Mọi năm, cứ đến ngày giỗ anh, chị Phan Thị Quyên đều mời đại diện Ban Liên lạc phía Nam về dự. Riêng năm nay tròn 40 năm ngày anh mất, chúng tôi lên lịch tổ chức đi viếng mộ anh. Thật là vui vì dịp này, Ban Liên lạc khóa 3 mời được hai thầy Nguyễn Phú và Bạch Quốc Bính từ Hà Nội vào chơi. Và cách đây gần tháng, chúng tôi tìm được thầy Nguyễn Hữu Tiến (dạy Địa) sau 34 năm mất liên lạc. Thầy vui vẻ nhận lời cùng đi với cô Phạm Thị Thục, thầy Phạm Đình Trọng và thầy Mai Duy Vọng.
Sáng 15 tháng 10, nắng đẹp, trời trong xanh. Những chiếc xe con của học sinh trường Trỗi nhận nhiệm vụ đón thầy, cô đã quay đầu ở quán cóc ngay Ngã ba Cát Lái. Những cái bắt tay chân thành, những vòng tay ôm chặt nồng ấm của kẻ Nam, người Bắc sau bao năm xa cách. Thầy, cô và các bạn cảm động hơn khi thấy Nguyễn Chỉnh Huấn (khóa 5) với tấm lưng thẳng đơ đang dùng hai tay điều khiển “chiếc xe ba bánh tự chế” vượt cầu Sài Gòn rẽ vào. Bạn Lê Tất Thắng (khóa 4), quận ủy viên quận 2, được phân công “dẫn đoàn” về nghĩa trang Văn Giáp. Hồ Bá Đạt thay mặt thầy trò nhà trường đến đón chị Quyên và Phương (cháu ruột của anh). Lại những cuộc hội ngộ cảm động của thầy, trò, đồng nghiệp trước mộ anh. Cũng sáng nay, những cháu đội viên thiếu niên với khăn quàng đỏ cùng những đoàn viên, thanh niên lấp lánh huy hiệu Đoàn trên ngực mang những lẵng hoa thắm sắc màu đến viếng anh. Những thợ điện trẻ của Công ty Điện lực Tân Thuận, những người đang kế tục truyền thống của anh, vui mừng trước sự có mặt của chị Quyên và xin phép được chụp ảnh kỉ niệm.
Đúng 10 giờ, thầy trò trường ta tập trung đông đủ. Điểm mặt các khóa thấy anh Lê Võ Tiến Hưng thay mặt cho khóa 1, khóa 2 có Nguyễn Hòa Bình từ Hà Nội mới vào, khóa 3 có Nguyễn Tất Tuấn, khóa 4 ngoài Thắng còn có Dương Minh; khóa 5 có thêm Phan Nam, Tấn Mỹ, Công Trường; khóa 6 có hai bạn Duy Thiệp, Anh Minh đang công tác tại Công ty Petech; khóa 7 có Lê Hòa Bình, Đậu Thanh Châu, Nguyễn Hoài Nam, Nguyễn Hữu Hà; khóa 8 cùng Đạt còn có Dương Đức Hải. Trước mộ anh, Trần Kiến Quốc xúc động, thay mặt Ban Liên lạc, phát biểu: “Kính thưa các thầy, cô cùng chị Phan Thị Quyên và các anh chị, các bạn! Cách đây đúng 40 năm, anh Nguyễn Văn Trỗi đã anh dũng hy sinh trước họng súng thù. Cũng gần 40 năm qua, trường Thiếu sinh quân của thầy trò chúng ta là nhà trường đầu tiên được mang tên anh. Phát huy truyền thống ông cha, noi gương anh, được thầy, cô giáo hết lòng dạy dỗ, giáo dục, chúng em đã trở thành những sĩ quan, kĩ sư, bác sĩ, những người có ích cho xã hội. Hôm nay, cùng thầy, cô và chị Quyên, chúng em tập trung về đây tưởng nhớ đến anh... Một phút mặc niệm bắt đầu!”. Sau đó chị Quyên cùng thầy, cô rồi đại diện các khóa lần lượt lên thắp hương cho anh. Khói hương nghi ngút bên những lẵng hoa tươi tỏa ngát hương trên mộ anh. Chúng tôi còn chụp nhiều ảnh lưu niệm. Trước khi ra về, chị Quyên có lời cảm ơn và mời thầy trò về qua thăm nhà. Chúng tôi cũng nhận lời tới dự đám giỗ của anh vào tuần tới.
Thăm cơ ngơi của chị xong, chúng tôi kéo nhau ra Quán Gió, nằm ngay bên bờ sông Sài Gòn, ăn bữa cơm thân mật. Thủy triều lên đang đẩy những cánh bèo ngược dòng. Gió mát lồng lộng. Những chuyến tàu đang hối hả rẽ sóng. Bên những món ăn quê hương, thầy trò cùng nâng ly nhắc lại chuyện những ngày gian khó cách nay đã 40 năm. Chúng ta đã có những kỉ niệm thật đẹp!
Sài Gòn, ngày giỗ anh 15-10-2004
B.L.L
Chuỗi thơ anh Trỗi (Chế Lan Viên)
Trả lờiXóahttp://www.cinet.gov.vn/vanhoa/Vanhoc/vh-vietnam/tacgia/20/tho/tacpham/v/clv_TUYEN%20TAP/9.DOI%20THOAI%20MOI%20%281967-1973%29/index.htm
Ban Liên lạc phía Nam cùng thầy, cô giáo và chị Phan Thị Quyên viếng mộ anh Trỗi, ngày 15-10-2004.
Trả lờiXóahttp://www.xaluan.com/images/news/Image/2009/10/14/images139340_IMG_0369.jpg