TRƯƠNG ĐÔNG NHÂN
Học sinh khóa 5
ùa xuân 1971, khi đang trực phục kích tầu chiến địch ở vùng biển Hòn Mê, Hòn Mát (Cửa Hội, Nghệ An), phân đội tầu 22 nhận được lệnh về gấp Hải Phòng, chuẩn bị “nhiệm vụ đặc biệt D6”: thay mặt lực lượng vũ trang Việt Nam đón tù binh do Mỹ-ngụy trao trả dưới sự giám sát của Ủy ban quốc tế.
Như thông lệ, sau chuyến đi biển dài ngày, tầu chúng tôi cập cảng Hà Đoạn (Hải Phòng) để rửa nước mặn. Xong việc, anh em rủ nhau lên bờ “đi thăm đất liền”. Khi ghé vào một quán nhỏ, không xa cảng, bất ngờ tôi gặp lại Nguyễn Văn Ơn. Cả hai ôm lấy nhau, tay bắt, mặt mừng. Lính cùng trường mà! Chúng tôi kể cho nhau đủ thứ chuyện trên đời. Ngày ở trường hắn học khóa 4, tôi khóa 5 nhưng (sau này) lại cùng nhau về Quân chính Phả Lại rèn luyện.
Thời kì đó, Ơn vừa tốt nghiệp khóa đào tạo “đặc công nước”, đang chờ đi B. Phân đội của Ơn sẽ bổ sung cho B2, chiến trường ác liệt ở miền Đông Nam bộ (gồm cả Rừng Sác và vùng ven đô Sài Gòn - Gia Định). Sau một hồi hàn huyên, chia nhau điếu thuốc, mẩu kẹo lạc, chúng tôi phải chia tay nhau, hẹn ngày gặp lại ở thành phố Cảng.
Những ngày tầu chúng tôi về Xưởng 46 (ngay cầu Hạ Lý) “lên đốc” để “cải dạng” thành tầu dân sự, tôi vẫn qua lại Thuỷ Nguyên, đến trung đoàn 126 thăm Ơn. Ơn cũng nhiều lần về thành phố chơi và ngủ lại dưới tầu tôi. Bạn kể nhiều về một cô gái đang là sinh viên Sư phạm Hải Phòng. Thật tiếc, tôi chưa một lần gặp mặt. Sau đó, phân đội tôi rời Hải Phòng đi làm nhiệm vụ. Cuối năm đó, quay lại Hải Phòng, tôi đến thăm Ơn. Nghe nói Ơn là một chiến sĩ giỏi, được giữ lại làm cán bộ khung đào tạo lớp lính mới. Thật không ngờ, đón tôi không phải là Ơn mà lại là một tin đau lòng: Nguyễn Văn Ơn đã hy sinh ở cửa Hang Lớn (Động Lớn). Nghe anh em kể lại: Đêm đó, trong chương trình diễn tập, Ơn cùng đội trưởng báo cáo “kỹ thuật đánh tầu địch đang neo trên sông”. Giữa các chiến sĩ đặc công khi ở dưới nước phải liên lạc với nhau thông qua một sợi dây dù. Ơn có nhiệm vụ lặn qua mạn tầu phía ngoài bờ, đặt bộc phá rồi kích nổ đánh chìm tầu địch. Khi đang thao tác, không hiểu vì lí do gì mà Ơn mất liên lạc với đội trưởng. Nước đêm giá lạnh cộng với dòng thủy triều đang lên đã cướp đi sự sống của Ơn. Vậy là Ơn đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ!
Sau đó, là chiến tranh, là xa cách. Rồi chiến tranh qua đi, nhiều lần tôi nhờ đồng đội cũ ở Hải quân tìm kiếm thông tin về Nguyễn Văn Ơn. Vậy mà vô vọng! Hầu hết bạn chiến đấu của Ơn đã hy sinh. Biết Nguyễn Văn Ơn được truy tặng liệt sĩ, tôi đã nhờ lục tìm đống hồ sơ quản lí liệt sĩ của trung đoàn 126 và cả quân chủng nhưng không thấy có bất cứ thông tin nào liên quan đến cái tên Nguyễn Văn Ơn. Lục lại ký ức, tôi nhớ mang máng ngày đó anh em trong đơn vị Ơn đã gọi Ơn với một cái tên khác?! Đúng… đúng là bạn của chúng ta khi đăng lính đã đổi tên khác 1! Vì cùng trường nên tôi chỉ khắc ghi cái tên Nguyễn Văn Ơn ấn tượng chứ không hề nhớ tên mới được anh em gọi. Vậy, tôi chỉ còn biết viết những dòng này để tưởng nhớ đến một người bạn học của chúng ta đã hy sinh khi còn trai trẻ. Lẽ ra bạn cũng được sống trong hoà bình như chúng ta; nhưng cũng chính vì sự hoà bình ấy, bạn đã ra đi!
Quân cảng Ba Son, 2005
T.Đ.N
1. Khi chiến tranh qua đi, chúng tôi mới biết không chỉ Nguyễn Văn Ơn mà nhiều bạn (như Huy Đăng về Hải quân) hay Phạm Văn Hạo (vào chiến trường B2) cũng đổi tên. Đã từng có câu hỏi: vì sao lại phải đổi tên? Nhiều lần trao đổi với nhau, rồi có ý kiến: Anh em ta bị ảnh hưởng lối sống của Ruồi Trâu, khi đi làm cách mạng thì cố dấu hết tung tích của mình! Có lẽ là vậy! Các bạn thật dũng cảm và tuyệt vời!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét