Thứ Tư, 15 tháng 3, 2017

Sống như Anh - trích nhật ký "Thế hệ Hồ Chí Minh"

Năm 2012, ông Huỳnh Văn Sáng (xã Tân Mỹ, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) đã trao cho phóng viên Báo Bình Dương một gói kỷ vật của liệt sĩ gồm: một quyển nhật ký và 6 bức ảnh đã nằm sâu dưới lòng đất gần 50 năm. Nhật ký dày 35 trang, dù bị chôn vùi hơn 46 năm qua nhưng từng nét chữ và những tấm ảnh được bọc bằng ni lông vẫn còn nguyên vẹn.

Sau khi đón nhận kỷ vật từ ông Sáng, Báo Bình Dương đã thực hiện loạt phóng sự “Kỷ vật từ lòng đất” (từ ngày 17 đến 22/9/2012), gây xúc động lòng người. Và từ quyển nhật ký quý giá này, Báo Bình Dương đã tìm ra nhân thân của liệt sĩ, nhà giáo Lê Thị Thiên (sinh năm 1945, quê ấp Bà Bèo, xã Mỹ Phước Tây, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang).

Liệt sĩ, nhà giáo Lê Thị Thiên hy sinh năm 1966 trong một trận chiến đấu quyết liệt với kẻ thù khi còn rất trẻ.

Trích Báo Bình Dương
“Thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh” là tiêu đề của cuốn nhật ký mà tác giả - người lính đã trân trọng ghi ở trang đầu. Nội dung những trang viết là tình yêu quê hương, đất nước, tấm lòng son sắt hướng về Đảng, về Bác Hồ được tác giả nhắc lại nhiều lần trên đường hành quân... Tôi đã đọc nhật ký của Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm... và bây giờ là của một nữ chiến sĩ. Những dòng viết rất thật, như chắt lọc từ sâu thẳm tận đáy lòng..., như trải ra với những yêu thương, khát khao cống hiến đã vĩnh viễn là lý tưởng sống tuyệt đẹp cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
[...]
Những dòng chữ được viết đầu tiên vào tháng 12-1962 và trang cuối là ngày 20-10-1966. Nhiều trang giấy phía sau vẫn còn để trống, có lẽ lúc này người lính ấy đã hy sinh. Tính từ năm 1966 đến nay, nhật ký nằm dưới lòng đất cùng tác giả đã 46 năm nhưng lạ kỳ nét chữ, hình ảnh còn rõ ràng. Tác giả cuốn nhật ký là nữ chiến sĩ, cũng là sinh viên vừa rời mái trường xung phong vào mặt trận chiến đấu như anh Thạc, chị Trâm.
[...]
Chúng tôi thấy trong kỷ vật của chị có lưu giữ bức ảnh anh Trỗi trước pháp trường và chị dành nhiều trang viết đầy cảm xúc về gương hy sinh anh dũng của anh.

[...]
Hình ảnh người anh hùng trẻ tuổi bất khuất, kiên cường vào thời điểm đó đã trở thành thần tượng của nhiều thanh niên yêu nước. Do đó, trong hành trang của người lính trẻ, trong kỷ vật của các liệt sĩ thường lưu giữ hình ảnh anh Trỗi cũng là điều dễ hiểu. Riêng chị - người lính - tác giả cuốn nhật ký, có cùng lứa tuổi với anh Trỗi đã xem anh như là tấm gương sáng để noi theo trong học tập, chiến đấu. Bức ảnh của anh Trỗi kèm trong kỷ vật của chị, có dòng chữ:
“Nguyễn Văn Trỗi sống mãi, một Nguyễn Văn Trỗi ngã xuống, hàng vạn Nguyễn Văn Trỗi đứng lên”.
Trên đường hành quân vào ngày 10-10-1966, nhớ về anh Trỗi, chị viết:
“Chỉ còn mấy ngày nữa là đến ngày kỷ niệm, ngày giỗ lần thứ 2 của anh Trỗi. Để thiết thực kỷ niệm ngày hy sinh anh dũng của anh, mình phải làm gì? Trong công tác đối với kẻ thù, đối với đồng chí, đồng đội phải như thế nào? Đạo đức người cách mạng, người cộng sản, đối với người thân yêu... đó là những vấn đề cần tính làm thế nào cho được tốt toàn diện...”.
Rồi đến ngày giỗ anh Trỗi 15-10-1966, chị làm bài thơ về anh:
“Quên sao được tháng mười - sáu bốn/ Ngày 15 anh Trỗi đã hy sinh/ Vì quyền dân tộc của mình/ Tự do độc lập dân sinh giống nòi/ Anh đã chết nhưng anh vẫn sống/ Sống trong lòng nam nữ thanh niên/ Tươi thêm giọt máu vào tim/ Hôm nay tôi lại nhớ đến anh/ Người đồng chí đấu tranh dũng cảm/ Gương anh khắc mãi trong tim/ Khí tiết cách mạng con đường Mác - Lê/ Nhớ anh, tôi nhớ lời anh dặn/ Nhớ anh, sống chiến đấu như anh/ Làm sao xứng với tuổi xanh/ Giải phóng đất nước đoạt thành ước mơ...”.
[...]
Và đôi khi chị có những dòng viết thoáng qua về tình cảm của bản thân với nỗi trăn trở, mất mát bởi chiến tranh gây nên. Ngày 21-1-1966, chị viết:
“Đến gặp anh C để bàn giao công tác. Một tin làm mình xúc động vô cùng vì người thân đã sa vào tay giặc ngày 8-1. Mình buồn và có suy nghĩ nhiều dù rằng đối với mình chưa có gì là khái niệm sâu sắc trong lòng, ngoài tình đồng chí, tình cảm cách mạng, nhưng mình coi anh ấy là người bạn... và cũng là người lý tưởng của mình...”.
Và để tự động viên sự mất mát của bản thân, chị viết:
“Mình lại nghĩ đến tình yêu cao thượng của anh Trỗi, chị Quyên, đôi vợ chồng vừa cưới nhau được 20 ngày, mới chung sống thời gian ít như vậy mà vội chia ly vĩnh viễn. Trường hợp mình cũng gần giống vậy nhưng mình phải đặt vào tổ chức kỷ luật cao...”.
Toàn bộ cuốn nhật ký, chỉ có mấy dòng ngắn ngủi trên dành cho chị nói về bản thân, một chút riêng tư. “Biết hy sinh nên chẳng nhiều lời”, “Khi Tổ quốc cần chúng mình biết hy sinh”, đó là lý tưởng của thanh niên khi dân tộc bị lâm nguy, có giặc ngoại xâm. Tình yêu thời chiến bao giờ cũng đẹp như huyền thoại.

Trích nhật ký "Thế hệ Hồ Chí Minh"

Trang đầu tiên của nhật ký

Những trang viết trong tập nhật ký

Anh Trỗi đứng hiên ngang trước họng súng quân thù
(ảnh lưu giữ kèm theo nhật ký)

Bài thơ kỷ niệm ngày giỗ lần thứ 2 của anh Trỗi

Tác giả của quyển nhật ký - liệt sĩ, nhà giáo Lê Thị Thiên


- Tháng 12-1962: Rời mái trường trở về địa phương tham gia cách mạng. Vừa dạy học, vừa tham gia các mặt công tác kháng chiến ở địa phương.
[...]
- Ngày 20-10-1965: Về họp chi đoàn cơ quan
QUYẾT TÂM
SỐNG - CHIẾN ĐẤU
Như anh hùng liệt sĩ
NGUYỄN VĂN TRỖI.
[...]
- Ngày 21-1-1966: Đến gặp anh C. để bàn công tác. Một tin làm M. xúc động vô cùng: người thân (10T) đã rơi vào tay giặc hôm 8-1 (ngày đầu địch càn vào bắc C2). M. buồn và suy nghĩ nhiều. Dù rằng đối với M. chưa có gì là kỷ niệm sâu sắc, nhưng trong lòng ngoài tình đồng chí, tình cảm cách mạng ra, còn có tình yêu thương đồng chí, bước đầu của tình cảm riêng tư. Đó là tình đồng chí, là người bạn và coi như là người... lý tưởng của M.

M. lại nghĩ đến tình yêu thương cao thượng của anh Trỗi - chị Quyên. Đôi vợ chồng vừa cưới nhau 20 ngày, mới chung sống thời gian ít như vậy.

Biến đau thương thành hành động, giờ đây M. phải làm tốt mọi công tác được giao, là cơ sở chuẩn bị cho công tác mai sau (giáo dục). M. đã yên tâm phần nào, chỉ chờ đợi thời gian thực tế vào nắm tình hình, tích lũy kinh nghiệm qua việc đi sâu sát vào quần chúng, làm công tác tư tưởng quần chúng. Chính điều đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện nhiệm vụ của người làm công tác giáo dục.

Hãy lo hoàn thành tốt nhiệm vụ trước mắt...
[...]
-Ngày 10-10-1966: Chỉ còn mấy ngày nữa là tới ngày kỷ niệm, ngày giỗ thứ hai của anh Trỗi. Để thiết thực kỷ niệm ngày hy sinh anh dũng của anh, M. phải làm gì? Trong công tác: Đối với kẻ thù? Đối với đồng chí? Đối với bản thân? Đạo đức một người cách mạng, con người cộng sản? Đối với người thân yêu? Đó là những vấn đề cần phải làm thế nào cho được tốt, toàn diện.

Hãy đi lên để tìm chân lý sống!...


Nhớ anh

(Kỷ niệm ngày hy sinh anh dũng của Nguyễn Văn Trỗi)

Mến tặng anh Ng.V Tuấn trong nhà lao Mỹ - Thiệu - Kỳ

Quên sao được tháng 10 - sáu bốn!
Ngày 15 anh Trỗi đã hy sinh
Vì quyền dân tộc của mình
Tự do, độc lập, dân sinh giống nòi
Anh đã chết nhưng anh vẫn sống
Sống trong lòng nam nữ thanh niên
Tiếp thêm giọt máu vào tim
Một bầu nhiệt huyết, nhiệt tình đấu tranh.

***

Đêm nay tôi lại nhớ đến anh
Người đồng chí đấu tranh dũng cảm
Gương anh khắc mãi trong tim
Khí tiết cách mạng, con đường Mác - Lê
Nhớ anh, tôi nhớ lời anh dặn
Nhớ anh, sống chiến đấu như anh
Góp công giải phóng quê hương
Giành quyền dân tộc, tình thương giống nòi
Làm sao xứng với tuổi xanh
Giải phóng đất nước, đoạt thành ước mơ.


Quà mừng chiến thắng

(Kính tặng Đại hội DS2T)

Vui biết mấy trong ngày đại hội
Lòng rộn ràng thêu vội chiếc khăn
Tặng anh dũng sĩ ngoan cường
Món quà kỷ niệm, kính, thương anh nhiều
Ngày đêm chiến đấu quên mệt mỏi
Vượt mọi gian nguy tiến lên đường
Anh đi giải phóng quê hương
Anh đi bảo vệ tình thương dân mình
Lòng kính mến người anh dũng cảm
Lập chiến công rạng rỡ muôn nơi
Tên anh “Dũng sĩ” chói ngời
Người người, lớp lớp, đời đời theo anh!
Này bè lũ cướp nước hôi tanh
Đừng có hống hách, đừng mong được về
Vui thay, vui quá, vui ghê!
Người anh yêu nước tâm tình đi anh!



Nói đi em

(Mến tặng em H., người em cùng quê hương)

Em hỡi! Em ơi! Em nghĩ gì?
Rộn ràng, khấp khởi hay sầu bi?
Chuyện đời, tình cảm là thế ấy
Buồn, thương, hối hận mà làm chi...

***

Hãy nghĩ đến ngày mai tươi sáng
Miền Nam ta giải phóng tự do
Gia đình sum họp một nhà
Cùng nhau vui hát bài ca “Thanh bình”
Em yêu hỡi! Sao em không nói?
Nói đi em! Chị lắng nghe đây
Nghe em kể lại những ngày
Đấu tranh gian khổ, đắng cay kiên lòng
Bên nhau chiến đấu cùng lý tưởng
Vững lòng san phẳng mọi bất công
Bên nhau chiến đấu vì dân
Đạp bằng trở ngại, tiến lên diệt thù...

(Kỷ niệm ngày bị đau, trong đợt thi đua kỷ niệm 2 năm ngày anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi hy sinh, 17-10-1966)



Đọc sách

Nói đến đọc sách, nhà đại văn hào Mắcxim Goocky viết: “Càng đọc sách càng làm cho tôi gần với thế giới và công việc... càng thấy yêu quê hương và yêu nước Nga vô hạn”.

Một vị lãnh tụ cũng đã từng nói: “Một quyển sách hay, một bản nhạc tốt, một bài thơ hay có tác dụng như hàng binh đoàn xung phong ra trận diệt quân thù”.

(Ngày 20-10-1966)
KIẾN GIANG


0 nhận xét:

Đăng nhận xét