ách đây vừa tròn một năm, hồi 11 giờ, ngày 15 tháng 10 năm 1964, Nguyễn Văn Trỗi – người con trên mảnh đất Thành đồng đã đi vào lịch sử…
Lại một lần nữa, bọn đao phủ Mỹ-ngụy cướp đi của chúng ta một người đồng chí trung kiên. Xót đau, căm thù và uất hận… Tình cảm này được chi đoàn giáo viên trường Nguyễn Văn Trỗi thể hiện sâu sắc trong buổi mít-tinh lên án tội ác của bọn giết người; và sau này, còn được thể hiện bằng hành động thực tế hàng ngày.
Một con người, nói như nhà thơ Tố Hữu, “như chân lí sinh ra”, có bao giờ chết được. Anh Nguyễn Văn Trỗi vẫn sống, sống mãnh liệt hơn bao giờ hết! Cũng như nhiều chi đoàn khác, chi đoàn giáo viên chúng tôi đã long trọng tổ chức lễ kết nạp anh làm đoàn viên danh dự của chi đoàn. Từ đó, bên cạnh chúng tôi, có người bạn chiến đấu, luôn luôn động viên, dẫn dắt mọi ý chí, hành động của mình. Chúng tôi tổ chức phong trào thi dua với các tên gọi “Giờ dạy và học Nguyễn Văn Trỗi”, “Làm phần việc của anh Nguyễn Văn Trỗi”, “Lao động lấy thành tích trả thù cho anh Nguyễn Văn Trỗi”…
Lời anh nói “Hãy nhớ lấy lời tôi…” và những bài thơ, bản nhạc, áng văn ca ngợi anh đã khắc ghi trong tâm trí chúng tôi, thôi thúc mọi người hành động có hiệu quả.
Cái chết “bất tử” của anh là ở đó! Đã từ lâu, chúng tôi tha thiết muốn sống, muốn học tập anh không chỉ qua 9 phút lịch sử giữa pháp trường mà qua cả đoạn đời đầy khí phách, hào hùng của người anh hùng. Tác phẩm “Sống Như Anh” ra đời, đã đáp ứng nhu cầu đó. Lúc sách chưa xuất bản, nhiều đồng chí đã tìm hiểu các đoạn trích đăng trên báo. Chúng tôi nhớ mãi những buổi nghe Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi tác phẩm này. Tối tối, cứ đến 10 giờ, mọi người lại tề tựu xung quanh radio để theo dõi. Chúng tôi nghe bằng cả tấm lòng khâm phục và kính trọng.
Hôm phân phối sách về, ai nấy vô cùng cảm động khi được mắt thấy, tay cầm quyền sách còn thơm mùi dầu. Chúng tôi tổ chức đọc tập thể tác phẩm “Sống Như Anh”. Nhiều đồng chí còn ghi cảm tưởng bằng thơ, bằng văn xuôi, viết nhật kí, viết thu hoạch… Nội dung toát lên mấy ý chính:
- Học tập ở anh Nguyễn Văn Trỗi lòng yêu nước nồng nàn, chí căm thù giặc sâu sắc; tình yêu nhân dân, yêu Tổ quốc thiết tha; tình cảm vợ chồng chung thuỷ, nồng thắm.
- Tinh thần dũng cảm, ngoan cường trước kể thù; hy sinh quyền lợi riêng tư và cả thân mình đề chiến đấu đến giọt máu cuối cùng vì sự nghiệp cách mạng, vì lợi ích của nhân dân.
- Niềm lạc quan cách mạng; tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sức mạnh của quần chúng; tin vào sự tất thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Phần liên hệ bản thân rất phong phú, mỗi người đều có tâm tư riêng. Những thiếu sót được bộc lộ và có biện pháp khắc phục cụ thể. Cuộc đời và sự nghiệp anh hùng của Nguyễn Văn Trỗi đã tiếp thêm cho chúng tôi niềm tin cũng như sức mạnh để cùng nhà trường vượt qua khó khăn, trở ngại. Trong chi đoàn giáo viên của trường Nguyễn Văn Trỗi, lúc đầu, có đồng chí chưa quen với công việc nặng nhọc, cuộc sống ở núi rừng. Sức khỏe một số người bị giảm sút, do điều kiện sinh hoạt, vật chất thiếu thốn. Trước thực trạng đó, mọi người đều đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, noi gương anh Nguyễn Văn Trỗi, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Ngày mai đây, nhà trường bước vào năm học mới, khác nào như bước vào trận chiến đấu mới, tuy không có máu lửa, súng đạn nhưng không kém phần gay go, gian khổ. Chúng tôi đều lo lắng trước nhiệm vụ giảng dạy của mình, làm sao cuối năm học, 100% học sinh của mình được lên lớp với chất lượng cao.
Tối hôm nay, bên mé rừng quê hương chiến khu Việt Bắc, trước anh linh Nguyễn Văn Trỗi, chúng tôi, những đoàn viên trong chi đoàn giáo viên xin nguyện tiếp tục giương cao ngọn lửa cách mạng trong bước đường đi tới, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học đầu tiên của nhà trường.
Yên Mỹ, Đại Từ, Thái Nguyên.
Ngày 15-10-1965
N.C.P
* Đại tá, Nghệ sĩ ưu tú, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên giám đốc Trung tâm Truyền hình quân đội.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét