Thứ Năm, 5 tháng 11, 2009

Nhớ mãi anh Trỗi

http://baobinhdinh.com.vn/nguyetsan/2009/11/83139/
KỶ NIỆM 45 NĂM, NGÀY ANH HÙNG NGUYỄN VĂN TRỖI HY SINH (15.10.1964 - 15.10.2009)
Nhớ mãi anh Trỗi
9:52', 5/11/ 2009 (GMT+7)

Cách đây 45 năm, ngày 15.10.1964, anh Nguyễn Văn Trỗi đã hy sinh vô cùng lẫm liệt giữa pháp trường Sài Gòn. Khí phách của người thợ điện 24 tuổi ấy đã làm cho kẻ thù khiếp sợ. Còn đối với nhân dân ta, nhất là lớp người trẻ tuổi, thì tiếng hô của người anh hùng là tiếng trống gọi lên đường.

Chúng tôi về thôn Thanh Quít, xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, Quảng Nam thăm nhà anh Trỗi. Ba gian thờ nghi ngút khói hương. Trên bàn thờ ngoài cùng là di ảnh người thanh niên có gương mặt thư sinh với 9 phút làm nên lịch sử. Bức tượng bán thân bằng đồng đặt trang trọng bên cạnh. 45 năm đã trôi qua, nhưng trong tâm tưởng mọi người, anh vẫn trẻ mãi như bức ảnh này.

Anh Trỗi và chị Quyên ngày cưới. Ảnh: Hồng Vân (Sưu tầm và chụp lại)

May mắn là tại quê, chúng tôi được gặp ông Nguyễn Văn Toàn, anh trai anh Trỗi. Kể về em trai mình, giọng ông đượm buồn:
“Từ nhỏ mấy chị em tôi sống với mẹ, còn cha phải lưu lạc ở Sài Gòn. Khoảng đầu năm 1947, khi giặc Pháp trở lại xâm lược Đà Nẵng, làng Thanh Quít chìm trong khói đạn. Mẹ tôi gồng gánh dắt díu 4 chị em tản cư. Tài sản đem theo chẳng có gì ngoài 4 người con nheo nhóc. Tôi còn nhớ mẹ tôi cho Trỗi và Đức ngồi vào 2 đầu thúng gánh đi, tôi và chị Hai Thoàng chạy lúp xúp theo chân mẹ. Gần một năm sau, khi trở về, xóm làng nhà cửa bị cướp phá. Cả gia đình phải đi ở nhờ người bà con. Tiếp đó là chuỗi ngày rất cơ cực và mẹ tôi đã vĩnh viễn ra đi ở tuổi 37 vì đói và rét. Mẹ mất, cha đang ở Sài Gòn, mấy chị em dắt díu nhau qua ở nhờ nhà người bác ruột là Nguyễn Văn Mậu. Ở đây tôi và Trỗi được đi học. Tuy vậy cảnh nhà nghèo khó, nỗi đau xót mất mẹ, xa cha vẫn đè nặng lên tuổi thơ của chúng tôi. Lớn thêm một chút, tôi ra Đà Nẵng làm công cho một hãng bánh kẹo. Ít lâu sau, tôi kéo Trỗi cùng ra học nghề may. Không bao lâu thì Trỗi bỏ vào Sài Gòn. Tôi còn nhớ ngày đó bến sông Hàn có tàu Nam Việt đang chuẩn bị khởi hành. Trỗi đã lên tàu, sau khi để lại cho tôi một lá thư từ biệt. Tôi đi làm về đọc thư thì tàu đã rời bến. Tôi gọi em đến khô giọng nhưng tàu đã ra giữa dòng. Sau này, Trỗi về lại Đà Nẵng thăm tôi mấy lần. Tôi nghỉ việc đi chơi với em ở núi Non Nước và nhiều nơi khác. Tôi thấy Trỗi chững chạc rất nhiều, hay nói về cảnh mất nước, Mỹ nguỵ đàn áp nhân dân, hoặc kể về những chiến công của biệt động Sài Gòn với giọng rất háo hức. Tuy nhiên, tôi không hề biết việc em tham gia cách mạng. Ngày Trỗi tổ chức đám cưới với Quyên, tôi cùng cha tôi vào dự, cả nhà rất vui khi thấy hai vợ chồng hạnh phúc. Về chưa được nửa tháng thì nghe tin Trỗi bị bắt, cha con lại tức tốc vào. Tôi chạy luật sư, tìm người can thiệp nhưng không được. Sau khi Trỗi bị tử hình, bọn chúng chôn em tôi ở nghĩa trang của thành phố, thường xuyên cắt người theo dõi. 5 năm sau khi nghĩa trang giải tỏa, chúng thông báo cho dời hài cốt. Gia đình thím Quyên (lúc này Quyên đã đi ra Bắc) xin phép cha tôi đưa Trỗi về nơi chôn cốt của dòng họ, nay là khu Phú Hữu, quận 9. Sau ngày giải phóng, gia đình nhiều lần muốn dời mộ về quê. Nhưng theo ý nguyện của thím Quyên, cha tôi đã đồng ý để chú ấy ở trong đó. Có dịp, chúng tôi lại vào thắp hương vào ngày giỗ Trỗi, 10.9 âm lịch”.

Khi được hỏi, anh Trỗi mất, bọn chúng có làm khó dễ gia đình không, ông Toàn, chỉ vào 2 ngón chân của bàn chân trái bị chặt cụt của mình:
“Chúng hành dữ lắm, bắt bớ đánh đập liên tục. Biết không thể thoát đi quân dịch, tôi chặt ngón chân. Hai đứa em là Nguyễn Văn Đức và Nguyễn Văn Dũng đang đi học cũng thoát ly theo cách mạng. Đức đi công an, được đưa ra Bắc học tập nhưng cứ nằng nặc đòi về quê hương chiến đấu trả thù cho anh trai, rồi hy sinh vào năm 1972 ngay tại Bồ Mưng, xác chúng quăng trên đường cái. Cha tôi kiên cường lắm. Bị đánh, tra khảo, theo dõi thường xuyên vậy mà ông vẫn đào 3 công sự trong vườn nhà, nuôi giấu hàng chục du kích, nhiều lần bình tĩnh cản địch, cứu anh em thoát chết. Ông là chỗ dựa vững chắc cho cán bộ ở vùng yên tâm đi về hoạt động. Ông mất đã 14 năm, ngôi nhà ni bây giờ không còn ai ở. Tôi và Dũng cùng chị Hai Thoàng đều ở Đà Nẵng. Chỉ có mấy đứa cháu trong họ hàng ngày đến mở cửa thắp hương, đón tiếp các đoàn đến thăm. Cách đây mấy năm, tôi và thím Quyên cùng sửa lại ngôi nhà, để nơi thờ phụng khang trang hơn. Bức tượng bằng đồng cũng là của thím ấy mang từ Sài Gòn về đặt…”.

Ông Nguyễn Hữu Tê ở thôn Thanh Quít, nguyên trưởng Công an xã Điện Thắng, khi nhắc đến anh Trỗi vẫn còn nhớ rất rõ:
“Ngày anh Trỗi hy sinh do chị Phan Thị Điền, bạn anh Trỗi báo về làm bà con vô cùng sửng sốt. Ai cũng tiếc thương và vô cùng căm thù giặc Mỹ và bọn tay sai. Làm tuần 14 ngày của anh, lúc đó chị Quyên cũng về, mặc dù bọn hội đồng theo dõi chặt, nhưng Đảng ủy, du kích và nhân dân vẫn đến thắp hương, thăm hỏi động viên chị Quyên và gia đình khá đông. Xã phát động đợt tòng quân theo gương anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, chiến đấu giải phóng quê hương. Hơn 30 thanh niên đã thoát ly vào bộ đội chủ lực hoặc tham gia du kích ở địa phương. Có thể nói, cả xã ai cũng là du kích, ai cũng là cơ sở cách mạng khiến cho địch rất khiếp sợ. Sau ngày giải phóng, xã luôn tự hào là quê hương anh Trỗi, thường xuyên giáo dục cho các em biết về cuộc đời của người anh hùng. Nhà lưu niệm Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi do Tỉnh đoàn Quảng Nam – Đà Nẵng (cũ) phát động đoàn viên thanh niên đóng góp xây dựng ngay tại xã Điện Thắng quê hương anh, trưng bày những hình ảnh, kỷ vật về anh, đã thực sự là “địa chỉ đỏ” của thanh thiếu niên trong xã và tuổi trẻ cả nước. Tôi còn nhớ, có nhiều buổi sáng sớm, trước hiên Nhà lưu niệm có rất nhiều bó hoa tươi của hành khách từ những chuyến xe khách bắc nam đi ngang qua. Xe đi vội vã nên họ đã không kịp chờ Nhà lưu niệm mở cửa. Năm ngoái thi hoa hậu tại Hội An, các người đẹp cũng đã vào thắp hương tại Nhà lưu niệm, ai nấy đều rất xúc động…”.

Cùng chiến đấu, cùng bị bắt với anh Trỗi ngày đó có anh Nguyễn Hữu Lời, hiện là Thượng tá Công an đang nghỉ hưu ở 98 Đề Thám, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Anh đã kể về những kỷ niệm của mình với anh Trỗi trong niềm xúc động nghẹn ngào.
“Tôi và anh Trỗi cùng là đồng hương xã Điện Thắng. Vì hoàn cảnh nhà nghèo, nên phải đi kiếm ăn ở nơi khác. Anh Trỗi vào Sài Gòn trước, còn tôi vào sau. Chúng tôi gặp nhau tình cờ và coi nhau như ruột thịt. Bà dì tôi là cơ sở cách mạng, thấy chúng tôi tuy là những thanh niên mới lớn, nhưng có lòng căm thù bè lũ tay sai bán nước, nên đã giác ngộ và chúng tôi được kết nạp vào đội 65 “Quyết tử thành”. Mục tiêu của đội là nhằm ám sát các nhân vật hung hăng, hiếu chiến của bộ máy chiến tranh xâm lược Việt Nam như Tay-lo, Ca-bốt-lốt. Giữa lúc anh em đang vạch kế hoạch xử lý các mục tiêu này thì cấp trên cho hoãn lại và chuyển sang mục tiêu quan trọng hơn đó là Mác Namara- Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Chúng tôi chọn phương án đặt bom ở cầu Công Lý. Anh Trỗi mới cưới vợ nên tổ chức không cho anh tham gia đánh trận này, nhưng anh nhất quyết xin đi cho bằng được. Anh trao cho tôi chiếc nhẫn vàng bảo đến tiệm vàng bán đi rồi mua vài trăm mét dây điện. Về sau này tôi mới biết đó là chiếc nhẫn cưới của anh. Theo các tin tức tình báo thì Mc Namara sẽ đến Sài Gòn vào lúc 9 giờ ngày 10.5.1964, nên chúng tôi khẩn trương hoàn thành công việc trong đêm. Vì anh Trỗi là thợ điện, nên anh đã xung phong đặt khối thuốc nổ ở mé cầu Công Lý. Còn tôi được anh giao nhiệm vụ đi rải dây. Vừa làm xong phần việc của mình thì tôi nghe tiếng lao xao, tiếng chân rậm rịch trên cầu. Vậy là kế hoạch bị lộ. Bọn giặc đã tìm thấy toàn bộ dụng cụ điện và mìn đánh cầu. Anh Trỗi đã nhận tất cả những thứ này là của anh. Còn tôi chỉ là người được anh thuê rải dây điện. Đầu tháng 8.1968, tôi và anh cùng bị giam ở Tổng nha cảnh sát. Sau vụ nhảy lầu bị bắt lại, anh Trỗi phải quấn băng từ chân tới ngực. Anh ôm lấy tôi, nói nhanh :

- Em khai sao? Em không được nhận gì cả. Để anh nhận hết. Nếu em cũng khai thì cả hai đều nhận án tử hình. Cách mạng sẽ mất thêm một người, uổng lắm.

Thấy tôi băn khoăn chuyện ảnh mới cưới chị Quyên, anh lại cương quyết :

- Đừng lo cho anh. Anh chỉ tiếc là chưa làm được gì đã bị bắt!

Tại phiên tòa đại hình, anh Trỗi bị kết án mức cao nhất. Ngày anh bị tử hình, tôi bị đày ra Côn Đảo với mức án 20 năm nhưng chỉ 10 năm sau (1974) tôi đã được trao trả”.

Hồng Vân