Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2020

Anh hùng phi công Vũ Xuân Thiều và quả tên lửa thứ ba

Lê Tiến Nguyên

Liệt sĩ Phi công, Anh hùng LLVTND Vũ Xuân Thiều. Ảnh tư liệu.
"Với B-52, tất cả đã sẵn sàng quyết chiến, bằng bất cứ giá nào cũng đánh, bất cứ điều kiện nào cũng đánh…nếu gặp B-52 mà bắn không rơi sẽ liều mình làm quả tên lửa thứ 3, nhất định tiêu diệt nó".
Anh hùng Vũ Xuân Thiều sinh năm 1945, dân tộc Kinh, quê ở xã Hải An, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, cư trú tại phố Đặng Dung, Hà Nội. Ông là con thứ 7 trong gia đình có 10 người con. Ông từng theo học tại trường THPT Chu Văn An và Đại học Bách khoa Hà Nội. Sau này, khi đang học năm thứ 3 khoa Vô tuyến điện, Vũ Xuân Thiều trốn gia đình đi khám nghĩa vụ quân sự. Đến khi trúng tuyển đợt đào tạo phi công do Quân chủng Phòng không - Không quân tuyển, anh mới báo tin cho gia đình biết. Năm 1968, sau khi hoàn thành xuất sắc khóa học tập và huấn luyện bay ở Liên Xô (trước đây), phi công Vũ Xuân Thiều trở về nước và được biên chế về Trung đoàn Không quân Sao Đỏ (E921). Khi hy sinh, ông là thượng uý, trung đội trưởng thuộc Đại đội 9, Trung đoàn 927, Sư đoàn 371, Quân chủng Không quân.
Phi công, Anh hùng LLVTND Vũ Xuân Thiều. (Ảnh tư liệu)

"Với b-52, tất cả đã sẵn sàng quyết chiến"
Về mặt chiến lược, ngay từ năm 1962, Bác Hồ đã nhắc về máy bay B-52 với lãnh đạo Quân chủng PK-KQ. Đến năm 1966, Bác lại giao nhiệm vụ cho Quân chủng PK-KQ tìm cách đánh B-52. Và đến cuối năm 1967, Bác tiếp tục khẳng định “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội…”. Về mặt chiến dịch, kể từ năm 1966, Quân chủng PK-KQ đã lần lượt đưa tên lửa, máy bay Mig-21, ra đa vào chiến trường Khu IV để nghiên cứu cách đánh B-52. Và, từ rất sớm, các phi công chiến đấu như Vũ Xuân Thiều đã sẵn sàng cho trận quyết chiến với “siêu pháo đài bay” B-52.

Đợt không kích miền Bắc của Mỹ tháng 12-1972, Vũ Xuân Thiều nhận nhiệm vụ trực bay đêm đánh B-52. Điều này chứng tỏ anh được cấp trên đánh giá rất cao bởi chiến đấu ban ngày đã khó, chiến đấu ban đêm lại càng khó khăn hơn. Nó không chỉ đòi hỏi phi công phải có trình độ kỹ-chiến thuật cao, mà cần cả lòng dũng cảm mưu trí. Nhiều lần xuất kích không tìm diệt được B-52, phi công Vũ Xuân Thiều sốt ruột đề nghị cấp trên cho được đánh ban ngày. Tuy nhiên thời điểm đó, chiến thuật đánh B-52 của ta chỉ đánh vào ban đêm nên đề nghị này của Thiều không được chấp nhận. Đại tá Vũ Đình Rạng - người từng bắn trọng thương B-52 đêm 20-11-1971, Đại đội phó bay đêm của Thiều kể:
“Vũ Xuân Thiều là người điềm đạm và quyết đoán. Tôi nhớ có lần sau khi giảng bình bay về cậu ấy còn nói, nếu gặp B-52 mà bắn không rơi sẽ liều mình làm quả tên lửa thứ 3, nhất định tiêu diệt nó”.
Ngày 18/12/1972, ngay khi Nixon chính thức ra lệnh mở cuộc ném bom chiến lược bằng không quân vào Hà Nội và các vùng lân cận, lực lượng phòng không ba thứ quân, đặc biệt là bộ đội tên lửa đã bắn rơi nhiều máy bay các loại của Mỹ. Không quân đã xuất kích nhiều lần, bắn rơi một số máy bay chiến thuật, nhưng qua mấy ngày vẫn chưa bắn rơi được máy bay B-52.

Các phi công giỏi nhất về nghiệp vụ, có bản lĩnh, ý chí quyết tâm cao nhất của Không quân nhân dân Việt Nam được điều về Đại đội MiG đánh đêm của Trung đoàn 921, Sư đoàn 371. Trong những ngày chưa hạ gục được B-52, các anh đều cảm thấy áp lực, cho rằng mình chưa làm tròn trách nhiệm đối với Tổ quốc, với nhân dân. Ai nấy ra sức tập luyện, đúc rút kinh nghiệm tìm ra cách đánh mới, hạ quyết tâm bắn rơi bằng được máy bay B-52 của Mỹ.

Quyết tâm ấy đã có kết quả. Đêm ngày 27/12/1972, phi công Phạm Tuân lập chiến công đầu tiên cho Không quân khi bắn rơi 1 máy bay B-52. Thành tích ấy góp phần động viên, cố vũ niềm tin cho các phi công MiG-21 có thể hạ gục "siêu pháo đài bay B-52 bất khả xâm phạm" của đế quốc Mỹ.

Ngày 28/12/1972, theo tin tình báo chiến lược, từ 21 giờ 30 đến 23 giờ 30 đêm 28 tháng 12, địch sẽ tập trung máy bay B-52 đánh phá Thủ đô Hà Nội.

21 giờ, Đại đội rađa 26 đóng ở Vĩnh Lộc, Thanh Hóa và Đại đội rađa 22 đóng ở Mộc Châu báo đã phát hiện các tốp máy bay B-52 đang bay vào. 21 giờ 41 phút, Phó Tư lệnh Không quân Trần Mạnh lệnh cho phi công Vũ Xuân Thiều xuất kích từ sân bay dã chiến Cẩm Thuỷ, Thanh Hoá. Chiếc MiG-21 của Thiều lao vút lên bầu trời đêm tiến thẳng về Hà Nội.
MiG-21 xuất kích đánh chặn B-52. (Ảnh Tư liệu)

Lúc 21 giờ 52 phút, Sở chỉ huy lệnh cho Vũ Xuân Thiều vòng phải, bay hướng 360 độ để chặn đánh B-52. Nhưng do nhiễu quá nặng, Vũ Xuân Thiều vẫn chưa phát hiện được mục tiêu. Lúc này, đồng chí Trần Xuân Mão đảm nhiệm dẫn đường trên hiện sóng ra đa phát hiện chấm trắng đục giữa nền nhiễu và khẳng định đó là B-52. Bằng kinh nghiệm của mình, đồng chí nhận định chúng đổi hướng, bay ngược lên Sơn La rồi mới vòng xuống đánh phá Hà Nội. Sở chỉ huy lập tức lệnh cho Thiều vòng phải, bay hướng 90 độ, qua Sầm Nưa, lên hướng Bắc đuổi theo tốp B-52 đang bay về hướng Nà Sản, Sơn La.

Lúc 21 giờ 58 phút, khi đến Sơn La, Vũ Xuân Thiều phát hiện mục tiêu bên trái, phía trước một dãy đèn nhấp nháy đang bay vào, đó là đèn tín hiệu của máy bay B-52. Thiều báo cáo: "046 phát hiện quạ đen bên trái 40 độ 10 km" và ép độ nghiêng lao vào bám sát địch. Trong bầu trời tối đen, ra đa lại bị nhiễu rất nặng nên rất khó phán đoán cự ly. Bằng mắt thường, anh dõi theo đèn tín hiệu của máy bay B-52. Lúc này tại Sở chỉ huy đã nhận được báo cáo của Vũ Xuân Thiều, ai nấy đều cảm thấy phấn khởi. Phó Tư lệnh Không quân Trần Mạnh nhắc: "046 bật công tắc bắn cả loạt, kiên quyết tiêu diệt địch".

Phi công Vũ Xuân Thiều trả lời: "Nghe rõ!". Một phút sau, Sở chỉ huy hỏi: "046 công tác tốt không?" nhưng không nghe trả lời. Điện đàm liên tục tiếng gọi: "Sông Mã gọi 046" nhưng đều không phản hồi. Tất cả cán bộ, chiến sỹ tại Sở chỉ huy tim như ngừng đập.

Phó Tư lệnh Trần Mạnh và Trần Hanh đều hiểu có điều gì đó không bình thường nhưng rất phi thường đã xảy ra. Hai người chỉ huy lóe lên suy nghĩ có thể do cự ly quá gần do ban đêm khó ước lượng bằng mắt, sau khi phóng hai tên lửa trúng mục tiêu nhưng chưa thể triệt hạ hoàn toàn mục tiêu, máy bay của Thiều đã lao vào chiếc B-52 và anh dũng hy sinh.

Những bằng chứng sắt đá
Tuy nhiên, sự hy sinh của phi công Vũ Xuân Thiều vẫn là một ẩn số. Có ý kiến cho rằng máy bay của Vũ Xuân Thiều bị đối phương bắn hạ. Ý kiến của đồng chí Trần Mạnh và Trần Hanh mới chỉ là nhận định. Theo tài liệu, phía Mỹ không ghi nhận chiếc B-52 này bị bắn hạ. Mặt khác, họ còn cho rằng chiếc MiG-21 của Vũ Xuân Thiều đã bị bắn rơi trước khi kịp tiếp cận với B-52, sau khi hứng chịu 3 tên lửa AIM-7 Sparrow từ 2 chiếc F-4D của Không quân Mỹ. Một trong những chiếc F-4 được điều khiển bởi Thiếu tá Harry McKee và Đại úy John Dubler.

Ngay sau đó mọi việc đã được sáng tỏ, thiếu tướng Phạm Ngọc Lan (người được cử lên địa điểm nơi Thiều bắn rơi B-52) đã kể lại:
"... Ngay tối 28-12-1972, lúc khoảng 12 giờ đêm, tôi nhận được điện từ sở chỉ huy giao dẫn đầu đoàn cán bộ lên địa điểm nơi phi công Vũ Xuân Thiều bắn rơi B-52 tại Sơn La để xác minh tình hình. Khi đến nơi, tôi có gặp các chiến sĩ bộ binh đóng quân tại khu vực, mọi người đều nói tối hôm qua thấy hai bó lửa rất to bùng cháy và rơi xuống. Đứng trên đồi chúng tôi nhìn thấy xác B-52 cháy sém một phía, phía bên kia quả đồi là xác chiếc MiG màu ánh bạc. Chúng tôi còn nhặt được hai mảnh xác máy bay MiG và B-52 găm vào nhau, đó là dấu hiệu cho thấy máy bay của Thiều đã lao vào chiếc B-52. Tôi lập tức điện về báo cáo tình hình cho Bộ tổng tham mưu và Quân chủng Phòng không - không quân: "Chúng tôi đã đến hiện trường, sờ được xác máy bay B-52, chính xác Vũ Xuân Thiều đã bắn rơi ở cự ly gần và lao vào chiếc B-52, tôi sẽ mang hai mảnh xác máy bay găm vào nhau về báo cáo". Với kinh nghiệm nhiều năm chiến đấu và chỉ huy chiến đấu, tôi linh cảm rằng trong giây phút cuối cùng Vũ Xuân Thiều đã quyết tử để quyết tâm tiêu diệt B-52".
Tháng 10/2002, nhân một chuyến sang Mỹ công tác, một số chuyên viên Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam đến thăm Viện Bảo tàng Không quân Mỹ tại Oa-sinh-tơn và được tìm hiểu cuốn sách "Không chiến trên bầu trời Bắc Việt". Trong tài liệu có ghi kỹ lưỡng về trận không chiến đêm 28/12/1972 trên bầu trời miền Bắc Việt Nam theo lời kể của các phi công Mỹ tham gia trận chiến. Tác giả Istvan Toperczer ghi lại lời kể một phi công Mỹ lái máy bay làm nhiệm vụ vệ tinh cho chiếc B-52D bị máy bay của không quân của ta tấn công đêm hôm đó:
"Chiếc máy bay MiG-21 của không quân Bắc Việt lao vút lên bầu trời. Khi phát hiện ra mục tiêu B-52 và các máy bay tiêm kích của Mỹ bảo vệ, chiếc MiG-21 đã nhanh chóng vượt qua hàng rào bảo vệ và tiếp cận mục tiêu. Quả tên lửa thứ nhất phóng đi, rồi quả thứ hai, chiếc B-52 bị thương nhẹ chỉ tròng trành trong vài giây rồi vẫn gắng gượng lao đến vị trí thả bom. Khi khói vàng vừa nhả ra thì chớp nhoáng chiếc MiG-21 lao như một mũi tên vào chiếc B-52 Mỹ. Cả hai khối sắt thép cùng nổ tung trên bầu trời...".
Máy bay B-52 bị cháy trên bầu trời miền Bắc. (Ảnh Tư liệu)

Có thể lợi dụng những điểm yếu trong chiến thuật sử dụng B-52 của không quân chiến lược Mỹ: Khi bay trong đội hình ban đêm, để giữ liên lạc với lực lượng tiêm kích yểm hộ khỏi bị đâm nhau và bắn nhầm, máy bay B-52 luôn phát tín hiệu vô tuyến và bật đèn để làm tiêu giữ cự ly giãn cách. Điều này vô tình khiến việc phát hiện quân địch áp sát B52 khá bị động và chỉ có thể dựa vào ra-đa.

Từ nội dung trong tài liệu này và lời kể của Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan, nhận định của đồng chí Trần Mạnh và Trần Hanh về sự hy sinh dũng cảm của phi công Vũ Xuân Thiều đã được khẳng định.

Khi bám sát B-52 ở cự ly quá gần để phóng tên lửa, đối mặt với cái sống - cái chết, thời gian là quá ngắn để chờ đợi kết quả từ 2 quả tên lửa. Ngay khi không thể triệt hạ hoàn toàn mục tiêu, Phi công Vũ Xuân Thiều cùng chiếc MiG-21 biến thành "quả tên lửa thứ ba" lao thẳng vào "Pháo đài bay" ngay tức khắc.

Với chiến công này, ngày 20/12/1994, Thượng úy, Liệt sĩ Vũ Xuân Thiều đã được Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Video dựng lại khoảnh khắc tiêu diệt máy bay B-52 của anh hùng Vũ Xuân Thiều

Chàng thanh niên hà nội và lời yêu chưa trọn vẹn
“Đấy là một con người trí thức, dáng dấp rất “trai Hà Nội”, sống hòa đồng, hiền hậu, thông minh. Một con người sống bằng nội tâm. Tư cách thì vừa như thanh niên thành phố lại như thanh niên huyện” (Hà Quang Hưng, đồng đội cùng đoàn bay MiG-21 khóa 3).
Là con trai thứ 7 trong gia đình có 10 người con, Thiều là người ít nói nhưng quyết đoán và mạnh mẽ hơn cả. Đại tá Vũ Xuân Thăng, anh hai của Thiều kể:
“Năm Thiều lên hai tuổi bị một mụn nhọt rất to ở sau lưng, dân gian vẫn gọi là “hậu bối” - vị trí rất nguy hiểm -hành hạ. Thiều sốt liên tục mấy ngày liền, tôi phải bế em ấp vào người cho khỏi đau nhưng tuyệt nhiên em không kêu khóc”.
Đại tá Vũ Xuân Thăng tham quan nơi trưng bày lá thư thời chiến và bức ảnh của em trai mình - Liệt sĩ, Anh hùng LLVTND Vũ Xuân Thiều.

Sau này, cô em gái Vũ Thị Kim Bình, người có nhiều thời gian gắn bó với anh trai nhất cho biết:
“Trong trí nhớ của tôi, anh Thiều chỉ thích chơi đá bóng và mô hình máy bay. Tôi đoán anh mơ ước trở thành phi công từ những ngày đó. Chẳng thế mà năm lớp 10, khi khám tuyển, anh bị trượt ở vòng quay thử. Sau lần ấy, sáng sáng anh đều lên sân thượng tập thể dục. Anh nói với tôi, anh phải tập quay đầu để không bị chóng mặt trong lần khám tuyển sau. Anh nhất định thực hiện ước mơ của mình”.
Trong những ngày diễn ra chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, ông Vũ Xuân Thăng đang công tác tại Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông nhớ lại:
“Vì tham gia thành phần trực sở chỉ huy nên đêm 28-12-1972, tôi cũng biết có một chiếc B-52 bị không quân ta bắn hạ, và phi công của ta cũng anh dũng hy sinh. Đến sáng hôm sau thì tôi là người đầu tiên trong gia đình nhận tin em trai mình đã hy sinh trong trận đánh với B-52 đêm hôm trước”.
Lá thư ngày 21-12-1972, Vũ Xuân Thiều đang viết dở thì có lệnh triển khai chiến đấu. Thư có đoạn:
“Bố mẹ thân yêu! Qua hai đêm nặng nề, cái nặng nề vì phải đứng nhìn lửa đạn hết đợt này đến đợt khác rải xuống Hà Nội, con thấy uất ức lắm vì chưa làm được gì. Con nghĩ bây giờ không phải là lúc lo lắng cho ngôi nhà của mình, cũng không có quyền nghĩ đến bản thân…”.
Lá thư cuối cùng dang dở ấy đến tay người nhận khi Vũ Xuân Thiều đã xếp lại đôi cánh bay. Ông Thăng tâm sự rằng:
“Bố mẹ tôi chắc cũng biết được con trai mình đang thực hiện một nhiệm vụ nguy hiểm. Họ hiểu sự khốc liệt của chiến tranh. Nên mỗi lần nhận được thư em, bố mẹ tôi đều không nói gì…”.
Liệt sĩ Vũ Xuân Thiều hy sinh khi anh vừa tròn 27 tuổi. Bao nhiêu năm đã qua, căn gác xưa ở số 21 phố Đặng Dung, Hà Nội của gia đình anh vẫn còn khá nguyên vẹn như thuở anh còn đi về. Tất cả di vật anh để lại đều được người thân nâng niu gìn giữ. Đại tá Vũ Xuân Thăng, anh trai thứ hai của Vũ Xuân Thiều, người đang chăm nom việc hương khói cho anh giới thiệu về những kỷ vật ấy. Ông đặc biệt kể rất kỹ về một con đại bàng bằng đá cẩm thạch được trang trọng cất trong hộp kính cùng với mô hình biên đội 2 chiếc MiG-21 và mảnh xác máy bay B-52 mà Thiều bắn rơi. Ông nói:
“Đây là ba thứ đại diện cho cuộc đời của chú Thiều: Máy bay MiG-21 là sự nghiệp, cuộc sống bị cướp đi bởi máy bay B-52 và đại bàng đá là món quà của tình yêu”.
Vậy ra, con đại bàng bằng đá cẩm thạch có thể phát sáng vào ban đêm ấy là món quà mà cô bạn gái của Vũ Xuân Thiều khi du học ở Nga (Liên Xô trước đây) gửi về tặng anh. Một món quà rất ý nghĩa: Vũ Xuân Thiều là phi công lái máy bay tiêm kích ban đêm, giống như đại bàng luôn sải cánh rộng và vững chắc.

Cho đến giờ, người thân và bạn bè của Vũ Xuân Thiều vẫn còn kể về tình yêu đó. Nguyễn Xuân Phong, phi công cùng đoàn bay năm đầu tiên (1969) trên loại máy bay Iak - 18a với Vũ Xuân Thiều, kể:
“Thiều tính tình thẳng thắn, ít nói nhưng nói rất chắc chắn. Thiều rất hay nhận được thư với phong bì màu xanh, trên đó ghi dòng chữ: Em gửi cho anh/Chiếc phong bì màu xanh/Màu ước mơ hy vọng… Không biết có phải điềm gở hay không, trong những ngày của “12 ngày đêm”, Thiều lại gửi tôi một chiếc hòm, gồm có thư từ và ảnh nhờ mang về Hà Nội chuyển cho gia đình”.
Không cắt nghĩa được chuyện đó, nhưng chắc chắn giữa Thiều và bạn gái đã có một quy ước chỉ viết và gửi thư cho nhau trên chất liệu giấy màu xanh: Màu của hòa bình và hy vọng. Bà Nguyễn Thục Phương, chị dâu của Vũ Xuân Thiều nhớ rất rõ:
“Cùng đơn vị với chú Thiều có anh Tuân-thợ máy, nhà cũng ở phố Đặng Dung. Mỗi lần anh Tuân về tranh thủ, chú Thiều đều nhờ mua giúp phong bì và giấy pơ-luya màu xanh. Chú ấy tế nhị và lãng mạn lắm. Không nói nhiều nhưng hành động thì rất cụ thể”.
Chợt nhắc đến người con gái đó, ông Thăng ngậm ngùi:
“Thật tiếc là chú Thiều hy sinh khi mối tình với cô ấy dang dở. Dù đến nay, cô ấy cũng đã yên bề gia thất nhưng vẫn đi lại với gia đình tôi như con cái trong nhà. Mẹ tôi khi còn sống vẫn bảo, mẹ mất Thiều nhưng lại có thêm hai người con. Âu cũng là điều an ủi”.
Chuyện tình yêu của Vũ Xuân Thiều khiến người ta biết và nhớ đến mức, dù anh mất đã khá lâu mà hằng năm đến ngày giỗ của anh hay có dịp đến thăm nhà, bạn bè thắp hương và viếng mộ anh đều mua hoa màu vàng. Bởi một lẽ rất đơn giản, Thiều suốt đời yêu hoa vàng vì nó gắn liền với người con gái anh yêu thương.

Là phi công tiêm kích thứ 2 tiêu diệt được B-52 của không quân Mỹ trong chiến dịch tập kích đường không chiến lược B-52, Vũ Xuân Thiều đã góp phần xứng đáng vào Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” lịch sử.

Ông đã cống hiến cả tuổi trẻ và cuộc đời mình cho đất nước, hãy để đất nước ghi danh ông tới cõi vĩnh hằng.

==============================

Bài viết được dịch thuật, chọn lọc và tổng hợp bởi Lê Tiến Nguyên từ CAND, TRIAN, SOHA, Wikipedia.
Nguồn: KHÁM PHÁ LỊCH SỬ - 13/10/2020 06h:33

VŨ XUÂN THIỀU – PHI CÔNG CẢM TỬ

Phi công Nguyễn Công Huy

21 giờ 58 phút, sau khi đạt được hướng bay 90 độ, đồng chí Thiều phát hiện bên trái, phía trước một dãy đèn nhấp nháy đang bay vào, đó là đèn tín hiệu của B-52. Anh báo cáo:

- 046 phát hiện quạ đen bên trái 90 độ, 10 km.

Và anh ép độ nghiêng, lao về phía địch.

Ta chủ trương: khi phi công tiếp cận, ngắm bắn, không mở ra-đa trên máy bay để B-52 không phát hiện được MiG bám đuôi. Đồng chí Thiều bám sát và xác định cự li phóng tên lửa bằng quan sát mắt theo đèn tín hiệu của máy bay B-52.

Nhận được báo cáo của đồng chí Thiều cả Sở chỉ huy ai nấy đều cảm thấy phấn khởi. Đồng chí Trần Mạnh nhắc Thiều:

- 046, bật công tắc bắn loạt, kiên quyết tiêu diệt địch!

- Nghe rõ! - Thiều trả lời.

Một phút sau, Sở chỉ huy BI hỏi đồng chí Thiều:

- 046, công tác tốt không?

Không nghe Thiều trả lời. Sở chỉ huy lại gọi tiếp:

- Sông Mã gọi 046! Sông Mã gọi 046!

Nhưng đều không liên lạc được. Mọi cán bộ, chiến sĩ tại Sở chỉ huy tim như ngừng đập. Đồng chí Trần Mạnh nét mặt trầm lại, với kinh nghiêm của người đã từng chỉ huy gần trăm trận đánh, ông hiểu điều gì đó có thể đã xảy ra. Ông chỉ thị cho ra-đa tăng cường sục sạo phát hiện máy bay ta và lệnh cho sĩ quan Tác chiến báo về sở chỉ huy Binh chủng.

Tại Sở chỉ huy Binh chủng, đồng chí Trần Hanh chỉ thị cho các đơn vị mở ra-đa theo dõi, nhưng đều không thấy. Đồng chí Trần Hanh nói chuyện với đồng chí Trần Mạnh và thống nhất nhận định rằng phi công Vũ Xuân Thiều đã bắn B-52 ở cự li gần, do tốc độ quá lớn không kịp thoát li, anh dã lao thẳng vào đội hình B-52 và đã anh dũng hy sinh".

Trận chiến giữa trời đêm diễn ra thật nhanh, thật ngắn ngủi. Và Vũ Xuân Thiều đã làm nên điều phi thường, đã là tấm gương sáng ngời của Chủ nghĩa Anh hùng cách mạng.

Sáng hôm sau, khi Công Huy bay chuyển từ sân cơ động về hạ cánh ở sân bay Đa Phúc với tâm trạng còn đang phấn khích về chiến công của Phạm Tuân đêm hôm trước thì sau khi hạ cánh xong, nhận được ngay tin Vũ Xuân Thiều hy sinh. Đứng ở ngoài sân bay, tay giữ phong thư của Thiều mà nước mắt Huy cứ trào ra, ướt đẫm khuôn mặt vốn đã hốc hác trong thời gian tham gia chiến dịch nay trông lại càng hốc hác hơn. Vậy là bức thư đã không bao giờ đến được tay người nhận nữa. Vậy là mọi chuyện bỗng chốc chỉ còn là kỷ niệm. Mới đây thôi, hai anh em còn cùng trong một Trung đội bay đêm, rồi Huy sang Đại đội đánh ngày, Thiều ở lại Đại đội đánh đêm. Cùng một trung đoàn mà đã thấy cách biệt khi người thì hoạt động ban ngày, người lại hoạt động ban đêm. Mới hôm rồi Thiều còn gửi lại cho Huy chiếc áo len của Huy hôm Huy đưa cho Thiều mặc cho đỡ rét, và Thiều cũng mới viết cho Huy xong, tế nhị "thúc giục" chuyện Huy gắn bó với cô sơn nữ. Vậy mà những dòng chữ kia bỗng nhiên đã là những dòng chữ cuối cùng... Vậy mà bây giờ đã âm dương cách biệt...

Thư của người yêu Thiều gửi về, Thiều không bao giờ được đọc nữa và người yêu của Thiều cũng vĩnh viễn không bao giờ nhận được thư Thiều nữa.

Sững, sờ đứng ngoài sân bay với nước mắt giàn giụa trên mặt, Huy không thốt lên được một lời nào cả. Sự mất mát đến đột ngột quá. Và rồi, khi trở về căn cứ, Huy đã lẳng lặng ghi vào đằng sau chiếc phong bì:

Chiều chiều mây phủ Sơn La
Nhớ thương bạn, nước mắt và lộn cơm!

Một ngày sau, anh Phạm Ngọc Lan đã được cử đi Sơn La. Khi đến xã Tạ Khoa, huyện Yên Châu - Sơn La, anh đã gặp anh Phạm Đức Thuận , đại úy - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn bộ binh đang đóng quân ở Cò Nòi. Các anh đã đến tận hiện trường xem xét và tìm cách bảo vệ hiện trường. Phía bên kia đồi là xác của B-52 với những mảnh vỡ cháy xám đen. Phía bên này đồi là MiG-21. Anh Phạm Ngọc Lan đã bàn giao cho anh Thuận mọi công việc và đề nghị anh Thuận cho quân bảo vệ hiện trường và quay về báo cáo Binh chủng.

Anh Phạm Ngọc Lan đã nhận xét và đến tận bây giờ anh vẫn nói: "Thiều đã "húc" vào B-52!". Thiều đã vào trận đánh với tinh thần cảm tử, quyết tiêu diệt bằng được B-52 mới thôi. Một vết thương sâu ở phía sau gáy Xuân Thiều do mảnh của chiếc B-52 văng vào bởi anh bắn quá gần để chắc chắn tiêu diệt được kẻ thù đã làm anh không kịp thoát ra sau công kích.

Xuân Thiều đã thể hiện ý chí sẵn sàng hi sinh thân mình, quyết bắn rơi tại chỗ bằng được "pháo đài bay" của đế quốc Mỹ bằng tinh thần cảm tử và quyết tử để lấy lại cuộc sống thanh bình cho nhân dân, độc lập thống nhất cho Tổ quốc, và Vũ Xuân Thiều cũng đã làm rạng danh cho dòng tộc họ Vũ cùng quê hương Hải An.

Trong "Lời tuyên dương công trạng của nhà nước với Vũ Xuân Thiều (ở trang 440, cuốn Anh hung lực lượng vũ trang nhân dân - tập 6) có ghi:

"Chiến công của Vũ Xuân Thiều bắn rơi B-52 đã khích lệ tinh thần chiến đấu của toàn Quân chủng, góp phần làm phong phú thêm cách đánh B- 52 của đế quốc Mỹ - có lực lượng yểm hộ mạnh - của Không quân ta. Đồng thời là một kinh nghiệm về cách chỉ huy, dẫn đường máy bay ta đánh đêm. Ghi thêm một chiến công vào trang sử chiến đấu của bộ đội Không quân.

Chiến công của Vũ Xuân Thiều đã góp phần làm thất bại hoàn toàn đợt tập kích chiến lược quy mô lớn bằng máy bay chiến lược B-52 vào Hà Nội và Hải Phòng... kéo dài 12 ngày đêm, buộc chúng phải ký kết Hiệp định Pa-ri về Việt Nam".

Vũ Xuân Thiều đã hành động giống như các Anh hùng phi công Liên Xô: Gax-te-lô, Ta-la-li-khin... trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại - cảm tử và quyết tử.

Xuân Thiều đã được nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Thi hài Vũ Xuân Thiều được đưa về an táng ở nghĩa trang Bố Ẩn của Sơn La. Ngày đưa Thiều về nghĩa trang là một ngày lạnh giá. Mùa Đông ở Sơn La sương xuống rất nhiều, rất đậm và rét buốt. Sáng sớm, khi trời chưa sáng tỏ, bà con các dân tộc đã phải đi xuống chợ. Bóng dáng những người đi chợ cứ mờ mờ, ảo ảo trong sương mù. Thấy có thi hài liệt sĩ chuyển vào nghĩa trang, bà con không ai bảo ai đều rẽ vào nghĩa trang để dự lễ mai táng.

Đội danh dự bồng súng đứng hai bên huyệt. Không khí buồn thương, trang nghiêm. Anh Lê Tuấn Quyền, - cán bộ thuộc Phòng chính sách Quân khu Tây Bắc, phụ trách công tác thương binh - liệt sĩ ra khẩu lệnh:

- Liệt sĩ Vũ Xuân Thiều, chiến sĩ lái máy bay chặn đánh B-52 đã anh dũng hy sinh trên bầu trời Sơn La.

- Để tiễn biệt đồng chí! Bồng súng, chào!

Thi hài Vũ Xuân Thiều từ từ được đưa xuống huyệt. Những người tiễn biệt Thiều không ai cầm được nước mắt. Sương đọng trên các lá cây cũng rơi lộp bộp, buồn bã...

Vậy là một phi công tiêm kích đã xếp lại đôi cánh bay của mình trong trận không chiến để bảo vệ cho bầu ười và mặt đất được yên bình. Vậy là trong đội hình bay đã vắng bóng một đôi cánh đại bàng. Vậy là đồng chí đồng đội mất đi một người bạn chiến đấu. Vậy là gia đình mất đi một người thân. Vậy là một người yêu đã mất người yêu. Chiến tranh đã tàn nhẫn chia cắt lứa đôi đang độ yêu nhau đằm thắm nhất... Anh đã về nơi vĩnh hằng, về với hư vô trong sự tiếc thương của bao người.

Sau khi hạ huyệt, đắp mộ cẩn thận xong, thắp hương cho Thiều, Lê Tuấn Quyền tiếp tục ra khẩu lệnh:

- Vĩnh biệt liệt sỹ Vũ Xuân Thiều! Phút mặc niệm bắt đầu!

Chàng trai của đất Hà thành đã nằm lại nơi núi rừng Sơn La khi anh vừa tròn 27 tuổi. Anh đã ngã xuống trước ngưỡng cửa bình minh - trước những ngày chiến tranh kết thúc. Tiếng suối reo, tiếng gió ngàn sẽ ru anh trong giấc ngủ vĩnh hằng. Chim rừng sẽ cất tiếng líu lo hót cho anh nghe. Những cánh hoa ban trắng muốt sẽ được rắc trên mộ anh với mùi hương thơm ngát. Sương rừng lãng đãng cùng với mây ngàn sẽ đưa anh vào những giấc mơ nhẹ nhàng, yên ả. Anh sẽ được các vòng tay của đồng bào các dân tộc miền Tây Bắc này che chở, ôm ấp. Anh hãy về bên bếp lửa nhà sàn, về với vòng xòe khi tiếng hát "Inh lả ơi..." cất lên, về với điệu sáo Mèo, khèn Mèo gọi bạn tình, về với buổi ném Còn, ném Pao của người Thái, người Mông...

Anh không cô đơn đâu! Không ai để anh cô đơn đâu! Dù anh xa Mẹ, xa các anh chị, xa các em, các đồng đội của anh, nhưng ở đây, anh đã có đồng bào, đã có các dân tộc chăm sóc cho anh. Tấm lòng người miền núi luôn rộng mở. Người miền núi đôn hậu, hiền hòa, chất phác, quý người... Bữa rượu nào, .theo phong tục, trước khi uống chén đầu tiên là phải rót một chút qua vai trái xuống đất. Mọi người làm thế là để tưởng nhớ những người đã mất, tưởng nhớ anh đấy.

Và chúng tôi, những đồng đội của anh không bao giờ quên được anh. Anh vẫn luôn cùng chúng tôi trong những ban bay huấn luyện, trong những chuyến xuất kích, trong những lúc vui, lúc buồn...

Anh và các anh khác như Nguyễn Ngọc Thiên, Trần Hóa, Phạm Thành Nam, Phạm Đình Tuân, Bùi Văn Long, Nguyễn Ngọc Hưng, Phạm Văn Mạo... vẫn luôn luôn bên cạnh chúng tôi, vẫn cùng bay cùng đội hình, cùng cất cánh bay đi canh giữ đất trời...

Đêm 29 tháng 12, Bùi Doãn Độ trực chiến tại sân bay Kép nhận lệnh vào cấp, xuất kích từ đường ngang của sân bay Kép lên tìm B-52 nhưng không gặp. Khi quay về bay ở độ cao 4500 m, Sở Chi Huy thông báo có địch bay từ phía phải qua trái. Độ phát hiện thấy ánh đèn chớp chớp liền bật tăng lực, ép theo, lại không thấy nữa đành tắt tăng lực, giảm độ nghiêng thì ngay bấy giờ lại phát hiện thấy máy bay địch. Đấy không phải là B-52 mà là loại F-4. Độ bật tăng lực, kéo gấp, bằng mắt thường nhìn thấy được cả ánh lửa trong buồng đốt của động cơ thằng F-4, Độ ấn nút phóng tên lửa, phóng 2 quả liền sau đó kéo thoát li trái. Lúc lật lại, thấy thằng F-4 mang độ nghiêng và lao xuống với góc bổ nhào khoảng 30 độ. Bùi Doãn Độ kéo cao, thoát li về hạ cánh ở sân bay Đa Phúc. Thằng F-4 rơi ở địa phận tỉnh Phú Thọ.

Đây là chiếc máy bay cuối cùng của Không lực Hoa Kỳ bị Không quân ta bắn hạ (ban đêm) trong cuộc chiến tranh leo thang đánh phá ra miền Bắc và trong chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" này.

Tổng kết lại, trong khoảng thời gian 11 ngày và 12 đêm (từ đêm 18 đến đêm 29 tháng 12 năm 1972) Mỹ đã cho xuất kích 663 lần chiếc B-52 (riêng Hà Nội 417 lần chiếc) và gần 2000 lần chiếc máy bay chiến đấu chiến thuật các loại, trút hơn một vạn tấn bom xuống Hà Nội, Hải Phòng và nhiều nơi khác trên miền Bắc. Nhưng kết quả, Mỹ đã phải trả giá đắt: 81 máy bay đã bị bắn rơi, trong đó có 34 chiếc "siêu pháo đài bay B-52" (16 chiếc rơi tại chỗ), 5 chiếc F-lll, hàng chục phi công Mỹ bị bắt làm tù binh. Tỉ lệ máy bay B-52 Mỹ đã bị tổn thất gần 18% tổng số máy bay B- 52 của Mỹ có ở Đông Nam Á. Đây là tổn thất Mỹ đã không chịu đựng nổi buộc Tổng thống Mỹ Ních-Xơn vào đúng 7 giờ ngày 30 tháng 12 năm 1972 phải tuyên bố ngừng ném bom từ Bắc Vĩ tuyến 20 trở ra và đề nghị gặp Chính phủ ta tại Pa-ri bàn việc ký Hiệp định.

****
Khi tượng đài tưởng niệm các liệt sĩ Không quân dựng trên đỉnh núi thuộc địa phận của Sư đoàn Không quân 371 đóng quân được khánh thành, nhiều đoàn thể, đơn vị, nhiều gia đình và cá nhân đã thường xuyên viếng thăm. Tượng đài đã để lại dấu ấn sâu đậm về sự hy sinh cao cả của các thế hệ phi công và các thành phần phục vụ, đảm bảo cho các trận chiến trên không, cho các chuyến bay. Đấy cũng là nơi giáo dục truyền thống cho các thế hê trẻ với nhiệm vụ bảo vệ bầu trời, bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa. Công Huy đã viết bài "Nói với con" với những lời nhắn nhủ:

Bố đưa con đến dưới tượng đài
Nơi tưởng niệm các Anh hùng, Liệt sĩ
Nơi có biết bao người yên nghỉ
Người có danh
Và cả vô danh
Trên đầu con
Thăm thẳm cao xanh
Chan hòa nắng,
Thanh bình,
Yên ả
Cây óng biếc, mượt mà sắc lá
Giữa không gian tĩnh lặng đến không ngờ
Con biết chăng, mảnh đất này năm xưa
Bom đạn xới, bập dầm trong khói lửa
Những ngày ấy sục sôi bao trang lứa
Rất nhiều người cùng trạc tuổi như con
Dám gạt đi mọi ước vọng cá nhân
Chấp nhận hy sinh, giữ yên vui Đất Mẹ
Nếu không có những người như thế
Người có tên
Và không tên trên bảng đá này
Thì cả con, cả bố hôm nay
Đâu được đứng dưới tượng đài Chiến thắng
Bố muốn nói với con điều sâu lắng
Học đi con!
Học nữa,
ĐỂ LÀM NGƯỜI!

Công ơn của những người đã hy sinh thân mình, đã ngã xuống để cho mặt đất, bầu trời được yên lành, thanh bình mãi mãi không bao giờ quên và không ai được phép quên lãng. Họ đã về với hư vô, nhưng chừng như họ vẫn còn đâu đây, vẫn luôn được nhắc tới như vẫn đang sống cùng chúng ta vậy.

Phi công Nguyễn Công Huy – đồng đội của anh hùng liệt sỹ Vũ Xuân Thiều


Nguồn: FB Tôi Yêu Việt Nam - 10/10/2020

0 nhận xét:

Đăng nhận xét