Thứ Tư, 28 tháng 2, 2018

Chuyện ít biết về hài cốt LS Nguyễn Đức Thảo (Trỗi k7) được đón về thế nào?

Trần Kiến Quốc
(Ghi theo lời kể của em rể LS Nguyễn Đức Thảo)

Năm 1981, đang là học viên năm cuối Đại học Quân y, tôi được phân công vào thực tập tốt nghiệp tại Viện quân y 115, TpHCM. (Ngày ấy Viện chưa bàn giao cho thành phố).
Người yêu tôi ở khu tập thể Viện 103, nơi bố em đang công tác. Em có anh trai là LS Nguyễn Đức Thảo, chiến sĩ xe tăng hy sinh ở mặt trận Campuchia năm 1978. Yêu em, tôi cố gắng chia sẻ trước mất mát của gia đình. Trước khi lên tầu vào nam, tôi bàn với em lần này cố gắng tìm cho được mộ của anh Thảo.
*
Vào tới thành phố, sau khi đã ổn định công việc, tôi bắt đầu lên đường tìm mộ anh. Trưa thứ bảy sau ca trực, tôi mua vé xe đò lên thị xã Tây Ninh rồi theo chỉ dẫn thuê xe ôm tới NTLS. Như được tâm linh mách bảo nên việc tìm kiếm không khó lắm. Tôi thắp hương cho anh và đồng đội. Và cũng chả hiểu có ma lực nào xui khiến mà tôi liều lĩnh quyết định tự mình đón anh về.
Đợi cho trời tối hẳn, tôi mới dùng chiếc lê AK mang theo đào bới mộ anh. Trước đó nghe em kể lại có anh bạn ở đơn vị về kể anh bị thương vào ổ bụng. Khi kéo được gói tăng đựng hài cốt lên và mở ra thì thấy còn nguyên quả đạn… đang nằm gọn trước bụng. Nghe đồng đội kể lại khi anh vừa trèo lên tháp pháo thì có quả đạn bắn trúng bụng, nhưng đạn không nổ. (Chắc nổ thì đã tan thây!).
Là lính quân y nên không thạo về vũ khí… Nhìn quả đạn chưa nổ mà run hết cả người. Đêm đã muộn, tạm đóng gói lại rồi về nhà trọ nghỉ. Cả đêm không ngủ được, chỉ mong cho đến sáng. Sớm hôm sau, tôi chạy ra phố mua cả trăm mét dây điện, khi về khẽ buộc vào quả đạn rồi đứng từ xa kéo. Quả đạn được kéo vào cái hố đã đào sẵn, lấy đất lấp lại. Chỉ sợ bất chợt đạn nổ!
Tôi cho hài cốt anh vào tấm bạt rồi buộc chặt lại, nhét vào ba-lô. Xong xuôi, ra xe trở về thành phố. Chiều về tới kí túc xá, cất bọc hài cốt vào tủ đầu giường. Sợ mọi người biết nên không dám hương khói. Chiều nào tôi cũng mang hương ra thật xa thắp, khấn cho anh phù hộ để đi đến nơi về đến chốn.
Thế rồi đợt thực tập cũng kết thúc. Vậy là anh đã ở với tôi cả tháng trời. Báo cáo kết quả thực tập xong, chúng tôi thu xếp ra Bắc. Bọc hài cốt của anh lại nằm gọn trong chiếc ba-lô con cóc. Tôi mua vé xe đường dài để tránh bị kiểm tra. Thời kì này tình trạng buôn lậu từ Miên về rất phổ biến. Vì thế dọc đường 1A có những trạm kiểm tra liên ngành. Nhưng thấy bộ đội đi trên xe họ cũng ít soi mói.
Vậy mà lần đến ngã ba Huế (Đà Nẵng), xe bị ra hiệu dừng trước ba-rie. Viên sĩ quan chỉ huy cùng một chiến sĩ lên soát xe. Nhìn chiếc ba-lô của tôi to to, anh ta đã nghi và mời tôi mang ba-lô xuống trạm. Thật nguy hiểm! Tôi lo lắng chưa biết xử lí thế nào thì nhớ ra mình cũng là lính nên chủ động kéo anh ta ra một góc:
- Xin cho tôi gặp riêng đồng chí.
- Có việc gì?
- Báo cáo đồng chí, tôi không mang hàng lậu mà mang…
- Mang cái gì?
- Dạ, mang… mang… hài cốt của LS hy sinh ở Campuchia về.
- Chúng tôi không tin. Đề nghị anh cho kiểm tra!
- Vâng, mời các anh kiểm tra nhưng xin các anh giữ kín cho. Vì nếu cánh lái xe biết tôi mang hài cốt thì sẽ bắt tôi xuống xe. Và…
Vừa nói tôi vừa mở ba-lô lấy bọc hài cốt ra. Vừa mở dây cột bọc hài cốt tôi tranh thủ tấn công: “Đó là hài cốt của anh vợ chưa cuới của tôi, hy sinh tại mặt trận Tây Nam. Nay tôi…”. Khi góc ni-lông vừa hé ra bộ hài cốt thì anh ta xua tay:
- Thôi, anh đóng lại. Cầu mong cho hương hồn LS phù hộ cho anh đi đến nơi về đến chốn.
*
Người anh trai của vợ tôi hy sinh đã được chính tay chú em rể tương lai đón về như thế đấy! Trên cơ sở tình đồng đội, tình yêu và cả tình anh em đã động viên tôi hoàn thành việc trọng đại.
Nỗi đau vì mất con do chiến tranh của bố mẹ vợ tôi được phần nào bù đắp khi hài cốt anh được trở về với gia đình. Khi đưa anh về NTLS Đồng Hỷ, bố tôi cứ nói: “Nhà ta như thế còn là phúc đức. Còn bao nhiêu đồng đội của Thảo đang lang thang nơi đâu…”.

FB Tran Kienquoc >> Bạn Trỗi K5 - 1 Tháng 8/2016 lúc 12:13

Thứ Bảy, 17 tháng 2, 2018

Tiểu đoàn trưởng ơi



TIỂU ĐOÀN TRƯỞNG CỦA TÔI

"Đỉnh núi chìm trong sương. Mưa gõ nhịp trên lá. Tiểu đoàn trưởng dẫn đầu 70 người lính chúng tôi xuyên rừng mưa tới gần cao điểm 772. Chúng tôi chờ mặt trời lên để tấn công. Có ai đó xin ăn hết cơm khô dự trữ. Tiểu đoàn trưởng bảo “ừ thôi chia hết cho nhau mà ăn đi, ngày mai biết ai còn ai mất”.
Ngày hôm sau, chúng tôi chiến đấu dữ dội nhưng không chiếm được cao điểm. Tiểu đoàn trưởng tiến được gần nhất đến hầm chỉ huy địch nhưng anh đã không qua được 15 mét cuối cùng. Phần lớn đơn vị đã hy sinh sau lưng anh. Giữa đám quân thù anh đã tự nổ tung thân mình bằng số lựu đạn còn lại.
" (Trần Bắc Hải)

Nghệ sĩ Quang Thọ, Đăng Dương hát tri ân chiến sĩ Vị Xuyên

- VnExpress, Thứ sáu, 19/12/2014

Hai ca khúc là nén hương tri ân đến những người lính đã hy sinh ở mặt trận Vị Xuyên để giữ vững biên cương tổ quốc.

Sau khi VnExpress đăng loạt bài viết về mặt trận Vị Xuyên nhân kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ 27/7, các ca khúc Biết mãi còn là đất cha ôngTiểu đoàn trưởng ơi lần lượt ra đời. Hai ca khúc trên được NSƯT Đăng Dương, NSND Quang Thọ cùng tốp ca thể hiện, là nén tâm hương tri ân đến những người lính Vị Xuyên đã hy sinh.

Bài hát Biết mãi còn là đất cha ông được nhạc sĩ Nguyễn Anh Tuấn phổ nhạc, nhạc sĩ Vũ Mạnh Cường hòa âm dựa trên lời thơ Nguyễn Ngọc Chu, viết về các đơn vị từng chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang).

Người thể hiện ca khúc - ca sĩ Đăng Dương - chia sẻ, dù không tham gia cuộc chiến biên giới phía Bắc, anh biết về mặt trận Vị Xuyên và trận đánh năm xưa qua lời kể của nhạc sĩ Trương Quý Hải khi hai người đi diễn chung. Nhạc sĩ Trương Quý Hải là cựu binh Sư đoàn 356, từng trực tiếp tham gia cuộc chiến trên. "Khi mới đọc lời bài hát, tôi đã rất xúc động. Lúc thể hiện ca khúc lại càng hòa mình vào tác phẩm và hình dung ra cuộc chiến ấy khốc liệt thế nào. Người lính biết ra đi là sẽ hy sinh, mẹ mất con, vợ góa chồng nhưng vẫn đi. Đời lính là vậy", anh nói.

Giai điệu trầm hùng, da diết của bài hát: "Đêm hành quân tái chiếm điểm cao. 772 mưa gió ào ào, ngàn chiến binh dàn trên dốc núi quyết xung phong diệt địch chiến hào" như bước chân thần tốc của những người lính, đưa người nghe về thời điểm diễn ra chiến dịch MB84 nhằm tái chiếm các cao điểm 772, 685, 1509... bị lấn chiếm trước đó.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu, người sáng tác lời ca khúc chia sẻ, ông luôn đau đáu về những cuộc trường chinh kháng chiến của dân tộc, đặc biệt là cuộc chiến biên giới phía Bắc và những người lính ngã xuống vì độc lập, tự do của đất nước. Nhắc lại Vị Xuyên hôm qua còn để chúng ta, đặc biệt là những người trẻ, nhớ đến cuộc đấu tranh bảo vệ biển đảo ngày hôm nay.

Cựu chiến binh Sư đoàn 356 thăm mộ đồng đội nằm ở nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên. Ảnh: Hoàng Phương.


Trận đánh 30 năm trước còn khắc sâu trong tâm trí những người còn sống về gương chiến đấu của đại úy Nguyễn Hữu Thanh, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 (Sư đoàn 356). Trước giờ xung trận, chiến sĩ xin ăn hết phần cơm sấy mang theo. Tiểu đoàn trưởng Thanh im lặng, rồi bảo cứ để cho anh em ăn, biết ngày mai có còn sống mà ăn nữa không. Khi có lệnh nổ súng, Đại úy Thanh dẫn đội đặc công thọc thẳng vào sở chỉ huy địch, làm nhiệm vụ "mở cửa" điểm D3 trên cao điểm 772.

Tiểu đoàn trưởng Thanh bị thương hai chân vẫn cố tiến đến gần lô cốt, dùng súng AK bắn hai loạt đạn và kích nổ toàn bộ lựu đạn trên người. Đại úy Thanh hy sinh, hài cốt anh nằm lại trên cao điểm 772. Người vợ Nguyễn Thị Lan nhiều năm tìm kiếm mới đưa được hài cốt chồng về an táng tại Quảng Bình.

Gương chiến đấu của đại úy Thanh và tinh thần Sống bám đá, chết hóa đá của các chiến sĩ Sư đoàn 356 gợi cảm xúc cho nhạc sĩ Trần Bắc Hải, hiện sống ở Australia sáng tác ca khúc Tiểu đoàn trưởng ơi. Ca khúc được nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng hòa âm và do NSND Quang Thọ cùng tốp ca thể hiện.



Hai Bac Tran 16 Tháng 2 2015
NHÂN DÂN SẼ KHÔNG QUÊN, 17/2/1979

TIỂU ĐOÀN TRƯỞNG ƠI

(Kính dâng hương hồn Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Hữu Thanh và các Liệt sỹ Sư đoàn 356)

Nhạc: Trần Bắc Hải
Lời thơ: Nguyễn Ngọc Chu - Trần Bắc Hải;
Phối khí: Trần Mạnh Hùng
Trình bày: Quang Thọ và Tốp Nam




* * *
Đỉnh núi chìm trong sương mù
Lộp độp mưa tiếng rừng âm u
Vượt Cốc Nghè mây giăng trắng đầu
Lính dừng chân hơi thuốc chia nhau
Tiểu đoàn trưởng ơi! Chia hết cơm khô!
Nào cùng chan lã chã nước mưa
Đêm nay đi ai còn ai mất
Mãi mãi còn là đất cha ông!
Tiểu đoàn trưởng ơi...

Mẹ ơi mẹ! Nếu con không về
Mẹ chờ con mắt mòn ngóng trông
Vợ yêu ơi! Nếu em góa chồng
Thương mình em nuôi lớn con côi
Tiểu đoàn trưởng ơi! Chia hết cơm khô!
Nào cùng chan lã chã nước mưa
Đêm nay đi ai còn ai mất
Mãi mãi còn là đất cha ông!
Tiểu đoàn trưởng ơi...

Nước vẫn reo trên Thác Gọi Hồn
Lò Vôi Thế Kỷ vẫn còn
Đất nước ơi! Với bao anh hùng
Sư đoàn tôi hóa đá nơi đây
Tiểu đoàn trưởng ơi! Chia hết cơm khô!
Nào cùng chan lã chã nước mưa
Năm xưa đi thân còn hay mất
Mãi mãi hòa vào đất cha ông!
Tiểu đoàn trưởng ơi...

Đạn bắn đi đến viên cuối cùng
Đồng đội xâu pháo lựu quanh lưng
Chân nát rồi lấy thân mình
Hóa thành bom chia xác với quân thù
Tiểu đoàn trưởng ơi! Chia hết cơm khô!
Về mời anh lã chã nước mưa
Năm xưa đi thân làm bộc phá
Anh đã hòa vào đất cha ông!
Tiểu đoàn trưởng ơi...

Đỉnh núi chìm trong sương mờ
Lộp độp mưa gõ nhịp lá khô
Rừng tháng Bảy mây giăng trắng đầu
Ta về đây hương khói thăm nhau
Tiểu đoàn trưởng ơi! Chia hết cơm khô!
Về mời anh lã chã nước mưa
Sống bám đá chết thành tượng đá
Ba Trăm Năm Sáu Sư đoàn của tôi...




Tiểu Đoàn Trưởng Ơi - NSND Quang Thọ và Tốp Nam, ZING MP3.






Sống bám đá, chết bám đá, thành bất tử
Từ 1979 đến 1989, nước Việt ta ở vào gọng kìm giữa 2 cuộc chiến tranh, phía Bắc với giặc Tàu, phía Tây Nam với quân Khmer Đỏ. Đầu 1984, khi Việt Nam tập trung lực lượng truy quét quân Khmer Đỏ, thì quân Tàu tấn công trở lại dọc biên giới phía Bắc Việt Nam.
Tại mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang khi ấy lực lượng Việt chủ yếu gồm quân địa phương nên quân Tàu lần lượt chiếm giữ được các đỉnh núi, đẩy quân Việt lùi xuống phòng ngự ở tuyến dưới thấp. Quân Tàu làm đường lên tận các điểm cao vừa chiếm được của ta, đưa lực lượng pháo rất mạnh lên các đỉnh núi. Từ điểm cao 1509, trọng pháo của chúng có thể bắn về tận thị xã Hà Giang cách phòng tuyến gần 20km.
Các cuộc phản công của quân ta nhằm chiếm lại các điểm cao không thành công trước hỏa lực pháo binh áp đảo của quân Tàu, quân ta hy sinh rất nhiều. Những địa danh mới do lính ta đặt ra như Thác Gọi Hồn, Đồi Thịt Băm, Lò Vôi Thế Kỷ... đã phần nào nói lên sự hy sinh ấy. Tên gọi Lò Vôi Thế Kỷ là do đạn pháo Tàu thiêu trụi rừng già, đỉnh đồi trơ lại toàn đá, rồi đá lại tiếp tục bị băm vỡ trắng xóa bởi đạn pháo.
Sau này, chiến sỹ ta chuyển sang chiến thuật bám sát địch, giành lại từ tay quân thù từng gốc cây, mô đất, mỏm đá tai mèo... Họ khắc lên báng súng lời thề “Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử”. Sư đoàn 356 chủ công trên mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang đã hóa đá, thành tượng đài bất tử trấn giữ miền biên cương Tổ Quốc.
*

Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Hữu Thanh và trận đánh ngày 12/7/1984 trên “Đồi Thịt Băm” (Cao điểm 772)
Từ chiều 11/7, Tiểu đoàn 3 thuộc Trung đoàn 876, Sư đoàn 356 vượt đỉnh Cốc Nghè trong mưa lạnh rồi tạm dừng chân để chia thành hai mũi. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Hữu Thanh chỉ huy đội đặc công khoảng 70 chiến sỹ, thọc sâu “mở cửa” điểm D3 trên đồi 772. Chính trị viên tiểu đoàn Đặng Việt Châu chỉ huy thê đội 2. Tiểu đoàn có nhiệm vụ chiếm D3, từ đó thọc sâu vào sở chỉ huy của địch, tạo điều kiện cho Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 2 đánh các điểm D1 và D2 để chiếm lại toàn bộ đồi 772. Anh Châu nhớ lại, rừng tháng Bảy lạnh lẽo, chỉ nghe tiếng mưa lộp độp trên lá, và thác nước ầm ào phía xa. Những người lính chia nhau từng hơi thuốc, ăn cơm sấy trộn nước mưa, lặng lẽ chờ màn đêm xuống là xuất kích. Chiến sĩ xin ăn hết lương khô dự phòng. Tiểu đoàn trưởng Thanh im lặng giây lát rồi nói “Cứ để anh em ăn, biết ngày mai có còn sống mà được ăn nữa không”.
4 giờ 10 phút sáng, pháo binh ta khai hỏa, bộ binh thét xung phong. Mũi đặc công của Tiểu đoàn trưởng Thanh vào được D3, giành giật với địch từng đoạn chiến hào. Thanh bị thương ở đầu và cả hai chân vẫn cố tiến lại gần hầm chỉ huy địch. Bắn hết hai loạt đạn AK, anh kích nổ toàn bộ lựu đạn trên người, hy sinh khi chỉ còn cách hầm chỉ huy của địch 15 mét.
Từ các điểm cao xung quanh quân Tàu nã pháo cày nát xung quanh đồi 772. Trong sương mù dày đặc, quân ta tổ chức hàng chục đợt tấn công lên đỉnh đồi nhưng không thành. 11 giờ, sương tan dần, địch phản kích dữ dội hơn. Quân ta bị pháo đánh bạt xuống hết chân đồi. Địch tập trung phản kích quyết liệt chiếm lại D3.
Chỉ trong một ngày 12/7, Trung đoàn 876 hy sinh gần 600 chiến binh. Sau trận chiến là những ngày mưa dai dẳng. Vách núi đá dựng đứng, lính trinh sát và công binh phải dùng dây võng đưa đồng đội về. Nước mắt người sống chan hòa máu người nằm xuống, họ chỉ lấy được tử sĩ từ dưới chân cao
*


28 năm sau
Đại úy Nguyễn Hữu Thanh hy sinh khi vợ anh là chị Lưu Thị Lan ở Quảng Bình mới 29 tuổi, vừa sinh con trai Nguyễn Hữu Long được 7 tháng. Chị gửi lại con nhỏ rồi đi khắp nơi dò hỏi tin anh. Gặp đồng đội của anh, họ khuyên chưa nên trở lại nơi anh nằm vì còn rất nhiều bom mìn. Năm 2006, chị Lan và con trai lần đầu tiên lên được Hà Giang. Hai mẹ con đi suốt nghĩa trang mênh mông với 1700 mộ liệt sỹ nhưng không thấy anh. Năm 2008 hai mẹ con lại trở lại Hà Giang, thấy có thêm nhiều mộ liệt sỹ được quy tập về, nhưng vẫn không tìm được anh. Hai mẹ con lại thắp hương cho các đồng đội của bố, cho những liệt sỹ chưa tìm được tên. Thế rồi có người chỉ bảo chị chụp hình giấy báo tử của anh đưa lên Internet. Không lâu sau, chị nhận được tin từ anh Đặng Việt Châu. Ngày 20/6/2012, mẹ con chị Lan cùng các cựu chiến binh Tiểu đoàn 3 được một đội công binh mở đường tiến lên đỉnh D3. Một phần hài cốt với ngôi sao trên mũ của anh đã được tìm thấy tại chiến hào 1. Vậy là 28 năm sau, anh mới được đón trở về quê nhà Quảng Bình. Sau 28 năm, các cựu chiến binh Tiểu đoàn 3 chỉ tìm được 50 thi thể đồng đội, còn lại 140 người vẫn còn nằm đâu đó hoặc đã hòa hết vào đất miền biên ải Tổ quốc.

FB Hai Bac Tran