Thứ Bảy, 5 tháng 8, 2017

CHUYỆN ÍT BIẾT VỀ MỘ PHẦN LS VÕ DŨNG

Tran Kienquoc 1 Tháng 8/2017 lúc 7:34
Năm 1967, Dũng từ Quế Lâm về nước. Chiểu theo nguyện vọng của Dũng, các chú cho Dũng vào học ở trường Quân chính quân khu Tả Ngạn, ngay trước dãy núi Chí Linh, Hải Dương. Cuối năm 1969, sau khi tập trung trên trường Huấn luyện cán bộ đi B ở Lương Sơn, Hòa Bình, Dũng theo đoàn quân "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước".
Trước khi đi, cô Bảy Huệ, dì Tư Duy Liên và Hiếu Dân lên thăm. Cô Bảy lo lắng vì thằng cháu ngỗ nghịch, sợ không chịu được gian khổ chiến trường. Dũng đã trả lời: "Con đi lần này, 1 - xanh cỏ, 2 - đỏ ngực. Con sẽ không làm cho cô, dì Tư và em phải hổ thẹn!".

Vào tới B2, gặp ba nhưng Dũng không muốn ở trên chiến khu mà nằng nặc đòi đi chiến đấu. Chú Sáu thắt ruột vì còn mỗi nó là con trai nhưng trước sự kiên quyết của Dũng, chú đã gửi con cho các chú dưới đặc khu Sài Gòn – Gia Định. Thương chú Sáu, các chú xếp Dũng về đơn vị thông tin.
Chỉ một thời gian, Dũng không muốn làm lính thông tin: “Suốt ngày ngồi bên máy, con không chịu được. Phải cho con về quê má, xuống đơn vị chiến đấu, trả thù cho má”.

Tháng 6/1971, Dũng được điều về Mặt trận T3 thuộc Khu 9, gần quê ngoại. Tháng 10 năm đó, Dũng giấu ba, nằng nặc xin các chú cho xuống Trung đội 2 (Tiểu đoàn 3 trinh sát). Đơn vị Dũng đóng ở Hồng Vân, tỉnh Bạc Liêu, chỉ cách nhà chừng 80-90km. Về trinh sát, Dũng không cậy mình là “con ông cháu cha” mà cùng chia lửa với anh em. Cùng đi trinh sát, cùng lặn lội sông nước điều nghiên. Ai cũng quý.
Chú Sáu Nam ngày đó là Tư lệnh Khu 9, nghe có con trai đồng đội về làm lính trinh sát. Chưa kịp kéo Dũng lên cơ quan thì nghe tin đau, Dũng đã hy sinh ngày 21/4/1972.

Sớm hôm đó, Dũng đi trinh sát cùng 2 đồng đội, không ngờ bị lọt vào ổ phục kích. Chúng bất ngờ xả đạn làm 3 chiến sĩ không kịp trở tay. Cả 3 đã hy sinh. Biết tin, đơn vị đã cử người tìm xác và chôn cất ở ngay bên bờ kênh Tây Ký (thuộc xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Vân, tỉnh Rạch Giá).

Sau giải phóng tới 1980, chú Sáu cho cải táng mộ Dũng, cho hóa thân rồi cho vào hộp tro luôn để trong phòng ngủ, cạnh bàn làm việc. Vậy là lần này Dũng được sống mãi với ba.

Năm 1982, được Quốc hội phê chuẩn là Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước, Phó chủ tịch rồi Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng, chú Sáu phải ra Hà Nội. Trước kia vẫn để di cốt Võ Dũng ngay cạnh bàn làm việc, nay chú phải đưa Dũng vào nằm bên cạnh mộ gió của má và Ánh Hồng, Chí Tâm ở NTLS TPHCM. Chúng tôi từng đến thăm mộ bạn. Ngôi mộ nho nhỏ, trắng toát, xếp cùng mộ đồng đội thành bông hoa 9 cánh - như đội hình 1 tiểu đội trong chiến đấu.

Năm 2005, khi đã nghỉ hưu, chú quyết định đưa 4 má con về quê ngoại ở Sóc Trăng. Vì sao không chuyển cô và các con về quê chú ở Vĩnh Long mà chú lại có quyết định đó? Chúng tôi có hỏi chị Hạnh và Hiếu Dân thì hay: Quê ngoại chính là nơi chôn rau cắt rốn của Dũng; từ khi sinh ra, lớn lên đến khi ra Bắc, Dũng được sống với bên ngoại nên có nhiều tình cảm và kỉ niệm với mảnh đất cùng cô bác, anh chị trong họ; ở ngoài Bắc, Dũng quyết tâm trở về quê hương chiến đấu để trả thù cho má và 2 em; chính trên mảnh đất này Dũng đã chiến đấu và hy sinh. Đó chính là lí do để chú quyết định đưa Dũng cùng má và 2 em về Sóc Trăng.
Bia tưởng niệm cho 4 má con được chuẩn bị từ trước, có hình cô Kim Anh, Võ Dũng, Ánh Hồng và Chí Tâm, do 1 điêu khắc gia người Sài Gòn thực hiện. Chưa được gặp má và 2 em nên khó hình dung, nhưng nhìn hình ảnh Võ Dũng trên bức phù điêu ấy thấy rất sống động, có nét giống Dũng.







Hôm đưa Dũng về quê ngoại, chú Sáu không về được. Suốt dọc đường từ TPHCM, Hiếu Dân ôm anh trên tay cho đến khi hạ anh xuống lòng đất mẹ.
Thật cảm động trước toan tính của chú trước lúc đi xa. Ba năm sau, chú mất.










Ảnh ghép thêm Dũng, Dân và bé Chí Tâm.





0 nhận xét:

Đăng nhận xét