Chủ Nhật, 29 tháng 6, 2008

14 - "Hổ phụ sinh Hổ tử" - Ban biên tập, SRTKL2: 65-70



Phần II:
GƯƠNG ANH HÙNG, LIỆT SĨ



“ Hổ phụ sinh Hổ tử ”

Chúng tôi muốn dùng tựa đề này để nói lên niềm tự hào
không chỉ về 28 thầy trò đã anh dũng hy sinh mà cả về cha mẹ họ.
Bởi vì “hổ phụ” ắt sẽ sinh “hổ tử”!

BAN BIÊN TẬP

refont.com - Glitter textề anh Nguyễn Văn Trỗi, học sinh danh dự của nhà trường, thì lính Trỗi luôn nhớ lời Bác Hồ đã dạy: phải lấy tên anh đặt cho trường để các em noi gương anh!

Hè năm 1966, trong những ngày lao động xây dựng doanh trại ở An Mỹ (Đại Từ), bạn Lâm Duy (khóa 4) đã dũng cảm hy sinh khi chặt cây, lấy gỗ. Lâm Duy được Tổng cục Chính trị công nhận là liệt sĩ Thiếu sinh quân và bạn chính là liệt sĩ đầu tiên của nhà trường. Cha của Lâm Duy là thiếu tướng Nguyễn Lâm Kính, nguyên tư lệnh Pháo binh thời kì đánh Mỹ (1964-1969). Mới đây, bác đã cho xuất bản cuối hồi kí “Ngược Bắc, Xuôi Nam”; trong đó có nhắc lại sự hy sinh của Lâm Duy.

Học sinh hy sinh trong chiến đấu đầu tiên là liệt sĩ Nguyễn Văn Ngọc (khóa 4). Ở Ngọc, hoàn cảnh khá đặc biệt, bố hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Hoà bình lập lại, năm 1954, mẹ Ngọc xây dựng với chú Nguyễn Chí Điềm (nguyên tư lệnh Bộ đội dù, sau là tư lệnh Đặc công). Với chí căm thù giặc, Ngọc đã chiến đấu kiên cường và anh dũng hy sinh ngay trên mâm pháo bảo vệ Thành Vinh, ngày 10 tháng 10 năm 1968.

Liệt sĩ được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang là Huỳnh Kim Trung. Bạn hy sinh ngày 20 tháng 8 năm 1972, tại bến phà sông Gianh, khi vừa tròn 20 tuổi. Ba của Kim Trung là đại tá, kiến trúc sư Huỳnh Kim Trương. Năm 1947, bác đã là tham mưu phó Bộ tư lệnh Quân khu 7 và sau 1975, có nhiều đóng góp cho việc quy hoạch thành phố Hồ Chí Minh.

Kĩ sư vũ khí Bùi Hữu Thích (khóa 1) hy sinh ngày 22 tháng 8 năm 1972, tại mặt trận Quảng Trị. Ba của anh là trung tá Bùi Hữu Xích, đã nhiều năm công tác ở Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng).

Trong “Sinh ra trong khói lửa” tập I có một bài kể lại chuyện cảm động của các bạn khóa 3 tìm về nghĩa trang liệt sĩ tận biên giới phía Tây-Nam, đưa hài cốt liệt sĩ Ngô Ngời về quê hương Quảng Ngãi. Đại tá Ngô Câu, ba của liệt sĩ, trong cuốn sách này đã có thư cảm ơn quân đội và thầy trò trường ta thật cảm động.

Trong số các bạn khóa 3 ra trận còn có Lê Minh Tân. Anh đã hy sinh ngày 1 tháng 4 năm 1974, tại mặt trận Quảng Nam. Thân phụ liệt sĩ, đại tá Lê Bưởi có nhiều năm công tác tại Bộ Tổng tham mưu, đã gửi cho Ban Biên tập thư và di ảnh quý giá của liệt sĩ. Trong bức thư đầu tiên cũng là bức cuối cùng gửi về nhà, anh đã hứa “được kết nạp Đảng mới viết thư về nhà!”.

Trong số những học sinh từ miền Nam, vượt qua sự bao vây của kẻ thù, ra tới miền Bắc xã hội chủ nghĩa, có Võ Dũng (khóa 5). Năm 1966, má và hai em Dũng đã hy sinh. Thề trả thù nhà, đền nợ nước, Võ Dũng quyết tâm xin về Nam đánh giặc. Tới Sài Gòn, không chịu làm lính thông tin, bạn đã dấu ba (bác Sáu Dân, sau này là Thủ tướng Võ Văn Kiệt), xin bằng được các chú để về Khu 9, làm lính trinh sát. Trong một chuyến đi trinh sát, bạn đã lọt vào ổ phục kích và anh dũng hy sinh.

Các liệt sĩ của trường ta mỗi người mỗi vẻ! Trường hợp liệt sĩ Vũ Chí Dũng (khóa 4) cũng thật đặc biệt. Bố Dũng là bác Vũ Công Thuyết, thứ trưởng Bộ Y tế; Dũng đã qua vòng khám tuyển, thừa tiêu chuẩn đi học lái máy bay chiến đấu ở Liên Xô. Vậy mà Dũng kiên quyết xin về đơn vị chiến đấu. Bạn phấn đấu thành trung sĩ, tiểu đội phó và hy sinh ngày 6 tháng 12 năm 1971, tại Kon Tum.

Ba bạn khóa 5 hy sinh ở mặt trận Quảng Trị là Nguyễn Lâm, Vũ Kiên Cường và Trịnh Thúc Doanh. Bố của Nguyễn Lâm là đại tá Hoàng Hữu Kháng, người được theo bảo vệ Bác Hồ suốt thời gian kháng chiến chống Pháp (1945-1951)1. Sau này, bác Kháng là cục trưởng Cục cảnh vệ, Bộ Công an.

Bác Vũ An, bố của Vũ Kiên Cường, theo gia đình sang Lào từ ngày tản cư năm 1946, sau đó sang Thái Lan. Tại đây bác đã hoạt động trong phong trào Việt kiều yêu nước, rồi phụ trách Tổng hội Việt kiều cho tới năm 1973 mới về nước. Suốt thời gian đó, mấy anh em Cường được mẹ tần tảo nuôi dưỡng. Cho dù bố đi công tác xa và luôn phải đối đầu với sự hiểm nguy nhưng được sự dạy dỗ của mẹ cùng những dòng tâm sự của bố gửi về qua những lá thư, anh em Cường đã biết sống có lí tưởng. Khi có Tổng động viên, là sinh viên Thuỷ lợi, bạn đã ra đi thật nhẹ nhàng, không chút đắn đo. Hôm rồi, gọi điện ra thì mẹ Cường cho biết cũng nhờ nhiều người tìm kiếm nhưng mộ phần của Cường vẫn chưa tìm được.

Đại tá Phạm Văn Đông, bố của Phạm Văn Hạo (khóa 5), ngày đó công tác ở Cục Địch vận. Sợ bị bố phát hiện nên trong đơn xin đi bộ đội đã thay tên, đổi họ thành Phạm Vũ Nhân. Hạo mang theo cái tên mới vào chiến đấu ở B2 và hy sinh ở sát biên giới Campuchia. Gia đình đã tìm thấy mộ phần của bạn ở nghĩa trang liệt sĩ Long An.

Khóa 6 có liệt sĩ Nguyễn Tiến Quân hy sinh trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Bố của Tiến Quân là bác Đồng Sĩ Nguyên, trung tướng, nguyên tư lệnh Đoàn 559, cả cuộc đời có nhiều kỷ niệm gắn với chiến trường. Những năm tháng gần đây, bác vẫn rong ruổi với mơ ước hoàn thành con đường Hồ Chí Minh lịch sử.

Liệt sĩ thứ hai của khóa 6 là Chu Tấn Quang. Bạn hy sinh anh dũng trong những ngày chống lấn chiếm sau Hiệp định Paris. Ba của Quang, trung tá Chu Tấn Đạt, người tiếp quản trường Quân cụ Gò Vấp năm 1975. Tháng 8 năm 1975, ông cùng đơn vị tìm thấy mộ phần của Quang nhưng phải chôn lại vì thân thể còn nguyên. Vậy mà gần ba chục năm nay, nhiều lần gia đình cùng đồng đội trở lại chiến trường xưa tìm kiếm mộ phần mà không thấy!

Võ Nguyên Trọng (khóa 6) - chiến sĩ của sư đoàn 1, quân khu 9. Trọng là con bác Võ Nguyên Lượng, nguyên bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hóa. Ban Liên lạc đã nhiều lần nhắn tin tìm đồng đội qua báo chí. Và mới đây thượng tá Phạm Quang Thư, đồng đội của Trọng, đã có thư báo rằng liệt sĩ đã được mai táng tại nghĩa trang xã Dương Hoà, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang (gần Ngã ba Hòn Chông). Tháng 8 năm 2004, khi cuốn sách đang biên tập dở dang thì chị Vân, chị của Trọng, đang lên kế hoạch đi tìm em. Hy vọng mộ phần của Trọng sẽ tìm thấy!

Khóa 6 có một liệt sĩ, hy sinh ở mặt trận Quảng Trị vào dịp “Mùa hè đỏ lửa”, đó là Đặng Bá Linh. Linh nhập ngũ đầu năm 1972, được huấn luyện rồi hành quân ra mặt trận. Ngay trận chiến đầu tiên, Linh đã hy sinh tại cao điểm 105 bắc, xã Hải Lệ, huyện Hải Lăng. Bố Linh, bác Đặng Ngọc Trác, ngày đó là trưởng ban Vận tải (Bộ Giao thông, vận tải); còn mẹ là cô Đặng Thu Hồng, một sĩ quan của Bộ Công an (trước khi nghỉ hưu là đại tá). Sau ngày quy tập Linh về nghĩa trang liệt sĩ xã Hải Lệ, không may “thông tin của Linh” trong lọ penecicline đã bị thất lạc, nên đến nay mộ bạn vẫn khuyết danh!

Nhà báo, liệt sĩ Ngô Tất Thắng - con đại tá Ngô Từ Vân, nguyên Tổng biên tập tạp chí Quân đội Nhân dân. Vừa tốt nghiệp Đại học Báo chí, Thắng xin về làm phóng viên Báo Quân đội Nhân dân. Khi xảy ra chiến tranh biên giới Tây-Nam, vừa mới cưới vợ, vậy mà Thắng đã xung phong ra ngay mặt trận. Và anh đã hy sinh anh dũng như một người lính chiến!

Khóa 7 có liệt sĩ Y Hoà hy sinh tại mặt trận Quảng Trị năm 1972. Bác Y Wang, ba Y Hoà là người dân tộc Tây Nguyên, từng đảm nhiệm chức Phó ban Dân tộc Trung ương. Sau ngày thống nhất, nhiều lần gia đình đã ra tận Quảng Trị để tìm kiếm mộ phần, nhưng vô vọng. Cuối cùng, gia đình mang nắm đất ở mặt trận đưa về nghĩa trang liệt sĩ Buôn Mê Thuột xây mộ phần cho bạn.

Liệt sĩ trẻ nhất của nhà trường là Bùi Thọ Tuyến. Là học sinh khóa 8, ngày trường giải thể, Tuyến về Thái Bình vì bác Bùi Thọ Tư nhận hiệm vụ Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh. Quê hương Năm tấn cũng là nơi cung cấp nhiều con em cho chiến trường. “Bố lặn lội, động viên nhân dân cho con em đi bộ đội thì lẽ nào mẹ lại ngăn con thực hiện ước mơ làm nghĩa vụ vẻ vang này”, Tuyến tuy chưa đủ tuổi nhưng bắt mẹ xin các chú cho đi bằng được. Tại chiến trường, chỉ còn một năm nữa là chiến tranh kết thúc, vậy mà Tuyến đã hy sinh!

Còn bao liệt sĩ nữa, Ban Biên tập chưa tìm được hết thông tin để đưa vào bài viết. Thật là áy náy! Mong rằng, thầy, bạn ở khắp nơi khi có trên tay cuốn sách, hãy cùng chúng tôi làm những việc sưu tập mà cho tới nay chưa làm trọn vẹn. Cũng là một việc tốt cho đời và đền đáp phần nào những gì những đồng môn, những người bạn thân thiết, cùng “sinh ra trong khói lửa” đã hy sinh cho cuộc sống của chúng ta hôm nay!

B.B.T

 



1 -  Một trong những người được Bác đặt tên “Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi”.



0 nhận xét:

Đăng nhận xét