Thứ Hai, 20 tháng 3, 2017

Con trai vị Thủ Tướng và sự bướng bỉnh


Liệt sĩ Võ Dũng
Võ Dũng, sẽ trở thành một một học sinh hạnh kiểm cực tốt nếu biết dạ vâng, khép nép cúi đầu làm theo những cô, bác anh chị trông coi mình. Và dù Võ Dũng không ngoan như vậy, ông Võ Văn Kiệt vẫn có thừa quyền lực và mối quan hệ đề đưa con sang Liên Xô, Đông Đức, hayTiệp để thanh nhàn, thậm chí chỉ ăn chơi, vui thú ‘xứ người’ mà vẫn có một tấm bằng đỏ đại học sau này ấm thân. Nhưng Võ Dũng đã sống với bản chất, nghị lực của mình, không thớ lợ, không dựa dẫm, và ông Võ Văn Kiệt sẵn sàng chấp “tính bướng bình” đáng khâm phục ấy của con mình. Hình như tính cách ấy, phẩm chất ngày xưa cũng không nhiều, bây giờ thì...không có.




ĐỨA CON BƯỚNG BỈNH

MINH DIỆN


Hôm ấy ông Võ Văn Kiệt chủ trỉ cuộc họp Thường vụ Đảng ủy Khu IX, bàn biện pháp phối hợp giành lại thế chủ động trên chiến trường miền Tây Nam bộ. Giờ giải lao, ông đang đứng nói chuyện vui với chính ủy mặt trận, thì bác sỹ Huỳnh Hoài Nam đến bên cạnh, nói nhỏ với ông:
- Anh Sáu ơi! Đơn vị báo thằng Dũng hy sinh rồi anh!
Không nghe rõ, ông Sáu Dân kéo tay bác sỹ Huỳnh Hoài Nam hỏi:
- Mầy nói gì vậy?
Giọng bác sỹ Huỳnh Hoài Nam nghẹn lại:
- Dũng hy sinh rồi anh ơi!
Ông Sáu Dân bỗng thấy choáng váng, suýt ngã. Bác sỹ Huỳnh Hoài Nam vòng tay đỡ, ông Sáu gượng đứng thẳng dậy, và ông nói:
- Không sao đâu!
Chính ủy mặt trận và những người có mặt chết lặng khi nghe tin Võ Dũng , con trai Bí thư Khu ủy Võ Văn Kiệt hy sinh hai ngày trước, 29-4-1972, khi đang bò vào hàng rào dây kẽm gai trinh sát một chốt địch ở Sóc Trăng, mấy chị phụ nữ bật khóc. Ông Võ Văn Kiệt vẫy tay bảo mọi người vào họp tiếp. Khuôn mặt hốc hác đen sạm của ông vẫn tỏ ra cương nghị.
Tan cuộc họp, ông lầm lũi về chiếc chòi riêng, đứng một mình, đăm đắm nhìn những cánh rừng tràm, đước mênh mông. Ông đứng như thế, không nhúc nhích đến khi màn đêm buông xuống.
Ông Võ Văn Kiệt lấy vợ năm 1949. Ông không lấy đảng viên theo sắp xếp của tổ chức, mả vì tình cảm chân thành giữa hai người, dù tuổi tác và hoàn cảnh chênh lệch. Năm ấy ông 27 tuổi, là Thường vụ Tỉnh ủy ,vợ ông 17 tuổi, con thứ sáu một gia đình từng là địa chủ có 300 mẫu ruộng và một nhà máy xay lúa.
Năm 1950, bà Kim Anh có thai đứa con đầu lòng được bốn tháng thì ông Kiệt lên đường ra chiến khu Việt Bắc. Hơn hai năm sau ông trở về, đứa con trai đã lẫm chẫm biết đi. Bà Kim Anh tủi thân kéo con vào lòng ôm mặt khóc.
Ông Võ Văn Kiệt đặt tên con là Phan Văn Dũng, lấy họ mẹ làm tên thường gọi là Võ Dũng. Ở với vợ con được năm ngày, ông lại ra đi trong đêm khuya , khi Võ Dũng đang ngủ say .
Năm 1954, các ông Lê Duẩn, Phan Văn Hòa (Võ Văn Kiệt) và nhiều cán bộ lãnh đạo khác không tập kết ra Bắc mà ở lại miền Nam làm nhiệm vụ, bị chính quyền Ngô Đình Diệm truy quét gắt gao, phải lánh sang Campuchia, đóng vai thương nhân ở thủ đô Phnom Pênh. Năm 1955, ông Võ Văn Kiệt đón vợ và hai con - Hiếu, Dân sinh 1953- qua bên đó. Đó là lần đầu tiên, cũng là duy nhất, gia đình ông được đoàn tụ.
Nhưng trên đất khách quê người, và với một nhà hoạt động chính trị bí mật, cuộc sum họp của gia đình ông bấp bênh đầy căng thẳng hồi hộp, và cũng chỉ được ngắn ngủi ít ngày rồi lại chia ly. Theo quyết định của trên, ông Võ Văn Kiệt gửi cậu con trai Võ Dũng ra miền Bắc, đưa vợ và cô con gái về quê ngoại , còn mình về Sài Gòn làm Bí thư Thành ủy.
Võ Dũng năm ấy mười tuổi bé loắt choắt, nhưng nhanh nhẹn, khuôn mặt và dáng đi giống hệt ông Võ Văn Kiệt. Sinh ra và lớn lên ở vùng sông nước Nam bộ phóng khoáng, không được gần ba, nên còn nhỏ Võ Dũng đã có tính tự lập vẻ tỏ ra hào hiệp. Võ Dũng tự gói quần áo, đồ dùng vào bồng, tự rút từng chiếc quai dép cho vừa chân, và chia cho mấy người bạn cùng đi từ cục xà bông đến bịch ruốc bông má mua cho mình.
Trước lúc tiễn con trai ra Bắc, tiễn con gái và vợ quay về quê, ông Võ Văn Kiệt muốn chụp một tấm hình kỷ niệm. Ông đưa vợ con đến một hiệu ảnh ở đường Monivong , thủ đô Phnom Pênh. Người thợ ảnh chuẩn bị bấm máy, thì ông xin lỗi tách ra , không chụp chung với vợ con nữa. Cuộc chiến đấu một mất một còn đang tiếp diễn , chính quyền Ngô Đình Diệm đang truy lùng mình ráo riết, hậu quả sẽ ra sao ? Ý nghĩ ấy chợt đến khiến ông Võ Văn Kiệt bỏ lỡ cơ hội duy nhất có một tấm hình kỷ niệm với vợ con, để rồi sau này, ông mang trong lòng niềm ân hận, nuối tiếc.
Mẹ con bà Kim Anh trở về Rạch Gíá ở vơi ông bà ngoại, biền biệt mấy năm không được tin chồng. Nhớ ngày ở Campuchia có quen các ông Huỳnh Tấn Phát, Trần Bửu Kiếm, bà Kim Anh mang con lên Sài gòn vừa kiếm kế sanh nhai vừa dò la tin chồng.
Dù là một địa chủ nhưng ruộng đất đã hiến cho cách mạng gần hết, nhà máy xay thì phá hủy theo tinh thần tiêu thổ kháng chiến , nên gia đình bà Kim Anh đã khánh kiệt. Bà lên Sài Gón với chút vốn liếng chỉ đủ góp cùng người anh trai mua một căn nhà nhỏ vách ván, lợp lá dừa nước , bên ao rau muống trong con hẻm Đội Có đường Võ Di Nguy, Phú Nhuận. Hàng ngày bà xay bột làm bành tai yến mang ra chợ Tân Định bán kiềm tiền nuôi con.
Bấy giờ ông Kiệt ở căn cứ Hố Bò, Củ Chi. Chỉ một quãng đường mà vợ chồng như cách xa vời vợi muôn trùng. Mãi đến năm 1961, ông mới móc nối được vợ con, và bà Kim Anh cùng Hiếu Dân được giao liên đưa lên Hố Bò.
Năm 1962, bà Kim Anh sinh con gái thứ ba,đặt tên là Ánh Hồng. Cô bé xinh xắn vừa lẫm chẫm biết đi thì phải quay về thành, vì Củ Chi liên tiếp bị càn quét quá ác liệt. Về thành một thời gian, còn cảm thấy nguy hiểm hơn, mẹ con bà Kim Anh lại bồng bế nhau lên cứ.
Năm 1965, Mỹ trực tiếp đưa quân vào miền Nam, cuộc chiến tranh ác liệt hơn. Ông Võ Văn Kiệt quyết định gửi tiếp cô con gái Hiếu Dân ra Bắc. Bà Kim Anh tiễn con ra trạm giao liên, trên đường về ghé vào bệnh viện khám , biết mình đã có thai đứa con thứ tư.
Bà Kim Anh nhớ ba lần sanh nở đều vắng chồng , vừa cực, vừa tủi, có lần phải đẻ nhờ trong nhà ông thợ may bên bở kinh, cắt nhau cho con bằng kéo cắt vải. Bây giờ đang có bầu, lại về quê , cảnh nhà như thế biết nhờ ai ? Suy nghĩ kỹ, bà Kim Anh quyết định giữ Hiếu Dân lại không cho ra Bắc nữa. Năm ấy Hiếu Dân đã mười tuổi, là một cô bé nhanh nhẹn đảm đang . Bà Kim Anh lật đật quay lại trạm giao liên, nhưng Hiếu Dân đã lên đường mất rồi. Bà đành lặng lẽ rời Hố Bò, bồng đứa con ba tuổi quay về Rạch Gíá nương nhờ cha mẹ. Cuối năm ấy Chí Tâm ra đời, cũng một mình bà xoay trở như ba đứa trước.
Ông Võ Văn Kiệt được tin nhắn về, bảo vợ con vào cứ. Gia đình khuyên bà Kim Anh không nên đi vì cháu Chí Tâm còn quá nhỏ, nhưng bà nóng lòng gặp chồng nên không ai cản nồi.
Cơ quan cử bà Ba Kiếm, một cán bộ giao liên về đón mẹ con bà Kim Anh.
Rời Rạch Gía sáng sớm ngày rằm tháng Chạp , chỉ còn nửa tháng nữa là tết Bính Ngọ,1966. Lòng vòng cắt đuôi đeo bám của mật vụ, mật thám, đến sáng 17 tháng Chạp xuống con tàu Thuận Phong ở Bến Cát , xuôi sông Sài Gòn về Củ Chi.
Cách vài cây số là tới Bến Dược. Bỗng một tốp máy bay trực thăng của Mỹ bay tới quần đảo, rồi bắn Rocket vào con tàu đang chở mấy trăm khách, trong đó có cả người Việt cộng lẫn Quốc gia, nhiều nhất là thường dân. Chiếc tàu bốc cháy , đắm giữa dòng sông Sài Gòn chảy xiết. Hơn hai trăm người thiệt mạng trong đó có bà Kim Anh, vợ ông Võ Văn Kiệt và hai đứa con ông, Ánh Hồng lên ba, Chí Tâm chưa đầy ba tháng tuổi.
Hai ngày sau, đang ở Nhà Bè, ông Võ Văn Kiệt mới biết tin vợ con mình chết, không tìm được xác. Ông đứng lặng trong nhà một cơ sở bí mật. Từ đó ông luôn giữ bên mình tấm hình vợ con và bộ quần áo bà ba lụa , bà Kim Anh may gửi lên cho ông trước khi mất không lâu.
Hai anh em Võ Dũng, Hiếu Dân nhận được tin má và hai em chết cách đó mấy tháng. Hiếu Dân khóc, còn Võ Dũng, y hệt như tính cách ông Võ Văn Kiệt , cắn môi chảy máu mà không khóc.

Năm ấy Võ Dũng 16 tuổi, đang học lớp 6 phổ thông, học khá nhưng điểm trung bình về hạnh kiểm.
Từ ngày ra Bắc , Võ Dũng sống chung trong gia đình bà Bảy Huệ , vợ ông Nguyễn Văn Linh. Hiếu Dân ra cũng ở đó với anh trai.
Lúc còn bé Võ Dũng đã có tính tự lập,và cương trực , thằng thắn, mang đậm khí chất dân Nam bộ. Phải xa ba má , sống trong một hoàn cảnh đặc biệt, hoàn toàn khác với môi trường mình sinh ra , có khi phải chịu cảnh bất công , Dũng phản kháng như bản năng. Dũng không thể nín nhịn khi con người ta sai lại đổ lỗi cho mình. Dũng không thích bị sai khiến, không khép nép để được người lớn khen ngoan. Ngược lại Dũng thích sòng phẳng , thích bao bọc bạn bè và bênh vực những người yếu thế. Ai nói oan cho mình và bạn mình Dũng cãi lại liền bất kể người đó là ai. Đứa nào bắt nạt em gái hay bạn bè Dũng tẩn lại liền ,dù bản thân bị toét đầu đổ máu và bị ghi hạnh kiểm xấu .
Có lần Hồ Chủ tịch cho các cháu miền Nam vào phủ chủ tịch chơi, lúc chia kẹo, ông hỏi các cháu có ngoan không? Tất cả trả lời “ Thưa Bác Ngoan ạ!” Riêng Võ Dũng thẳng thắn trả lời “ Cháu không ngoan!” Trở về người phụ trách hỏi tại sao em trả lời như vậy? Dũng trả lời “ Em không thích nói dối!”
Từ khi nghe tin mẹ và em mất, Võ Dũng càng cô đơn, càng buồn hơn, và Dũng thường tỏ ra bức xúc trước lối sống ích kỷ của một số người chung quanh. Và thế là những nhận xét thiếu vô tư, nhiều ác cảm từ miệng người nọ người kia, biến Võ Dũng thành một thanh niên hư hỏng, đến nỗi người bạn gái nói lời từ biệt Dũng. Buồn chán và thất vong, Dũng đã lấy phẩm xanh viết lên cánh tay mình : “Tôi là đứa con bất hạnh!”
Những tin không vui về Võ Dũng đến tai ông Võ Văn Kiệt. Ông viết thư cho con trai: “Từ khi má con mất ba buồn lắm. Ba lại nghe các chú nói con hư, ba càng buồn. Thôi con hãy về đây với ba, để ba dìu dắt con trưởng thành, để con sưởi ấm lòng ba!”.
Nhân được thư ba, Võ Dũng bỏ học dở dang lớp 9, vào bộ đội, và lên thẳng Hòa Bình huấn luyện đi B. Hết khóa huấn luyện, một cán bộ trong Ủy ban Thống nhất Trung ương lúc đó, lên đơn vị nói với Võ Dũng:
- Các chú bố trí cho cháu đi máy bay sang Phnom Pênh, từ đó sẽ có giao liên đón cháu về chỗ ba cháu!
Dũng hỏi:
- Thế mọi người trong đơn vị đi bằng phương tiện gì?
- Đơn vị hành quân bộ vượt Trường Sơn ba, bốn tháng mới tới, sốt rét, bom đan gian khổ lắm.
Dũng nói:
- Các chú các bác là cán bộ phài đi bộ, cháu là lính binh nhì lại đi máy bay? Đã vào Namchiến đấu thì phải vượt Trường Sơn như mọi người, cháu không thích được ưu tiên như vậy.
Võ Dũng kiên quyết từ chối đi bằng máy bay, hòa mình vào cùng với các chiến sỹ khác trong đơn vị, Chi đội một, đi B2 bằng đường bộ. Dũng kết bạn thân với nhà thơ Thanh Quế , chia ngọt sẻ bùi với nhau trên đường hành quân. Anh Thanh Quế kể rằng, suốt chặng đường Trường Sơn, hai người luôn gắn bó bên nhau, nhưng Dũng không hề nói cho Thanh Quế biết ba mình đang làm cán bộ lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam. Khi Thanh Quế rẽ vào Khu V, Võ Dũng moi ba lô lấy tút thuốc Tam Đảo bao bạc để dành tặng Thanh Quế và hẹn gặp lại nhau ngày chiến thắng .



Võ Dũng vào cơ quan Trung ương cục gặp ông Võ Văn Kiệt một buổi chiều hanh hao cuối mùa khô. Ông Võ Văn Kiệt ôm con rất lâu, nhưng không ai khóc, và ông Kiệt không nhắc lại những điều người ta nói về con trai.
Ông Võ Văn Kiệt muốn bố trí công tác cho Võ Dũng ở cơ quan , nhưng Võ Dũng dứt khoát đòi ra trận. Ông Kiệt nhờ bác sỹ Nam thuyết phục Dũng , Dũng nói :
- Em về Nam để chiến đấu trả thù cho mà và em em, đâu phải về đào hầm cho ông già em núp!
Bác sỹ Huỳnh Hoài Nam nói:
- Ở cứ bảo vệ lãnh đạo cũng là nhiệm vụ chiến đấu !
Dũng ngắt lời:
- Em không muốn chiến đấu trong xó rừng! Ba em kêu gọi mọi người ra trân địa , mà lại để con mình ở cứ ?
Không thuyết phục được Võ Dũng, bác sỹ Huỳnh Hoài Nam nói với ông Võ Văn Kiệt:
- Thằng Dũng bướng lắm anh Sáu. Nó dứt khoát vào trinh sát. Em đầu hàng anh ơi!
Ông Võ Văn Kiệt nói:
- Thôi kệ nó!
Võ Dũng vào đại đội trinh sát bộ binh, xông xáo chiến đấu hết trận này trận khác, coi thường nguy hiểm. Ông Lê Đức Anh nghe tin, ra quyết định điều Võ Dũng sang đơn vị pháo binh. Quyết định chưa kịp trao, thì Võ Dũng hy sinh.
Hơn bốn chục năm rồi, kể từ buổi chiều ấy. Chiến tranh đã lùi xa 38 năm. Ông Võ Văn Kiệt mất cũng đã trên 5 năm, ông không còn cần bất cứ thứ vàng son nào tô điểm thêm lên tên tuổi ông. Tôi, một người lính, một nhà báo già, không còn tham vọng và cũng không thể nịnh nọt một người đã chết để kiếm chác danh lợi.
Bằng tài liệu của bản thân và bạn bè, tôi chỉ muốn kể lại một câu chuyện thực về một thời đầy bi tráng đã qua và muốn cùng các bạn suy nghĩ đôi điều: Võ Dũng , sẽ trở thành một một học sinh hạnh kiểm cực tốt nếu biết dạ vâng, khép nép cúi đầu làm theo những cô, bác anh chị trông coi mình. Và dù Võ Dũng không ngoan như vậy, ông Võ Văn Kiệt vẫn có thừa quyền lực và mối quan hệ đề đưa con sang Liên Xô, Đông Đức, hayTiệp để thanh nhàn, thậm chí chỉ ăn chơi, vui thú ‘xứ người’ mà vẫn có một tấm bằng đỏ đại học sau này ấm thân. Nhưng Võ Dũng đã sống với bản chất, nghị lực của mình, không thớ lợ, không dựa dẫm, và ông Võ Văn Kiệt sẵn sàng chấp “tính bướng bình” đáng khâm phục ấy của con mình. Hình như tính cách ấy, phẩm chất ngày xưa cũng không nhiều, bây giờ thì...không

MINH DIỆN

Tác giả bài viết: MINH DIỆN
Nguồn tin: Blog Bùi Văn Bồng

Người Việt Diễn Đàn - Đăng lúc: Thứ tư - 07/08/2013 12:46 - Người đăng bài viết: nguoivietdiendan

0 nhận xét:

Đăng nhận xét