Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2016

Trịnh Thúc Doanh trong hồi ức của "Lính Sinh Viên"


Dựng nước - Giữ nước > Máu và Hoa > Một thời máu và hoa (Các quản trị: quansuvn, binhyen1960) > Lính vệ binh


linh71 Thành viên
27 Tháng Sáu, 2012, 11:44:31 AM

Tháng 8 năm 1971, vừa nghỉ hè năm thứ nhất quay lên trường thì nhận được giấy báo khám NVQS từ tay bà Định giáo vụ khoa. Thế là cả lũ con trai của khoa và của cả trường ùn ùn xuống trạm xá nhà trường khám tuyển. Sau khi nhận được tờ kết luận "sức khỏe B1" tôi linh cảm mình sẽ trở thành người lính. Thế là tôi cùng với Vũ Hồng Phong, Hoàng Đình Giang - 3 anh em cùng khóa K15 VTĐ ĐHBK cùng quê HP nhảy tàu hỏa trốn về nhà.
[...]

Tối ngày 5-9 trường tổ chức liên hoan tiễn chân các SV lên đường nhập ngũ. Bí thư ĐU trường Bùi Nguyên Cát phát biểu "... chúc các đồng chí lên đường... Nhà trường sẽ rải thảm đỏ đón các đồng chí trở về..." Ăn xong nháo nhào chạy lên nhà B5 (KTX nữ) tìm cô bạn gái mà không gặp! Nó là cái điềm "không xong rồi"! Sáng hôm sau tập trung ở sân C2 để lên đừng. Hàng chục xe Hải âu đã chờ sẵn. Sân trường đông nghịt người. Người đi. Người đi tiễn. Tôi lên xe, thẫn thờ nhìn biển người loang loáng trước mắt... Xe nổ máy chuẩn bị chuyển bánh thì cô bạn tôi nhào tới, chỉ nói mỗi câu "Hùng ơi", dúi vào tay tôi chiếc phong bì nhỏ rồi rũ ra khóc... Xe lăn bánh và nước mắt tôi chảy dài trên má.
Đoàn xe chia về các ngả. Chúng tôi được đưa về thôn Vĩnh ninh, xã Vĩnh quỳnh Văn Điển và được phiên chế vào C4 K4 E95 F325. Nhận quân trang, phân về A, B và chia về các nhà dân trong thôn. Tối giở phong bì ra xem thấy một khăn mùi soa trắng viền chỉ đỏ, thêu một bông hoa và một con chim (có 1 con thôi, buồn nhỉ). Lặng lẽ đút vào túi.
Mấy hôm sau lên tàu ở ga VĐ. Tàu qua cầu Long Biên, nước ngập mênh mông mà lòng trống rỗng. Tối tàu tới ga Việt Yên. Lính xuống tàu hành quân bộ đến nơi đóng quân. Trời đêm, bờ tre tường nhà còn ngấn nước trận lũ 71. Các mẹ nấu nước che gánh ra ven đường cho bộ đội uống. Các cô dân quân đẩy xe cải tiến chở đơc ba lô cho các chàng lính cậu... Mờ sáng thì tới nơi đóng quân. Mệt quá, tôi chúi đầu vào một đống rơm ngủ li bì. Sáng hôm sau các A trưởng nháo nhào tìm gọi thu quân. Đại đội 4 của tôi đóng tại thôn Xuân Lạn, cách phố Thắng khoảng 3 km. Tổ 3 người có tôi, Bích học cùng lớp người Nghệ an và Thi K14 Hóa ở cùng một nhà. Dũng bạc ôm cây RPD nên được gọi là Dung ba que (nay gọi lại là Dũng "tử tế") cùng A khác tổ.
Ba tháng rèn binh bắt đầu. Ngoài các bài cơ bản là rèn thể lực. Lính đi xin tre về đan sọt, đóng đất thành từng viên 10kg một, xếp dần vào sọt tập đeo. Một viên, hai viên rồi tới ba, bốn viên. Đôi vai sần lên rồi nhẵn bóng, lên sừng vì đeo nặng. Đại đội trưởng của tôi là trung úy Khúc Quang Xuyền người Vĩnh bảo HP. Ông đi lính từ 1951, người nhỏ thó, đen đúa, rất có "uy" rèn lính. C4 toàn lính Bách Khoa, gồm SV các khoa Động lực, VTĐ, CTM, LK và Hóa, con em miền Nam tập kết có, dân trường Trỗi có. Lại có cả mấy chàng con ông kễnh nữa. Hồi ấy có những chàng "quậy" khét tiếng như Đặng Mạnh (HSMN tập kết, LHS Cuba về học CTM BK), Sâm "trọc"... nhưng ông Xuyền đều "trị" được hết. Phải nói là, sau thời gian huấn luyện, cả C đều "phục" C trưởng KQX. Đến nỗi sau này gặp nhau đều "khoe" tao ở C Xuyền đây.
Lính tập luyện nhiều, bị bệnh ngoài da. Cứ buổi chiều, khoảng 4h30 là trực ban lại tuýt còi cho anh em bị bệnh ngoài da bề tập trung bôi thuốc. Lính bị bệnh nhiều đến nỗi, đại đội phải dựng một bờ rào bằng cót cao để thao tác không bị lộ hình. Khu bôi thuốc trước cửa nhà ăn. Lính đứng sắp hàng ngang sau tấm cót che. Y tá Hải tay cầm một chiếc đũa cả tự chế quấn đầy gạc, nhúng đẫm thuốc. Đi qua đứa nào, anh lại hô "chổng" rồi quệt cho một chữ X. Xót quá, có chàng cắm cổ xuống đầm nước ngay đấy cho đỡ xót... Viết tới đây lại tràn nước mát nhớ anh Hải. Anh tốt lắm, thương và chăm lo cho lũ lính trẻ chúng tôi như một người chị chăm em vậy. Mùa rét, anh lấy tỏi giã, lọc nước thấm bông vê thành từng viên tròn cho từng đứa nút mũi phòng cảm lạnh. Anh hy sinh trong Cổ thành trong khi cứu chữa thương binh.
[...]

Thời gian huấn luyện đã hết.Toàn bộ trung đoàn sinh viên, một số được chia xẻ cho các binh chủng, các sư đoàn khác. Số còn lại được chia thành các đơn vị của chính E95. Lúc này, toàn sư đoàn cũng chuyển nhiệm vụ từ tăng cường sang cơ động. Tiểu đội tôi cũng tan đàn xẻ nghé. Dũng ba que, Thái bọ và một số lính SV có "căn cốt" VTĐ được phân về D18 TT cùa, C18 của E và các B TT của 3 tiểu đoàn 4,5 và 6. Mỗi ngày vài đứa đi, đại đội cứ vơi dần. Khi đã đi quá nửa quân số, C4 lại chuyển vị trí đóng quân sang làng khác, cách Xuân Lạn hơn 2 km. Về nơi ở mới, không luyện tập gì. Tôi được điều xuống nhà bếp với nhiệm vụ nuôi đàn lợn của dv gần chục con. Buồn chán quá, suốt ngày đánh lợn. Rồi một hôm, đang rửa chuồng lợn thì liên lạc xuống bảo lên C bộ. Lên C bộ thì thấy có 2 lính nữa là Lục Văn Long và Trịnh Thúc Doanh cùng có mặt, cùng với một ông cán bộ rất đẹp trai (sau này mới biết đó là trợ lý quân lưc E). Ba chúng tôi được giao nhiệm vụ theo chàng trợ lý này về E bộ. Thế là chúng tôi về E bộ, trở thành "lính trung đoàn là quan...". Lúc đó đã cuối tháng 12 năm 71. Về E bộ, Long được phân công làm cần vụ cho Trung đoàn trưởng Lý Long Quân vì hắn có thân hình cao to lừng lững. Tôi và Doanh về trung đội vệ binh. E bộ đóng ở thôn Nếnh, cách ga Việt Yên không xa. Khoảng nửa tháng sau, B vệ binh được bổ sung thêm một số lính Nam Định (F338) và một số lính Hải Hưng nhập ngũ 10-71. B vệ binh có 3 tiểu đội, mỗi A 7 chú đúng phiên chế chiến đấu hồi đó. Lính được trang bị toàn AK báng gấp loại dành cho lính nhảy dù của LX trông oách lắm.
Trung đội vệ binh đóng trong ngôi nhà ngang của đình làng Nếnh, cạnh đấy là bếp ăn của E bộ. Ngôi đình chính làm hội trường E bộ. Đời lính vệ binh bắt đầu bằng các bài tập võ thuật, các bài bắn súng. Đặc biệt, mỗi sáng thứ Hai hàng tuần thì lính vệ binh luân phiên nhau đọc 10 Lời thề và 12 Điều kỷ luật dưới cờ. Cho đến bây giờ vẫn còn nhớ "Chúng tôi, chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam, dưới lá cờ vinh quang của Tổ quốc xin thề..."
Công việc của lính vệ binh là bảo vệ, canh gác doanh trại, và đi làm KSQN tại khu vực ga Việt Yên và thị trấn Đáp Cầu. Một lần tôi cùng với Khóa, một chiến sĩ VB đi làm nhiệm vụ KSQN tại khu vực ga Việt Yên, băng đỏ KSQN đeo trên ống tay, AK báng gấp máng bên sườn trông oách lắm. Đi qua khu vục ga, thấy mấy cô em xinh đẹp đang cong m...đẩy xe cải tiến chở gạo, chú Khoa nhà ta ngứa mồm trêu một câu. Không ngờ các cô em xổ lại một tràng tiếng Nga. Chết bỏ mẹ! Chú Khóa nhà ta mặt tuỗn ra, hỏi Hùng ơi, chúng nó nói gì đấy. Tôi bảo Khóa mày để tao. Thế rồi cũng xổ ra một tràng ZDrachtvuiche,maia yvuska. Thế là các cô nàng đỏ mặt cười rũ rượi. Sau một hồi làm quen biết các cô nàng là sinh viên ĐHNN sơ tán ở Việt Yên.
[...]

Ra ngoài tết, tôi được gọi lên ban quân lực mấy ngày. Công việc là lập sổ quân lực mới cho toàn trung đoàn.Mỗi người được trói gọn trong một dòng, bắt đầu là họ và tên, kết thúc là ”Khi cần báo tin cho ai”. Linh tính mách bảo sắp đi B. Hoàn thành xong công việc toàn trung đoàn hành quân rời Việt Yên lên đóng quân tại Bố Hạ. E bộ đóng quân ven Đầm Mây trên một khu đồi lúp xúp đầy sim mua xen lẫn bạch đàn. Lính công binh của C17 dựng nhà bạt cho các thủ trưởng và ban Tham mưu. Còn cánh vệ binh mắc võng nằm ở vạt bạch đàn. Được mấy hôm thấy Công binh dựng thêm một lều bạt cho Trung đoàn trưởng Lý Long Quân. Các tham mưu con nhỏ to... Tôi gặp trưởng ban 5 và hỏi thì biết là vợ của thủ trưởng sẽ xuống thăm thủ trưởng vài ngày. Thủ trưởng tôi người dân tộc Tày, đi lính từ hồi chống Pháp khi mới mười mấy tuổi. Thủ trưởng đã có một người vợ nhưng không có con. Thủ trưởng đi chiến trường, bà ở nhà cưới cho ông một bà vợ khác để mong có con. Biết được như vậy, cánh vệ binh chúng tôi lặng người. Trung đoàn trưởng của chúng tôi là một người rất đặc biệt. Rất thương lính. Và nóng tính như lửa. Lúc nóng lên ông quát cấp dưới ầm ầm. Cái lều đã dựng xong. Hôm sau vợ thủ trưởng xuống. Một hôm gặp thủ trưởng tôi đánh bạo xin bố ơi, cho con về thăm nhà mấy hôm nhé. Cụ chỉ cười không nói. Chợt một hôm một chiếc commăngca chạy vào E bộ đón vợ thủ trưởng đi. Chúng tôi biết ngay là đi rồi. Hai hôm sau hành quân ra ga Kép lên tàu xuôi. Qua ga Hàng Cỏ, tàu dừng một lúc lâu. Vệ binh chúng tôi được lệnh làm nhiệm vụ KSQN. Không biết bao nhiêu lá thư được viết vội, được đưa vội vào tay những công nhân đường sắt, vào tay tất cả những ai có mặt trên sân ga lúc đó. Rồi tàu chuyển bánh. Qua đường Nam bộ, những lá thư viết vội vẫn tới tấp bay xuống mặt đường với những lời nhắn nhủ... Tàu chạy ngang qua trường Bách khoa. Tôi nhìn lên giảng đường C9 với chiếc cầu thang ngoài lồi ra phía đường Nam bộ thấp thoáng bóng người. Rồi tất cả ở lại phía sau. Xẩm tối tàu đến ga Gôi Ninh Bình, rẽ vào đoạn đường tránh. Ở đấy đã có một binh trạm tiếp đón. Chúng tôi xuống tàu lấy cơm. Lấy cơm xong tàu chuyển bánh ngay. Mờ sáng tới ga Quán Hành. Lính xuống tàu hành quân vào trong xóm. Tản ra các nhà dân. Chiều, xe ô tô vào chở lính đi tiếp. Các đơn vị thì cưỡi xe Giải phóng, còn lính E bộ lại cưỡi Hải âu. Đúng là “lính trung đoàn là quan...”. Vượt phà Bến Thủy khi chiều gần tắt nắng. Xe chạy gần tới Đèo Ngang thì dừng nghỉ. Các mẹ các chị ào ra mang nước chè tươi, mang trứng luộc ra cho bộ đội. Hết trứng luộc thì mang trứng sống. Tôi vớ được một quả trứng sống. Khoảng 4 giờ sáng xe tới vị trí tập kết. Đó là một thôn nhỏ thuộc xã Quảng Châu huyện Quảng trạch. B vệ binh chúng tôi vào trú tạm ở một trường học. Nhào vào một phòng học, kéo 2 cái bàn khít lại thế là ngủ thiếp đi. Sáng ra lại tiếp tục hành quân bộ đến vị trí đóng quân. E bộ đóng quân tại thôn Thủy Vực xã Quảng Hợp huyện Quảng trạch.
Thôn này có địa thế rất đẹp. Rìa làng có một con suối uốn quanh, sau lưng là dãy núi. Tiểu đội tôi đóng trong nhà một bà mẹ có 2 con trai đang ở chiến trường. Ông bọ đi thuyền đánh cá dưới Quảng Phú, vài hôm mới về nhà một lần. Mẹ thương chúng tôi lắm. Mẹ bảo các con mang cơm về ăn với mẹ. Ăn cơm với mẹ có cá nục kho, có mít non luộc xé nhỏ bóp mắm ruốc...
Ở cùng địa bàn với chúng tôi còn có trạm quân y 201 (không nhớ có phải là bệnh viện dã chiến của V108 hay V103). Tôi làm quen được với một cô anh nuôi, thỉnh thoảng vác bát sang xin em tí mỡ về cải thiện. Đơn vị bắt đầu ăn chuyển cấp từ 7 hào lên một đồng. Bữa cơm toàn lòng lợn xào bí ngô. Một hôm tôi và một người nữa đi ra HTX mua bán của xã mua mấy thứ lặt vặt, về đến đầu làng thì máy bay bổ đến đánh bom đúng vào vị trí đóng quân. Một cán bộ trợ lý quân lực trúng bom tan nát cả. Hai thằng bọn tôi về đến nơi thì máy bay Mỹ đã đi. Lao vào dọn dẹp. Đi nhặt từng mảnh thịt lẫn đất còn khét mùi khói bom. Một đoạn ruột vắt ngang cành tre... Mấy hôm sau ăn cơm cứ nhìn thấy ruột lợn trắng ởn trên đĩa thức ăn là kinh.
Chiến dịch Quảng Trị 1972 bắt đầu. E18 là đơn vị đầu tiên của F325 lên đường vào QT. Trong khi E 18 lặng lẽ vào, E95 bắt đầu cuộc diễn tập chống đổ bộ ở khu vực Đèo Ngang. Cuối tháng Sáu, đơn vị bổ sung quân trang chuẩn bị vào QT. Gạo nửa tháng đổ đầy ruột tượng, đạn 200 viên, cuốc xẻng, dao tông, cưa tay cấp phát túi bụi. Vào một chiều cuối tháng, đơn vị rời Quảng Hợp, hành quân đến bến đò xã Quảng Liên, xuống xà lan đi dọc sông, bắt đầu chặng đường vào QT. Chặng đi xe, chặng đi bộ. Vào tới Bãi Hà nghỉ dừng chân 1 hôm. Ở đây chúng tôi gặp một đoàn các cháu con em cán bộ miền Nam được đưa ra Bắc học tập. Trên đường từ Bãi Hà vào sông Bến Hải chúng tôi gặp các đoàn dân công hỏa tuyến tải thương binh ra. Bộ đội vượt sông Bến Hải tại ngầm Bến Tắt(hay Bến Than gì đấy). Sông Bến Hải mùa khô, nước cạn lòng sông lởm chởm đá trơn nhẫy, có mấy sợi dây song to bắt ngang sông để bộ đội bám vượt sông. Đến giữa sông, không ai bảo ai mấy mọi người bỏ mũ múc một mũ nước sông, uống tạm biệt miền Bắc. Qua sông, cả đoàn quân chìm ngập trong rừng cỏ tranh. Quảng Trị đang mùa khô, nóng hầm hập. Trên đầu máy bay OV10 lượn vè vè, tiếng bom tiếng pháo từ xa vọng về. Đơn vị dừng chân nghỉ tạm một đêm tại một làng ven sông Cam Lộ. Hôm sau hành quân tiếp. Địa điểm dừng chân tiếp của đơn vị là xá Triệu Ái. E bộ đóng tạm tại thôn Tả Kiên, ở lẫn trong dân. Đến đây hôm trước, hôm sau chúng tôi vào căn cứ Ái Tử lấy tôn vòm về làm hầm. Ở Tả Kiên được vài hôm, E bộ chuyển vào đóng tại thôn Tân Vĩnh ở bờ nam sông Vĩnh phước. Đây là thôn đã bị địch dồn dân bỏ hoang từ lâu rồi, không còn nhà cửa, ruộng mọc toàn cỏ tranh. Ven bờ sông mọc dầy các bụi tre gai, lác đác vài gốc mít. Tiểu đội tôi bố trí ngoài cùng, cùng với hầm anh nuôi và một hầm trực thông tin hữu tuyến. Đêm ngủ hầm đầu tiên ở Quảng trị, đến nửa đêm bị bom B52. Ba đứa ôm nhau trong hầm. Khói bom sặc sụa, hầm rung bần bật. Hết bom, nghe bắn súng báo cứu thương cả lũ cầm cuốc xẻng lao về cuối đơn vị. Đến nơi hối hả bới hầm sập, cứu được một vệ binh sư đoàn đi cùng thủ trưởng TM Sư xuống 95, còn một người khác thì hy sinh. Cùng trận bom B52 đó còn 1 lái xe của E phòng không đóng cùng địa bàn hy sinh. Đóng quân bên cạnh E bộ là C18 TT, bên bờ bắc sông Vĩnh Phước là C24 quân y và một trận địa DKB của E84. Quảng Trị lúc này đã biến thành chảo lửa, mà tâm điểm là thị xã QT. Tiếng bom tiếng pháo ngày đêm không ngớt. Ban ngày, bầu trời xẻ ngang xẻ dọc bởi các vệt khói B52 và pháo tăng tốc từ biển bắn vào, ban đêm từng quầng lửa bùng lên phía sông Thạch Hãn... Mới đầu, cũng sợ lắm, sau quen dần. Chính lúc không gian yên tĩnh nhất lại là lúc cái chết bất chợt đổ ập xuống.

Lính vệ binh, ngoài nhiệm vụ bảo vệ cứ, bảo vệ thủ trưởng đi thị sát mặt trận hoặc lên Sư bộ họp còn làm tất cả những nhiệm vụ bảo đảm hậu cần cho E bộ và các công tác hỗ trợ khác như tải thương,v.v. Đêm đêm chia nhau canh gác và ra cầu Lai Phước cất giấu đạn dược lương thực do xe chở vào đổ ở bờ Bắc, ngày thì vào Ái Tử, Nham Biều tải thương binh về C24. Khu vực bờ sông Vĩnh Phước thường xuyên bị pháo địch bắn vào. Một hôm máy bay đến ném bom dữ dội vào khu vực C18 và trận địa DKB. Một bạn cùng lớp tôi là lính của E84 hy sinh trong trận bom này. Sau này được đưa vào NTLS xã Triệu Ái cùng với các liệt sĩ khác trong khu vực đóng quân. Cánh vệ binh chúng tôi “may mắn” hơn các đồng đội khác là không trực tiếp chiến đấu nhưng cũng có hy sinh. Anh Chiểu B trưởng vệ binh hy sinh trên đường vào Cổ thành. Trịnh Thúc Doanh hy sinh đêm 16 tháng chín 1972 trong khi vượt sông... Tôi cũng mấy lần thoát chết. Một lần, trong lúc đang làm hầm cho cứ phụ ở Xê Kim Tác thì B52 đánh vào Ái Tử. Bom nổ cách hầm vài chục mét. May là kịp chui vào hầm (hầm làm bằng tôn vòm lấy trong căn cứ Ái Tử. Lần khác đi cáng thương từ Nham Biều về, đi ngang qua trận địa DKB thì bị pháo bắn. May cho 3 anh em đi trên đường cao, quả pháo nổ cắm ngay mép đường dưới thấp nên không ai dính mảnh. Ông thương binh lao từ trên võng qua hố bom bên vệ đường, chúi vào bụi dứa dại, hai ông tải thương đứng như trời trồng giữa đường, rồi cũng lao xuống hố bom tránh pháo...



lexuantuong1972
19 Tháng Bảy, 2012, 08:56:23 AM

Nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày thương binh liệt sĩ 27/7, hôm qua các đồng đội, bạn bè của Trịnh Thúc Doanh đã đến nhà để thắp hương cho bạn mình. Cùng đi có các cháu PV của TH kỹ thuật số VTC. Trước đấy mọi người cũng đã đến thắp hương cho Nguyễn Văn Ngọc ở Trần Khánh Dư.

Trịnh Thúc Doanh nguyên SV k15 Cơ khí của ĐHBK, nhập ngũ 6/9/1971, trước đó D là học sinh trường Trỗi với TTNL,PQ... Trịnh Thúc Doanh là lính vệ binh của e95/f325, Anh hy sinh ngày 16/9/1972 trong khi rút ra khỏi Thành. Bao nhiêu năm gia đình anh đi tìm mộ của anh mà không thấy. Tình cờ năm 2003, cô em dâu của Doanh chuyển về công tác cùng phòng với tôi, được biết tôi là lớp SV-CS QT, cô cho tôi biết tình hình. Mặc dù không biết Doanh nhưng cùng là lính SV nên có thể tìm ra thông tin về đồng đội mình. Từ đó tôi liên lạc với Dũng "tử tế", Minh "sứt", là SV k15 BK là lính của e95. Cuối cùng xác định được Doanh là vệ binh của e95 và cũng tìm ta được Toàn quê Hưng Yên (giờ là Trưởng ban tuyên giáo tỉnh ủy Hưng Yên) cùng hầm với Doanh, là người chứng kiến phút cuối cùng của Doanh. Được lệnh rút, Doanh từ hầm sát bờ sông chui ra trước và 1 quả pháo nổ tung ngay chỗ Doanh vừa tụt xuống... Toàn ra sau không thấy bạn mình đâu nữa... Đồng đội đã đưa gia đình vào chính nơi ngày xưa Doanh đã hy sinh, bốc một nắm đất bên bờ Thạch Hãn đưa về NTLS quê nhà tại Định Công, Hà Nội.



linh71 Thành viên
19 Tháng Bảy, 2012, 05:18:55 PM

Nhớ về các bạn tôi


...Trịnh Thúc Doanh học K15 Luyện kim Đại học bách khoa, là con một gia đình quân nhân. Bố mẹ Doanh đều là cán bộ của quân y viện 108. Tháng 9-1971 Doanh nhập ngũ cùng với các bạn bè trường Bách khoa và các trường ĐH khác. Doanh và tôi cùng ở đại đội 4 huấn luyện. Doanh có vóc người hơi nhỏ so với các lính khác trong đại đội.
Hết thời gian huấn luyện bộ binh Doanh được điều về C16. Nhưng do có một tật nhỏ ở gót chân nên Doanh được điều về B vệ binh cùng với tôi. Cùng B nhưng khác tiểu đội. Doanh tính tình hiền lành như con gái, ít nói. Bạn bè trêu đùa chỉ tủm tỉm cười. Vào Quảng Trị, tiểu đội tôi được phân bảo vệ BTM, tiểu đội của Doanh bảo vệ Ban Chính trị. Khi chính ủy Hoàng Thiện vào thành thì một tổ vệ binh vào theo, trong đó có Doanh. Doanh ở trong thành đến ngày cuối cùng. Đêm 15-9-1972, Trịnh Thúc Doanh vượt sông Thạch Hãn cùng với Vũ Đức Toàn, một chiến sĩ vệ binh cùng tiểu đội. Đang vượt sông thì Doanh trúng mảnh pháo, hy sinh. Xác trôi theo dòng nước cùng với bao đồng đội khác...
Thả đèn trên sông Thạch Hãn




...Mỗi lần vào Quảng Trị, khi qua sông Thạch Hãn nhìn mặt sông gợn sóng tôi lại như nhìn thấy các bạn tôi, từng lớp từng lớp trôi dần xa. Lại thấy vẳng bên tai
...Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm ...

Các bạn tôi, người thịt xương tan vào đất cổ thành, người hóa thân thành con sóng Thạch Hãn, người nằm lại dọc đường giải phóng miền Nam... Mãi mãi không về. Mãi mãi còn sống trong lòng gia đình, đồng đội.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét