liệt sĩ Võ Nguyên Trọng
HUỲNH HỒNG
Học sinh khóa 6
Đã nhiều lần, Ban Liên lạc phía Nam gửi tin nhắn tìm đồng đội trên Báo Quân đội Nhân dân, trên tạp chí “Sự kiện và Nhân chứng”, đã viết thư cho Phòng Chính sách quân khu 9 và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa nhưng không thấy hồi âm. Còn sư đoàn 1 (đơn vị của Trọng) thì đã giải thể. Vậy biết tìm đâu mộ bạn mình, trong khi gia đình Trọng thì hoàn toàn vô vọng và chỉ trông chờ vào chúng ta…?
Một chiều hè năm nay, chúng tôi nhận được lá thư từ một đồng đội của Trọng. Đó là cựu chiến binh Phạm Quang Thư 1, thượng tá, nguyên trưởng ban Chính sách Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa. Chúng tôi đã liên lạc với nhau. Qua những thông tin có được, xin ghi lại những gì về liệt sĩ Võ Nguyên Trọng.
… Sau khi rời trường Trỗi, Trọng về sống với gia đình ở thị xã Thanh Hóa. Ngày ấy ba Trọng, bác Võ Nguyên Lượng, đang là bí thư Tỉnh ủy. Vào đầu năm học 1970-1971, đất nước phải huy động thêm lực lượng chi viện cho chiến trường và Trọng cũng là một trong những thanh niên xung phong nhập ngũ. Bác Lượng rất ủng hộ, mặc dù có đủ lí do để Trọng được ở lại miền Bắc, tiếp tục học tập. Bác đã hành động đúng với lương tâm và trách nhiệm của người đứng đầu về Đảng ở tỉnh. Hành động ấy đã động viên các gia đình và thôi thúc hàng ngàn thanh niên, học sinh Thanh Hóa lên đường nhập ngũ. Trong những ngày luyện quân, bác đã đến thăm và động viên các chiến sĩ trẻ của tỉnh nhà.
Sau thời gian huấn luyện, Trọng được bổ sung vào trung đoàn 52 thuộc sư đoàn 320 (E52, F320). Khi đơn vị hành quân vào miền Tây Nam bộ, E52 được đổi sang phiên hiệu E46 (do đồng chí Bính là E trưởng, đồng chí Vỵ là E phó, đồng chí Minh là chủ nhiệm Chính trị) thuộc sư đoàn 1 (đồng chí Thương là chính ủy và đồng chí Tạ Lệnh là phó chính ủy). Đồng đội cũ cùng trung đoàn ở Thanh Hóa vẫn nhớ như in hình ảnh Trọng ngày đó rất thư sinh, đẹp trai, sống hồn nhiên, vô tư. Suốt thời gian cùng sống và chiến đấu, Trọng luôn được anh em trong cơ quan Tham mưu quý mến. Trọng cùng đơn vị lăn lộn trên đất An Giang, Kiên Giang, rồi rong ruổi khắp mặt trận Campuchia: Công-pông Chơ-năng, Công-pông Sư-pư, Cô Công... vào mùa khô năm 1971. Mỗi khi có dịp gặp nhau, anh em Thanh Hóa thường động viên nhau tiếp tục phát huy truyền thống quê hương, truyền thống gia đình. Trọng còn kể nhiều về mái trường Thiếu sinh quân thân yêu.
Bao phen lênh đênh trong rừng tràm mùa nước nổi. Lúc bấy giờ tiểu đoàn 6 thuộc E46 có tình hình phức tạp. Hiếu - tiểu đoàn trưởng - vì không chịu được gian khổ đã chiêu hồi. Vì vậy ngày 5 tháng 6 năm 1972, Trọng được theo tháp tùng đồng chí Vỵ, E phó, xuống làm việc với Ban chỉ huy tiểu đoàn, đóng quân ở xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương. Chiều hôm đó, sau khi trở về Sở chỉ huy trung đoàn, Trọng tranh thủ xuống bếp lấy cơm cho cơ quan. Trên đường về thì bất ngờ bị pháo kích, Trọng không may dính mảnh đạn. Bị thương rất nặng nhưng Trọng không mất ngay mà còn được các bác sĩ trung đoàn cấp cứu. Bác sĩ Khiêm, người Hà Nội, đã dùng sơranh rút cả máu trên cánh tay mình để cứu Trọng nhưng… bất lực. Đêm hôm đó, Trọng mất và hôm sau được đơn vị mai táng tại nghĩa trang xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương, gần Ngã ba Hòn Chông. Sau đó chỉ ít ngày, trong trận chiến đấu bảo vệ thương binh khi địch càn vào bệnh xá, bác sĩ Khiêm cũng anh dũng hy sinh. …
Anh Thư còn cho biết đại tá Trương Ngọc Thống, nay là phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Thanh Hóa và thiếu tá Nguyễn Viết Hoa, hiện nghỉ hưu ở xã Ngư Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa cùng nhiều cán bộ, chiến sĩ E46 đang sinh sống ở Thanh Hóa biết rất rõ về Trọng. Trong lá thư gửi về ngày 19 tháng 8 năm 2004, anh Phạm Quang Thư có viết:
Tôi thực sự xúc động khi nhận được lá thư tâm huyết của Ban Liên lạc trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi. Chưa gặp các anh nhưng tôi cảm thấy ấm lòng vì đã cung cấp cho các anh những thông tin rất đầy đủ về Trọng, bạn tôi.
Là con trai duy nhất trong gia đình, tôi vào chiến trường từ năm 1967 và đã bị thương tới ba, bốn lần. Cuối năm 1972 tại An Hưng tôi bị thương nặng, mãi sau ngày giải phóng mới ra Viện 108 mổ lại vết thương nhưng vẫn còn một đầu đạn AR-15 trong đùi. Dù sao thì mình vẫn còn sống, còn được về đoàn tụ với gia đình. Ấy là hạnh phúc hơn đồng đội đã ngã xuống rất nhiều!
Qua thư các anh, tôi cũng rất trân trọng và biết ơn trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi đã cống hiến cho Tổ quốc hai thầy giáo và 26 học sinh, trong đó có Võ Nguyên Trọng, người bạn, người em, người đồng chí thân thiết của tôi!
H.H
Cuối tháng 8-2004, Võ Hồng Vân, chị gái của Trọng, theo hướng dẫn của đồng đội, đã về chiến trường xưa tìm mộ phần của em. Lý Tấn Huệ (khóa 7) - giám đốc nhà máy xi măng Hà Tiên 2 - đã chu đáo sắp xếp chỗ nghỉ cho chị và tạo điều kiện đi lại. Vậy mà chưa thấy. Chúng tôi và gia đình cùng xác định: việc tìm kiếm còn rất nhiều khó khăn vì chiến tranh đã qua đi mấy chục năm….
1. Nay anh nghỉ hưu tại 581 phố Cữa Hữu, phường Tân Sơn, thành phố Thanh Hóa (điện thoại: 037-757022).
0 nhận xét:
Đăng nhận xét