gia đình bạn Lưu Dũng
LÊ QUỐC KHÁNH
Học sinh khóa 5
1. Đầu xuân Nhâm Ngọ, sách đã phát hành, Ban biên tập có ý định tặng cho các gia đình liệt sĩ và gia đình các bạn Lâm Duy, Lưu Dũng, Văn Hoà và Châu Linh. Nhưng bao năm rồi, không có liên lạc, biết gửi đâu? Có một lần điện thoại ra Hà Nội thì được biết thầy Nguyễn Phong có tặng chú Lưu Dung (bố Lưu Dũng) một cuốn. Chúng tôi thở phào nhưng vẫn thấy canh cánh trong lòng...
2. Chiều 23 Tết. Có điện thoại của Trần Hòa Bình: “Vừa nhận được thư của chú Lưu Dung. Cảm động quá! Ông đến ngay!”. Các bạn có thể tưởng tượng xem anh em chúng tôi vui đến mức nào! Tôi có mặt ngay tại Viện 175 và cay cay sống mũi, đọc bức thư chú viết.
Xin đăng nguyên văn bức thư để các thầy, cô và anh chị em trường ta, được giải tỏa những gì còn áy náy.
Hà Nội, ngày 16 tháng giêng năm 2003
Cháu Hoà Bình thân mến!
Chú xin tự giới thiệu, chú là Lưu Dung - bố của bạn Lưu Dũng, bạn học cùng các cháu tại Trường Nguyễn Văn Trỗi.
Chú đã đọc hết cuốn “Sinh ra trong khói lửa” của các cháu. Đọc xong, chú hết sức vui mừng và cảm động! Vui mừng vì các thế hệ học sinh của nhà trường đã tiếp bước Cha Anh một cách xuất sắc. Các bài viết của các cháu súc tích và thể hiện tình cảm rất gắn bó với Đảng và quân đội. Các cháu khi bước vào đời, dù công tác ở trong hay ngoài quân đội, luôn phát huy được bản chất của “Bộ đội Cụ Hồ”, tự tin, vững bước trên con đường mà các chú, các bác và cha mẹ đã đi qua..
Bài “Nhớ ba người bạn sớm đi xa” của Hòa Bình đã làm chú xúc động không sao cầm được nước mắt! Lưu Dũng từ nhỏ rất khổ nhưng hết sức thương yêu cô chú và các em. Hôm được vào trường Trỗi, Dũng hớn hở đi chụp ảnh cùng các em. Nhưng có ngờ đâu, đó là bức ảnh cuối cùng chụp với gia đình để rồi đi xa mãi, không bao giờ trở về! Thực ra, việc thành lập Trường Nguyễn Văn Trỗi là một sự quan tâm rất lớn của Đảng và quân đội với gia đình cán bộ đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, thương yêu chăm sóc cho các cháu được học tập an toàn trong những năm tháng chiến tranh, để sau này trở thành người kế tục sự nghiệp cách mạng. Song, số phận gia đình cô chú đã không được hưởng niềm chăm lo ấy. Cho dù như vậy, thay mặt gia đình, chú chân thành cảm ơn tấm lòng của các cháu với người sớm đi xa.
Sau này, được quân đội cử đi học bổ túc ở Hungary, chú có gặp bác Trần Vũ – Tùy viên quân sự. Chú rất xúc động trước sự cư xử và lòng nhân từ của bác Vũ, rồi cả sự quan tâm của bác Lê Quang Đạo (Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị) ngày ấy.
Cháu thân mến! Thư này đến cũng đã sắp Tết, chú chúc cháu và gia đình sang năm mới luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, các cháu nhỏ học giỏi và ngoan ngoãn.
Cho chú gửi lời hỏi thăm đến thầy cô và các bạn đã được lớn lên từ mái trưòng Nguyễn Văn Trỗi!
Thân ái! – Lưu Dung
(Địa chỉ của chú: Nhà A6, Phòng 25, Bắc Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội).
3. Tiếp câu chuyện còn dở dang! Sáng 4 Tết Quý Mùi, 10 giờ, chuông điện thoại reo. Tiếng đầu dây bên kia: “Lê Bình đây. Chúc mừng năm mới! Chúng tôi đang đến chúc Tết gia đình Lưu Dũng. Ông nói chuyện với chú Lưu Dung nhé!”. Rồi hai chú cháu tôi cùng chúc cho một năm mới an khang, thịnh vượng. Chú thông báo đã nhận được thư của anh em từ thành phố Hồ Chí Minh gửi ra, đúng những ngày đầu Xuân.
Chẳng biết nói gì hơn, tôi tâm sự: “Thế là cuối cùng chúng cháu đã tìm được cô chú và các em. Xin cô chú hãy coi chúng cháu như Lưu Dũng…”
Với tôi đây là chuyện cảm động nhất của những ngày đầu Xuân Quý Mùi!
LQK
0 nhận xét:
Đăng nhận xét