Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2012

"Hành khúc ngày bình yên" - Trần Bắc Hải

Start:     Feb 19, '12
Location:     Blog


   Tưởng nhớ ngày bạn hi sinh

Hành khúc ngày bình yên

Trần Bắc Hải
LS Nguyễn Tiến Quân.LS Nguyễn Tiến Quân.



Lẽ ra phải đăng bài này lên trang K6 mà lâu nay không sử dụng Multiply, quên cả cách đưa bài. Bài đã viết 16/2/2009 cho LS Nguyễn Tiến Quân K6 hy sinh trong chiến tranh chống TQ xâm lược 2/1979. Gần đây mới được Yên Lam phối khí và thu âm lại.



Mời xem thêm: Tôi viết ”Hành khúc ngày bình yên” - Trần Bắc Hải, 18/07/2012, Giai điẹu xanh.



HÀNH KHÚC NGÀY BÌNH YÊN

Làng quê tôi xanh lũy tre
Chiều bình yên thoảng vẫn nghe quân hành
Chiều bình yên màu lá xanh
Xanh bao đời như tóc người ngày ra đi


ĐK
Đầu xanh ơi mãi không bạc
Tóc xanh đi mãi lưng trời
Để lại tóc bạc cho người Vọng Phu
Vọng Phu ngàn năm vẫn đợi
Tóc xanh mười tám suốt đời
Để lại bình yên một khúc quân hành

Ngày ra đi bên trái tim
Mảnh lụa thêu đôi cánh chim hòa bình
Đường trường chinh hun hút xa
Trên quê nhà in dấu chân ngựa Ông Gióng

ĐK

 
 ✯✯ 


Đăng lại bài viết của Trần Bắc Hải (đã đăng tại Blog K4: Thứ bảy, tháng hai 18, 2012).




 

Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2012

40 năm, Võ Nguyên Trọng bạn tôi trở về - Trần Kiến Quốc


40 năm, Võ Nguyên Trọng bạn tôi trở về

Trần Kiến Quốc

Nghe tin hài cốt liệt sĩ Võ Nguyên Trọng sau 39 năm được tìm thấy và đón về Hà Nội giữa tháng 12-2011, chúng tôi, những đồng đội thuở Thiếu sinh quân chống Mỹ (1965-1970) thuộc Tổng cục Chính trị, mừng khôn tả. Qua Võ Nguyên Tuệ - em trai liệt sĩ, biết điện thoại của CCB Nguyễn Văn Tâm (nguyên Chiến sĩ Trung đoàn 46, Sư đoàn 1 và là người trực tiếp đón Trọng lên), tôi liên lạc ngay với anh. Người lính đơn giản, chỉ dăm câu ba điều đã là bạn.

Đúng ngày 24-12-2011, tụ họp đồng đội lứa Thiếu sinh quân. Vậy là Tâm thành khách danh dự. Gặp Tâm, bao nhiêu chuyện về lính mặt trận, về Trọng bây giờ mới biết.
Xe đón hài cốt liệt sĩ chuẩn bị rời Kiên Giang ra Bắc.Xe đón hài cốt liệt sĩ chuẩn bị rời Kiên Giang ra Bắc.



1. Cuộc đời chinh chiến
Mùa hè năm 1970, Trọng vừa học xong lớp 9 (hệ 10 năm). Trường Thiếu sinh quân giải thể, anh về thị xã Thanh Hóa sống với ba mẹ. Ba Trọng, bác Võ Nguyên Lượng, lúc ấy là Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa.

Cuối năm 1970, Trọng tình nguyện xin ra chiến trường. Luyện quân xong, anh được bổ sung vào Trung đoàn 52, Sư đoàn 320 và hành quân dọc Trường Sơn vào Nam. Vào đến miền Tây Nam Bộ, Trung đoàn 52 được đổi sang phiên hiệu Trung đoàn 46 thuộc Sư đoàn 1. Trung đoàn 46 có mật danh K6.

Là lính thuộc Ban Tham mưu trung đoàn, Trọng có dáng thư sinh lại nhanh nhẹn, hoạt bát nên được trên, dưới quý mến. Trọng cùng đơn vị lăn lộn trên đất An Giang, Kiên Giang, bao phen lênh đênh trong rừng tràm mùa nước nổi… Rồi mùa khô năm 1971, đơn vị sang chiến đấu bên Cam-pu-chia, dọc ngang các tỉnh Công-pông Chnăng, Công-pông Xpư, Cô Công...

Tuy quê hương là Quảng Ngãi nhưng vì ba mẹ công tác ở xứ Thanh mà Trọng có tình cảm thân thiết với quê hương thứ 2 này. Thượng tá Phạm Quang Thư, đồng đội quê Thanh Hóa, còn sống sót từ chiến trường trở về, kể lại: Ngày Trọng đăng ký nhập ngũ, bác Lượng rất ủng hộ. Mặc dù có đủ lý do để Trọng được ở lại miền Bắc, tiếp tục học tập, Bác đã hành động đúng với lương tâm và trách nhiệm của người đứng đầu về Đảng ở tỉnh. Hành động ấy đã động viên các gia đình và thôi thúc hàng nghìn thanh niên, học sinh Thanh Hóa lên đường nhập ngũ. Trong những ngày luyện quân, bác đã đến thăm và động viên các chiến sĩ trẻ của tỉnh nhà...

Tháng 8-1972, K6 nhận nhiệm vụ đánh vào Nhà máy Xi măng Hà Tiên. Đơn vị đã triển khai phương án tác chiến. Nhưng điều kiện sống hết sức thiếu thốn, gian nan. Hiếu - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 6 - vì không chịu được gian khổ đã chiêu hồi. Ngay trong ngày 18-8-1972, đồng chí Vỵ, Trung đoàn phó, đã xuống làm việc với Ban chỉ huy Tiểu đoàn 6. Trọng được theo tháp tùng.

Xong việc, trở về Trung đoàn bộ, Trọng tranh thủ xuống bếp lấy cơm cho anh em. Trên đường về bất ngờ bị trúng pháo kích, Trọng bị thương nặng ở ổ bụng. Đồng đội đưa anh vào Trạm phẫu trung đoàn. Hết máu dự trữ, bác sĩ Khiêm, người Hà Nội, đã tự lấy xi-lanh rút máu trên cánh tay mình để cứu đồng đội. Nhưng Trọng mất máu quá nhiều. Đêm hôm đó, 9 giờ, Trọng đi…

Sáng hôm sau, đơn vị mai táng Trọng gần Trạm phẫu đóng ở xã Dương Hòa, gần Ngã ba Hòn Chông. Hy sinh ngày 18-8-1972, vậy là Võ Nguyên Trọng vừa tròn 20 và anh vẫn “mãi mãi tuổi 20”!

Cũng vì tên Hiếu phản bội mà suốt mấy ngày, trực thăng UH-1 vè vè trên đầu, ra rả phát loa xuống: “Sư 1 Cộng sản xâm lấn miền Tây. Trong đơn vị có cả con trai Bí thư Thanh Hóa. Chúng tôi đã biết. Các anh hãy quy hàng chánh quyền Việt Nam Cộng hòa…”. Rồi pháo kích liên tục.

Ba hôm sau, chúng ồ ạt tấn công vào nơi đóng quân của K6. Bệnh xá không kịp di dời. Trong trận chiến đấu bảo vệ thương binh, bác sĩ Khiêm, đại đội trưởng anh dũng hy sinh. Trạm phẫu gần như bị san phẳng.
Cán bộ Đội K92 bàn giao hài cốt liệt sĩ Võ Nguyên  Trọng cho em trai Võ Nguyên Tuệ (bên trái).Cán bộ Đội K92 bàn giao hài cốt liệt sĩ Võ Nguyên Trọng cho em trai Võ Nguyên Tuệ (bên trái).






2. Tìm kiếm

Năm 1974, cụ Võ Nguyên Lượng mất... Tháng 5-1975, đất nước thống nhất. Nghe phong thanh, Trọng đã hy sinh nhưng khi nhận được giấy báo tử “hy sinh ở mặt trận phía Nam”, mẹ Trọng không chịu đựng nổi. Bà suy sụp.

10 năm, 20 năm, 30 năm trôi qua, cả nhà trông ngóng, tìm kiếm mà không biết mộ phần Trọng ở đâu. Chị gái Võ Hồng Vân quá thương em mà “thân gái dặm trường”, lặn lội vào tận Kiên Lương, Kiên Giang. Em trai Võ Nguyên Tuệ cũng không dưới chục lần về chiến trường cũ, nơi anh trai đã chiến đấu, tìm dấu vết.

Bạn bè, đồng đội và Ban Liên lạc Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi nhờ Báo QĐND, nhờ Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng nhắn tìm Trọng. Thư cho Phòng Chính sách Quân khu 9 và Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa không có hồi âm. Còn Sư đoàn 1 sau chiến tranh đã giải thể, gia đình không có liên lạc. Biết tìm Trọng nơi đâu?

Nghe có đồng đội của Trọng, tên là Cư (y tá Trung đoàn bộ) còn sống và bám đất Kiên Giang suốt từ 1975 đến nay, Tuệ đã tìm đến. Anh Cư kể lại những tháng ngày gian khó, thậm chí sau đợt địch đánh vào Trung đoàn bộ và Trạm phẫu, anh Cư đã nằm mấy tháng trời cạnh mộ Trọng. Hy vọng nhỏ nhoi bừng cháy. Vậy mà khi được dẫn tới nơi chôn cất thì không thể xác định được. Lại phải quay về. 
Di ảnh liệt sĩ Võ Nguyên Trọng.Di ảnh liệt sĩ Võ Nguyên Trọng.


3. Từ “đường dây” của những CCB Trung đoàn 46

Mọi hy vọng bừng lên, nhen nhúm rồi lại tắt ngấm. Vô định!... Nhưng, trong “nhiều-điều-không-thể” ấy lại có “một-điều-có-thể”.

Cùng Trung đoàn 46 có anh Quyết, hết chiến tranh về sống ở Thái Nguyên. Gia đình không chỉ có anh là lính K6 mà còn có người anh trai, nhưng ông anh đã hy sinh ở Kiên Lương. Thương nhớ anh, CCB Quyết bỏ công việc làm ăn đi tìm mộ. Chưa tìm thấy mộ anh thì lại giúp tìm ra mộ nhiều đồng đội.

May mắn làm sao, khi anh Quyết vào tới Quân khu 9 thì được “thực mục sở thị” 10 bộ sơ đồ ghi lại khu vực chôn cất các liệt sĩ của K6 ở Kiên Lương, Kiên Giang. Trong đó có sơ đồ đánh dấu khu vực chôn cất 9 liệt sĩ gần Trạm phẫu (đóng quân thời gian tháng 8-1972), có tên tuổi 3 liệt sĩ người Hải Phòng, một người Hải Dương, một người Thái Bình và 4 liệt sĩ Thanh Hóa trong đó có Võ Nguyên Trọng. Anh Quyết liên lạc ngay với các gia đình liệt sĩ nói trên. Tiếc là không liên lạc được với gia đình Võ Nguyên Trọng, vì không có địa chỉ. Nhưng anh Quyết vẫn báo tin này cho anh Tâm (CCB K6, nay sống ở 185/1 đường 3 tháng 2, quận 10, TP Hồ Chí Minh). Theo “đường dây” của những người bạn vào sinh ra tử, anh Tâm nhớ ngoài Hà Nội có anh Hải, đồng đội K6. Đã có lần Hải hỏi anh về “nơi chôn cất con trai Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa”.

Đầu tháng 9-2011, Tâm gọi cho Hải, báo tin Phòng Chính sách Quân khu 7 tổ chức cho gia đình cùng Đội K92 Quy tập liệt sĩ tỉnh Kiên Giang đi tìm mộ liệt sĩ chôn cất gần Trạm phẫu. Anh Hải lục tìm địa chỉ gia đình Võ Nguyên Trọng. Hai vợ chồng Võ Nguyên Tuệ được tin, lập tức nhập cuộc. Giữa tháng 9-2011, gia đình 9 liệt sĩ cùng anh Nguyễn Văn Tâm và Đội K92 “hành quân” về chân đồi Bãi Ớt, ấp Xóm Dừa, xã Dương Hòa, Kiên Lương, Kiên Giang. Tìm kiếm, đào bới và tìm thấy 8 bộ hài cốt. Ngay sau đó, 8 mẫu hài cốt được chuyển ra Hà Nội.


4. Sự diệu kỳ của khoa học

Ngày 20-9-2011, chuyến xe của Quân khu 7 chở mẫu hài cốt 8 liệt sĩ - chôn cất tại xã Dương Hòa năm 1972 - đã tới Viện Công nghệ sinh học (Viện Khoa học - Công nghệ Việt Nam). Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam và Phòng Chính sách Quân khu 7 đã triển khai công việc “giám định gen” với Viện. Mẫu phẩm của thân nhân cũng được lưu giữ.

Chỉ sau 2 tháng kiểm tra đối chứng, bằng công nghệ hiện đại nhất, Viện Công nghệ sinh học thông báo: Kết quả chính xác 100%! Đó đúng là hài cốt của 8 liệt sĩ có tên, đã hy sinh và yên nghỉ tại chân đồi Bãi Ớt, ấp Xóm Dừa.

Các gia đình trở lại Kiên Giang đón hài cốt thân nhân. Ngày 14-12-2011, hài cốt liệt sĩ Võ Nguyên Trọng về tới Hà Nội. Vậy là sau gần 40 năm, hài cốt của Trọng và 7 đồng đội đã trở về với gia đình. Chỉ tiếc là khi Trọng về thì mẹ không còn, bà mất năm 2004.

Sáng ngày 30-12-2011, gia đình cùng chính quyền phường Trung Tự tổ chức Lễ đón nhận và truy điệu liệt sĩ Võ Nguyên Trọng tại Nhà tang lễ Quân y viện 354. Đồng đội Trung đoàn 46 cùng bạn bè thuở Thiếu sinh quân có mặt đón bạn.

Trần Kiến Quốc

 ✯✯ 


Đăng lại bài viết của Trần Kiến Quốc (đã đăng tại Báo điện tử Quân đội nhân dân, Báo liếp K5 giới thiệu: Thứ Sáu, 17/02/2012).




 

Thứ Hai, 13 tháng 2, 2012

Liệt sĩ Võ Nguyên Trọng cùng 7 đồng đội đã được về yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ quê nhà - Phạm Văn Phủng

Liệt sĩ Võ Nguyên Trọng cùng 7 đồng đội
đã được về yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ quê nhà

Phạm Văn Phủng
Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam

Sáng 30 tháng 12 năm 2011, tiết trời se lạnh, nhưng ai có mặt ở Nhà tang lễ Bệnh viện 354 cũng cảm thấy ấm lòng vì mọi người đến rất đông cùng với Ủy ban nhân dân, Hội Cựu chiến binh phường Trung Tự, quận Đống Đa, Hà Nội và gia đình tổ chức trọng thể lễ viếng, lễ truy điệu, đưa di cốt liệt sĩ Võ Nguyên Trọng về nghĩa trang liệt sĩ quê nhà.

 Đoàn cán bộ Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam viếng liệt sĩ Võ Nguyên Trọng  Đoàn cán bộ Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam viếng liệt sĩ Võ Nguyên Trọng


Liệt sĩ Võ Nguyên Trọng sinh năm 1952, nguyên quán: xã Đức Nhuận, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, trú quán tại Phòng 312, nhà B1 phường Trung Tự, quận Đống Đa, Hà Nội. Liệt sĩ sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, thân phụ liệt sĩ - Ông Võ Nguyên Lượng, cán bộ lão thành cách mạng, nguyên Bí thư tỉnh ủy Tỉnh Thanh Hóa. Thân mẫu: Bà Trương Thị Việt cũng là cán bộ tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa.

Năm 1966, đang ở tuổi thiếu niên, anh Trọng đã được chọn vào học tại Trường Văn hóa Quân đội - Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi.

Năm 1970 mặc dù mới bước vào những ngày đầu năm học cuối cấp 3, anh đã tình nguyện nhập ngũ. Sau mấy tháng tích cực rèn luyện, mặc dù có đầy đủ tiêu chuẩn, lý do để được học tập, công tác ở tuyến sau… nhưng anh Trọng vẫn xung phong lên đường chiến đấu, trong đội hình Trung đoàn 52, Sư đoàn 320 (vào đến chiến trường được đổi thành Trung đoàn 46, Sư đoàn 1, Quân khu 9).

Bước chân anh đã vượt qua đèo cao dốc thẳm Trường Sơn, quân phục bạc mầu vì dãi dầu cát bụi tại chiến trường miền Tây Nam bộ, trên đất bạn Căm Pu Chia… Lửa đạn, gian khó của một chiến trường khốc liệt đã tôi luyện anh thành người chiến sĩ kiên cường, dũng cảm.





Đến Chiến dịch Xuân Hè 1972, giữa lúc đang cùng đơn vị chuẩn bị cho trận đánh giải phóng Nhà máy xi măng Hà Tiên, một trận pháo kích của địch trùm lên trận địa, anh bị trọng thương và hy sinh ngày 18/8/1972 khi chưa tròn 20 tuổi.

Đơn vị đau xót mai táng anh cùng 7 đồng đội trên đồi Bãi Ớt, Ấp Mũi Dừa, xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. Sau đó, mảnh đất nơi các anh nằm bị địch chà đi xát lại, đến dòng tên trên mộ các anh cũng không còn...

2


Mấy chục năm gia đình mong đợi, dày công tìm kiếm nhưng vẫn chưa có kết quả, giữa lúc tưởng như vô vọng thì được anh Quyết, anh Đạt (CCB ở Thái Nguyên, Hải Dương) tìm được, chỉ giúp. Các anh còn vào tận đơn vị cũ phô-tô danh sách thân nhân, quê quán của từng liệt sĩ giúp các gia đình. Nhận được thông tin, tháng 9 năm 2011, 8 gia đình (trong đó có gia đình liệt sĩ Võ Nguyên Trọng) đã thuê xe vào thẳng Đồi Bãi Ớt. Vất vả lắm mới tìm được 8 ngôi mộ trên Đồi Bãi Ớt, nhưng các gia đình rất buồn vì không thể xác định được mộ của từng liệt sĩ.

Được Đội Quy tập K92 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự và Sở Lao động - TBXH tỉnh Kiên Giang giúp đỡ, 8 gia đình đã mượn được mẫu hài cốt của 8 liệt sĩ đưa về giám định AND. Mặc dù trên đường từ Kiên Giang ra Bắc, các gia đình mới có điện thoại liên hệ… nhưng Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam sẵn sàng tiếp nhận, hỗ trợ kinh phí, cùng với Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam khẩn trương giám định.

Sau hơn một tháng nóng lòng chờ đợi, ngày 02 tháng 11 năm 2011, 8 liệt sĩ yên nghỉ trên đồi Bãi Ớt (Kiên Giang) đã được trả lại tên trong niềm xúc động đến không cầm được nước mắt… Và hôm nay, ngày 30/12/2011 liệt sỹ Võ Nguyên Trọng là liệt sĩ thứ tám đã được đưa về yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ quê nhà.
 ✯✯ 


 




  

Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2012

Tin thêm về LS Võ Nguyên Trọng

Tin thêm về LS Võ Nguyên Trọng

Kiến Quốc - (Ghi theo lời kể của anh Hải CCB E46)

Tối qua Hải điện thoại cho tôi, kể lại chuyện sáng mùng 8 Tết, mấy chị em nhà Tuệ đến chúc Tết và cảm ơn. Tuy vậy gia đình vẫn thắc mắc: Vì sao chỗ Trọng hy sinh và nơi chôn cất xa nhau đến 6km? Có gì xảy ra ở đây? Nhớ có anh Thư, cũng CCB E46, C phó Trạm xá trung đoàn, nhà trên Đông Anh; Hải liền điện thoại. Vậy là anh Thư mời cả đoàn lên thăm nhà.
 ✯ 

Chuyện là, ngay sau khi Trọng bị thương vào ổ bụng, được cấp cứu vào Trạm xá trung đoàn. Chính anh Khiêm, C trưởng trạm xá, trực tiếp cấp cứu. Chả còn đơn vị máu nào, anh đã rút máu trên tay mình tiếp cho Trọng. Nhưng vì đã mất quá  nhiều máu mà Trọng đi. Tin Trọng hy sinh được báo lên Sư đoàn và QK. Lập tức có chỉ thị: bằng mọi cách phải đưa xác Trọng về nơi an toàn.
Vậy là ngay trong đêm, anh em cáng Trọng xuyên những cánh đồng ngập nước, thậm chí phải dùng cả xuồng ba lá rạch lau sậy mà đi. Nơi dừng cuối không xa bờ biển, ngay sát núi, có 1 cái hang. Vậy là xác Trọng được cất giấu an toàn. Chỗ này gần với nơi đóng quân của bộ phận 2 Trạm Phẫu do chính anh Thư C phó phụ trách. (Trong điều kiện chiến đấu ác liệt, Trạm Phẫu cũng phải xé đôi để có phương án dự phòng). Tại Bãi Ớt (ngay sát vườn tiêu), Trọng được chôn cất cùng 8 đồng đội.



Liệt sĩ Võ Nguyên Trọng, hy sinh  tại      Mặt trận Kiên Lương - Kiên Giang     năm  1972.Liệt sĩ Võ Nguyên Trọng

Và thật may, sơ đồ mộ chí còn lưu lại ở Phòng Chính sách QK9. May hơn, CCB Quyết đã được phép lục hồ sơ lưu, phát hiện ra khi đi tìm mộ anh trai.
Anh Thư kể tiếp: "Cũng chỉ ngày hôm sau, Trạm Phẫu do anh Khiêm chỉ huy bị tấn công. Anh Khiêm và hầu hết đơn vị đã hy sinh. Bọn giặc tàn ác lôi xác anh em lên phơi trên lộ. Bà con cô bác thương lắm, đêm đêm bí mật lấy từng xác đem đi chôn thật xa. Mỗi nơi chôn 1 anh và nào có biết anh nào là anh nào. Đã từng quay lại tìm gặp bà con, xác định nhưng khó mà tìm được. Gia đình BS Khiêm có em trai cũng đã đến tìm tôi. Tôi khuyên gia đình không nên tìm nữa. Hãy để cho anh yên nghỉ ở chiến trường xưa".
Khi trở về, mọi thắc mắc của gia đình Võ Nguyên Trọng được giải đáp. Ai cũng thoải mái. Khi chia tay, anh Thư còn nhắc lại: "Trọng ngày đó thư sinh, trắng trẻo và cao hơn Tuệ bây giờ; đặc biệt vui vẻ, rổn rảng chứ không kín tiếng như em". Nghe xong, chú Tuệ nở nụ cười mãn nguyện.

 ✯✯ 


Đăng lại bài viết của Kiến Quốc - (Ghi theo lời kể của anh Hải CCB E46) (đã đăng tại Blog K5: Thứ sáu, ngày 03 tháng hai năm 2012).