Kỉ niệm ngày thành lập Trường 15/10
CÁC EM HỌC SINH TRƯỜNG TRỖI
(Trích tự truyện "Cuộc đời tôi" - Phan Thị Quyên, vợ AHLS Nguyễn Văn Trỗi)[...]
Sau khi anh Trỗi hy sinh, năm 1965 tại căn cứ TW Cục có ngôi trường mang tên Nguyễn Văn Trỗi (ở R). Các em học sinh của trường này toàn là con em cán bộ, có em từ Sài Gòn vào, tuổi đời của các em trên dưới 10 tuổi, ngoài học văn hóa các em cùng với các thầy cô đào hầm, vót chông, tải gạo… như một người lớn. Các thầy cô dạy học có cả thầy cô ở Bắc vào.
Giỗ đầu anh Trỗi, nhà trường tổ chức lễ truy điệu. Tôi được mời sang dự lễ. Ban giám hiệu, các thầy cô cùng các em học sinh đã dành cho tôi một tình cảm đặc biệt. Sau ngày giải phóng, mỗi lần họp mặt của trường, tôi đều được ban giám hiệu (cô Tư Mai – hiệu trưởng) mời họp mặt. Sau này, các em trong Ban liên lạc xem tôi như người chị gái của trường. Tết đến cũng gởi thiệp chúc tết đến gia đình tôi. Hằng năm đến ngày giỗ anh Trỗi, các em cử đại diện đến thắp nhang cho anh Trỗi.
... Ở ngoài Bắc năm 1965 cũng có ngôi trường mang tên anh Trỗi – Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi trực thuộc Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân VN. Trường này tồn tại từ năm 1965 đến 1970. Các em đều là con cháu của tướng lĩnh, của cán bộ trung cao cấp của Đảng đang chiến đấu ở chiến trường về đây học tập. Những năm Mỹ ném bom đánh phá miền Bắc, trường sang Quế Lâm Trung Quốc học tập (từ tháng 1/1967 – tháng 8/1968).
Trong cuộc chiến chống Mỹ và biên giới phía Bắc đã có 2 thầy giáo và 28 em học sinh là liệt sỹ anh hùng khi tuổi đời còn rất trẻ.
Sau này, nhiều em đã trưởng thành, trở thành tướng lĩnh trong quân đội, có em trở thành lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ở TW cũng như ở các tỉnh thành, v.v...
Lần đầu tiên, tôi nhận được thư các em mời dự vào dịp Kỷ niệm lần thứ 28, ngày hy sinh của anh Trỗi tại Thành phố Hồ Chí Minh. Thư các em viết:
TP.Hồ Chí Minh, ngày 10/9/1992Tôi chưa gặp các em lần nào, nhưng qua thư mời này đã hiểu được tình cảm của các em dành cho tôi rất nhiều. Lần gặp này, tôi đã trở thành chị cả của các em.
Kính gởi chị Quyên
Thưa Chị,
Vào dịp kỷ niệm lần thứ 28 ngày hy sinh của Anh (15/10/1964-15/10/1992), chúng em tổ chức buổi họp mặt toàn thể cán bộ, học sinh trường Nguyễn Văn Trỗi hiện đang sống và công tác ở khu vực phía Nam.
Thời gian: 15h00 ngày 11/10/1992.
Địa điểm: 70 Lê Thánh Tôn – Quận 1 (Sở Giáo dục và Đào tạo)
Chúng em tha thiết mời Chị đến dự buổi họp mặt này. Sự có mặt của Chị là nguồn cổ vũ và niềm vui lớn của chúng em.
Chúng em luôn mong và chúc Chị cùng gia đình luôn vui, khỏe và hạnh phúc.
Hẹn gặp Chị trong buổi gặp mặt của chúng em
T/M Ban liên lạc cơ sở II
Trường Nguyễn Văn Trỗi
Dương Minh
Năm 1995, tôi được các em mời ra Hà Nội dự kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi. Tôi nhớ người đưa tôi đi Hà Nội là em Dương Minh – học sinh khóa 4. Tại buổi họp mặt kỷ niệm, tôi nhận được rất nhiều tình cảm của các thầy cô, các em học sinh trường Nguyễn Văn Trỗi. Sau đó, em Nguyễn Thắng Lợi đưa tôi về thăm gia đình và được chiêu đãi bữa bún thịt nướng rất ngon, đúng khẩu vị miền Bắc. Rồi tôi còn đến thăm gia đình em Nguyễn Quang Vinh. Qua chuyến đi này, tình cảm của thầy trò Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi đã khắc sâu trong tôi.
Các em thường đến viếng mộ anh Trỗi vào ngày 27/7. Năm 1997, có vài em đến gặp tôi, nêu ý tưởng muốn xây lại mộ cho anh Trỗi và đưa 2 bản vẽ cho tôi chọn. Tôi hỏi: “Các em có dự trù xây hết bao nhiêu tiền không?", “Chúng em làm bằng đá hoa cương, dự kiến trên dưới 100 triệu”. Nghe số tiền quá lớn nên tôi nói: “Chị cảm ơn các em và xin ghi nhận tình cảm của các em đối với anh Trỗi nhưng nghĩa trang này không tồn tại, sẽ bị giải tỏa do nơi này thuộc 1 phường của Quận 2 mà số tiền các em bỏ ra lớn quá, sau này đập bỏ thì lãng phí”. (Tôi còn giữ bản vẽ đến năm 2015, khi dự kỉ niệm 50 năm Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi mới biết người đưa bản vẽ cho tôi là em Hồ Bá Đạt khóa 8).
Năm 2005 vào dịp 20/11, Ban liên lạc trường Trỗi ở TP Hồ Chí Minh gặp tôi nói: “C11 nữ của trường tổ chức họp mặt ở Hà Nội, Võ Hạnh Phúc thành viên của trường muốn mời chị và vợ chồng cô Thục (giáo viên trường Trỗi) ra dự”. Trong buổi họp mặt với các em C11, tôi được biết có cả con của chú Văn Tiến Dũng cũng là học sinh trường Trỗi. Ngồi nghe các em kể chuyện học ở trường khi đi sơ tán bên Quế Lâm… và chuyện bây giờ, đúng là con người nó cũng thay đổi theo thời gian, theo thời cuộc của đất nước.
Sau buổi gặp mặt, Võ Hạnh Phúc đã bố trí cho tôi và vợ chồng cô Thục đến thăm bác Giáp (Võ Nguyên Giáp). Bác Giáp vẫn minh mẫn, khi biết tôi Phan Thị Quyên đến thăm, bác mừng và hỏi thăm. Tôi báo cáo bác: “Dạ, cháu khỏe, cháu đã nghỉ hưu mấy năm nay. Chồng cháu còn làm việc, cháu có 2 đứa con - 1 trai 1 gái, chưa cháu nào có gia đình”. Bác còn dặn: “Cháu và gia đình phải sống tốt, chấp hành tốt chủ trương của Đảng và Nhà nước”, “Dạ”.
Cô Hà cũng hỏi thăm nhiều về gia đình tôi. Được gặp cô bác thời gian không nhiều nhưng tôi cảm nhận được tình cảm của cô bác dành cho tôi, cho gia đình tôi rất nhiều.
Nói về tình cảm các em Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi dành cho tôi không sao kể hết. Các em đã xem tôi như người chị cả của các em. Hằng năm, các em họp mặt Ngày thành lập quân đội hay Ngày thành lập trường (đúng ngày anh Trỗi hy sinh - 15/10) đều mời tôi dự. Bây giờ đa số các em đều đã nghỉ hưu nên ngày giỗ anh Trỗi các em về dự rất đông.
Ban liên lạc của 2 trường Nguyễn Văn Trỗi - “R” và “Thiếu sinh quân” đã có mối quan hệ thân thiết với nhau.
Lời kết
Kết thúc tập tự truyện này, tôi vô cùng biết ơn Bác Hồ, Đảng đã cho tôi một con đường học vấn (đại học), một công việc mà bản thân tôi chưa bao giờ nghĩ đến.
Cảm ơn tất cả các Cô, Chú đã thương yêu, dạy bảo… làm cho cuộc đời tôi từ một công nhân bình thường, ít hiểu biết, nay đã trưởng thành và có một cuộc sống ấm cúng, gia đình hạnh phúc.
Mùa thu 2016
Tran Kienquoc 12 Tháng 10 2016
0 nhận xét:
Đăng nhận xét