Đời tôi - đời anh “Bộ đội Cụ Hồ” - liên tục chiến binh trong suốt ba chục năm chiến tranh (1945-1975). Kết thúc đời sinh viên, tôi đi hoạt động cách mạng và tự nguyện làm anh chiến sĩ Giải phóng quân. Từ ngày 23 tháng 10 năm 1945 cho đến ngày trở thành cựu chiến binh, tôi liên tục thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ của người đảng viên. Chính trong quá trình ba chục năm chiến đấu trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, tôi đã được Đảng và nhân dân giúp đỡ để xây dựng một gia đình hạnh phúc.
Người bạn đời - Thể Dư - đến với tôi tại Bồng Sơn (Bình Định). Hai cháu lần lượt ra đời trong chiến tranh chống Pháp là Lâm Duy và Dư Lan. Vì nhiệm vụ quân sự Đảng giao, tôi rời Liên khu V (miền Nam Trung bộ) ra Bắc. Đảng cũng tạo điều kiện để vợ con tôi được ra công tác, học tập ở miền Bắc. Nhưng hoàn cảnh chiến tranh đã tác động đến đời tư của gia đình tôi như mọi gia đình khác. Trên đường ra Bắc, cháu gái Dư Lan bị sốt rét ác tính đã qua đời. Còn cháu trai Lâm Duy phải gửi tạm vào Huế cho bà ngoại chăm sóc.
Sau ngày tập kết ra Bắc, năm 1965, Lâm Duy được đi học tại trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi của Tổng cục Chính trị. Cháu hăng hái học tập, rèn luyện và lao động ngày trường Nguyễn Văn Trỗi đóng ở Đại Từ, Thái Nguyên (Việt Bắc).
Lần đó, tổ lao động của Lâm Duy được giao nhiệm vụ vào rừng sâu lấy gỗ về làm doanh trại. Phải đốn gỗ già theo đúng kích thước để làm khung sườn cho nhà ăn của trại. Ba cậu thiếu niên hăng hái nhiệt tình lao động nhưng chưa có kinh nghiệm đốn gỗ trong rừng già. Khi chặt cây gỗ sắp đổ đã không biết chạy tránh hướng nào để đảm bảo an toàn, Lâm Duy chạy đúng vào hướng cây đổ, bị thúc vào đầu, tử thương ngay.
Đưa cháu về Viện quân y 108, Tổng cục Chính trị nhận khuyết điểm trong việc quản lí học sinh và báo tin cho gia đình. Nhưng các anh cũng khéo báo từng bước để khỏi gây đột ngột cho mẹ cháu và bà ngoại. Khi vợ chồng tôi vào đến Viện thì đã xong mọi thủ tục. Cơ quan Tổng cục tổ chức tang lễ, đưa cháu về khu vực quân đội ở Nghĩa trang Văn Điển. Đồng chí phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị chính thức thông báo cho gia đình: Cháu Lâm Duy được đề nghị công nhận là liệt sĩ Thiếu sinh quân.
1. - Trích hồi kí “Ngược Bắc, Xuôi Nam”
* - Phụ huynh liệt sĩ Nguyễn Lâm Duy (khóa 4)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét