Liệt sĩ Bùi Hữu Thích - K1



Liệt sĩ Bùi Hữu Thích - K1
Học sinh khóa 1.
Sinh 1947,
quê ở thôn Câu Nhi, xã Hải Tân, Huyện Hải Lăng, Tỉnh Quảng Trị.
Cấp bậc: - Chức vụ: trợ lý quân khí của Lữ 203.
Đơn vị: Lữ tăng thiết giáp 203.
Hy sinh 22/08/1972 (14/7 Nhâm Tý), Mặt trận Quảng Trị (vùng núi nằm giữa làng Nghĩa Hy, Đông Hà và đường 9).
Mộ tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Triệu Ái, Triệu Phong, Quảng Trị: Khu D2, lô 4, hàng 4, số 165 (thôn Câu Nhi, xã Hoài Tân, huyện Hải Lăng?).
Liên hệ gia đình:
- Chị gái Bùi Hà Liên, 158/7/35 Hoàng Hoa Thám, P12, Tân Bình, TP. HCM. (08-38119073).
- Em Xuân số đt 0989186818.


 ❀ ❀ ❀ ❀


Mời xem bài viết:
  1. Thông tin mộ Liệt sĩ Bùi Hữu Thích K1 - TTh, 09/08/2018, Blog AHLS.
  2. Nhớ về Liệt sĩ Bùi Hữu Thích - Nguyễn Thanh Tường K1, SRTKL 1, Tr.:
  3. Quảng Trị và những đồng đội còn nằm lại - Lê Chí Hòa K5, SRTKL 2, Tr.: 204-208.
  4. DANH SÁCH ANH HÙNG, LIỆT SỸ - SRTKL3: 993-999
  5. 9 - Danh sách các Anh hùng, Liệt sĩ - Ban biên tập, SRTKL2: 45-51
  6. Tưởng nhớ 31 thầy, bạn của chúng ta đã hy sinh - FB Tran Kienquoc, 28 Tháng 7 2015.
Sưu tầm trên mạng:
  1. Nhắn tìm thân nhân liệt sỹ Bùi Hữu Thích - Tim nguoi that lac - Bionet ...
  2. Danh sách mộ Liệt sĩ tại nghĩa trang Liệt sĩ xã Triệu Ái huyện Triệu Phong Tỉnh Quảng Trị (PDF) - Xem dòng 221, Blog Nguyễn Sỹ Hồ.
  3. Danh sách 283 liệt sĩ tại NTLS Triệu Ái (Triệu Phong, Quảng Trị) - Xem dòng 111.
  4. Quảng Trị - Mảnh đất bi hùng - Video Clip.





NHỚ VỀ LIỆT SĨ BÙI HỮU THÍCH

Nguyễn Thanh Tường k1
Sau khi tốt nghiệp Đại học Kỹ thật Quân sự năm 1971, tôi được Cục Cán bộ điều động về Bộ tư lệnh Tăng - Thiết giáp. Tại đây, tôi gặp lại Bùi Hữu Thích và đây là lần thứ tư, hai đứa tôi cùng sống chung một môi trường. Nhớ lại, lần thứ nhất, chúng tôi cùng sống với nhau gần chục năm tại các trường học sinh miền Nam; lần thứ hai là khi chúng tôi cùng nhau học tập năm lớp 10 tại Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi (Đại Từ, Thái Nguyên). Lần thứ ba, chúng tôi lại cùng sống và học tập 5 năm tại Đại học Kỹ thuật Quân sự (1966-1971) ở Vĩnh Phú, tôi học khoa Vô tuyến điện tử – C313, còn Thích học khoa Cơ khí – C213. Sau một tuần có mặt tại Bộ tư lệnh, tôi và Thích được phân công về công tác tại trường Sĩ quan Thiết giáp, ngay chân núi Tam Đảo (Vĩnh Yên). Tại đây, tôi được phân công giảng dạy tại Khoa Thông tin, còn Thích – Khoa Vũ khí.
Anh em ta thường hát bài “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”, nhưng đó chỉ là biên chế trên xe tăng đời cũ T34 của Trung Quốc. Trên xe có trưởng xe, pháo thủ số 1, số 2, lái chính và lái phụ. Còn từ năm 1971-1972, Quân đội ta được trang bị T54 hiện đại hơn, do Liên Xô chế tạo và chỉ biên chế có “4 anh em”, không còn lái phụ. Xe tăng là một đơn vị hợp thành bởi nhiều ngành kỹ thuật, mà mọi thành viên trên xe đều phải thao tác thành thạo. Về hỏa lực thì có đủ loại: trưởng xe có súng ngắn, 3 khẩu AK cho 3 chiến sĩ, trên cần lái có trung liên cho lái xe, pháo thủ số 1 và 2 có trung liên và pháo 100 mm, trưởng xe và pháo thủ số 1 có đại liên 12,7 mm để bắn máy bay. Ngoài ra còn có 2 thùng khói mù để nghi trang khi cần thiết. Lúc xe cơ động, mọi liên lạc trong xe đều thông qua hệ thống đàm thoại nội bộ gắn trên mũ bảo hiểm, còn liên lạc ra ngoài thì bằng máy thu phát vô tuyến gắn trên xe. Tóm lại trên xe tăng có 3 phần kỹ thuật chính là: kỹ thuật súng pháo, kỹ thuật xe máy và kỹ thuật thông tin liên lạc.
Chúng tôi về trường đúng vào mùa đông. Vùng Tam Đảo ngày ngắn, đêm dài; mới 5 giờ chiều đã tắt nắng, tận 6 giờ sáng hôm sau mới có ánh bình minh. Chiều chiều, tôi và Thích hay lòng vòng quanh trường hoặc tìm chỗ vắng để tán gẫu. Thích quê ở Hải Lăng, Quảng Trị, sinh năm 1947; do sống nhiều năm trong các trường học sinh miền Nam nên giọng nói đặc sệt giọng miền Nam Trung bộ. Thích người cao, khung xương lớn, dáng lúc nào cũng hơi vội vàng, tóc rối cộng thêm gò má cao, xương xương, khi nói chuyện đôi mắt nheo nheo trông rất hài. Vì đều là con em miền Nam tập kết, nên cả hai đều có nguyện vọng về Nam chiến đấu, tuy biết rằng đi chiến đấu sẽ vô cùng khó khăn gian khổ. Một hôm Thích thông báo, ông già có quen Tư lệnh Tăng-Thiết giáp. Hôm rồi, Thích gặp Tư lệnh nêu nguyện vọng, ông cười và bảo: “Cứ dạy cho tốt đã, rồi trên sẽ cho đi, chưa muộn đâu”. Chỉ nói miệng thôi sẽ không ăn thua, hai đứa cùng làm đơn xin đi chiến trường. Đúng 2 tháng sau, tháng 5 năm 1972, chúng tôi nhận được quyết định đi “B” và chỉ được phép chuẩn bị trong 3 ngày. Còn hơn 30 đồng lương tháng 5, tôi gửi đồng chí Phó khoa chuyển về cho má ở Hà Nội. Còn Thích khi đó đã có một chiếc xe đạp Phượng hoàng, anh đạp ra Vĩnh Yên gửi nhờ người bạn mang về cho ba.
Tạm biệt đồng nghiệp và những trang giáo án, chúng tôi đến ngay đơn vị mới. Đơn vị mới của chúng tôi nằm ngay sát trường Tăng, hơn 50 chiếc tăng T54 mới cứng với đầy đủ nhiên liệu đã được bí mật chuyển về rừng bạch đàn lúc nào không hay. Mỗi xe được biên chế 3 chiến sĩ chờ sẵn chúng tôi – những sĩ quan chỉ huy đến sau cùng nhận xe, nhận người. Đơn vị chúng tôi được gọi là Đoàn, mỗi sĩ quan chỉ huy một trung đội gồm 3 xe. Lệnh hành quân thật ngắn gọn: đội hình hàng dọc, đêm đi ngày nghỉ, sau mỗi đêm hành quân, mỗi “B” tự lo việc ăn nghỉ. Chặng đầu hành quân thật sướng, tăng được đưa lên xe vận tải đặc chủng chở thẳng từ Vĩnh Yên lên vùng núi Hòa Bình theo đường quốc lộ. Từ Hòa Bình trở vào, máy bay Mỹ thường xuyên đánh phá, nên xe tăng chuyển sang chế độ “tự hành”. Từ nay, lái xe và chỉ huy hàng đêm phải căng mắt dẫn chú voi của mình vật lộn trên các nẻo đường vùng núi.
Trung đội tôi đi sát trung đội Thích, cứ chiều chiều, sau khi đã làm xong công tác kiểm tra kỹ thuật xe, chúng tôi lại bên nhau phì phèo thuốc lá, nhâm nhi chút cà phê và tán dóc chờ phút giây lên đường. Chặng nào phải dừng chân giữa rừng thì sử dụng lương khô với rau rừng, chặng nào nghỉ gần khu dân cư thì hai đứa lại xách giỏ đi chợ kiếm thực phẩm cho những ngày sau. Thích hát không hay nhưng lại hay hát, thỉnh thoảng anh hát khe khẽ cho tôi nghe những bài tình ca. Thích không điển trai nhưng lại có nhiều bạn gái, có lẽ vì tính tình hiền lành và dí dỏm. Rồi anh lại kể cho tôi nghe về những cô bạn của mình… Trong đó có cô bạn ở số nhà 29 phố Lò Đúc, lúc đó đang là thanh niên xung phong san lấp hố bom, làm đường ở Trường Sơn. Anh mơ màng: “… Mỗi đứa mỗi phương, nhưng nếu Đoàn mình hành quân nhanh thì may ra gặp nhau trên Trường Sơn…”. Lần khác, anh lại kể về cô bạn hiền lành có mái tóc dài quê Vĩnh Yên…
Càng về gần vĩ tuyến 17 thì chiến sự càng ác liệt, giặc Mỹ điên cuồng mang các loại máy bay ra oanh tạc, kể cả B52 rải thảm, hòng ngăn chặn sự chi viện của chúng ta cho chiến trường. phà Xuân Sơn ở Nghệ An là một trong những trọng điểm ác liệt ấy. Đoàn phải trú quân hai ngày trong núi cách phà 15km để công binh chuẩn bị phà lớn cho tăng vượt sông. Được lệnh vượt sông, chúng tôi chia tay nhau. 12 giờ đêm, xe Thích lên phà trước, 15 phút sau xe tôi lên chuyến kế tiếp. Khi phà tôi ra tới giữa sông thì bỗng nhiên pháo sáng bừng trời, tiếp theo là bom nổ chớp lòa suốt từ bờ Bắc sang bờ Nam. Trong ánh chớp, tôi kịp nhìn thấy xe Thích vọt lên bờ, chiếc phà tung lên rồi tan ra từng mảnh, xe anh vù ga bươn thẳng lên dốc tránh hai xe tải đang bốc cháy nằm ngáng lối đi. Trong tiếng gầm rú của bom đạn, tôi lệnh cho lái xe nổ máy, cài số khi có lệnh là tăng ga vọt thẳng vào bờ. Xe tôi lên bờ an toàn, vội nối liên lạc với Thích để hỗ trợ thì được biết: anh vừa dừng xe để đưa một xe hàng ra khỏi khu vực cháy nổ, nay đã xong. Lên bờ mới biết, tại bờ Nam có hai dãy xe, một dãy đang chờ qua phà, dãy còn lại mới từ dưới phà lên, nhiều xe đang ngùn ngụt cháy. Thích cho xe dừng bên một xe tải chở đạn pháo, chiến sĩ lái xe trúng đạn đã hy sinh. Không lo tới tính mạng mình, anh đã nhảy vào buồng lái điều khiển cho xe tránh xa khu vực nguy hiểm.
Theo cánh lái xe trong tuyến lửa, phà Long Đại còn ác liệt hơn nhiều; anh em đã gọi đây là “phà Long đầu” (!). Đường dài, gian khổ ác liệt làm anh em lính trẻ chóng xuống sức, tôi và Thích thường phải cầm vô-lăng thay anh em nghỉ dưỡng sức. Đoàn chúng tôi vượt Long Đại vào một đêm trăng rằm. Có lẽ địch phán đoán ta không dám vượt sông trong đêm trăng vì dưới trăng có khác gì ban ngày. Đúng vậy, trong ba đêm vượt sông không hề có một tiếng bom. Nhưng trong những ngày chờ lệnh đi tiếp, tôi được tin xe Thích bị chìm xuống sông, may mà không tổn thất về người. Sau đó xe Thích được trục vớt lên an toàn.
Kết thúc cuộc hành quân đường dài 2 tháng, chúng tôi tập kết tại Lệ Ninh (Vĩnh Linh). Đoàn chúng tôi vào để bổ sung lực lượng thiếu hụt cho Quân khu 5. Tại đây đã có cán bộ chờ sẵn để nhận xe và người. Chia tay với chiến sĩ và xe của mình, chúng tôi về Lữ tăng thiết giáp 203. Sau khi chia tay, chúng tôi đã lội rừng từ Vĩnh Linh đến bộ chỉ huy Lữ 203 ở vùng núi Cam Lộ (Quảng Trị) cùng một tiểu đội trinh sát dẫn đường. Hành quân bộ, súng bên hông, ba-lô trên vai, trời mưa đường trơn, muỗi vắt đeo bám… nhưng thật vui, thật háo hức khi được ra mặt trận. Vui nhất là khi vượt sông Bến Hải bằng cách bám vào sợi dây rừng do công binh giăng sẵn trong khi nước chảy siết tới ngang lưng và khi vượt suối La La ở Nam Bến Hải mà nước chỉ tới đầu gối. Bốn ngày trèo đèo, lội suối, vượt rừng từng chặng, chúng tôi đều gặp những thanh niên xung phong đang làm nhiệm vụ. Ở đâu chúng tôi cũng được chào đón, ở đâu chúng tôi cũng hỏi thăm tin tức cô bạn của Thích. Nhưng đất nước thì bao la rộng lớn, rừng núi thì bạt ngàn… đúng là “tìm người như thể tìm chim”!
Sở chỉ huy Lữ 203 nằm ngay trong lòng chảo giống như miệng núi lửa có đường kính tới 500 m. Dưới tán cây rậm rạp là các hầm chỉ huy và hầm cá nhân của sĩ quan các cấp. Thích được phân làm trợ lý quân khí của Lữ, còn tôi – trợ lý thông tin tiểu đoàn tăng D512. Chia tay nhau, tôi theo liên lạc về tiểu đoàn nhận nhiệm vụ, hai đứa hẹn gặp nhau sau chiến dịch. Về đến D512 thì được lệnh xuất kích, tôi dẫn “B” thông tin vượt sông Ái Tử cùng chính trị viên tiểu đoàn lập Sở chỉ huy tiền phương và bước vào cuộc chiến đấu mới…
Sáng 23 tháng 8 năm 1972, chính trị viên tiểu đoàn lặng lẽ đưa tôi bức điện mật mã vừa được dịch: “Bùi Hữu Thích đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tối 22 tháng 8, an táng tại đây. Nguyễn Thanh Tường về gấp nhận nhiệm vụ mới – Ký tên BT”. Cầm bức điện, tay tôi run lên, mắt nhìn vào giấy mà không đọc được gì . Tôi vội giở bản đồ ra đánh dấu vị trí sở chỉ huy Lữ đoàn và vị trí tôi đang chốt giữ.
Là người trong cuộc, tôi rất rõ vế sau của bức điện. “Về” có nghĩa đi thẳng về hậu cứ ở Vĩnh Linh, Lữ đoàn không muốn mất mát thêm vì lúc đó cả đơn vị chỉ có 4 kỹ sư thuộc các ngành khác nhau. Sở chỉ huy D512 lúc đó chỉ có 2 sĩ quan – chính trị viên và tôi. Đã tốn nhiều công sức để đạt được nguyện vọng “ra chiến trường”, tôi không thể quay lại, hơn nữa cộng thêm nỗi đau mất bạn, tôi càng quyết tâm đi nốt chặng đường còn lại mà Thích còn bỏ dở. Tháng 8 đã là mùa mưa, lệnh trên không thể cãi, tiểu đoàn lại đang cần cán bộ, tôi bàn với chính trị viên và điện về xin ý kiến: “Gửi BT: Mưa lớn, nước lũ không thể bơi vượt sông, xin được ở lại một thời gian”. Nước sông thì còn lâu mới rút, chiến trận nối tiếp chiến trận, tôi theo tiểu đoàn chiến đấu cho tới tận ngày Hiệp định Pa-ri được ký kết thì được lệnh về sở chỉ huy Lữ đoàn. Cho đến lúc đó tôi mới biết được tường tận trường hợp hy sinh của Bùi Hữu Thích.
… Tối 22 tháng 8 năm 1972, Thích được lệnh ra Đường 9 Nam Lào nhận đạn pháo xe tăng từ hậu cần chiến dịch và đưa xuống cấp cho các tiểu đoàn vừa mới qua chiến đấu. Lúc đó khoảng 18 giờ 30 phút, Thích vừa rời hầm chỉ huy của Lữ thì một loạt bom từ 3 chiếc máy bay phản lực dội xuống theo phương thức tọa độ trúng lòng chảo. Thích hy sinh tại chỗ, nhiều cán bộ chiến sĩ cũng hy sinh hoặc bị thương. Đại tá chính ủy cũng bị chấn thương vì sức ép và hầm sập. Ngay đêm đó, đồng đội đã chôn cất Thích cùng các chiến sĩ khác. Một loạt đạn bắn lên trời để vĩnh biệt những liệt sĩ đã hy sinh quên mình vì Tổ quốc, mãi mãi nằm trên đất Quảng Trị này. Tấm bản đồ mà tôi đánh dấu vị trí Thích yên nghỉ tại vùng núi nằm giữa làng Nghĩa Hy và đường 9 không còn nữa. Nó bị mất trong trận B52 rải thảm vào khu vực đóng quân của đơn vị vào những ngày trước khi Hiệp định Pa-ri được ký kết.
Tháng 7 năm 1973, tôi được cử ra Bộ tư lệnh Thiết giáp tập huấn 1 tháng về chiến thuật hợp đồng binh chủng do chuyên gia Liên Xô giảng dạy. Do biết được Bộ tư lệnh chưa báo tử nên tôi không dám đến thăm gia đình Thích. Sau này chị Bùi Hà Liên (chị ruột Thích) kể lại: Mấy lần chị đã đến khu Tương Mai (Hà Nội) tìm gặp ba tôi để hỏi tình hình, ba tôi đã giấu không nói. Nhưng cuối cùng, ông cũng phải kể lại sự thật qua thông báo của tôi. Ngày lập bàn thờ và tổ chức lễ truy điệu cho Thích, có hai cô gái xinh đẹp (một tóc ngắn, một tóc dài) đã đến thắp nhang và khấn vái cho anh. Họ cầm nén nhang, cúi đầu và nói những gì không ai biết, nhưng chắc chắn họ cầu chúc cho anh luôn được yên nghỉ bình an nơi vĩnh hằng. Cô gái tóc dài quê Vĩnh Yên với khuôn mặt hiền lành tên là Thanh Xuân. Còn cô gái tóc ngắn - người Hà Nội với khuôn mặt cương nghị, người mà dọc đường hành quân vào Nam chúng tôi đã bỏ công tìm kiếm – có tên là Phạm Liên Dung.
Phạm Liên Dung là một người bạn tiêu biểu cho đức chung tình với bạn. Sau này, khi má Thích mất, cô đã đến tự tay tắm rửa, khâm liệm cho bà. Thích là con trai một, khi anh mất đi làm ông già suy sụp hoàn toàn cả về thể chất lẫn tinh thần. Liên Dung thường đến thăm nom chăm sóc ba của Thích, khi ông ốm đau, cô tìm mua loại thuốc tốt nhất cho ông. Đã 28 năm trôi qua, cô gái chung tình ấy luôn để một khoảng trong sáng ở trái tim mình dành riêng cho tình bạn của Thích và mọi người trong gia đình anh.
Tối ngày 2 tháng 12 năm 2000, tôi cùng Trần Kiến Quốc – đại diện cho Ban Liên lạc trường, đến thăm chị Bùi Hà Liên (hiện là Phó giám đốc Cty Texgamex). Trước bàn thờ, nhìn ngắm khuôn mặt thân quen của Anh, chúng tôi thắp nén nhang cầu chúc cho Anh yên nghỉ trong tình yêu bao la của gia đình và thầy trò Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi.

Những ngày sắp sang Thiên niên kỷ mới


Nhớ mãi ... Video HaMeoK6
Bắt đầu tại: 09:54



spring bidv nói...
khi nào có dịp đến tỉnh Quảng trị em kính mời các anh đến thăm nơi an táng của anh trai em là anh Bùi Hữu Thích. chắc được các anh đến thăm anh em sẽ vui lắm. khi nào các anh thu xếp được chương trình các anh báo trước cho em với nhé để em thu xếp về quảng trị cùng với các anh. đt của em là xuân số đt 0989186818
21:29:00 GMT+7 Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2012
anh trai em hiện nay được an táng tại nghĩa trang của thôn câu nhi xã Hải Tân Huyện Hải Lăng Tỉnh Quảng Trị ạ. nếu đến xã câu nhi các anh cứ hỏi nhà anh Bùi Hữu Tam hoặc anh Bùi Hữu Minh anh Tam và anh Minh sẽ dẫn các anh đến nơi an táng của anh trai em ạ nhưng thật lòng em rất mong được gặp các anh vì em thấy bi h thật hiếm những tình bạn cao cả và chân chính như các anh. em rất ngưỡng mộ và khâm phục ạ
23:41:00 GMT+7 Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2012
e cũng mong được đóng góp một phần nhỏ bé nên nếu khi nào có quyên góp các anh thông báo cho em với nhé
15:40:00 GMT+7 Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2012























0 nhận xét:

Đăng nhận xét