Chủ Nhật, 29 tháng 6, 2008

29 - Những lá thư dọc đường hành quân - Lê Hòa Bình K5, SRTKL2: 126-131

Những lá thư
dọc đường hành quân


LÊ HÒA BÌNH * (khóa 5) sưu tầm

Nhớ tới Bác Hồ, trong chúng ta hẳn không quên câu chuyện ngày ở Việt Bắc, hồi kháng chiến 9 năm, các cán bộ cùng làm việc gần Người đã được đặt những cái tên ghép lại thành câu khẩu hiệu “Trường-Kỳ-Kháng-Chiến-Nhất-Định-Thắng-Lợi”. Thế hệ chúng tôi có một bạn học là con trai của bác Hoàng Hữu Kháng, một trong những cán bộ được Bác đặt tên ngày đó. Bạn là Nguyễn Lâm, học sinh khóa 5 trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi.

Năm 1971, khi vào học năm thứ hai Đại học Thuỷ lợi, nghe theo lệnh Tổng động viên, xin phép bố mẹ, Lâm cùng bao bạn bè lên đường nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện, các bạn được bổ sung cho chiến trường miền Nam. Đây là những lá thư của bạn dọc đường hành quân gửi về mà gia đình đã trao cho chúng tôi vào một ngày đầu hè 2003 1.

Nguyễn Lâm (thứ 2 từ bên phải) cùng các bạn ở Phong Khẩu, đầu năm 1968Nguyễn Lâm (thứ 2 từ bên phải) cùng các bạn
ở Phong Khẩu, đầu năm 1968
 

Ngày 3 tháng 8 năm 1972

Anh Sơn mến!

Hôm nay chúng em dừng chân ở Quảng Bình. Nghỉ ở một làng ven sông Gianh. Chiều qua lúc 6 giờ máy bay Mỹ mới đánh phá thì 10 giờ 30 chúng em đến.

Quảng Bình, trước kia nghe nói cứ tưởng tượng ra đất ở đây chỗ nào cũng chỉ có mảnh bom, mảnh đạn nhưng hoàn toàn ngược lại. Sự sống vẫn phát triển, con người vẫn bình tĩnh làm công việc của mình cho dù máy bay cứ gầm rít trên đầu, tiếng bom đạn nổ ì ầm xa xa. Xóm làng về đêm không có ánh đèn nhưng trong bóng đêm ấy vẫn thấy một sự sống mãnh liệt. Chúng em đã đi qua Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Giờ là Quảng Bình. Lúc ngủ trong rừng, lúc ngủ nhà dân. Cứ 7 giờ tối thì lên xe đi, quãng 2 giờ 30 sáng thì đến binh trạm. Dọc đường đi có lúc bom đạn nổ ngay bên đường, đèn dù bập bùng sáng không lúc nào ngớt. Dù bom đạn, dù pháo sáng nhưng xe vẫn đi. Bình tĩnh lạ thường! Không còn lạ và sợ gì bom đạn.

Đêm nay, chúng em sẽ vượt sông Gianh và đi tiếp vào trong. Càng vào trong nhịp sống càng gấp gáp. Khi ở ngoài kia còn được nghỉ 2, 3 ngày ở một binh trạm; còn vào đây, trong đêm vừa đến thì chiều tối lại đi ngay. Đi xe xóc lắm, em hay bị mệt và mất ngủ nên hai bên thái dương đau nhức. Nhưng đứa nào cũng vẫn vui. Ngủ trong rừng mắc võng chụm lại, đứa nào cũng muốn kể chuyện nhà cho bạn bè nghe. Tán như cuội. Lạ lắm, trong đêm không đèn đóm thì dùng pháo sáng thay đèn, tiếng cười nói hòa trong tiếng bom thấy càng vui nhộn hơn. Lúc này có ai có thể nghĩ tới cái chết cơ chứ! Chiến trường đã đảo lộn hàng loạt thói quen sinh hoạt của chúng em. Thức về đêm, ngủ ban ngày, tăng võng thay giường chiếu, tình đồng đội thay cho tình cảm gia đình, tiếng cười đùa thay cho sự ủ dột chết chóc. Em còn nhớ một câu thơ của ai đó: “Thấy quê hương qua tiếng cười đồng đội”.

Chúng em chưa biết ngày nào về nhưng ai cũng mong đến ngày đó. Nếu được về thì thật là may mắn, ngược lại thì cũng do số phận. Nhưng dù thế nào vẫn phải tin là ta sẽ sống, sẽ trở về.

Tin tức gia đình chắc khó mà biết được. Cho nên bao giờ em cũng tự nhủ: “Vẫn thế. Vẫn bình an”. Giả sử ở nhà có việc gì anh phải cáng đáng cả phần việc của em nữa đấy. Còn chuyện riêng của em, Hoa hứa nhất quyết sẽ chờ. Em có nói: “Nếu chờ được thì tốt, nếu không chờ được anh cũng không trách”. Nếu có dịp được về, anh nhớ lại chơi với gia đình bác Thuỷ nhé!

Chiều hôm em đi, bác Thuỷ lên nhà mình ăn cơm. Trưa đó, chị Hải biết tin em đi cũng cố về. Tối hôm ấy khách đến nhà mình đông lắm, giá anh mà ở nhà thì vui quá. Khoảng 9 giờ tối, bố mẹ, chị Hải, Hoa cùng mấy đứa bạn đưa em vào tận chỗ trả phép. Sáng hôm sau, bác Thuỷ và Hoa vào chơi. Đến tối, bố mẹ, chị Hải và Hoa lại vào thăm. Nghĩ tới hôm chia tay làm em cứ thấy lưu luyến, nhiều khi nhớ nhà đến phát bực cả mình. 7 giờ tối ngày 20 tháng 7 chúng em lên tầu ở ga Văn Điển. Thế là xa Hà Nội từ đây!

Khả năng bọn em sẽ vào Quảng Trị anh ạ. Đi “B” ngắn có cái hay nhưng cũng có cái dở. Trang bị thì thật đầy đủ. Ăn uống dọc đường rất tốt, nhưng khi tới Quảng Trị thì không còn rau xanh. Cái gì sẽ diễn ra phía trước thì chưa rõ, song em luôn nghĩ sẽ còn nhiều khó khăn gian khổ. Mình cần nỗ lực, cố gắng hơn trước.

Thôi em dừng bút đây. Chúc anh khỏe, bình an và gặp nhiều may mắn! Tốt nghiệp xong mà em được biết tin thì hay quá!

Em của anh. Nguyễn Lâm.

 * * *

Ngày 15 tháng 8 năm 1972

Mẹ kính yêu,

Các em mến yêu!

Trưa ngày 14 tháng 8, khoảng 1 giờ 30, chúng con vượt sông Bến Hải, rồi đi suốt cho đến 9 giờ tối mới tới nơi trú quân. Cả khoảng đất rộng bao la hơn 10 km2 không hề có một ngọn cây cao nào nguyên vẹn. Chỗ nào cũng có hố bom, hố đạn. Không một bóng người, nhưng đường đi nhầu nát vết dép của bộ đội ta. Chúng con đi qua trận địa pháo cũ của địch. Trên trời không lúc nào vắng tiếng máy bay trinh sát của địch. Thỉnh thoảng lại có một tốp máy bay B52 bay qua. Chúng ném bom ở xa nghe rõ tiếng bom nổ và thấy khói bay mịt mù. Chúng con phải vượt nhanh qua những đồi tranh, rất dễ lộ.

Tay trái con bị mưng mủ ở ngón thứ tư. Rất buốt và nổi một hạch lớn ở nách. Con bị sốt, nhưng sốt thì sốt cứ phải đi thôi mẹ ạ. Lúc này không chỉ đi bằng sức lực mà còn phải đi bằng tinh thần. Trừ cái tay đau còn sức khỏe con rất tốt. Chiều nay chúng con được bàn giao sang đơn vị chiến đấu. Có lẽ chúng con sẽ đóng quân ở Quảng Tri thôi.

Tình hình con là như vậy, báo để mẹ và các em biết. Mẹ yên tâm nhé!

Chúc mẹ của con mạnh khỏe. Mẹ nhớ giữ sức khỏe cho tốt. Ngày về con sẽ thấy mẹ rất mạnh khỏe và vui. Chúc các em ngoan, học giỏi.

Con chờ mong ngày được về gặp mẹ.

Con của mẹ. Nguyễn Lâm.

 * * *

 Ngày 15 tháng 8 năm 1972

Anh Sơn mến!

Em đã vào đến đất miền Nam rồi. Vùng đất Quảng Trị nhiều bom đạn, hoang vắng, toàn là đồi cỏ tranh. Đi suốt một ngày một đêm mà chỉ nghe thấy tiếng chim kêu có một lần. Một vùng rộng lớn hoang vu, nham nhở vết bom đạn. Máy bay trinh sát OV-10 bay nhiều. B52 ném bom liên tục.

Sức khỏe em nói chung vẫn tốt. Ngón tay thứ tư bị mưng mủ nên hôm qua hành quân bị sốt nhẹ. Chiều nay, chúng em được bàn giao cho sư 325. Trung đoàn em đóng chất ở Mỹ Chánh. Trưa qua chúng em vượt sông Bến Hải. Con đường qua vĩ tuyến 17 tuy nhỏ nhưng qua lại thoải mái. Ta có đường dây lớn bắc qua sông đấy anh ạ.

Sơ qua tình hình như vậy để anh biết. Em dừng bút nhé!

Em của anh. Nguyễn Lâm.


 * * *

 Đây chính là bức thư cuối cùng của Lâm gửi về cho gia đình.

Bắt đầu những ngày chiến đấu ác liệt của “Mùa hè đỏ lửa 1972”. Chỉ ba tuần sau đó, ngày 5 tháng 9, trong một trận chiến đấu không cân sức, Nguyễn Lâm đã anh dũng hy sinh.

Dù đã hơn 30 năm trôi qua, nhưng chúng tôi mãi không quên được người bạn thân thiết thuở nào. Máu của bạn đã tô thắm thêm màu cờ truyền thống của quân đội, đã làm đẹp thêm cái tên của trường ta. Xin nghìn lần cám ơn bạn – Nguyễn Lâm!

L.H.B

Bạn Tô Phan Hồng Nam (Phó tổng giám đốc Công ty Bảo vệ Long Hải), sau khi đọc Báo Tuổi Trẻ, đã viết cho chúng tôi: “Bài báo xúc động quá. Nhớ ngày còn bé em gọi anh Lâm là “cậu Lâm” vì bạn em là cháu anh Lâm. Em còn nhớ như in, anh Lâm đẹp trai lắm..…”




Cán bộ tổ chức trường Thương mại Hà Nội.
1. Đã trích đăng trong mục “Những bức thư thời cứu nước”, Tuổi trẻ Chủ nhật, ngày 20-7-2003.



0 nhận xét:

Đăng nhận xét