Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2019

NGUYỄN TIẾN QUÂN: Người con hiếu thảo - Người chiến binh dũng cảm - Người đồng đội chí tình

NGUYỄN TIẾN QUÂN:
Người con hiếu thảo -
Người chiến binh dũng cảm -
Người đồng đội chí tình

Nguyễn sỹ Hưng
Nguyễn Quang Vinh đã chia sẻ bài viết > BẠN NVT - 17/02/2019 21:15.
FB Nguyễn Việt Hùng - 17/02/2019 19:15.
Tưởng nhớ người Anh
đã cống hiến tuổi thanh xuân
trong cuộc chiến
chống quân bành trướng,
bá quyền Trung quốc xâm lược nước ta!
Lời kể của Bác Cả - Nguyễn sỹ Hưng về Anh:

Năm 1963, khi chuẩn bị làm hồ sơ thi hết cấp 2 - thầy Hiệu trưởng gọi tôi lên và nói: "Em phải làm lại hồ sơ vì không có giấy khai sinh mà tên Đồng Sỹ Hưng của em không có cùng họ Nguyễn với bố em". Lúc đó cả 4 anh em trai đều lấy họ là Đồng Sỹ.... Tôi về hỏi ý kiến Ba, Mẹ và không hiểu sao cả hai đều tin cậy giao cho tôi, lúc đó mới chưa đầy 14 tuổi đi làm lại giấy khai sinh cho cả mấy anh em. Tôi rủ thêm anh bạn Hà Sơn (sau này là đạo diễn điện ảnh nổi tiếng) đi cùng, ra gặp cán bộ khu hành chính số 5, (bây giờ là Q. Ba Đình) để làm lại Giấy khai sinh. Và cũng không nhớ lúc ấy vì lý do gì mà tôi không lấy Họ và đệm Nguyễn Sỹ cho cả 4 anh em.
Sau khi thảo luận với anh bạn, tôi đặt cho hai em sinh đôi là Nguyễn Quang Việt và Nguyễn Thế Bắc. Còn người em trai thứ tư, tôi quyết định, đặt là Nguyễn Tiến Quân, chắc lúc ấy nhớ đã nghe kể chuyện, em sinh vào dịp chỉnh quân để tiến vào chiến dịch Điện Biên. Đúng như cái tên của mình, em Quân lớn lên có cá tính rất đặc biệt. Khi học hết lớp 10, em một mực không thi vào Đại học, (hoặc đi nước ngoài) mà giấu giấy báo đi thi ĐH rồi trốn gia đình đi nhập ngũ. Khi các chỉ huy biết em chưa đủ 18, đã QĐ trả em quay lại nhà. Tuy nhiên Tiến Quân một mực xin Ba tôi cho nhập ngũ vào bộ đội pháo binh (chắc em đã đọc cuốn Napoleont B.). Hôm sau Ba tôi QĐ xin chuyến xe Gas, trực tiếp đưa em lên học tại trường sỹ quan pháo binh Sơn Tây. Mãi sau này, tôi vô tình được nghe một đồng chí cán bộ của trường kể lại câu chuyện cảm động về em. Mỗi khi có quà của gia đình gửi lên, em bao giờ cũng chia đều cho cả tiểu đội. Thậm chí, khi đồng đội phạm một lỗi nào đó, em thường đứng ra nhận thay anh em. Khi biết việc này, Đại đội trưởng hỏi tại sao lại nhận lỗi thay, thì em trả lời: “Vì tôi hy vọng rằng, các chỉ huy sẽ không phạt nặng con trai một SQQĐ đang chiến đấu ở chiến trường, còn nếu anh em khác, sợ họ sẽ bị kỷ luật nặng".
Sau khi tốt nghiệp, em kịp ra nhập đơn vị pháo của Quân đoàn 1 tham gia chiến dịch HCM. Năm 1976, em được tập trung ôn Văn hoá để đi học tại Học viện pháo binh Leningrad. Nhưng không hiểu vì lý do gì, suốt 3 năm liền với đủ mọi lý do, người ta đã không cho em đi học.
Đầu năm 1979, em xin quay lại đơn vị cũ và làm Đại đội trưởng pháo binh đóng cách biên giới không đến 10 km. Chiều ngày 17/2/1979, sau khi quân Trung quốc ào ạt tấn công, em đã chỉ huy Đại đội phản pháo dữ dội vào phía đội hình tấn công của địch. Chiều hôm đó, khi dùng TZK để quan sát sâu phía sau địch, em nảy ra ý tưởng có thể dùng pháo bắn cấp tập vào các Sở Chỉ huy phía sau và trận địa pháo của địch. Nhưng tại Đại đội không có bản đồ tác chiến với các mục tiêu sâu trong đất địch. Vậy là tối hôm đó Tiến Quân cùng một chiến sỹ quê Hải phòng vượt qua hai quả đồi quay về Sở Chỉ huy tiểu đoàn để báo cáo và lấy bản đồ. Trên đường quay lại trận địa, người chiến sỹ quê HP ít kinh nghiệm đã dùng đèn pin soi đường và do vậy lính thám báo Trung quốc đã bám theo và bắn trúng hai anh em. Tiến Quân trước khi hy sinh còn kịp nhét tấm bản đồ vào ủng và ném xuống vực để không bị rơi vào tay địch. Sau này đơn vị nhận nhiệm vụ mở đường máu đưa thi thể hai anh em ra đã nhặt được tấm bản đồ đó. Mờ sáng hôm sau, cả đại đội đã xếp hàng, bồng súng và bắn ba loạt đạn để Vĩnh biệt người Đại đội trưởng dũng cảm mà họ quý mến như người anh. Em được chôn bên một ngọn đồi thông, nơi thấm máu của em và các đồng đội đã chiến đấu dũng cảm bảo vệ Tổ quốc.
Nguyễn Tiến Quân - người con hiếu thảo của gia đình, người chiến binh dũng cảm của đất nước đã hy sinh anh dũng khi chưa đầy 26 tuổi. Tổ quốc, gia đình và bè bạn mãi mãi nhớ em.
(Bức ảnh Mẹ bế em Quân khi em hơn 1 tuổi, lúc quân ta về giải phóng Thủ đô).


Mẹ bế em Quân khi em hơn 1 tuổi, lúc quân ta về giải phóng Thủ đô







FB Nguyen Viet Hung - 17/02/2019 19:15.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét