Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2016

Ngô Ngời trong kí ức của những người lính xe tăng

Cảm động cuộc hội ngộ của những người lính xe tăng

Uyên Na
Báo Pháp luật Việt Nam điện tử
Thứ Ba, 22/3/2011 08:51.

Những ngày tháng ba, có một cuộc hội ngộ của những người lính xe tăng 273 tại nơi những vết xích xe tăng đầu tiên chuyển từ ga Vĩnh Yên về trường Sỹ quan Tăng thiết giáp của hơn 50 năm trước. Những người lính can trường năm xưa “đã ra quân là đánh thắng”, có người 36 năm, có người trên 40 năm mới gặp lại đồng chí, đồng đội mình…

Cuộc hội ngộ của những người lính 273



Những người lính tên Quê

36 năm đã trôi qua nhưng trong chúng ta, có lẽ không ai có thể quên hình ảnh hai chiếc xe tăng mang số 843 và 390 dẫn đầu đội hình, húc tung các cánh cổng sắt tiến thẳng vào Dinh Tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn lúc 10h45 phút ngày 30/4/1975. Đại đội trưởng Đại đội xe tăng 4 - Trung úy Bùi Quang Thận đã cắm lá cờ chiến thắng trên nóc Dinh Độc Lập...
Đó chỉ là chiến công trong hàng loạt chiến công oanh liệt của Binh chủng Tăng Thiết giáp trong kháng chiến, từ trận mở đầu ở Tà Mây- Làng Vây cho đến chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn Miền Nam… góp phần quan trọng vào chiến thắng chung của cả dân tộc.
Ngày ấy, những người lính trẻ vào Tây Nguyên khi tuổi chớm 20. Trong kí ức những người lính đó là những mùa mưa mù trời, những ngày mưa dầm dề không thể nấu cơm, lính tăng tếu táo khỏa lấp nỗi buồn kể chuyện tiếu lâm cười kha kha và hỏi nhau: “Mày tỉnh nào?” để thấy ấm áp hơn dù chỉ là đồng hương người Bắc.
Rồi chẳng hiểu tự lúc nào, chỉ riêng những người lính tăng đã quên đi cái tên thân thuộc của mình và chỉ gọi nhau bằng Quê, anh Quê, thằng Quê… hàm ý rằng tất cả anh em đồng đội là người một nhà, thân yêu như quê hương mình vậy. Có người thì nhớ về tình quân dân với đồng bào Tây Nguyên, đó là những vạt sắn, rau tàu bay, những gùi măng dấu bên vệ đường chờ bộ đội mình...
Và trong chiến dịch Đăc Tô - Tân Cảnh mùa xuân 1972, đường ô tô không sử dụng được nhiều vì địa hình, vì máy bay Mỹ, vì bí mật chiến trường, họ phải giấu xe vào hầm ếch xuyên sườn núi, còn người thì nào gùi, nào thồ bằng xe đạp, nào vác gạo, cõng đạn ra mặt trận. Ghé vai cùng bộ đội là già trẻ gái trai người Êđê, M’nông, Gia rai... với mảnh khố, chiếc váy tuềnh toàng, cái bụng lép kẹp vì thiếu muối, đói cơm mà cõng đạn chuyến sau nặng hơn chuyến trước. Có cô gái còn gùi hàng trăm kilôgam hàng một chuyến…

Nghĩa tình đồng đội

Nhưng trên tất cả, họ thấm thía hơn ai hết những mất mát hy sinh, bởi họ đã kinh qua những trận đánh sống còn xuyên suốt Buôn Mê Thuột, tiến về Dinh Độc Lập trong ngày thống nhất đất nước. Bởi ở đó có tuổi trẻ, máu xương của họ và đồng đội nằm lại.
Trong những câu chuyện của người lính xe tăng, một người bạn đã khuất luôn được nhắc tên, đó là anh Ngô Ngời - sinh viên năm thứ hai Đại học Bách Khoa - là con em miền Nam tập kết ra Bắc. Ngày 6/9/1971 anh cùng 3.000 sinh viên “kẻ sỹ Bắc Hà” trở về miền Nam chiến đấu. Rồi anh trở thành Đại đội phó kỹ thuật và chính là người nổ phát súng đầu tiên giải phóng Buôn Mê Thuột và nhiều cái tên khác nữa, mãi mãi không thể xóa nhòa trong tim những người lính 273.
Cựu chiến binh Phạm Gia Vĩnh, nguyên Trưởng ban Tác chiến của trung đoàn bùi ngùi: Có ngày hôm nay chúng ta phải mất bao nhiêu máu xương của đồng đội, bao nhiêu đồng chí đã nằm lại ở những nẻo đường thân yêu của đất nước. Và thay cho tình cảm những người đồng đội, ông Vĩnh nhờ hương trời, gió biển gửi tới những người lính đã nằm lại những dòng thơ nghẹn ngào:
“Tôi đi tìm anh
Đến tìm anh sau giờ chiến thắng
Nỗi đau thương
Bên xác pháo nghi ngút
Nghi ngút bóng đất trời có bóng hình ai
Anh ơi, ánh thép rực hồng
Đưa anh về với núi sông quê nhà".

Chứng kiến cuộc gặp gỡ đầy cảm động này, tôi hiểu, đối với người lính, không phải thời gian trong quân đội là vài tháng hay cả cuộc đời mà một khi đã khoác lên mình màu áo lính, họ đã coi nhau như ruột thịt, không thể xóa nhòa. Dù cho, khi chiến tranh đã đi qua, có thể hạnh phúc thật nhỏ nhoi như khi người mẹ cầm được nắm xương con, người vợ thắp được nén nhang nơi anh đã ngã xuống, và đồng đội tìm được mộ phần bạn mình để nghẹn ngào gọi: “Quê ơi".

Uyên Na


Cựu chiến binh Nguyễn Tiến Thưởng - nguyên Chính trị viên Lữ đoàn 273 nghẹn ngào: “Những địa danh Đắc Tô, Tân Cảnh, Kon Tum, Cheo Reo, Phú Đồn… đã là người lính 273 không ai không nhớ những chặng đường của một thời oanh liệt, những trận đánh đã đi vào sử sách. Đó là Đại đội trưởng Đại đội 9 Trương Công Đạo mở màn ở trận Cầu Bông đã dùng xe tăng E41 nghi binh để mở đường cho đoàn quân tiến vào giải phóng Sài Gòn trong ngày 30/4 lịch sử. Và trong những giờ phút ác liệt ấy tôi không thể quên có 7 xe tăng đã bốc cháy cùng mấy chục đồng đội đã hy sinh trong những giờ phút cuối cùng trước giờ chiến thắng”.

Uyên Na


Báo Pháp luật Việt Nam điện tử - Thứ Ba, 22/3/2011 08:51.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét