Chủ Nhật, 29 tháng 6, 2008

24 - Đọc nhật kí chiến trường của anh hùng liệt sĩ Huỳnh Kim Trung - (Minh Đức) - SRTKL2: 102-106

Đọc nhật ký chiến trường
của anh hùng liệt sĩ
HUỲNH KIM TRUNG


MINH ĐỨC thực hiện


Đúng 29 năm, sau ngày hy sinh của Huỳnh Kim Trung, chúng tôi - những bạn học cách đây 36 năm, tại trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi - đã đến thăm gia đình và thắp hương cho bạn. Như những đứa con đi xa nay mới trở về, chúng tôi ùa vào phòng khách. Trân trọng giữa phòng là bàn thờ của gia đình, có góc dành riêng cho Trung, trên đó có Bảng vàng danh dự và quyết định số 110/LCT, ký ngày 31 tháng 12 năm 1973 của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang cho liệt sĩ Huỳnh Kim Trung. Chúng tôi xếp hàng ngang trước bàn thờ có di ảnh của Trung và cúi đầu mặc niệm...

Kiến trúc sư Huỳnh Kim Trương - ba của Trung, nguyên là Tham mưu trưởng Quân khu 7 hồi kháng chiến 9 năm, nay đã ngoài 80 nhưng có trí nhớ tuyệt vời. Những kỷ niệm về hai cuộc kháng chiến, về những năm tháng cùng công tác với cha mẹ chúng tôi và về Huỳnh Kim Trung vẫn như in trong tâm trí bác. Bác hỏi thăm công việc từng đứa. Riêng với bạn Nguyễn Thiện Nhân, bác ân cần dặn: “Cháu đảm nhận trọng trách với thành phố này. Ráng phải làm thật tốt để khỏi phụ lòng những người đã hy sinh.” Chúng tôi như bầy con quây quần bên ba mẹ, ôn lại những kỷ niệm về Trung.

Đã gần 30 năm, Trung xa chúng tôi. Thời gian trôi qua nhanh quá, vạn vật có nhiều thay đổi nhưng tình cảm của lũ bạn học ngày nào vẫn thế; Trung như vẫn sống trong chúng tôi. Khi còn ở trường, chúng tôi có một thói quen ghi nhật ký. Vì vậy, khi ra mặt trận, Trung vẫn duy trì thói quen đó và bạn đã để lại cho gia đình và bạn bè những kỷ niệm vô giá. Chúng tôi cùng nhau giở lại những trang nhật ký chiến trường của Trung. Cuốn nhật ký đã nhầu nát vì thời gian và vì những ngày cùng Trung ở tuyến lửa ác liệt Quảng Bình.

Khi còn ở trường, Trung có chân trong Ban biên tập báo tường đại đội; cậu có năng khiếu vẽ, nên tờ bìa của cuốn nhật ký được trang trí rất điệu nghệ: một cành thông non mọc ngay sườn núi sát biển, đang phải chống chọi với phong ba bão táp; xa xa, một tương lai huy hoàng đang đến, cặp hải âu tung cánh trong bình minh đang lên. Như một truyền thống của thế hệ chúng tôi, Trung không quên viết kèm theo hai bài thơ trên trang bìa như một lẽ sống:

Ơi tuổi trẻ say sưa lý tưởng
Dấn thân vào đường tranh đấu tiền phong
Lấy khổ ải làm một nguồn sung sướng
Vấp ngã – sợ gì, rèn luyện ắt thành công!

Chưa thất bại chưa phải người từng trải
Chưa đau thương chưa phải bước vào đời
Nếu lòng ta cứ sợ mưa sa
Thì nắng đẹp mùa xuân đâu sẽ thấy

Đầu 1972, cuộc kháng chiến chống Mỹ ở cả hai miền đã vào giai đoạn ác liệt nhất. Đang học năm thứ 2 Đại học Cảnh sát, do yêu cầu của chiến trường, để đảm bảo giao thông thông suốt cho con đường huyết mạch chi viện cho tiền tuyến, Trung đã xung phong vào thực tập cảnh sát giao thông tại một trọng điểm: Bến phà sông Gianh!

Trung đã ghi lại trong nhật ký cuộc sống gian nan vất vả, suốt ngày đêm chịu đựng những trận bom rải thảm của máy bay B52, nhưng cuộc sống của quân dân Quảng Bình vẫn đầy lạc quan. Thế mới biết, cuộc chiến nào cũng ác liệt và trong chiến tranh, con người yêu cuộc sống biết nhường nào! Ngoài những giờ phút căng thẳng đương đầu với bom đạn, đứng điều độ các chuyến xe lên xuống phà, ra Bắc vào Nam; Trung rất nhớ nhà, nhớ ba mẹ, nhớ phố phường Hà Nội, nhớ mái trường thân yêu, nhớ cả những buổi trốn học vào rạp xem phim. Trung thèm có một chiếc radio để nghe ca nhạc và tin tức hay một chiếc ghi-ta để cùng cất “tiếng hát át tiếng bom”. Trung ghi lại cảm xúc cả những khi nhận được thư của gia đình và bạn bè, trong đó có nhắc đến bạn Mạnh Chiến, bạn Trường… (Khi đọc đến đây, chúng tôi nhìn nhau: “Khóa ta có hai Trường. Trung nhắc đến Kháng hay Công?”, thì ông bạn Nguyễn Công Trường giơ tay xin nhận đó chính là mình!).

Bạn bè khóa 5 quây quần bên ba má liệt sĩ Huỳnh Kim Trung, 19-08-2001

Bạn bè khóa 5 quây quần bên ba má liệt sĩ Huỳnh Kim Trung, 19-08-2001

Trong nhật ký, Trung nhắc cả đến một cô bạn gái tên H. (Vậy là Hà, Hoa hay Hạnh?… mà có phải là Hạnh em gái của C. hay không? Hồi đó, hai anh em quý nhau lắm, hay trò chuyện tâm sự với nhau, hình như còn viết cả thư cho nhau!). Giá như Trung của chúng ta vượt qua được những năm tháng ác liệt của chiến tranh, ngày trở về, biết đâu Trung sẽ xây dựng với cô bạn H.. Rồi 30 năm sau, hai bạn cũng có con trai, con gái lớn như con của chúng tôi bây giờ…

* * *

Thành tích chiến đấu của Trung được ghi trong hồ sơ lưu tại Phòng thi đua X15 (Bộ Công an):

16-4-1972: Giải phóng đoàn xe từ phiá Nam ra bị tắc trong khi máy bay Mỹ đang đánh phá.

29-4-1972: Dập tắt lửa trên xe chở đạn bị máy bay địch bắn phá, đưa lái xe bị thương và cõng 1 công nhân bến phà đi cấp cứu.

12-6-1972: Vận động bà con cứu xe hàng của Đoàn 559 đang trên phà bị máy bay Mỹ bắn chìm...

Những trang nhật ký của bạn tôi dừng ở ngày 6 tháng 8 năm 1972. Những dòng cuối cùng được viết thật cảm động:

Để bảo vệ cuộc sống hoà bình, hạnh phúc cho mọi người lương thiện, nếu phải ngã xuống thì cũng không có điều gì phải ân hận. Tổ quốc sẽ mãi ghi công, dân tộc sẽ đời đời ghi nhớ!...

Má ơi, con thương má quá! Đáng ra tuổi già như má là tuổi an nhàn, nghỉ ngơi và có những đứa con lớn phụng sự. Thế nhưng vì Tổ quốc kêu gọi, nước còn thì nhà còn, nước mất thì nhà tan, vì vậy chúng con phải tạm thời xa ba má, anh chị và bà con, xa những mái nhà thân yêu từ thuở bé được sinh ra và lớn lên, để khoác súng lên đường đi khắp mọi miền đất nước... Chúng con sẽ thực hiện lời Bác đã dặn:”Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải chiến đấu quét sạch nó đi!”. Quét sạch rồi, con sẽ về phụng sự má, như trăm ngàn đứa con hiếu thảo khác.

* * *

 Hai tuần sau, đúng vào ngày 20 tháng 8 năm 1972, trong khi máy bay Mỹ đang đánh phá, Trung đã cùng dân quân lao vào cứu kho đạn pháo 37 và 85 ly. Vác đến hòm đạn thứ 50 thì đạn nổ, Trung bị thương rất nặng. Được đồng đội cấp cứu. Biết không thể sống được, Trung đã yêu cầu cứu người khác nhẹ hơn. Và Huỳnh Kim Trung đã anh dũng hy sinh khi vừa tròn 20 tuổi.

Chỉ có thế hệ trẻ Việt Nam chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc mới “coi cái chết nhẹ như lông hồng”, mới có những hành động phi thường đến như thế! Huỳnh Kim Trung của chúng tôi đã góp phần tô đẹp thêm truyền thống của trường Thiếu sinh quân, mang tên Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi!

Tháng 10-2001
M.Đ

 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét