Chủ Nhật, 12 tháng 3, 2017

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỚI ANH HÙNG LIỆT SĨ NGUYỄN VĂN TRỖI

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỚI ANH HÙNG LIỆT SĨ NGUYỄN VĂN TRỖI

(Qua một số tài liệu, hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh)

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ (1954-1975) giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc đã có biết bao tấm gương hy sinh anh dũng trong chiến đấu và lao động sản xuất, và liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi là một trong những tấm gương sáng đó.



Ngày 2-5-1964, Nguyễn Văn Trỗi cùng đồng đội nhận nhiệm vụ đặt mìn phá cầu Công Lý (nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi) để giết Bộ trưởng Quốc phòng Robert Mác Namara, trưởng Phái đoàn quân sự cấp cao của Chính phủ Mỹ sang kiểm tra kế hoạch bình định miền Nam Việt Nam. Việc không thành, 22 giờ, ngày 9-5-1964 Nguyễn Văn Trỗi bị bắt và bị kết án tử hình. Để cứu Anh, một tổ chức du kích ở Venedzuela đòi trao đổi Anh với Đại tá Không quân Mỹ là Michael Smolen vừa bị tổ chức du kích này bắt cóc, và tuyên bố “Nếu ở Việt Nam xử bắn Nguyễn Văn Trỗi thì ở Venedzuela một giờ sau họ sẽ xử bắn Đại tá Smolen”. Tuy nhiên khi Michael Smolen vừa được tự do, Toà án quân sự của Chính quyền Việt Nam Cộng hoà đã xử bắn Anh tại sân sau nhà lao Chí Hoà lúc 9 giờ 45 phút, ngày 15-10-1964.
Sau nhiều ngày tìm kiếm gia đình đã tìm được nơi Chính quyền Việt Nam Cộng hoà bí mật chôn xác Anh tại nghĩa trang Văn Giáp ở Giồng Ông Tố (nay thuộc phường Bình Trưng Đông, quận 2, thành phố Hồ Chí Minh). Ngày 17-10-1964, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam đã truy tặng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang và Huân chương Thành đồng hạng Nhất1.
Kỷ niệm 34 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; Kỷ niệm 119 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 45 năm Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi hy sinh, xin giới thiệu một số tài liệu, hiện vật có liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh với anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi hiện đang trưng bày và lưu giữ tại Kho Cơ sở Bảo tàng Hồ Chí Minh.

1/ Ảnh Nguyễn Văn Trỗi và bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

Hình ảnh cuối cùng của liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi do một nhà quay phim, người Nhật chụp, khi anh đã giật tấm khăn bịt mắt và nói: “Tôi không có tội, kẻ có tội cần phải trừng trị là bọn xâm lược Mỹ và lũ Việt gian Nguyễn Khánh”. Trước khi bị bắn, Nguyễn Văn Trỗi hô to:
Hãy nhớ lấy lời tôi!
Đả đảo đế quốc Mỹ!
Hồ Chí Minh muôn năm!
Việt Nam muôn năm!
Thương tiếc và xúc động trước tấm gương hy sinh anh dũng của Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết:
“Vì Tổ quốc, vì nhân dân liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã anh dũng đấu tranh chống đế quốc Mỹ đến hơi thở cuối cùng.
Chí khí lẫm liệt của anh hùng Trỗi là 1 tấm gương cách mạng sáng ngời cho mọi người yêu nước - nhất là cho các cháu thanh niên học tập!”
Bức ảnh và bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh(2)Trưng bày trong Tuốcnickê 38, chủ đề 7, giai đoạn 1954-1969


2/ Sách “Sống như Anh”:

Một ngày sau khi anh Trỗi bị bắt, chị Phan Thị Quyên, vợ anh cũng bị bắt giam. Trong thời gian bị giam giữ, chị mới thực sự hiểu công việc của chồng và đồng đội, đồng thời hiểu về Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, hiểu vì sao anh Trỗi tham gia chiến đấu để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Theo lời kể của chị Phan Thị Quyên2 về “những lần gặp gỡ cuối cùng” giữa chị với anh Trỗi từ khi bị giam cho đến khi bị xử bắn, tác giả - nhà văn miền Nam Trần Đình Vân đã viết và chuyển ra miền Bắc cuốn sách Sống như Anh. Ngày 20-7-1965, cuốn sách được Nhà xuất bản Văn học xuất bản lần thứ nhất 302.000 cuốn, 200.000 cuốn khổ 9cmx13cm, 100.000 cuốn khổ 13cmx19cm bằng giấy thường và 2000 cuốn in trên giấy tốt.
Bằng giọng văn chân thành, trong sáng, tác giả Trần Đình Vân đã giúp độc giả hiểu biết nhiều hơn về cuộc sống, tình cảm của các chiến sĩ giải phóng quân, cũng như về cuộc đời, về hành động dũng cảm của Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi trong nhà tù và những phút giây làm nên lịch sử của Anh. Những giây phút đã làm cho nhiều nhà báo có mặt tại pháp trường phải xúc động, cảm phục và kẻ thù phải run sợ trước người thợ điện bình thường nhưng rất yêu nước, rất kiên chung. Chỉ 9 phút nhưng hành động của Anh, lời nói của Anh đã làm rung động hàng triệu trái tim yêu nước, yêu hoà bình của Việt Nam và bạn bè trên toàn thế giới.


Sách “Sống như Anh”, trưng bày cùng với cuốn “Từ tuyến đầu Tổ quốc”, cùng chiếc balô và đôi dép cao su là những vật dụng thân thiết của mỗi chiến sĩ tham gia cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Các hiện vật được trưng bày trong Tổ hợp chiến thắng, chủ đề 8, giai đoạn 1969-1975.

3/ Sách “Sống như Anh” bản dịch tiếng Nga:

Sách “Sống như Anh”, bản dịch tiếng Nga, do Nhà xuất bản Ngoại văn dịch và phát hành năm 1965. Sách dày 150 trang, kích thước 13cmx19cm, bìa ngoài là ảnh của Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi trên pháp trường. Nội dung sách được dịch từ bản tiếng Việt xuất bản lần thứ nhất của Nhà xuất bản Văn học năm 1965.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc và để lại bút tích của Người ở ngoài bìa, phía góc dưới, bên phải. Sau đó, sách được Phòng lưu trữ Phủ Thủ tướng bảo quản. Ngày 1-3-1972, Phòng lưu trữ Phủ Thủ tướng đã bàn giao cho Ban phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh. Hiện cuốn sách đang được lưu giữ và bảo quản trong Kho Cơ sở Bảo tàng Hồ Chí Minh.

4/ Liên quan đến sự kiện Nguyễn Văn Trỗi, nhiều bài viết đăng trên báo Nhân Dân phản đối Mỹ, yêu cầu thả Nguyễn Văn Trỗi. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc các bài này và để lại bút tích:

  • Báo Nhân Dân, số 3845, ngày 10-7-1964:
    Trang 4: “Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam và Mặt trận Dân tộc giải phóng Venezuela ký Bản tuyên bố chung thứ 2 chống đế quốc xâm lược”.
  • Báo Nhân Dân, số 3849, ngày 14-10-1964:
    Trang 4: “Thông tấn xã giải phóng tuyên bố: Bọn Mỹ Khánh phải trả lại tự do cho anh Nguyễn Văn Trỗi”.
  • Báo Nhân Dân, số 3860, ngày 25-10-1964:
    Trang 1: Bài “Hãy nhớ lấy lời tôi” của nhà thơ Tố Hữu và bài “Đại biểu các tôn giáo Hà Nội kịch liệt phản đối Mỹ - Khánh giết Nguyễn Văn Trỗi, đòi trả tự do ngay cho anh Lê Hồng Tư”
  • Báo Nhân Dân, số 3870, ngày 4-11-1964:
    Trang 4: “Phấn khởi trước chiến thắng oanh liệt của quân và dân miền Nam, noi gương chiến đấu anh dũng của Nguyễn Văn Trỗi”.
  • Báo Nhân Dân, số 3872, ngày 6-11-1964:
    Trang 1: “Các tổ chức nhân dân Liên Xô, Cuba, Angiêri lên án Mỹ và tay sai giết anh Nguyễn Văn Trỗi và đòi trả tự do cho anh Lê Hồng Tư - Học sinh, sinh viên Cuba học tập gương đấu tranh bất khuất của anh Nguyễn Văn Trỗi”.
  • Báo Nhân Dân, số 3887, ngày 21-11-1964:
    Trang 1: “Nam Định lập 253 đội xung kích Nguyễn Văn Trỗi”.
    Trang 4: Bài “Các tổ chức công đoàn Liên Xô, Trung Quốc, Triều Tiên phản đối Mỹ - Khánh giết anh Nguyễn Văn Trỗi”- “Cơ quan đại diện Mặt trận dân tộc giải phóng tại Cuba tố cáo sự lật lọng của Mỹ và tay sai”.
  • Báo Nhân Dân, số 3888, ngày 22-11-1964:
    Trang 4: “Các tổ chức hoà bình Liên Xô, Cuba, Pháp, Anh, Ý, Libăng phản đối Mỹ - Khánh giết Nguyễn Văn Trỗi và mưu giết Lê Hồng Tư”

5/ Tranh chân dung liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi:

Ngày 5-2-1966, Đoàn Đại biểu Đảng Cộng sản Italia do đồng chí Enrico Bớclinhguê, Uỷ viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Bí thư Đảng bộ thành phố Rôma sang thăm hữu nghị Việt Nam3. Đoàn đã tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh bức ảnh chụp một phần của bức tranh vẽ cuộc chiến ở Việt Nam, trong đó diễn tả cảnh đưa anh Trỗi ra pháp trường. Bức tranh màu đen trắng, kích thước 53cmx75cm, đặt trong khung kính, khung màu xanh nhạt, kích thước 80cmx58cm. Bức tranh của tác giả Remot Guhuso vẽ ở Roma, ngày 28-11-1966, còn nguyên vẹn và đang được bảo quản trong Kho quà tặng của Bảo tàng Hồ Chí Minh.


Các tài liệu, hiện vật về Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đang trưng bày và lưu giữ Bảo tàng Hồ Chí Minh không nhiều nhưng rất có ý nghĩa. Các tài liệu, hiện vật góp phần tái hiện một cách sinh động hơn về cuộc kháng chiến ác liệt và gian khổ để giành độc lập và thống nhất đất nước của nhân dân ta, đồng thời giúp chúng ta hiểu rõ hơn về tình đoàn kết quốc tế trong sáng và sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân thế giới đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi tuy chưa một lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh,

không còn được nhìn thấy nước nhà thống nhất, nhưng tấm gương anh dũng hy sinh vì độc lập tự do, vì thống nhất đất nước của Anh đã trở thành một biểu tượng sinh động cho nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam noi theo. Cùng với bao tấm gương anh hùng khác, sự hy sinh của liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã tô thắm thêm truyền thống yêu nước, yêu hoà bình của dân tộc Việt Nam và sự hy sinh cao quý đó đã góp phần mang lại một đất nước Việt Nam hoà bình độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh đang ngày càng hội nhập với bạn bè quốc tế như mong ước của Bác Hồ./.

Hà Minh Thu



Bảo tàng Hồ Chí Minh - Cập nhật lần cuối: 07/11/2016 04:07:44

0 nhận xét:

Đăng nhận xét