Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2019

Đoàn K6 thăm Cầu Hiền Lương

"Hành hương tri ân" - Kỉ niệm ngày Thống nhất

Đoàn K6 thăm Cầu Hiền Lương



Cầu Hiền Lương được khởi dựng lần đầu tiên bằng gỗ vào năm 1928. Năm 1952, Pháp cho xây lại cầu mới gồm 7 nhịp, dài 178m, rộng 4m, trụ cầu bằng bê tông cốt thép, mặt cầu lát gỗ thông, hai bên có lan can cao 1,2m, trọng tải cầu tối đa là 18 tấn.

Theo Hiệp định Genève, một vùng phi quân sự trên vĩ tuyến 17, từ cửa sông Bến Hải (Quảng Trị, Việt Nam) chạy dọc theo chiều dài sông đến biên giới Việt – Lào sẽ trở thành giới tuyến quân sự tạm thời chia Việt Nam thành 2 miền Nam - Bắc. Khi đó, cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải cũng bị chia thành 2 phần thuộc về 2 miền và được sơn 2 màu: nửa cầu thuộc miền Nam (ở bờ Nam) sơn màu vàng, nửa cầu thuộc miền Bắc (ở bờ Bắc) sơn màu xanh, ranh giới giữa 2 phần cầu là một vạch trắng kẻ ngang rộng 1cm.

Sau khi bị đánh sập bởi bom Mỹ vào năm 1967, cầu Hiền Lương đã trở thành “biểu tượng” về sự chia cắt đất nước thành 2 miền Bắc - Nam. Từ 2001 - 2008, nhằm bảo tồn chứng tích lịch sử cầu Hiền Lương, tỉnh Quảng Trị đã cho phục dựng cầu dựa theo bản thiết kế chiếc cầu Hiền Lương do Pháp xây dựng năm 1952, với chiều dài 183,65m, rộng 5,50m, phần lưu thông là 3,20m. Đặc biệt, lan can cầu còn được sơn 2 màu xanh, vàng nhằm mô tả chiếc cầu Hiền Lương trong thời kỳ đất nước vẫn còn bị chia cắt.

Hiện nay, cầu Hiền Lương nối liền quốc lộ 1A, bắc qua sông Bến Hải, bờ bắc thuộc thôn Hiền Lương (xã Vĩnh Thành), bờ nam thuộc thôn Xuân Hòa (xã Trung Hải).

"Cuộc chiến màu sắc"
...Ở đoạn giữa cầu có một vạch trắng kẻ ngang, rộng 1cm được dùng làm ranh giới. Thoạt đầu Việt Nam Cộng hòa chủ động sơn một nửa cầu phía nam thành màu xanh, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa liền sơn tiếp màu xanh một nửa cầu còn lại. Sau Việt Nam Cộng hòa lại chuyển sang màu nâu thì Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng sơn lại màu nâu. Cứ như thế, cầu Hiền Lương luôn thay đổi màu sắc, hễ Việt Nam Cộng hòa sơn một màu khác đi để tạo ra hai màu đối lập thì ngay lập tức Việt Nam Dân chủ Cộng hòa liền sơn lại cho giống. Cuối cùng vào năm 1975, cây cầu có chung một màu xanh thống nhất.



Đài tưởng niệm đôi bờ Hiền Lương - HAAI - Cụm tượng đài “Khát vọng thống nhất” - bờ nam sông Bến Hải.
THUYẾT MINH CỤM TƯỢNG ĐÀI KHÁT VỌNG THỐNG NHẤT
Ngày ấy, con sông vẫn hiền hoà mà lòng người đau cắt.

Câu chyện chia cắt đôi bờ Hiền Lương là một câu chuyện lịch sử đầy bi thương của dân tộc ta.

Người phía Nam kiên cường bất khuất, chiến đấu giữ đất giữ làng bảo vệ quê hương … sống trong cảnh nước sôi, lửa bỏng của một cuộc chiến suốt 21 năm ròng chia cắt. Tấm lòng son sắt thuỷ chung của người dân miền Nam, luôn hướng về Bờ Bắc, nơi những người chồng, người con đã ra đi. Dường như những tình cảm cao cả đó đã cô đúc trong tấm lòng của những người mẹ, người vợ, người con giữa miền Nam yêu thương.

Sự khát vọng, sự mong mỏi, kiên cường thuỷ chung trong suốt chiều dài lịch sử ấy đã là nguồn cảm hứng, đã là ý đồ tư tưởng để tạo nên tượng đài “Khát vọng thống nhất” để người đời sau nhớ mãi những kỳ tích trong sự đau thương của dân tộc ta, một ghi nhận lịch sử, mà địa danh này đã là một khung cảnh cô đúc trong mỗi chúng ta. Tại nơi đây trong khung cảnh hoà bình của đất nước câu chuyện này còn nguyên như một huyền thoại.

Cụm tượng đài lấy cây dừa làm hình tượng chính tượng trưng cho các thế hệ miền Nam một lòng hướng về miền Bắc, hướng về Bác Hồ kính yêu kiên định trong khó khăn gian khổ. Trong cuộc đấu tranh đó hình tượng người phụ nữ được dựng lên làm biểu tượng. Trong phương án này, hình tượng người phụ nữ đứng ở giữa ,mắt hướng về phía Bắc ánh lên nỗi khắc khoải và hy vọng, tay ôm vai đứa con gái nhỏ. Cụm tượng gợi lên nỗi khát vọng thống nhất cháy bỏng của đồng bào miền Nam kiên định, bất khuất đi theo cách mạng.

Tượng đài cao 24m được làm bằng chất liệu bê tông, bắn kẽm. Nhóm tượng người phụ nữ cao 9¸10m, tượng em gái nhỏ cao 5,5¸6,5m, làm bằng chất liệu đá xám granit.

Cột cờ Hiền Lương

Từ năm 1954-1967, khu vực đôi bờ cầu Hiền Lương đã diễn ra cuộc “chọi cờ” (hai bên thi dựng cột cờ xem cột cờ bên nào cao hơn). Cuối cùng phần thắng thuộc về cột cờ ở khu vực đồn công an Hiền Lương, thuộc bờ bắc. Cột cờ được làm bằng thép ống, dựng vào năm 1962, cao 38,6m. Trên đỉnh cột cờ có lá cờ kích thước 9,6m x 4m.

Cột cờ hiện nay là hình mẫu mô phỏng những cột cờ mà Chính quyền và quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã dựng trước đây. Cột cờ cao 28m, được làm bằng 6 đoạn thép ống liên kết với nhau. Trên đỉnh cột cờ gắn lá cờ sao vàng năm cánh. Trên thân cột cờ có gắn các thanh thép hình chữ nhật để làm thang. Cột cờ còn được lắp hệ thống dây cáp, ròng rọc và bộ phận tời tạo thuận tiện khi treo cờ. Đế cột cờ hình tròn, có trang trí hình ảnh mô tả về lịch sử cách mạng.





Nguồn:
  1. Hanhhapham Null 26 tháng 4/2019, Hành trình bạn k6 & k9 tháng4/2019
  2. Đào Diệu Thoa 19 tháng 4/2019, Đôi chân không biết mệt mỏi, cùng hội Trỗi chinh phục các nẻo đường!
  3. Sử Bình 20 tháng 4/2019, Tạm biệt...
  4. Nguyễn Kim Hồ 17 tháng 4/2019, viếng thăm Thành cổ Quảng Trị, Bến sông Thạch Hãn,Địa đạo Vĩnh Mốc, Cột cờ giới tuyến - Cầu Hiền Lương
  5. Minh Nguyen 19/4/2019, Thăm địa đạo Vịnh Mốc, Cửa Tùng, cầu Hiền Lương, Thành cổ Quảng Trị và sông Thạch Hãn,
  6. Hoang Khanh Hoa 19 tháng 4/2019, Đi thăm địa đạo Vịnh Mốc... cầu Hiền Lương
  7. Võ Kim Dung 22/4/2019, CÂY CẦU CÓ THỜI GIAN DÀI NHẤT - CÓ NGƯỜI MẤT HAI MƯƠI NĂM NGƯỜI MẤT CẢ CUỘC ĐỜI VẪN KO QUA ĐƯỢC
  8. Tuấn Huỳnh 21 tháng 4/2019, Chào tạm biệt Vịnh Mốc chào con sông Bến Hải và cầu Hiền Lương...
  9. Phanphan Tien 18 tháng 4/2019, Sông Bến Hải bên bồi bên lở / Cầu Hiền Lương bên nhớ bên thương..., Ăn trưa tại Cửa Tùng

0 nhận xét:

Đăng nhận xét