẻ.
Được biết, với sự hi sinh anh dũng của AHLS Nguyễn Văn Trỗi, Lãnh đạo UBND TP HCM đã từng có kế hoạch quy tập hài cốt anh về Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố; đồng thời Lãnh đạo Tỉnh uỷ Quảng Nam trong dịp viếng mộ anh đã đặt vấn đề đưa hài cốt anh Trỗi về huyện Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam, quê hương của AHLS Nguyễn Văn Trỗi) nhưng bà Quyên không đồng ý, vì bà không muốn di chuyển hài cốt chồng mình thêm lần nữa, cũng như muốn chồng mình an nghỉ ở mảnh đất nơi anh đã sống, chiến đấu và hi sinh.

Năm 2002, trong dự án quy hoạch và giải toả của UBND TP HCM thì nghĩa trang Văn Giáp nằm trong diện giải toả trắng. Mộ anh Trỗi được quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ TP HCM. Tuy nhiên, chính quyền và nhân dân quận 2 mong muốn giữ lại và tôn tạo ngôi mộ anh Trỗi thành nơi tưởng niệm.
Vì vậy, UBND TP HCM đã duyệt cho quận 2 xây dựng công viên tại phần đất 11ha (gồm cả nghĩa trang Văn Giáp bị giải toả). Quận đoàn quận 2 đã lập đề án xây dựng Trung tâm hoạt động thanh thiếu niên ở phần đất có mộ phần AHLS Nguyễn Văn Trỗi nhằm giáo dục truyền thống đấu tranh yêu nước, cũng như là nơi tổ chức các hoạt động truyền thống của thanh niên TP HCM.

Hình ảnh thời khắc người Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi trước khi ra pháp trường vẫn dõng dạc hô to những lời yêu nước được tái hiện trong chương trình nghệ thuật mừng 40 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015).


Vậy nhưng, suốt gần 15 năm qua, dù đề án đã được gửi lên xin ý kiến của Thành đoàn TP HCM và Thành đoàn đã đề xuất đề án này vào công trình của thanh niên thành phố tại Đại hội Đoàn TNCS TP HCM (3/2006) nhưng từ đó đến nay vẫn chưa thực hiện được.
“Con đường số 3 vào nghĩa trang có mộ phần AHLS Nguyễn Văn Trỗi đang được mở rộng, tráng nhựa và những ngày tới sẽ hoàn thành thật khang trang. Trong khuôn viên nghĩa trang và xung quanh mộ anh Trỗi hàng ngày vẫn đang được tôi và người dân chung tay chăm sóc, quét dọn. Dù vậy, chúng tôi vẫn mong muốn nơi đây có công viên tưởng niệm, tôn tạo mộ phần anh Trỗi để xứng đáng với sự hi sinh của người Anh hùng đã ghi danh vào lịch sử đất nước”, ông Năm chia sẻ.
Đăng Lê

Nguồn: Báo điện tử Kiến thức - Cập nhật lúc: 06:01 27/07/2015




VN NEWS - Xuất bản 2 thg 10, 2017

0 nhận xét:

Đăng nhận xét