Chủ Nhật, 8 tháng 4, 2018

Chuyện ghi lại về mộ phần Anh Trỗi




Từng được nghe chị Phan Thị Quyên kể, để viết bài in trong "Sinh ra trong khói lửa" Tập 1, từng có bài trên báo Tiền Phong, QĐND, CAND... về AHLS Nguyễn Văn Trỗi, nhưng chủ nhật này khi đến thăm chị và nghe thông báo về kế hoạch đón Anh về NTLS TPHCM, tôi vẫn muốn nghe chị kể lại lần nữa.

Chuyện như đã được viết trong bài đăng trên báo CAND:
http://congannghean.vn/phong-su/201302/26156-chuyen-chua-biet-ve-vo-cua-liet-si-nguyen-van-troi-392636/

Nhưng xin được kể ra những chuyện đặc biệt hơn.
Chị còn giữ tờ báo Chí Thiện ra buổi chiều 15/10/1964, tường thuật lại những giây phút cuối cùng của Anh trước pháp trường.
Mấy năm rồi, có chủ trương quy hoạch lại Q2, nghĩa trang Văn Giáp phải di dời và sẽ xây dựng ở đây 1 công viên xanh. Q2 có ý định giữ lại mộ phần Anh làm "địa chỉ đỏ" cho thanh thiếu niên. Suy đi tính lại, chị nghĩ ở đời có rất nhiều người tốt nhưng cũng vẫn có những kẻ xấu, để Anh ở đó lỡ kẻ xấu làm điều gì không hay thì mang tiếng nên tốt nhất đưa Anh về NTLS. Hàng ngày có người lo hương hoa. Ngay cả khi chị đi xa rồi thì đời đời Anh vẫn được chăm sóc.
Cũng tưởng việc đưa Anh về NTLS đơn giản nhưng lại phải làm nhiều thủ tục pháp lí. Thậm chí người của Sở LĐTBXH đến gặp chị, còn e ngại, có chính xác ngôi mộ đó là mộ Anh? Vì chị và người nhà có được chứng kiến khi chôn cất đâu!
Chị đã kể lại cho họ thế này:
"Sau ngày 15/10/1964, tôi và ba tôi chạy đôn đáo khắp nơi hỏi thăm các ổng. Lúc đầu nghe nói chôn ở Nghĩa trang Cộng Hòa, đường Quang Trung, Gò Vấp nhưng vì Anh không phải là lính Cộng Hòa nên lại phải đào lên ngay chiều 15/10/1964, đưa về Nghĩa trang Đô Thành (nay là công viên Lê Thị Riêng).
Đến nơi, ngay sát bờ tường, khu đất thí (chôn sau 3 năm phải di dời) thấy có đến 3 ngôi mộ đất còn mới mà không biết của ai? Vì có tục lệ sau 3 ngày "mở cửa mả" mà ngày 17/10/1964 đến thì thấy chỉ còn 1 ngôi mộ chưa có hương, hoa. Chúng tôi đoán đó là mộ Anh.
Ngay lúc đó, cũng có rất nhiều người mặc xơ-vin đứng xung quanh, xưng danh là phóng viên, nhà báo, hỏi chúng tôi có quan hệ gì với người đã mất vì muốn phỏng vấn, làm phóng sự. (Trong đó chắc chắn có cả mật vụ giả danh). Đó là 1 lí do để khẳng định mộ Anh...".
Tết 1965, chị được tổ chức cho thoát li. Trước khi đi, 27 tháng Chạp, chị tới thắp hương cho Anh và dặn ba, sau 3 năm, ba cùng ba Anh bốc mộ, đưa Anh về an nghỉ ở Nghĩa trang Văn Giáp.
Ngày thống nhất, trở về Nam, cũng còn lo nên chị có hỏi ba xem có đúng ngôi mộ giữa là mộ Anh? Ba chị kể lại, vì mới chôn cất chưa được 3 năm (ngày 7/5/1967 bốc mộ Anh) nên khi đón lên thấy còn gần như nguyên hình hài; đặc biệt, trên hộp sọ Anh còn "vết đạn ân huệ" (anh Tư Dũng nói chính xác những từ này khi trò chuyện với chúng tôi - NV).
Và đúng như trong tờ báo Chí Thiện chị còn giữ, viết: khi chôn cất Anh có chôn theo cả đồ dùng cá nhân (ca sắt, bát...) dùng trong Khám Chí Hòa. Khi bốc lên những đồ này vẫn còn nguyên.
...
Còn đúng 1 tuần nữa, chủ nhật 15/4/2018, gia đình sẽ làm thủ tục đón Anh về NTLS TP. Ngày, giờ được gia đình chọn.
Chị báo với ban tổ chức sẽ mời đồng đội của Anh, thầy trò trường Nguyễn Văn Trỗi (TW Cục) và trường TSQ Nguyễn Văn Trỗi (TCCT). Họ hàng Anh ở Điện Bàn vào khoảng 30 người được Thành ủy đón về nghỉ ở Nhà khách Thành ủy Kỳ Hòa.
8.30 sáng sẽ đưa Anh từ Nghĩa trang Văn Giáp về NTLS TP và đúng 10.00 sẽ làm lễ truy điệu và an táng Anh ở khu vực cho các AHLS.
Sẽ có bài viết chi tiết về sự kiện đó.

FB Tran Kienquoc - 08 Tháng 4/2018 lúc 16:05

0 nhận xét:

Đăng nhận xét