Chuyến hành hương về cội nguồn
Là con của những cựu tù chính trị thời chống Pháp, chúng tôi mong có dịp thăm lại những nơi cha chúng tôi đã sống, chiến đấu và chiến thắng. Vào dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7/2007) chúng tôi đã lên thăm Nhà tù Sơn La và gia đình LS-AHLLVT Lò Văn Giá.
Sơn La – hơn 60 năm trước là nơi “rừng thiêng nước độc”, nợi mà thực dận Pháp đã biến thành địa ngục trần gian để lưu đày, hành hạ, giết dần giết mòn cả thể xác lẫn tinh thần những người chống lại chúng. Giữa núi rừng Tây Bắc điệp trùng, hôm nay mọc lên 1 thị xã, tuy chưa thật rộng lớn, sầm uất nhưng những con đuờng mới mở, những công trình đang xây, cho thấy sẽ là 1 thị xã đẹp và thơ mộng trong tương lai.
Đây là khu di tích Nhà tù Sơn La, nơi cha chúng tôi đã từng bị thực dân Pháp giam giữ. Nhà ngục trên đỉnh đồi đã bị bom Pháp (1944) và bom Mỹ (1968) phá hỏng. Phần tường nhà giam nổi trên mặt đất chỉ còn 30-50cm; nhưng cũng đủ đề hình dung trong khuôn viên 2170m2 ấy đã có 49 phòng giam lớn nhỏ với các hình thù méo mó, dị dạng. Thời gian cao điểm nhất có tới 500 tù chính trị bị giam cầm tại đây. Đã được nghe kể nhiều về Nhà tù Sơn La nhưng khi tận mắt nhìn từng phòng giam và nghe những câu chuyện gắn với nó qua lời cán bộ thuyết minh của Bảo tàng mới thật xúc động.
Nhà tù Sơn La không chỉ nổi danh với chế độ hà khắc, những ngón đòn tra khảo tàn bạo, độc ác của bọn thực dận, là minh chứng sống cho ý chí bất khuất, nghị lực phi thường, niềm tin mãnh liệt của những chiến sĩ cộng sản lớp tiền bối mà hôm nay đây tên tuổi được lưu lại trên các đường phố của thị xã như Tô Hiệu, Trần Huy Liệu… mà còn được biết đến bởi cuộc vượt ngục có 1 không 2 như huyền thoại của 4 chiến sĩ cộng sản Trần Đăng Ninh, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Văn Trân, Lưu Đức Hiểu. Cuộc vượt ngục, xuyên rừng, lội suối, leo đèo ấy do anh thanh niên dân tộc Thái Lò Văn Giá dũng cảm đưa đường.
Chúng tôi dành nửa thời gian ở Sơn La đến thăm gia đình anh Lò Văn Thiện, con trai AH-LS Lò Văn Giá. Anh Thiện kể lại: Khi bố tôi đưa đường cho các bác ra tới nơi an toàn, khi trở về nhà thì bị Pháp phục bắt và xử bắn ngay. Lúc đó tôi mới 2 tháng tuổi, chị gái tôi (Lò Thị Liêu) khoảng 2 tuổi, nhà còn bà nội già yếu. Gia đình tôi đã từng rất khó khăn nhưng các bác chưa bao giờ quên chúng tôi. Tôi đã từng được Đảng, Nhà nước cho sang Liên-xô học về công tác Đoàn, rồi về làm việc ở Văn phòng Tỉnh uỷ. Nay cả 2 vợ chồng đã nghỉ hưu với lương hưu gần 3 triệu/tháng. Năm đứa con tôi đều được chính quyền chăm lo chu đáo, được tạo điều kiện học các trường phổ thông, trường dạy nghề. Cái khó là ở chỗ bây giờ yêu cầu nhiều tiêu chuẩn mà các cháu khó đáp ứng như vi tính, ngoại ngữ… cho nên chưa tìm được việc làm.
Trong không khí thân tình, anh Thiện chỉ vào ngôi nhà sàn bằng bê-tông kiên cố, khang trang và kể rằng đó là quà tặng của Tỉnh uỷ năm 1989. Gia đình có sửa lại cho đẹp hơn nhưng vẫn giữ dáng dấp bao đời của nhà sàn dân tộc Thái. Anh chị rót rượu mời chúng tôi cùng chúc cho nhau sức khỏe và may mắn.
Lưu luyến chia tay anh chị Thiện và các cháu, trong lòng thầm chúc cho các cháu sớm tìm được việc làm thích hợp.
Tháng 8/2007
Vân Mai - Quảng Nguyên
(BBT: Tháng 7/2007, các bạn k6 Tường Vân, Tuấn Quảng, Thắng “híp” đã du hành lên thăm Sơn La).
0 nhận xét:
Đăng nhận xét