HỮU THÀNH
Nhân ngày Thương binh - Liệt sĩ, 27 tháng 7 năm 1993, anh em Trỗi đã đến thăm gia đình liệt sĩ Vũ Chí Dũng - học sinh khoá 4 và là con trai bác Vũ Công Thuyết, nguyên thứ trưởng Bộ Y tế.
Năm học cuối ở trường, anh thường tâm sự với bạn bè về nguyện vọng được đi chiến đấu. Sau Tết, có đợt khám tuyển đi Liên Xô học lái máy bay chiến đấu Mig-21, anh đã tham gia. Hè năm 1969, sau khi thi tốt nghiệp, Vũ Chí Dũng cùng 40 anh em được Cục Cán bộ tuyển lên Đại học Kỹ thuật quân sự trên Thậm Thình (Vĩnh Phú). Vừa chân ướt chân ráo nhập học, anh nhận được giấy báo trúng tuyển phi công. Thời gian đó, chiến trường miền Nam đã trở nên ác liệt, không thể yên tâm học tập, Dũng từ chối cả việc đào tạo phi công lẫn học đại học. Anh viết đơn xin đi chiến đấu. Thấy con trai rất quyết tâm, không thể chối từ nguyện vọng của tuổi trẻ, bác Thuyết đưa anh lên gặp các chú ở Cục Cán bộ. Thấy Dũng nằng nặc đòi đi chiến trường, các chú đã phải chấp nhận. Và anh đã trở thành một chiến sĩ giải phóng của Sư đoàn 10, hoạt động ở địa bàn Tây Nguyên. Ngày ấy, cứ mười thanh niên miền Bắc vào chiến trường, thì có đến chín người hy sinh vì chưa đủ kinh nghiệm chiến đấu và vì sự ác liệt của chiến tranh. Sau này, một bác sĩ chiến trường - bạn của bác Thuyết, đã kể lại: anh bị thương và chính tay ông đã phẫu thuật cho anh. Nhưng vết thương quá nặng, không qua khỏi. Ngày 6 tháng 12 năm 1971, Dũng hy sinh khi vừa tròn 20 tuổi.
Ngày đến thăm gia đình ở 22 Phan Huy Chú, chỉ có bác gái ở nhà. Anh em tràn cả vào phòng khách, cái phòng vốn rất rộng nhưng hôm nay như hẹp lại. Khoác vội chiếc áo hoa nâu giản dị, bác run tay pha trà vào ấm và rót nước cho từng đứa. Bác xúc động nói: “Nghe tin các cháu lại chơi mà bác cứ ra ra vào vào suốt từ sáng tới giờ, làm gì cũng cứ lóng nga lóng ngóng. Cứ như là thằng Dũng nhà bác sắp về... Thế là nó đã đi xa hơn 20 năm rồi. Nhưng không bao giờ bác nghĩ nó đã hy sinh, nó cứ như đang đi công tác xa. Nếu về đến nhà, nhất định nó sẽ sà vào lòng bác làm nũng...”. Nghe đến đây chúng tôi rưng rưng nước mắt và hình dung ra ngày hy sinh bạn mình còn trẻ quá, còn người mẹ nào cũng luôn nghĩ con mình bé bỏng. Bác tâm sự: “Hôm nó nhập ngũ, bác không khóc như mấy bà bạn cũng có con đi cùng đợt. Bác nghĩ nó đi rồi nó lại về. Ngày nào bác cũng chỉ quanh quẩn ở nhà, không dám đi xa, mà nếu có phải đi xa thì cũng vội mà về. Chỉ sợ nó về lại không gặp mẹ.”
Chúng tôi lặng lẽ thắp hương lên bàn thờ có di ảnh của Vũ Chí Dũng. Trong khung ảnh của bạn có gắn tấm huân chương Giải phóng với phần cuống nửa xanh nửa đỏ. Xin cám ơn bạn và cám ơn cả mẹ! Mẹ của chúng con dám trao cho Tổ quốc những giọt máu quý nhất của đời mình mà không một so đo, toan tính. Cho đến khi những giọt máu thương yêu nhất ấy mất đi thì lại gồng mình lên gắng chịu! Mẹ thật vĩ đại!
Chắp hai tay trước di ảnh bạn, chúng tôi thầm khấn: Dũng ơi, bạn sẽ sống mãi trong chúng tôi và trong lòng mẹ! 1
* * *
Tháng 8 năm 1995, Tuổi trẻ Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 đã có thư báo tin cho gia đình. Và những ngày đầu hè năm 2003 khi tìm được gia đình Dũng, chị Thanh Hương đã chuyển cho tôi lá thư đó:
Kính gửi: Đảng uỷ và UBND phố Phan Huy Chú, Hà Nội
Chúng tôi tỏ lòng tôn kính đối với thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Nhân đợt hoạt động kỷ niệm 50 năm, ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2 tháng 9, thể theo nguyện vọng của Tuổi trẻ Sư đoàn 10, chúng tôi đã quyết định sử dụng “Quỹ tình đồng đội” trong tháng 8 năm 1995 để ghi thư thăm hỏi và thông tin cho các địa phương cùng thân nhân các liệt sĩ đã chiến đấu, hy sinh, xây đắp nên truyền thống anh hùng của Sư đoàn; biết được địa chỉ nơi an nghỉ của người thân để khi có điều kiện thuận tiện cho việc thăm viếng.
Xin kính nhờ Đảng uỷ, Chính quyền địa phương và nhân dân phường chuyển đến:
Ông bà Vũ Công Thuyết
Địa chỉ: 22 Phan Huy Chú, Hà Nội
Có con tên là: Vũ Chí Dũng, sinh...
Nhập ngũ:... Đơn vị: C11, D9, E66, F10
Đã chiến đấu và anh dũng hy sinh ngày 6 tháng 12 năm 1971.
Thi hài được quy tụ ở nghĩa trang Plây Cần,
Số ô: 01 – Số hàng: 15 – Số mộ: 288.
Kính chúc quý địa phương và gia đình An khang, hạnh phúc.
Địa chỉ liên lạc: Phòng Chính trị, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3
HT: 4AH.4002 – Thị xã Kon Tum.
TM. Tuổi trẻ Sư đoàn 10 – Thiếu tá Lê Minh Nghĩa.
Sau đó, ngày 11 tháng 3 năm 1998, trên báo Phụ nữ Thủ đô có tên Vũ Chí Dũng trong danh sách liệt sĩ Hà Nội, an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Sa Thầy. Thấy có sự thay đổi, chúng tôi đã gửi thư cho đơn vị. Ngày 2 tháng 6 năm 2003, Phòng Chính trị - Sư đoàn 10, đã có thư trả lời và thông báo: Do có sự di chuyển theo quy hoạch chung, nay số mộ của liệt sĩ Vũ Chí Dũng là 848, thuộc hàng số 1, tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Sa Thầy (Kon Tum). Trong lá thư này chúng ta còn được biết sau 2 năm rèn luyện trong quân ngũ và chiến trường, Dũng đã trở thành một trung sĩ với chức vụ tiểu đội phó. Thầm nghĩ, tiến bộ như thế phải kể đến cả những năm tháng là học sinh Thiếu sinh quân. Giá như Dũng vượt qua được sự tàn khốc của chiến tranh, chắc chắn sẽ còn trưởng thành.
Và nhân ngày Thương binh – Liệt sĩ năm 2003, chị gái Vũ Chí Dũng đã lên Kon Tum chuyển hài cốt của em về Hà Nội. Sáng ngày 27 tháng 7, Ban Liên lạc trường cùng thầy Bân và các bạn khóa 4 đã có mặt ở Đài hoá thân Hoàn Vũ Văn Điển làm lễ truy điệu đón Dũng về quê hương.
Dũng ơi, chúng tôi rất tự hào vì bạn!
H.T
1. Mấy tháng sau ngày chúng ta đến thăm, bác trai rồi bác gái qua đời. Vậy là Dũng đã gặp bố mẹ!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét